11

Thuyền đỗ bến yêu thương buổi tối

 

Thật ra sau lần về thăm má, thăm quê Tân Thủy, huyện Ba Tri, rồi trở lại An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Do công việc nhiều dồn dập chuẩn bị cho mở trường lớp vào khóa học mới, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tạm quên đi nỗi buồn đau như sát muối trong tim, bà Lê Thị Nhi do một hoàn cảnh nào đó mà không giữ được mình, đi lấy chồng khác. Nhưng khi trời đêm buông xuống, nằm trên võng nghe tiếng gió thổi vi vút ngoài rừng dừa, tiếng nước vỗ óc ách đập vào bờ con rạch trước nhà nghe còn đau hơn cắt. Những câu hỏi đại loại “vì sao cô ấy bỏ ta?”. “Mình có lỗi gì không?”. “Cô ấy quên mất lời thề giữa hai đứa ngày lên xe hoa tràn đầy hạnh phúc?”. Nhưng trong hư không ngoài tiếng gió mênh mang ràn rạt, ngoài bóng đêm sâu hút chẳng có hồi âm nào cả, rồi tự giải, tự an ủi mình theo kiểu đoán mò: “Có thể cô ấy không thích mình đi theo Việt Minh, đi theo kháng chiến?!”. “Cô ấy bị cám dỗ bởi người Tây phương quyền lực và giàu có? Hay bị chúng hăm dọa, cưỡng ép đến bước đường cùng?”. Cứ thế đêm này sang đêm khác nỗi cô đơn gặm mòn thể xác, trông Trần Hữu Nghiệp gày sọp hẳn đến nỗi có người hoảng hốt hỏi: “Anh bịnh à?”. Nhưng rồi mọi người cũng nhận ra, họ biết đích xác nỗi đau của Trần Hữu Nghiệp vì người vợ trẻ xinh đẹp, giàu có, ở bên kia Sông Tiền thành phố Mỹ Tho tìm đến một bến bờ mới và có một con riêng.

Nói gì nhiều và cũng không cần Trần Hữu Nghiệp kể thêm nữa, đã đến lúc ông cũng cần một mái ấm tình yêu thương khác của nửa cuộc đời mình. Xin chỉ trích toàn bộ những lá thơ của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết, cho người má vợ tương lai và một người bạn cũng đủ nói lên tất cả:

Bức thơ thứ nhất:

“Tân Hào 3 giờ khuya

Ngày 17-3-1948”

“Kính thưa bác gái.

Người cầm bút viết bức thơ này hôm nay theo phép, phải thân hành đến làng Châu Phú hầu bác và chị, kính gởi lòng cảm mến, cùng trình diện luôn. Nhưng người đó hiện có công việc quan trọng phải ra đi, và hiện thời trong cuộc cứu quốc đang gánh một trách nhiệm to tát của Chánh phủ Trung ương.

