thời gian Trần Hữu Nghiệp (nxb Văn Nghệ - 1993) 1
(Hồi ký)
Tôi sinh ra năm 1911 tại một nơi mà địa danh được biết trong văn học nhờ hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu điếu Phan Thanh Giản:
Non nước tan tành hệ bởi đâu!
Ngao Châu, gọi nôm na là Bãi Ngao, có lẽ đúng hơn là Bãi Nghêu, thuộc xã Tân Thủy, ven bờ biển Đông. Ấy là một xã nghèo, ruộng đất hẹp, làm một mùa thôi, nằm giữa các con giồng cằn cỗi chỉ nuôi được cây mù u, cây trôm, bụi duối . . . tức là loại cây không ăn quả được. Đến mùa gió chướng, ngày đêm bên tai không ngớt tiếng "sóng vỗ gành" quyến rũ tâm hồn hướng về quá khứ xa xăm, bởi trước mắt không có gì đem đến phấn khởi cho tương lai: cát nóng bỏng phải vừa đi vừa chạy vào buổi trưa; tiếng nhái mùa mưa nối nhau ểnh a bất tận ngoài đồng ruộng thật não lòng buổi chiều mưa!
Lại còn nạn sốt rét triền míên mà nhân dân địa phương gọi là ban bạch, hoặc trái trắng, dựa vào những hột mồ hôi nhỏ đọng lại giữa lớp tế bào phủ da sau những cơn sốt chấm dứt đột ngột cũng như đợt rét run khởi đầu (danh từ chuyên môn là Sudamina). Cũng may là sốt rét vùng này ít gây ra ác tính hoặc đái huyết sắc tố như ở miền rừng núi, bởi do chủng huyết trùng gây bệnh là P. Viva X chớ không phải là P. Falciparum. Và đặc biệt là trong bữa ăn hàng ngày thường xuyên có chất đạm: cá, tôm, cua, còng, nghêu, sò, hến... ở sát biển mà! Một danh sư nổi tiếng quả là có lý khi nói: "Thuốc trị sốt rét chính là trên mâm cơm".
Tuy vậy, từ những năm đầu còn cạo trọc tóc "chừa bánh bèo" ở giữa lớn cỡ trái quít, mỗi năm tới rằm tháng giêng, má tôi vẫn đưa tôi đi chùa Phật, được thầy chùa buộc cho sợi dây "niệt" đỏ vào cổ tay để tránh bệnh tật trong năm, như các gia đình khác đêu làm. Có khi niệt dài hơn được tròng vào cổ.
Xã này quả là nghèo, vì đất xấu; không hiểu tại sao tổ tiên tôi lại định cư ở đây, không chịu khó xuôi theo dòng nước thêm một đoạn đường, lên miệt Mỏ Cày, Chợ Lách hay Sóc Sải - Châu Thành, con cháu sau này được hưởng cảnh sông sâu nước chảy, ăn hoa quả bốn mùa, con gái có nước da trắng nhờ sống trong mát và "khỏi tắm nước dừa" như lời thêu dệt quá đáng ở nhìêu nơi về con gái Bến Tre.
Nghĩa địa xã tôi nằm trên con giồng cát, đến hàng trăm mồ mả, trong đó lâu đời nhất đối với tôi là mộ ông cố và ông nội, không có mả ông sơ hay trước nữa. ước mơ của thời xưa là "sống được đẹp nhà, làm ma đẹp mả" không thực hiện được với bà con làng tôi. Hầu hết là đắp đất, những mô đất cao cao như nơi nằm nàng Đạm Tiên bạc phận ngày xưa xen vào có mấy mộ sang nhất cũng chỉ là mấy tảng đá ong đỏ ghép lại, không có gia đình nào có nhà mồ hoặc mả đá xanh. Về sau, khi đến các nơi khác, thấy có nhiều mồ mả bằng đá hay gạch trát vôi, tôi càng tủi thân thêm cho tổ tiên của tôi. Nhưng có một lần trên đường công tác, tôi đến một làng quê gần biển thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ôi, lạ thay! Cảnh vật nơi đây sao mà giống quê tôi đến thế! Cũng cây trôm, dưới gốc có miếu thổ thần; đất cát đường sá, nhà cửa đều nghèo. Tôi tự nhủ thầm: "Phải chăng những người định cư ven vùng biển Ba Tri ngày xưa ra đi bằng ghe bầu từ đây, nên đã quá mãn nguyện trên những mảnh ruộng nhỏ xen giữa các con giồng? Cũng là dân Bình Định đây, nhưng nếu họ xuất phát từ Bồng Sơn, Tam Quan, chắc chấn họ sẽ chịu khó lên tìm đoạn trên của cù lao Bảo, cù lao Minh, tìm ra đất có thể lên vườn dừa, vườn cam."
Cha tôi là nông dân chính cống, suốt đời siêng năng cày bừa. Mẹ tôi là một phụ nữ tần tảo, nên nhà có nuôi tằm ươm tơ thường xuyên. Thân thể tôi đã ngoài 80 tuổi rồi vẫn còn tráng klện, minh mẫn dù đã trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có lẽ nhờ các tổ chức tế bào được nuôi dưỡng bằng thứ đạm động vật bố béo nhất là nhộng tằm làm gỏi, rang mặn hoặc luộc tha hồ ăn chơi. Đến năm tôi hiểu biết, thì cha mẹ tôi mua được 13 héc-ta ruộng, có nhà lợp ngói cột gỗ, dù là nền đất và vách đóng ván bổ kho. Ruộng xấu, lại thời ấy chưa có phân bón, thuốc trừ sâu, nên tôi nhớ năm nào được mùa thì diện tích đó cũng chỉ thu hoạch lối 500 giạ lúa, tức là lối 4 giạ một công, hay nói theo kiểu thời nay là có năng suất thấp chưa đến một tấn thóc mỗi mẫu.
Dù sau, đối với bà con trong ấp, đấy cũng thuộc loại gia đình khá giả, con cái chưa đứa nào phải đi ở đợ, nếu có đi chăn trâu, thì cũng là bầy trâu nhà lối 3 - 4 con.
Từ ngày đất nước được giải phóng, dù chỉ mới ở miền Bắc, ngoại thương đã cho bán ra nước ngoài nhiều mành trúc hay sơn mài để trang trí tường, cóp tranh vẽ Tháp Rùa trên Hồ Gươm, chùa Một Cột, hoặc cậu bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu. Lúc còn bé, tôi cũng nhiều lần được giao ngồi trên lưng trâu cho đi ăn rất xa, nhưng chưa bao giờ tôi hưởng cái tiêu dao sảng khoái như về sau thầy giáo bắt học thuộc lòng trong sách "Quốc văn giáo khoa thư", thuộc lòng đến bây giờ còn nhớ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ ai ơi! Đầu tôi đội nón mê như lọng che; tay cầm cành tre như roi ngựa. Tai nghe chim hót véo von trong chùm cây, mắt trông bướm lượn ... ".
Rõ ràng, thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân phong kiến đã cố tâm nhồi sọ cho ta cái chí hướng làm dân cày suốt đời, đóng thuế cho quan, nộp tô cho chủ ruộng, tiếp tục cái điệp khúc sặc mùi phong kiến từ xưa: "nhất sĩ nhì nông" để củng cố cho chế độ, để lưu lại trong tâm thức dân tộc di hại cho đến bây giờ. Tôi thông cảm với tổ chức ngày nay khi muốn tìm ra một cán bộ từng dũng cảm trong chiến tranh để giao quản lý công hay thương nghiệp làm sao được tốt và không mang tai tiếng hay làm hỏng việc.
Cha tôi nghiện trà, hút thuốc giồng vấn giấy quyến để sẵn trong "hồ bao" mang ở lưng: Hồ bao do má tôi may cho, có thêu hoa bằng chỉ xanh đỏ. Trà gởi mua tận Bến Tre ở hiệu "Mỹ Hòa Chay" đem về, ông mở ra phơi phong thật kỹ rồi cho vào ve chai đậy nút, có nắng đem phơi lại cho khỏi mốc. Có lẽ cái thú vui nhất trong ngày của ông là sau buổi cày, độ 9 giờ sáng, về nhà nghỉ xả hơi và nuốt từng hớp, từng hớp, bình trà vừa châm, hút thuốc.
Cha tôi không nghiện rượu. Tuy vậy khi cao hứng gặp bạn bè hay bữa ăn có con cá nướng, miếng thịt luộc, ông cũng lai rai vài ly nhỏ. Rượu ông uống luôn luôn là rượu lậu, không bao giờ ông uống rượu Ty của Nhà nước mua ở cửa hiệu có môn bài R.A (Régie Alcole) cấp 2 ở huyện hay cấp 3 ở xã. Chuyện không khó, bởi trong xã có mấy gia đình sống bằng nghề đặt rượu lậu đem đi bán lén nhiều nơi. Nơi đặt rượu lậu là các bụi cây rậm rạp chạy theo ven biển, nằm trên đất hoang vô chủ. Có ai từ hướng Ba Tri đi ra, dễ dàng phát hiện từ xa, đập nồi phi tang rồi bỏ chạy. Bởi thời ấy đặt rượu lậu là một trọng tội đối với Nhà nước. Viên Toàn quyền Đóng Dương cũng có lần thừa nhận rằng ở nhiều tỉnh số tù lậu trong khám đông hơn tù thường. Bởi chính phủ phải bảo vệ eho công ty Pháp Fontaine độc quyền bán rượu Ty. Tỉnh nào cũng có một đội lính thương chính (Douane Régie) gọi là "tào cáo" chuyên trách lùng bắt dân nấu rượu lậu. Khi tìm ra lò nấu rượu đặt trên đất ai thì chủ đất chịu trách nhiệm trước tòa, nếu không tìm ra chính phạm .
Cha tôi biết chỗ mua rượu lậu ngon, từng chai một ông giấu chai rượu trong bụi cây kín, cách nhà ít chục thước, ngoài nghi trang, như sau này ta làm hầm bí mật che giấu cán bộ Cách mạng. Ông chỉ cho tôi biết chỗ dù tôi còn nhỏ tuổi, dặn dò khi nào có "Tây tào cáo" đến nhà thì lảng tránh đi chơi, chạy ra giở nút trút rượu ra hết trên đất để phi tang, nếu có chỉ điểm mật báo cho thương chính rằng ba tôi hay mua rượu lậu để lãnh thưởng. .
Sau ra học miền Bắc, tôi biết cha ông bạn bè tôi cũng uống rượu lậu. Nhưng họ có cách "tự vệ" khác hơn. Thường là địa chủ, quan lại ở nhà quê, họ hợp đồng sẵn với một người tá điền nghèo khi Tây tào cáo phát hiện ra lò nấu rượu lậu hay có rượu lậu giấu gần nhà. Anh tá điền đó xung phong đứng ra nhận tội và đi ở tù − vợ con ở nhà sẽ được địa chủ chăm sóc chu đáo, sau một vài năm tù trở về quê, anh được thưởng một số tiền xứng đáng công lao. Tây tào cáo có lẽ cũng biết, nhưng vẫn lờ êm, bởi được địa chủ hay ông nghị, quan tham, mời dự chiêu đãi long trọng trên đường công tác, khao họ bằng rượu Tây chính hiệu như Cognac, Rhum, ...
