17

Vợ chồng gặp nhau ở chiến trường

 

Trần Hữu Nghiệp nhận được tin vợ, bác sĩ Nguyễn Thị Lê đang trên đường Trường Sơn vào Nam hôm ấy vừa giảng xong bài từ lớp về lán nghỉ, rồi nói với Tư Phan hiệu phó, bí thơ chi bộ trường:

-         Bả tôi vào, báo anh biết. Xin cho tôi đi đón bả nghen?

Tư Phan ngạc nhiên về tin ấy, nhưng rất phấn khởi mừng vui chia sẻ cùng Trần Hữu Nghiệp, rồi đáp:

-         Tốt quá anh Chín, vợ chồng được ở bên nhau cùng công tác còn gì bằng. Anh Chín cứ đi, nhưng đây đến biên giới cũng khá xa đó, có cần thêm người đi anh bảo anh em đi cùng.

Hiểu tấm lòng của Tư Phan, có thêm người cũng tốt, nhưng thực ra cũng không cần, nên đáp:

-         Cảm ơn Tư, có đồng chí công vụ đi với tôi là đủ rồi.

Tháng 12 năm 1967, trời biên giới Việt Nam - Campuchia đang mùa khô, rừng kéo dài miên man từ hai nước cảm giác không nhận ra đâu là đất Việt, đâu là đất Campuchia. Đi dưới rừng nguyên sinh cuối dãy Trường Sơn râm ran tiếng chim Hồng Tước, đẹp rực rỡ như một nụ hoa nhiều màu sắc chỉ nhỏ nặng 25 gram, nhưng loài chim này lại có thể bay xa tới 25.000 ki lô mét để tránh rét, và tiếng hót líu lo gần như liên tục. Chim Họa Mi, chim Thiên đường, chim Chào mào lanh chanh hót trong các lùm cây thấp. Tiếng chim Gỏn Câu Cỏ Cộ, nghe ngồ ngộ vui vui, tiếng hót ở xa hàng trăm mét trên những ngọn cây dầu, cây xăng lẻ cao vút vẫn nghe rõ mồn một, mà thời đó người lính trận nói trại đi “chờ anh với em ơi” hay “bắt cô trói cột”. Tiếng chim cứ vang lên làm lòng Trần Hữu Nghiệp thêm phấn chấn, rồi khi đến trạm giao liên cuối cùng, Trần Hữu Nghiệp nhận ra vợ mình đang đứng dưới gốc cây bằng lăng, không kềm được cảm xúc rồi gọi to:

-         Mười, Mười à.

Nhưng kỳ lạ, bà vẫn đứng trân trân nhìn Trần Hữu Nghiệp như người xa lạ. Trần Hữu Nghiệp nhìn vợ, rồi nhắc lại lần nữa:

-         Anh đây, Chín đây?

Lần này thì bà Nguyễn Thị Lê đã nhận ra chồng mình. Đúng là chồng mình, bà muốn gọi thật to lên “Anh. Em là Ngọc Lê đây!”. Sau này bà từng viết về cảm xúc lần vợ chồng gặp nhau đó như sau:

“Anh đón tôi ở biên giới Việt Nam – Campuchia. Vừa thấy tôi anh mừng nói như reo, nhưng tôi không thể nhận ra anh. Anh khác quá, gày và da xạm đen, nhìn anh như ông lão 70 tuổi, dù khi đó anh mới xa tôi có hai năm. Chiến trường ác liệt, công tác suốt ngày đêm, thiếu sự chăm sóc của gia đình, sức khỏe anh giảm sút trầm trọng, nhưng nhìn anh vẫn lạc quan yêu đời”.

Bản chất Trần Hữu Nghiệp là thế, hài hước, dí dỏm, và đầy niềm tin trong mọi hoàn cảnh. Trước cảm xúc tình cảm vợ chồng, và để vợ vui Trần Hữu Nghiệp thốt lên: “Hai ta lại ở bên nhau rồi”. Những ngày tiếp theo bà Nguyễn Thị Lê kể cho Trần Hữu Nghiệp biết, mình đã phải lựa chọn khó khăn như thế nào về quyết định đi Nam, hay ở lại miền Bắc. “Đời tôi chưa bao giờ có một lựa chọn khó khăn đến thế, một bên là miền Nam vẫy gọi và anh đang mong chờ, một bên ba đứa con còn non nớt. Kiều Dung năm ấy 16 tuổi, Kiều Miên 14 tuổi, còn Kiều Lan mới 13. Nhưng tôi tin, các con ở miền Bắc có sự giúp đỡ của tổ chức bạn bè sẽ trưởng thành”. Cuối cùng, bà chọn tạm xa các con để được vào Nam.