Thưa Bác. Nỗi khổ tâm của cháu đã vang động lòng người thiếu nữ. Và nếu cháu không lầm thì tấm lòng yêu chân thật của cháu, cô Mười đã đáp lại tình thương. Tất cả đều chờ mạng lệnh của “Mẹ”. Cháu là thầy thuốc, từng đi sâu vào người bệnh, cũng như hiểu được lòng người, sau nhiều đau khổ. Cháu phân tích kỹ can, thấy mình có thể tạo ra hạnh phúc cho Ngọc Lê, nên mới đến. Ở đời mọi việc bình thường hình như có số cả. Mang vết thương lòng cháu cố tâm tìm hàn lại, và lập gia đình tan rã bởi một người vợ thiếu sự kiên trung chịu đựng. Hơn hai tháng nay, có nhiều cô gái được các anh chị, và bà con giới thiệu từ Cù Lao Minh đến Sóc Sãi, qua tìm hiểu đều không phù hợp đành thôi. Nghĩa là cháu đã rất gắt gao và thận trọng, trong việc chọn bạn trăm năm. Trong các người được giới thiệu có Ngọc Lê, Trưởng ban bình dân học vụ làng Châu Phú. Người điểm chỉ là bà Bảy Vững. Sau khi đó cháu đã đến viếng bác trai với tốp học trò con gái. Và những điều đáng biết về gia đình bác, cũng như về Ngọc Lê. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ quan sát, lòng cháu rung cảm và cháu đã thương cô Mười. Bao nhiêu tâm sự cháu đã trút ra cho cô biết, do các cô học trò gái mến thầy và đã từng chứng kiến những đêm cháu thức suốt năm canh. Trời hình như xui cho cháu trở lại Hương Điểm, trải qua ra trước muôn ngàn người, một tấm lòng chơn thật đã bị phủ phàng. Vì trong lúc cháu đi kháng chiến và chịu không biết bao nhiêu lần lao đao, vợ trước của cháu (con gái ông Huyện Hương) đã có chồng Tây và có con riêng. Cái tâm tang mang đã quá hai năm. Cháu ly dị trước Tổ quốc, xã hội và hai gia đình bên cháu và bên vợ cũ. Mẹ ruột cháu buộc phải đi tìm cho bà dâu mới. Chính ngay bà con bên vợ cũ cũng khuyên cháu lập lại gia đình. Và chính ông Huyện Hương cũng đã từ con gái gần hai năm nay, để cho nàng tự do sống bên cạnh chồng mới. Nay mai nếu trời giúp và bác gái bằng lòng, người ấy sẽ làm đứa con rể vĩnh viễn của bác. Mà tại sao trời không giúp người can trực và lòng mẹ lại chẳng thương con? Linh cảm dường như báo trước cho cháu rằng bác, cũng như bác trai và anh Năm sẽ thuận tính. Và dầu chưa biết cháu, lòng từ mẫu thương con bát ngát, chắc bác miễn cho cháu đi qua con đường nguy hiểm là lộ Bình Chánh để về hầu bác.

Khi ra đi nơi ngã ba đường, nếu cháu không gặp chị đoàn trưởng để hỏi thăm “xem cô Lê bên Châu Phú ấy độ này đã có chồng hay chưa?”, thì không bao giờ cháu lại biết cô gái yêu trẻ con ở Châu Phú được giới thiệu gần ba tháng rồi, với nhiều thiếu nữ tản cư về Hương Điểm cách nhà cũ có 200 thước… lại do bà Bảy Vững điểm chỉ.

Số mạng hay là duyên trời?…

Chị bảy Hoàng Điệp (trong Ban chấp hành Phụ nữ cứu quốc), cháu ngại đường xa và nguy hiểm, cho nên không đi và cũng ngại vì tuổi cô còn ít … . Và thời gian qua, cháu cũng mang theo đau khổ… Bỗng đâu, cơ quan lần thứ nhất lại dời về gần đây. Và cháu đã cố tránh làng Tân Hào, để khỏi phải bị kỷ niệm chua cay xé gan ruột, cháu lại phải về Hương Điểm. Bà Bảy Vững lại giới thiệu “một cô gái tản cư về đây”. Và nếu một phút đồng hồ trước, hỏi cô về đứng vào địa vị chánh thê. Cháu đặt tình yêu vào Ngọc Lê, tất cả sự nghiêm trang mà uy tín cháu bắt buộc phải có. Ở tương lai cháu lấy danh dự một người chiến sĩ xã hội, và một nhân viên cao cấp của Chánh phủ đảm bảo Ngọc Lê hạnh phúc hoàn toàn về tinh thần. Miễn cầu xin cho Ngọc Lê giữ trọn đạo làm vợ và đạo làm người.