Cha tôi "đề cao cảnh giác" với bọn Tây tào cáo là thế, nhưng chưa hề bị xét nhà tìm rượu lậu bao giờ, dù chẳng bao giờ bày ra tiệc tùng đãi đằng bọn chúng "trên đường thi hành công vụ". Có lẽ vì cho tới ngày lìa đời năm 1927 nhiều năm liền ông là "Đại Hương cả" trong làng, có uy tín với thôn xóm nên bọn tào cáo không tìm ra một tên "chỉ điểm nằm vùng" thích hợp.
Sau khi trở thành thầy thuốc, nghiên cứu sâu vấn đề, tôi hoàn toàn đồng tình với các cụ khi chê rượu Ty mà chỉ uống rượu lậu. Bởi rượu Fontaine (phông-tên) ngoài việc đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho chính phủ thuộc địa, làm giàu cho viên Toàn quyền và các công chức cai trị bằng cách nhận thưởng theo phần lãi của Công ty, đúng là nguồn đầu độc đưa nhân dân Việt Nam dần dần mang họa diệt vong. Rượu Ty, do muốn thu lời nhiều, chứa quá nhiều chất độc làm hại cơ thể, vượt quá xa tỷ lệ vệ sinh quốc tế cho phép.
ĐỜI ĐẠI HƯƠNG CẢ CỦA CHA TÔI
Hương cả là người đứng đầu Ban hội tề xã, gồm 12 vị, theo thứ tự: cả, chủ, sư, trưởng, v.v... Nhưng thực ra chỉ có hương thân, hương hào và nhất là xã trưởng đối với công việc mới là quan trọng, bởi mọi giấy tờ mua bán, xin cầu chứng ở tỉnh đều phải có chữ ký của họ mới được công nhận. Nhất là xã trưởng (maire), tuy thuộc loại đàn em trong hội tề, nhưng danh chức ai ai cũng thèm muốn, dù chỉ kéo dài trong ba năm thôi. Rất dễ hiểu là chức xã trưởng. trở thành món hàng hóa, bán đấu giá qua trung gian tại nhà cai tổng, và nhất là nhà chủ quận. Trong phiên chợ tranh giành này, có một số ông "xã hụt" trở thành nghèo do nợ nần, bởi gặp một đối thủ trả cao giá hơn vào ngày chót. Tất nhiên của đút đã đưa ra trước không bao giờ quan chủ quận hoàn lại, bởi là việc kín. Nói ra nhiều người biết chỉ mang tội vu khống chính quyền - cấp trên. Bằng cớ ở đâu? Mà tỉnh bênh quận, quận bênh tổng. Ngậm bồ hòn lo trả nợ, trước sự đay nghiến của vợ con, các anh "xã hụt" trút hận thù cá nhân suốt đời lên kẻ đã cướp giựt chức vị trên tay họ.
Đây là một số nguồn gốc của ân oán lặng lẽ, nhưng truyền kiếp của gia đình này với gia đình khác ở nông thôn. Chế độ thực dân phong kiến quả thực cao tay ấn, một mũi tên bắn trúng hai đích: tri huyện, cai tổng có tiền xài ngoài đồng lương thuộc địa ít ỏi; đồng thời chia rẽ được nội bộ nhân dân phe phái, tìm việc tố cáo nhau để trả thù, vu vào các tội tày trời như: nói xấu nhà nước Tây, hoặc chứa rượu lậu.
Nếu may mắn được làm xã trưởng thì nợ nần có thể dần dần trả hết. Một là vì chủ nợ nể sợ, không dám đòi; hai là mỗi lần đóng dấu ký tên, đóng mộc vào đơn hay văn bản mua bán đều được thù lao, ai quá nghèo thì trả năm cắc, khá giả hơn có thể đến vài ba đồng bạc. Ngoài ra bất cứ người đàn ông nào từ 20 tuổi trở lên đều phải đóng thuế thân cho tới ngày "ra lão", tức vào tuổi 60. Với giá lúa ba cắc một giạ, thuế thân như thế quả là cao so với số thuế các con súc vật khác nặng cân hơn người như thuế trâu, thuế ngựa. Bề trên sắp đặt tiền thuế thân ghi trên "bài chỉ" luôn luôn là con số lẻ. Lúc đầu là hai đồng bảy cắc, về sau lên lần tới gần bốn đồng. Nhưng xã trưởng chỉ chịu nhận mộc khi thu tiền khách đóng tiền chẵn, tức là ba hay bốn đồng bạc và lẽ dĩ nhiên, không bao giờ thầy chịu thối lại
Lên được chức 'Đại hương cả" tức là được giữ ở vị trí hương cả trong nhiều khóa liên tục. Từ lúc tôi hiểu biết đến ngày ông qua đời, cha tôi vẫn luôn luôn làm "Đại hương cả"!. Có lẽ do bản chất hiền lành, thật thà, nên trong các cuộc tranh giành chức xã trường, ông luôn luôn đứng "ngoài vòng chiến" tùy cấp trên ra quyết định, không đứng lên tiếng ủng hộ ai, ở phe này hay phe khác; và ai cũng biết tính ông là thế.
Còn đối với cấp trên, có lẽ ông là người có học thức nhất trong Ban hội tề, tức là biết đọc, biết viết và làm được bốn phép toán.
Tôi còn quá nhỏ để đi đánh giá trình độ văn hóa của ông. Nhưng còn nhớ rõ trong nhà tôi có treo bản đồ thế giới. Về hình học, ông có thể giúp đo diện tích các thửa ruộng hình chữ nhật, nhưng lại lờ mờ khi gặp các miếng đất hình thang hay hình tam giác. Về sau học ở trường tỉnh về, tôi có bày cho ông cách tính diện tích hai loại đất sau, ông rất sung sướng và có lần khen: "Bỏ tiền cho con đi học là đúng". Cha tôi cũng biết chút ít chữ nho, vì thấy thỉnh thoảng ông hay giở cuốn lịch ta ra mà chọn lựa giùm cho bà con ngày lành tháng tốt để cưới vợ cho con, hoặc dựng cột nhà.
Theo lời mẹ tôi kể lại, do tình cờ mà cha tôi đạt trình độ học vấn ấy. Thuở Tây mới sang, mở trường dạy Quốc ngữ Ba Tri, có trát về các làng trong huyện phải gởi học trò đến học theo đúng số quy định. Ai cũng sợ học chữ Tây, nên nhà càng có nhiều tiền càng tìm cách trốn tránh. Cha tôi là con thứ trong gia đình ông nội tôi, nên được "hy sinh", đưa cho xã gởi vô Ba Tri mà học mướn thay cho người khác ở nhà. Nhờ cái may mắn đó cho nên khi bác và chú tôi chỉ biết lem nhem ba chữ nho mà về sau họ quên hết thì cha tôi "vinh qui bái tổ về làng", không phải bụng chứa đầy Tam-Tự-Kinh hay "Minh tâm bửu giám" của các thầy đồ dạy cho mà thuộc nhiều "chuyện đời xưa" của Trương Vĩnh Ký, lại biết cả bài "Mạc xây dây" (Marseillaise) là Quốc ca của Pháp. Tất nhiên có quí nhơn bên trên phò hộ nên khỏi lo hối lộ, ông cũng đoạt chức xã trưởng dễ dàng rồi từ đó vinh thăng lên tới bậc "đại hương cả".
Cũng thời gian sống ở Ba Tri, ông quen biết gia đình ông ngoại tôi là một nhà nho bất đắc chí, làm nghề hốt thuốc bắc, học chữ và học nghề bắt mạch với cụ Đồ Chiểu ở cùng xóm. Về sau, cha tôi được chấp nhận đội trầu cau từ một làng ven biển thuộc tổng Bảo Trị vào làm rể ở một nhà trong xã An Bình Đông thuộc tổng Bảo An. Cuộc tình của cha mẹ tôi lúc nhỏ diễn ra như thế nào, có chút gì lãng mạn nên thơ hay chăng, tôi không biết, bởi khi tôi đã lớn, hỏi mẹ tôi thì bà cứ gạt ngang, không trả lời, tôi cũng thiếu tài liệu tham khảo vì là chuyện của cuối thế kỷ trurớc, quãng 1880. Chắc chắn là vậy, do mẹ tôi khi tả cảnh trận bão khủng khiếp năm thìn, có thuật chuyện cõng anh cả tôi mà chạy (1904) trong hoảng loạn.
Rõ ràng gia đình tôi thuộc loại trung nông chính cống. Cha tôi không có thu tô, tự tay mình cày bừa ruộng nhà hoặc cày vần đổi công cho người khác. Nhưng ngày tập kết ra Bãc năm 1955 tôi suýt mang họa vào thân, khi thật thà khai trong lý lịch: "cha: trung nông, có 13 héc ta ruộng".
Thật là quá ngây thơ dại dột. Đáng lẽ nên khai "bần nông", hoặc đừng có thèo lẻo ghi rõ diện tích ruộng nhà sau hai chữ "trung nông". Ai khảo mà khai ? Lắm kẻ khai man sau này vẫn phây phây công danh đó sao? Nhờ cái thành phần làm chỗ tựa.
Tôi nhận ra cái khờ khạo này khi lần đầu được Bộ Y tế giao cho công tác phải đi ra nước ngoài ở Âu châu. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch bảo tôi xuống Vụ Tổ chức Bộ Y tế lấy giấy tờ giới thiệu sang Bộ Ngoại giao làm sớm thủ tục cho kịp xuất cảnh. Đến phòng riêng ông Vụ phó, thấy không có ai! Trên bàn ông ta bản lý lịch của tôi đang mở rộng. Tôi tò mò nhìn vào, thấy bên lề đoạn khai cha là: "trung nông có 13 mẫu đất" có ghi chú bằng mực đỏ ngoài lề: "khai trung nông nhưng có thể là địa chủ". Hoảng hốt tôi quay trở lại gặp anh Thạch, báo cáo sự việc. Anh cười lớn, bảo: "Ở ngành y tế này mà muốn tìm người thuộc thành phần cơ bản để giao việc thì nên dẹp Bộ đi, kể từ trên xuống dưới! Cụ Hồ Đắc Di phụ trách Đại học là con thượng thư, thằng Tùng (Giáo sư Thứ trưởng Tôn Thất Tùng) là con Tổng đốc, ngay tao đây cũng có vấn đề, vì trước kháng chiến tao đã mua lỡ 200 mẫu đất ở miền Tây, tuy đã hiến hết rồi để chia cho dân cày, nhưng suy cho cùng cũng đã có tư tưởng muốn thành địa chủ". Anh chạy xuống Tổ chức nói gì đó, và chỉ vài giờ sau tôi lãnh đủ giấy tờ cần thiết. Anh Thạch lúc ấy làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế.
