Tháng 9, 2006
Đầu tháng 9, 2006
Thư từ Mỹ
Trần Hữu Dũng
Bạn quý,
Mùa hè năm 2006 là một mùa hè khá im ắng ở Mỹ (không như năm ngoái, với trận bão Katrina, chắc bạn còn nhớ). Ngoài những chuyện bực mình lặt vặt (như việc cấm đem chất lỏng lên máy bay, hẳn đã làm nhiều bạn mất vui khi sang viếng), dân Mỹ bắt đầu chú ý đến cuộc bầu cử tháng 11 này (bầu lại 1/3 thượng viện, toàn thể hạ viện). Ai cũng cho rằng đây là một cuộc bầu cử quan trọng vì có triển vọng là nó sẽ thay đổi đảng đa số, ít nhất là ở hạ viện (muốn chiếm đa số hạ viện, đảng Dân Chủ cần thêm 15 ghế, đa số ở thượng viện thì cần thêm 6 ghế). Nếu kết quả sẽ như vậy thì chính phủ Bush sẽ tê liệt (hơn cả bây giờ, vì hiện nay họ cũng đã khá tê liệt rồi) trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ này.
Dù hai tháng nữa mới bầu cử chính thức nhưng trong mùa hè đã có những cuộc bầu cử sơ bộ, điạ phương, trong nội bộ từng đảng để chọn ứng cử viên của đảng. Có hai “sự cố” vui vui, xin kể lại với bạn.
Vụ thứ nhất là bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở bang Connecticut (một trong những bang “phóng khoáng” nhất nước Mỹ). Nghị sĩ hiện thời của bang này là ông Joe Lieberman (mà bạn hẳn còn nhớ là ứng cử viên phó tổng thống cùng với Al Gore năm 2000). Khổ nỗi Lieberman lại là người ủng hộ Bush hết mình trong chiến tranh Iraq (và cũng khá bảo thủ về xã hội và kinh tế). Đối thủ của Joe Lieberman là Ned Lamont, một “đa triệu phú” nhưng là một tay mơ chính trị, chỉ có cái “được” là cực lực đòi Mỹ phải rút khỏi Iraq. Cái đáng kể của cuộc tranh đua Lieberman-Lamont là vai trò của các “bloggers” trên internet, hầu hết là ủng hộ Ned Lamont. Thật là nức lòng cho những người không ưa Bush là Lamont đánh bại Lieberman trong cuộc bầu cử sơ bộ này, trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân Chủ. Tuy thua, Lieberman không chịu rút lui mà sẽ ứng cử như một ứng cử viên độc lập. Do được nhiều người biết, và cũng nhờ sự ủng hộ ngầm của đảng Cộng Hoà, Lieberman hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Hiển nhiên, bang Connecticut sẽ trong tầm nhìn của mọi người từ đây đến tháng 11.
Một vụ nữa thì liên quan đến George Allen (Cộng Hoà) và James Webb (Dân Chủ), hai đối thủ tranh giành ghế nghị sĩ ở bang Virginia. Cho đến mấy tuần gần đây thì ông Allen (đương nhiệm) hầu như chắc chắn sẽ giữ được ghế, nhưng trong một lần gặp cử tri, ông gọi một thanh niên Mỹ gốc Ấn Độ là “macaca”, dường như có nghĩa là một giống khỉ ở Phi Châu (mẹ của Allen là gốc Pháp-Tunisian). Thế là báo chí làm ầm lên (một phần cũng vì tháng tám là tháng ít tin tức – cũng như tôi đang thuật lại chuyện này vì thiếu chuyện nói, vậy mà!), thế là Webb nhích lên, Allen tụt xuống. Các sếp của đảng Dân Chủ mừng ra mặt, mơ rằng Virginia sẽ là cái “ghế thứ 6” vào tay họ, và nhờ đó mà đảng Dân Chủ trở thành đa số ở thượng viện (ngoài hạ viện mà họ đã lạc quan hơn).
Nói chung là hầu hết ứng cử viên Cộng Hoà đều tìm cách “lánh” Bush. Tuy nhiên, còn quá sớm để nghĩ rẳng đảng Cộng Hoà sẽ trở thành thiểu số sau kỳ bầu cử này. Thực tế vẫn là hầu bao của họ lớn hơn, họ giỏi hơn đảng Dân chủ ở khâu huy động người ủng hộ của họ đi bỏ phiếu. Cũng không nên xem thường sức hiệu nghiệm của lá bùa “khủng bố” mà đảng Cộng Hoà vẫn dùng để làm cử tri Mỹ lo sợ mà bỏ phiếu cho họ. Nhược điểm của đảng Dân Chủ là họ vẫn chưa có một “thông điệp” rõ rệt, đủ sức hấp dẫn đa số cử tri. Họ cũng thiếu một lãnh tụ nổi bật. Bà Hillary Clinton, tuy chắc chắn sẽ tái đắc cử nghị sĩ ở New York, vẫn là một nhân vật cực kỳ phân hóa trong toàn quốc (nhiều người ủng hộ nhiệt thành, song cũng có một số đáng kể kiên quyết không bao giờ bỏ phiếu cho bà ấy).
Bộ ba Bush, Cheney, Rumsfeld vẫn hù doạ công chúng Mỹ về liên hệ giữa Iraq và chiến tranh chống khủng bố, song ngày càng ít người tin (hơn 60% dân Mỹ bây giờ cho là chiến tranh Iraq là một sai lầm). Một phần của sự mất lòng tin này là do các quyển sách về Iraq vừa xuất bản, nổi bật là ba quyển của ba nhà báo có uy tín: một quyển của George Packer (“The Assassins’ Gate”), một quyển của Thomas Ricks (“Fiasco”) và quyển nữa của Christian Miller (“Blood Money”). Không hẹn nhưng ba quyển này bổ túc cho nhau: Packer nói về chính trị, Ricks viết về quân sự, và Miller điều tra kinh tế. Không như những người chống chiến tranh Iraq ngay từ đầu, các tác giả này chỉ đưa ra hàng đống bằng chứng về sự vô kế họach, vô tổ chức, tham ô, lãng phí tràn lan ở Iraq dưới sự chiếm đóng của Mỹ. Người đọc tự rút kết luận.
Trong lãnh vực văn chương thuần tuý thì mùa hè ở Mỹ, cũng như ở các nước khác, mọi sinh hoạt hầu như dừng lại. Chỉ có một cuốn tiểu thuyết làm giới phê bình khá xôn xao, với cái tên hơi lập dị là “Các Đề Tài Đặc Biệt Trong Vật Lý Học Đại Nạn” (Special Topics in Calamity Physics), tác phẩm đầu tay của nhà văn nữ 28-tuổi Marisha Pessl. Với cấu trúc đặc biệt (như một giáo trình), câu chuyện rất lạ (kết cục khá bất ngờ nên tôi không dám nói thêm), tác giả cực kỳ uyên thâm (và không ít cũng vì dung nhan khá “dễ nhìn”), quyển này được nhiều người so sánh với “The Catcher in the Rye” của J.D. Salinger lừng danh của thế kỷ trước. Theo tôi, tác phẩm này không làm người đọc thất vọng (nó đã được đồn đại khá nhiều trong mấy năm qua), song cũng không hẳn là tác phẩm của một thiên tài vừa xuất thế như vài nhà phê bình đã khen. Dù gì, chắc nó sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bạn để ý đón xem.
Thư đã dài, xin hẹn tiếp thư sau.
Trần Hữu
Dũng
7-9-06
|