Miền Nam giữa thập kỷ bảy mươi thế kỷ trước, tình hình có những biến chuyển tích cực có lợi cho cách mạng. Chính sự hà khắc, tàn bạo của chế độ Ngô Đình Diệm tạo ra những bất bình lớn trong xã hội. Chính sách “ấp chiến lược”, “luật 10/59” chúng lê máy chém đi khắp miền Nam, lùng sục bắt bớ, giam cầm, tra tấn, chém giết không cần xét xử theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót” làm mất lòng dân. Phong trào xuống đường phản đối chiến tranh, phản đối Ngô Đình Diệm, đòi dân sinh, dân chủ, nhất là trong giới trí thức, học sinh sinh viên, phật giáo, nổ ra liên tục. Trên chiến trường từ sau Đồng Khởi Bến Tre, lực lượng cách mạng tiến hành đồng thời ba mũi giáp công Chính trị, Quân sự và Binh địch vận, phát triển mạnh mẽ.

Sự chi viện lớn của miền Bắc gồm người, trang bị vũ khí cũng đạt được đến con số rất lớn, từ hai con đường chiến lược quan trọng là đường Trường Sơn (Đoàn 559) và đường vận tải trên biển (tàu không số) Đoàn 125 Hải quân, vào được hầu hết các tỉnh duyên hải Nam Bộ như Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre. Ở Trung Nam Bộ, tàu ta cũng cập vịnh Tiên Sa dưới chân đèo Hải Vân, Đà Nẵng. Quảng Ngãi, tàu vào biển Sa Huỳnh, Mỹ Á. Tỉnh Phú Yên, tàu vào vịnh Vũng Rô. Nhờ có chi viện lớn ấy, quân giải phóng đã mở được nhiều trận đánh lớn, hay chống các trận càn quét của địch giành thắng lợi vang dội. Tổn thất lớn trên chiến trường, nội bộ tay sai Ngụy quyền Sài Gòn lục đục, mâu thuẫn gay gắt.

Năm 1963, một nhóm tướng lĩnh thân Mỹ làm cuộc đảo chính, sát hai anh em nhà Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu lên nắm chính quyền. “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, Ngụy bị phá sản, chúng chuyển sang “chiến tranh cục bộ”. Năm 1965, quân Mỹ và quân chư hầu ào ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, cùng vũ khí tối tân hiện đại nhằm tiến công tiêu diệt lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng và ngạo mạn hô hào vượt sông Bến Hải lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.

Đứng trước tình hình đất nước lâm nguy, năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân đứng lên chống Mỹ cứu nước “dù mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn nữa. Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn, nhưng dân tộc Việt Nam quyết không sợ, nhất định giành thắng lợi hoàn toàn!”. Bác đã gọi, non sông đáp lời, từ hậu phương lớn miền Bắc ngày đêm rầm rập những binh đoàn ra trận, chi viện cho miền Nam. Bên dân sự các ngành cũng cử nhiều đoàn cán bộ, đặc biệt con em miền Nam sau hơn mười năm tập kết ra miền Bắc, họ được học tập, đào tạo, trưởng thành trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, trong đó có ngành Y tế rất nhiều anh chị em lúc ra đi là Y tá, ngày trở về thành bác sĩ, dược sĩ trung cao cấp.

