Bài viết cho Tạp Chí Pháp Luật Việt Nam

Để tiến đến một chính sách
sở hữu trí tuệ vì phát triển

Trần Hữu Dũng[1]

       Trong những năm gần đây, quyền sỡ hữu trí tuệ[2] (QSHTT) đã trở thành chủ đề cực nóng trong nhiều liên hệ kinh tế và pháp luật quốc tế, nhất là giữa các quốc gia đã mở mang và đang mở mang.  Đây là một vấn đề nhiều khía cạnh và phức tạp.  Ngay đối với các quốc gia tiền tiến, thiết lập một chế độ SHTT tối hảo cũng không là đơn giản: quá lỏng lẻo, quá ngắn ngủi, thì sẽ không đủ khuyến khích các nhà phát minh nghiên cứu, sáng tạo.  Song nếu quá rộng, quá lâu, thì sẽ gây độc quyền quá độ và hạn chế mức sử dụng những phát minh, sáng tạo trong quảng đại quần chúng

       Đối với những quốc gia ít công nghiệp, muốn phát triển, thì QSHTT còn đặt ra nhiều bài toán bức bách hơn, bởi lẽ cùng lúc với tiêu chí khuyến khích phát minh, bảo vệ người tiêu dùng, thì các nước này cũng cần thu hút đầu tư ngoại quốc (FDI), thúc đẩy chuyển giao công nghiệp, và nhiều mục đích khác nữa.  Những mục tiêu này chẳng những phức tạp mà lắm lúc còn đối chọi nhau.    

      Xếp qua một bên những vấn đề cao siêu, chưa ngả ngủ, về căn bản triết lý của SHTT, câu hỏi bức xúc là một nước như Việt Nam nên có một chính sách nào về QSHTT, nhất là trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tăng tốc của một nền kinh tế mở như hiện nay?

I. Kinh nghiệm lịch sử

      Dùng chế độ QSHTT để phát triển quốc gia không phải là một ý mới.  Trong quá khứ, chính các nước phát triển ngày nay cũng đã sử dụng "công cụ" này để nâng đỡ các công nghiệp của họ  Chẳng hạn như từ năm 1790 đền 1836 thì Mỹ (lúc ấy là nhập khẩu công nghê) chỉ cấp bằng phát minh cho những người sống tại Mỹ.  Đến 1836 thì chính sách này mới được nới lỏng, và chỉ sau 1861 Mỹ mới cấp QSHTT cho công dân nước khác.[3] Tương tự, một phần chiến lược "bắt kịp" nổi tiếng của Nhật cũng là dựa vào thu nhập công nghệ ngoại quốc, qua một chế độ QSHTT nhằm nâng đỡ truyền bá tri thức hơn là sáng tác.  Gần đây hơn, từ 1960 đến 1980, Đài Loan và Hàn Quốc muốn bắt chuớc công nghệ nước ngoài (qua mô phỏng và "công nghệ ngược"[4]) do đó đã khá lỏng lẻo trong luật bảo vệ QSHTT các phát minh.  Chỉ từ sau nửa cuối thập kỷ 1980, dưới áp lực của Mỹ, các nơi này mới mạnh mẽ bảo vệ quyền ấy hơn.  Công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ cũng đã phát triển tương đối khá vì trong đạo luật về QSHTT năm 1970 của họ công nghê này đã được đặc biệt quan tâm.

      Mặc dù gần đây có nhiều công ước và hiệp định quốc tế (chẳng hạn như TRIPS[5]) không cho phép phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch người sáng tác hoặc phát minh, cũng như giữa các ngành công nghiệp, trên thực tế mỗi nước vẫn còn nhiều cách uốn nắn chế độ QSHTT thực sự (khác với danh nghĩa) cho nước mình [6]

      Bài này sẽ đặt ra ba vấn đề chính cần suy nghĩ trong tiến trình thiết lập QSHTT thích hợp cho Việt Nam trong giai đoạn này.  Một là, chúng ta phải có những thái độ khác nhau đối với công nghệ sáng chế và công nghệ mô phỏng. Hai là, chúng ta phải để ý đến ảnh hưởng của QSHTT đến các giao lưu kinh tế khác với nước ngoài.  Và ba là, QSHTT trong thời đại khu vực hoá, toàn cầu hóa sẽ đặt ra những "luật chơi" mới, những cơ hội và thách thức đặc biệt.

II.  Công nghệ sáng chế hay mô phỏng?

      Rõ ràng là vào giai đoạn phát triển hiện nay, Việt Nam cần (1) du nhập công nghệ nước ngoài, và (2) mô phỏng những công nghệ đó vào hoàn cảnh chúng ta.  Muốn vậy, chúng ta cần bảo đảm tôn trọng QSHTT của các công ty ngoại quốc để họ an tâm đem những công nghệ tiên tiến vào nước ta, nhưng đồng thời phải phát triển khả năng mô phỏng của ta.[7]  Kinh nghiêm Hàn Quốc (vào những năm 1970 và đầu thập kỷ 1980) cho thấy sự cần thiết của hai chính sách song song đó.  Nên nhớ, mô phỏng là một kỹ năng đòi hỏi một trình độ kỹ thuật nhất định.

