10

Người thầy y tế chiến trường Nam Bộ    

 

Đoàn cán bộ vào Nam theo hướng dẫn của giao liên Khu 5, qua Khu 6, rồi chạm đích cuối cùng là vùng đất miền Đông Nam Bộ, họ được bàn giao chuyển tiếp sang cho các trạm giao liên Khu 7 phụ trách. Ở đây đoàn được nghỉ một ngày lấy lại sức, rồi đi tiếp để về “R”ngày đó chưa gọi là “Miền”. Chặng đường mới hoàn toàn khác với đường Trường Sơn, rừng sâu, núi cao, đây là vùng đất bằng phẳng nhưng có nhiều sông, kênh rạch, những cánh đồng lúa bao la trống trải “chó ngáp” về mùa hè. Có những cung đường phải đi vào ban đêm, cũng có cung đường đi bằng xuồng, tệ hơn có đoạn lội sình lầy tới gối. Phải mất hai tuần từ rừng miền Đông sang đất miền Tây Nam Bộ, nhưng so với cuốc bộ trên đường Trường Sơn còn sướng như tiên, trời đất thoáng đãng, ban đêm còn ngắm được cả sao trời, cơm có cá tươi ngon do các trạm giao liên cải thiện đặt lờ, móc câu mà có.

Ngày cuối cùng đặt chiếc ba lô xuống đất căn cứ Ủy ban kháng chiến Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười, bên dòng kinh Dương Vương thấy sướng vô cùng. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đứng thẳng lưng lên, hai tay dang rộng, ngửa mặt nhìn cây rồi nói lớn: “Tới rồi. Tới đích rồi!”. Còn bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cũng không kềm được cảm xúc, cũng hô lên “Về rồi, đến rồi!”. Chỉ có hai ông Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, Ca Văn Thỉnh tuổi lớn hơn trầm tĩnh hơn chút, tuy không bộc lộ “bùng nổ” kiểu pháo Tết như Trần Hữu Nghiệp và Nguyễn Thiện Thành, nhưng trong ánh mắt hình như họ cũng rưng rưng. Đúng là không sung sướng, không vui mừng mới lạ. Sau gần năm tháng ròng rã vượt đèo, lội suối, cơm vắt, ngủ rừng, sốt rét có lúc tưởng bỏ mạng vì những trận mưa rừng xối xả. Ai cũng thực sự hãnh diện, chinh phục được cuộc “trường chinh” có một không hai này. Đối với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và Ca Văn Thỉnh còn hơn thế, họ không chỉ chiến thắng vượt qua một con đường mà hai con đường. Họ là những chiến binh thực thụ, vượt qua con đường đầu tiên bằng thuyền ra miền Bắc năm 1946, và lần này là vượt Trường Sơn trở vào Nam Bộ chỉ mới hơn một năm trước.

Mãi hít hà không khí đất trời quê hương, bỗng giật thót khi nghe tiếng người hỏi từ trong vườn cây bên trong vọng ra:

-         Chúc mừng đoàn kết thúc thành công chuyến đi lịch sử.

Tất cả quay sang nhìn người vừa nói, nhưng không nhận ra đó là ai. Biết vậy, sợ mọi người khó xử nên người đó nói tiếp:

-         Tôi Nguyễn Văn Hưởng (Ba Hưởng) đây.

Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thiện Thành nghe tên đã lâu, lại biết bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cũng là cựu sinh viên Đại Học Y khoa Đông Dương, nhưng khóa trước khóa sau mà chưa gặp bao giờ. Trần Hữu Nghiệp bấy giờ mới reo lên:

-         Anh Ba Hưởng phải không?

-         Tôi đây, Ba Hưởng đây!

Nghe Nguyễn Văn Hưởng nói, tất cả đều reo lên.

 – Té ra mình người cùng nhà cả.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, hỏi:

-         Thế anh Ba ra đón tụi này à?

Nguyễn Văn Hưởng đáp:

-         Đúng rồi, còn ai nữa! Thôi vào nhà nào, vào đó các anh trong Ủy ban kháng chiến gặp, rồi đưa các anh về nơi ở làm việc. Riêng anh Nhơn, anh Thỉnh chắc cũng còn hơi xa chút. Trần Hữu Nghiệp và Nguyễn Thiện Thành nơi ở, nơi làm việc ở ngay đây. 

Đúng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nói, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là đặc phái viên Chính phủ cử vào, Bộ trưởng Giáo dục Ca Văn Thỉnh cũng thế, ở căn cứ Đồng Tháp Mười mỗi cơ quan đều có một chỗ ở riêng biệt, cách nhau cũng vài cây số, xa chút nhưng tránh “họa” bom pháo địch nhỡ không may chỗ anh nào “dính” chỗ anh khác vẫn còn.

