7
Vượt biển ra Bắc đưa võ khí
vào kháng chiến Nam Bộ Cần
phải nói thêm ý này cho rõ. Tháng 9 năm 1945 quân Pháp quay lại đánh
chiếm Sài Gòn. Tháng 10 bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rời thành phố Mỹ Tho tham
gia kháng chiến, rồi được phân công làm Ủy viên tuyên truyền, nhưng chỉ
làm thời gian ngắn khi cách mạng mới giành chính quyền. Tiếp theo Trần
Hữu Nghiệp thực hiện kế hoạch của Ủy ban kháng chiến tỉnh giao cho mở
lớp cứu thương, vừa phụ trách lại vừa trực tiếp giảng dạy trong thời
gian ba tháng tại huyện An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, bởi lúc này rất cần thiết
có một lực lượng cán bộ Y tế phục vụ kịp thời cho kháng chiến. Học viên
bấy giờ chưa nhiều chừng bốn mươi người, nhưng đa số họ là con các gia
đình khá giả. Lần đầu mở lớp ở địa phương cũng có nhiều bất cập, nhưng
Trần Hữu Nghiệp can thiệp tích cực với chính quyền cách mạng xã, cho học
viên tới lớp được phép mang guốc, đi dép lê, mặc quần áo trắng, mục đích
để tạo ra sự thống nhất, mặt khác cũng dễ quản lý con người, nhưng khi
nói với họ lại khác đi “vì vệ sinh chung của bệnh viện”. Rồi cũng không
được bao lâu khi lớp học còn dang dở, do quân Pháp đưa quân tấn công vào
An Hóa, số “đệ tử” toàn con nhà khá giả tan như bọt xà phòng, nhiều kẻ
chạy biến ra thành phố, một số khác bỏ về nông thôn, đáng nói về sau
trong số đó còn có kẻ trở thành tay sai làm mật thám cho giặc. Đây là
bài học đầu tiên nhớ đời với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, vào những ngày
tháng đầu vừa mới tham gia kháng chiến. Sau này khi tiếp xúc với Chủ
nghĩa Mác, mới sáng ra tính đấu tranh giai cấp trong xã hội, tính giao
động của tầng lớp trung gian mà trước đó trong nhận thức của ông đúng là
“lơ-tờ-mơ”. Vậy mà vẫn chưa đủ “ngấm đòn”, từ năm 1951 đến giữa năm 1953
vẫn lặp lại lần nữa. Số là ta chủ trương mở thêm nhiều lớp y tá, nhưng
Trần Hữu Nghiệp vẫn chưa ý thức dựa vào công nông, tiêu chuẩn chính trị,
nhưng lại quá nặng vào trình độ văn hóa, nên đầu tuyển bắt phải dịch cho
được một bài tiếng Pháp ngắn, do mong muốn họ có biết ít nhiều tiếng
Pháp sau này dễ dàng đọc được tên thuốc. Kết quả chỉ sau hai năm rưỡi
học tập, khi quân Pháp đánh phá vùng căn cứ kháng chiến đã có trên 28%
bỏ chạy về thành, hoặc về nhà làm ăn, trong số đó hầu hết là học trò
“cưng” của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có học ban thành chung hay díp-lôm.
Nhớ lại chuyện người xưa, Khổng Tử dạy: “Tam thiên đồ đệ, thất thập nhị
hiền”, nghĩa là ba nghìn học trò chỉ có bảy mươi hai anh khá. Nói lại
như vậy, chẳng qua cũng để tự bào chữa và an ủi mình mà thôi!
