Nguyễn Thị Thụy Vũ Đã Trở Lại

Nguyễn Thị Thanh Xuân

 

Bẵng đi những 41 năm, qua một giấc ngủ đông dài, bỗng một ngày toàn bộ mười tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ lần lượt mở mắt tươi tắn chào bạn đọc[1]. Những ai yêu sách, yêu văn học, những ai nóng lòng với sự chìm khuất của một phần di sản văn chương Việt Nam, hẳn sẽ rất vui mừng. Mừng cho nhà văn, mừng cho công chúng, mừng cho việc trở lại của một đời sống văn học tự nhiên và tự tin chấp nhận trong lòng nó nhiều giá trị khác nhau.

 Xuất hiện năm 1963 với  những truyện ngắn đăng Bách Khoa được những bậc đàn anh cổ vũ, Nguyễn Thị Thụy Vũ bước vào làng văn một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng trở thành nhà văn chuyên nghiệp, với khả năng làm việc tập trung, và một sức viết khỏe khoắn. Chỉ trong vòng mười năm, trang viết của bà rải đều trên các  báo ở Sài Gòn (Tiểu thuyết Tuần san, VănNghệ thuậtSóng thầnTiếng nói dân tộcCông luậnVăn nghệ tiền phongTiểu thuyết Thứ Năm…), vừa truyện ngắn, vừa tiểu thuyết feuilleton, sau đó được in thành sách. 

Vĩnh Long đã sinh thành và nuôi dưỡng trong lòng nó một nhà văn độc đáo nhưng không thể dung chứa nổi tài năng ấy.  Rời quê nhà lên thành phố mưu sinh, cô giáo làng hai mươi lăm tuổi (1962) nuôi giấc mộng vẫy vùng, đi tìm người tri kỷ, nhưng rồi bà sớm nhận ra Sài Gòn không phải là miền đất hứa, mà chỉ là một “con sông rộng có nhiều mồi, nơi dành cho những kẻ thích hoạt động”, là “chỗ để cho bọn hồ ly yêu nghiệt giấu đuôi, để chúng có cơ hội tu chỉnh lại cuộc đời” (Thú hoang). Vẫn tiếp tục nghề dạy học, nhưng giờ bà dạy cho người lớn, những cô gái dấn mình vào chốn bụi hồng, với cái vốn tiếng Anh thông dụng mà bà luyện thêm từ Hội Việt Mỹ. Gần như không bị điều kiện hóa bởi bất kỳ không gian, hoàn cảnh nào, cái Ngọn- núi- băng- cao- vút kia (Nguyễn Thị Băng Lĩnh, tên cúng cơm của bà) tự mình đổi tên thành Cơn -mưa -lành (Nguyễn Thị Thụy Vũ, bút danh), và từ 1965 đến 1975 những cơn mưa văn chương rào rạt chảy, hồn nhiên mà tưới tắm, mà xói đất, mà làm nổi lên những bèo bọt, rác rưởi của những kiếp phù sinh một thời ly loạn. Nhưng đây là bèo bọt rác rưởi của nhân sinh, mưa nào phân biệt. Cơn- mưa- lành chỉ biết nâng lên thành chữ nghĩa, thành văn chương: công chúng đón đọc từng ngày qua báo chí và mười cuốn sách lần lượt ra đời khẳng định một khuôn mặt văn chương nữ độc đáo của Việt Nam về bút pháp tả chân.

Thuở ấy, viết văn là nguồn sống của Nguyễn Thị Thụy Vũ, về cả tinh thần lẫn vật chất. Viết, với  bà cũng là một hành động vượt thoát. Vượt thoát cái hoàng hôn u tàn của một dòng họ. Vượt thoát cái không gian u trệ của tỉnh lỵ. Vượt thoát những ám ảnh buồn tẻ cô đơn của người con gái sống trong ngôi nhà cổ nghe nhựa sống trong mình khô dần và trái tim của mình lơi nhịp vì mòn mỏi đợi chờ. Viết để tồn tại từng ngày, nuôi con, trong hoàn cảnh duyên tình éo le, lận đận. Có thể thấy, cái đôi mắt nhìn thẳng không tránh né ấy, chất ngang ngạnh bẩm sinh ấy, thói quen gọi đúng tên sự vật ấy, sức kháng cự tự nhiên với những điều làm khổ con người ấy…đã buộc Nguyễn Thị Thụy Vũ cầm bút. Như một nhà văn chuyên nghiệp, bà viết để mưu sinh, nhưng còn để thỏa những điều dồn nén từ khi biết nhìn nhận cuộc đời.

