14

Hiệu trưởng đầu tiên Trường Cán bộ Y tế Trung ương

 

Trong hàng tệp tư liệu viết dưới dạng văn bản bằng nhiều thể loại hồi ký, bút ký, tản văn, hay báo chí, cả khi đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, rồi tập kết ra miền Bắc năm 1954, có những khoảng thời gian ngắn bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được Bộ Y tế cử sang một số nước Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, để nghiên cứu tiếp thu thêm một số kiến thức về chuyên môn Y tế nội khoa, nhưng mỗi nơi như thế cũng chỉ thời gian ngắn. Mới thấy chủ trương của Bộ Y tế lúc bấy giờ đã nhìn xa trông rộng, chuẩn bị xây dựng nguồn lực Y tế cách mạng lâu dài cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của Đảng và Bác Hồ.

Tháng chín năm 1955, Mặt trận tổ quốc Việt Nam được thành lập, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được giới thiệu tham gia làm Ủy viên ban chấp hành Trung ương mặt trận. Nhờ cái chức này mà trong chuyến viễn du trời Âu cùng Bác Tôn, lúc đang ở thăm nước Đức chúc thọ Chủ tịch Vimhem Pick đoàn đại biểu rút gọn chỉ có Bác Tôn và Trần Hữu Nghiệp, được mời tham dự đại tiệc bạn đãi tại Béclin.

Sau đợt phù tá Bác Tôn đi nhận giải thưởng Hòa Bình thế giới trở về, ít hôm sau bất ngờ được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mời lên văn phòng bộ gặp. Vừa bước vào phòng, nhìn thấy Phạm Ngọc Thạch đang ngồi chờ sẵn, Trần Hữu Nghiệp hỏi ngay:

-         Anh lại bắt tôi lãnh thêm nhiệm vụ gì nữa, phải không?

Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cười rổn rảng, chỉ xuống ghế ý mời ngồi, xong nói:

-         Uống trà đã, tao sẽ cho mày biết.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nâng cốc trà còn bốc khói nghi ngút, nhấm một ngụm, rồi khen ngon, xong đặt ly xuống nói:

-         Hơn hai tháng đi với Cụ (Bác Tôn), uống trà Tây nhạt thếch, thèm trà Việt đúng là ngon số một!

Nói rồi khẽ mỉm cười, biết Phạm Ngọc Thạch cũng không có mấy thời gian để ngồi tào lao, nên vội vã nói tiếp:

-         Việc gì đó anh Tư?

Phạm Ngọc Thạch đáp, nhưng thay đổi cách xưng hô, bỏ kiểu tình cảm gia đình thân thiết:

-         Bộ giao cho Chín, làm hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương. – Dừng một lát, nhấp thêm một ngụm trà, thứ trà Bắc Thái giờ mới đủ ngấm thơm nhức làm tê tê đầu lưỡi, rồi cũng không muốn để Trần Hữu Nghiệp tò mò hỏi han nhiêu khê,  Phạm Ngọc Thạch giọng nghiêm túc hơn, hỏi:

-         Chín nhận chứ?

Trần hữu Nghiệp biết Tư Thạch hỏi là hỏi vậy, nhưng tất cả như đã an bài, nên đáp:

-         Anh Tư giao tôi xin nhận!

-         Thế chứ.

Phạm Ngọc Thạch tin Trần Hữu Nghiệp có khả năng chuyên môn và một nhà quản trị tốt. Không còn nghi ngờ gì nữa, ở Trần Hữu Nghiệp bộc lộ là con người có bản lĩnh, được thử thách qua chiến trường chín năm đánh Pháp ở Nam Bộ, đã mở nhiều lớp từ hộ sinh, y tá, trong điều kiện chiến trường ác liệt, gian khổ, vậy mà vẫn làm tốt. Nhưng dù vậy, Phạm Ngọc Thạch không thể không nhấn mạnh điều kiện hoàn cảnh hiện tại, nên nói:

-         Chín làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương của cả nước, nhất thiết phải thực hiện tốt ba nhiệm vụ quan trọng này.

-         Tôi nghe đây, anh Tư.

Trần Hữu Nghiệp nôn nóng đáp. Ba nhiệm vụ sau đó được Phạm Ngọc Thạch chỉ đạo ngắn gọn, rõ ràng mà trong văn bản quyết định cũng đã ghi. Đó là xây dựng chương trình bổ túc văn hóa, chuyên môn cho cán bộ Y tế trẻ có quá trình cống hiến lên đủ khả năng học cao hơn, đáp ứng lực lượng lâu dài của cách mạng. Xây dựng chương trình học bổ túc, và đào tạo cán bộ Y tế chuẩn bị nguồn bổ sung cho chiến trường miền Nam. Cuối cùng là nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất Trường cán bộ y tế Trung ương, đưa vào hoạt động với tinh thần sớm nhất. Ba nhiệm vụ quả không dễ mà còn yêu cầu thực hiện trong thời gian ngắn, nó thể hiện tầm chiến lược của Đảng, Trung ương lúc bấy giờ. Nó phản ảnh tình hình hiện tại, cả nước bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống Mỹ ở miền Nam. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ lại, hôm đó mình đã hứa với Phạm Ngọc Thạch sẽ làm tốt. Rồi khi tiễn ra về, Tư Thạch còn nói thêm với Trần Hữu Nghiệp: “Tư tin, Chín sẽ làm tốt”, lời lẽ chân tình ngắn gọn mà thấm sâu.