Nếu sống vào thời đại bây giờ ở miền Nam, gia đình tôi chắc được trọng thị về kinh tế xã hội. Bởi ngoài lúa ra, cha mẹ tôi còn sản xuất ra nông sản hàng hóa khác. Má tôi nuôi heo, để tằm ươm tơ. Cha tôi xong mùa ruộng lúa lại chuyển sang nghề trồng dưa hấu để chở đi bán ngày Tết. Tơ má tôi ươm được bán ra dễ dàng cho những anh "chà Châu Gỉang" thường xuyên lui tới vùng Ba Tri để thu mua. Cho tới năm hai mươi tuổi, mà tôi cũng còn dốt, cho họ là dân ngoại quốc, như anh Bảy Ấn Độ hằng ngày thu tiền góp chợ Ba Tri sau cuộc đấu thầu, hoặc anh chà Chetty da đen hơn, búi tóc, chuyên việc cho vay nặng lãi. Lâu về sau tôi mớị rõ "chà Châu Giang" cũng là đồng bào của tôi, thuộc nhóm dân tộc ít người, gốc Mã Lai sống ở một vùng thuộc tỉnh Châu Đốc. Tơ họ mua về có lẽ để bán lại cho những nhà chuyên dệt "lụa Tân Châu" hay "lãnh Mỹ A" ngày xưa từng nổi tiếng khắp nước. Sự nổi danh này là chính đáng, bởi trong thời gian chống Mỹ tôi từng chứng kiến một học trò nữ của tôi hy sinh sau một trận ném bom đem chôn mặc theo bộ đồ bà ba mới bằng lãnh Mỹ A trong bồng bột của chị. Mười năm sau, khi hòa bình lập lại, lấy hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, tất cả đêu đã tan rã, trừ ra bộ đô lãnh Mỹ A bọc chùm xương khô.
Có lần cha tôi dẫn tôi theo trong một chuyến chở dưa hấu nhà đem lên bán Tết ở chợ Cái Bè. Đi thật là nhanh, nhờ gió chướng thổi già căng thẳng buồm, ghe lướt như bay trên sông Hàm Luông. Xuất phát từ nhà lúc hừng đông, ra sông lớn tôi say sóng, ói, nằm li bì. Đến mặt trời lặn, tôi tỉnh lại, và khi mọi nhà đổ đèn, cha tôi lên bờ mua xuống cho tôi một tô cháo gà. Thì ra ghe dưa đã cặp bến chợ Cái Bè rồi! Sáng sớm hôm sau thức giấc vô cùng khỏe khoắn, tôi lần đầu trong đời phát hiện ra một điều cực kỳ mới lạ. Đó là người ta đi chợ, mua hàng về hoặc chở hàng đem bán trên những chiếc xuồng. Cảnh tượng này khác hẳn vùng Ba Tri quê tôi. Khi muốn đi chợ Ba Tri mua bán, không có cách nào khác hơn là cuốc bộ hay gồng gánh bằng đôi chân lem luốc, da chai, trên lộ đá xanh hay bỏng cát. Nếu phạm trù "văn minh" bao gồm trước hết khái niệm tạo ra sản phẩm xã hội với càng ít càng tốt năng lượng có nguồn gốc từ cơ bắp, thì bà con ở đây quả "văn minh" hơn ở quê tôi. Và tôi lại tủi thân khi về sau biết rằng học trò thầy Võ Trường Toản giữa thế kỷ trước đã chọn Ba Tri là thánh địa để chuyển hài cốt sư phụ từ Hòa Hưng về chôn. Cũng nơi đây đã làm chỗ chôn nhau cắt rốn của quan nghè đầu tiên của vùng châu thổ sông Cửu Long: tiến sĩ Phan Thanh Giản.
CHUYỆN NHÀ THỜI TÔI CÒN CHỪA CHỎM
Nhà tôi được bao bọc vòng ngoài bằng rào cây keo, cửa cổng quá thô sơ vì được cấu tạo bằng tre gai, trước nhà là khoảng sân khá rộng, đủ chỗ để phơi lúa trước khi xay, hoặc giăng bủa tằm lên xếp hàng khi đến kỳ kéo kén.
Tôi còn nhớ mãi trên sân ấy có bàn thờ ông Thiên, tối tối nào cũng phải thắp nhang. Vê sau trở thành một phản xạ đến đỗi khi từ xa xăm vọng về tiếng trống thu không là chị em tôi nghĩ ngay đến việc đèn nhang nếu muốn khỏi bị rầy.
Cho đến ngày nay, gần 80 năm đã qua, nhưng tôi còn ghi nhớ hình ảnh cây xoài, trồng ở góc sân nhà. Không biết gieo hột từ bao giờ mà khi tôi sinh ra nó đã lớn cao. Rồi suốt cả quãng đời thơ ấu của tôi cũng chẳng bao giờ thấy cây xoài có trái. Kiếp cây vẫn khổ như kiếp người trên đất khô cằn, thiếu nước. Nhưng cây xoài nhà tôi vẫn nai lưng ra phục vụ cho gia đình suốt cả bốn mùa; bao nhiêu lá non bị anh chị em tôi hái hết, đem chấm cá kho hoặc ngốn với bánh xèo ở đất thiếu rau tươi. Tội nghiệp cho thân già, sống èo, sống ọt, nhưng nào có được yên! Thỉnh thoảng trong gia đình có ai nhức răng bị sâu ăn, má tôi lại bảo cầm dao ra khoét một mảnh vỏ cây xoài. đem vào sắc mà ngậm. Nếu cây cỏ có linh hồn như người, chắc cây xoài nhà tôi phải khóc tủi thân, so sánh với giòng họ mình đang được ở miệt vườn, kiếp sống đã khổ lại mang họa tuyệt tự, bởi không có trái bao giờ để lưu lại hột.
Về sau, trên cái sân đó, bắt chước các nơi khác, còn đóng thêm một cọc tre, úp lên trên một cái tĩn phết vôi trắng. Tôi đã đấu tranh thắng lợi mãi lâu về sau để dẹp nó đi khi tôi đã có bằng bác sĩ y khoa và giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc. Cuộc đấu tranh, đẩu lý đấu lẽ này khá dài, dựa trên cơ chế dịch tễ học của dịch tả, cũng gọi bệnh thiên thời, chớ không phải chuyện chúa ôn đi chọn lính.
Nhà có ba căn hai chái, cột gỗ kê tảng đá xanh. Sau này ra sống ở miền Bắc nhiều năm, tôi mới biết giữa hàng tá nhà tranh vách đất của nông thôn ở Bắc, các nhà sang nhất là đủ năm gian, cột gỗ mít. Đúng như lời đồn: "Nhà không chái, đái không ngôi, nồi đồng không quai" khác hẳn với miền Nam.
Nhà trên nối liền với nhà dưới bởi một nhà cầu, giữa bộ ván dầu có bình trà, bình vôi để trên bàn, nơi tiếp khách bà con xóm giềng. Trước nhà cầu là cây trắc bá diệp, cung cấp lá sắc uống khi có ai ho. Đặc biệt là cây khế chua, rất được ưu đãi chăm bón tướì tiêu thường xuyên, nên khá sai trái. Trái khế là bạn đồng hành với chuối chát khi ăn thịt luộc, khô nướng, mắm chưng, đôi bạn kết nghĩa này ở quê tôi không biết từ bao giờ, nhưng về sau khi nghiên cứu lý luận Đông y tôi hiểu đây không phải do tình cờ mà nhắm hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách làm âm dương thăng bằng. Chát, cay, ngọt thuộc dương; chua, mặn thuộc âm. Cũng từ đó tôi nhận thức rằng quê tôi ăn dưa hấu, uống nước dừa xiêm, có chút muối mặn, ăn me chua, xoài sống với nước mắm đường, không phải do tập quán cha ông, mà có bài bản lý luận y học cổ truyền chứng minh qua thực tiễn.
Sẵn luôn dịp nói về ăn, lâu về sau tôi mới hiểu tại sao má tôi thích nuôi gà ác. Và lúc nhỏ bị sốt rét, tôi được bồi dưỡng bằng cháo gà ác nấu đậu xanh, thêm lá dâu tằm. Gà ác có lông trắng là dương, thịt tái đen là âm, một hỗn hợp âm dương hài hòa. Chưa có kỹ sư canh nông nào trả lời cho tôi biết tại sao con tằm nhờ ăn lá dâu mà mau lớn, lại kéo ra tơ, nên mới có câu ngạn ngôn "chóng lớn như tằm". Chắc chắn có cái gì đặc biệt hơn các loại lá khác, rất bổ, rất cần cho sinh vạt phát triển. Má tôi nuôi bệnh bằng cháo gà ác nấu lá dâu, quả đúng là con gái của một vị lang y.
Tiếp theo nhà cầu là nhà dưới, cũng lợp ngói, nền đất nhưng cột dầu. Nơi đây có lò bếp cao ngang rốn, trên bếp có mấy hũ muối lâu năm mà bà con lối xóm hay tới xin lúc mắc bệnh ỉa chảy... Dưới chân bếp là củi - chật chội lắm! Bởi còn có giường ăn cơm khá rộng đủ chỗ cho trên mười người ngồi xếp bằng hai bên mâm. Lại hai bồ lúa, cái xe ngựa với bộ "bắc kế" rất dễ bị ăn trộm. Tới ngày ươm tơ, cái xe ngựa bị đẩy ra sân, nhường chỗ cho lò và nồi suốt ngày sùng sục nước sôi. Rất lâu về sau, đọc tiểu thuyết hiện thực xã hội Trung Quốc, tả lại cảnh những bàn tay của các cô gái Tô Châu, Thượng Hải nổi tiếng đẹp nhất Trung Hoa (có vợ Tô Châu, mặc ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết tại Liễu Châu) bị sưng phồng tới chai lên to do suốt ngày phải ươm tơ, tôi mới thông cảm hết nỗi cực khổ của mẹ tôi còng lừng trên nồi nước bốc hơi để nuôi đàn con đi học. Có lẽ vì thế mà mấy năm về sau mắt bà sớm bị mù do bệnh thiên đầu thống. Tiếc rằng lúc tôi nhận thức ra điều ấy, mẹ tôi đã qua đời rồi, không để tôỉ báo hiếư đền ơn.
Cách khu nhà ngói ít thước là cái nhà lá, trong đó có chuồng trâu, tàu ngựa, cối xay lúa, bàn đạp giã gạo và bao nhiêu thứ linh tinh khác như nông cụ, máng heo. Trừ trâu ngựa ra, các gia súc, gia cầm khác đều được sống tự do. Chó, heo, gà, vịt, tối đến muốn ngủ nơi nào tùy thích. Ở xã tôi hình như. không có chồn, và cũng chẳng nghe có vụ trộm gà. Đêm nằm ngủ trên rương xe dành cho tôi, từ khói lam của đống un lọt vào nhà trên theo khe cửa, tôi còn ngửi được mùi thoang thoảng rất đặc biệt của phân trâu suốt mấy năm dài của tuồi ấu thơ. Ôi! Mùi phân trâu nhiệm mầu mà về sau trong suốt cuộc đời mỗi lần được ngửi lại lòng tôi lại lâng lâng nỗi niềm thương nhớ quê hương. Cũng như tiếng trâu nhai rơm nghe sột soạt lúc canh khuya.