Tháng 2 năm 1946, quân Pháp dùng tàu chiến đổ quân từ ngoài biển vào rồi
ngược sông Tiền đánh chiếm tỉnh Bến Tre, báo hiệu một cuộc kháng chiến
ác liệt xảy ra giữa lực lượng cách mạng và quân Pháp xâm lược trên chiến
trường Nam Bộ. Phía Bắc, đội quân Nam tiến từ miền Bắc chi viện cho miền
Nam mới chỉ vào tới được Nam Trung Bộ (tỉnh Phú Yên). Quân Pháp sau khi
chiếm Sài Gòn, chúng tung lực lượng tiến ra đánh chiếm các tỉnh Trung
bộ, nhưng vấp phải lực lượng kháng chiến Khu 5 nên đành phải dừng lại từ
Nam Phú Yên trở vào. Tình hình Nam Bộ cho thấy tính phức tạp, và khó
khăn đang hiện hữu từng ngày giữa đôi bên. Nhưng để đối phó với quân
Pháp, Nam Bộ chỉ còn con đường duy nhất là tự lực cánh sinh. Trước thực
trạng trên, lãnh đạo “R”, Khu 8 theo chỉ đạo của Trung ương bí mật tổ
chức một con thuyền vượt biển ra miền Bắc, báo cáo với Trung ương, Bác
Hồ, tình hình Nam Bộ và xin võ khí vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ.
Thực hiện kế hoạch đó, tỉnh Bến Tre triển khai nhiệm vụ và lựa chọn con
người là yếu tố quan trọng bậc nhất. Rồi sau nhiều lần xem xét, lãnh đạo
Khu 8, tỉnh ủy quyết định thành lập đoàn vượt biển có năm thành viên,
gồm có bà Nguyễn Thị Định (Ba Định) bấy giờ đang là Ủy viên Ban chấp
hành Liên hiệp hội phụ nữ tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn Văn Khước (Mười
Khước) Bí thư tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội Khu 8. Giáo sư Ca Văn Thỉnh cán
bộ tỉnh Bến Tre. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (Chín Nghiệp) hiện đang phụ
trách Y tế, ở cù lao An Hóa – Mỹ Tho. Ông Đào Công Trường công tác quân
sự Khu 8. Trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre (1930 – 2000)” cũng có
viết về sự kiện này, nhưng đáng tiếc không có nhiều thông tin đầy đủ về
chức vụ của từng thành viên, ngoài mấy dòng trong thành phần có người là
đại biểu Quốc hội Khu 8. Đúng là như vậy, ngay cả bác sĩ Trần Hữu Nghiệp
một người có đam mê viết văn, viết báo, thành viên tham gia trong đoàn,
cũng không có nhiều ghi chép về chuyến đi lịch sử này. Nhưng dù thế nào
đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, trong giai đoạn cách mạng miền Nam
vừa có ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với người Pháp. Những người được
tham gia mở đường năm đó đã đặt nền móng mở ra con đường huyền thoại Hồ
Chí Minh trên biển về sau này. Theo
kế hoạch đoàn bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, tập trung về căn cứ
Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tại đây họ phân
công nhau, người chuẩn bị thuyền, số khác lo bảo đảm hậu cần như gạo, đồ
ăn và nước uống cho chuyến đi dự kiến một tuần ra tới miền Bắc Cồn
Tra là khu rừng ngập mặn có nhiều cây bần, cây đước, xa khu dân cư, sát
bên bờ biển, và có nhiều con rạch nhỏ chảy ngoằn ngoèo nối sang Cồn
Rừng, Cồn Bửng. Rừng Cồn Tra khi nước xuống, những con rạch lộ trơ đáy
bùn ngập lội tới đùi, lai láng dưới ánh nắng mặt trời màu bóng như dầu
nhớt, cá thòi lòi đầu to, đuôi bé từ trong các lỗ chui lên, đôi mắt thô
