Thanh Niên
Thứ hai, 14 Tháng tám 2006,

 

Làm được nhiều việc là nhờ… ít ngủ!

Giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy tại đại học Wright State University, bang Ohio, Hoa Kỳ. Ông sang Mỹ du học từ năm 1963, sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử và cử nhân vật lý năm 1967, ông về nước làm chuyên viên tại Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt Năm 1972 ông trở qua Mỹ lần nữa và tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Syracuse University năm 1978. Ông giảng dạy ở nhiều đại học Mỹ từ đó đến nay.

Ngoài giảng dạy và nghiên cứu, ông còn tham gia nhiều hoạt động về học thuật trong các lĩnh vực kinh tế, truyền thông và cả văn học. Ông hiện là tổng thư ký “Arts & Letters Daily” (một trang web tiếng Anh trên mạng, cập nhật hàng ngày), được giải Webbys (tương đưong với Oscar cho Internet) vinh danh là trạm web “trí thức” nhất thế giới năm 2003. Ông cũng là tổng biên tập tạp chí Thời Đại Mới, cộng tác viên của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Tia Sáng, và viết cho nhiều báo khác trong và ngoài nước, chuyên ngành cũng như phổ thông.

Từ năm 2003, ông lập trang thông tin điện tử viet-studies.info với nhiều thông tin phong phú về văn hoá giáo dục, kinh tế, năng lượng, triết học, văn học Việt nam và thế giới. Những thông tin trên trang điện tử này tuyệt đại đa số là những bài viết có giá trị viết riêng cho viet-studies.info hoặc link từ các báo trong và ngoài nước hàng ngày, trong đó có báo Thanh Niên, được đông đảo bạn đọc tham khảo như một kênh thông tin có uy tín. Nhiều người cũng biết ông như là “chủ” trang web về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Một lần chúng tôi đặt câu hỏi vì sao ông yêu văn Nguyễn Ngọc Tư đến nỗi lập một thư viện riêng trên viet-studies.info? Ông yêu văn Ngọc Tư vì ông cũng là dân Nam Bộ xa quê đã lâu hay vì lý do khác? Giáo sư Trần Hữu Dũng bảo: “Tôi khám phá văn Nguyễn Ngọc Tư đã rất lâu (từ truớc Cánh Đồng Bất Tận) và tôi hãnh diện về điều đó. Đầu năm 2004 tôi viết bài “Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền nam”, có lẽ là bài dài đầu tiên về nhà văn này. Ý nghĩ đầu tiên của tôi đối với Tư là sự biết ơn. Biết ơn những câu chuyện hay, biết ơn một văn phong chuẩn mực, biết ơn những nhận xét tinh tế về con người, biết ơn việc cô đánh thức trong tôi (và nhiều người khác) khung cảnh miền Nam, với lối sống, tình quê hương, và nhất là những phương ngữ còn rất sống của vùng đất Nam Bộ... Nhưng sau khi biết nhiều về Nguyễn Ngọc Tư tôi càng cảm phục và kinh ngạc bởi vì tài năng của cô phần là thiên phú, phần cũng do cô kỳ công tôi luyện hàng ngày, và với những khó khăn trong cuộc sống mà cô đã vượt qua, thì quả Nguyễn Ngọc Tư là một trường hợp hiếm có trong văn học chẳng những của Việt Nam mà còn cả thế giới…”.

Riêng trang viet-studíes.org ông mong muốn điều gì khi làm trang thông tin này? Đọc một khối lượng thông tin về rất nhiều lĩnh vực trên trang này mỗi ngày, người đọc có thể thấy nếu không bằng một sức làm việc phi thường và một tâm huýêt lớn lao thì khó mà thực hiện được?. Ngập ngừng trong giây lát trước câu hỏi, giáo sư Trần Hữu Dũng cho biết:

“Thú thật, tôi bắt đầu lập trang viet-studies.info chỉ như một ghi chép cho riêng tôi, cho việc nghiên cứu của tôi, và chia sẻ với một số bạn hữu. Rồi người này mách người kia, bây giờ thì cả ngàn người đến viếng mỗi ngày. Thật bối rối cho tôi vì trang ấy còn quá hỗn độn (mà tôi không có thời giờ sắp xếp lại) và nhiều lời bình luận của tôi thì có tính bông lơn với bạn bè (mà tôi biết đích danh!), lắm khi hơi… vô trách nhiệm. Cho người ngoài vào xem thì cũng giống như cho khách vào một căn nhà mà mình chưa quét dọn, đồ đạc còn bừa bãi. Song tôi rất vui khi ngày càng nhiều người cho là những trang đó có ích (và những lời “bình luận” của tôi đôi khi làm họ cười). Thôi thì chịu vậy thôi! Tôi không dám nhận là mình có tâm huyết (làm chơi thôi mà!), và có vẻ làm việc nhiều chỉ vì tôi… ít ngủ, chẳng có gì là phi thường cả !”.