Đồng Tháp Mười là cơ quan kháng chiến, ta cũng mới bắt đầu triển khai xây dựng vào giữa năm 1946, khi Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 bị người Pháp phản bội. Quân Pháp dưới sự hậu thuẫn của người Anh, người Mỹ, phía Bắc là quân Tưởng chấp nhận mặc cả rút lui đổi lấy đảo Đài Loan ly khai đại lục Trung Quốc. Phía Nam là quân Pháp tràn vào đánh chiếm Nam Bộ, buộc các cơ quan kháng chiến phải rút ra khỏi thành phố, thị trấn về bưng biền lập khu bí mật chống lại quân Pháp, như lời kêu gọi của Bác Hồ “Toàn dân kháng chiến”. Ở Hà Nội các cơ quan Chính phủ của ta do Bác Hồ, Trung ương âm thầm tổ chức một lực lượng lên xây dựng chiến khu kháng chiến Định Hóa, Thái Nguyên ngay từ đầu tháng 6 năm 1946. Tháng 12 năm đó, sau khi đoàn cán bộ cấp cao có bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lên đường vào Nam, ngoài Bắc Chính phủ ta cũng bí mật rút lên “An Toàn Khu” chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài.

Gặp bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng mới biết, anh được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch thông báo qua điện mật từ Việt Bắc, có đoàn cán bộ đi Nam trong đó có hai bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Từ khi nghe tin mấy tháng nay Nguyễn Văn Hưởng luôn thấp thỏm chờ đợi. Ông mong chờ vì cơ quan y tế đang rất thiếu người, cần người, đặc biệt những trí thức tên tuổi như Trần Hữu Nghiệp và Nguyễn Thiện Thành, họ là những người cùng nghề, cùng ra lò từ Đại học Y khoa Đông Dương. Nguyễn Văn Hưởng còn vận động được bác sĩ Hồ Thiệu Ngạn tức Hồ Công Nghĩa (Hai Nghĩa) bỏ Thành phố tham gia kháng chiến, nhưng như vậy so với yêu cầu vẫn là chưa đủ.

Nguyễn Văn Hưởng sinh năm 1906, hơn Trần Hữu Nghiệp năm tuổi, quê Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Ông thừa nhận mình tham gia cách mạng qua ảnh hưởng của nhóm Hà Huy Giáp hay đến nhà mình “chơi”, bàn chuyện về thời cuộc và tin tức Khu. Nguyễn Văn Hưởng cùng cụ Lưu Văn Lang, Đặng Minh Trứ và nhiều anh em trí thức Sài Gòn khác đăng lên báo La Dépêche của De La Chevrotière, bản tuyên ngôn của 200 nhà tri thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp và kêu gọi Chính phủ Pháp, phải điều đình với chính phủ kháng chiến Việt Nam để cho nhân dân hai nước chấm dứt đổ máu. Lúc Bollaert mới từ Pháp sang làm cao ủy Pháp, ba đại biểu trí thức Lưu Văn Lang, Đặng Minh Trứ và Nguyễn Văn Hưởng đến trực tiếp gặp y, nhấn mạnh tới Chính phủ kháng chiến mới thực sự đại diện cho ý chí nguyện vọng nhân dân Việt Nam, nhưng hắn vẫn láo xược chối từ và chỉ công nhận Lê Văn Hoạch là Thủ tướng Nam Kỳ Quốc.

Chính sau cuộc gặp với Bollaert không thành công, mà cũng không thành công thật vì mình đánh giá thấp sự ngoan cố của hắn, nên bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng quyết định ra khu kháng chiến. Ra vùng kháng chiến khi đó đóng ở Kinh Dương Vương, gặp ông Trần Bửu Kiếm, Phạm Thiều, cho Nguyễn Văn Hưởng biết Trung ương điện vào cần bổ sung một người vào Chánh phủ và đề nghị ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng từ chối, rồi nói lại mình là bác sĩ Y khoa 5 năm làm ở bệnh viện Pasteur, sáu năm làm thuốc có kinh nghiệm về vi sinh, hiện nay nhiều tỉnh Nam Bộ đang có bệnh dịch tả và trái trời (đậu mùa), xin cho được làm nghề để giải quyết nạn dịch cứu dân. Ý kiến tâm huyết của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, được các đồng chí ở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ điện báo về Việt Bắc, rồi thời gian sau ông nhận được quyết định có chữ ký của Hồ Chủ Tịch, bổ nhiệm làm Ủy viên hành chính kháng chiến Nam Bộ, kiêm giám đốc Sở Y tế Nam Bộ từ đó.

