Nhịp

Trần Chiến

 

Nhịp có vẻ là một khái niệm phương Tây. Quen thuộc nhất là âm nhạc, ông cầm đũa “bắt mơ duya” cho ra valse lả lướt, hành khúc thúc giục lên đường. Gọi nôm na với cuộc sống xã hội chung chung, đấy là quãng thời gian “tương đối nhất định” có sự lặp đi lại chuỗi sự kiện, lần sau không hẳn y sì lần trước. Và gắn với sự chuyển động, dời đổi, khi cộng hưởng cao trào lúc trầm lắng mất cả tăm. Nhiều người Tây nghĩ phương Đông chỉ biết đến những cái cụ thể, nhìn thấy. Nhưng các cụ ta xưa hình như đã nghịch ngợm chế ra những kiểu “chơi thời gian” rồi. Điệu chầu văn đương phiêu phưởng bỗng đảo phách dậm dật, rồi ra lắm chị ngồi đồng phải bùa anh cung văn. Có khi “nhịp” gắn với “điệu” từ đây, cũng khuya khoắt nhưng tiếng chầy giã gạo đều đều nặng trĩu nghe khác tiếng mõ cầm canh, tiếng tắc kè “ném lưỡi vào đêm”.

Không có cái nhịp, đời cứ đều đều trôi, dù ổn định mà tẻ nhạt, gây mệt mỏi thốt ra “Sao lê thê thế?”. Vậy là sinh ra Tết. Vào lúc gieo xong dược mạ, nhà nông cho mình nghỉ thật dài sửa sang nhà cửa, dọn bàn thờ, cúng trời đất và người thân. Cả một tháng giêng ăn chơi, cờ người, tổ tôm điếm, thăm cha mẹ, bên vợ bên thầy, thanh minh tảo mộ…, có dừng chút để xuống cây lúa. Trong tiết xuân rời rợi, mưa bụi lay phay lòng rạo rực cầu mong hạnh phúc, yêu đương, đực cái…, qua rằm tháng giêng chửa muốn giở lại cuốc cày đèn sách. Thiên nhiên cũng có nhịp. Ông Mặt Trời tượng trưng cho “dương phần” chăm chỉ cả năm tỏa sáng, sau những ngày nực nội nồng nã lơi tay vào mùa đông. Mà Mặt Trăng xong kỳ vằng vặc lười biếng trốn hẳn mươi đêm, như đàn bà con gái dưới trần tháng nào cũng phải uể oải vài ngày. Vũ trụ bao la bí ẩn là thế nhưng con người cứ “trông trời trông đất trông mây” mãi thì cũng tìm được thời khắc xuống cây lúa thiến con trâu cho thuận lợi. “Không ai giầu ba họ không ai khó ba đời”, nhủ nhau để chăm chỉ, kiên trì, đừng thỏa mãn hưởng lạc.

Xưa các cụ có kỳ nghỉ ngơi bình thường thế nào, chả biết. Nhưng tháng đôi lần, ngày rằm ngày một lên chùa cúng Phật ra đình vọng Thành hoàng, mệt mỏi kiêng cữ cách rách đủ điều mà không thể thiếu. Giữa chừng còn tế Xuân tế Thu Tết Cơm mới. “Chợ Vẽ đôi phiên ngày hai ngày bẩy”, những phiên chợ là cách đánh dấu khác, chả cứ đem con gà mớ rau đi đổi gạo muối, chỉ để mắt trai si đắm hình gái lẳng, tri kỷ hàn huyên bên chén rượu củ lạc. Giờ miền núi vẫn còn cái sướng này, đàn ông co chân trên ghế đánh bát thắng cố, vợ đứng cửa chợ xe lanh, câu hát “pha” vào tiếng ngựa hý, trâu bò khụt khịt.