lố đảo điên tìm mồi và khi có động chúng nhanh như mũi tên phóng ngay về
lỗ. Lúc triều lên nước ùa vào các con rạch lớn nhỏ, dâng cao ngang tầm
ngọn cây bần, cây đước, cảm giác như rừng rộng thêm ra. Cồn Tra xã Thạnh
Phong, huyện Thạnh Phú, được chọn làm căn cứ cách mạng vì nó cách rất xa
tỉnh lỵ Bến Tre, nếu chạy xe cũng mất gần hai giờ đồng hồ, quân Pháp
thời đó mới tái chiếm Bến Tre chưa đủ sức bố trí lực lượng phong tỏa
hết. Hơn nữa, để đến được Cồn Tra chúng phải qua nhiều cây cầu khỉ bằng
thân cây dừa, cây gỗ, xe cơ giới không thể nào dám liều vượt. Nếu lính
hành quân bộ cũng phải mất mấy ngày, hay dùng tàu chiến chạy từ Hàm
Luông lên rồi tiến vào các con rạch, lúc nước lên thì được, nhưng khi
nước rút tàu dễ bị mắc cạn làm mồi cho Việt Minh “bùm” ngon sớt! Rõ ràng
chọn Cồn Tra làm địa điểm tập kết và xuất phát của đội thuyền là hoàn
toàn chính xác, vừa bí mật, vừa an toàn và lý tưởng. Tuy nhiên, tại Cồn
Tra hàng ngày vẫn còn nghe được tiếng kêu rì rì trên đầu bởi con “đầm
già” của quân Pháp bay trinh sát, nhưng rừng rậm, bóng cây bao phủ, từ
trên cao nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh như nước triều lên. Về
phương tiện, đội tìm mua được một chiếc ghe cũ đưa từ Gò Công lên, loại
ghe rất phổ biến của ngư dân đánh bắt cá Nam Bộ lúc bấy giờ, mũi sơn màu
đỏ, chạy bằng buồm nhờ sức gió, để che mắt địch. Sau
gần một tháng chuẩn bị, đến đầu tháng 4 năm 1946 đội thuyền được lệnh
xuất phát ra đi từ bến Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú vượt
biển ra miền Bắc. Tháng tư, theo kinh nghiệm của người đi biển là tháng
đẹp trong năm, không có giông bão, biển êm, thuận gió thế mới có câu
“tháng ba bà già đi biển” là vậy.
Thuyền đi vào lúc nửa đêm, trăng đầu tháng hình lưỡi liềm ngang tầm đỉnh
đầu dù không sáng lắm, nhưng bù lại bầu trời có nhiều sao lấp lánh. Biển
đẹp, trời trong, ai cũng cảm khái tự tin tiến về miền Bắc. Trong năm
thành viên vượt biển ngày đó Nguyễn Thị Định duy nhất là phụ nữ, lại
cũng trẻ nhất trong đoàn vừa bước sang tuổi 26. Chính sự đặc biệt của
chuyến đi, nên cũng cần nói thêm chút về bà Ba Định. Năm hai mươi tuổi
Ba Định lấy chồng tên là Ba Bích, tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Không may
trong một lần đi cơ sở, Ba Bích lọt vào tay địch, chúng tra tấn dã man,
nhưng trước sau ông vẫn trung thành với cách mạng không hề khai báo. Tức
giận trước thái độ “ngoan cố” của Ba Bích, chúng kết tội ông là Cộng
sản, rồi đưa ra giam giữ ngoài nhà tù Côn Đảo, mấy năm sau Ba Bích hy
sinh tại đó. Năm
1940 Ba Định tham gia cách mạng rồi cũng bị địch bắt, bồng đứa con trai
mới bảy tháng tuổi xin gởi về nhà nhờ ngoại chăm nuôi, sau đó chúng giam
cô vào nhà tù Bà Rá. Năm 1943 ra tù, nhưng vẫn bị chúng quản thúc tại
địa phương. Năm 1944, cô Ba Định liên lạc được với cách mạng ra hoạt
động tiếp. Năm 1945 cách mạng Tháng Tám bùng lên, cô Ba Định tham gia
cướp chính quyền tại Bến Tre, rồi được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Một người như cô Ba Định, dù tuổi còn trẻ, nhưng
thực sự tạo được niềm tin cho các thành viên trong đoàn là điều dễ hiểu.