      Lẽ dĩ nhiên chúng ta cần đặc biệt nâng đỡ các nhà phát minh Việt Nam, song điều này có thể thực thi bằng những biện pháp trực tiếp, như tài trợ nghiên cứu phát minh trong nước.  Nói cách khác, ngay trong giai đoạn này, nên triệt để bảo đảm nhãn hiệu, thương hiệu (nước ngoài lẫn trong nước).  Chính sách này tạo thêm thiện cảm ở các công ty nước ngoài mà không mất mát gì cho ta.[8]

      Mặt khác, chúng ta có thể không quan tâm nhiều đến QSHTT những công nghệ vô ích cho Việt Nam lúc này.  Đó cũng là một cách gián tiếp không khuyến khích du nhập các công nghệ này vào nước ta.

III.    Ảnh hưởng của QSHTT đến đầu tư nuớc ngoài và chuyển giao công nghệ.  

     Trong việc thiết lập QSHTT vì lợi ích quốc gia, cần phải để ý đến những ảnh hưởng của QSHTT đến thương mại, đầu tư, và nói chung là giao lưu quốc tế khác.  Một công ty nước ngoài có thể làm ăn ở Việt Nam qua nhiều "kênh": (1) xuất khẩu sang nước ta hàng hoá sản xuất ở nước họ (2) thiết lập chi nhánh sản xuất ở Việt Nam hoàn toàn trực thuộc và sở hữu của họ, (3) liên doanh với ta, (4) cho một công ty Việt Nam thuê công nghệ của ho (licensing).  Lựa chọn tối hậu của công ty sẽ tuỳ thuộc vào lơi thế so sánh của ta về sản xuất, thị trường, thuế má, và chế độ QSHTT. 

      Phân tích kỹ thì sẽ thấy rằng, nếu món hàng là cần công nghệ cao (nhưng dễ mô phỏng), và nếu QSHTT ở Việt Nam là yếu, thì công ty nước ngoài sẽ nghiêng về xuất khẩu (kênh 1) hoặc do chính họ sản xuất tại Việt Nam (kênh 2).  Lý do là, trong trường hợp ấy, giá trị tri thức công nghệ liên hệ sẽ rất lớn, và mức độ rủi ro nó bị lộ ra ngoài sẽ cao nếu họ sản xuất ở Viêt Nam qua liên doanh (kênh 3) hoặc "licensing" (kênh 4).  Nói cách khác, nếu muốn các nhà sản xuất ngoại quốc chuyển giao công nghệ tân tiến cho đối tác ở Việt Nam thì chúng ta phải có một chế độ QSHTT  đủ mạnh để họ được an tâm.   Đối với các công nghệ tương đối cũ, đã chuẩn hoá, thì QSHTT kém quan trọng hơn những yếu tố khác (về giá phí sản xuất...) trong quyết định của công ty nuớc ngoài

      Từ những phân tích trên đây, ta có thể kết luận rằng: các quốc gia đang phát triển nhanh, công nghệ càng cao, thì càng nên thắt chặt QSHTT.  Qua cách đó, quốc gia ấy vừa thu hút được các công nghệ nước ngoài, vừa bảo vệ, khuyến khích các nhà phát minh trong nước

IV. QSHTT trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu

      Một xu thế của thời hiện đại là khu vực hoá, toàn cầu hoá: nhiều nước trong khu vực, hoặc cả thế giới, tháo bỏ hoặc hạ thấp các rào cản thương mại, tiến tới đồng bộ hoá các luật lệ, thuế má, và nhất là chế độ QSHTT.  Khi tham gia vào các diễn đàn này, chúng ta cần quan tâm đến khác biệt giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế của QSHTT, và tác dụng của quyền này đến hố chênh lệch giàu nghèo giữa các nước.

      Tuy rằng các thoả hiệp đồng bộ hoá QSHTT sẽ làm mất đi một phần quyền tự do quyết định của mỗi nước, nó có hai tác động đối với các quốc gia thành viên: (1) san bằng những khác biệt về QSHTT giữa các nước, (2) lấp những lỗ hổng và tăng cường QSHTT mọi nơi.  Bởi lẽ, như đã nói ở trên, sự khác biệt về QSHTT xuyên quốc gia là yếu tố quan trọng khi một công ty chọn lựa nơi đầu tư và cách làm ăn (nhất là giữa FDI và chuyển giao công nghệ), tác đông thứ nhất của sự đồng bộ hoá QSHTT sẽ làm giảm đi tầm quan trọng của yếu tố ấy.  Nhìn cách khác, tiến trình đồng bộ hoá QSHTT sẽ có hậu quả là sự lựa chọn các kênh thương mại và đầu tư sẽ ngày càng ít tuỳ thuộc vào QSHTT.  Nói rõ hơn, những nước đang trong tiến trình thắt chặt QSHTT sẽ thấy lợi thế so sánh của mình mạnh thêm, trong khi những nước đã có QSHTT khá chặt chẽ sẽ lại thấy lợi thế của mình yếu đi.[9]