*

Sau khi nhận nhiệm vụ, công việc đầu tiên của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là đi xem vị trí khu đất, nơi mà không bao lâu nữa sẽ mọc lên một ngôi trường mang tên, “Trường Y tế Cán bộ Trung ương Hà Nội”.

Những ai là dân Hà Nội gốc, những người xứ xa về Hà Nội công tác, từng sống vào thời kỳ ấy hẳn còn ngao ngán đây nguyên là một bãi rác của Hà Nội, một cái ao rau muống. Nói đúng hơn là cái đầm rau muống nhiều cỏ dại, rác rếu nổi lềnh bềnh, rộng tới tám mươi tư ngàn mét vuông. Nơi lũ chó hoang xã bậy vào mỗi sáng, là vịt kêu toang toác lúc ban chiều của người dân xung quanh thả rông, nằm trên đường Giảng Võ. Muỗi ruồi dày đặc vo ve như ca hát vào buổi chập choạng tối, chẳng ai đi qua dám dừng lâu ở chỗ này để mời muỗi xơi rước thêm bệnh sốt rét vào thân.

Nhưng bằng quyết tâm của Bộ Y tế, và những người có trách nhiệm được giao như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, hơn một năm sau (1956) ngôi trường mọc lên đi vào hoạt động. Nhìn từ ngoài cổng vào, trường có hai dãy nhà lầu ba tầng bố trí cân đối về hai bên, tường sơn vàng, cửa sổ màu xanh lá là các phòng học và phòng thí nghiệm. Sau hai dãy nhà đó, nhìn sang bên phải có ba dãy nhà ngói một tầng, và trong đó một chút có bốn dãy nhà trệt khác lợp ngói là những phòng học tập thực hành cho học sinh. Từ cổng chính vào có hai ngôi nhà hình chữ “L” ngược chiều nhau, tường xây, lợp ngói hồng, bên phải là Văn phòng hành chánh, bên trái là Văn phòng Ban giám hiệu. Đi vào trong cùng là khu tập thể nhà ở cho Cán bộ công nhân viên, Ban giám hiệu, học sinh sinh viên, kho, bếp, nhà ăn, khu này tường vôi phên nứa, mái lợp lá cọ, các nguyên vật liệu này ngày đó chủ yếu chuyển từ rừng Phú Thọ về.

Trường cũng có khu văn hóa thể thao dành cho học viên, trong đó có sân bóng đá, bóng chuyền. Ngoài ra trường cũng có một khu vườn dược liệu, trong đó có rất nhiều giống cây thuốc quí, để làm vật chứng trực quan trong học tập và giảng dạy, giúp cho học viên nắm chắc bài giảng. Một khối lượng xây dựng như thế, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh có thể gọi là nhanh, nếu không gọi là “rất nhanh”. Về mặt tổ chức, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cùng với Ban giám hiệu sắp sếp bộ khung cán bộ, giảng viên, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất cũng nhanh chóng hoàn thành. Ban lãnh đạo lúc đầu mới chỉ có hai người bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng, ông Vũ Thiện Chân làm hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy. Đúng như qui hoạch, Trường Y tế cán bộ Trung ương có ba khu. Khu trung tâm giảng đường có hai dãy nhà chính, phía trước là nơi làm việc Ban giám hiệu và Văn phòng hành chánh. Khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí. Khu cuối cùng làm nơi ở cho gia đình cán bộ, giáo viên và ký túc xá cho học viên về học. Trong khu tập thể đó, trường được ưu tiên xây riêng một ngôi nhà ngăn làm đôi, bố trí cho gia đình hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp và gia đình hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy Vũ Thiện Chân.

Ký ức gia đình mình về nơi ở mới, được người con gái út Trần Kiều Lan cho biết: “Gia đình tôi có năm người, ba má và ba chị em gái. Chị gái đầu Trần Kiều Dung, chị thứ hai Trần Kiều Miên và tôi em út Trần Kiều Lan. Ngày cả nhà mới từ Nam ra Bắc chưa có nhà ở, nên được Bộ cho ở tạm trong một ngôi biệt thự Pháp cũ nằm trên đường Hàn Thuyên. Từng sống gian khổ ở căn cứ kháng chiến Nam Bộ trong những căn nhà lá tự tay ba má tôi dựng nên, giường làm bằng cây tre ghép thành tấm, có khi ngủ võng, nhưng ngày đêm thấp thỏm sợ địch càn. Bây giờ ra Bắc bỗng dưng được vào ở trong nhà biệt thự, chị em tôi không khỏi bàng hoàng và choáng ngợp.