Mùa hè năm 1963, saư mấy tháng lao động tích cực ở Tiệp Khắc, cập nhật hóa kiến thức y học, tôi sang chơi Ba Lan giữa mùa hè nhân dịp lễ quốc khánh của nước bạn. Một buổi trưa khá nóng, tôi theo dòng người mua vé hai đồng zlôti (đồng Ba Lan) ở vườn bách thảo thủ đô để vào xem một cái gì mới lạ lắm theo quảng cáo. Tới nơi té ra là một cái nhà lá dừa nước lợp trên cột thông, có hai con trâu và một con nghé đang nhai cỏ, mùi phân nồng tỏa ra làm cho họ lấy khăn ra bịt mũi. Nhưng tôi lại hít mùi thân thuộc và rất mong được sớm trở về Nam bộ cùng bà con chống Ngô Đình Diệm.
Sau khi được về xứ, tôi phải ở lại công tác trên rừng xanh, hứng hàng loạt đợt ném bom của B52 trong nhiều năm liền. Một hôm tôi được tên sếp đồn biên giới Miên mời đi khám bệnh giùm cho ông Lục Cả, một việc không thể từ chối được bởi ông Lục thà chết chớ không bao giờ để cho một nữ bác sĩ sờ mó thân mình. Đạp xe qua một số sóc với nhiều nhà nông dân vào buổi trưa, tôi lại nghe mùi phân trâu và cảm thấy vui vui như thời kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bến Tre, lang thang qua nhiều gia đình có nuôi trâu, rồi đêm đến ngửi mùi phân thoang thoảng từ xa, tai nghe gió reo trên ngọn dừa, hay nhìn ánh trăng lướt trên các tàu lá chuối.
Thi sĩ tài hoa của Pháp Baudelaire, quả có lý khi trong một bài thơ nói rằng âm thanh, mùi vị. màu sắc đều có tâm hồn, biết rù quến, nhắc nhở, gây nỗi nhớ nhung. Hỡi những đứa con của nông thôn miền Nam bỏ nước ra đi, trong cảnh tha hương cầu thực, có lúc nào các anh chị mang tâm tư phù hợp với ý của bài thơ Pháp tuyệt vời kia chăng?
Cái xe và con ngựa đối với gia đình tôi thật là quan trọng. Cha tôi làm hương cả thỉnh thoảng phải đi xã Phú Lễ, trụ sở Tổng Bảo trị để hầu thầy cai, hoặc đi Giồng Giá gặp thầy phó, có đạo Thiên Chúa. Nhưng thường nhất là thắng xe đưa má tôi vô chợ Ba Tri thăm bà ngoại tôi đã quá già và sống cô đơn. Bởi ông ngoại đã qua đời từ lâu, dì Năm em ruột má tôi vợ thầy Năm hốt thuốc bắc, cũng không còn mà cũng chẳng có con để lại.
Cả huyện Ba Tri thời ấy không ai có xe song mã. Xe thổ mộ xa lạ với tỉnh Bến Tre. Bởi vậy xe nhà tôi là loại đặc biệt cho vùng châu thổ sông Cửu Long, có lá chắn bùn bằng hai thanh gỗ mỏng uốn cong hình cung.
Mỗi lần đi chợ Ba Tri, má tôi lại mở rương xe từ nắp bên trên, cũng có nhà gọi là "giường xe", bởi mặt rương khá rộng. Bà lôi ra bộ quần áo lụa đen xếp có lằn sâu, mặc ngay bởi thuở ấy, trừ dân sang ở thị thành không ai biết xài bàn ủi. Trong bụng giường xe, hình như chứa tất cả những gì quí nhất của gia đình: bộ lư đồng, mấy tấm quần bàn và chấn thêu xanh đỏ rất đẹp, chỉ lấy ra trang trí cho ba ban thờ ông bà trong ngày Tết. Chấn - (chữ này chưa có trong từ điển tiếng Việt của nhà xuất bản khoa học xã hội), khác với trướng, treo theo chiều dài và chỉ dành cho người đã khuất. Ở Bắc người ta gọi nó là bức hoành, treo trên cao theo chiều ngang. Cảnh ấy từ tuổi nhỏ đã tạo ra nơi tôi những phản xạ có điều kiện theo quy luật hoạt động thần kinh cao cấp. Thành ra cho tới bây giờ, mỗi khi thấy ở đâu đó có bàn thờ vận quần bàn ở dưới, chấn treo bên trên, tôi có cảm giác lâng lâng vui. Bởi thời thơ ấu hình ảnh đó báo hiệu những bữa ăn ngon kéo dài, pháo nổ vui tai và không bao giờ bị rầy la, dù tôi có tếu đến mấy đi nữa! Má tôi rất kiêng cữ cái điều ấy trong mấy ngày Tết, sợ sẽ xui xẻo cho tôi quanh năm.
Tôi không nhớ, thời còn thơ ấu từng thấy được tại nhà ai có cáí tủ đứng treo quần áo, cái búp-phê đặt ly uống rượu, bộ đồ trà... như ngày nay. Và ở khắp mọi nơi, cái giường xe vẫn là phổ biến. Bởi vậy, đọc lại báo chí thời ấy, như tờ Nông Cổ mín đàm hay Lục tỉnh tân văn khi báo tin một vụ ăn cướp nơi nào, thường có câu kèm: "bọn cướp xông vào nhà mau lẹ dùng búa bửa giường xe ra, rồi buồm".
Như đã nói ở trên, cai Tổng Bảo trị là người thờ Phật, nhà ở gần chùa Môn Nước. Phó tổng thờ Đức Mẹ và Chúa tại nhà. Âu cũng là điều hay, cũng như ở Tổng Bảo An thường có thầy cai thuộc họ Cái Bông (Giồng Tre), khi thầy Phó lại tôn trọng cửa thiền. Trong quyển Ngư Tiều Vấn Đáp y thuật viết vào cuối đời tại chợ Ba Tri, cụ Đồ Chiểu chê người theo Phật, theo Tiên, mà hết sức đề cao Nho giáo. Dù ai nói gì chăng nữa, đồng bào tôi ở Ba Tri nói riêng hoặc Bến Tre nói chung, không hề bị lừa khi kẻ địch đem vấn đê tôn giáo ra chia rẽ nội bộ nhân dân như tôi đã gặp ở rất nhiều địa phương khác, từ Bắc chí Nam. Giồng Tre là căn cơ lâu đời của Thiên Chúa giáo Nam bộ, nhưng vẫn ủng hộ xã An Bình Tây kế cận để trở thành "xã anh hùng" thời chống Mỹ.
Má tôi hay than thở với bầy con về cái xe ngựa đưa cha tôi đi lên tổng, lên huyện thuộc loại "cà tàng", gỗ xấu, không đánh vẹc-ni, bánh xe vòng sắt chạy trên đường đá nghe đinh tai, điếc óc. Người ta cũng làng tề mà đi hầu quan trên bằng xe đẹp, ngựa khỏe, chạy nhanh, bánh bọc cao su êm như ru! Khi đang chạy trên đường mà nghe phía sau có tiếng xe người khác, ba tôi mau mau ngừng lại, nép qua một bên cho người ta vượt qua; bởi con ngựa già nhà tôi bết quá, dù cha tôi đã hết lòng lo cho nó. Sau mỗi lần đi về ông tháo bộ bắc ké ra, bắt tôi dắt nó đi dạo độ 15 phút cho rãn gân cốt trước khi đem tắm. Nhưng tôi trái lại rất tự hào, vì trong xã số người có xe ngựa đếm trên đâu ngón tay, trong đấy một phần là để cho báo thuê đi đám cưới; hoặc chở khách từ xã tôi vào chợ Ba Tri với giá 2 cắc một đầu người, trên quãng đường đất và đá dài độ 5, 6 cây số.
Niềm tự hào trẻ con ấy diễn ra mỗi lần được đi theo cha mẹ lúc chạy ngang qua chợ xã Diệu, thuộc xã An Hòa Tây, nơi tập trung đông đảo dân cư nhất. Tôi hay mượn roi ngựa, thọc cán vào bánh xe cho vang lên tiếng lách cách thật to, như báo cho hai bên bàng quan thiên hạ biết : "Hãy ra đây mà xem, ta đang ngồi trên xe ngựa nhà đi chợ, chớ không phải gồng gánh cuốc bộ như hàng trăm người khác đã đi qua". Ôi, cái thích thú ấu trĩ của tuổi thơ!
CHUYỆN XƯA NƠI CHỐN CŨ
Nhà tôi nằm đoạn giữa "Giồng Bông" dài có lẽ hơn hai cây số. Xóm giữa ấy quy tụ vào thời thơ ấu của tôi độ ba bốn mươi gia đình, nếu không vợ thì chồng, mang họ Trần của ông cố và ông nội tôi. Nói cách khác, dính dáng bà con với nhau qua đôi ba thế hệ. Cũng như vào khúc dưới con giồng có rất nhiều người mang họ Tô. Rồi cũng như bên Tàu thời xưa, con gái nước Tấn lấy chồng nước Tần hoặc ngược lại, nên mới có câu "xe duyên Tần-Tấn", hai họ Trần và Tô ở Tân Thủy thường thông gia với nhau: tôi có một chị dâu và một anh rể đều họ Tô. Chỉ trừ má tôi là con gái chợ Ba Tri cưới về, nên mang họ Phạm.
Sự thực là như vậy, nhưng Chánh Lục bộ khai sanh cho tôi vào "Bộ đời" của xã năm 1911, do quán tính lại ghi bừa tôi có mẹ họ Tô. May mà lúc đi học, không có ai phát hiện ra điều đó. Cho đến ngày tôi leo lên thang cuối cùng của hệ Đại học thì "xừ" luôn.
Trong xóm, có vài nhà lợp ngói vách ván còn đa số là nhà lá, vách lá. Nhưng hầu hết ở mặt sau nhà có vườn trầu, giếng nước, cà lang chất lúa bó cuối mùa, sau đó được thay thế bằng cây rơm cho trâu ăn quanh năm, hoặc rút ra cuốn thành con cúi.