* Gần
sáng thuyền ra đến ngoài khơi, nhìn trời lấy sao Bắc Đẩu định hướng cho
thuyền đi cho khỏi lạc. Khi mặt trời lên ngang tầm cây dương thuyền cũng
ra tới Bà Rịa, hòa vào hàng trăm con thuyền của ngư dân ra khơi đánh cá
để tránh tàu tuần tra địch theo dõi. Đến xế chiều cùng ngày đoàn cho
thuyền chạy gần bờ, nhìn vào các ngọn núi cao trong đất liền lấy hướng,
nhưng bất ngờ thuyền bị bục nước bên mạn phải mũi. Thấy không thể cứ
chạy thuyền như vậy sẽ có nguy cơ bị chìm, cả đoàn tập trung kéo thuyền
lên sửa chữa thì trời cũng vừa tối. Tiếng gió thổi làm bụi cát reo ù ù,
nghe rất xa từ trong những ngọn núi phía Tây ào tới, nhờ thế mà nhận ra
mình đang ở trên bãi biển Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Phan Rang là vùng
đất cằn khô, phía Tây có nhiều đồi núi chót dãy Trường Sơn. Từ chân núi
kéo dài ra phía biển toàn là đồi cát trọc, cây cối phất phơ những loài
lá nhọn nhiều nhất là xương rồng gai ít thoát hơi nước, nhờ thế mới tồn
tại. Mùa nắng ban ngày trời rất nóng có khi lên tới bốn mươi độ, nhưng
ban đêm nhiệt độ tụt xuống mười lăm, mười sáu độ. Trong đêm, nghe tiếng
gió hú ma mị với những ai yếu bóng vía, hoặc khách đường xa lần đầu tiên
đến Phan Rang càng sợ hãi vô cùng. Đêm hoang vắng chẳng thấy một bóng
người, cái đói cũng bắt đầu kêu réo óc ách trong ruột gan càng thêm mệt
mỏi. Ba Định lấy cơm vắt với khô cá chuẩn bị từ nhà, đem phân phát cho
từng người ăn, cái lạnh chợt đến muốn đốt lửa lên cho ấm, nhưng lại sợ
địch đâu đó phát hiện ra nên lại thôi. Tất cả ngồi sát bên thuyền cho đỡ
gió, nhưng chưa ai nghĩ được ra cách sửa chữa con thuyền. Nỗi lo giờ mới
ập tới, lại nghĩ nếu phải quay trở về thì cuộc hành trình xem ra thất
bại? Bỗng Đào Công Trường đang ngồi đứng bật dậy, rồi chỉ tay về hướng
Nam nhìn thấy ở đó có ánh đèn nhấp nháy:
-
Hình như có
làng chài trên đó. Mình vào tìm người giúp? Tất
cả đứng bật dậy, nhìn về hướng Đào Công Trường vừa chỉ, đúng là có ánh
đèn. Nhưng khi chưa ai kịp nói gì, bỗng phía sau lưng nghe có tiếng bước
chân người rào rạo đạp trên cát. Mọi người lại đổ dồn về phía đó, một
bóng người đen trủi đang bước tới. Bây giờ tất cả lại ngồi thụp xuống,
cảm giác nghe gió cũng như ngừng thổi, biển cũng thôi vỗ sóng, hồi hộp
chờ đợi điều xấu sắp xảy ra. Rồi khi cái bóng chỉ còn cách con thuyền
chừng ba chục thước, bất ngờ dừng lại hình như người đó đã nhận ra điều
bất thường trước mặt. Mười Khước người có nhiều kinh nghiệm trong công
tác ở Khu, quay sang nói nhỏ với mọi người “cứ ngồi im khi chưa thật sự
bị lộ”. Đúng vậy, cái bóng người sau đó tiếp tục đi về hướng con thuyền,
trên vai vác một vật gì đó dài thượt như chiếc cần câu, khi chỉ còn cách
con thuyền chừng chục bước chân. Mười Khước đứng bật dậy, hỏi:
-
Ai?