Những ngày đầu chị em tôi cứ cảm giác như mơ, có hôm tôi đứng ngắm hoài cái trần nhà cao vọi, xung quanh có đường viền mềm mại, giữa phòng khách có chiếc đèn chùm bằng pha lê trông như những giọt nước đẹp long lanh. Mái biệt thự lợp ngói âm dương sẫm màu ca cao mát vào mùa hè, nhưng lại ấm vào mùa đông. Biệt thự có nhiều cửa sổ phía trên hình vòm, cánh chớp làm bằng gỗ lim loại gỗ chịu mưa chịu nắng có sức bền vĩnh cửu. Bên trong, tôi thích nhất là cái cầu thang lượn một đường cong như một dấu hỏi lớn, cũng làm bằng gỗ lim nối từ phòng khách đi lên lầu một. Cầu thang lại khá rộng chiều ngang bằng một giang tay rộng của ba tôi, điều đó khiến chị em tôi mê tít tưởng mình đang bước đi trên tấm thảm màu nhung đậm. Với Ba tôi, có lẽ chẳng mấy xa lạ vì ông từng sống ở Sài Gòn, hay từng có những năm du học tại Paris hiểu biết và chiêm ngưỡng nhiều vẻ đẹp kiến trúc Pháp, nhưng mẹ và chị em tôi vẫn là một chuyện cổ tích, được sống ở trong ngôi nhà dành cho giới “thượng lưu” đó. Rồi có một lần, chị Kiều Dung khi đi trên cầu thang sơ suất thế nào bị trượt chân ngã lăn mấy vòng xuống tầng trệt, may mà chỉ bị sái chân bong gân chút đỉnh. Hai năm ở trong ngôi biệt thự, cũng đủ biết cuộc sống sang chảnh của người Pháp khi còn ở Việt Nam, nhưng dẫu sao phải rời đi cũng là sự nuối tiếc”.

Đúng như Trần Kiều Lan nói, nó đẹp thật, nhưng đó không phải là nhà của mình, Chính phủ, Bộ Y tế  lấy lại sau đó cấp cho cơ quan nhà nước làm văn phòng. Ngày về khu tập thể nhà trường sống, gia đình Trần Hữu Nghiệp được bố trí ở chung một nhà với gia đình ông Vũ Thiện Chân, hiệu phó kiêm Bí thư Đảng ủy trường, nhưng nhà ngăn đôi mỗi gia đình một nửa. Nhà hướng mặt ra đường Giảng Võ, có hàng rào bằng hàng cây, cánh cổng là những thanh gỗ, có lối đi riêng cho hai gia đình, mỗi lần mở ra mở vào vang lên tiếng kêu kin kít, gợi nhớ xứ Ba Tri quê hương bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thời nhỏ còn để đầu chừa chỏm.

 Ngày mới ra Bắc việc học tập cho ba con gái gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, cũng như con em các gia đình cán bộ miền Nam được Chính phủ đặc biệt chú ý, dành riêng cho những trường tốt nhất và kèm theo các chế độ ưu tiên khác. Trần Kiều Dung con gái đầu vào học vỡ lòng, nhưng khi gia đình chuyển vào khu tập thể nhà trường Kiều Dung cũng đủ tuổi lên học lớp một Trường Đại La. Hai em Trần Kiều Miên, Trần Kiều Lan gởi vào Trại Nhi đồng miền Nam ở Đống Đa, ngày đó không hiểu sao ít ai gọi là “trường” mà lại gọi là “Trại”, nơi con em cán bộ miền Nam tập kết? Ngoài tên chính danh “Trại Nhi đồng Đống Đa”, còn có một tên khác nghe thân thương ấm áp hơn “Trại Bà Ninh”. Mãi sau mới biết, “Trại bà Ninh” là tên phu nhân nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn An Ninh. Ở Trại việc đưa đón các con cũng đỡ phức tạp, vì vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đều làm việc trong trường, đầu tuần bà Nguyễn Thị Lê đưa Kiều Miên, Kiều Lan tới trại, cuối tuần có hôm bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đi đón, hôm khác nếu ông bận, bà Lê đến đón các con về hoặc nhờ các cô chú trong trường sang rước giùm.

Ngày trường Y tế Trung ương chính thức khai giảng, có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch xuống dự. Học sinh ngồi kín cả hội trường, không khí vô cùng náo nhiệt và hào hứng. Đúng như tiêu chí của lãnh đạo Bộ đặt ra, hàng ngàn học viên từ khắp các tỉnh thành trên miền Bắc được lựa chọn về học, đặc biệt có nhiều học viên còn trẻ mới từ miền Nam ra sau các lần tập kết, nhưng họ là lớp cán bộ có quá trình cống hiến dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu và công tác.  

Niềm vui chung là thế, nhưng nội bộ gia đình hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp bất ngờ lại có cuộc “chiến tranh lạnh” xem ra cũng rất thú vị. Số là trước ngày khai giảng vài hôm bà Nguyễn Thị Lê, vợ bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nghĩ “mình đã có một số nghiệp vụ Y tá, lại trải qua thực tiễn chiến trường, nhưng kiến thức còn chắp vá được học khóa đầu tiên này nghề nghiệp có hệ thống toàn diện hơn, về sau có thêm nhiều cơ hội phục vụ nhân dân và chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn”. Phấn khởi, tự tin, đem suy nghĩ đó nói với Trần Hữu Nghiệp chắc chắn anh ủng hộ. Ai dè khi nghe bà Nguyễn Thị Lê trình bày nguyện vọng, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đáp ngay: “Em muốn học anh đồng ý, nhưng cũng phải qua thi tuyển?”.