*

Cơ quan Sở Y tế Nam Bộ nằm trên một giồng đất có nhiều cây tràm, cây đước. Nói cơ quan, nhưng cả Sở làm việc chung trong một ngôi nhà lá. Nhà dựng kiểu mái dài ngăn thành nhiều phòng, cột kèo đều bằng cây tràm, loại cây thẳng ít cành, thân không to chỉ bằng bắp đùi người mạnh, cao tới hơn chục thước nhưng rất chắc, lại chịu nước tốt, mọc tự nhiên có rất nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười ẩm thấp. Cây tràm còn dùng làm bàn ghế ngồi, bàn làm việc, trút hết lớp vỏ ngoài nhẵn bóng ghép lại với nhau trông khá bảnh và lịch sự. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ, hôm Nguyễn Văn Hưởng đón mình và bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đi trên chiếc cầu khỉ bắc qua một con rạch nhỏ, chảy ra kinh Dương Vương hai bên bờ có nhiều cây dừa nước, dưới rạch tiếng cá quẫy đớp mồi kêu tành tạch bụp bõm. Bữa trưa đó, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng chiêu đãi “lính mới” Trần Hữu Nghiệp và Nguyễn Thiện Thành món cá lóc nướng trui và nồi lẫu cá linh nấu với bông súng, rau đắng, bông điên điển và quả thơm. Hương vị quen thuộc quê hương hơn một năm xa cách, đặc trưng Nam Bộ được thưởng thức ngon hết sẩy. Cá lóc nướng trui thơm mùi rơm cháy, vị ngọt thịt cá trắng tinh săn chắc. Nồi lẫu nghi ngút khói đậm đà hương vị đồng quê, vừa ăn vừa thổi phà phà sướng tê đầu lưỡi, ngon không thể tả xiết. Bữa cơm thật vui đón các đồng nghiệp mới từ Bắc vào nên phá lệ chút sang đầu giờ chiều mới xong, họ ngồi uống nước nghe tiếng gió reo bên ngoài con rạch dạt dào mát rượi, rồi cũng chẳng câu nệ, quan cách, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng quay sang Trần Hữu Nghiệp nói:

-         Chín Nghiệp và Nguyễn Thiện Thành mới từ Bắc vào, trên đường đi có thể chưa nắm hết được thông tin, ngoài đó Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương, sau khi các ông đi được ít ngày cũng rút lên Việt Bắc lập khu kháng chiến rồi. Ở Nam Bộ, các cơ quan, tổ chức cách mạng cũng bỏ hết thành phố, thành thị, lên Đồng Tháp Mười. Chúng mình về đây cũng được gần một năm, hiện tại còn nhiều khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, nhất là thuốc chữa bệnh. Trong dân ở các tỉnh bệnh tả, bệnh đậu mùa khá phổ biến, trong khi lực lượng Y tế ta còn thiếu nhiều lắm. Các ông về đây, mình thật sự rất mừng.

Nghe bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nói, Trần Hữu Nghiệp chợt nhớ lại trước ngày vượt biển ra miền Bắc, khi đó đang trực tiếp phụ trách huấn luyện đào tạo một lớp y tá ở cù lao An Hóa, Mỹ Tho, nhưng giữa chừng gặp quân Pháp tấn công nhiều học viên sợ hãi bỏ chạy hết gần một nửa. Nhưng dù sao vẫn là thắng lợi, một nửa còn lại đó sau này trở thành cốt cán cho địa phương. Bây giờ tình hình xem ra cũng chẳng khác trước bao nhiêu, chỉ cần có tư duy khác, cách làm khác, quyết tâm cao nhất định về lâu dài sẽ có một đội ngũ y tế phục vụ tốt cho nhiệm vụ kháng chiến! Nghĩ vậy, rồi nói với bác sĩ giám đốc Sở Nguyễn Văn Hưởng:

-         Tôi nghĩ, việc bây giờ quan trọng nhất là mở thêm nhiều lớp đào tạo nhân lực y tế mới đáp ứng được anh Ba?

Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, cũng có quan điểm giống Trần Hữu Nghiệp, rồi góp lời thêm:

-         Tôi cũng đồng ý, với ý kiến của anh Chín Nghiệp.

Nghe cả hai “quân sư” nói, Nguyễn Văn Hưởng hứng khởi bất ngờ vỗ tay kêu cái rốp, miệng nở nụ cười sung sướng, rồi nói:

-         Các anh nói thật đúng, với ý kiến của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Trên họ cũng biết được đoàn các anh vào rồi, còn tôi khỏi nói mong chờ các  anh vào đến mức độ nào đâu? 

