Tia Sáng (2002) Vốn văn hoá Trần Hữu Dũng
Trong tiến trình công nghệ hoá, hiện đại hóa của chúng ta hiện nay, hai chữ "văn hoá" thường gợi nhiều cảm xúc phức tạp. Đầu tiên, nó khơi dậy lòng tự hào sâu sắc về bản sắc dân tộc, về di sản lịch sử, về truyền thống cách mạng, và trong vài năm gần đây, về "giá trị châu Á" mà nhiều người cho rằng Việt Nam chia sẻ với các nước trong vùng, giải thích những thần kỳ kinh tế ở miền đất này. Nhưng đàng khác, nó cũng gây nhiều ưu tư về nguy cơ phai lạt bản sắc quê hương, nhất là trước làn sóng toàn cầu hoá, đối với một kinh tế mở như ta hiện nay. Thêm vào đấy là một tinh thần "hoài cổ" của thế hệ "hơi lớn tuổi" mà nơi nào bao giờ cũng có: lắc đầu chặc lưỡi về những ngông cuồng của lối sống thời thượng, biểu hiện qua những tệ nạn xã hội, những phong cách đồi truỵ của một số người "mất văn hoá". Trong tâm trạng "vừa mừng vừa lo, vừa thương vừa giận" ấy, nhà kinh tế sẽ nói gì? Cụ thể hơn, đồng thời với phát triển kinh tế, chúng ta có thể làm được gì cho văn hoá, để tạo dựng một nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, phồn vinh hơn? Song, trước hết, phải hỏi: văn hoá là gì? Theo một phúc trình của Uỷ ban Thế Giới về Văn Hoá và Phát Triển của Liên Hợp Quốc (1995) thì từ "văn hoá" có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, văn hoá của một nước là những sinh hoạt trong "lãnh vực văn hoá", hay là "khu vực công nghiệp văn hoá" của nước ấy. Đó là viết văn, làm thơ, soạn nhạc, tạc tượng, vẽ tranh... nói chung là những hoạt động có tính văn chương nghệ thuật. Thứ hai (nhìn theo quan điểm nhân chủng và xã hội học), văn hoá là tập họp những phong thái, tập quán và tín ngưỡng, là nền tảng, là chất keo không thể thiếu cho sự vận hành nhuần nhuyễn của xã hội. Nó là hiện thân những giá trị được cộng đồng chấp nhận, dù có thể biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gần đây, nhiều học giả kinh tế và xã hội (tiên khởi là nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu) cho rằng, muốn hiểu văn hoá như một nhân tố trong đời sống kinh tế, và nhất là muốn đánh giá vai trò của nó trong tiến trình phát triển, thì nên nhìn nó như một loại vốn -- tương tự như ba loại vốn thường biết khác. (Đó là: vốn vật thể, như máy móc, thiết bị; vốn con người, như kỹ năng, kiến thức; và vốn thiên nhiên, gồm những tài nguyên do thiên nhiên cống hiến và môi trường sinh thái.) Thêm một bước, có thể phân biệt hai dạng vốn văn hoá: vật thể và phi vật thể. Vốn văn hoá vật thể là gồm những công trình kiến trúc, đền đài cung miếu, di tích lịch sử, những địa điểm có ý nghĩa văn hoá. Loại vốn này cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, hoặc đi vào sản xuất những sản phẩm và dịch vụ trong tương lai, văn hoá cũng như ngoại văn hoá. Dạng kia, vốn văn hoá phi vật thể, là những tập quán, phong tục, tín ngưỡng, và các giá trị khác của xã hội. Loại vốn văn hoá này (cùng những nghệ phẩm công cộng như văn chương và âm nhạc) là một loại dây, một thứ keo gắn kết cộng đồng. Nó cũng cung cấp một luồng dịch vụ có thể hưởng thụ ngay, họăc dùng trong sản xuất những sản phẩm văn hoá trong tương lai. Từ những nhận xét trên, vài nét chính về liên hệ giữa văn hoá, kinh tế, và phát triển dần hiện rõ. Một là, muốn hội nhập vốn văn hoá vào phân tích kinh tế ta phải xác định liên hệ giữa giá trị văn hoá và giá trị kinh tế. Lấy ví dụ vốn văn hoá vật thể, chẳng hạn như một ngôi nhà có tính di tích lịch sử. Ngôi nhà ấy có giá trị kinh tế như một kiến trúc (cư ngụ hoặc thương mại), biệt lập với giá trị văn hoá. Song giá trị kinh tế ấy có thể tăng lên, có thể là rất nhiều, nhờ giá trị văn hoá của nó. Do đó, lấy ví dụ, nhiều người sẽ sẳn sàng mua ngôi nhà đó một giá cao hơn giá trị vật thể thuần tuý của nó. Hầu như mọi loại vốn văn hoá vật thể đều có thể được nghĩ đến như ngôi nhà lịch sử trong ví dụ, tức là chúng bơm tiêm giá trị văn hoá vào giá trị kinh tế của vật thể, làm tăng thêm, có thể gấp nhiều lần, giá trị của vật thể ấy. Trong trường hợp vốn văn hoá phi vật thể thì liên hệ giữa giá trị văn hoá và giá trị kinh tế phức tạp hơn, không phải cái này gây cái kia. Hiển nhiên, ngôn ngữ, âm nhạc và văn chuơng, tập quán và tín