Các giếng nước quê tôi xưa thật không hợp vệ sinh chút nào, bởi không hề có xây thành bao bọc rồi được lấy nước bằng gàu kéo tay hay quay lên bằng trục như thời kháng chiến ở rừng. Muốn có nước, cứ đi bộ theo đường xiên xiên đào từ mặt đất bằng xuông, gánh với đôi gầu đóng bằng vỏ thùng thiếc hay tre đan trét chai đen. Đấy là nguồn gốc sinh ra nhiều bệnh tật ở nhà quê, bởi tất cả vi khuẩn gây bệnh có trên mặt đất đều theo nước mưa mà xuống giếng: từ thương hàn, dịch tả, kiết lỵ cho đến trứng sên lãi đủ loại. Nhưng đời này sang đời nọ có ai nói cho đâu mà biết, để giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em bằng cách cải tiến nơi lấy nước. Ngay má tôi đẻ cả 12 lần, chỉ nuôi sống có phân nửa. Phần lớn do bệnh ỉa chảy nhiễm trùng. Cũng có thể là chết ngay từ tháng đầu sau khi sanh, do bệnh đẹn khóa mà y học ngày nay gọi là phong đòn gánh rốn, do bà mụ vườn cắt rốn với mảnh sành bẩn. Cũng có thể là do đẹn kim, tức là bệnh bạch hầu. Ta biết rằng hai loại bệnh này ngày nay đêu có thuốc phòng hữu hiệu, chắc chắn trăm phần, ngành y tế biếu không trong chương trình tiêm chủng kết hợp với phòng các bệnh bại liệt, trái đỏ, đậu mùa.
Nếp sinh hoạt hàng ngày bao gồm một nhu cầu cực kỳ quan trọng mà văn thơ thường quên đề cập đến. Đó là việc đi tiêu. Không biết từ bao giờ, nhân dân ta từ Bắc chí Nam đều truyền miệng nhau câu "nhất quận công, nhì ỉa ruộng".
Quê tôi ngày xưa cũng thế, mặc dù khác với miền Bắc không xài chữ "đi đồng" thay cho "đi tiêu". Cũng khác với ở nông thôn miền Bắc, ở quê tôi sản phẩm người tạo ra đó cứ để mặc nó tự tiêu dưới nắng mưa. Tức là không có ai sáng sáng quang gánh trên vai đi rảo tìm thu dọn, nhặt cho hết của quý đó đem về bón ruộng, bón rau dưới cái tên "phân bắc" thông dụng ở ngoài Bắc.
Nhưng từ khi Cách mạng tháng 8 thành công, nhất là ở miền Bắc khi hòa bình trở lại năm 1954, nỗi lo lắng lớn của y tế Cách mạng là làm sao giúp đồng bào ở nông thôn dùng nước giếng sạch và có cầu tiêu vệ sinh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu kinh tế giữ lại cho ruộng trọn nguồn phân bắc. Do đó mà đặt ra tiêu chuẩn "gia đình văn hóa" phải có ba công trình: nhà tắm, hố xí hai ngăn và giếng nước sâu có thành. Đó là sáng kiến của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch.
Ủ phân để diệt vi khuẩn với hố xí hai ngăn quả là một sáng tạo khoa học tuyệt vời cho nông dân Việt Nam. Cũng như mô hình V.A.C của ta (vườn - ao - chuồng) hôm nay trong sản xuất nông nghiệp đã làm ngạc nhiên nhiều nhà lãnh đạo một số nước thuộc thế giới thứ ba.
Những sáng tạo đơn giản này hằng thế kỷ trôi qua mà sao không có đầu óc văn minh nào nghĩ đến nhỉ? Ngoài nhu cầu sinh lý như: ở, ăn, tiêu, tiểu, nhân dân xóm tôi hằng ngày cần mua sắm lặt vặt đủ thứ cho sinh hoạt. Từ dẩu lửa thắp đèn, hột tiêu kho cá, tương tàu chao hộp cho ai ăn chay, cho đến nhu cầu cần đáp ứng cho người đã khuất như: nhang, đèn cầy, giấy tiền vàng bạc. Chính "chú Hía," một Hoa Kìêu có vợ Việt Nam, chủ tiệm hàng xén nhỏ của ấp tôi cung cấp trăm thứ linh tinh ấy. Quen tất cả bà con trong vùng, chú Hía hề hà, rãt dễ chịu. Dĩ nhiên trả tiền mặt rất được chú hoan nghênh. Ai chưa có tiền, thì mua chịu chú thím Hía ghi tên vào sổ nợ. Việc thanh toán lùi lại ít lâu đợi kỳ bán heo, bán lúa. Tôi chưa hề nghe chú than phiền có ai đó quịt nợ luôn, lý do là ai cũng sợ lỡ dại một lần về sau không còn chỗ mua chịu nữa, lại còn mang tiếng xấu với bà con xóm giềng đều quen với chú. Tôi còn nhớ rõ thím Hía hay khoe với tôi rằng chồng thím là người "nước Hẹ" chớ không phải "nước Tiều". Trước mắt chúng tôi họ đều là "các Chú" cả, nhưng "nước Hẹ" khác "nước Tiều" ở chỗ nào? Về sau tôi đem câu hỏi ấy đặt ra cho người lớn nhờ giải đáp, thấy họ cũng bí. Tôi tự mình tìm hiểu phải rất lâu về sau mới rõ "nước Tiều" là huyện "Triều Châu" của tỉnh Quảng Đông, một địa phương rất nghèo chuyên về nông nghiệp trồng rau, làm rẫy là chính. Nước Hẹ không phải là tên một địa phương, một nước, mà là một rộng rãi tập đoàn dân gốc người Hán, bất phục Mãn Thanh, khi từ miền Bắc họ xuống chiếm lãnh thổ toàn Trung Hoa, bắt dân Hán cạo đầu giốc bính đuôi sam. Một bộ phận dân Hán trốn sang nước ta thời chúa Nguyễn Hiền Vương (1679) nhưng tuyệt đại đa số đi rải rác khắp nơi mạn Nam Trưng Quốc, chỉ chấp nhận niên hiệu Sùng Trinh (Sùng Chính) của ông vua cuối cùng thời Minh gốc Hán. Một số to tràn vào tỉnh Tứ Xuyên có thủ phủ là Thành Đô, nuôi hy vọng vào lúc nào đó xuât phát từ đây như Lưu Bang thưở xưa xây dựng cơ đồ nhà Hán. Hoặc ít ra cũng như Lưu Bị mở ra ở vùng này một nước Thục. Ở đâu, dân gốc Hán lưu vong này cũng dùng hai chữ Sùng Chính đặt tên cho các công trình xã hội của họ như trường học, viện cô nhi, nhà dưỡng lão. ở Đài Loan, nơi trú ẩn cuối cùng của đạo quân lớn Phục Minh, danh từ ấy lại thông dụng hơn nữa.
CHUYỆN LÀNG XÃ TÔI
Trên danh nghla, cha tôi là người đứng đầu hội tề xã với cương vị Đại Hương cả . Nhưng Nam kỳ lục tỉnh từ thời vua Tự Đức, đã dâng trọn cho Pháp quốc để trở thành thuộc địa. Từ lúc mới sanh, tôi đã là thần dân Pháp (sujet français) chớ không phải là dân được Pháp bảo hộ (protégé français) như đông bào tôi ở miền Bắc, miền Trung. Do đó, nếu ở Bắc và Trung kỳ người đứng đâu xã là Lý trưởng có rất nhiều quyền hành, thì cha tôi "Đại Hương cả" làng Tân Thủy, chỉ "có tiếng mà không có miếng" thực tế quyền uy nào, cũng như hương chủ thay ông khi bận, và các hương sư, hương trưởng, hương giáo, hương chánh... Vài ba ngày một lần tôi mới thấy cha tôi đi họp vào lúc xế chiều, hoặc sau buổi cơm trưa, nên ít trở ngại cho việc đồng áng của gia đình. Thời ấy gọi là "đi nhóm làng" tại "nhà việc", tức là trụ sở cơ quan hành chánh xã. Ngoài nhà việc lớn ra, các ấp còn có "nhà vuông" thường lợp lá, không có vách, quy mô nhỏ, dành cho dân của ấp tới họp, khi họ nghe mõ gióng lên ba hồi ba dùi. Tiếng mõ ấp gióng giả liên hồi là báo động lớn, có nhà ai đó bị cháy hoặc bị cướp. Mõ khá lớn, cao hơn một thước, đẽo từ gỗ trôm hoặc gỗ mù u, đặt tại "nhà vuông" của ấp, và hình như chỉ có hương tuần mới được phép đánh, trừ trường hợp khẩn cấp phải báo động "mõ hồi một". Rõ ràng ở Nam kỳ thuộc địa không có chế độ "thằng mõ" như ở nông thôn miền Bắc chuyên việc đánh mõ nhỏ mang trên vai đi rao tin tức, mệnh lệnh cho dân biết. Trong xã hội cũ ở mìên Bắc, được làm "thằng mõ" khỏng phải là chuyện đem ra khoe, bởi đó là tên sai vặt hạng bét trong hệ thống chính quyền xã. Nhưng ở xã tôi lại có những anh "trùm" .
Nếu suy diễn theo bổn tuồng "Nghêu Sò Ốc Hến" mà tác giả quê ở Trung kỳ, chức "trùm" ngoài đó chắc chẳng đến nỗi tệ như "thằng mõ" ở miền Bắc. Bởi "Trùm Sò" trong kịch bản là một tay khá giả, có của, có tiền nên mới bị lính huyện nạt nộ và quan khảo để anh ra phải đút lót tiền. Nhưng ở quê tôi thời xưa, chỉ có dân nghèo mới chịu đi "làm trùm" cho chính quyền xã mà nhận vài ba đồng bạc lương hàng tháng. Trùm cầm trát đi đòi dân đến hầu, trùm pha trà rót nước khi hội tề họp, trùm canh giữ kẻ phạm tội bị đóng trăng ở nhà việc, chưa kể bao nhiêu việc linh tinh khác theo sự sai khiến của Hương chức hội tề trùm đêu phải làm.
Thật sự cần thiết cho chính quyền cấp xã chỉ có 5 người. Do đó họ thường có mặt hơn tại "nhà việc". Đó là xã trưỏng, hương thân, hương hào, chánh lục bộ, và thầy hương quản.
Chức xã trưởng, như trên đã kể, phải vận động với tổng huyện, và nhất là đút lót mới được bổ nhiệm. Anh ta là người duy nhất trong ban hội tề giữ cái mộc của tỉnh giao cho, khắc theo mẫu mã nhà nước, hình chữ nhật. Một món bất khả ly thân mà thầy xã nào cũng buộc theo bên mình ở dây lưng cùng hộp mực đóng dấu. Đó là một báu vật hằng ngày hái ra tiền như con gà mái đẻ trứng vàng trong truyện cồ tích. Bất cứ đóng thứ thuế gì, thuế thân cho mỗi người đàn ông được quyền sống tự do, đóng thuế trâu, thuế đất, thuế buôn bán... cũng phải có biên lai mang dấu mộc xã trưởng mới hợp pháp. Tiền xã trưởng thu vào luôn luôn là đơn vị chẵn, tính theo đông, bởi thầy xã không bao giờ thu tiền lẻ, hoặc có bạc lẻ thối lại. Bà con ai ai cũng hiểu ngầm là thầy phải có lời, sau khi đã bỏ ra vốn để trở thành "xã trưởng". Hương thân, hương hào cũng kiếm chác được, bởi có một số giấy tờ phải có chữ ký của hai thầy sau chữ ký và cái mộc của xã trưởng mới có giá trị: giấy bán đất, mua nhà, vay nợ... hay đơn trình lên huyện, lên tỉnh để "thỉnh cầư" một việc gì đó, như xin sao lục án tòa rằng mình là dân chưa hề bị án để đi làm ăn. Chánh và phó lục bộ lo sổ bộ đời: khai sanh, khai tử, hôn thú - Chức vụ này cũng kiếm chác được dĩ nhiên là thua xa xã trưởng. Muốn lục khai sinh cho mau tất nhiên là phải móc túi mình ra đền ơn. Đám cưới bà con xóm riềng thường đi tiền, cũng phải chia bớt vài đồng cho thầy Chánh lục bộ để lập hôn thú và vào sổ, để được thầy chúc "cô dâu và chú rể" sắt cầm hòa hiệp.