Bác sĩ Hưởng nói xong, mở chiếc túi lấy ra một tờ giấy kẹp trong cuốn vở đưa cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, nói tiếp:

Chín đọc đi, lãnh đạo “R” cử tôi làm Giám đốc Sở Y tế. – Nói đến đó Nguyễn Văn Hưởng dừng một lát, rồi rút tiếp ra bản quyết định thứ hai, đưa cho Trần Hữu Nghiệp:

-         Đây là của anh. Trên cũng quyết định anh làm Phó giám đốc Sở. – Nói xong quay sang Nguyễn Thiện Thành nói tiếp: - Còn anh giữ chức, Vụ trưởng Quân Y Khu 9.

Cuộc đón các “chiến hữu” mới, vô tình lại trở thành buổi giao ban làm việc rất tự nhiên, giữa bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng giám đốc Sở Y tế, với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp Phó giám đốc và bác sĩ Nguyễn Thiện Thành nhận Vụ trưởng Quân Y Khu 9.

 Tiếp theo họ thống nhứt phân công, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách phần công tác tổ chức đào tạo, tiếp tục triển khai khẩn trương mở các lớp đào tạo Cán bộ Y tế từ sơ cấp đến Trung cấp. Nghiên cứu kế hoạch, từng bước triển khai đào tạo lên trình độ Bác sĩ.  

Trong lần gặp này bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn nhớ, họ đã bàn sâu tới tình hình dịch tả, dịch đậu mùa, đang lây lan mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhưng hiện trạng đang thiếu vắc xin trầm trọng. Để khắc phục khó khăn ấy, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đề nghị phải chủ động tự bào chế vắc xin, đây là con đường thiết thực hiệu quả nhất. Nguyễn Văn Hưởng cũng nói, nhiệm vụ này trực tiếp ông tham gia phụ trách, vì đây chính là lĩnh vực chuyên ngành của mình. Từ tư tưởng “tự chủ”, sau đó bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng viết thư gởi vào thành Sài Gòn, mời thêm được nhiều bác sĩ có chuyên môn ở lĩnh vực này ra vùng kháng chiến. Ông còn móc nối được những bác sĩ thân quen, bạn bè đang làm việc ở Viện Pasteur ủng hộ mua sắm được cả trang thiết bị nghiên cứu, chuyển ra căn cứ Đồng Tháp Mười giúp sản xuất vắc xin sau đó.

*

Ở Đồng Tháp Mười được ba tháng, Sở Y tế Nam Bộ chế xong được một mẻ thuốc trái thì có lệnh di chuyển về Khu 9. Thời kháng chiến việc di chuyển nơi ở vẫn xảy ra thường xuyên, do yếu tố giữ bí mật an toàn là chính, nhưng mỗi lần đi là vô cùng vất vả. Theo phân công của giám đốc sở Nguyễn Văn Hưởng, anh Hoàng Mai đi tiền trạm gặp anh Phan Trọng Tuệ và anh Trịnh Khánh Vàng, hai đồng chí này làm việc tại Khu 9 thông thạo thổ địa, nhờ họ chỉ giùm địa điểm an toàn ở Thới Bình bên bờ sông Trẹm. Điểm bố trí nằm tại Kinh 5, phòng dược khoa ở xóm mới vàm Cái Sắn. Việc đầu tiên là làm nhà, phân công người khỏe đi đốn tràm làm kèo cột, lội rạch lấy lá dừa nước làm mái, một nhóm khác đi đốn tre làm vách và bàn làm việc. Nhờ rạch, vườn nhiều cây nên chỉ một tuần nhà làm xong, nhưng lại gặp ngay dịch trái trời đang lan rộng ở tỉnh Bạc Liêu, chính quyền và nhân dân dưới đó hoang mang lo sợ. Để chống dịch, Sở lại bắt tay ngay vào sản xuất vắc xin trái giống gởi đi Bạc Liêu và các tỉnh. Thế nhưng, số cán bộ ở Sở không đủ, Phó giám đốc sở Trần Hữu Nghiệp phải huy động nguồn bổ sung từ các ông lương y, các bà đỡ, các em thanh niên tham gia, hướng dẫn dân chúng cách rửa tay khử trùng bằng cồn, cách sát trùng chỗ da cánh tay của người trồng trái và cách trồng trái bằng ngòi viết đã hấp tiệt trùng.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn yêu cầu các địa phương đón chặn tất cả các ghe xuồng qua lại dưới sông, kinh rạch, đi đâu, làm gì cũng phải dừng lại bắt buộc trồng trái, dù ghe xuồng đó ở vùng giải phóng hay vùng địch tạm chiếm. Kết quả thật mĩ mãn, chỉ sau một tuần phát động bệnh dịch rạp xuống, không có bệnh nhân mới nào phát bệnh nữa. Thắng lợi này cũng nhờ phong trào vận động quần chúng giữ gìn vệ sinh chung, không làm cầu tiêu trên sông và phát động phong trào ba diệt: diệt ruồi, diệt muỗi và diệt chí rận.