Người lạ bất ngờ sựng lại, rồi đáp:
-
Tui!
Tiếng một người đàn ông. Mười Khước hỏi tiếp:
-
Anh đi đâu?
-
Tui đi câu!
Người kia đáp xong, rồi hỏi ngược:
-
Các ông là ai?
Vẫn
tiếng Mười Khước đáp:
-
Chúng tôi trong
Long Hải, Bà Rịa đi đánh cá, không may thuyền bị thủng, gió đánh dạt ra
đây.
-
Thủng thuyền à,
để tui coi.
Người đàn ông nói, rồi để cái cần câu xuống cát, đến bên thuyền nhìn
theo tay Mười Khước chỉ chỗ thủng, người đàn ông nghiêng ngó trong ngoài
một lát, rồi đứng lên nói với mọi người:
-
May cho các ông
đó, thuyền chỉ bong mất lớp hồ trét thôi. Chờ tui chút. Nhà nhà tui ở
gần đây, tui về lấy keo ra trám lại, các ông quay vào Bà Rịa không sao.
Tình
thế tiến không được, lui cũng không xong. Đào Công Trường vẫn cảnh giác,
đưa tay chỉ về nơi có ánh đèn nhấp nháy xa xa hỏi người đàn ông lạ:
-
Nhà ông ở trong
đó à?
-
Không, đó là
đồn Tây! Nhà tui ở đằng ni. Trời
đất thiệt may, nếu như không gặp ông ta chắc chuyến này tự dưng nộp mạng
cho quỉ. “Ông ta là người tốt”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thầm nghĩ trong
đầu. Vẫn Mười Khước nói:
-
Cảm ơn ông, nhờ
ông giúp giùm.
Người đàn ông quay người bước đi, sau đó là những giây phút chờ đợi còn
hồi hộp căng thẳng vô cùng, nhưng còn cách nào khác đâu. Phương án xấu
nhất cả đội từng nghĩ phải bỏ con thuyền, rồi lên đường lộ tìm cách quay
về. Biển đêm hình như sóng vỗ mạnh hơn, nhưng không lâu sau người đàn
ông đó xuất hiện trên tay cầm một chiếc hộp nhỏ, rồi bảo đây là keo trám
thuyền tuyệt hảo, chỉ mười phút sau công việc đã xong:
-
Các ông đi được
rồi đó.
-
Cảm ơn ông.
Lại
Mười Khước nói.
-
Không có chi,
tui cùng là bạn thuyền đánh cá. Các ông ra khơi bình an nhé. Con
thuyền trở về biển cả, ra tới ngoài khơi trời cũng vừa sáng, rồi lấy
hướng Bắc gặp gió thuận buồm lướt sóng vo vo. Nhìn Ba Định rất vui, mà
ai cũng vui cả, khi mình vừa thoát qua cơn nguy hiểm. Ba Định nói với
mọi người:
-
Em không dám
lên tiếng, sợ ổng nhận ra mình là phụ nữ. Nhờ anh Mười cả đó. Mười
Khước là người linh hoạt cứu nguy gang tấc, trường hợp này càng phải tế
nhị, Ba Định hiểu nên vẫn ngồi im thít, nhưng nói sao thì nói may cho
đoàn đêm ấy ở biển Phan Rang họ gặp được người dân tốt. Sang chiều ngày
thứ hai, thuyền tới được Phú Yên ngày đó là vùng tự do của ta sau cách
mạng Tháng Tám, địa bàn này bộ đội Khu 5 đang đóng giữ. Trải
qua mấy chục năm sau khi nước nhà thống nhất, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ
lại con thuyền hành trình vượt biển ngày đó có phần may mắn. Từ Cồn Tra
ra tới Phú Yên đoạn đường không phải là dài, thời tiết thuận gió, quân
