Âm Thanh Ngày Cũ – Du Kích Sông Thao

Trần Q Phiệt

 

Tôi sống hai ngày tại nhà Tân, một người em họ ở làng Lương Yến, một làng nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Đồng Hới. Tháng giêng năm 1950 sau khi rời làng Trung Quán cha tôi đưa em tôi và tôi đến tạm trú ở đây trong khi chờ đợi cơ hội về thành phố. Biết mục đích của cuộc viếng thăm, Tân, người hướng dẫn tôi trong suốt cuộc viếng thăm quê nhà, để tôi ở một mình để tôi có thể đi đâu tùy ý.

Một điệu nhạc quen thuộc phát ra từ máy thu thanh của Tân ở trong nhà. Đó là Du kích Sông Thao với tiếng hát cao vút tuyệt vời của nghệ sĩ Lê Dung. Tôi nghe bài này lần đầu tiên ở Lương Yến trước khi cha tôi đem chúng tôi về Đồng Hới bắt đầu cuộc sống mới. Sáng tác năm 1947 do Đỗ Nhuận trong cao trào chống Pháp, bài hát mô tả những hoạt động của du kích quân trên sông Thao và làm say đắm mọi người. Bài hát cũng làm tôi, một cậu bé mười ba tuổi, say đắm và càng thêm yêu nước. Nó làm tôi nhớ đến những học sinh ở trường Yersin, một trường trung học Pháp ở Dalat, trong đó có người anh cùng mẹ khác cha của tôi đã bỏ học đầu quân chống Pháp. Vào một ngày trong tháng tám năm 1945 bọn trẻ con chúng tôi tiễn chân các anh chị tại nhà ga Dalat, lòng cảm thấy say sưa khi thấy họ biểu lộ lòng ái quốc. Trước khi lên tàu ra tiền tuyến, chúng tôi được bảo thế, các anh chị ấy biểu diễn thao tác đội hình một cách tuyệt hảo, hô to những khẩu hiệu chống Pháp, và hát những bài ca ái quốc oai hùng như Du kích Sông Thao. Có những giọt lệ trong mắt mọi người. Tất cả chúng tôi đều bị hớp hồn. Tôi muốn noi gương các anh chị ấy biết bao!

Tiếng hát Lê Dung cũng khêu gợi những hình ảnh của thời gian ngắn ngũi tôi trọ tại Lương Yến. Trong khi chờ đợi chạy về Đồng Hới, tôi gặp Tiến, một du kích quân, làm tôi nhớ lại các anh chị ái quốc ở ga Dalat năm xưa. Một thanh niên có học thức, anh Tiến yêu Việt Nam thật sự và chiến đấu cho độc lập và tự do của đất nước. Mặc dù Tiến dường như biết được kế hoạch đào thoát của chúng tôi về thành phố, anh ấy không ngăn cản mà trái lại khuyến khích tôi, theo lời anh, nên “theo đuổi một nền giáo dục tốt để sau này phục vụ đất nước hữu hiệu hơn.” Để có một nền giáo dục tốt có chỗ nào tốt hơn thành phố? Rõ ràng là Tiến muốn tôi, người bạn nhỏ của anh, muốn tôi về một nơi tốt hơn cho tương lai của tôi, bởi vì anh có thể dễ dàng ngăn cản kế hoạch của chúng tôi.

Tiến là người bạn tốt nhất trong thời niên thiếu của tôi. Tôi gặp anh chỉ một vài lần khi anh không đi hành quân. Nhưng khi trở lại anh đem đến tôi một sự vui sướng lớn lao. Anh dạy tôi vẻ người và vật với những nét đơn sơ, sau này trở thành món tiêu khiển chính của tôi lúc nhàn rỗi. Tôi nhớ nhất là tài âm nhạc của anh. Có môt lần trong một buổi họp mặt với nhóm của Tiến tôi nghe anh hát những bài ca yêu nước với tiếng đệm từ chiếc khẩu cầm của anh. Tiến thật tuyệt vời khi anh trình tấu Du kích Sông Thao. Lòng yêu nước Việt Nam chứa chan, tài biểu diễn tuyệt hảo, và giọng ca cao vút của anh thích hợp với bài ca đặc biệt này, tất cả khiến cho việc trình bày bài hát của anh một thành công lớn. Khi Tiến ngưng hát chúng tôi cảm động đến chảy nước mắt.

Sau ngày hôm đó tôi bắt đầu nhớ Tiến khi anh không đến thăm tôi. Tiến không những là người bạn thân, một người anh mà hình ảnh anh còn liên quan tới đất nước tôi đã học yêu thương rất sớm trong cuộc đời. Tiến không đến thăm tôi trong nhiều ngày và sau cùng biệt hẵn. Có lẽ anh đã ngả xuống ở đâu đó. Có nhiều cuộc giao tranh xảy ra quanh Lương Yến và vùng lân cận Đồng Hới. Cả hai phía đều có nhiều thương vong.

