1

Đất trời Nam thuở hoang xưa

 

Năm 1979 ở tuổi gần bảy mươi xuân, cái tuổi người xưa ta thường đã đề huề vui thú điền viên bên gia đình con cháu từ lâu, nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Nhà giáo nhân dân, người con ưu tú vùng đất Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mới được Chính phủ cho về nghỉ hưu, cũng từ đây ông có nhiều thời gian rảnh rang đôi chút về thăm quê hương.

Tân Thủy giờ đây thay đổi nhiều so với trước, ông gặp bao nhiêu người dân, người thân, những con người ông quí mến, ông yêu thương một thời bình yên, một thời giông tố. Đất nước được tự do, lòng sảng khoái mà nhìn đất, nhìn trời, mắt dõi rộng ra ngoài khơi xa nghe tiếng gió, tiếng sóng vỗ mang theo vị mặn mòi của biển bất chợt nghĩ về tiền nhân, rồi tự hỏi: “Tại sao cha ông mình xa xưa từ miền ngoài vào Bến Tre lại không tìm đến một nơi nào khác như lên Mỏ Cày, Chợ Lách hay Sóc Sãi, Châu Thành để lập nghiệp? Ở đó đất đai dễ làm, trồng cây gì, giống gì cũng xanh tươi cho nhiều hoa thơm quả ngọt? Hóa ra không chỉ có ông, hậu thế từng có nhiều người hỏi câu tương tự: “Đất Bến Tre rất lành, phù hợp trồng các loại cây ăn quả, nhưng tại sao gọi là tỉnh Bến Tre? Trong khi tỉnh này không phải là nơi có nhiều cây Tre?”. Một câu hỏi khá thú vị lại có phần thực tiễn. Bến Tre có rất nhiều dừa. Dừa Bến Tre bát ngát, dừa mênh mang đại ngàn như rừng như biển. Vậy tại sao, không lấy dừa đặt tên gọi là tỉnh Dừa? Dừa Bến Tre trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ! Dừa là chất men say xúc tác của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc, họa. Và nói không ngoa đến nỗi ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một lần về Bến Tre nhìn dừa có ngay cảm hứng, để viết nên ca khúc tuyệt phẩm “Dáng đứng Bến Tre” ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất, lập nên nhiều chiến công lẫy lừng của người con gái Bến Tre:

“Ai đứng như bóng dừa/tóc dài bay trong gió/có phải người còn đó/là con gái của Bến Tre/con gái của Bến Tre/năm xưa đi tải đạn…”. [1]

Bài hát ra đời không lâu sau đó nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, rồi trở thành như “tỉnh ca”. Quê hương Bến Tre như vụt lên, nổi tiếng một lần nữa mà bất cứ ai khi nghe bài hát cũng nghĩ ngay tới phong trào Đồng Khởi năm 1960 thế kỷ trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! Ngày nay dừa Bến Tre còn là nội lực chủ yếu, làm nên sự thịnh vượng của tỉnh Bến Tre. Cây dừa gần như không vứt bỏ một thứ gì, quả dùng làm nước uống giải khát tuyệt vời, cơm dừa già chế biến ra những hàng hóa cao cấp, như mỹ phẩm làm đẹp, xà bông thơm, làm kẹo, làm mứt ngọt ngào hấp dẫn. Thân dừa, quả dừa làm ra các mặt hàng mỹ nghệ độc đáo có một không hai. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tiền nhân xưa lấy tên Bến Tre không phải không có lý, đặc biệt người xưa lại rất coi trọng chữ đạo, chữ nhân, chữ nghĩa, chữ tình. Tìm hiểu sâu mới biết thêm, ngày xưa người dân Bến Tre có nghề thủ công đan lát từ nguyên liệu cây tre rất phát triển, nhưng đất cù lao có nhiều giồng lại không phù hợp cho trồng cây tre nên họ phải nhập tre từ nhiều nơi khác ngoài tỉnh về. Đất Bến Tre sông rạch nhiều, giao thương trao đổi buôn bán sản vật hầu hết đều qua vận chuyển bằng đường sông. Có thuyền, ắt có bến. Thuyền từ miền Đông, miền Tây chở tre qua ngã sông Hàm Luông hay sông Ba Lai tới, đều vào một cái bến trung tâm ghe thuyền đậu san sát, ở đó có người bán người mua đông vui tấp nập. Tre được dân phu bốc lên chất đầy trên bến dài hàng trăm mét, rồi được bán lẻ đi khắp nơi đến tay người thợ đan lát. Tên Bến Tre ra đời từ đấy (nhưng thực ra đây cũng chỉ là một cứ liệu chưa mấy vững chắc?!). Rồi không biết từ bao giờ, cái nghề đan lát nổi tiếng Bến Tre đó lại dần mai một và đến hôm nay nó gần như mất. 

