Gia tộc

Trần Chiến

 

Gia tộc có vẻ là khái niệm dính với thời phong kiến, làng xóm và thành thị chưa cách biệt nhiều. Một địa phương thường kể ra “danh gia vọng tộc”, lấy đó làm đặc điểm đáng tự hào của mình bên cạnh hình sông thế núi. Chiếu theo tiêu chí này thì Hà Nội có vẻ không nổi trội bằng cố đô. Ở Huế đầu bảng là “đích dòng” Nguyễn Phước tộc, để phân nặng nhẹ phải lập ra “cơ quan” Tôn Nhơn phủ. Tiếp đó là các nhánh Tôn Thất, rồi những họ Nguyễn Tri, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Thân Trọng chi chít quan, xác định trên dưới chắc cũng phức tạp. Nhưng tìm vọng tộc của Hà Nội hình như dễ hơn Sài Gòn. Nhìn vào “đỉnh” cơ cấu dân cư - là người tài - của thành phố trẻ trung đón gió bốn phương thì yếu tố dòng giống rất chi bé nhỏ. Từ Huế, Quảng vào trước đây, nay ồ ạt lớp người Bắc, Sài Gòn chả “bài” gì, luôn cởi mở kể cả với văn hóa bên ngoài – Trung Hoa, Âu Mỹ. Đây cũng là một cách nhận diện ba thành phố thường được coi là tiêu biểu của đất nước dài dằng dặc.

Hà Nội, không tính đến phần “thành”, nơi cơ quan “quân dân chính” đóng, thì phần “thị” nên lấy lõi là khu Ba sáu phố phường. Thời Tây vào, nhượng địa phía Nam nhiều biệt thự, và các “phố thông phán” Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế… điểm thêm một nét vào sắc thái chung, thì các phố “Hàng” vẫn được nhắc đến nhiều nhất. Người từ đồng bằng sông Hồng tới buôn bán làm ăn, để lại luôn những dấu ấn văn hóa, tâm linh mang từ quê ra. Đình Đan Loan Hàng Đào do thợ ruộm làng Đan Loan Hải Dương lập nên, đình Kim Ngân Hàng Bạc của thợ bạc. Nhưng phải tưởng tượng theo nếp (nay gọi “cơ cấu”?) cũ, rằng ra trước tiên phải là một hai gia đình, sau đến họ tộc. Khi người làng tụ tập đông nảy ra nhu cầu xây chỗ riêng, thỉnh Thành hoàng ra thờ. Gia tộc có gia trưởng, ông chết theo bác, bố chết nghe anh. Nhưng thương nhân tiền “đuổi” ít thời gian, chả nhẽ cứ hội làng phải dứt ra về quê mới hương khói hiếu hạnh được à. Vậy là tập quán tâm linh mới ra đời, đem bài vị gia tộc vào phối thờ trong những chùa làng chùa họ, đình đền cũ hoặc mới ngoài phố.

Dù sao, người Ba sáu phố phường, với cốt cách thương nhân, mang yếu tố thị dân là chính. Tự do hơn, rường mối lỏng lẻo, vẫn tam tứ đại đồng đường chen nhau trong nhà ống, giỗ tết chung nhưng tinh thần gia trưởng đã phai nhạt. Ngày dưng gia đình riêng ai ấm bếp nhà nấy, cá nhân được khai phóng, sống cởi mở để chịu những ảnh hưởng “ngoại lai”. Chẳng hạn phường thợ may từ Phú Xuyên ra, chàng thanh niên có thể ngang bướng với trưởng phường kiêm trưởng họ để tạo ra kiểu cách ăn vận mới, gọi theo Tây là “mốt”. Rồi rạp xi nê, sàn nhảy đầm, phòng trà nhạc sống mọc lên thì “trật tự” càng tung tóe, con cái vận Âu phục về mừng thọ bố mẹ áo the khăn xếp chai rượu vang.