Miền Nam kêu gọi, anh chị em tình nguyện lần lượt trở về cùng chia lửa với đồng bào, đồng chí quê hương dù phải hy sinh. Trong hàng trăm, hàng ngàn cán bộ ấy có những cái tên từng là học trò của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp như bác sĩ Đoàn Thúy Ba. Bác sĩ Hồ Thị Sáu (khoa sản), Đào Nhàn Thư, Thu Liên, Huỳnh Kim Anh, Nguyễn Kim Thoa, Nguyễn Thị Lai (khoa tai, mũi, họng). Việt Tuyết (vi trùng học). Dương Thị Mùi, Nguyễn Thị Minh Huệ, Trương Thị Thanh (khoa mắt). Y sĩ có Huỳnh Thị Kim Hường, quê Bạc liêu, Trần Kim Nhung... Ngoài bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về Nam, ông còn có hai người cháu ruột là Tô Văn Tươi (Tư Tươi), mới học xong đại học tổng hợp Hà Nội ngành văn sử, được lệnh đi Nam (B) với tư cách là nhà báo công tác tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam. Người thứ hai là Trần Văn Lễ (Sáu Lễ), tập kết năm 1954 lúc ra quân Tiểu đoàn 307 danh tiếng Nam Bộ, đến miền Bắc biên chế về Trung đoàn I (E1), Sư đoàn 330 (F330), rồi được đi học đào tạo Bác sĩ, tốt nghiệp trở về Trung đoàn 570, Sư 330 làm Chủ nhiệm quân Y trung đoàn, thời gian sau đi Nam (B). Vào chiến trường chỉ một thời gian ngắn, năm 1965 bác sĩ Sáu Lễ được bổ nhiệm chức vụ giám đốc bệnh viện K.79, Quân giải phóng miền Nam bấy giờ đứng chân ở Bà Rá, tỉnh Bình Phước. Suy cho cùng, bác sĩ Nguyễn Thị Lê vợ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp hay bạn bè, đồng đội, đồng chí không thể tách mình ra khỏi dòng chảy thời cuộc lịch sử và đó cũng là một vinh dự lớn.

*

Bác sĩ Nguyễn Thị Lê vào Nam, gặp được chồng khỏi phải nói vui mừng đến cỡ nào. Nhưng được ít hôm, không thấy tổ chức nói gì tới công việc, rồi sốt ruột hỏi Trần Hữu Nghiệp:

-         Anh Chín, sao chẳng thấy ai nói tới công tác của em?

Trần Hữu Nghiệp nhìn vợ mỉm cười, rồi khẽ nheo mắt nói:

-         Thì cứ nghỉ thêm ít hôm nữa có sao đâu.

Bà Lê không chịu, nói tiếp:

-         Các anh vất vả, làm sao em nghỉ được, hay để em hỏi các anh bên tổ chức Ban Y tế Miền nghen?

Bây giờ Trần Hữu Nghiệp mới cười phá lên, nói với vợ:

-         Có rồi, anh định nói với em hôm nay đây.

Bác sĩ Lê đấm yêu thụi thụi vào ngực, vào vai chồng, nũng nịu:

-         Em phạt anh ngày mai nấu cơm đấy.

-         Sẵn sàng.

Trần Hữu Nghiệp đáp mạnh mẽ, rồi lại cười đắc thắng làm bác sĩ Nguyễn Thị Lê quê đỏ bừng mặt. Quê là phải, chợt nghĩ ra hai năm nay ở chiến trường sống trong lán trại, một mình một nhà, chuyện nấu cơm, giặt giũ quần áo cứ ném ra đấy có chiến sĩ công vụ giúp. Bên trường có một con rạch nhỏ, nhưng nước lúc nào cũng đầy, muốn cải thiện đặt đơm, đặt câu có khi vớ được cá trê, cá lóc, thích ăn canh chua cũng dễ có bông súng, rau lục bình ngoài đìa, sang thì nướng trui chấm muối ớt, nên chỉ là chuyện nhỏ. Rồi không để chờ lâu sợ vợ quê vì thua cuộc, nên nghiêm túc đáp:

-         Trên Y tế Miền vừa gởi quyết định xuống, bố trí em sang nhận nhiệm vụ bên bệnh viện Hoàng Lê Kha.