      Trong chừng mực mà ta dựa vào chế độ QSHTT để khuyến khích người nước ngoài nghiên cứu và phát triển công nghiệp thích hợp cho Việt Nam, cũng không nên quên rằng những nước có hoàn cảnh tương tự như ta cũng sẽ thụ hưởng thành quả của những phát minh ấy.  Do đó, để tránh họ "ăn ké" vào ta, ta phải nhất quán với họ, kêu gọi đóng góp của họ, vào những luật lệ về QSHTT của ta.

V.  Thay lời kết

      Trên đây đã nói đến cách sử dụng QSHTT để thu nhập công nghệ và đầu tư nước ngoài.  Song, chúng ta không nên quên pháp luật về QSHTT cũng phải nhằm bảo hộ quyền lợi của Việt Nam trên thị trường thế giới.  Có hai điều nổi bật. Một là,chúng ta cần cảnh giác đề phòng nước ngoài đăng ký QSHTT những hoá chất, những loại gen, có y dược tính mà họ rút ra từ sinh vật, khoáng chất đặc sản của ta.  Hai là, chúng ta cần luôn cảnh giác bảo vệ QSHTT của các nhà phát minh, thương hiệu Việt Nam ở nước ngoài. 

       Nhiều nghiên cứu cho thấy có một liên hệ giữa mức độ thu nhập và chế độ QSHTT của một nước.  Ở những quốc gia có thu nhập còn rất thấp thì nới lỏng QSHTT một ít thì thu nhập lại cao hơn.  Ở những nước có thu nhập trung bình thì khi thu nhập tăng lên QSHTT cũng cao hon.  Và những nước đã phát triển, có thu nhập hàng đầu thì qui mô và cường độ của QSHTT cũng là mạnh nhất.  Dù rằng, theo nguyên tắc khoa học, kết quả này không khẳng định là QSHTT gây phát triển hay ngược lại, nhưng rõ ràng là nó cho thấy có một liên hệ giữa nấc thang phát triển và QSHTT -- một liên hệ mà chúng ta phải khôn ngoan khai thác và hội nhập trong sách lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá của chúng ta.

Trần Hữu Dũng
Dayton
12/2002


 

[1]GS TS Kinh Tế, Wright State University, Hoa Kỳ.  Email: tran.dung@wright.edu

[2]QSHTT có nhiều loại: bằng sáng chế, bản quyền (các tác phẩm văn chuơng, nghệ thuật...), thương hiệu, thể thức quản lý, bí mật kinh doanh.  Lý do cấp phát QSHTT cho mỗi loại một khác.  Phần lớn bài này là về bằng sáng chế.

[3]Về vấn đề bản quyền cũng thế: Mỹ đã rất lâu không cho các tác giả ngoại quốc bản quyền.  Cho đến khi bị Anh trả đũa, không cho tác giả Mỹ tác quyền, thì Mỹ mới chịu cấp bản quyền cho dân nước khác.

[4]"Reverse engineering": tách tháo máy móc thiết bị, hoặc phân tích các hoá phẩm, để học hỏi bí quyết công nghệ, công thức chế biến.

[5]"Trade Related Aspects of Intellectual Property Rights Agreement" Thoả Hiệp về những Khía Cạnh của QSHTT Liên Hệ đến Thương Mại

[6]Như mọi luật pháp khác, QSHTT trên thực tế tuỳ thuộc rất lớn vào ngân sách và nỗ lực mà nhà nước dành cho khâu thực thi.

[7]Cũng cần một QSHTT đáng kể để bảo vệ các người mô phỏng trong nước chống lại sao chép

[8]Tuy rằng, trong ngắn hạn, triệt để bảo vệ QSHTT các thương hiệu có thể gây nhiều tổn phí kinh tế: đóng cửa các "công nghiệp sao chép" (nôm na là ... cấm làm hàng giả) sẽ làm nhiều người mất công ăn việc làm!

[9]Sự xích lại gần nhau do tiến trình đồng bộ hoá QSHTT (ngoài mức tăng QSHTT tuyệt đối) sẽ có lợi cho các công ty nhiều năng động sáng tạo. Giảm sự chênh lệch QSHTT tương đối thì sẽ làm vơi gánh nặng trên các công ty vì họ sẽ không tốn nhiều nguồn lực theo dõi QSHTT của từng nước.  Do đó các công ty sẽ có thể dồn nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) vào những khu vực mà mức thu hoạch toàn cầu là cao nhất.  Tăng mức QSHTT tuyệt đối thì sẽ tăng mức “hiệu ứng qui mô” (scale effects) của mọi hoạt động liên hệ đến QSHTT.