Bác là mẹ hiền. Cháu tuy ở xa nhưng cũng đã biết. Lẽ cố nhiên bác lo cho số mạng của con gái, chẳng biết trong đục về đâu …(mất chữ). Cháu hiện thời chỉ trân trọng kính gởi bác một lời hứa sẽ lo nhiều cho em Lê và yêu cầu bác giữ vững một lòng tin nơi sự thủy chung của cháu. Cũng như hàng triệu người đã tin vào sự thẳng thắn, và trung kiên của cháu sau gần ba năm kháng chiến. Em Lê sẽ chính thức là bà bác sĩ Nghiệp trước Chánh phủ và bao nhiêu người bạn hữu của cháu, từ các ông Bộ trưởng Trung ương tới các người quen ở làng xã. Cô Lê sẽ là dâu chính thức của mẹ cháu ở Ba Tri, em chính thức của các anh cháu và thím Chín của các cháu. Nếu bác vui lòng thỏa thuận. Bác sẽ thương cháu, một người đã đau khổ nhiều hơn ai cả. Cháu mong sẽ tìm được nơi lòng bác chút tình thành thật của một mẹ hiền.

Một chiến sĩ không được phép khóc. Nhưng viết đến đây nước mắt cháu đã ướm ra, dòng lệ đau thương hay dòng lệ thương Ngọc Lê có lẽ cả hai thứ.

Cháu về địa điểm mới, bên kia sông, cố gắng dằn lòng mà chờ tin phúc đáp. Tâm sự dầu không tỏ ra hết nổi trong thơ, chắc bác đã hiểu nhiều về đời cũng nhận thấy nơi cháu bao nhiêu thành thật.

Kính thơ

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp”

 

Bức “tâm thơ” trải lòng nói lên tất cả nỗi cô đơn buồn ngao ngán, nhưng cuộc đời không thể cứ mãi thế được mà phải biết quên đi hướng về tương lai, để rồi quyết định thêm lần nữa chọn một nửa hạnh phúc cuộc đời mình, với thái độ hết sức nghiêm túc cẩn trọng hơn. Thơ đi rồi, tiếp theo là sự chờ đợi cháy lòng muốn biết lời phúc đáp, cũng không kém hồi hộp với nỗi niềm “lo sợ” bị vuột mất. Để rồi sau đó có bức thơ thứ hai, nhờ anh Năm Jean chuyển:

Thơ thứ 2

“Anh Năm Jean

Anh sẽ đi Châu Phú, đi giùm mau mau nhé. Mang theo một sứ mệnh lịch sử đối với tôi. Tôi ngồi nhà đốt nén tâm nhang, cầu chúc cho anh thành công: trong sự giúp tôi và Ngọc Lê.  Rồi anh sẽ cho tôi biết với tất cả nghi tiết về cuộc lễ.

Từ xưa đến nay, một nghệ sĩ không được phép hoài nghi trước một cảnh đẹp: Nghệ sĩ phải tin.

Mà cảnh tôi ngồi đối diện cùng Ngọc Lê, bên ánh đèn dầu đêm vừa qua, nó đẹp quá đi anh ạ. Anh giữ lại mãi mãi nhé! Chỉ còn thiếu một cung đàn là công khai trước xã hội. Tôi mong họa sĩ đừng xóa nhòa đi nhé, vì họa sĩ sẽ giết chết chúng tôi và cãi trời vì làm sai quẻ tử vi.

Kính chào “cố gắng”.

Ký tên: em út Hằng Ngôn

T. B. Đã đành sách có câu “dục tốc bất đạt”, nhưng đời “dân chủ” dư luận xuyên tạc rất thường. Muốn tránh các báo cáo “Kỳ đà” của đây hay của đó, anh cố xin bác gái cho phép tôi lãnh Ngọc Lê nuôi trước, rồi chung công một ngày khác cho Lê về bên cạnh em. Nếu là thanh niên chưa vợ đều thuộc loại “Kỳ đà”, nếu là phụ nữ là tại ghen tỵ. Anh Jean chắc cũng hiểu lẽ đó hơn tôi rồi, thường tình tâm lý đời này và cũng như đời xưa. Chào anh, cho anh mượn ba bức tâm thơ để anh công tác bên bác gái cho có hiệu quả.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp”.