Phải ra ven ngoại mới thấy rõ nền nếp gia phong. Làng Vẽ (Đông Ngạc) chi chít khoa bảng còn nghiêm ngắn những từ đường, giỗ Tổ các họ lớn Phạm, Phan, Hoàng… xưa rộn rịp võng kiệu, nay san sát ô tô. Đi về phía Nam có Tả Thanh Oai với họ Ngô Thì, Kim Lũ các họ Hoàng Đạo, Nguyễn. Đặc điểm này càng rõ khi Hà Tây thành đất Thủ đô. “Cầu Nam chùa Bắc đình Đoài”. Nhiều ngôi đình ở Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng còn giữ bộ sàn phân chia mâm trên mâm dưới. Tưởng tượng các “đinh” hiện đại ra ngoài nên vương nên tướng về giỗ Thành hoàng vẫn phải theo tinh thần trưởng thượng thấy rất chi phức tạp. Biết làm thế nào khi đấy là miếng giữa làng. Rồi sau đó ta về họ ta lại vẫn có chi cao chi thấp, nghĩ mình đỗ đạt ủy viên bộ trưởng “quên” lễ độ là ăn quả mắng ngay, đến ngày cưới con dễ bị các cụ dỗi không ra.

*

Họ Nguyễn bên mẹ tôi gốc làng Vạc, Bình Giang Hải Dương, có nghề làm lược bí. Thuở những xà phòng Ca may, dầu gội Săn siu chưa có, lược bí chải chấy bán khắp chợ cùng quê, sang tận Nam Vang. Đời nào ra Hà Nội, ông ngoại tôi không ghi lại, chỉ biết cụ tôi có hiệu buôn chè ở 49 – 51 Hàng Đường. Cậu tôi, nếu còn gần trăm tuổi, mỗi áp Tết rất sợ phải sang đền Bạch Mã bên Hàng Buồm lau mâm bồng, đánh đỉnh đồng trên bàn thờ; họ tôi có một nơi cúng bái riêng chăng?

Sau ’54, một đống người trốn tránh hoặc phải gánh quá khứ mũ cánh chuồn, nói tiếng Tây hoặc “đông” nhà cửa, điền sản. Nhiều Tôn Thất đổi sang Tôn Đức, Nguyễn Phước “trần xì” thành Nguyễn, tú tài Tây, nhất là trò Albert Sarrau tỏ ra không biết tiếng Tây. Họ ngoại tôi “tầng lớp trên” nhưng đóng  nhiều người cho cách mạng, các nhánh, cành mất gia sản nhưng con cái vẫn vào đại học, thành công chức được. Dẫu vậy nhiều nếp xưa không còn giữ, như vài chục năm chả về quê Vạc, các gia đình tản mác, cúng bái giản tiện “cho phù hợp” lối mới. Tài, là người giữ hồn cốt gia tộc lại người đàn bà.

Cô Nhắt ở 17 Hàng Đường, không lấy chồng. Đợt cải tạo nhà cửa những năm sáu mươi, cô đón người bà con “cán bộ” về, giữ lại được căn nhà ống, đi qua cửa hàng bán đồ khô đến khoảnh sân bầy chậu hoa, cầu thang chẽ sang hai tầng gác. Khi việc thờ phụng của cả họ suy tàn, ai ai cũng sợ “mũ” phong kiến, thì cô tôi, dù chả phải ngành trưởng, đứng ra lo liệu. Tết lễ, giỗ chạp được lên Hàng Đường ăn cỗ là dịp mừng vui lớn. Trước khi ăn phải “chào” các cụ, trẻ mỏ đứng trước bàn thờ chả biết những ảnh là ai, rất ngại vái lại sợ bị mắng “mất nếp”. Mâm gỗ cũng bốn bát bốn đĩa như nhà khác, mà tất cả đều ngon và đẹp lạ lùng. Sau này lớn lên, tôi hiểu sự lạ đó là ở cách dùng gia vị, nấu mộc mà tinh xảo. Cô tôi chỉ đun củi, ghét mì chính, va ni, còn húng lìu, cà ri để tẩm ướp chỉ mua ở mấy hiệu Tầu Hàng Buồm. Thức tráng miệng thường là bánh Hoa Cầu, bánh củ cải hay cam Canh bưởi Diễn. Lũ cháu lớn lên trong sự cung cấp của mậu dịch – người nội trợ cho toàn xã hội – hồi ấy chỉ biết cái gì cũng ngon, còn chẳng hiểu cô kiếm ra những thức “giầu vị phong kiến hơn tư sản” ấy ở đâu.