Vũ Hoàng Chương, trong ngắm nhìn Nguyễn Thị Thụy Vũ, đã có bài thơ, với đôi câu khắc họa: Phương Nam có người đẹp/ Dùng văn thay phấn son. Đúng vậy, nhà văn nữ này hiện diện bằng chữ nghĩa, bằng những trang viết độc đáo tràn lên trang giấy, hơn là bằng cái nhân dáng yểu điệu, chăm chút của mình. Rất nhiều lần trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thụy Vũ hiện lên một nhân vật có đủ các đường nét cuộc đời của tác giả, được miêu tả dưới một bút pháp tự họa phảng phất chút giễu cợt: một nhân vật chứng kiến những bóng tối từ gia đình và xã hội, sớm sợ nỗi cô đơn của tuổi già, luôn bị thôi thúc bởi khát vọng được làm vợ, làm mẹ, nhiều lần nói to lên không e ngại: “Em ao ước em như bộ ván gõ, anh nằm trên ván lâu chừng nào gõ càng đen mun, bóng ngời”, “Chồng là kẻ độc quyền nằm trên cuộc đời em. Em vui lòng nằm dưới…đầu hàng anh một cách kiêu hãnh, vinh quang. Đời là căn phòng lộng gió, người con gái như tờ pơ –luya mỏng chỉ chực bay bổng. Chồng sẽ là viên đá dằn lên cho em được an toàn như tờ giấy kia khỏi tung thốc”, “Hãy đốt em đi. Anh hãy làm lửa than để nướng em như mồi lửa rơm quấn vào nồi cá cho thịt xương cá mềm mụp. Em như dĩa nước mắm đồng lờ lợ, anh hãy làm trái ớt dầm vào cho nước mắm thêm ngon. Em như chiếc áo đặt vào ngăn tủ nhiều gián mọt, anh hãy làm thỏi băng phiến để làm cho áo giữ được lâu bền” (Chiều mênh mông, Lìa sông, tr. 84).

Đọc  kỹ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, sẽ hiểu cái dung nham sáng tạo ấy đã cuồn cuộn trong lòng bà từ thời thơ bé, dù bà nói rằng thuở ấy những bài tập làm văn của bà thường bị thầy chê trách và phải nhận những điểm xoàng. Có thể người thầy ấy khắt khe vì biết Nguyễn Thị Thụy Vũ xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương, nhưng nhiều phần đúng hơn là bà cá tính quá: cái cá tính phản kháng, hoài nghi, không chịu khép mình vào lề thói, lại hay nói huỵch toẹt ra những sự thật mà đời thường cấm kỵ…

Có hai vỉa quặng mà Nguyễn Thị Thụy Vũ khoan sâu khai thác tập trung: quê nhà Vĩnh Long Mỹ Tho và đô thị Sài Gòn. Quê nhà cung cấp cho bà những câu chuyện về gia đình, vợ chồng (Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu), về trường lớp, bạn bè (Thú hoang). Sài Gòn mang đến cho bà những câu chuyện về cuộc đời các cô gái bán phấn buôn hương, những dan díu Việt- Mỹ, những người cùng đinh trong xã hội… (Như ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên, tiểu thuyết; và Mèo đêm[2], Lao vào lửa, Chiều mênh mông, truyện ngắn). Nếu các tác phẩm viết về quê nhà thường mang đậm dấu vết tự truyện thì các tác phẩm viết về đô thị thường mang dáng vẻ của những phóng sự.

Nguyễn Thị Thụy Vũ từng nói rằng truyện của bà có 70% là câu chuyện thật. Phải nói trải nghiệm của bà trong cuộc đời thật phong phú. Và khả năng tự ý thức của bà cũng thật rõ rành: “Ðời sống thực tế với những kinh nghiệm nếm trải đã làm cho độc giả quên đi một phần nào bút pháp rặt một giọng miền Nam đầy gai góc của tôi”. Bạn bè cho bà cái niềm vui được quấy phá, đùa nghịch. Gia đình, họ hàng, với những nhân vật đặc biệt có trí tuệ, có vị trí xã hội, có thiên hướng nghệ thuật, với những xu hướng khác biệt nhau, cùng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đã mang lại cho Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều tố chất, nhiều cảm hứng và cả ám ảnh, như bà từng nói về tiểu thuyết Khung rêu. Tinh thần dấn thân trong văn chương, tình yêu và ý thức tự do của bà có thể hiểu được qua hình ảnh người cha là nhà thơ Mặc Khải, khi ông tuyên bố, sau năm 1975: “Tôi hãnh diện vì nó. Nó có lý tưởng nó, tôi có lý tưởng tôi”. Hiểu và khích lệ Nguyễn Thị Thụy Vũ, có người em trai cùng thiên hướng: Hồ Trường An, cũng là một nhà văn tài danh. Và nhà thơ Phương Đài, người cô ruột. Quả thật hiếm có một gia đình ở Nam Bộ nào nhiều văn nhân như vậy.