Thật quá sức mong đợi, bởi bệnh viện Hoàng Lê Kha là một bệnh viện thuộc Miền, bệnh viện này chính bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ngoài chức danh hiệu trưởng trường Cán bộ Y tế trung cao, còn là cố vấn cho bệnh viện, chăm sóc sức khỏe chữa trị cho cán bộ lãnh đạo cao cấp Miền. Nguyễn Thị Lê còn mừng, vì bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tuổi đã cao, nhưng suốt ngày cắm cúi vì công việc, vụng về việc chăm sóc bản thân, làm việc gần bà có thời gian chăm sóc cho chồng nhiều hơn. Ở bệnh viện bác sĩ Nguyễn Thị Lê phụ trách một số giường bệnh, nhưng cũng một thời gian tổ chức lại tạo điều kiện điều bà về công tác bên trường, nơi Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng. Hôm đi khỏi bệnh viện, Chín Lờ bí thơ chi bộ bệnh viện Hoàng Lê Kha gặp bác sĩ Nguyễn Thị Lê nói vui: “Ông Nghiệp ở đâu, thì phải để chị Lê ở đó anh mới an tâm làm việc, khỏi trách tụi tôi đó nghen”.

Chuyện chuyển vợ mình về công tác cùng trường, việc ấy thật ra do tổ chức sắp xếp Trần Hữu Nghiệp cũng không tham gia, đấy là tính cách của ông. Nhưng trên thực tế bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thừa nhận, vợ mình sang công tác bên trường cũng tốt hơn. Về bên trường, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng không trực tiếp phân công nhiệm vụ cụ thể, hiệu phó Tư Phan kiêm bí thơ chi bộ mới là người giao nhiệm vụ. Hôm gặp bác sĩ Lê, Tư Phan nói: “Trường ta đang cần một người phụ trách công tác tài chánh, hậu cần, hay chị đảm nhiệm giúp nhà trường được không?”. Khi bác sĩ Lê chưa trả lời, vì đề nghị ấy là quá đột ngột và cũng chẳng dính dáng gì đến chuyên môn, Tư Phan đã nói tiếp: “Chị cũng giúp trường phụ trách luôn công tác Đoàn thanh niên và phụ nữ”. Thật tình nghe xong bác sĩ Lê hơi “sốc”. Sốc vì, những công việc hiệu phó Tư Phan nói với bà rõ ràng là rất quan trọng, nhưng lại nghĩ hơn 10 năm miệt mài học tập nghề Y trên miền Bắc, bà đã bỏ bao nhiêu công sức có được như ngày hôm nay, để trở về Nam phục vụ đồng bao quê hương, nhiệm vụ đó có thể kiếm tìm người khác không khó, nên bà Lê nói với Tư Phan: “Tôi là cán bộ Y tế, được đào tạo có chuyên sâu, nếu làm chuyên môn tôi sẽ phát huy nhiệm vụ tốt hơn nhiều. Còn nhiệm vụ tài chánh kinh tế cho trường, tôi cũng không có kinh nghiệm. Xin anh nghiên cứu bố trí người khác”.

Thực ra Tư Phan cũng chỉ vận động, thăm dò chứ chưa hỏi ý kiến hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, nhưng nghe bà Lê nói vậy Tư Phan cũng thôi luôn. Mà thôi là phải. Hôm đó về lều, bác sĩ Nguyễn Thị Lê có hỏi Trần Hữu Nghiệp, nghe xong ông chỉ cười, rồi bà Lê biết tỏng tính chồng là thế. Biết, vì nếu người khác Trần Hữu Nghiệp quyết cái rẹt, còn bà Lê nếu “dính” vào sợ người ta hiểu sai. Lại còn một ý khác cũng vui, Trần Hữu Nghiệp chắc chắn bà Lê sẽ không chịu nhận, và Tư Phan nhất định phải chìu bà. Ở đời thường vẫn có câu: “nói phải củ cải cũng nghe”, ngày còn học ở trường Cán bộ Y tế Trung ương, biết vợ Chín Nghiệp lại đang chuẩn bị vào Nam, giáo sư Đặng Văn Chung rất chú ý bồi dưỡng, hướng dẫn Nội khoa, Nhi khoa cho bà. Nguyễn Thị Lê còn được nhiều thầy giỏi khác của trường đại học, xem như sinh viên nội trú bồi dưỡng xử lí những ca điển hình, để khi gặp những trường hợp khó còn biết xử lí. Nguyễn Thị Lê còn được các thầy, bố trí làm phụ giảng về nội khoa cho bác sĩ Nguyễn Thị Trúc, phụ trách tìm kiếm các ca lâm sàng để minh họa cho bài giảng lý thuyết, với các dấu hiệu lâm sàng phân biệt cho học viên hiểu và chuẩn đoán. Cũng thường xuyên đưa học viên qua học thực hành ở các bệnh viện, vì ở đó có rất nhiều loại bệnh để học tập. Trong trường Cán bộ Y tế Trung ương, cũng có rất nhiều học viên là người miền Nam như Nguyễn Thị Lê, con đường tốt nhất là tự học, tự rèn, chăm chỉ thêm ngoài giờ đọc sách, kết hợp với thực tiễn tiếp thu tại các bệnh, ghi chép vào sổ tay, kho kiến thức ấy như một tài sản có ích sau này. Và đúng như thế, bây giờ trở về Nam, những kiến thức bác sĩ Nguyễn Thị Lê đang thực sự có ích tại Trường Cán bộ Y tế trung cao, nơi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đang làm hiệu trưởng.