“Tuần”, bẩy ngày một, hình như xuất hiện từ khi Tây sang, sự nghỉ ngơi ngắn hơn và có vẻ gắn với thành phố. “Hôm nay thứ bẩy mày ơi, Ngày mai chủ nhật đi chơi Bờ Hồ, Bờ Hồ có cái ô tô, Mút kem xem ảnh lại chờ tuần sau”. Thời bao cấp công chức có lệ “Cắt cơm bơm xe nghe thời tiết liếc đồng hồ”, trong khi trai gái phải lòng nhau lại “Thứ bẩy máu chẩy về tim”. Bao nhiêu là háo hức nhưng vì dầy hơn, đời thị dân lại biến đổi nhanh nên không thể chất chứa dư âm bằng thời âm lịch. Dẫu vậy vẫn có người nhất định chỉ ra đường, xuất hành, khởi công nhằm ngày giờ tốt, trừ khi (thời bao cấp thôi) được đi công tác nước ngoài.                                              

Cuộc sống ngày càng khác, sự vận động không ngừng sinh ra bao thứ mới mẻ, gắn với những ất ơ chả cứ thời gian. Nhịp sinh học có vẻ rõ nhất với nhà triết học Kant, đi về đúng giờ như cái đồng hồ. Nhịp sinh nở từ “năm một”, “ba năm đôi” chuyển sang “cách nhau năm năm” cho cơ thể mẹ hồi sức, còn phải trông xem yếu tố khác như “bóc lột” ông bà được đến đâu. Nhịp bóng đá là một khái niệm thú vị bởi nó rất “cao su”, giữ bóng ru ngủ rồi đột ngột tăng tốc, vào nhanh hay chậm chỉ khác tý ty, sinh ra triết lý “người không có bóng quan trọng hơn người có bóng”. Nhưng làm thế nào sang đường được trong nhịp giao thông Việt Nam lại là câu hỏi phức tạp với mấy anh Tây. Cơ quan công sở dồn cả trăm người ngồi ca bin phòng lớn thở không khí từ điều hòa tổng rất áp lực. Để đỡ “xì chét”, sếp cho giữa giờ vươn vai duỗi chân theo tiếng hô, cái nhịp này dễ lại sinh áp lực mới, chả bằng làm điếu thuốc, “buôn” tiếu lâm hay khoe váy áo.

*

Lẽ sinh – diệt, họa – phúc, tồn – vong trong đời mỗi con người dễ nhận ra, như cái vòng “sinh lão bệnh tử”. Nhưng với từng cộng đồng, quốc gia, hình như có những chu kỳ tương đối. Dứt khỏi ách Bắc thuộc, ta cứ chừng hai trăm năm lại bị phương Bắc xâm lăng một lần. Cũng có đận mất vua, đứt đoạn triều chính, nhưng luôn luôn có hào kiệt dắt dân đánh đuổi kẻ kia, đắp nền độc lập không quá cường thịnh mà dai dẳng tự tôn. Lại có những “khúc ngoặt” văn hóa, tôn giáo mà nhịp độ càng ngày càng gấp. Đạo Phật thịnh thời Lý Trần, sang Lê đậm đặc Nho, tôn sùng chữ “Lễ” rất mực. Tưởng như trật tự này nghiêm ngắn được nữa, thì “đùng cái” đôi trăm năm trước nảy nòi ra những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… phóng túng phá cách. Theo một cách giải thích, đó là do ly loạn liên miên, khuôn vàng thước ngọc xã hội lung lay, thương nhân bớt bị khinh bỉ, tâm lý tự do của thị dân có đất phát…, cho ra những tác phẩm đậm chất cá thể. Dẫu vậy Nho còn độc tôn phần lớn thời Nguyễn – một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mất nước. Trăm năm trước, sau khoa thi Hán học cuối cùng, các sinh đồ cuống cuồng chuyển sang tiểu học Pháp -Việt mới thành ông thông ông phán. Thế mà rồi chỉ mươi năm nữa, màu tự do thị thành – dầu là thuộc địa – đã chói chang, làm lóa mắt những bậc khoa bảng chưa sang tuổi “cụ”. Ai mà ngờ Tự lực Văn đoàn lại công nhiên “bôi bác” các trí thức hàng đầu trên báo được: “Nước Nam có hai người tài / Thứ nhất xừ Ĩnh thứ hai xừ Uỳnh (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh) / Một xừ béo núng rung rinh / Một xừ lểu đểu như hình cò hương”.