Bến Tre ngày nay ngắm nhìn từ trên cao xuống giống một tuyệt phẩm bức tranh thiên nhiên trời ban cho, nó nằm trên ba cái cù lao như ba con cá voi khổng lồ bơi ra biển lớn, cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Ba Tri quê hương bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nằm trên cù lao Bảo, chót mũi là xã Tân Thủy còn gọi là Giồng Bông. Những lưu dân Việt thuở hoang xưa đến đây rồi trụ lại, họ sống qua mấy trăm năm sướng khổ, buồn vui là một câu chuyện dài đẫm mồ hôi và nước mắt.

*

Có lẽ cuốn sách xưa nhất ngày nay ta biết được là “Chân Lạp phong thổ ký” của Châu Đạt Quan là người Trung Hoa, sống ở thời nhà Nguyên khi theo chân một phái đoàn ngoại giao sang Chân Lạp, đến Ăng Ko. Phái  đoàn Trung Hoa ngày ấy đi bằng thuyền gỗ đầu chạm Rồng, (đương nhiên bấy giờ là con đường thuận lợi nhất, nhanh nhất chỉ bằng cách này xuôi Nam vượt biển Đại Việt, rồi ngược sông Cửu Long qua Mỹ Tho ngang đồng Tháp Mười). Cảnh thiên nhiên độc lạ cuốn hút, Châu Đạt Quan nhìn sang hai bên bờ sông thấy vô vàn những bụi mây dài, nhiều cây to, cát vàng, lau sậy mọc um tùm trổ bông trắng xóa. Trong mục núi sông ông ta cũng viết, những chòm cây rậm rạp trong rừng trũng thấp (có lẽ đây là rừng Sác). Cửa sông quá rộng cũng có nhiều cây to, những lùm mây dài xanh tốt, tạo chỗ cho chim chóc làm tổ và trú ẩn của loài muông thú. Chim nhiều đến nỗi, đứng trên thuyền cũng còn nghe được cả tiếng hót vang dội theo gió cuốn. Thuyền đi được hơn nửa chặng đường sông, lần đầu tiên tác giả nhìn thấy những cánh đồng lúa rộng bạt ngàn, không có một gốc cây to, trâu rừng, bò rừng, hàng ngàn con tụ họp từng đàn đang ung dung gặm cỏ. 

Thiên nhiên như vậy, còn câu trả lời người Việt có mặt ở đất phương Nam là từ khi nào? Theo sử sách của người Việt, cũng như người nước ngoài trong đó chủ yếu là người Pháp, những nhà nghiên cứu hay các thương gia từng ở Việt Nam một thời gian dài, thì người Việt có mặt ở Nam Bộ là rất sớm. Thế kỷ XVI trở về trước, cũng có rất nhiều người nước ngoài qua lại vùng đất này như người Nhật, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Hoa. Người ta cũng nhìn thấy tuy không nhiều, có người phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, họ dù là cư dân nước nhỏ, nhưng trong lãnh vực buôn bán lại có những đội thương thuyền cực kỳ hùng mạnh, tuy nhiên vào Nam Bộ họ không dừng lại mà tiếp tục đi xa hơn lên tận Nông pênh. Ở vùng Tây Nam Bộ cũng có người Khme, nhưng thời đó họ sống chủ yếu ở vùng đất Lục Chân Lạp (Campuchia) là những nơi cao ráo, dễ làm ăn, nguồn lợi nhiều, nhưng do dân số ít, đất đai lại rộng lớn nên họ gần như bỏ trống vùng đất phía Đông (Tây Nam nước ta bây giờ) quanh năm trũng nước lại hoang vu, nhiều băng đảng cướp phá và đầy thú dữ.