Người ta cũng nói: “nếu có duyên thì gặp gì cũng duyên”. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ lại, giả sử như bác sĩ Nguyễn Thị Lê vì một nguyên nhân nào đó vẫn ở miền Bắc, và đương nhiên không về công tác tại trường với chồng thì sẽ ra sao? Đó là một đêm trời tối mịt, khi vợ chồng Trần Hữu Nghiệp đang nằm trên võng, rồi bất ngờ nghe tiếng máy bay B.52 rì rì từ xa, cả hai biết thế nào cũng có bom ném xuống nơi trường đứng chân, nhanh như cắt họ lăn khỏi võng chui xuống hầm ẩn núp. Tích tắc tiếng bom nổ rầm rầm rung chuyên cả mặt đất, chớp lửa nhoáng nhoàng ngoài cửa hầm xanh lét, một quả bom nổ gần sức ép từ ngoài đẩy vào dồn Trần Hữu Nghiệp và bác sĩ Nguyễn Thị Lê như dán vào đất. Mùi bom khét lẹt, nhưng may chỉ làm bác sĩ Nguyễn Thị Lê hơi tức ngực, nhưng nhìn sang bên thấy Trần Hữu Nghiệp ngã quỵ xuống. Thấy chồng ngộp thở, bà Nguyễn Thị Lê cuống cuồng lo lắng, giữa rừng hầm nọ cách hầm kia khá xa tới vài chục mét, bom lại vừa nổ, cây cối đất cát ngổn ngang trong đêm tối mù mờ, bà muốn gọi ai đó tới giúp, nhưng biết là không ai nghe được, chỉ còn một cách tự cứu mình. Bác sĩ Nguyễn Thị Lê xé toạc áo ngực Trần Hữu Nghiệp, rồi hà hơi chống ngạt và dùng dầu xoa bóp vùng tim ngoài lồng ngực cho ông. Tiếp theo bà bấm huyệt bách hội, nhân trung và hợp cốc, lau sạch mồ hôi, rồi giựt tóc mạnh cho chồng. Vừa làm vừa thỉnh thoảng bà hỏi Trần Hữu Nghiệp “Anh biết em không?”. Làm nhiều lần như thế, mãi lúc lâu sau Trần Hữu Nghiệp nhận ra, rồi khẽ gật đầu đáp: “biết”. Bác sĩ Nguyễn Thị Lê mừng ứa nước mắt, vì biết chắc chồng mình còn sống, nhưng cảm xúc ngoài nghĩa vợ chồng còn là người thầy thuốc mà Trần Hữu Nghiệp là một bệnh nhân.