Chiến tranh đứt đoạn điểm vào những nhịp hòa bình. Tiếng Nga, văn hóa Nga đang chiếm lĩnh chỗ của Pháp thì “phựt”, tiếng Anh lên ngôi. Thời buổi mạng lại có văn hóa, ngôn ngữ riêng, sáng ra “cúng phây” bát mỳ ăn liền, nửa tiếng sau ngó chưa đủ 100 “lai” khéo tự tử. Thời đại thông tin gõ vào ta tiết tấu ngày càng “giật” khiến mỏi cổ chóng mặt, và quảng giao trên mạng xã hội thì bữa cơm gia đình chả cần hàn huyên.

*

Đấy là cái nhịp thời gian, ứng vào những biến động vĩ mô, trên phạm vi quốc gia, xã hội. Nhưng với thân phận từng cá nhân “bé nhỏ” lại tồn tại những vô hình vô ảnh khác, tạm gọi ẩu là “nhịp không gian”. Ra công an làm căn cước mới thấy người phố gặp vô vàn oái oăm. Giấy tờ “đinh ninh” gốc xã nấy huyện nấy, nhưng sau bao lần tách nhập tên hành chính ấy không còn. Cãi cố rồi đành về “quê” xin chứng nhận, thì ông bà ly hương tám hoánh ai biết đấy là đâu. Lại cãi “họ tôi tiền hiền khai canh có khắc bia ngoài đình…”, bằng cứ mỏng manh quá nhưng cũng là dịp tìm về quá vãng, biết tổ tông là ai, từ đâu đến. Đời một con người, một gia tộc đến là lắm biến cố, đang nông thôn đi buôn lang bạt hoặc trốn cải cách ruộng đất đổi ra anh thị dân, sinh tâm lý mất gốc. Có lẽ vì thế mà họ đạo nọ ở Tốt Động – Chương Mỹ ghi lại cả quá trình chuyển cư từ Thanh Hóa, Ninh Bình nương theo sông Châu đánh cá, ra mãi sông Đáy mới “có đất chôn”. “Ta là ai, từ đâu đến?”, câu hỏi này đối với người quen sống kiểu cộng đồng không nhiều “ý nghĩa triết học” mà nặng về di truyền sinh vật. Nhưng cuộc sống hiện đại sản sinh ra khái niệm “công dân toàn cầu”, những con người đa văn hóa. Có lẽ vì thế mà giải Fields Ngô Bảo Châu, khi bị cắc cớ “Anh có yêu dân tộc không?” đã trả lời “Có! Nhưng không phải theo nghĩa máu mủ”. Ông bố nọ muốn con – đã thành giai phố hoàn toàn - về quê phải dỗ “Cứ coi như đi du lịch”. Tức là khi thế giới “hẹp” lại, bước chân con người vươn mãi ra, khoảng cách các cá thể càng lớn. Cái “nhịp không gian” đang nở ra, khó đo thay.

Giờ đang có “quãng nghỉ” dài và chả biết kéo đến bao giờ: dịch Covid. Có người coi đây là “nốt trầm” tất nhiên sau thời kỳ dương phần quá thịnh, phản ứng của tự nhiên trước sự phát triển nhanh. Có lý hay không chả biết, trước mắt là kinh tế “gãy lưng”, đình trệ, thua thiệt. Nhưng lại có những hệ quả khác, như cậu trai phải rời phố về quê, làm quen lại với gốc sung gốc ổi, cho phụ huynh hy vọng nó lấy vợ làng kiếm mấu chống gậy. Như là ông học giả quen đi chơi bị ngồi yên bỗng phát hiện cụ Nguyễn Du 200 năm trước “cũng” chết vì dịch…, để rồi vòng vèo sang luân hồi, chu kỳ với nhân quả. Đây là quãng chúng ta đang phải (hay là được?) sống chậm. Rồi đời sẽ trở lại nhịp gấp gáp bắt ai nấy cuống cuồng theo cho kịp. Thế cũng hay. Nhưng có vẻ sống đúng cái nhịp của chính mình nó hài hòa hơn.

                                                                         11/2021

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-1-22