Pháp mới trở lại Việt Nam việc bố phòng tuần tra trên bộ cũng như trên
biển còn nhiều sơ hở. Đêm ở Phan Rang, Ninh Thuận “hút chết”, rồi cũng
may từ Khu 8 khi đoàn xuất phát ta đã có thông tin liên lạc báo ra trước
Khu 5, nên khi thuyền vào tới bến Sông Cầu đích thân Tư lệnh Nguyễn
Chánh ra tận nơi đón đoàn vô cùng thân thiết. Ở đây đoàn được bố trí nơi
ăn, nơi nghỉ đàng hoàng mấy ngày liền để lấy lại sức. Ba ngày sau Tư
lệnh Nguyễn Chánh đến gặp cho biết thêm, Trung ương chỉ đạo đoàn để lại
thuyền, rồi lên tàu lửa đi tiếp ra miền Bắc. Để
giữ bí mật, chuyến tàu đưa đoàn rời ga Phú Yên vào bảy giờ tối theo lộ
trình chạy hai đêm một ngày và dự kiến tới ga Hàng Cỏ, Hà nội vào lúc
nửa đêm ngày hôm sau. Phú Yên thời kỳ này còn khá yên tĩnh, quân Pháp
chưa có nhiều hoạt động tiến ra quấy phá, tàu chạy suốt đêm cũng không
thấy xảy ra sự cố nào về kỹ thuật, trừ mỗi khi tới các ga xép dừng cho
hành khách xuống, tới trưa ngày hôm sau tàu đến Đà Nẵng dừng nửa giờ bổ
xung nhiên liệu, nước rồi đi tiếp. Tính ra chín năm kể từ khi Bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp, tốt nghiệp “đốc tờ” Paris nước Pháp trở về Trường Đại
học Y khoa Đông Dương Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên tàu lửa về Sài Gòn nay
lại được ngồi trên con tàu trở ra miền Bắc, nhưng hoàn cảnh giờ đây đã
khác rất nhiều. Cũng đất trời ấy, cũng những con người ấy, miền Trung,
miền Bắc không khí tự do qua mỗi xóm làng, phố thị, nhìn thấy phấp phới
cờ đỏ sao vàng tung bay. Đêm Hà Nội yên tĩnh, thanh bình, nhưng cảm giác
người Hà Nội vẫn như không ngủ. Chắc chắn thế. Nam Bộ quân Pháp dưới sự
bảo trợ nước Mỹ, núp bóng quân Anh quay trở lại, chiến tranh sẽ xảy ra
bất cứ lúc nào. Một
tiếng còi tàu rúc vang, báo hiệu sắp vào ga Hàng Cỏ. Mười phút sau tiếng
sập xình chậm dần rồi dừng hẳn. Cảm xúc của Trần Hữu Nghiệp chợt vỡ òa.
Chín năm, đúng là chín năm lại trở ra Hà Nội, nhưng Hà Nội bây giờ là
Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
* Vừa
xuống tàu bước ra ngoài sân ga, đoàn đã thấy có xe của Chính phủ ra đón.
Đó là chiếc Jeep màu xanh quân sự, loại phương tiện chiến tranh chiến
lợi phẩm trông xương xẩu ta thu từ quân đội phát xít Nhật. Mười Khước
tuổi cao ưu tiên ngồi ghế trước, phía sau có hai hàng ghế nằm dọc theo
thân xe mỗi bên hai người khá thoải mái, từ ga về khu nhà nghỉ Chính phủ
cũng không mấy xa trên đai lộ La République. Về tới nơi đã hai giờ sáng,
nhưng ở nhà khách vẫn chuẩn bị sẵn cho đoàn món phở bò ăn đêm rồi đi
ngủ. Hai đêm một ngày trên tàu chập chờn lúc tỉnh lúc say đã thấm mệt,
được ăn phở nóng, tắm mát vòi sen nên lăn ra giường là ngủ như chết.