Nhưng kết quả đó chỉ mới ban đầu, rồi bà nghĩ “phải đưa Trần Hữu Nghiệp ra khỏi hầm” càng nhanh càng tốt. Căn hầm sau trận mưa chiều nước ngấm vào làm đất ướt nhẹp, nếu cứ ngồi trong đó cấp cứu cho Trần Hữu Nghiệp, hầm chật trội lại thiếu oxy ở lâu rất dễ bị nhiễm lạnh, và nguy cơ đột quỵ trở lại rất cao. Bác sĩ Nguyễn Thị Lê quyết định bằng mọi cách phải đưa Trần Hữu Nghiệp lên mặt đất, nhưng đưa như thế nào khi thân hình Trần Hữu Nghiệp cao lớn, còn bà thì thấp nhỏ không thể cõng ông lên. Rất may là lúc này sức khỏe Trần Hữu Nghiệp đã khá hơn và ông cũng nhận ra được bà. Trần Hữu Nghiệp cố gượng người cao lên, một tay bám vào cổ vợ, còn tay kia bám vào vách đất, rồi cả hai nhích lên từng tí, cuối cùng cũng lên được khỏi hầm. Đặt Trần Hữu Nghiệp nằm lên giường, rồi cho ông uống nước trà gừng, nước chanh muối, những thứ này thường bà Lê đã trữ sẵn. Bác sĩ Nguyễn Thị Lê nhớ lại: “Sau khi tim cho anh một mũi long não thấy anh khá hơn, rồi tôi hì hụi đi nấu cháo cho chồng ăn vừa nấu vừa sụt sùi khóc. Mãi tới năm giờ sáng bác sĩ Bảy Thủ (Nguyễn Văn Thủ) đi ngang qua, hình như ông đang đi kiểm tra tình hình sau trận bom, nên nhìn vào thấy: Bảy Thủ hỏi: - Chị Chín có sao không? - Giọng tôi sụt xùi đáp: - Trời ơi, đêm qua anh Chín bị đột quỵ, nếu không cấp cứu kịp thời, chắc sáng nay các anh đọc điếu văn rồi”. - Bảy Thủ sửng sốt: - Sao chị Chín không báo chúng tôi. - Hỏi là hỏi vậy, trong chuyên môn Bảy Thủ biết, bấy giờ bom địch ném xuống ai cũng lo chạy chỗ núp, trời lại tối, mà nếu lúc đó bỏ chạy đi tìm được người, có khi quay về biết đâu người cũng đã chết. 

Cuối năm 1967, Trường Cán bộ Y tế kết thúc khóa II đào tạo bác sĩ, đúng vào lúc ta mở chiến dịch “Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968” trên toàn cõi miền Nam. Sáu mươi bác sĩ vừa tốt nghiệp ra trường tỏa đi khắp chiến trường phục vụ chiến đấu, đây là một kết quả rất kịp thời góp phần làm nên chiến công vang dội. Sau Tổng tiến công đợt 2 và đợt 3 tháng 8 năm 1968, địch bắt đầu phản công quyết liệt, đẩy lực lượng quân giải phóng phải rút về các vùng căn cứ chiến lược. Một giai đoạn khó khăn mới bắt đầu chưa từng có. Địch gần như tổng lực ngày đêm đánh ta trên khắp mọi chiến trường, bằng những loại vũ khí mạnh mẽ và tối tân nhất của Hoa Kỳ thời đó. Nguyên nhân là gì? Các nhà quân sự, chính trị nhiều thập kỷ sau rút ra những kết luận, dù chỉ đúng một phần nhưng cũng khá sát đáng! Mậu thân 1968 lúc đầu ta có phần chủ quan, sớm bọc lộ toàn bộ lực lượng quyết dành chiến thắng cuối cùng?! Kết quả không được như mong muốn. Và điều gì đến đã đến. Kẻ địch sau bất ngờ giai đoạn đầu, chúng lấy lại thế chủ động và dựa vào viện trợ Mỹ, vũ khí Mỹ, tấn công ta dồn dập. Địch mở các cuộc tấn công vào hai tuyến đường chiến lược chính của ta là đường Trường Sơn và đường trên biển, khiến sự chi viện của miền Bắc vào Nam gặp cực kỳ khó khăn. Ở khu 5 nhiều đơn vị chủ lực tạm thời giải thể hoặc rút gọn, Sư đoàn 2 phải rút ra ngã ba biên giới Lào – Việt củng cố lực lượng, nhưng thực chất là để có nguồn gạo ăn nuôi chiến sĩ, cung cấp từ Đoàn 559. Các cơ quan dân chính Đảng, lực lượng địa phương phải lên rừng, tổ chức tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm tự cứu mình. Chiến trường Nam Bộ cái đói đỡ hơn Khu 5, nhưng cũng phải rút sát ra vùng biên giới với Campuchia, ngày đêm vẫn liên tục hứng chịu các đợt ném bom B.52 đánh phá ác liệt. Biết bao nhiêu Cán bộ Y tế hy sinh, trong đó Trường Cán Bộ Y tế trung cao do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phụ trách, cũng bị tổn thất nặng. Trong ký ức vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, trường hợp hy sinh của bác sĩ Nguyễn Điển.