Lắng nghe chính mình và bạn bè mình, Nguyễn Thị Thụy Vũ ghi lại một thế hệ những người trẻ miền Nam chín sớm. Họ tò mò quan sát quanh mình, cái thế giới người lớn đa đoan, phức tạp và họ nhận ra nỗi khắc khoải da thịt hiện hình đêm đêm, cùng nỗi ám ảnh về một tương lai héo hắt già khô không ai chạm đến, như mảnh đất bị bỏ hoang. Bóng dáng thời cuộc phả trên làng quê, những phận người, những cuộc tình, luồn sâu vào đô thị phát tác nơi lớp người ít học, cùng khổ. Những nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thụy Vũ thường nối kết dễ với giới mình, một kiểu âme soeur, vừa cạnh tranh vừa thấu hiểu và xót thương nhau. Ngược lại, với họ, nam giới là một thế giới có phần xa lạ, bí ẩn, mang sức hút về thân xác.

Điều rất lạ là trong trang viết của bà, dù sôi nổi thiết tha hay nhẩn nha tưng tửng, thì bao giờ cũng phảng phất một chút giễu cợt. Cười nhạo thế nhân chìm đắm trong cái bể sinh tồn hỉ nộ ái ố đã đành, bà cười giễu cả chính mình, và như vậy bà viết trong tư thế kép: vừa tiếp tục bơi cùng họ, vừa không ngừng quan sát, ghi nhận và phân tích từng người  mà bà chạm phải, trong đó có mình.

Mãi đến sau này, khi không còn viết nữa, trong chuyện trò, chất humour ấy vẫn còn, rất sinh động và duyên dáng. Sinh lực của bà nằm trong cái tâm thế bước vào hăm hở và bước ra sẵn sàng ấy. Phải chăng nhờ vậy mà bà nhẹ nhàng đi qua mọi cảnh ngộ, ung dung ở tuổi già  bệnh tật ?

Những truyện ngắn dạo đầu của Nguyễn Thị Thụy Vũ còn khá sơ sài, bỡ ngỡ, nhưng đã mang lại chất giọng, trải nghiệm và quan niệm nghệ thuật riêng, và những nét khởi đầu này sẽ đi với bà cho đến trọn đời văn, cùng với sự cứng cáp, già dặn và táo bạo của tuổi đời và tuổi nghề. Chất giọng mộc, dung dị, đậm đà khẩu ngữ chịu ơn từ truyền thống văn chương Nam Bộ, được bổ sung cái ẩm ướt, tỉ mỉ nữ tính và cái cười nhạo của con cháu Hồ Xuân Hương. Trải nghiệm loang dần từ việc quan sát mình đến việc quan sát người, ở mọi lúc, mọi nơi, với cái nhìn tinh quái và cách sống dấn mình. Về quan niệm nghệ thuật, có lẽ với Nguyễn Thị Thụy Vũ, viết văn là phả vào trang giấy những chi tiết thực, trong khả năng cho phép, về  cốt chuyện, về nhân vật, về địa danh, về sinh hoạt, trước hết là từ bản thân mình. Vì thế, mới có hiện tượng một số nhân vật xuất hiện nhiều lần trên các tác phẩm khác nhau, thậm chí mang cùng tên (Linh, Duy…); một số tình tiết lặp lại trong truyện ngắn và tiểu thuyết: chúng vừa là dấu hiệu của những ám ảnh ăn sâu trong tâm thức của nhà văn, vừa là một thủ pháp xâu chuỗi liên văn bản để làm cho người đọc có cảm giác tò mò thú vị như theo dõi một điều có thực. Vì thế, mới có câu chuyện người nhà Nguyễn Thị Thụy Vũ phiền trách bà sao lại đem kể về gia đình (Khung rêu), hay giai thoại người hàng xóm dọa ném lựu đạn vào nơi ở của nhà văn vì bà đã phơi họ ra trên mặt báo (Cho trận gió kinh thiên). Có lẽ đó là lý do khi in cuốn Thú hoang, chạm đến một quãng đời sôi động, đầy nổi loạn đến ngạc nhiên của tuổi học trò nơi tỉnh lỵ quê nhà, Nguyễn Thị Thụy Vũ phải thận trọng ghi ngoài trang đầu: “Những nhân vật trong truyện, kể cả nhân vật xưng “tôi” do trí tưởng tượng mà có. Mọi sự trùng hợp đều không cố ý” (tr.17). Người đọc sống cùng thời và cùng không gian có thể nhận ra các nguyên mẫu hoặc câu chuyện có thực đó đây ở Vĩnh Long và Sài Gòn. Người đọc hậu bối có thể hình dung được một quá khứ bão dông ngổn ngang nhiều thân phận và nhiều tâm trạng.

