19
Cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng
Dương Quỳnh Hoa
Trường Cán bộ Y tế cuối năm 1968, vừa kết thúc lớp đào tạo bác sĩ Khóa
II, theo chỉ đạo của Bộ, Ban dân Y Trung ương cục tiếp tục triệu tập học
viên về mở lớp đào tạo bác sĩ Khóa III. Ngày 6 tháng 6 năm 1969, tại
Miền căn cứ cách mạng Tây Ninh tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân miền
Nam, nhất trí bầu Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ
cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, được cử
làm Bộ trưởng Bộ Y tế xã hội và Thương binh. Bộ Y tế cũng cử ra hai thứ
trưởng, bác sĩ Hồ Văn Huê và Bùi Thị Mè. Cơ quan Bộ có bác sĩ Nguyễn Văn
Thủ làm Tổng thanh tra. Bác sĩ Nguyễn Thành Văn (Tám Văn) làm Chánh văn
phòng. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế trung cao,
kiêm nhiệm thêm chức Cố vấn Bộ Y tế -Thương binh và xã hội.
Chuyện làm cố vấn cho Bộ Y tế cũng là một câu chuyện khá vui và thú vị.
Trần Hữu Nghiệp nói, ông có một kỷ niệm nho nhỏ với bà Bộ trưởng Dương
Quỳnh Hoa như sau: “Dạo năm 1960, khi còn ở Hà Nội đọc trên báo toàn bộ
danh sách các Ủy viên Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam vừa ra đời,
tôi ghi nhận có hai đồng nghiệp là bác sĩ Phùng Văn Cung và bác sĩ Thùy
Dương. Anh Sáu Cung thì tôi quen quá, vì cùng học chung với nhau sáu năm
ở trường thuốc, đỗ bác sĩ cùng khóa. Năm 1954, khi tôi đang dạy lớp Y tá
và hộ sanh ở An Biên (Rạch Giá) trước khi đi tập kết, chị Sáu Cung có ra
thăm tôi với một giỏ xách đầy món ngon, nên tôi biết chị Sáu Cung có
quan hệ với kháng chiến từ lâu rồi. Nhưng bác sĩ Thùy Dương là ai? Rồi
sang Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch hỏi mò, anh đáp: “bí mật chính trị, chừng
nào cần về trong đó sẽ biết”. Năm
1965 Trần Hữu Nghiệp về Nam thật. Thời gian sau, vào một đêm tháng 3 năm
1968. Trần Hữu Nghiệp khi đang nằm trên võng ngon giấc, giật mình bỗng
nghe một giọng cười lạ nhưng rất “đầm”, rồi nghĩ giọng cười ấy mình từng
quen từ cái thời bên Pháp, vang ra từ khu nhà bệnh nhân Cán bộ trung
cao. Trần Hữu Nghiệp đưa đồng hồ lên xem đã 10 giờ đêm, rồi sau đấy lại
ngủ thiếp đi. Thế nhưng tiếng cười, dáng dấp của bà “đầm Tây” vẫn ám ảnh
bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, sáng ra gặp bác sĩ Đoàn Thúy Ba, lúc ấy là giám
đốc bệnh viện Hoàng Lê Kha Miền, hỏi:
-
Hồi hôm, ai đó
mà cười dữ vậy? Bác
sĩ Đoàn Thúy Ba, đáp:
-
Thưa chú Chín,
chị Bảy Hồng, Ủy viên Trung ương Mặt trận qua thăm bệnh nhân quen ạ.
Một
cái tên lần đầu tiên nghe, nên Trần Hữu Nghiệp tò mò hỏi tiếp:
-
Bảy Hồng nào?