Đang vui, cụt hứng không khác gì bị dội gáo nước lạnh vào đầu, rồi không kềm được cơn giận bà Nguyễn Thị Lê bật khóc. Dù vậy, bà vẫn cố cứu vãn hy vọng chồng thay đổi, bà nói: “Vậy cho em xin dự thính được không?”. Trần Hữu Nghiệp vẫn đáp, giọng còn kiên quyết tỉnh khô: “Dự thính cũng là học! Rồi người ta sẽ nghĩ gì về anh? Còn nói được ai nữa?”.

Đúng là “giận quá mất khôn”, uất ức trào lên đỉnh điểm ngày hôm sau bà Nguyễn Thị Lê, bỏ nhà ôm đồ vào khu ký túc xá sinh viên ở. Mấy ngày ở trong ký túc xá, hình như thời gian giúp bà điềm tĩnh trở lại, rồi nhận ra chồng mình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói phải, nên đã quay về. Gặp vợ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất mừng, rồi khuyên bà tập trung học thêm văn hóa chờ thi đợt sau. Một năm sau nhà trường chiêu sinh khóa mới, bà Nguyễn Thị Lê đi thi trúng tuyển vào học lớp Y đàng hoàng, nhưng dù vậy trong lòng vẫn chưa hết giận Trần Hữu Nghiệp. Thời gian trôi qua như thứ thuốc thần kỳ làm bà nhớ lại, “càng sống với anh càng rõ thêm bản tánh ngay thẳng, chí công vô tư của chồng, chính là nét nổi bật làm nên con người Trần Hữu Nghiệp”.  

Nói tới khóa học đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế Trung ương, không thể không nói đặc điểm có rất nhiều học sinh từ miền Nam ra học, trong đó Đoàn Hồng Hoa (Đoàn Thúy Ba) là một học trò như thế, hơn nữa cô còn là học trò cũ của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, học viên lớp Y tá Khóa II Lê Văn Bờ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1948, ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Đoàn Hồng Hoa nổi bật về tinh thần học tập, chăm chỉ và dũng cảm. Hồi đó bom đạn, khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng có bệnh nhân trong dân là bất kể ngày hay đêm nghe thầy Chín Nghiệp gọi là xách túi đi ngay, vì vậy được Trần Hữu Nghiệp quí mến.

Ký ức về ngôi trường, khóa học khai giảng đầu tiên trên đất Bắc cùng người thầy tôn kính của mình, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Anh hùng lao động Đoàn Thúy Ba viết như sau: “Ra Hà Nội được ít lâu, cũng như nhiều anh chị em Y tá cũ ở Nam Bộ, tôi được triệu tập về trường Cán bộ Y tế Trung ương học khóa Y sĩ. Lần này cũng như năm 1948, mới vào học nghề ở Bến Tre, hiệu trưởng trường vẫn là thầy Trần Hữu Nghiệp, nhưng qui mô trường bây giờ to lớn hơn bội phần, không phải lèo tèo 40 học sinh với một thầy đứng giảng, mà có tới một ngàn anh chị em ở cả ba miền Bắc Trung Nam đến học ba ngành Y – Dược – Nha, chia ra hàng chục lớp, với hàng chục giảng viên”.

Chuyện Đoàn Thúy Ba tập kết ra Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng có biết, nhưng cũng sau khi có đăng ký danh sách về trường học. Nhiều người còn nói về học viên Đoàn Thúy Ba thêm một chi tiết rất đáng ngưỡng mộ, để ra được miền Bắc là cả một cuộc “đấu tranh” với chính bản thân mình về tình mẫu tử, về nỗi đau vừa mất đi người chồng, người đồng chí vô cùng yêu quí. Chuyện ấy bắt đầu từ năm 1948, khi học xong trường Y tá tại Mỏ Cày, Đoàn Thúy Ba được thầy Trần Hữu Nghiệp giữ lại trường làm công tác giáo vụ, có nhiều gắn bó với quân Y viện Trung đoàn 99, tỉnh đội Bến Tre. Chính trong mối quan hệ công tác chuyên môn mà Đoàn Thúy Ba làm quen với một đại đội trưởng, khi anh bị thương được đơn vị đưa về điều trị tại bệnh viện trung đoàn, rồi họ yêu nhau. Năm 1951, được bạn bè giúp đỡ họ tổ chức đám cưới giản dị trong rừng, nhưng ấm áp và vui vẻ. Sang năm sau có niềm vui lớn Đoàn Thúy Ba sinh được bé trai, vậy mà niềm vui chưa bao lâu người chồng dũng cảm hy sinh ngoài mặt trận. Mất chồng, lại nuôi con còn nhỏ, tổ chức thấy không thể bố trí cho Đoàn Thúy Ba đi theo đơn vị ngoài chiến trường, nên chuyển cô về công tác tại Ty Y tế Cần Thơ làm nhân viên phòng Y tế huyện. Năm 1953, Y tá Đoàn Thúy Ba được huyện cử đi học lớp Y sĩ khóa IV, chương trình này do Sở Y tế Nam Bộ tổ chức, ở đó cô trò cũ may mắn gặp lại thầy Trần Hữu Nghiệp. Hiệp định Genèvơ ký kết, cha Đoàn Thúy Ba một cán bộ hoạt động ngoài Nam Trung Bộ, ông lặn lội đường xa nguy hiểm xuống tận miền Tây chỉ mong gặp được con gái. Hôm đó mừng vui khôn xiết, rồi nhìn con cha cô khuyên: “Con à, con phải rảnh tay để ra miền Bắc cố gắng học tập thành tài”. Lời cha trở thành động lực lớn về tinh thần, lại nghĩ mình đi cũng không lâu chỉ hai năm có tổng tuyển cử, đất nước thống nhất theo Hiệp định Genèovơ sẽ trở về. Vậy là Đoàn Thúy Ba quyết định, một quyết định đầy nước mắt “dứt tình mẫu tử”, gởi lại đứa con trai mới ba năm tuổi về bên nội nuôi giùm. Đoàn Thúy Ba có mặt ở ngày khai giảng khóa đầu tiên trường Cán bộ Y tế Trung ương, thêm một lần nữa là học trò bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, năm học 1956 là như thế.