Tình bạn của tôi với Tiến, việc anh đem tôi đến chơi với nhóm của anh, và ngay cả những tình cảm yêu nước của tôi hôm nay tất cả sống dậy khi tôi nghe Lê Dung hát tuyệt phẩm của Đỗ Nhuận. Lê Dung đưa tôi về quá khứ của tôi và tôi nghe trở lại Du kích Sông Thao do anh Tiến hát một buổi chiều năm mươi năm trước ở Lương Yến. Một đợt sóng hồi ức trào lên trước mắt tôi, mỗi hình ảnh đều phập phồng sự sống. Khi giọng Lê Dung và Tiến hòa nhịp với nhau thành một toàn thể nhịp nhàng, quá khứ sống lại, hòa lẫn với hiện tại. Bài hát làm sống động quá khứ, đem quá khứ trở về hiện tại, biến quá khứ thành một loại hiện tại vĩnh cữu, vô thời gian, hay là một quá-khứ-hiện-tại liên tục. Bài hát đem ra ngoài, đem lên bề mặt niềm nhớ vô thức quê nhà khôn nguôi cháy âm ĩ trong tim tôi từ khi tôi rời Đồng Hới vào Nam. Tôi không cần dùng ký ức để tạo dng lại quá khứ. Nằm trên đôi cánh của tiếng nhạc, quá khứ đến với tôi toàn diện, mạnh mẽ, sinh động, không bị ngắt quảng, liên tục không ngừng trước mắt tôi. Quá khứ hồi sinh thực sự cùng với tiếng nhạc và lòng yêu nước khiến tôi choáng ngợp nhưng trước đây tôi đâu có cảm thấy hay quan tâm?  Ai đang hát? Lê Dung hay người bạn Tiến tôi đã mất? Giọng hát nào làm thức dậy niềm nhớ quê nhà, tình yêu đối với quá khứ, sự vui mừng tìm lại được nó, và nỗi đau buồn khi mất quá khứ của tôi?

Bài hát bắt đầu với người kể chuyện tâm sự với sông Hồng thường xuyên được dùng để chuyên chở dân quân ra tiền tuyến trong thời kỳ chống Pháp. Bởi vì con sông là một phần của đời sống dân quân từ lúc sinh ra đời, nó cũng giống như người bạn trung thành, đáng tin cậy họ có thể tâm sự cùng. Đối với người Việt Nam những sự vật hiện hữu từ thuở hồng hoang, đã nuôi dưỡng họ như đất đai, sông núi không những quan trọng mà còn thiêng liêng nữa. Bảo vệ chúng có nghĩa là bảo vệ quê hương của mình.

Bắt đầu bài hát người kể chuyện hồi tưởng cuộc sống ở quê hương thanh bình trước khi quân thù xâm lăng. Khi giọng cao vút của Lê Dung diễn tả trạng thái tâm hồn hồ hởi của người kể chuyện, tôi cảm thấy được đưa cao lên cõi thần tiên của tuổi ấu thơ hạnh phúc vô vàn. Khi người hát xuống giọng để than vãn số phận đất nước của người kể chuyện, tôi bị trả về kiếp lưu đày và buồn khổ. Tim tôi nặng chĩu như giọng trầm buồn của Lê Dung than thở kiếp không nhà của người dân quân.  Đây những người bao năm lạc loài / Mơ ước được mong sao quay về quê nhà.” Chúng tôi cùng chia xẻ một giấc mơ giống nhau, nhng dân quân trẻ trong bài hát của Đỗ Nhuận và tôi, một người lưu vong già trở về từ Hoa Kỳ. Lòng nhớ quê hương đem tôi trở về nơi chôn nhau cắt rún của tôi, nhưng âm nhạc giúp tôi kết nối với những hồn ma của quá khứ tôi quen và không quen biết và qua họ tôi tìm được thiên đường đã mất của tôi.

Mặc dù được xếp loại là hùng ca, Đỗ Nhuận viết Du kích Sông Thao trong chiều hướng một khúc bi hùng. Bản nhạc không tuyệt đối nhắm nâng cao tinh thần dũng mãnh của người chiến sĩ bởi vì nhịp nhanh và mạnh quá ngắn. Ngược lại, nhịp điệu chậm và dài thích hợp cho việc diễn tả nỗi buồn  chất chứa trong lòng chỉ có những kẻ sống xa nhà mới cảm thấy và không bao giờ nguôi ngoai. Nỗi buồn của những chiến sĩ dài và mênh mông như con sông người kể chuyện đang tâm sự, như thời gian trôi từ quá khứ vô biên  đến hiện tại, như đau khổ không bao giờ chấm dứt của dân tôi và tôi. Giọng cao vút và điệu nhạc buồn thâm nhập vào mỗi tế bào của thân xác tôi, thấm sâu cõi hư vô của không gian mênh mông, biến thành những giọt buồn khi chúng chạm vào những ngọn lá, cành cây trước ngôi nhà thôn quê của cô tôi. Tim tôi và không gian bao la quanh tôi phập phồng với những đợt sóng nhạc buồn và hình ảnh của quá khứ. Bài hát đem tôi về quá khứ (hay đem quá khứ về cho  tôi?), nhưng nó không phải là cái quá khứ tôi đã sống bởi vì nhìn nó chỉ làm lòng tôi nặng chĩu với những tình cảm cô đơn và lạc lõng. Nó đem quá khứ về để tôi quan sát từ quan điểm một người cao tuổi, nhưng nó không thể loại bỏ nỗi đau đớn của lưu đày ngăn cản không cho tôi cảm và thấy như một đứa trẻ⸺một điều cần thiết để tìm lại được thiên đường. Nhìn quá khứ giống như nhìn hình ảnh diễn ra trên chiếc đèn mầu nhiệm quay tròn. Dù yêu dấu và quen thuộc, chúng chỉ là hình ảnh tôi chỉ có thể lưu giữ trong chốc lát trong trí tôi, tôi không thể nắm bắt chúng bởi vì chúng không thực, chỉ gây ảo tưởng, và sẽ nỗ tung khi bị tay tôi chạm phải. Liền khi quá khứ⸺thời thơ ấu, quê nhà, thiên đường—xuất hiện trước mắt tôi chúng liền tan biến vào khoảng không, để lại cho tôi nỗi buồn rầu khôn nguôi.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-6-20