Bác sĩ Nguyên Thị Lê kể: “Sáng ấy tôi lên lớp từ 7 đến 9 giờ, sau tiết học của tôi đến tiết giảng của thầy Điển. Anh là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nổi tiếng bệnh viện Việt - Đức. Là người miền Bắc, nhưng thầy Điển xung phong vào chiến trường rất được học viên yêu quí. Buổi giảng của thầy Điển hôm đó mới xong một tiết, tức khoảng 10 giờ chuẩn bị chuyển sang tiết 2, bất ngờ có tiếng rì rì máy bay B.52 tới. chỉ trong chưa đầy một phút đã nghe tiếng bom nổ rầm rầm, rồi một quả rơi trúng ngay bục giảng nơi thầy Điển đang đứng. Đúng là chiến tranh, may hay rủi không ai lường trước, chỉ biết nơi thầy Điển chết cùng ba học viên và một cháu nhỏ con một đồng chí cán bộ ở trường đang chơi ngoài sân, nơi trước đó hai giờ là chỗ tôi lên lớp giảng bài. Khi khói bom vừa tan, cả trường lao ra khỏi hầm nhìn cảnh tượng đau thương ấy mà nước mắt tuôn trào. Họ lục bới trong đống đổ nát tìm thân thể thầy Điển, ba học viên và cháu nhỏ, nhưng chỉ gom góp được những mảnh cơ thể bị bom xé nát, ám đen màu khói bom ”.

Hoàn toàn như bác sĩ Nguyễn Thị Lê nói. Trường bị phá tan hoang, rừng cây trống hoác. Không thể ở chỗ cũ được nữa, thầy trò phải sơ tán sang khu vực khác, nhưng chưa kịp ổn định lại gặp trận càn mới của địch, hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp bàn với hiệu phó Tư Phan:

-         Chỗ này không ổn rồi ông Tư. Tôi muốn ông đi tiền trạm tìm vị trí khác.

Thật ra ý này, sau trận ném bom B.52 của địch, Tư Phan cũng đã muốn nói với Chín Nghiệp, giờ đề nghị ấy rất hợp với mình, nên đáp:

-         Ý Chín muốn rút về hướng nào?

Hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp, đáp:

-         Giờ địch đang càn lớn, nếu cứ loanh quanh ở đây rất nguy hiểm, Tư tìm sang gần sát biên giới Campuchia.

Tư Phan gật đầu, rồi đề nghị:

-         Vậy Tư lấy thêm cậu Thương người Việt, gốc Miên đi cùng nhé?

-         Phải đó, cậu Thương thông thạo địa hình biên giới, nếu có gặp người Miên cũng dễ tiếp xúc hơn. Khi Tư đi, ở nhà tôi và Hai Ngà sẽ chuẩn bị, khi tìm được địa điểm mới ta hành quân ngay. 