*

Trong mắt lớp học trò người miền Bắc, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một người thầy rất kỷ cương, nghiêm khắc, nhưng lại có cái tâm bao la rộng mở. Câu chuyện về cậu học trò Lê Tiến “thấp bé nhẹ cân” là một điển hình nổi bật. Vượt qua những rắc rối ban đầu khi mới vào trường tưởng như “rụng”, rồi bứt lên thành công trong cuộc sống, công lao ấy chính là người thầy tôn kính bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Lê Tiến viết: “Chỉ sau hai ngày trường khai giảng, vào một chiều thứ bảy, tôi tận mắt nhìn thấy bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với dáng người cao to, nước da hơi đậm, có giọng nói Nam Bộ mà lần đầu tiên tôi được nghe tại hội trường lớn, cột gỗ, mái lợp lá cọ, có thể chứa được cả ngàn người”. Vẫn theo Lê Tiến tả cảnh trường khá chi tiết, được xem là hoành tráng thời đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng đã cho ra đời một ngôi trường dù giản dị đơn sơ “nhà tranh vách lá”.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đứng trước bàn lên lớp, rồi cất tiếng: - Chào hơn bảy trăm các bạn học sinh chính qui của trường. Khóa này sẽ chia làm hai khối. Khối Y gọi là Y.7, và khối Dược gọi là Dược 3. Nói tới đây tiếng thầy Trần Hữu Nghiệp chợt ngưng, cả hội trường ào ào vỗ tay, hết đợt này đến đợt khác, hội trường như muốn nổ tung, kiểu như họ lần đầu tiên được gặp một siêu sao điện ảnh tầm thế giới. Sự thực Lê Tiến bị choáng ngợp, anh nhận ra đấy là thứ tình cảm thật dành cho thầy không một chút phong trào. Thầy Trần Hữu Nghiệp có biệt tài truyền cảm hứng đến với học trò ngay từ giây phút đầu, ngày đầu khai giảng, bằng chất giọng Nam Bộ dễ nghe và ấm áp. - Nào các bạn, hãy im lặng nghe tôi nói tiếp đây. Để cho tiếng vỗ tay dừng hẳn, thầy nói thế. Thầy khẽ mỉm cười, rồi giơ bàn tay hướng xuống học viên, nói tiếp: - Trường ta hiện nay có lớp Y cao, mà người ta thường gọi đùa là Y cụ. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp dừng một lát, vì phía dưới bỗng nghe có nhiều tiếng cười thích thú với hai từ “Y cụ”, theo cách dí dỏm của thầy. Trần Hữu Nghiệp lại nói: - Lớp Y cụ không sai đâu? Vì lớp này rất đặc biệt, đa số học sinh có thể tuổi bằng cha, mẹ, của một số học sinh đang ngồi ở đây. Ngoài ra trường còn có lớp Y tá về bổ túc thành Y sĩ, và Dược tá bổ túc thành Dược sĩ trung cấp.

Bây giờ thì đám học trò mới rõ, tại sao thầy Trần Hữu Nghiệp gọi là lớp Y cụ là có ý tôn vinh những học viên có một thành tích trong kháng chiến chống Pháp, ở chiến trường Nam Bộ có mặt tại đây. Thầy Trần Hữu Nghiệp còn nói thêm về lớp Y.7, D.3: “ngoài số các bạn là cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp, còn phần đông là học sinh ở các vùng nông thôn từ bờ Bắc sông Bến Hải trở ra. Nhưng tôi lưu ý với các bạn một số điều”. Lê Tiến vẫn nhớ như in những lời thầy nhắc tiếp theo, toàn những chuyện mới đầu nghe như vụn vặt, nhưng có ý nghĩa thiết thực với từng học sinh của trường. Cũng có thể hiểu thầy đang dạy học sinh “đạo làm người” rất đơn giản, nhưng sâu sắc. Thầy nói: “Các em cần phải học cách sinh hoạt tránh kiểu ở quê trước đây, như muốn vào bất cứ phòng nào ở nhà trường đều phải cần gõ cửa, và phải chờ cho được người bên trong phòng ấy nói mời vào mới được vào, hay xong việc đi ra bạn phải nhẹ nhàng khép cửa lại”. Thầy Trần Hữu Nghiệp cũng rất tinh tế quan sát học sinh còn nhiều người đi chân đất, nên khuyên học trò đi guốc mộc, thầy bảo: “Guốc mộc giá chỉ là 8 hào đến một đồng một đôi, nhưng đi guốc thì không được kéo lê trên đường”.