ngưỡng ... là những tài sản chung, có giá trị văn hoá vô cùng lớn, song chúng không có giá trị kinh tế theo nghĩa thông thường vì lẽ không thể được mua bán đổi chác trên thị trường như các hàng hoá hoặc dịch vụ khác. Nói cách khác, những dịch vụ xuất phát từ vốn văn hoá phi vật thể là có giá trị văn hoá và kinh tế, nhưng ở đây hai loại giá trị ấy hoà quyện lẫn nhau, không thể tách rời nhau. Hai là, nên hỏi, vốn văn hoá đóng góp được gì vào tổng thu nhập và tốc độ phát triển của một nước? Trong các mô hình phân tích tăng trưởng kinh tế, có hai yếu tố luôn được coi là cốt lõi cho phát triển: lao động và vốn vật thể. Như thế, đối với các nhà kinh tế thì bài toán trở thành: nếu hội nhập vốn văn hoá vào mô hình ấy thì kết quả sẽ ra sao? Vốn văn hoá có thể thay thế các loại vốn khác, các tài nguyên khác (ví dụ như lao động), hoặc ngược lại, hay chăng? Giải đáp những câu hỏi này sẽ làm sáng tỏ những tranh luận gần đây về vai trò của văn hoá trong phát triển kinh tế. Và theo đó lại thêm nhiều bài toán quan trọng: làm thế nào để đầu tư vào bồi đấp vốn văn hoá? Vốn văn hoá đó sẽ chiết cựu ra sao? Ba là, vốn văn hoá giúp ta hiểu sâu hơn về ý niệm tính bền vững của phát triển. Đóng góp của nó vào khả năng phát triển dài hạn không khác gì đóng góp của vốn thiên nhiên. Vì môi trường sinh thái là thiết yếu cho hoạt động kinh tế, bỏ bê môi trường đó qua sự khai thác quá đáng tài nguyên sẽ làm giảm sút sản năng và phúc lợi kinh tế. Không bảo dưỡng vốn văn hoá (để di sản đồi trụy, làm mất bản sắc văn hoá dân tộc) cũng có những hậu quả tai hại như vậy. Bốn là, chế độ thị trường và xu thế toàn cầu hóa đặt ra những thử thách và những cơ hội mới. Trong lãnh vực văn hoá, quyết định của người sản xuất cũng như người tiêu dùng ngày càng bị chi phối hơn bởi những quy luật, những tình huống kinh tế. Cũng như mọi loại hàng, văn hoá phẩm có khác nhau về hàm lượng vốn và lao động: những bộ phim vĩ đại, khoa học giả tưởng (như Star Wars), cần nhiều vốn hơn lao động; những hàng thủ công nghệ, những bài thơ hay, cần nhiều lao động hơn vốn. Văn hoá phẩm cũng khác nhau về cái mà các nhà kinh tế gọi là "hiệu ứng quy mô" (scale effects): có thứ thì giá thành càng thấp khi số luợng sản xuất càng nhiều, có thứ thì giá thành không tuỳ thuộc số lượng sản xuất. Tất nhiên, những văn hoá phẩm cần nhiều vốn thì phải nhắm nhiều hơn vào thị hiếu "mẩu số chung" của đông đảo quần chúng toàn cầu để có thị trường (trừ khi được nhà nước tài trợ, nhưng đó lại là một chuyện khác). Điều này cắt nghĩa tại sao không thể đòi hỏi những loại phim "vĩ đại" như Star Wars, James Bond, phải có "văn hoá cao" với ít người thuởng ngoạn. Song, bù lại, toàn cầu hoá cống hiến cho người tiêu thụ nhiều lựa chọn hơn, với giá rẻ hơn (và thu nhập của họ cũng cao hơn), dù rằng, nên nói thẳng, với đời sống ngày càng bận rộn, đa số hình như có dễ dãi hơn trong thị hiếu thưởng ngoạn của mình. Chúng ta nhìn về tương lai với một niềm tin mãnh liệt ở nước ta, nhưng không sô vanh dân tộc. Giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng nên hiểu tại sao phải giữ gìn, phát huy, và không lo sợ một cách võ đoán và phi lý những trào lưu văn hoá mới. Phải nhìn nhận quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế (toàn cầu hoá, quy mô thị trường rộng hơn, thu nhập cao hơn...) và văn hoá. Có thể, những người ưa chuộng một loại hình nghệ thuật nào đó sẽ thấy bị thiệt thòi, mất mát... nhưng đồng thời cũng phải công nhận sự năng động xuất hiện của những loại hình nghệ thuật khác, những cơ hội thưởng ngoạn mới. Chúng ta cần một chính sách văn hoá, nhưng chính sách đó phải tôn trọng thực tế của kinh tế thị trường, trong thời đại mở cửa, không vướng mắc những ảo tưởng, cảm tính chủ quan. Có những mục tiêu mà chính sách đó có thể giúp thực hiện, nhưng cũng có những khía cạnh không thể thực hiện được (hoặc đòi hỏi những hi sinh quá lớn về kinh tế, về xã hội). Chúng ta hãy tranh luận, bàn cãi -- vâng, và bút chiến nữa (trong tinh thần khoa học, cởi mở, không cá nhân). Nghĩ cho cùng, một nền văn hoá lành mạnh trước hết phải là một nền văn hoá sống, một nền văn hoá linh động. Hãy để người thưởng ngoạn bình chọn. Trần Hữu Dũng
|