Thế nhưng, cánh tiền trạm Tư Phan đi rồi, trận càn của quân Mỹ Ngụy ép sát nơi trường đang tạm trú chỉ chưa đầy vài trăm mét. Ngồi trong rừng nghe rõ cả tiếng xe tăng, thiết giáp địch chạy ngang chạy dọc gầm rú trên lộ. Ngoài rừng xa về hướng biên giới, bom pháo địch cũng nổ rầm rầm xen lẫn trong tiếng gào thét của máy bay phản lực. Thấy vậy, Trần Hữu Nghiệp động viên anh em bình tĩnh, ngồi im không gây tiếng động, rồi quay về chỗ vợ, nhưng chỗ cũ không thấy bà Lê ngồi đó. Nỗi lo ập đến, mãi lúc lâu Trần Hữu Nghiệp nhìn thấy một bàn tay giương cao vẫy vẫy từ một gốc cây to bự, rồi vội vã bước nhanh về hướng đó, mừng quá bà Lê đang ngồi co ro trong cái bọng cây như một cái hầm. Bác sĩ Nguyễn Thị Lê cũng mừng không khác gì chồng, rồi đưa tay kéo Trần Hữu Nghiệp chui tọt luôn vào, ngoài trời tiếng súng nổ đùng đùng, chít chéo, tiếng gầm rú máy bay, dù vậy vẫn nghe rõ tiếng bọn lính Ngụy nói lớn: “Hỡi các anh em Việt cộng, các anh đã bị bao vây, bỏ súng ra đầu hàng chánh phủ quốc gia sẽ được khoan hồng về với vợ con, ba má. Bằng không các người sẽ chết”. Sau mỗi lời kêu gọi là thêm một loạt súng nổ thị uy, đạn bay găm vào thân cành cây rừng rớt xuống rào rào. Một lát sau bất ngờ lại nghe nhiều tiếng súng lạ, súng điểm xạ nổ giòn từ phía Tây từng loạt, ở chiến trường nhiều năm, nghe nhiều loại súng của ta của địch, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp biết phân biệt được chúng, rồi ghé sát tai bà Lê, nói: “Súng bộ đội ta đang đánh trả đấy!”. Đến chiều quân ngụy bị quân giải phóng tấn công, buộc chúng phải rút lui. Địch rút, anh em mình túa ra trông người nào cũng xơ xác, vì cả ngày không được ăn uống gì, nhưng mừng nhất toàn trường đều bình an.

Nhưng rồi lại có một tin buồn đau đớn khác, phó hiệu trưởng Tư Phan kiêm bí thơ chi bộ trên đường đi tiền trạm tìm địa điểm mới của trường, đụng địch phục kích đã hy sinh. Sáu giờ tối chiều đó, Trần Hữu Nghiệp nhớ lại. Khi mình đang ngồi làm việc với Hai Ngà, bác sĩ Nguyễn Thị Lê bất ngờ nghe tiếng kêu sột soạt phía trước, hoảng hốt nhìn thấy một con rắn dài chừng hai mét, thân to bằng cổ tay, từ ngoài bò vào rồi chui vào cái bọng cây nơi hai vợ chồng bà núp gần như cả ngày trong đó. Thật may, chiều đó quân ngụy bị quân ta đánh chặn rút sớm, nếu chậm chút chắc Trần Hữu Nghiệp và bà Nguyễn Thị Lê thế nào cũng bị rắn cắn, có khi bị nọc độc sẽ chết. Sáng hôm sau dậy thật sớm, Nguyễn Thị Lê gặp bác sĩ Tám Trai kể lại. Tám Trai là người sôi nổi, lại dân miệt vườn Long An, nghe vậy mừng vỗ tay bôm bốp, rồi nói với bác sĩ Lê chỉ chỗ, đến nơi hì hụi đào bới con rắn đã đi mất tiêu, nhưng vẫn lấy được một ổ trứng quả tròn vo to như trứng gà. Ở rừng thiếu chất đạm, Tám Trai cho vào nồi luộc, rồi chia cho mỗi người một quả. Hôm ấy vừa ăn, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vừa nói: “một bữa tiệc protein ngon tuyệt”.

*

Chiến trường những năm tiếp theo, địch mở nhiều đợt phản công lớn mục đích đẩy chúng ta vào thế khó khăn hơn, nhưng vẫn không làm cho quân giải phóng và các lực lượng cách mạng nhụt chí. Trường Cán bộ đào tạo Y tế trung cao dù di chuyển liên tục, đến nỗi Trần Hữu Nghiệp không nhớ bao nhiêu lần nữa, lúc dựa vào những khu rừng ngập mặn Đồng Tháp Mười, khi ra xa tít ngoài biên giới phía Tây giáp với nước bạn Campuchia. Có năm trường dời xa lên tới rừng miền Đông Nam Bộ, nơi có những hồ nước lớn nhiều tôm cá và thú rừng, nhờ đó anh em mình săn bắn cải thiện, thêm bữa ăn đỡ phần thiếu chất dinh dưỡng. Gian khổ vậy, ác liệt vậy, có khi hy sinh tới tính mạng, nhưng bác sĩ Nguyễn Thị Lê tự nhũ năm 1967 bà trở về Nam là một quyết định đúng! Đúng vì, được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân đồng bào quê hương Nam Bộ, và được sống làm việc bên cạnh chồng thật hạnh phúc.

 

 Mục Lục