*

Cuối năm 1947, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trên đường về Khu 8 bấy giờ đang đóng ở Bến Tre, được sự đồng ý của giám đốc Nguyễn Văn Hưởng có ghé qua nhà ở Tân Thủy, huyện Ba Tri, bấy giờ vẫn còn là vùng ta làm chủ. Nếu tính từ khi vượt biển ra miền Bắc năm 1946, đến lúc đó là hai năm Trần Hữu Nghiệp chưa về thăm nhà. Bà Phạm Thị Phường rất bất ngờ, khi đang ngồi trên chiếc ghế trước nhà nghe tiếng Trần Hữu Nghiệp gọi “má”. Bà bối rối lẫn xúc động ngước nhìn về tiếng con gọi, vì mắt bà không còn nhìn được nữa, nhưng lệ vẫn ứa trào ra, rồi hỏi:

-         Nhuần về đó à con?- Bà Phạm Thị Phường vẫn thích gọi cái tên thời Chín Nghiệp đầu chừa chỏm, nghe yêu thương ấm áp. Chín Nghiệp xúc động chạy tới ôm chầm lấy má, nước mắt rưng rưng, nói:

-         Má con đây. Còn má có khỏe không?

Thực ra hỏi là hỏi vậy, dưới con mắt nghề thầy thuốc của Trần Hữu Nghiệp biết má mình có gì đó không vui, không ổn. Đúng thế, sau đó bà kể về vợ con của Chín Nghiệp. Người vợ xinh đẹp đã đi lấy chồng Tây, và các con vẫn ở bên nhà ngoại.

Ở nhà với má được một ngày một đêm, nghe tin Chín Nghiệp về người thân anh chị em trong gia đình kéo đến thăm rất đông. Đặc biệt mấy cậu nhóc choai choai, nhìn Chín Nghiệp với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Nhìn lũ nhỏ, Chín Nghiệp hỏi:

-         Tụi bay có đứa nào đi với tao không?

Bọn trẻ nhìn nhau một lát, rồi có hai đứa giơ tay quá đầu đáp:

-         Đi.

Hai đứa trẻ “liều mạng” xin theo là Trần Văn Lễ, con của ông Trần Văn Đính (Tư Đính), người anh thứ ba gọi Chín Nghiệp là chú ruột. Đứa thứ hai là Tô Văn Dẫn con ông Tô Văn Chuyển, lấy chị gái thứ tám của Chín Nghiệp gọi mình bằng cậu.

-         Được, về nói với ba má tụi bay mai đi sớm nghen.

Hai đứa nhỏ thích lắm, rồi theo lời dặn của Chín Nghiệp sáng mai sáu giờ sáng Sáu Lễ cùng Tô Văn Dẫn đã sang nhà. Nhưng trước khi xuất phát nhìn chúng hăm hở, Chín Nghiệp nói với hai nhỏ:

-         Sáu Lễ từ rày theo tao làm công vụ nghen. Còn thằng Hai Dẫn, tao sẽ gởi sang làm việc bên Sở Y tế, rồi có lớp cho mày đi học nghề.

Ngày hôm sau, chiều tối ba cậu cháu về tới cơ quan Y tế đóng cứ ở Mỏ Cày. Trong ký ức của Sáu Lễ, về nhiệm vụ của mình trong những ngày đầu tiên và về người chú ruột bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đến nay vẫn nhớ như in: “Ở Mỏ Cày không lâu, chú Chín Nghiệp cho tôi đi học một khóa huấn luyện tân binh 3 tháng, trường đóng ở Minh Đức, huyện Mỏ Cày, bấy giờ thuộc Khu 8. Tôi học rất chăm chỉ, tích cực, nhờ vậy những kiến thức căn bản về quân sự, chánh trị nắm rất chắc. Nhưng rồi, khi thời gian vẫn chưa kết thúc chú Chín Nghiệp bất ngờ sang trường xin rút tôi về làm công vụ tiếp. Về làm công vụ cho chú Chín Nghiệp, khi ở cơ quan hay lúc đi công tác đến đâu Chú cháu cùng ở chung một nhà, mới biết chú Chín rất được người dân quí trọng”. Tình cảm đó có lẽ bắt nguồn từ ngày Trần Hữu Nghiệp chưa tham gia kháng chiến, nhà có phòng mạch bên thành phố Mỹ Tho chữa bệnh cho nhiều người khắp mọi nơi, trong đó có cả người dân ở Bến Tre và đa số bệnh nhân đến khám đều là những gia đình giàu có, khá giả. Giờ Trần Hữu Nghiệp đi làm cách mạng, gặp lại họ ai cũng quí, rồi muốn mời ông về ngủ nghỉ ăn ở trong nhà mình chân thành vô tư. Cũng theo Sáu Lễ, ngày đó kháng chiến cách mạng đâu có gì, đi công tác cũng nhờ dân nuôi, dân cho ở, là như vậy và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng không ngoại lệ như mọi cán bộ chiến sĩ khác. Nhưng chỉ có một sự ưu tiên nho nhỏ dù không nói ra, nhưng ai cũng biết do công việc mà mỗi khi đóng quân ở đâu anh em đều có ý tốt, bố trí cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vào trong những nhà khá giả, cao ráo, để ông vừa ở vừa làm việc giấy tờ cho thuận lợi, và những gia đình như vậy thường là nhà mái ngói. 