Nhờ anh Jean, tin anh Jean sẽ làm nhà “ngoại giao” tốt, nhưng Trần Hữu Nghiệp vẫn phòng xa một “kế mưu”, nói với anh Jean nên hiểu, nói cho má Ngọc Lê rõ, ở đời tụi thanh niên mới lớn thường hay “Kỳ đà”, nhưng tuổi tác như Trần Hữu Nghiệp đã trải qua sự mất mát lớn một lần, thì không có chuyện nông nổi như bọn trẻ và cứ xin được lãnh về “nuôi” trước cho chuyện đã rồi. Vui thật, thú vị thật, nếu không nói bác sĩ Trần Hữu Nghiệp si tình lãng mạn thế là cùng!

“Tân Hào ngày 28 tháng 3 năm 1948

Kính thưa mẹ,

Hôm nay hôn lễ đã xong và chúng con đã nên đôi bạn

Trong ngày này đáng lẽ phải có mặt má ở đây, nhìn tận mắt cái chuyện khả dĩ gọi là vui và mới cho gia đình. Nhưng tiếc thay lại thiếu mặt người mẹ, lòng chúng con thấy sự vui không được trọn vẹn. Vì bà mẹ hiền ấy lại chính là người trong mười mấy năm nay đảm đương việc nuôi và nhất là dạy dỗ Ngọc Lê.

Song chiều nay Ngọc Lê sẽ đi theo chồng và sống trong một vùng yên ổn hơn. Xin kính cảm ơn và chào má, với bao nhiêu sự kính mến của rể và con.

Đã mấy lần chúng con có dự định sẽ về Châu Phú, dẫu có hơi nguy hiểm. nhưng còn nhiều công việc đợi chờ, và ở Châu Phú độ này tình hình cũng không an tĩnh. Vậy má tha lỗi cho, và chúng con xin hứa nếu có cơ hội thuận tiện đến, là chúng con sẽ bươn bả về ngay trên ấy mà thăm viếng.

Người rể mới của má ra sao, con tiếc không có hình lớn nên chỉ kính gởi về cho má mấy tấm hình lu mờ chụp cách đây mấy tháng, lúc còn theo Bộ đội sống miền núi rừng Trung bộ, ngủ đá, ngủ rừng, cả đội ba lô lội suối, khi ăn cơm với muối cả tuần.

Bao nhiêu cực khổ gian lao con đã từng nếm qua, cũng như tất cả sự sung sướng, ngày còn ở Châu Thành. Con hiểu đời và thương đời cũng lắm. Hôm nay con đem tình thương của con đặt vào cả Ngọc Lê, mong rằng Ngọc Lê sẽ luôn luôn thương lại con và nhiệm vụ mà con sẽ giao cho: Là làm con người trong sạch và thanh cao, làm người vợ hiền lành và khôn ngoan. Một bà mẹ nhân từ cho các trẻ sau này.

Con gái nhờ đức mẹ bao nhiêu sự tốt lành mà con bắt đầu hưởng, con sẽ luôn biết ơn má đã ra công dạy dỗ. Và dầu ngày nay Lê đã thoát ly một phần lo của gia đình, con mong rằng những lời nghiêm huấn sẽ được nghe thường trong khi em Lê còn cần phải được nâng đỡ dìu dắt.

Kính chúc má luôn luôn vui khỏe!

Ký tên: Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp”.

Bức thơ thứ hai cho biết, đám cưới đã diễn ra mà không có sự hiện diện của má vợ, nhưng dù niềm vui không trọn vẹn tin rằng bà sẽ tha thứ cho Trần Hữu Nghiệp và con gái mình, do tình hình bấy giờ quân Pháp gần như đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Bến Tre, nên việc đi lại rất nguy hiểm.