Nhưng từ khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, viết mỗi ngày cho vài ba tờ báo, rồi bận bịu gia đình, hẳn là Nguyễn Thị Thụy Vũ không còn điều kiện dấn mình vào các sinh hoạt xã hội đặc biệt như trước. Trí tưởng tượng và nghệ thuật kể chuyện bẩm sinh đã bù đắp cho bà. Nhà văn sử dụng 30% phần hư cấu của mình rất khéo. Có những truyện, đặc biệt là truyện ngắn, đã khởi đi từ một gặp gỡ và ghi nhận về con người, rồi bồi thêm da thêm thịt. Tiếng hát có lẽ là trường hợp như vậy. Tới dự một buổi tiệc nhỏ của giới văn nghệ sĩ, Nguyệt xưa nay chỉ “mê loại đàn ông da u thịt bắp” và  hờ hững với văn  chương, thoạt đầu uể oải nhìn đám đàn ông “ốm đói” tán tụng, nịnh đầm, trổ tài và chán nản khi thấy đám phụ nữ ganh tỵ nhỏ nhen, nhưng rồi trên chuyến xe đưa về có chàng nhạc sĩ du ca ốm yếu  với nụ cười “man mác buồn” cùng “chiếc răng khểnh” “tinh nghịch”, Nguyệt thay đổi. Họ lang thang trong đêm xuyên thành phố và cái không khí ấy cũng như giọng hát của chàng làm Nguyệt xúc động, tự hỏi: “Mình thích Hà ở cái đẹp tâm hồn và ở cử chỉ hay là mình bị cơn bồng bột của nhục dục hành hạ? Mùa hè thường giao động hoang mang ở tư tưởng và ở thân xác tôi và tôi đắm đuối trong cơn sốt nóng đui mù, không thể ngoi lên” (tr. 73). Họ đến với nhau trong một dan díu chóng vánh, không thể nói là hoan lạc, mà bàng bạc chút gì đó thân ái, trẻ thơ, nhưng rồi ánh ngày xuất hiện đã phơi hết những đường nét thực: cái vẻ thảm hại và dấu vết trụy lạc nơi thân thể của cả hai làm màn sương cảm xúc nơi Nguyệt bay lên như khói, Nguyệt buồn nôn.

Cùng đều viết báo và viết bạo,  nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ khác Trùng Dương, Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng nhiều điểm. Bà là trong số những cây bút nữ hiếm hoi bước ra từ châu thổ sông Cửu Long; là nhà văn giữ vẹn cái phong thái làm văn chương chuyên nghiệp vốn có ở Sài Gòn – Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ; là người kể chuyện kế tục phong cách tự sự sinh động, chủ yếu  tựa trên ngôn ngữ đối thoại; là người tiếp nối cái cảm hứng về văn hóa phong tục, thông qua lời ăn tiếng nói của vùng miền,  và các sinh hoạt đời thường…

Cũng như Hồ Biểu Chánh, chất liệu Nam Bộ đầy ắp trong văn xuôi Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhưng tùy hứng, linh hoạt, tràn đầy nữ tính, trang viết của bà bất ngờ hơn, sắc sảo hơn, nghịch ngợm hơn. Những đối thoại kỳ tình; những miêu tả về tâm lý, sinh hoạt, món ăn thật hấp dẫn. Trên phương diện này, cũng như Hồ Biểu Chánh, tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ hứa hẹn cung cấp những kịch bản hay cho điện ảnh và sân khấu, cũng như là đối tượng mời gọi nhiều cách đọc mới: nữ quyền, xã hội học, hậu thực dân.