Những khai sanh làm thời tôi thơ ấu thường không chính xác. Có khi do cha mẹ đợi cho con ăn đầy tháng rồi mới đến làng khai, cũng có khi thầy Chánh lục bộ tiếp người đến trình vào lúc đang nhậu hay sắp đi dự đám cưới nên quên làm ngay. Vài ba ngày sau có người nhắc mới nhớ lại, thì cứ lấy ngày đó mà ghi thành ngày sinh. Tên cha mẹ chọn sẵn cho con cũng quên luôn lúc ghi vào bộ đời; do đó đặt tên gì có khi theo sở thích của thầy. Việc này xảy ra ngay đối với gia đình tôi, thời cha tôi chưa làm Hương cả. Cha tôi tên Nghĩa, nên đặt tên anh tôi là Nhơn. Đến tuổi đi học, tìm mãi tên Nhơn không có trong bộ đời vào năm đó tháng đó, nhưng lại có tên cha mẹ tôi sinh ra đứa con trai tên Xồm. Thì ra thầy Chánh lục bộ quên phứt tên cha tôi đề nghị đặt cho con, lúc vào sổ sách bèn nghĩ ngay năm ấy là năm mùi, tướng tinh con dê, mà lại con trai nên ghi bừa là Xồm (dê xồm). Tội nghiệp anh tôi mang cái tên ấy đi học bị bè bạn đem ra cười suốt ở trường tiểu học Bến Tre, rồi đến năm 1946 cũng giữ cái tên xấu xí đó để trở thành ủy viên Mặt trận Việt Minh xã. Còn ở trong nhà, sau đó má tôi cũng bắt mọi người gọi là "thằng Nhưn", để tránh phiền phức cho gia đình bởi vừa xuất hiện trong vùng Ba Tri một người quyền thế rất lớn tên Nhơn. Nên kiêng tên ông ta là thượng sách để phòng tai bay họa gió.
Lạ thật! Chỉ có ở nước ta mới có tục bắt dân kiêng cữ không nói ra tên của người có chức cao có quyền lớn. Báo hại thời cũ những ai muốn làm quan theo con đường khoa cử như Phan Thanh Giản hay Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn, phải học thuộc lòng hàng trãm "chữ húy kỵ" khi bước vào phòng thi giống như các em học sinh phổ thông trung học ngày nay phải thuộc lòng các công thức toán học và vật lý nếu muốn khỏi rớt, thậm chí vào tù nếu chữ húy là tên vua.
Từ xưa họ Hoàng ở đàng ngoài khi vào đàng trong phải đổi thành họ Huỳnh, bởi vì chúa Nguyễn đầu tiên là Nguyễn Hoàng. Rồi cũng bởi một bà chúa có tên Hoa, nên trên sân khấu tuồng cổ ở Bắc, nữ tướng Phàn Lê Hoa vào Nam bỗng trở thành nữ soái Phàn Lê Huê trong tuồng "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ" mà ai cũng quen.
Ở nhiều nước khác, khi quá kính phục một vĩ nhân, họ dùng ngay tên người đó đặt cho đứa con yêu quí nhất. Tổng thống Sê-ku-tô-rê (Sékou Toré) nước Gui Nê (châu Phi) khi sang nước ta năm 1957 cho biết nước ông sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhìêu gia đình danh vọng "mê" Bác Hồ chúng ta quá cỡ nên sanh con trai ra là đặt tên Hồ Chí Minh. Rồi ta cũng biết nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở Mỹ là Jane Fonda có đứa con trai tên Trỗi bởi chị hết sức khâm phục khí phách anh hùng của Nguyễn Vãn Trỗi khi ra trường bắn năm 1964 tại Sài Gòn.
Cái chuyện "lỡ quên" ghi tên đứa trẻ mới đẻ vào bộ đời tùy gia đình, có khi hay, có khi dở. Hay là khi đứa trẻ lớn lên cha mẹ có khả năng cho đi học lại "quá tuổi rồi", cần khai bớt một - hai có khi đến ba tuổi. Dở là không cần khai man năm tháng mà lại phải tốn tiền bao xe, bao tiền ăn ở cho Chánh lục bộ với hai nhân chứng lên tận Bến Tre, xin tòa án tỉnh lời phán quyết làm giấy khai sanh cho đứa nhỏ, rủi ro bỏ sót ở xã do "cha mẹ dốt nát" . Chuyện dễ thôi, quan tòa Tây hỏi người chứng thứ nhất: tại sao mày biết chắc đứa nhỏ này là con ông ấy? Trả lời: dạ bẩm quan lớn, hôm đó con lở đường ghé nhà ông này đục mưa thì nghe tiếng khóc trẻ con vừa ra đời. Người nhân chứng thứ hai: "Bẩm quan lớn con là người cùng xóm biết vợ ông này có chửa từ lâu, một bữa con được mời ăn chè xôi vì có đứa con trai mới sanh ba ngày nên cúng mụ. Đúng là thằng nhỏ này đây".
Tiếng ta khai trước tòa là như vậy, nhưng khi dịch ra tiếng Tây cho quan tòa hiểu, thì có trời mới biết ông Phán thông ngôn dịch đúng hay sai, hoặc bịa ra ý khác. Dù sao mọi việc đều tốt lành, tòa cho khai sinh đúng theo ngày tháng cha mẹ muốn. Tiền thù lao cho thông ngôn phiên dịch ít nhất cũng một hoặc hai đồng bạc đủ uống rượu Tây khai vị (apéritif) trong suốt một tuần vào buổi chiều mà tiền lương vẫn nộp đủ cho bà Phán không thiếu một xu nếu trong nhà bà là thủ trưởng.
Cuối cùng người hội tề trong làng mà dân vừa sợ, vừa ghét là thầy Hương quản, lo việc an ninh cho xã. Phụ tá cho thầy có phó Hương quản và vài ba hương tuần do xã cử ra. Thầy là tay sai đắc lực nhất của quan chủ quận để phát hiện dân cứng đầu, trốn xâu, trốn thuế... và nặng nhất là tội hay nói "Quốc sự'. Thầy có quyền bắt đem về "nhà việc" đóng trăng vài bữa để răn đe, hoặc giải đi lên quận. Thầy có quyền mời lính quận đến giúp khi xảy ra việc quan trọng cần bắt bớ nhiều người, với súng ống hẳn hoi. Kể ra thầy Hương quản cũng có vũ khí phòng thân, nhưng thời tuổi thơ ấu của tôi. thầy phải thân với bề trên mới được lãnh một cây súng "mút" (mousqueton) bằng không chỉ là thứ súng hơi Tây dùng bắn chim cò. Cũng chẳng sao! Vào thời ấy bà con làng tôi hễ thấy ai có súng là sợ rồi, bất cứ loại súng nào. Tôi cũng vậy thôi!
Với uy quyền như thế, thầy Hương quản nhất định làm ra tiền, chẳng biết rõ là bao nhiêu. Bằng cớ là sau này ra học trường huyện ở Ba Tri, tôi thấy thầy đội, thầy cai ở dinh quan chủ quận thường xuyên ăn nhậu đồ ngon ở các hiệu cơm Hoa kiều với các thầy Hương quản xã. Ai bao trả tiền thì không nói ra mọi người cũng biết. Rồi sau này đi kháng chiến chống Pháp, tôi gặp trong chính quyền Cách mạng xã ở nhìêu nơi có người truớc đó là Chánh lục bộ, Hương thân, Hương hào, thậm chí xã trưởng. Nhưng theo trí nhớ của tôi chưa hề gặp được một cán bộ kháng chiến nào trước đó từng làm Hương quản. Chuyện này kể lại để ta hiểu Cách mạng 1945 đã đem lại cái gì cho nông thôn.
NHÀ VIỆC... VÀ VIỆC NHÀ TÔI
"Nhà việc" là trụ sở hội họp của hương chức hội tề làng tôi. May mắn nó ở xóm Đình, cách nhà tôi chưa tới 500 mét.
Đây là một ngôi nhà ngói phong-tô khá rộng, vách ván đóng bổ kho, cất trên nền đất bao bọc bốn bề bằng những tảng đá ong đỏ. Có bức vách bằng tre đan chia "nhà việc" làm đôi: mé trước có bộ bàn kỷ dài và hai bộ ván, làm nơi luận bàn việc công của các ông làng. Mé sau làm chỗ ngủ của trùm và lính lệ. Nơi đây còn có lò ông Táo nấu nước và nấu ăn, bên cạnh một cái trăng dài có thể cùng một lúc đóng gông chân ba bốn người nằm kế cằn nhau dưới đất.
Trên phên tre cao rộng làm vách ngăn, có dán hình quan Toàn quyền Đông Dương hoặc quan Thống đốc Nam Kỳ cắt từ báo ra, một số chỉ thị thông cáo. Trên cột treo đồng hồ quả lắc, và ở một góc nhà treo chiếc trống chầu, mỗi đêm vang lên báo từ canh một đến canh năm cho dân trong xã biết, và báo hiệu "tàn canh" bằng một hồi dài.
Tôi không nhớ có ai thời đó mang đồng hồ tay như về sau này. Đồng hồ quả lắc chỉ thấy ở một số gia đình khá giả trong đó có nhà tôi. Tuyệt đại đa số bà con nhận thức thời điểm ban đêm nhờ tiếng trống sang canh hay tiếng gà gáy rộ. Ban ngày thời điểm được đánh giá bằng những từ: mặt trời lên hai sào, ba sào, mặt trời đứng bóng hay xế chiều. Đánh giá không gian xa gần cũng lờ mờ trên cửa miệng bà con: " đứng đây hú, bên đó nghe" hoặc "đi hút tàn điếu thuốc là tới": Phải suy nghĩ và thông cảm với bà con miền quê, đừng hoạnh họe cho là khai báo thiếu chỉnh xác.
Theo sách vở dạy tôi ở trường, hội tề làng có 12 người với chức danh rành rọt. Thực tế trong sinh hoạt nông thôn, 6 người đứng đầu kể từ trên xuống là có hương cả, chủ, sư, trưởng, chánh, giáo. . . . phần lớn tuổi từ 45 trở lên, được chọn lựa trong số người "ba phải" hiền lành, không có bất hòa với dân làng. Họ hội họp nhau ở "nhà việc" là cho có lệ, giải quyết một số xích mích; thưa kiện giữa dân làng với nhau, hoặc để "ngồi chơi xơi nước", tán gẫu linh tinh. Mọi công việc ít nhiều quan trọng, như thu thuế, giữ gìn an ninh, chứng thực đơn xin việc, lo hộ tịch, vân vân... đều có bọn hương chức đàn em làm, nhưng thực ra là nắm cả quyền bính xã.