Người Việt đến vùng hạ lưu sông Mê Kông nơi không có mỏ vàng, mỏ bạc, đậu khấu, trầm hương, tơ lụa, hồ tiêu, đây lại là vùng đất trũng, nhưng bấy giờ có một nơi tương đối sung túc dễ dàng canh tác tạo ra nhiều lúa gạo là Bãi Xàu gần cửa sông Hậu, còn phần lớn đất đai rừng rậm hoang vu nhiều voi gầm, hổ báo, khí hậu lại ẩm thấp rất khó làm ăn. Loại rừng già âm u mà Châu Đạt Quan nhắc tới là giống cây mây dài, mọc hoang ở nơi đất thấp rủ xuống nước chằng chịt xanh tươi, trải qua nhiều thế kỷ vẫn còn để lại dấu ấn những cái tên như đường Xẻo Mây, rạch Chắc Cà Đao (tiếng Khmer đao là mây). Rừng ở đây cũng có nhiều cây to, bóng chúng tỏa xuống che phủ rộng một không gian lớn. Châu Đạt Quan nghĩ không hẳn là cây sao, cây dầu, mà có thể là cây lâm vồ, cây gừa, cậy xộp với những rễ phụ thòng xuống bám sâu vào đất lớn lên to như cây cột nhà, lá rụng xuống năm này qua năm khác dày lên lớp lớp, tàn che tối om om, nơi phù hợp để cọp, báo, heo rừng tới làm nơi sinh đẻ. Đất rừng, ruộng ngập nước mênh mông lúa ma, lau trắng, sậy đế, mọc dễ dàng trên đất mới bồi. Tre mọc ở đây cũng khá nhiều hoặc những vùng cao hơn nay vẫn để lại nhiều tên đất như Bến Tre, Xẻo Tre, Vịnh Tre là vậy.

Khắc nghiệt, khó khăn làm nản lòng nhiều người nước ngoài đến tìm cơ hội mưu sinh, nhưng lại không làm người Việt nhụt chí! Vì sao? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản, những lưu dân người Việt dù đến trước hay đến sau thuở hoang sơ ấy thì đều không thể trở về. Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúi Đôn. Họ Nguyễn chiêu mộ những người dân “có vật lực” ở xứ Quảng Nam, từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Bình Định đưa đi khẩn hoang. Chúa Nguyễn cũng có chính sách rõ ràng, cho phép những cư dân đó đến nơi mới chiếm đất bao nhiêu tùy thích xây cất nhà cửa, làm vườn, trồng cau, chăn nuôi gia cầm, gia súc. Lại cho thâu nhận con trai, con gái vùng cao, vùng núi mua về làm nô tỳ (nô là trai, tỳ là gái). Nô tỳ còn được phép kết hợp làm vợ, làm chồng để làm ăn cày cấy. “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức cũng chép, các chúa Nguyễn chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh trở vô Nam đến ở khắp nơi. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh Đàng Trong với Đàng Ngoài, rồi thời Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn ba lần truy đuổi vào đất Gia Định, cũng là nguyên nhân dẫn đến các lưu dân trôi dạt vào Nam Bộ đông đảo nhất. Dọc theo tả ngạn sông Tiền có làng Nha Mân, thuộc Cái Tàu Hạ người Việt lập làng ở đây từ rất sớm. Lời đồn rằng, Nguyễn Ánh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, trên đường tháo chạy đã cắn răng bỏ lại một số lớn bầu đoàn thê tử gồm toàn cung phi, mỹ nữ xinh đẹp. Đám lưu dân đặc biệt này ở lại dần dà kết thân, gá nghĩa với lưu dân người Việt có mặt nơi đây khẩn hoang trước đó, rồi sinh con đẻ cháu đầy đàn.

Đàn bà con gái chân yếu tay mềm chuyên sống bằng nghề làm bánh, ít dãi nắng dầm mưa, da trắng như bột, lời nói nhẹ nhàng, đi đứng khoan thai nổi tiếng xinh đẹp. Từ đó có câu: “Giồng nào cao bằng giồng Sa Đéc, gái nào đẹp bằng gái Nha Mân” là vậy.

