GIỚI THIỆU SÁCH

ĐIỆU BUỒN PHƯƠNG NAM

(Tản văn của Kim Chi)

 

Trần Văn Chánh

 

Kim Chi không phải nhà văn chuyên nghiệp, dường như chỉ có chút năng khiếu và viết văn chơi cho vui. Chị tốt nghiệp một môn học thuộc ngành quản lý môi trường và đang làm việc ở một trường đại học tỉnh lẻ. Nhưng khi được dịp xem qua bản thảo tập tản văn này, tôi và một vài bạn khác không khỏi có chút kinh ngạc khi thấy trong văn của tác giả có những nét rất đặc trưng của người Việt miền Tây Nam Bộ, thể hiện qua cách diễn đạt và sử dụng từ ngữ, phảng phất phong cách, giọng điệu kiểu Đồng quê của Phi Vân ngày trước, với rất nhiều từ ngữ đặc sệt miền Nam. Còn cách kể chuyện thì trơn tuột lưu loát như văn nói, nghĩ sao viết vậy, không kiểu cọ màu mè. Với một người tuổi còn tương đối trẻ như Kim Chi thì đây là một đặc điểm thú vị mà tôi cho là khá lạ, vì thời buổi hiện đại bây giờ, dám để cho văn mình thả đi một cách tự nhiên không thèm trau chuốt câu chữ cũng là có nét gan cùng mình, nếu không muốn nói độc đáo. Hay là chỉ để viết chơi giết thì giờ lúc rỗi nên tác giả không cần trau chuốt?

Hỏi ra mới biết Kim Chi sinh ra và lớn lên ở huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang, một chỗ đất quê mùa mang đầy đủ nét đặc trưng của khu vực Tây Nam Bộ, điều này giải thích được lý do vì sao lời văn của tác giả luôn có vẻ hồn nhiên thật thà giống như con người ở đây vậy.

 

 

 Về thể loại, các bài viết có tính chất pha tạp giữa tùy bút, bút ký và truyện ngắn, với độ dài ngắn rất khác nhau. Nội dung chủ yếu kể lại những câu chuyện đời thường thuộc nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau của người dân tỉnh lẻ trong bối cảnh lịch sử chuyển đổi sau 30 tháng 4 năm 1975. Có những bài rất gần với chuyện tiếu lâm nông thôn, đọc lên không thể không tức cười  (như “Tưởng bở”…), nhưng cũng có vài câu chuyện phản ảnh hiện thực xã hội gây cho người đọc thật nhiều suy nghĩ bức xúc về hoàn cảnh sống khó khăn nghiệt ngã của một số người dân trong giai đoạn chuyển hình kỳ lịch sử (như “Bông sứ cùi”…). Điều này cho thấy tác giả có phần thiết tha tâm huyết trước thực tế cuộc đời, mà nhịp đập trái tim luôn hướng về những người cùng khổ, chứ không phải chỉ là một kẻ đứng ngoài nhận xét với thái độ hồn nhiên hoàn toàn.   

Có lẽ vì không cố ý làm nhà văn chuyên nghiệp nên cách kể chuyện của Kim Chi rất tự nhiên mà duyên dáng, nhiều chỗ không kém phần lém lỉnh, nhưng mấy ưu điểm vừa kể này vẫn không đi ngược lại với sự sâu sắc cần có của thể loại tản văn, cho thấy tác giả có óc quan sát nhận định rất tinh tế các sự kiện diễn biến cũng như về tâm lý, tính cách nhân vật, hiểu biết rất rõ như đi guốc trong bụng tâm lý, phong tục tập quán, lối sống của người dân địa phương thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp và tuổi tác khác nhau. Tập tản văn nhỏ này vì thế chắc chắn sẽ mang lại cho người đọc một số điều thú vị, ngoài việc đọc giải trí ra, nó có thể cung cấp cho chúng ta không chỉ bức tranh toàn cảnh của một vùng thuộc miền Tây Nam Bộ, mà một số từ ngữ, tiếng lóng địa phương được tác giả sử dụng rất nhuần nhuyễn còn có tác dụng bổ sung nguồn văn liệu cho những nhà biên soạn từ điển.

Khi viết mấy dòng giới thiệu ngắn ngủi này, trong thâm tâm tôi thật sự có niềm hi vọng tác giả Kim Chi nếu vẫn trì chí và chưa cạn nguồn hứng thú với nghề tay trái, sẽ còn có cơ hội tiến xa hơn nữa…

                                                                                                 TVC

(Trích Lời giới thiệu Điệu buồn phương Nam, NXB Tổng Hợp TP. HCM, Quý IV năm 2020)    

  

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 9-12-20