Dù sao đựoc cử làm Hội tề như Hương chánh, Hương giáo, Hương trưởng cũng có cái hay. Một là nhiệm kỳ không có thời hạn nhất định, có thể kéo dài nhiều năm như cha tôi làm "Đại Hương cả". Đã làm một lần thì chức tước ấy giữ luôn đến chết lúc xưng hô, dù trên thực tế đã không còn trong biên chế hội tề xã. Đó là một vinh dự xã hội mà ai cũng muốn có, đề cho vợ con khỏi tủi thân.
Hai là khi có đình đám, tiệc tùng, được mời ngồi vào chiếu trên, mâm trên, theo thứ tự kể từ "ông cả, ông chủ". Ngạn ngôn ta thời ấy, từ Nam chí Bắc rất phổ biến câu: "Một miếng thịt làng còn hơn một sàng thịt chợ".
Thực vậy, cái thứ tự sắp xếp, khi mời ngồi xếp bằng vào mâm cơm có giá trị rất lớn. Có ngườl bỏ bữa ăn ra về chỉ do sắp lộn chỗ. Có người kiên nhẫn ngồi lại, nhưng mượn hơi rượu vào để nói xỏ, nói xiên cho hả dạ, đã giận. Thời nay, chưa ai thấy hết cuộc "Cách mạng" dân chủ hóa ở nông thôn, khi bày ra tiệc tùng trên chiếc bàn tròn với nhiều ghế ngồi xung quanh, không phân trên dưới.
Cũng vào thời ấy, ở miền Bắc, ý thức ngôi thứ ở tại làng còn mạnh gấp mấy trong Nam. Khi tôi bắt đầu học thuốc ở Hà Nội, nhiều y tá già, thời trước gọi là phạm nhe (tức infirmier), ở bệnh viện khi sắp tới tuổi hưu, chạy đôn, chạy đáo, lo cho được giấy chứng nhận hàm "cửu phẩm" hay "bát phầm văn giai", tức là bậc quan cửu hay bát phẩm, để khi về làng cũ không xấu mặt, luôn luôn được xếp vào ngồi mâm trên, ngang với Lý trưởng xã. Buồn cười nhất là có bà từ nhà quê lên thành phố chuyên nghề buôn son bán phấn nuôi miệng, lúc sấp tàn xuân vớ được ông chồng Tây chấp nhận làm vợ tạm thời, bà thừa thế lực chồng tạo cho mình một số của cải, được quen thuộc quan lại ta cấp cao. Đến ngày "xuống tàu ông Chánh về Tây" không phải "Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn", theo lời một câu hát xưa ở Nam Kỳ, mà bà "Me Tây" ấy trở về quê với một số vốn kha khá và chiếu chỉ nhà vua ban hàm "Tiết phụ khả phong". Tức là cũng hưởng vinh dự ngồi ở mâm trên, ngang Lý trưởng, nhờ khéo hối lộ quan Tuần, kèm theo lời gởi gắm của kẻ về Tây.
Không có trong biên chế chính thức của xã và không được mời đến "nhà việc" nhóm làng, còn có hai ông hương khả kính của dân quê tôi. Đó là Hương lễ và Hương quan. Hương lễ là chức do Ban hội tề làng phong cho để lo việc cúng đình, cúng chùa, cúng miễu, khi đến kỳ phải làm. Chính ông thay mặt chính quyền xã đi mời các gánh hát bội về làng diễn đúng lúc cúng kỳ yên". Ông được quyền cầm dùi trống chầu để phê phán một nghệ sĩ hát dở hoặc khen một đoạn hát hay, theo công thức cố định từ lâu đời mà bất cứ người cầm chầu nào cũng biết. Nhưng hương lễ phải nhường vinh dự ấy lại cho một cấp trên trong ban hội tề nếu ông này muốn. Mỗi đợt hát đình như thế kéo dài từ 3 đến 5 ngày, hai xuất mỗi ngày, trưa và tối dưới ánh đèn măng sông sáng rực. Bắt buộc phải có tùông đô "San hâư", ngoài ra các kịch bản khác thì tùy gánh hát và đơn đặt hàng của địa phương, từ chuyện đời Thương với tuồng "Hoàng Phi Hổ phản Trụ đầu Châư" tớí chuyện đời Tống như "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu". Nhưng thông thường là chuyện đời Tam Quốc, luôn luôn có sự xuất hiện của "ông" (tức Quan công) báo hiệu trước bằng một tràng pháo nổ giòn có thể gây rởn óc cho ai nhẹ bóng vía nhưng nặng mê tín.
Từ thuở năm sáu tuổi, tôi luôn luôn có mặt trong các buổi hát bội ở làng tôi. Vì nhà tôi không xa đình, nhưng nhất là ít ai dám đuổi thằng con nít nhưng là con của "Đại Hương cả" mà họ kính trọng.
Người thứ hai là ông Hương quan, chức danh này từ 1920 trở về sau không thấy phong cho ai cả. Bởi nó chỉ đáp ứng cho nhu cầu của chính phủ thuộc địa thời thế giới chiến tranh thứ nhất (1914 - 1919). Nhà nước rất cần tiền nên mở ra nhìêu đợt bán "Quốc trái". Khắp nơi tung ra các đợt tuyên truyền rất khêu gợi, chung quanh khẩu hiệu "Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc". Ai bỏ tiền ra mua quốc trái, tức là gián tiếp giúp Đại Pháp thắng Đức tặc, được quan trên thưởng cho chức "Hương quan" hưởng trọn đời. Xã tôi có một Hương quan như thế. Tất nhiên ông là người giàu nhất làng, có thể nó tương đương với chức "Bá hộ" ngoài Bắc. Nhưng nên nhớ rằng Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, mọi danh phận đêu phải có tên khác với ở xứ bảo hộ: Ngoài Bắc có tri huyện, tri phủ thì Nam Kỳ có ông huyện, ông phủ. Nhưng cao hơn một chút, Pháp tạo ra danh từ Đốc phủ sứ để cho người được phong không suy bì, thắc mắc, bởi có thể đặt mình ngang Tuần phủ hay Tổng đốc ở Bắc Hà, khói lễ phép khúm núm khi gặp nhau. Vào cấp dưới, cách xưng hô cũng khác ở trong Nam và Bắc. Quan Nghị ngoài đó là "thầy hội đồng" trong này, quan tham trở thành ông Phán, thường là từ thông ngôn thơ ký đề bạt lên nên đều là kẻ có tuổi sồn sồn. Trừ ông Còm mi (commis) tuyển vào do thi tuyển nên có trẻ hơn. Thầy Thông, thầy Ký cũng tuyển vào trong số học sinh vừa đỗ thành chung (diplôme) có hiểu biết về khoa học tự nhiên và toán ngang tốt nghiệp phổ thông cơ sở ngày nay; nhưng pháp văn họ giỏi hơn nhiều, đọc thông viết thạo, nên khi phiên dịch cho quan trên họ "trâm tiếng Tây nghe rơm rớp". Mới ra trường đồng lương thấp lại chưa thạo "mánh" kiếm thêm tiền phụ lúc hành nghề, nhiều cậu thanh niên loại này để ý tìm vợ ở các gia đình giàu có tại địa phương họ được bồ nhiệm đên.
Các cô gái khó tính cũng thừa biết vậy, nên lúc đưa em ngủ hay hát:
"Thông ngôn Ký lục bạc chục (chi) không
màng
Từ thời thơ ấu ở làng, tôi mang theo hình ảnh hai con người không bao giờ phai mờ.
Thứ nhất là anh xã trưởng Duy, con ông hương quan trong làng, hay đến nhà cha tôi hỏi việc này việc nọ. Anh là người đâu tiên trong đời làm ngạc nhiên bà con xóm riềng, cũng như tôi, rằng có thể di chuyển rất nhanh trên chiếc xe đạp hai bánh. Tai sao lại không té nhỉ? Và khi nghe ngoài đồng có tiếng chuông bóp leng keng nhiều người đổ xô ra xem. Anh xã trưởng có búi tóc trên đầu, không phải đội chiếc nón lông chim trắng như cha tôi khi đi nhóm, mà là cái "cát" (casque) gỗ xốp phủ vải xanh lá cây, vành nón dài ra phía sau, phủ luôn đầu tóc, nên bà con gọi là nón mãng cầu. Về sau tôi biết dân chợ Ba Tri ác mồm ác miệng đặt tên búi tóc của các ông làng là "củ tỏi Hạ châư". Họ quên rằng chỉ tại chợ huyện mới có "thầy hù" mà ngày nay gọi là thợ hớt tóc, ở làng tôi làm gì có? Dù sao đối với tôi, khi anh xã Duy đội nón mãng cầu, mặc áo xuyến dài nhét hai vạt vào lưng quần trắng, chân mang giày hàm ếch, ngồi lên xe vừa đạp vừa cho chuông reo trông thật oai hùng lẫm liệt như trên sân khấu đình làng Quan Công quất ngựa Xích thố tưởng tượng bằng roi để qua Ngũ quan. Tôi cám ơn anh mỗi lần đến nhà bàn công việc với cha tôi, cho tôi được tự do rờ rẫm xe và bóp chuông kêu mà chỉ cười chứ không bao giờ rầy. Than ôi! Cái ước mơ được một ngày nào đó ngồi lên xe đạp như anh xã thời ấy tôi phải đợi hơn mười năm sau, tức là qua hai kế hoạch ngũ niên, mới thực hiện được khi lên ở Sài Gòn.
Hình ảnh thứ hai tôi còn lưu mãi trong ký ức là "ông ống" với bộ râu lơ thơ và chiếc nón lá. Trên vai đeo nhiều cái ống bằng thiếc tròn, lớn hơn cây tre một tí! Mỗi ống dành cho một xã của Tổng Bảo trị, trong đó bỏ công văn, thơ từ, và nhật trình xếp lại. Mỗi ngày ông ra đi từ Phú Lễ, từ nhà thầy cai tống, từ hừng đông, lội bộ ra xã Vĩnh Hòa, xã An Hòa Tây giao ống mới, nhận ống cũ. Rồi dường như quy thành luật, ông ghé nhà tôi giao ống và nhật trình cha tôi gởi mua (trước là Nông cổ mín đàm, sau là tờ Lục tỉnh tân văn) đúng vào giờ chúng tôi sắp dọn cơm cho cả nhà ăn, tức vào độ 10 giờ. Cha tôi hiền lành và rộng rãi, luôn luôn mời ông gặp bữa ăn luôn, và không bao giờ ông từ chối, thản nhiên phủi phủi đất trên chân, xếp bằng ngồi vào mâm nhập cuộc. Sau đó mới lên đường đi ra xã Bảo Thạnh, rồi trở về Phú Lễ, để sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc lội bộ hằng ngày dài trên 20 cây số "phục vụ nhân dân" trong tổng.