Một chuyện khác, về cây súng ngắn của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Sáu Lễ cũng kể: “Chú Chín có một cây súng ngắn 6,35 ly Browning, loại súng mà tụi này thời đó gọi vui là “súng bắn ruồi” do người Anh sản xuất, hay là sản phẩm hợp tác của mấy nước bên Tây, Anh, Pháp, Mỹ làm ra. Nhưng có súng, lại ít khi thấy chú Chín Nghiệp đem ra đeo mà giữ kín trong ba lô, kể cả những lần thầy trò đi công tác, nên cũng không mấy người biết”.

Ở Khu 8, công việc của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất bận rộn, bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch mở lớp đào tạo y tá. Trên địa bàn còn có Trung đoàn 99 hay còn gọi (Chi đội 19), Trung đoàn trưởng là ông Đồng Văn Cống. Trung đoàn có một bệnh viện, Sở Y tế “R” còn giao thêm nhiệm vụ cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm cố vấn chuyên môn khi cần thiết. Do vậy, việc mở trường lớp hai bên cùng phối hợp giúp đỡ lẫn nhau. Nhiệm vụ tiếp theo, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khẩn trương xây dựng bộ khung nhà trường, rồi tổ chức tuyển học viên Khóa I gọi là Pasteur. Học viên tới từ nhiều nơi trong Khu 8, nơi ở vẫn nhờ vào nhà dân là chính, riêng lớp học thầy trò cùng nhau đốn cây tràm về dựng lớp, bàn ghế làm bằng tre, mái xin lá dừa của dân đan thành tấm lợp. Ở hướng Khu 9, Sở Y tế cũng chuẩn bị mở một lớp như vậy, mang tên Phạm Hữu Chí. Thế nhưng, việc đào tạo vẫn còn có những bất cập, như giáo án cần có sự thống nhất trong toàn sở. Để khắc phục nhược điểm đó, cuối năm 1947 Sở Y tế Nam Bộ tổ chức một cuộc họp tại Cái Tàu, tỉnh Cà Mau, Khu 9. Nội dung tập trung thảo luận, đi đến thống nhất các danh từ y học, phục vụ cho công tác giảng dạy. Chủ trì là giám đốc Sở bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Tham gia còn có bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, bác sĩ Trương Công Trung, Trương Tấn Lập. Phó giám đốc sở, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kiêm phụ trách quân dân y Khu 8. Bác sĩ Hồ Văn Huê, bác sĩ Trần Nam Hưng công tác tại Khu 7 Đông Nam Bộ cũng về dự. Sau hai ngày thảo luận sôi nổi, hào hứng hội nghị thống nhất được các danh từ Y học, mà chủ yếu từ kiến thức chuyên môn của các bác sĩ dự họp cung cấp.

*

Kết quả hội nghị giáo án được điều chỉnh hoàn thiện, ta mở nhiều lớp học như lớp Y tá Khóa I của Khu 9, có tên là Khóa Phạm Hữu Chí. Khóa II tên là Mai Sĩ Đoàn. Khóa III tên Joliot Curie, do bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và Trương Công Trung phụ trách, mở tại Quân Y viện I, Khu 9.

Tháng 10 năm 1947, sau một thời gian chuẩn bị, Phó giám đốc Sở bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khai giảng lớp y tá đầu tiên có tên là Pasteur, tại ấp Cổ Cò, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Khóa này Trần Văn Lễ người cháu ruột của Chín Nghiệp, theo lời khuyên của ông cũng thi vào học như bao học viên khác và trúng tuyển. Thời chiến học tập gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng ai cũng say mê học tập, rèn luyện, ngày bế giảng Sáu Lễ vẫn nhớ trường tổ chức triển lãm tuyên truyền về công tác vệ sinh phòng bệnh, tại đình làng xã An Định, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, ngoài học viên nhân dân còn đến dự và xem rất đông. 