Nối bước người xưa, nhưng trong miêu tả xã hội Nguyễn Thị Thụy Vũ không  chọn con đường chiết trung như Hồ Biểu Chánh (phê phán tầng lớp nhà giàu bất chính, xót thương đám đông nghèo khó côi cút làm ăn, nhưng cuối cùng để cho tác phẩm kết thúc có hậu); đậm đặc các tương giao thân xác, nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ không vừa rào đón răn đe, vừa miên man chải chuốt câu văn để cuốn người đọc vào các cảnh trăng hoa như Lê Hoằng Mưu (Hà Hương Phong Nguyệt). Sánh vai cùng bạn văn nữ đương thời, Nguyễn Thị Thụy Vũ không sắc sảo và nổi loạn trong miêu tả thân xác như Trùng Dương; không tinh tế, yểu điệu trong câu chuyện gia đình như Túy Hồng; không vừa mơ mộng vừa quyết liệt trong tình yêu và trong nhãn quan xã hội như Nhã Ca; không lê thê thi hóa những câu chuyện tình như Nguyễn Thị Hoàng. Thích cái cường tráng tràn đầy sinh lực, thích kiểu nói dân dã, sôi động, buông tuồng mà chân thực hơn là sự kiểu cách tinh tế duy mỹ, Nguyễn Thị Thụy Vũ quan sát tận tường, miêu tả táo bạo, phơi mở nhiều cảnh huống, dõi theo nhiều số phận, chạm khắc những tâm trạng, tung hứng nhiều lời thoại đa sắc điệu: lúc dí dỏm, lúc tục tằn, lúc tràn đầy bạo lực...tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Thị Thụy Vũ nói với chúng ta bà là nhà văn hiện thực bẩm sinh.

Điều đáng nói là dù tập trung chiếu rọi những nỗi buồn, những ngổn ngang bế tắc, những trầm luân, những  cái vô nghĩa của kiếp nhân sinh, lột trần, không e ngại, không thương xót, nhưng trang viết của Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn không nhuốm mùi cay đắng, nghiệt ngã hay mang tính luận đề. Hình như do cái mạch sống âm ỉ vẫn còn đâu đó trong cái vẻ hồn nhiên lay lắt của con người sống đời của cỏ. Hình như do như cái nụ cười tự giễu, hay cái nháy mắt thấp thoáng đâu đó của người kể- tỏ bày, người kể- chứng nhân vốn cứ luôn đứng lẫn giữa đám đông nhân vật của mình. Và đặc biệt, cảm hứng chính trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Thị Thụy Vũ là con người, nhưng hầu hết tên tác phẩm của bà lại gắn liền với những thành tố của tự nhiên: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông, Khung rêu, Thú hoang, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên. Thông qua văn hóa và nghệ thuật, những thành tố  tự nhiên này đã trở thành biểu tượng, thậm chí là cổ mẫu,  nghe khá quen thuộc, nhưng ở đây chúng là những tràn đầy sức gợi, đặc biệt là nhan đề Cho trận gió kinh thiên. Người đọc không thể trả lời dứt khoát câu hỏi: Tác giả muốn nói đến trận gió nào mà lay  động cả vòm trời? – Trận gió phồn tạp, tục tằn, tràn đầy bản năng và bạo lực trong sinh hoạt và trong ngôn ngữ như là mạch sống của lớp thị dân nghèo giữa Sài Gòn, hay trận gió duy lợi tăm tối thổi qua Sài Gòn thời băng hoại?

Những ai thích đọc loại văn chương gián cách với đời sống, những câu chuyện êm đềm, những cảm xúc nhẹ nhàng, và e ngại những sự thật phũ phàng, những bóng tối rợn ngợp sẽ không chịu nổi văn chương Nguyễn Thị Thụy Vũ. Về phương diện này, bà gần với quan niệm của Vũ Trọng Phụng: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”[3]. 