Sáng hôm sau nghe tiếng chim lích chích ngoài khung cửa sổ, rồi tiếng
chân người lộp cộp nện trên sàn nhà gỗ tới cửa phòng từng người, giọng
cô nhân viên phục vụ trong veo mời đi ăn sáng mới bật dậy. Trưa đó được
thông báo sẽ có cán bộ trên Trung ương tới thăm mời cơm, ai cũng đoán
già đoán non “chắc mấy bác bên Quốc hội hay Chính phủ đến?”. Mấy
chục năm trôi qua, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp không thể quên lần ấy. Đúng
giờ cả đoàn vừa bước vào phòng khách đã thấy có nhiều người, nhưng mắt
ai cũng đổ dồn ra phía cửa hình như còn đang chờ một người nào đó rất
quan trọng? Một lát sau, từ ngoài cửa xuất hiện một ông già trong bộ đồ
màu nâu ka ki giản dị. “Bác Hồ”, người vừa nói đó là tiếng Ba Định. Đúng
là Bác Hồ! Bác tươi cười rồi bước nhanh về phía mấy anh em đoàn Nam Bộ,
đang đứng như chôn chân xuống đất vẫn chưa hết ngạc nhiên và xúc động.
“Bác”, không ai bảo ai, tự dưng đều reo lên khe khẽ. Bác bắt tay từng
người một, phong thái ung dung, gần gủi và thân thiết. Bác hỏi thăm sức
khỏe từng người “Đi có vất vả lắm không?”, “Có ai say sóng không?”, “Có
gặp nguy hiểm trục trặc gì không?”. Rồi bất chợt Bác quay sang Ba Định
nói: “Nào ưu tiên cháu gái nói trước”. Ba Định thưa với Bác: “Không ạ,
chỉ có thuyền bị thủng nước nhẹ, nhưng may gặp được một người dân giúp
đỡ, nên thuyền chúng cháu tiếp tục ra tới Phú Yên an toàn”. Nghe Ba Định
nói, Bác bảo: “Nhân dân ta ở đâu cũng tốt”. Bác còn khen phụ nữ Nam Bộ
giỏi việc nhà, giỏi cả việc nước. Tiếp theo Bác nói về tình hình hiện
tại tuy ngắn chỉ vài ba phút, nhưng rõ ràng dễ hiểu. “Người Pháp được
người Mỹ chi tiền trang bị vũ khí, để chúng quay trở lại Việt Nam xâm
lược nước ta thêm lần nữa. Chúng ta không còn con đường nào khác, là
phải chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài”. Gặp được Bác, nhìn thấy Bác
khỏe, lại được Bác mời cơm, niềm vui quá lớn mọi người quên cả ăn nên
Bác giục: “Ăn nhiều vào để có sức làm việc, công tác”. Tình cảm của Bác
như người cha với những đứa con xa là vậy. Cuối bữa cơm trước lúc ra về,
Bác còn nhắc: “Các đồng chí bên Chính phủ, Quốc hội, quan tâm tốt cho
đoàn các cháu Nam bộ nhé”. Dừng một lát Bác nói thêm: “Thế nào Trung
ương và Chính phủ cũng gửi vũ khí vào Nam, nhưng đất nước còn nghèo, các
cô, các chú về phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng địch trang bị lại
cho mình, cái vốn đó mới nhiều và nhanh nhất”. Ở
lại Hà Nội một thời gian, được đi thăm một số nơi danh thắng lịch sử,
nhưng chưa dám đi xa, vì sau Hiệp định Sơ bộ (ngày 6 tháng 3 năm 1946)
tình hình đất nước rất phức tạp, hơn nữa còn phải giữ bí mật nhiệm vụ
của đoàn. Tháng năm Hà Nội trời ít mưa, ban ngày nhiệt độ khá nóng. Đứng
ở lan can nhà khách, nghe tiếng ve kêu ran ran trên hàng cây sấu bên
đường vọng vào, bỗng ký ức ập đến chín năm về trước khi Trần Hữu Nghiệp