Chị em tôi không ưa ông, vì không bữa nào ông ăn dưới ba chén cơm! Nấu cơm buổi sáng luôn luôn phải nhớ xúc gạo có phần "ông ống". Nhưng nể cha mẹ, chúng tôi phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Về sau vào tuổi lớn khôn hiểu biết, hay tin "ông ống đã mất từ lâư" lòng tôi bỗng thoáng qua ngậm ngùi. Trong kháng chiến chống Pháp, chính những người giao liên thầm lặng như thế, đồng bào ai mời cơm cũng xáp vô không từ nan, đã đưa chúng tôi qua những đoạn đường nguy hiểm, ngày nọ nối ngày kia ! Nghĩa là đưa đất nước tiến lên, âm thầm trong công việc.
ÂM VANG MỘT THỜI
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta có biết bao sự kiện mà phải đợi thời gian, phải đợi đến nhiều năm sau mới có thể tự giải thích cho mình được. Muốn hiểu được đa số sự kiện xã hội, cần phải thay đổi ý thức chính trị, nhìn vấn đề theo quan điểm khoa học xã hội duy vật lịch sử, nếu như không muốn như kẻ mắc bệnh mù màu ở mắt (tức bệnh Daltonisme) lủi xe đi trên đường phố mà mất khả năng phân biệt màu đỏ, màu xanh của ngọn đèn hiệu ở trục lộ giao thông.
Phải đi chu du khắp nơi trong nước gần phân nửa cuộc đời rồi nhớ lại sinh hoạt của quê tôi thời thơ ấu, tôi mới nhận thức được rằng ở quê tôi nhân dân vừa hiền lành vừa kiên cường đối phó với nghịch cảnh. Đúng là làm như tổ tiên ta ngày trước từ miền Trung đi ghe vào Bến Tre với tinh thần lẳng lặng phá sơn lâm, quyết tâm đâm Hà bá mở ra đất mới.
Theo trí nhớ của tôi, suốt thời thơ ấu tôi chưa hề gặp ở xã tôi một ai xăm mình, điều dĩ nhiên phải gây sự chú ý ở một đứa trẻ đang độ phát triển tư duy, hàng ngày chạm mãt với không biết bao nhiêu người lao động mình trần trong thôn ấp.
Nhưng khái niệm hiền lành còn rút ra từ nhiều biểu tượng khác, trong việc ứng xử của người với người ở các xung đột xã hội làng xóm, điển hình là hai loại khủng hoảng xã hội vi mô hay gặp ở nông thôn miền Bắc trước Cách mạng tháng Tám 1945: ăn vạ và chửi đổng. Nhà văn Bùi Hiển có tả cảnh này trong tập truyện Nằm Vạ (xuất bản năm 1944) và Nam Cao trong quyển Chí Phèo (xưất bản năm 1945). Đồng bào ngày nay chắc có người cho là tôi "bịa đặt" khi tôi nói rằng chửi đổng cũng có sách, cần phải học mới biết đúng cách chửi. Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, một hôm vào quãng 1935-36 ngồi chờ xe lửa để về Hà Nội tại một ga nhỏ miền quê vào mùa hè. Một bà trung niên, có lẽ cũng vừa xong cơm chiều, bắc ghế cầm quạt ra sân ngồi bắt đâu chửi đổng, vì ai đó trong xóm đã bắt trộm gà nhà bà. Bà giáo đầu buổi chửi với câu: "Vén rèm cho rõ, mở ngỏ cho cao, để gió lọt vào mà nghe tao chửi!". Rồi tiếp theo sau, tràng giang đại hải kéo dài cả giờ, tới lúc xe lửa tới và tôi phải đi, những câu chửi nối tiếp nhau, không nghe câu nào lặp lại câu đã tuôn ra trước. Do vậy, khi đọc Nam Cao tả cảnh chửi đổng của Chí Phèo hai lần, một lần chửi trời xong thì chửi đất, chửi đất tới chửi làng v.v... tôi hiểu nhà văn đã tả thực.
Nhà văn Nam Cao còn tả cảnh Chí Phèo đi chửi mướn cho Đội Tảo, hăm đốt nhà tay cường hào địa phương là Bá Kiến. Tên Đội cậy thế mình là dân nhà binh cũ từng sang Pháp giúp Đại Pháp đánh Đức tặc, địa phương ai cũng nể. Quê tôi xưa không hề gặp nhữag anh chị hành nghề "đầu gấu" như Chí Phèo để sống. Nhưng cũng cần nhắc lại một số "nếp sống văn hóa" ở các địa phương khác mà nếu không có ánh sáng của Cách mạng tháng Tám soi vào thì chẳng biết đến bao đời mới xóa mờ cái xấu xa truyền kiếp đã lâu đời.
Ở xã tôi xưa cũng có người đi lính đánh giặc cho Pháp rồi về hưu, nhưng tôi không nhớ có ai hãnh diện, cậy thế quá quắt như vậy. Phải chăng bởi trên mảnh đất khô cằn nghèo khổ này còn vang lên, đời con nối tiếp đời cha, những chuyện kể về Phan Thanh Giản, về Nguyễn Đình Chiểu.
Nếu xem những con giồng tiếp nối nhau như một vòng cung dài chắn nước mặn tận cuối cù lao Bảo cho dân cư còn cày cấy được trên các mảnh đất cằn cỗi nhỏ hẹp, thì mộ thầy Võ Trường Toản cũng như mộ quan lớn Phan tuy cách xa nhau vài cây số, thuộc xã kế cận nhưng với mồ mả cha ông tôi cùng nằm trên vòng cung ấy. Chẳng lạ gì mà bà con cả vùng đều từng nghe cách ứng xử của một vĩ nhân, của "quan lớn Phan" đối với xóm làng. Trách nhiệm thế nào của Phan Thanh Giản trong cuộc mất nước năm 1867 dành cho sử gia phê phán. Nhưng tư cách làm người trong thôn ấp, làm chồng, làm cha, của ông, bà con vẫn nhắc lại để dạy bọn cháu con. Họ Phan rất mực khoan nhân đại độ với kẻ dưới, dân quê. Khi làm quan Đại thần Viện cơ mật, hay tin cha mất, ông mặc quần áo sô gai đi một mình về chịu tang, không có lính hầu. Khi qua bến đò Ba Lai ông bị lính đồn bắt giữ lại và khám xét bởi không biết đó là ai. Khi đươc biết họ tên và có người xác minh, lính canh xanh mặt, Ông không tỏ ra khó chịu, ôn tồn có lời khen. Một lần đi tảo mộ cha về, quan lớn bị một nông dân vác tre đi trước chạm vào làm bị thương nhẹ, quan lớn gọi người vác tre đứng lại, mượn luôn con rựa chặt bỏ các nhánh xòe, xong từ tốn bảo lần sau nên cẩn thận tỉa sạch nhánh trước khi đem về nhà.
Lúc nhỏ, cậu bé Phan hàng ngày đi học chữ ở xã Phú Ngãi với một ông đồ nho. Khi làm quan nhất phẩm triều đình, mỗi lần về thăm vợ con, Phan thượng thơ cũng đến thăm thầy cũ với quà tặng quần áo, thuốc men. Người thầy già quá nghèo, ra trước sân nhà trồng có mấy hàng bắp, bẻ mấy trái, khép nép tặng lại vị học trò xưa nay đã thành đại thần. Họ Phan đón lấy, từ chối trao cho lính theo hầu cận, tận tay xách bắp về nhà, nói "đây là của thầy ta tự trồng ra, để ta tự tay cầm!" .
Phải chăng âm vang ấy còn lưu đến tận thập niên hai mươi của thế kỷ này, khi học trò cũ của cụ đốc học Nguyễn Khắc Huê từng dạy ở Bến Tre rủ nhau quyên góp tiền cho hai đứa con trai của thầy cũ sang Pháp du học tới thành tài. Tiếc thay, khi đã đậu dược sĩ và bác sĩ nha khoa, hai anh ấy đã không còn nhớ đến bà con xưa, lấy vợ Pháp, một anh về mở phòng thuốc ở Sài Gòn, người em có phòng răng tư ở Lyon (Pháp) và sống luôn bên đó.
Nhưng bên cạnh âm vang về cách xử thế của họ Phan, gió biển Đông thổi vào còn lan tỏa khắp nơi hương thơm tinh thần Nguyễn Đình Chiểu một "ngôi sao càng nhìn lâu càng sáng" cho ai muốn ngẩng đầu lên!
Từ 1860, cụ Nguyễn cùng vợ là bà Lê Thị Điền vừa đảm đang, vừa hay chữ, về sống tại Ba Tri. Cụ tiếp tục sáng tác thơ văn yêu nước, thu nhận học trò đến học chữ nho và bốc thuốc, dù mang cảnh mù lòa. Năm 1886 chính cụ đứng ra tổ chức lễ tế nghĩa sĩ tại chợ Ba Tri, có hàng ngàn đồng bào trong vùng đến dự. Khăn áo chỉnh tề, cụ đứng lên đọc bài "Tế lục tỉnh sĩ dân trận vong', vừa sáng tác, vừa đọc cho vợ ghi. Các cụ già ở Ba Tri còn kể lại rằng sau khi đọc xong bài văn tế, cụ Đồ Chiểu nước mắt ràn rụa, xúc động đã ngã lăn ra, bà con phải khiêng ra ngoài chữa chạy.
Trên mảnh đất như thế, thử hỏi còn có ai về quê sum soe vì đã lấy chồng Tây, hoặc đã đi lính Pháp như Đội Tảo? Và có ai chịu xâm mình để dọa dân quê, hoặc chấp nhận biến mình thành kẻ đầu gấu như Chí Phèo?
Chính từ cái quê hương đó, tôi ra đi vào năm 10 tuổi, sau khi biết đọc, biết viết do cha tôi dạy vào ban đêm. Đầu tóc bánh bèo của tôi trải qua cuộc cách mạng, biến thành đầu trọc; rồi sau khi đi học trở thành đầu "cúp ca rê". Mẹ tôi khi nhàn việc đã nói lại cho tôi nghe bao tích xưa chuyện cũ lấy từ truyện Tàu, từ sách chữ nho, có lẽ do ông ngoại tôi thuật lại từ thời bà chưa lấy chồng. Tôi ở nhà bà ngoại, tóc đã bạc phơ để theo học trường tiểu học duy nhất cho nhiều xã của thời ấy tại thị trấn Ba Tri. Mỗi tuần cha mẹ vào thăm bà và đem đến gạo, tiền, thức ăn. Chỉ lúc nghỉ hè, nghỉ Tết tôi mới về nhà cha mẹ ở Tân Thủy, giúp tay chút ít vào việc đồng áng như chăn trâu, tưới và canh dưa hấu, giã gạo... Cũng ở trường tiểu học Ba Tri, tôi đã chơi thân với Ba Vân (sau trở thành Nghệ sĩ nhân dân ngành sân khấu), cùng anh đá dế, đánh trổng và hò hét múa may ở xóm miễu "Bà Cây Da" mà ngày nay là nhà văn hóa huyện.
(Loạt bài đã đăng trên
báo |