Lý giải về sự chịu đựng khó khăn gian khổ của người Việt, khi đã quyết làm một việc gì họ không bao giờ bỏ cuộc. Nói ý này là gián tiếp người ta nhắc đến chuyện Nguyễn Cư Trinh, người có công gày dựng đất Gia Định xưa, rằng ông hiểu rất rõ nỗi thống khổ của người dân khi còn làm Tuần phủ Quảng Ngãi, có dâng sớ khuyên chúa Nguyễn: “Việc hại dân ngày nay thì cấp tính, nuôi voi, nộp án, ba việc ấy là trước hết, ngoài ra những chi phí quá lệ là rất nhiều. Dân thì một cổ bảy tròng. Dân Quảng ngãi chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu các nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha sai viên vi tử, lại chịu lệnh các nha sai viên nguyên đầu, lại chịu lệnh bản phủ, lại chịu quan sai lại nha môn, lại chịu lệnh các sai nhân, lại chịu lệnh của người đi săn ngang dọc, há không phải mười con dê đến chín người chăn, nghèo khổ thất nghiệp rất là đáng thương”. Đây chính là nguyên do người dân liều mạng, bỏ xứ ra đi vào Nam Bộ thuở hoang sơ là không hiếm.

Còn một dòng lưu dân khác vào giữa cuối thế kỷ XVI, có một bộ phận người đến từ Trung Hoa vì khí tiết trung quân bài Mãn, phục Minh ra biển chạy vào phương Nam do Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên), Dương Ngạn Địch chỉ huy đem theo ba ngàn binh lính, đi trên năm mươi chiến thuyền được chúa Nguyễn cho vào đất Mỹ Tho lập nghiệp mưu sinh. Một nhóm người khác có tới hàng trăm người, hầu hết họ tộc con cháu do Mạc Cửu cầm đầu, dạt vào Lũng Kỳ bấy giờ còn thuộc đất Chân Lạp (Campuchia), chọn nơi đây làm quê hương mới. Sau mười năm chống chọi với đủ hiểm nguy lúc người Chân Lạp đuổi, khi quân Xiêm truy sát, may nhờ khôn ngoan tài giỏi có tiền đút lót bằng nghề buôn bán, đánh bạc mà trụ vững ở đất Lũng Kỳ, Sài Mạt. Đến năm 1708 lấy tên gọi là Hà Tiên, rồi có mưu sĩ  tên Tô Quân người đồng hương khuyên Mạc Cửu, ra Thuận Hóa quy phục dâng đất này lên chúa Nguyễn, được Chúa phong tước Tổng binh Cửu Ngọc Hầu. Đặc biệt có một chi tiết, mà ngày nay trong sử cũng có chép từ khi Mạc Cửu đặt chân tới Lũng Kỳ (Hà Tiên), ông thấy có nhiều lưu dân người Việt lập thành làng xóm, sinh sống từ rất lâu rồi.

Trải qua bao nhiêu đời, người Việt miền ngoài mà chủ yếu là người miền Trung dưới thời nhà Nguyễn, họ bỏ xứ ra đi dạt vào phương Nam tới phủ Gia Định. Đất trời Nam Bộ dù rừng thiêng, nước độc, nhưng vốn người Việt mang theo trong mình nền văn minh lúa nước, tổ tiên sống có tổ chức hơn những người đi trước, họ nhận ra vùng đất trũng nước phương Nam có nhiều tiềm năng lớn về nông nghiệp. Họ cũng thấy được “địa cuộc” tốt, không phải ám chỉ nội dung huyền bí về phong thủy mà nơi đây có nhiều thuận lợi tưới tiêu điều hòa cho cây lúa, cây màu khác. Sông rạch chằng chịt, sức người chỉ cần điều chỉnh thêm sao cho có nước ngọt uống về mùa hạn, không bị ngập nước về mùa mưa, đặc biệt dễ dàng lui tới trao đổi sản vật làm ra, giao lưu kết nối văn hóa bằng đường thủy lên Bến Nghé, ra kinh đô Huế và theo đường bộ cũng khá dễ dàng.

Cứ thế luận ra, người Bến Tre nói riêng và nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ ngày nay có gốc gác tổ tiên từ miền ngoài vào, và đa số họ là cư dân miền Trung, sớm thì thời tiền Chúa Nguyễn, chậm cũng là thời Quang Trung, Nguyễn Ánh.



[1] Ngoài ra còn có nguồn tư liệu chưa hẳn chính xác nhưng xem ra cũng khá thú vị, ngày đó tỉnh Tiền Giang mê tài năng của vị nhạc sĩ này, nên đã mời về giúp tỉnh sáng tác một ca khúc. Nhưng tiếc thay cả nửa tháng ròng chẳng thấy sản phẩm đâu, rồi một buối sáng đẹp trời khi đứng bên bờ sông Tiền nhìn sang bên kia sông dạt dào bóng dừa xanh trong gió, mà bật nên bài ca bất hủ về Bến Tre như ta đã biết?!

 

 

Mục Lục