Bà Nguyễn Thị Lê năm đó mới tròn 18 tuổi. Theo bà thổ lộ thì họ gặp nhau, rồi yêu nhau qua sự giới thiệu của đoàn thể phụ nữ. Trong bức thơ gởi người má vợ tương lai, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cũng đã nói như thế. Có nhiều cô gái trẻ được giới thiệu, nhưng ông chỉ ưng mỗi Ngọc Lê. Ngày ấy Trần Hữu Nghiệp đang làm hiệu trưởng trường Y tá ở An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trên đất cù Lao Minh. Bà cũng kể từ cù Lao Minh bác sĩ Trần Hữu Nghiệp thường xuyên sang cù Lao Bảo, làm cố vấn chuyên môn cho bệnh viện Quân Y Trung đoàn 99, đóng tại Tân Hào, nơi tương đối còn an tĩnh. Chỉ vài lần thôi, họ ngồi bên nhau vào buổi tối, và chàng si tình bật nên những vần thơ yêu thương nồng nàn, gởi tới nàng dạt dào cảm xúc: Thuyền đỗ bến yêu thương buổi tối/lòng ra đi trăm mối tơ vương/gởi em muôn vạn nhớ thương/ngày đêm mong đợi nơi đường hiệp xum”.

Đúng là như thơ viết. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và Nguyễn Ngọc Lê tổ chức lễ cưới năm 1948.

*

Năm 1949, tình hình địch ở tỉnh Bến Tre quân Pháp hoạt động ráo riết, thương xuyên đưa quân đi lùng sục, đánh phá cơ sở kháng chiến khắp nơi. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bấy giờ ngoài chức trách Phó giám đốc sở Y tế Nam Bộ, còn đảm nhiệm thêm vai trò Trưởng ban thanh tra Quân dân Y Khu 8 nên công việc nhiều cộng với cuộc sống sinh hoạt cũng khác trước, không thể ở nhờ trong nhà dân được nữa. Trần Hữu Nghiệp từng viết: “Một mình cuộc sống kháng chiến đã khó khăn, nay có thêm vợ lại sắp sanh nên tự tay phải chặt cây làm nhà ở, bẫy chim, bắt cá, nuôi gà, nuôi heo làm thực phẩm, phục vụ cho sinh hoạt”. Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Lê cũng từng nói như vậy: “dù đang mang bầu con trẻ, nhưng hàng ngày khi nghe có máy bay, tàu chiến địch là phải chạy. Chạy không biết bao nhiêu lần. Chạy có khi muốn ngạt thở”. Bận gấp đôi trước khi chưa có vợ, đặc biệt nhiệm vụ cơ quan không thể rời bỏ. Thương vợ, thương con, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp bàn với vợ bà Nguyễn Thị Lê: “Ở đây quân Pháp làm rát quá, anh lo cho má con em, hay rán về Sài Gòn ở nhờ bên ngoại, sanh xong rồi trở lại được không?”. Thấy ý chồng nói phải, nhưng sang ngày hôm sau cả hai bàn tính lại sợ bà Lê giữa đường sinh nên thôi. Ngày 30/10/1949 bà Nguyễn Thị Lê sinh con gái đầu lòng, tại An Thới, huyện Mỏ Cày, nơi căn cứ trường cán bộ y tế Khu 8 bác sĩ Trần Hữu Nghiệp làm hiệu trưởng. “Ơn trời mẹ tròn con vuông”, rồi đặt tên là Trần Kiều Dung. Thật khó tả hết niềm vui lớn với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bởi năm đó ông 38 tuổi, nhưng vui, hạnh phúc đồng thời cũng là thách thức không nhỏ với vợ chồng ông. Bà Nguyễn Thị Lê từ ngày sinh con, biết khó khăn nên công việc của tổ chức cũng ít tham gia mà chủ yếu ở nhà làm nội trợ. Trong tình hình khó khăn như vậy, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhớ tới Sáu Lễ sau khi học xong lớp Y tá, về làm việc ở ty Y tế kháng chiến tỉnh Bến Tre, ông lại xuống xin rút về làm công vụ tiếp cho mình, nhưng thực tế là để giúp thêm bà Lê trông coi con gái nhỏ Trần Kiều Dung.