Thầy dạy cách ứng xử cho từng học sinh giữ gìn kỷ luật, nền nếp tác phong, như vào học chậm phải đi nhẹ nhàng và ngồi cuối lớp để tránh ảnh hưởng tới cả lớp, hay vào cơ quan phải xin phép và được sự hướng dẫn của bảo vệ. Thầy Trần Hữu Nghiệp lưu ý học sinh giữ gìn vệ sinh chung, đi ngoài đại tiểu tiện nhất định không được tự sướng, hay chơi cầu tỏm. Sâu xa chính thầy đang dạy học sinh bài học đầu tiên bước chân vào làm nghề thầy thuốc, tương lai họ sẽ trở thành những cán bộ Y tế tốt. Thầy thuốc mà kém vệ sinh, dơ bẩn, đi khám bệnh ai dám đến chữa! Chuyện ăn uống tại bếp ăn tập thể thầy cũng nhắc nhở. Ở trường những cô nuôi đa số là người miền Nam mới tập kết ra Bắc, nghe theo tiếng gọi Bác Hồ mà ra, bây giờ được giao nhiệm vụ thay bố mẹ, anh chị làm phục vụ chăm sóc, nên phải quí trọng họ như người thân gia đình. Thầy còn căn dặn khi xuống bếp ăn như thế nào là đúng, phải theo nội qui nhà trường, ăn theo nhóm, nếu vắng một người phải để phần.

Sau lần gặp thứ nhất, buổi gặp học sinh toàn trường lần thứ hai, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói chuyện chủ đề thời sự trong nước và thế giới. Thời đó trường chưa có micro nhưng tiếng thầy vang vang mạnh mẽ, gần ngàn học sinh ngồi nghe cứ như lên đồng, vì toàn chuyện mới lạ. Đúng thôi, đa số học sinh ra đi từ vùng nông thôn, đầu óc ao làng, suốt ngày cái cày, cái cuốc, trâu bò ngoài đồng bùn đất bê bết, giờ nghe thầy nói bên Tây, bên Tàu, chủ nghĩa xã hội Xô - Viết đang trên đà phát triển nghe cứ như mơ. Sang vấn đề trong nước có chuyện cải cách ruộng đất, cái ưu điểm dân cày bần cố nông được chia ruộng đất, nhưng cũng có những cái sai, nhiều địa phương hơi quá tả, đấu tố, thanh trừng địa chủ, thấy rồi đang sửa sai triệt để. Rồi chuyện Nhân Văn Giai Phẩm, phê phán nhiều nhà văn có khuynh hướng xét lại, văn chương ủy mị, xa rời công nông. Hàng ngàn người ngồi nghe mắt tròn mắt dẹt, miệng chữ O, hấp dẫn lặng im phăng phắc. Buổi nói chuyện dài gần bốn tiếng hồ mà vẫn không thấy chán, mãi đến khi nghe tiếng thầy nói: “Các bạn ạ! Chuyện còn dài, hôm nay kết thúc ở đây, chiều thứ 7 sau chúng ta tiếp tục”.

Những ai đã từng được làm học trò bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, sẽ mãi không quên một kỷ niệm nhỏ mà không nhỏ đậm chất nhân văn tình người. Một hôm bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bất ngờ, yêu cầu các em học sinh từ nông thôn đến trường học phải kê khai mình có bao nhiêu quần, nhiêu áo, chăn màn, giày dép. Bản khai học sinh tự lập thành bản, rồi nộp lên cho tổ chức nhà trường tổng hợp, và trước khi đem nộp, tổ trưởng phải công khai bản tập hợp đó cho toàn tổ viên biết, ghi ý kiến tham gia phản hồi của các tổ viên nếu có.

Rời hội trường hôm đó, học trò Lê Tiến cứ đeo đẳng trong đầu một câu hỏi: “Tại sao các học sinh xuất thân từ nông thôn lại phải kê khai tài sản cá nhân?”. Thật xấu hổ, nếu ai cũng biết Lê Tiến bấy giờ có ba cái áo, hai cái quần nâu cũ (trong đó một cái mới, một cái cũ), một đôi dép cao su thỉnh thoảng lại hay tụt quai. Té ra cái “bệnh sĩ” của Lê Tiến sau đó ít lâu mới thấy mình sai, và nhận ra cách làm của thầy Trần Hữu Nghiệp rất minh bạch và nhân văn cực hay! Nói chính xác, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm một việc mà đạt được nhiều mục đích. Thứ nhất, làm cơ sở để nhà trường xét học bổng. Thứ nhì, biết được con số cụ thể để gởi sang bên Quân đội xin cấp quần áo, giày dép, chăn màn cũ, hổ trợ cấp phát cho những học sinh gia đình nghèo khó khăn. Cuối cùng để nhà trường biết rõ thêm hoàn cảnh kinh tế của từng học sinh, từ nông thôn đến mà giúp đỡ cho phù hợp.