Trên phương diện kỹ thuật thể loại, ngoài dung lượng, ranh giới giữa truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thụy Vũ khá mong manh. Có những truyện ngắn bên cạnh tình huống, lại nén cả một quãng đời (Tiếng hát) Có những tiểu thuyết các chương không cho thấy sự phân lập đáng kể, đặc biệt là rất ít các xung đột đỉnh điểm. Câu chuyện cứ trải dài trong nhịp sinh hoạt chậm rãi qua các chương và rồi kết thúc trong một phần ngắn có tên là Đoạn kết thông báo vắn tắt số phận của các nhân vật (Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên, Thú hoang…). Hầu như không có cái kết happy- end nào làm người đọc sung sướng cũng chẳng có bi kịch đậm sắc nào làm người bàng hoàng. Chỉ là một chút đổi thay chuyển dịch như sóng xao chốn ao tù, như gió thoảng ngày hè, mà bản thân sự đổi thay chuyển dịch ấy hình như người đọc cũng đoán được rồi, chẳng có gì bất ngờ cả. Lắm khi người có đặc quyền nói lên cái ý nghĩ sau cùng, người khép lại cánh cửa của một thế giới nghệ thuật cũng không phải là nhân vật chính, không phải là nhân vật có vai trò lèo lái câu chuyện: Lan, cô giáo dạy tiếng Anh trong Ngọn pháo bông là người quan sát đã đành, nhưng Thụ (Khung rêu) và Đồng (Cho ngọn gió kinh thiên) là những nhân vật đàn ông luôn thụ động nép mình giữa truyện, giờ làm người kéo màn với  những suy tư của một triết gia: “Tất cả đều vô ích. Con người bất quá cũng như một con bọ chét sống trong bộ lông của một con vật khổng lồ” (Khung rêu tr.357); hoặc với cảm xúc man mác của một chứng nhân thấy mọi cái đã khác xưa rồi, nhưng nhập nhoạng về khoảng cách: “Ngó bên ngoài cuộc đời vẫn thản nhiên trôi chảy”, mọi cái tưởng “như mới xảy ra hôm qua”, nhưng  cũng là “giấc mơ xa lơ xa lắc sắp tan rã trong cái quá khứ sâu thẳm nào rồi” (Cho ngọn gió kinh thiên, tr.345).

Trong cái tên truyện hơi vênh: Như thiên đường lạnh, tiểu thuyết đặc trưng cho câu chuyện gia đình nửa quê nửa tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ này xoay quanh đôi vợ chồng Tưởng (giáo viên tiểu học) Khương (nội trợ). Tưởng lơ mơ, do dự, lúc an phận, lúc bay nhảy. Khương yêu chồng, tháo vát, khéo cư xử, thường hay răn đe, nhắc nhở chồng, khi ghen tuông thì chửi nặng. Cuộc hôn nhân của cứ chao lắc trong cái bấp bênh của tính cách và thói quen: Người đàn ông lén lút chim chuột, chơi bời, tìm cảm giác lạ với những người đàn bà phóng túng, sống bất chấp chực chờ đâu đó. Người phụ nữ lồng lên như hổ cái trong cơn giận dữ, nhưng rồi lại tha thứ trong lo âu. Nhịp sống cứ thế trôi đi trong cái ăn bày vẽ, chăm chút; cái chửi bới hỗn hào, cái đùa giỡn trơ tráo, cái lang chạ lộn xộn, cái mồi chài lẳng lơ lộ liễu.  Có người đàn ông kiến thức lưng chừng, dạy học lừng khừng, khát vọng lửng lơ, cả thèm chóng chán, và có người đàn ông hành động, hào phóng, đầy sinh lực, luôn làm chủ tình thế, chơi bời sành sỏi. Cùng với con cái và cả sự an phận, mối giây tình cảm đùm bọc của đại gia đình đã giữ họ lại với nhau. Nhiều mẩu đối thoại sắc nét, nó cho thấy sự linh hoạt biến báo của người phụ nữ, cũng như cái lươn lẹo, tham lam của người đàn ông.