Năm 1950, Pháp đánh chiếm gần như hết toàn tỉnh Bến Tre, các trường, cơ quan Y tế Khu 8 không còn đứng chân tại Mỏ Cày, phải gấp rút chuyển sang tỉnh Trà Vinh. Trong lịch sử cũng có nói đặc điểm kháng chiến Nam Bộ, không như các vùng miền khác, cán bộ, chiến sĩ đi tới đâu đều phải tự lực tự cường và nhờ dân nuôi là chủ yếu. Do đó, khi sang Trà Vinh bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhờ chính quyền địa phương, xin với một hộ gia đình cho mượn đất cất tạm căn nhà nhỏ bên bờ rạch Tràm, xã Vị Thanh, để vợ con ở còn mình ít khi có nhà vì thường xuyên đi công tác, thỉnh thoảng mới về giúp thêm việc bổ củi, rồi xếp cao để dành cho vợ con chụm dần.

Cũng năm này có một tin buồn đến bất ngờ với cơ quan Y tế “R”, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Vụ trưởng Quân Y Khu 9, trong một lần đi công tác về Trà Vinh bị địch bắt. Ngày nay trong kho tư liệu lịch sử của Bộ y tế, nhờ đó mà ta biết được một chi tiết tình cờ khá thú vị về bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, đó là sau khi bị địch bắt chúng đưa ông về giam giữ qua nhiều khám tù tại Trà Vinh, Cần Thơ, Sài Gòn trong khám Virgile. Ở trại tù Virgile để giết thời gian, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành gửi tiền nhờ những tên lính cai ngục viễn chinh Pháp mua hộ báo, rồi một lần ông đọc được bài báo của tác giả H. Váchon nói về “tính hiệu quả áp dụng thực tế  phương pháp Filatov” làm ông mừng lắm. Chiến thắng Điện Biên Phủ, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được phía địch trao trả, sau khi ta thả tên đại tá Quân y Duris của chúng. Là người đam mê khoa học, lại nhận ra phương pháp rất cần thiết cho Y tế cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ quân đội. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn từ khi được trả tự do, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã có buổi thuyết trình khoa học về “ứng dụng phương pháp thực tế Filatov”, theo cảm hứng đầy tính thuyết phục ông đọc được từ bài báo của H. Váchon lúc còn trong tù. Và “chính từ kết quả nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, chúng ta đã đưa ra được phương pháp ứng dụng Filatov vào điều trị thương bệnh binh rất thành công, tại chiến trường miền Tây Nam Bộ”. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từng viết như thế.

Năm 1951 tại bãi biển Ba Động, tỉnh Trà Vinh, bà Nguyễn Thị Lê sinh con gái thứ hai đặt tên là Trần Kiều Miên, và theo lời kể của nhiều học trò ngày đó cũng cho biết, người đỡ khi bà Lê sinh chính là cô Đoàn Hồng Hoa (Đoàn Thúy Ba). Nhà thêm trẻ nhỏ, khó khăn tăng gấp bội, bà Lê phải về quê xin mấy đứa em lên phụ giúp trong đó có cậu út rất chăm chỉ, lại giỏi đặt lờ bắt cá, mò cua, nên bữa ăn cũng đỡ hơn nhiều. Thế nhưng ở nơi này cũng không được lâu, quân Pháp dùng tàu chiến chạy trên sông Hàm Luông, trên trời có máy bay yểm trợ đổ quân tiến đánh Trà Vinh, gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại theo đoàn cán bộ Khu 9 chạy sang Kiên Giang. Nhưng ở Kiên Giang chỉ một thời gian ngắn ta nhận thấy do yếu tố an toàn thấp, Khu quyết định chuyển tiếp sang lập căn cứ ở Cà Mau. Lại lần nữa gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chặt cây tràm, cắt lá dừa nước, dựng nhà gần sát bên cơ quan Sở. Dù vậy, ngay khi vừa chuyển đến, Sở Y tế Nam Bộ tổ chức mở liền hai lớp Y sĩ, Trần Hữu Nghiệp vẫn là người phụ trách tham gia giảng dạy chính. Ngoài chương trình đào tạo Y sĩ, “R” còn chỉ đạo mở thêm hai lớp đào tạo nữ hộ sinh, giao cho bà Phan Thị Thương phụ trách. Bà Thương là trí thức yêu nước, tốt nghiệp nữ hộ sinh từ một trường Y danh tiếng tại Paris Pháp, nhưng vì lòng yêu nước mà bỏ thành phố cuộc sống đầy đủ tiện nghi, phú quí, đi theo cách mạng ra bưng biền cùng dân tộc đồng hành kháng chiến.