Rồi là những biến động khiến xã hội thay đổi thật nhanh. Chiến tranh hết, công cuộc làm ăn chóng mặt. Chữ Nho biến hẳn, tiếng Pháp và văn hóa Pháp thua hẳn mầu Anh Mỹ. Những món ăn Nhật, Hàn, Ý, Mỹ tràn ngập. Thanh niên nghe chuyện xưa phẩy tay “Dào ôi, các cụ…” nhưng lại nhận xét sao mấy u tám mươi họ mình gặp nhau cứ rứt không ra. Là vì từng cùng được lên Hàng Đường đùa nghịch trong sân giời rồi lên gác vái xong chén cỗ bà Nhắt. Những thứ ấy mong manh mà buộc được những người có chung tý máu mủ lại gần nhau, ở đoạn sắp “thiên cổ”. Mà lạ, sao bên mẹ lại hay quấn quýt trong khi bên bố là chỗ đem ra khoe, thường thế…

*

Hà Nội “đất trũng” cả núi người đổ về, luôn có hai chiều hướng nghịch ngược nhau cuộn chảy: thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị. Trong những gia đình mới nhập cư, bố mẹ gồng gánh đồng hương đồng tộc lên ở cùng, tiền kiếm được đem về quê xây nhà thờ họ. Phần đời con cái lại đề cao cuộc sống cá nhân, sự chọn lựa riêng. Khái niệm “quê hương” nhạt dần, nghe đâu đó lũ lụt nghèo đói chỉ thương chung chung trừu tượng dù vẫn đóng góp ủng hộ. Thế hệ thứ ba đã có những công dân quốc tế, quốc tịch vẫn Việt Nam nhưng sinh sống, văn hóa Hàn đặc Tây xịn. Hình ảnh người thị dân, như thế, có vẻ ngập ngừng: không thể quay về với nếp gia trưởng, đứa trẻ còn trong bụng mẹ đã có nghĩa vụ chống gậy, nhưng làm cái anh tự do tuyệt đối chả gốc gác nào chả hóa ra cánh bèo không rễ a.

Thế thì vai trò của gia tộc cùng những truyền thống khác ra sao, còn cần không và gìn giữ thế nào? Ở bộ sử đồ sộ chưa ra được, chủ biên là giáo sư Phan Huy Lê (đã quá cố) xác định nước Nam ta ngoài văn hóa sông Hồng, ít nhất còn phải kể đến hai nền khác, Chăm và Ốc Eo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng các bộ “sử cái” thường ghi sự phát triển quốc gia theo trục Bắc – Nam, thế chưa đủ. Ảnh hưởng của các tộc người từ Bắc, Tây Bắc xuống “thế lực đồng bằng” phải được lên rõ hơn. Theo những cách nhìn này, vai trò của các họ lớn Đinh Quách Bạch Hà (Mường), Họ Lường làm mo họ Lò làm tạo (Thái), Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện, Nghệ Quỳnh Đôi… cần khẳng định tiếp và nữa. “Lớn”, có máu mặt, tức là họ ở vị trí phải ngay lập tức có những quyết định tày trời, rồi đời sau ở từng giai đoạn lịch sử lại đánh giá là xấu hay tốt. “Khẳng định” họ, nghĩa là khang khác cái nhìn lâu nay hay được suy tôn về “quần chúng nhân dân”, thường nghiêng về người nghèo khổ.

Lại phải ví dụ thêm, nhiều dự án tái định cư thủy điện không “thành công rực rỡ” vì “trên” ưa đưa dân đi theo đơn vị hành chính, trong khi họ muốn đến chỗ mới cùng họ tộc. Cụ trưởng, ông mo, già làng là những thế lực chưa hẳn tột vời, nhưng lại thân thuộc hơn bí thư, chủ tịch chăng?

Rất nhiều kiến giải khác nhau quanh gia tộc – “di sản cũ kỹ” tưởng đã bị xếp hẳn vào kho truyền thống, chỉ để trưng bầy đấy. Những nghị quyết, chủ trương đã nhắc cả, nhưng nó tồn tại thật khác nhau ở từng “tế bào xã hội”, sự từng trải của mỗi con người. Có những thứ tạo nên hình ảnh một đô thị như gốc cây, góc chợ, mảnh tem phiếu cũ. Lại bao nhiêu vô hình vô ảnh bé tẹo trong ký ức, như bát canh bóng tỏa mùi nấm hương trên mâm cỗ họ, ngày rét đậm…

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-2-23