Ngọn pháo bông mở đầu bằng mẩu tin trên báo về cái chết của nhân vật nữ có số má trong làng gái giang hồ: Thắm ngựa (mà theo Hồ Trường An là Yến ngựa, một nhân vật có thật). Với dạng nhân vật cùng những không gian, tình tiết này, một người viết khác có thể khai thác theo kiểu kịch tính, giật gân của truyện vụ án, nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ thì không hề. Hình như khi viết tiểu thuyết, bà không màng đến kịch tính, mâu thuẫn, thắt nút, mở nút gì ráo.  Các câu chuyện đời như là nước triều của sông, như là lớp sóng của biển, cứ dâng lên hạ xuống, ùa vào rút ra mỗi ngày, lặng lẽ hay ào ạt, chẳng có gì mới mà không hề cũ, chỉ có đôi mắt và đôi tai của người nhìn thấy lắng nghe là mỗi khác. Với Nguyễn Thị Thụy Vũ, viết văn là phả lại cái nhịp đập phồn tạp sống động ấy. Ở đó, không gian xê dịch của nhân vật thường rất hẹp: một chiếc giường, một căn phòng, một căn nhà, một ngôi trường, một xóm quê, một khu phố bình dân, một thành phố…Ở đó thời gian đi những bước chậm trong cảnh đời nước chảy bèo trôi.  Ở đó, sự kiện ít, lặp đi lặp lại trong từng truyện và kết chuỗi trong nhiều truyện. Ở đó, nhân vật không nhiều, và cũng thường kết chuỗi xuyên văn bản. Thế giới phụ nữ đông hơn, nhộn nhịp hơn, họ dệt nên bức tranh đời sống bằng việc hào hứng làm tròn cái chức năng được mặc định cho giới mình: yêu thương chồng con, giỏi bếp núc, chăm chút bản thân, xù lông cánh lên khi ghen tuông để bảo vệ gia đình; hoặc họ lênh đênh với những cuộc dan díu thoáng chốc, rồi chán mình và chán người, buông thả trong các cuộc mồi chài kiếm sống với ngoại kiều mà vẫn mong có ngày tìm được đấng tùng quân Việt. Ở đó, có những người đàn ông lặng lẽ thể hiện uy quyền của giới mình bằng vị trí xã hội, bằng tấm lòng chan hòa, hoặc bằng sự tham lam vô độ, bằng sự lươn lẹo nhún nhường, lén lút…Sức sống của nhân vật có lẽ là ở cái bạo liệt, trâng tráo của ngôn ngữ đối thoại, cái trần trụi, nhùng nhằng, buông tuồng của ý nghĩ nội tâm, cái suồng sã  của cử chỉ, cái cụ thể và chi tiết của sinh hoạt.

Khung rêu có lẽ là tác phẩm bề thế nhất của Nguyễn Thị Thụy Vũ (được Giải Văn học Nghệ thuật Quốc gia năm 1971), đã tái hiện cả một quang cảnh gia đình và thời cuộc ở Vĩnh Long, trong cái giáp ranh của thời thuộc Pháp và cuộc kháng chiến 9 năm. Bóng dáng của câu chuyện thực in đậm trên trang viết. Người con của giòng họ trong cái nhìn điềm tĩnh, không ngại ngần phơi những góc khuất trong chính cái nôi của mình. Bút pháp hiện thực ở đây tự nhiên và dung dị, hoàn toàn không mang tính luận đề như nhiều tác phẩm hiện thực đình đám một thời ở miền Bắc. Sống và kể lại như một chứng nhân không che giấu những lỗi lầm, ung nhọt, rệu rã, bế tắc của những người ruột thịt đi trước của mình. Khung rêu, cái khung nào hoang phế đây? Nguyễn Thị Thụy Vũ muốn nói đến cái giềng mối của những gia đình, vốn tựa trên quyền lực và khả năng sở đắc của cải, đã an nhiên tận hưởng và níu kéo cái vẻ vàng son của một thời qua sự thu xếp của người phụ nữ, qua sự khiếp nhược của người dân nghèo, qua sự an phận của những kiếp tôi đòi nước chảy bèo trôi; hay là cái khung của định kiến xã hội đang trên đà rạn vỡ trước những biến chuyển to lớn của thời cuộc và sự trỗi dậy của dục vọng con người? Có thể cả hai, và còn nhiều điều nữa.

Có lẽ, Nguyễn Thị Thụy Vũ cũng là một trong những nhà văn đầu tiên đưa nhân vật đồng tính vào văn học. Chiêu (Khung rêu), Đăng (Cho ngọn gió kinh thiên) xuất hiện vào hai thời điểm và hai không gian khác nhau; người trước âm thầm mặc cảm, oán trách và tuyệt vọng; người sau tự tin tìm cách thu xếp cho mình một cuộc sống theo cung mệnh của mình: Sài Gòn thờ ơ và những người đàn ông Mỹ đồng “bệnh” đã mang lại cảm giác tự do đầy đủ cho Đăng.