Năm 1951, Sáu Lễ cũng thôi không làm công vụ cho bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Theo Sáu Lễ, thôi làm công vụ lần này là có nhiều lý do rất chính đáng, vì ông là người mạnh mẽ lại rất hiếu động, không thích ở lâu một chỗ, ngược lại bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tính cách cởi mở, tác phong nghiêm túc, chuẩn mực, đặc biệt tính tình cương trực và rất ngay thẳng. Nói chuyện này Sáu Lễ không quên nhớ có một lần đi cắt tóc về, vừa đi vừa tung tăng khoái chí với sản phẩm cái đầu bảy phần xanh ba phần trắng, bất ngờ gặp Trần Hữu Nghiệp đang bổ củi trước nhà, nói: “Ê mày diện hả?”. Sáu Lễ ngượng đỏ cả tai, dù không thích kiểu quá nghiêm khắc đó, nhưng sợ không dám cãi. Nhưng biết tuổi trẻ thích phưu lưu mạo hiểm, ít lâu sau Trần Hữu Nghiệp gọi nói: “tao cho mày ra trận đánh Pháp”. Sáu Lễ sướng rơn, vì nguyện vọng được chấp nhận. Trần Hữu Nghiệp còn tâm lí cho Sáu Lễ đi bổ túc về ngoại khoa, để tăng kiến thức vững vàng chuyên môn, sau đó mới điều xuống công tác tại Tiểu đoàn 307, một đơn vị lẫy lừng nổi tiếng trên chiến trường Nam Bộ thời đó.

Cuối năm 1952, bà Nguyễn Thị Lê sinh con gái thứ ba lấy tên là Trần Kiều Lan, tại kinh 9, xã Danh coi, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (Danh Coi là tên một xã đội trưởng người Khmer). Năm đó cũng là năm quân Pháp mở nhiều trận càn quét lớn đánh vào căn cứ ta ở Nam Bộ, trong đó có tỉnh Rạch Giá. Bà Nguyễn Thị Lê có viết về một lần chạy càn địch, sau này mỗi lần nhớ lại bà vẫn không thể tin làm sao má con bà vẫn còn sống: “Tôi nhớ một lần, quân Pháp dùng xe lội nước cùng bộ binh tấn công vào căn cứ Khu 9. Khi nghe dân làng la: - Tây bố… tây bố… . Tôi bồng Kiều Lan, dẫn Kiều Miên chạy. Kiều Dung lớn hơn chạy theo, sau rớt xuống hố bom cũ lúc nào không biết. Chạy một lúc ngoái đầu lại không thấy con đâu, tôi hốt hoảng chạy quay trở lại tìm. Dọc đường nhìn xuống hố bom, thấy cái nón con mình nổi phập phù trên mặt nước. Tôi đặt Kiều Lan xuống đất, rồi bảo Kiều Miên trông em, vội vàng lội xuống vớt con lên vừa khóc vừa làm mọi sơ cứu để con khỏi bị chết ngạt. May thay ông trời còn thương, một lúc sau Kiều Dung tỉnh lại. Tôi mừng khôn xiết. Lần đó nếu con tôi mất, tôi không biết sẽ nói sao với anh”.

Phải chăng là số mệnh, trời lấy của ta đi nhiều thứ, nhưng trời cũng cho ta nhiều lắm. Bà Nguyễn Thị Lê từng suy nghĩ như vậy. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từng xa lìa con, những đứa con của người vợ trước, trong đó người con gái đầu lòng cũng tên Dung (Trần Hữu Kim Dung) mà ông rất mực yêu thương. Vì vậy, khi vợ chồng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh con gái đầu lòng, họ đặt tên Dung (Trần Kiều Dung) mang ý nghĩa sâu xa là như vậy.

 

 Mục Lục