Một kỷ niệm khác cũng khiến Lê Tiến sợ đến “thót tim”, chỉ sau ba tuần khai giảng mà suýt bị “rụng” khỏi trường trở về quê chăn vịt. Lê Tiến kể: “Ngày ấy cứ theo lịch cuối tuần vào chiều thứ 7, đây cũng là buổi nói chuyện lần thứ 3 của thầy Trần Hữu Nghiệp với học sinh toàn trường. Hơn 700 học sinh ngồi dưới nghe thầy nói liên tục, chuyển từ đề tài này sang đề tài khác cả người nói và người nghe say sưa, nhưng không ngờ thầy vẫn chú ý tới bốn học trò ngồi lọt thỏm trong ngàn người đó thấp bé nhẹ cân và trẻ nhất. Hết giờ nói chuyện, thầy Trần Hữu Nghiệp gọi tên trò Đặng Đình Chỉ quê Hà Tĩnh, Nguyễn Hữu Thung quê Thái Nguyên, Trần Bình Thu quê Vĩnh Phúc, và trò Lê Tiến quê Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. - Các em lên phòng giáo vụ nhà trường gặp”. Nghe vậy, Lê Tiến rất hoang mang. Ngày ấy những trường hợp bất ngờ được xướng tên trước đám đông, bao giờ cũng báo hiệu có chuyện không vui và đúng là như vậy. Bốn học trò ốm nhom, thấp bé bước vào phòng giáo vụ đã thấy thầy Trần Hữu Nghiệp và thầy Trương Đình Ngô ngồi ở đấy, rồi bất ngờ thầy Nghiệp nói trước:

-         Bây giờ các thầy sẽ khám sức khỏe cho các em trước nhé?

Nói xong, hai thầy trực tiếp khám cho từng đứa một, xong xuôi thầy Trần Hữu Nghiệp nói tiếp:

-         Cậu Thu, cậu Chỉ, cậu Tiến đã khai tăng tuổi để vào học, còn cậu Thung thì đúng tuổi, nhưng thấp bé so với tuổi. Tôi cho tất cả bốn cậu về tiếp tục học lớp 8.

 Bốn đứa trò nghe xong run rẩy rồi bật khóc, Lê Tiến mếu máo nói trước với thầy:

-         Xin thầy cho chúng em ở lại trường học nghề ạ.

Trò Đặng Đình Chỉ, sụt sịt vừa khóc vừa nói theo:

-         Xin thầy thương chúng em, nếu chúng em bị cho về chỉ ở nhà chăn vịt thôi, vì nhà trường phổ thông sẽ không chấp nhận các em vào lớp 8, và nếu cho chúng em cũng không theo kịp chương trình ạ.

Hình như nỗi buồn của đám trò, làm thầy Trần Hữu Nghiệp động lòng thương cảm. Nhưng lặng im một lát, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nói:

-         Thôi được. Để tôi gọi sang bên tổ chức công nông, cho các cậu sang bên đó học, rồi vào học nghề sau cũng tốt.

 Lê Tiến nhớ lại, trong thâm tâm cũng mừng lắm. Vì khi còn ở nhà đã hai lần viết đơn xin vào học trường ấy, nhưng xã không cho với lí do rất “độc”. Năm 1953, Tiến từ chối không chịu nhận việc làm thư ký cho đội cải cách ruộng đất. Nhưng rất tiếc, khi Trần Hữu Nghiệp nhờ bên đó giúp đỡ không kết quả. Đặt phone xuống, quay sang bốn trò ngồi như kẻ mất hồn trên ghế, rồi giọng buồn buồn chậm rãi nói:

-         Không xong rồi, bên ấy vừa kết thúc và từ nay cũng không tổ chức khóa học mới nào bổ túc công nông nữa!

Trần Hữu Nghiệp im lặng khá lâu, hình như ông đang nghĩ tìm ra một kế sách khác, làm đám trò mặt xanh như lá càng thêm hồi hộp. Rồi bỗng nhiên Trần Hữu Nghiệp sôi nổi hẳn lên, nói tiếp:

-         Bây giờ bốn cậu, cậu nào muốn về theo học lớp 8, sau này đi học nghề cao hơn, thầy cho về và viết giấy cho trường phổ thông nhận lại?

Cảm giác như con đường tương lai đã đóng sập, cả bốn đứa lại khóc òa như trẻ nhỏ và đồng thanh nói:

-         Xin thầy ạ, cho chúng em ở lại học nghề ạ.

 Nhìn đám trò nước mắt giàn giụa, Trần Hữu Nghiệp bất ngờ thay đổi:

-         Được! Giọng thầy chắc chắn, làm đám trò vui như muốn nhảy tưng lên, nhưng sau đó thầy nói:

-         Nhưng với một điều kiện. Các cậu phải chuyển sang học lớp Dược, không được học lớp Y?”.

Thật là mừng muốn xỉu, cả bốn đứa đồng thanh đáp:

-         Cảm ơn thầy, cảm ơn thầy.