còn học Trường Đại học Y khoa Đông Dương. Chính nơi đây chỗ đoàn đang ở
cách Phủ Chủ tịch không xa, trước kia là Dinh Toàn quyền Đông Dương Paul
Doumer, ngày đó Trần Hữu Nghiệp và nhóm sinh viên Giang Văn Xường lúc
rảnh vẫn thường đạp xe băng qua đại lộ La République, nhìn sang bên kia
là Quảng trường Puginir thành phố. Cái dinh đồ sộ nguy nga lộng lẫy,
kiến trúc theo mô típ phục hưng lẫn chút tân thời. Dinh được xây dựng
vào năm 1900, tới sáu năm sau mới hoàn tất, trở thành biểu tượng sức
mạnh quyền uy của nước Pháp trên lãnh thổ Việt Nam và toàn xứ Đông
Dương. Khi Nhật đảo chính Pháp, Dinh Toàn quyền Đông Dương lại trở thành
“Dinh Toàn quyền Nhật”. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Minh cướp
chính quyền từ tay Nhật và nay là nơi làm việc của Chính phủ Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa. Thật hạnh phúc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp không còn đạp
xe lòng vòng như “cỡi ngựa xem hoa” mà giờ đã trở thành hiện thực, những
đứa con miền Nam mới từ trong ra đang ngồi ăn uống, nghỉ ngơi tại đây.
Lại thêm một vinh dự nhân ngày 19 tháng 5 năm 1946, đoàn đến chúc thọ
Bác Hồ, rồi dùng cơm cùng Bác. Cuối bữa, Bác nói với đoàn lời nhắn gởi
tới đồng bào miền Nam: “Người Pháp vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu thống trị
nước ta, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ, quyết không chịu mất
nước, không chịu làm nô lệ! Chúng ta phải sẵn sàng cho một cuộc kháng
chiến lâu dài, giành độc lập dân tộc trên cả nước!”.
* Đoàn
cán bộ vượt biển từ Nam Bộ ra Bắc, sau ngày gặp Bác Hồ, Trung ương Đảng,
Chính phủ bất ngờ có quyết định giữ giáo sư Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp ở lại miền Bắc. Tháng 12 năm 1946, Mười Khước, Ba Định, Đào
Công Trường trở về Nam vẫn theo con đường bằng tàu lửa. Theo kế hoạch từ
Hà Nội vào đoàn xuống ga Phú Yên, rồi tới bến Sông Cầu nơi có con thuyền
ngày từ Nam ra đang tập kết tại đó. Khu 5 theo lệnh của Trung ương, Bộ
Quốc phòng, cũng đã chủ động đưa xuống thuyền gần mười tấn vũ khí, còn
bổ sung thêm hai đồng chí mới là Võ Đăng Kỳ và Lâm Thanh Sơn. Ở
lại miền Bắc, giáo sư Ca Văn Thỉnh được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm
vụ làm quyền Bộ trưởng Giáo dục, kiêm Vụ trưởng Vụ Sư phạm. Bác sĩ Trần
Hữu Nghiệp được phân công nhận công tác bên Cục Quân y, Bộ Quốc phòng
Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiêm Tổng Thanh tra Quân Dân y Việt Nam. Nhớ
lại khoảng thời gian tuyệt vời này, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói đây thực
sự là một trải nghiệm khó quên, được làm quen, gần gủi với những chiến
sĩ. Nhưng quan trọng nhất, để ông tích lũy thêm nhiều kiến thức trong
công tác quản lý, công tác chỉ huy, nhiệm vụ quân dân y trong điều kiện
chiến tranh sau này khi có lệnh lại trở về miền Nam phục vụ.
|