Nhân vật rã rời, buông thả là hình ảnh thường thấy trong tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ. Cảm giác chán chường, loay hoay không chừa lứa tuổi và tầng lớp nào: trẻ/ già, trí thức/ bình dân. Những đứa trẻ nông thôn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng xao xác, thở dài, mòn mỏi sau phút giây quậy phá (Thú hoang). Những người già “đặng hào của lại đặng hào con” tưởng an nhàn viên mãn hưởng những ngày cuối đời cũng có cái khắc khoải, ăn năn (Chiều xuống êm đềm). Những lứa đôi tuổi hai mươi đến rồi đi qua những bước trượt dài của tương giao tình ái. Những văn nghệ sĩ luôn xiển dương cái đẹp nhưng tầm thường trong các tán tỉnh, chung chạ, lăng nhăng. Những cô gái bán phấn buôn hương, dù được vây phủ trong tiện nghi sang trọng, được người tình ngoại kiều bảo bọc, hay bệ rạc kiếm ăn từng ngày, luôn bị bạo hành, cũng đều có cảm giác thiếu hụt, nổi trôi, vô định. Thảng hoặc mới bắt gặp vài nhân vật có khả năng neo vào đời sống. Neo vào cái thiện lương từ căn tính và vào cái lý tưởng của thời đại là Thụ (Khung rêu). Neo vào cái đam mê thân xác là Bà Điếc (Đêm tối bao la), Hương Quản Mão (Như thiên đường lạnh). Neo vào cái đam mê nghệ thuật là Kim Quýt (Trôi sông), Năm Thàng, rồi ni sư Diệu Tâm nương nhờ cửa thiền bao năm mà phút chót vẫn không thoát vòng tục lụy (Lòng trần)…

Trong một lần được Du Tử Lê phỏng vấn, Nguyễn Thị Thụy Vũ nói là “Hình như tôi thường nghiêng nặng về những nhân vật cynique hơn là những nhân vật sống hợp lý với cuộc đời...”[4].  Một câu trả lời quá chân thành và can đảm. Chân thành vì đúng là nhà văn của chúng ta say mê dõi theo những nhân vật có cái nhìn thẳng, thậm chí xấc xược, với những quy ước xã hội, những quy tắc đạo đức phi tự nhiên. Can đảm, bởi trong ý nghĩa thông thường của tiếng Việt, cynique có nghĩa là vô liêm sỉ. Nguyễn Thị Thụy Vũ làm ta nhớ đến Hồ Xuân Hương ở cái cynique vượt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi, thông tục. Đó là khát vọng muốn đạt đến tự do, vượt qua những hệ lụy, những thứ bậc, những cấm kỵ sáo mòn, giả dối. Đó là việc ưu tiên cho những sinh hoạt, hình ảnh, câu chuyện cho phép chạm đến mọi tầng lớp người lao động mà không tập trung vào tầng lớp trí thức tinh hoa. Khiêu khích và giễu cợt trong cái nhìn, trong ngôn ngữ, nhân vật trong tác phẩm của hai bà nói với chúng ta rằng: sự thật đạo đức cần được chứng minh bởi thực tiễn kinh nghiệm và bằng những tình huống cụ thể.

Cuộc sống đã thử thách Nguyễn Thị Thụy Vũ nhiều và bà đón nhận bằng một sự can đảm dung dị đặc biệt. Từng dạy học, viết văn, coi bói, bán vé trên xe buýt, nuôi dê, làm rẫy…để nuôi bầy con bốn đứa, bà luôn đứng thẳng, một mình. Giờ đây, nhà văn đã được đền bù, đó là sự tự do và bình an nội tâm. Bà ăn chay trường, vẫn giữ được “màu da trắng mát như cánh hoa ngọc lan” (Hồ Trường An). Dù rất thanh bạch và vừa mắc phải một căn bệnh nặng, bà vẫn giữ được cốt cách  thong dong, sống bình thản cùng con cháu trong một căn nhà của cha mẹ để lại ở Lộc Ninh; ở đó con trai, con gái,  con dâu, hai cháu nội của bà thần thái đều sáng đẹp.

Tác phẩm Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở lại với chúng ta, như tái khẳng định một điều đã cũ, rằng thời gian là vị quan tòa công minh nhất.  Mười cuốn sách đều được in đẹp, được giới thiệu trân trọng và biên tập khá kỹ, nhưng do tác phẩm có nhiều phương ngữ, một số chú thích vẫn chưa thật chính xác.

Tròn tuổi tám mươi, nhà văn được chứng kiến một sự kiện lớn của đời mình.

Như một hạnh phúc.

                                                                          Sài Gòn, 17/3/2017- 13/5/2019

                                                                              Nguyễn Thị Thanh Xuân

 



[1] Nxb. Hội Nhà văn & Phương Nam Book tái bản, 2016 (Lao vào lửa, Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang), 2017 (Mèo đêm, Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên).

[2] Thiếu “Bóng Mát Trên Đường'' và ''Miền Ngoại Ô Tỉnh Lẻ''.

[3]  Vũ Trọng Phụng. “Để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay không dâm?” Tương lai, 25-3-1937.

[4] Giai phẩm Văn, ngày  16 7-1973.