Cũng từ viet-studies.info, các bài viết được ông link mỗi ngày thường kèm một vài từ ngắn nhưng rất dí dỏm, rất gợi về bài viết ấy. Ông có đọc hết những gì ông Link vào trang mình hay không? Nếu vậy, ông phải có một phương pháp đọc đặc biệt nào đó? Có thể đây là kinh nghiệm giúp các bạn trẻ ngày nay học tập?

“Vâng, tôi đọc hầu hết những bài tôi link (và nhân đây cũng xin thưa là tôi không nhất thiết đồng ý với mọi bài đó, nhiều bài tôi link do tính tư liệu của nó – dùng nó để viết phản biện sau này –, hoặc là vì nó… dở một cách khác thường!). Tôi không có bí quyết nào trong việc đọc nhiều cả, hoặc có thì chỉ là… bớt ngủ đi thôi! Nhưng sau cả đời làm độc giả tôi có một cặp mũi hơi… thính: nhìn thoáng vài câu là biết một bài có đáng đọc hay không”- Giáo sư Trần Hữu Dũng cho biết.

Là một giáo sư Kinh tế - chính trị học, Tiến sĩ Trần Hữu Dũng có nhiều bài viết về nền chính trị Hoa Kỳ cũng như các vấn đề kinh tế mà Việt Nam sẽ đối mặt khi gia nhập WTO. Vấn đề Vốn xã hội, sở hữu trí tuệ… còn rất mới mẻ đối với kinh tế Việt nam thời hội nhập đã được ông đề cập với rất nhiều tâm huyết.

Mới đây, Đài BBC có dẫn ý kiến của ông về việc ngoại trưởng Rice chuẩn bị thăm Việt Nam. (Chuyến đi ấy phải huỷ bỏ do tình hình Trung Đông). Ông nói bà ấy là người rất cụ thể trong công việc và mong muốn các nhà lãnh đạo VN cũng nên vậy khi làm việc với bà Rice… Vậy mối quan hệ của giáo sư với bà ấy ra sao, nhất là lúc bà ấy còn dạy đại học như ông? Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, với tư cách một giáo sư về kinh tế ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề gì đối với các doanh nhân Việt Nam?

“Tôi không có “quan hệ” nào với bà Rice, chỉ biết bà ấy qua các bài bà ấy viết, và cũng có viết vài bài về bà ấy nên theo dõi sự nghiệp của bà hơi kỹ. Còn về doanh nghiệp thì tôi là một người dở nhất thế giới (bằng cớ là vẫn nghèo rớt mùng tơi) nên nào dám hiến kế gì, cho ai? Song tôi tin ở doanh nhân Việt Nam, họ năng động, nhiều sáng kiến không kém bất cứ ai. Hãy “cởi trói” cho họ (trong khuôn khổ luật pháp – và luật pháp hợp lý, minh bạch – tất nhiên) thì tôi tin chắc là họ sẽ thành công, không cần chi đến những người chỉ biết lý thuyết, sống trong tháp ngà như tôi.”- Giáo sư Trần Hữu Dũng nói.

Trở lại chuyện văn chương Nguyễn Ngọc Tư, mà người hỏi chuyện giáo sư Dũng có cảm giác là ông đến với nó như một sự tìm lại quân bình cho tâm hồn giữa cuộc mưu sinh. Sự quân bình ấy, thông qua viet-studies.info, ông còn muốn chia xẻ với mọi người những xúc cảm của mình về quê hương: “Qua những thư từ mà tôi nhận được (từ Sài Gòn, từ Cần Thơ, từ một thành phố nhỏ bang Iowa ở Mỹ, từ Montréal ở Canada, từ Munchen ở Đức, từ Paris ở Pháp, từ Sydney ở Australia...) tôi không thấy có sự khác nhau nào giữa “Việt kiều” và người trong nước ở những gì mà Nguyễn Ngọc Tư gợi dậy trong lòng họ.

Đến một chừng mực nào đó, ai cũng là xa quê hương làng xóm của mình (dù là chỉ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn), ai cũng cảm thấy lòng dịu lại khi hồi tưởng đến thời thơ ấu của mình (nhất là những người lớn lên ở tỉnh nhỏ, hay thôn quê). Ai cũng thích nghe một câu chuyện hay, đọc những nhận xét tinh tế. Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thật trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ...”.

Có thể lấy những lời tâm sự ấy của ông để kết thúc bài viết này về một người Việt trí thức đang sống xa quê mà lúc nào cũng đau đáu một ý nghĩ làm sao cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trương Điện Thắng
thực hiện