Nhìn bốn đứa học trò, hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp mỉm cười mà Lê Tiến nhận ra thầy vô cùng nhân hậu. Về sau hiểu ra, chỉ một lý do duy nhất không ai nghĩ tới, vì sao không được học Y mà phải chuyển tất cả sang học Dược: “Ba năm nữa các cậu tốt nghiệp ra trường, rồi đi khám bệnh, không có bệnh nhân nào tin vào một người thầy thuốc như các cậu mặt còn non choẹt”.

Lê Tiến tốt nghiệp ra trường với bằng Dược sĩ, rồi được phân công về công tác tại đơn vị Quốc doanh Dược phẩm tỉnh Hà Giang, nhưng thỉnh thoảng cũng có về Hà Nội và mỗi lần như thế lại vào thăm trường cũ. Rồi cái duyên gặp thầy rất kỳ lạ. Có một lần vào buổi sáng, khi Lê Tiến đang đứng ngắm phòng thực tập bào chế nơi ngày xưa học có nhiều kỷ niệm, bỗng anh ta giật thót có một bàn tay ai vỗ nhẹ vào vai mình, rồi hỏi:

- Có phải cái thằng hay đi mua nước đá cho thầy đây không? – Dược sĩ Lê Tiến quay đầu lại, nhận ra thầy Trần Hữu Nghiệp rồi kính cẩn đáp:

-         Dạ, vâng em đây ạ!

Trần Hữu Nghiệp cười vui, lại hỏi tiếp, nhưng giọng rất tình cảm và thân thiết:

-         Con đang làm việc ở đâu?

-         Dạ, con đang công tác ở Hà Giang ạ!

Vẫn phong cách chu đáo, tỉ mỉ, ân cần như ngày xưa, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp căn dặn:

-         Ra làm việc rồi, hàng ngày phải làm tốt nơi ăn chốn ở. Phải tìm mọi cách thoát khỏi những khó khăn với cách tốt nhất.

Hôm ấy thầy Trần Hữu Nghiệp còn khuyên:

-         Lúc rảnh rỗi nên đọc thêm sách thực vật và dược liệu, khi đi công tác xuống huyện, xã, phải tìm hiểu cây thuốc, bài thuốc của các dân tộc Hà Giang. Cố học thêm văn hóa để đi học Đại học Dược khi có dịp.

Nhớ lời thầy, trở về Hà Giang, Lê Tiến làm theo lời dạy. Nhiều năm sau đó Lê Tiến tích cực vận động và trực tiếp bỏ nhiều công sức xây dựng được một vườn thuốc Nam rộng tới 5 héc ta tại vùng Phó Bảng, trồng các cây tam thất, đương qui, huyền sâm, đỗ trọng… . Dược sĩ Lê Tiến hoàn thành công tác tốt ở địa phương, từ nhân viên một hiệu thuốc trở thành Phó chủ nhiệm Quốc doanh dược phẩm tỉnh, rồi được địa phương giới thiệu đi học Đại học Dược. Năm 1967 ra trường, do học tốt được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giáo tài Trường Đại học Dược Hà Nội. Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất trong cuộc đời Dược sĩ Lê Tiến tháng 8 năm 1983, cấp trên điều sang công tác tại ngôi trường mà do chính bác sĩ, hiệu trưởng Trần Hữu Nghiệp là người có công lớn khởi công xây dựng từ những ngày đầu tiên năm 1956, khi đó nơi đây còn là một cái ao rau muống tù đọng, muỗi mòng, rác rếu, chó hoang xã bậy. 

Đất nước ngày đó vẫn còn chiến tranh vào những giai đoạn ác liệt có lúc trường phải đi sơ tán, do đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Rồi còn nghe nói năm 1965, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ nên dược sĩ Lê Tiến không có dịp gặp lại, nhưng lòng vẫn luôn nhớ về người thầy Nam Bộ dáng cao lớn, giọng nói ấm áp vang vang. Thời gian trôi qua như mây trời gió biển, rồi cơ hội cũng đến được với Dược sĩ Lê Tiến: “Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường Cán bộ quản lí Y tế Trung ương, tôi đã đề nghị với phó giáo sư, tiến sĩ Lê Hùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường hồi đó, mời thầy Trần Hữu Nghiệp, nguyên là hiệu trưởng nhà trường từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự lễ kỷ niệm. Tôi đã trực tiếp làm các thủ tục mời thầy cùng vợ ra Hà Nội một tuần. Đón vợ chồng thầy từ sân bay về đến giữa sân trường Cán bộ quản lí Y tế, vừa bước xuống xe thầy đã nói: - Giờ so với trước khác quá, thầy rất mừng và mừng hơn là nghe con kể khóa Dược 3, Y.7, nhiều anh chị em trưởng thành. Nhưng có một điều thầy hơi tiếc là khuôn viên của trường Cán bộ Y tế Trung ương ngày xưa, bây giờ đã chia năm xẻ bảy từ tám mươi tư ngàn mét vuông hiện chỉ còn hơn mười ngàn, trường ta khó phát triển thêm, có lẽ phải tìm cơ sở mới. - Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp thầy bác sĩ Trần Hữu Nghiệp”. Phó hiệu trưởng trường Đại học Y tế cộng đồng, Dược sĩ Lê Tiến bồi hồi xúc động viết. 

  

 Mục Lục