-
Là bác sĩ Dương
Quỳnh Hoa đó! Ở thành phố mới ra! Té
ra vậy. Người thành phố người ta quen thức khuya, đâu có phải như mình ở
rừng, ở rú, mặt trời bị tán cây che khuất mới hơn năm giờ chiều đã ngửa
bàn tay không thấy, lại sợ muỗi đốt truyền sốt rét, nên cứ chiều lại là
ngủ theo gà, theo vịt. Cũng không lâu sau, có dịp gặp nữ bác sĩ bắt đầu
“rừng rú hóa”, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, hỏi:
-
Sao chị lại dám
lấy tên lãnh tụ miền Nam đặt cho tên mình? Chưa
trả lời Trần Hữu Nghiệp vội, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cười giòn, một lát
rồi mới đáp:
-
Xin lỗi, chính
anh hai Phạm Hùng, Bí thơ Trung ương cục, lấy tên cho tôi mới đúng! Bảy
Hồng là bí danh của tôi hồi còn hoạt động bí mật ở thành năm 1955, vì
tôi là “cô Bảy” trong nhà. “Hồng” là bởi trước khi về nước năm 1954, tôi
là đảng viên Đảng cộng sản Pháp. Trần
Hữu Nghiệp hơi bị nể, nhưng vẫn hỏi tiếp:
-
Thế còn tên
Thùy Dương, khi Mặt trận Giải phóng mới ra đời? Bộ
trưởng Dương Quỳnh Hoa, đáp:
-
Hồi đó ngoài
này ai khai sinh ra tên này tôi không hề biết. Đến nỗi nghe tên lạ làm
Ủy viên Mặt trận, tôi chạy đi hỏi anh em: “Con nhỏ nào đây kìa”. Bộ
trưởng Dương Quỳnh Hoa nói xong, lại cười giòn. Còn bác sĩ Trần Hữu
Nghiệp cũng biết, chị Bảy Hồng là con gái người thầy ngày xưa dạy tiếng
“Anammite” cho mình, lúc ấy xem ra như là một ngoại ngữ thứ hai sau
tiếng Anh ở trường Trung học Pháp. Đó là em ruột tiến sĩ Dương Trung
Tín, bị Mỹ - Ngụy sát hại năm 1965, vì hoạt động cách mạng, sau này nhà
nước truy tặng liệt sĩ. Bác
sĩ Trần Hữu Nghiệp quen cô Bảy Hồng như thế, bây giờ là Bộ trưởng Y tế
của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, mình lại làm cố vấn
nên họ gặp nhau thường xuyên. Quen rồi cũng có lúc rảnh ngoài nghị sự
vẫn chọc đùa tào lao giữa rừng, có khi Dương Quỳnh Hoa còn kể cho Trần
Hữu Nghiệp nghe trong thành các đồng nghiệp quen mình ai tốt, ai xấu.
Chị Bảy Hồng nói là có cơ sở, bởi từ năm 1954 đến lúc ra Khu chị là Phó
chủ tịch nghiệp đoàn thầy thuốc Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Y sĩ đoàn,
tức là theo dõi con người về đạo lý, do Thành ủy giao cho một phần công
tác trí thức vận, đưa con người đi từ lãnh đạm thờ ơ với cách mạng đến
có cảm tình. Rồi cuối cùng là làm cho họ ủng hộ Mặt trận, ký tên vào
kiến nghị gởi lên chính quyền Ngụy. Việc làm của chị Bảy Hồng là dũng
cảm, đòi hỏi có con mắt nhìn thấu tâm can người mình vận động, cũng qua
đó biết được kẻ xấu, người tốt. Kẻ xấu đó đã tố cáo chị với Chính quyền
địch, rồi chị bị bắt giam hai tháng chúng đưa vào nhốt ở bót Ngô Quyền,
cùng với một số anh chị em trí thức khác tại Sài Gòn năm 1960. Trong
cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, trước khi đi luôn ra
căn cứ Khu theo chỉ thị của Thành ủy, chị có tham gia cấp cứu chữa trị
cho cán bộ, chiến sĩ ta những ai bị thương trong chiến dịch chuyển tới.
Rồi nhà chị Bảy Hồng bị lộ, nhưng lúc ấy nội thành ta còn nhiều cơ sở
chúng chưa biết, giúp chị đưa chiến sĩ bị thương vào cấp cứu, rồi từng
bước tìm cách rút ra vòng ngoài. Những kẻ xấu tay sai của Mỹ - Ngụy dần
dần cũng bị lộ mặt, như trường hợp giáo sư Nguyễn Thị Thoa, Trần Ngọc
Ninh, gây cho ta nhiều khó khăn, sau khi chiến tranh kết thúc nước nhà
độc lập, những kẻ như chúng đã cao chạy xa bay di tản sang Mỹ. Giai
đoạn sôi động nhất, của Bộ trưởng Y tế Dương Quỳnh Hoa khi đời con gái
kết thúc là năm 1968 ở khu giải phóng Tây Ninh, chị kết hôn với anh
Huỳnh Văn Nghị kỹ sư, Ủy viên liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ
và hòa bình mà Chủ tịch là cụ luật sư Trịnh Đình Thảo. Có lần bác sĩ
Trần Hữu Nghiệp hỏi đùa:
-
Ở Sài Gòn bao
nhiêu năm sao không chịu lấy chồng, đợi ra đây mới có đám cưới? Lại
cười giòn, nhưng đôi mắt long lanh tràn ngập hạnh phúc, rồi chị đáp:
-
Chỉ ra rừng mới
chắc chồng mình không đi theo lính Ngụy, anh đừng tưởng đám cưới tụi này
xập xệ. Sức mấy ở thành mà có cả đoàn văn công giải phóng đến biểu diễn
góp vui ủng hộ hết mình.
Tháng 6 năm 1969, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được mời đến dự buổi ra mắt
Chính phủ cách mạng lâm thời, và cũng là lần đầu tiên được ngắm nhìn
người thủ trưởng mới, sau cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, trong bộ y phục
đẹp tuyệt vời. Bộ trưởng mặc bộ áo dài đẹp lộng lẫy, mà Trần Hữu Nghiệp
chưa từng nhìn thấy hồi còn ở Sài Gòn trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
|