Từ khóa II mang tên “Lê Văn Bờ”, Khóa III tên “Nguyễn Văn Vịnh”, đều tổ chức mở lớp tại Ấp I, An Thới cũng huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ấp I chỉ có vài chục mái nhà lại ở rất xa nhau, nguồn sống chủ yếu của người dân ở đây là cây dừa, cây ăn trái và một phần đất trồng lúa không đáng kể. Dừa nhiều đến mức miên man như rừng, cảm giác không một loài cây nào khác có thể cạnh tranh sống nổi với dừa! Ấp I nơi trường mở lớp nằm bên một con rạch nhỏ, chảy ngoằn ngoèo qua nhiều ấp khác An Thới, rồi đổ ra sông Hàm Luông. An Thới, Mỏ Cày sau cách mạng tháng Tám vẫn là vùng ta làm chủ, vì vậy nhân dân có cảm tình với cách mạng. Trường Y tá cũng ở rất gần bệnh viện Trung đoàn 99, Khu 8. Trung đoàn trưởng Đồng Văn Cống là một người chỉ huy gan dạ, nổi tiếng. Phó giám đốc Sở bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ngoài là hiệu trưởng, còn trực tiếp tham gia giảng dạy, kiêm cố vấn cho bệnh viện Trung đoàn 99. Theo hiệp đồng mỗi khi bệnh viện có thương binh, bệnh binh nhiều hay gặp những ca phức tạp, đều mời bác sĩ xuống tham gia hội chẩn xử lý. Đây là giai đoạn bác sĩ Trần Hữu Hữu Nghiệp hoạt động không biết mệt mỏi, được tín nhiệm cao trong quần chúng và trong đồng nghiệp. Làm công vụ cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Sáu Lễ hiểu sâu sắc: “Tính chú Chín Nghiệp bình dân, dễ chịu, nhưng cũng rất nghiêm túc. Công việc nhiều có khi ông gọi đi bất tử. Chú Chín thích viết văn, làm thơ, khi rảnh thời gian là viết. Công việc hàng ngày sáng đi bệnh viện trung đoàn 99, về là ông nằm võng nghỉ chút, có khi viết tại võng. Nhiều khi ông mỏi mệt lại gọi: - Lễ lại đây tao đọc cho viết. Có từ khó, gặp tên một thằng Tây na nô chi đó, tôi hỏi viết sao?”. Vậy đó, sau này Sáu Lễ tiết lộ. Cuốn “Hồ Chủ Tịch trong lòng dân tộc”, ra đời theo kiểu Trần Hữu Nghiệp nằm võng, rồi đọc cho Sáu Lễ viết giùm. 

Năm 1948, trường Y tá Khu 8 mở lớp khóa II (Lê Văn Bờ), trong đó có cựu học sinh sau này là bác sĩ Đoàn Hồng Hoa (Đoàn Thúy Ba), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng lao động, kể: “Tôi tham cách mạng hồi còn rất trẻ, rồi vào công tác ở cơ quan huyện ủy, lúc đầu làm toàn những việc linh tinh như nấu cơm, chẻ củi, có khi được phân công đi đưa đón cán bộ, nhưng việc gì tôi cũng thấy vui vẻ. Thời gian sau tôi được huyện giới thiệu đi thi vào học lớp Y tá Khu 8, ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Hiệu trưởng trường bấy giờ là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người cao, có giọng nói rất vang, giảng bài dí dỏm, học sinh chúng tôi nghe rất dễ hiểu”. Bác sĩ Đoàn Hồng Hoa còn nói: “thời kháng chiến ở bưng biền khó khăn chồng chất, nhất là tài liệu giảng dạy, nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phải tự làm giáo án, tự tìm tư liệu, để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng có tấm lòng nhân hậu, không ngại hy sanh gian khổ, dù ngày hay đêm có bệnh nhân gọi là đi ngay”. Thời gian học ở trường nhiều học sinh, vẫn nhớ như in một câu chuyện về tinh thần phục vụ của thầy Trần Hữu Nghiệp thật cảm động: “Nửa đêm thầy trò chúng tôi được thông báo có một ca sanh khó, vậy là gọi nhau đốt đuốc lá dừa, vai choàng túi cứu thương theo chân thầy vượt qua đêm tối, mấy lần suýt ngã bùm xuống rạch khi bước trên cây cầu khỉ chênh vênh, và đến nơi mới biết một ca nhau tiền đạo”. Trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, gặp tình huống trên hỏi sao không lạnh xương sống? Nhưng nhìn nét mặt bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vẫn bình tĩnh, đám học trò đi cùng cũng tự tin hơn, nhất là khi ông đưa được đứa bé ra khỏi bụng mẹ. Tuy nhiên, niềm vui thật ngắn, nỗi lo khác lại ập đến bất ngờ máu trong người mẹ tuôn ra xối xả. Để cầm máu, tay bác sĩ Trần Hữu Nghiệp giữ chặt động mạch bụng của sản phụ, rồi quay sang nói với cô trò cưng:

 -  Hồng Hoa máu thầy là nhóm B, em xem sản phụ là máu gì?

Học trò Hồng Hoa làm theo lời Trần Hữu Nghiệp, rồi mắt ông sáng lên khi nghe được thông báo, giọng phấn khích nói:

-         Cùng nhóm máu hả?

Hồng Hoa đáp:

- Dạ, vâng.

- Được, vậy lấy máu thầy chích thẳng vào tĩnh mạch của sản phụ. Nhanh lên.

Bằng cách ấy, thầy trò Trần Hữu Nghiệp cứu được sản phụ.

Bác sĩ Đoàn Hồng Hoa còn nhớ và kể lại một trường hợp khác mà chính bà cũng được chứng kiến, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xử lý cứu chữa thành công một thương binh rất nặng, để rồi kính phục tài năng y đức của thầy. Một hôm, bệnh viện bất ngờ tiếp nhận một ca chiến sĩ ta bị thương nặng, do đạn địch bắn trong trận chống càn vào căn cứ gãy nát chi chuyển lên. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được báo cáo, rồi lập tức xuống ngay. Sau khi kiểm tra bác sĩ Trần Hữu Nghiệp kết luận, vết thương đã hoại tử phải cưa cắt bỏ chi! Nghe vậy, những ai có mặt lúc đó cũng giật mình choáng váng. Choáng váng vì, muốn thực hiện ca phẩu thuật này nhất định phải cần thuốc tê, nhưng bấy giờ bệnh viện không có. Vậy làm sao? Một câu hỏi quá khó đang lâm vào ngõ cụt, nếu không nhanh cứu người chiến sĩ sẽ chết! Rồi một thoáng ý nghĩ táo bạo, bật ra trong đầu bác sĩ Trần Hữu Nghiệp “chỉ còn một cách liệu pháp, đó là tinh thần!”. Nghĩ vậy và ông nhẹ nhàng nói với người chiến sĩ: “Sẽ rất đau, em cố chịu đựng nghen”. Hình như đây là lần đầu, trong đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thực hiện một ca cắt chi chưa từng có tiền lệ, và dù cố kềm cảm xúc giọng ông vẫn trầm lặng xuống. Hình như người thương binh cũng nhận ra chuyện gì sắp xảy ra với mình, rồi nói: “Xin cho tôi một phút”. Một phút đó thật vô cùng căng thẳng với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cùng nhiều người khác có mặt hôm đó trong bệnh viện, rồi bỗng người chiến sĩ trẻ cất lên tiếng hát, bài Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Nam đi/chung lòng cứu quốc…/… tiến lên cùng tiến lên/… ”. Lặng đi vài giây, nhưng giật mình sực tỉnh, Trần Hữu Nghiệp nhớ người bác sĩ không được phép để cảm xúc chi phối tinh thần, khi trên tay cầm con dao mổ. Hãy quên đi, ngay cả tiếng hát kia của người chiến sĩ đã vang lên. Trước mắt bác sĩ Trần Hữu Nghiêp, bây giờ là vết thương của người thương binh đang rất nguy kịch. Mổ, mổ càng nhanh càng tốt! Và thật tuyệt vời, khi bài hát vừa kết thúc, cũng là lúc bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thực hiện thành công ca phẩu thuật. Đưa con dao mổ đỏ loang màu máu cho trò Đoàn Hồng Hoa, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thở phào nhẹ nhõm, rồi nói:

-         Các em biết không. Người chiến sĩ trẻ này đã động viên tôi và tất cả chúng ta đấy!

Trải qua mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, mỗi khi có dịp gặp lại bác sĩ Trần Hữu Nghiệp người thầy thần tượng của mình, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng lao động bác sĩ Đoàn Hồng Hoa (Đoàn Thúy Ba) lại nhớ tới ca mổ đặc biệt năm xưa ở vùng căn cứ kháng chiến, bệnh viện Trung đoàn 99, Khu 8, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. 

 

 

Mục Lục