Báo Tia Sáng tháng 5/2003 Phát Triển Kinh Tế và Công Nghệ Thông Tin và Viễn Thông Trần Hữu Dũng Quan tâm về sự đóng góp của công nghệ thông tin và viễn thông (sẽ gọi tắt là CNTT&VT) vào phát triển kinh tế không phải là mới. Ngay từ năm 1984, Uỷ Ban Toàn Cầu về Phát Triển Viễn Thông của Liên Hợp Quốc đã có một báo cáo cho thấy tình trạng thiếu thốn điện thoại ("The Missing Link") là một trở ngại lớn cho phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có những ý kiến đối chọi nhau về vấn đề này. Một bên là những người xem CNTT&VT (nhất là mạng điện thoại) như là một con đởong quý báu cho phép các quốc gia nghèo "đốt giai đoạn" phát triển, đưa những nước này thẳng vào kỷ nguyên thông tin. Như ông tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan khẳng định: "Những công nghệ mới đem lại cho các quốc gia đang phát triển một cơ hội hi hữu để "nhảy vọt" những bước đầu của phát triển. Chúng ta cần tìm mọi cách để tối đa hoá sự tiếp cận của những quốc gia này vào những mạng thông tin mới." Những người có quan điểm này không những tin tưởng ở tiềm năng lợi ích của CNTT&VT nhưng còn nhấn mạnh rằng trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hoá, những nước không kết vào mạng thông tin và viễn thông sẽ ngày càng tụt hậu. "Hố ngăn cách số" (digital divide) là một cụm từ thời thượng được nhiều người dùng. Đó là hố chia cách giữa những người (hoặc quốc gia) có máy tính, điện thoại, khả năng truy cập Internet, và những người (hoặc quốc gia) không có. Nhiều người cho rằng hố ngăn cách này là một vấn đề kinh tế, xã hội (thậm chí dân quyền) đáng quan ngại, chẳng hạn như nó làm trầm trọng hơn sự chênh lệch thu nhập, nhất là giữa những người da màu và da trắng ở Mỹ. Đối nghịch phe trên là những người cho rằng "người ta không thể ăn máy tính"! Như Bill Gates nói "Thiên hạ có biết cuộc sống với 1 đô la một ngày là thế nào không? Ở mức đó con người cần nhiều thứ khác công nghệ ... Hầu như 99 phần trăm lợi ích của một máy vi tính là chỉ có được khi người sử dụng nó có sức khỏe và đã biết chữ." Theo quan điểm này, đầu tư vào CNTT&VT ở các nước nghèo sẽ bòn rút nguồn lực cần cho những yêu cầu phát triển bức xúc hơn. Hơn nữa, các nước nghèo không thể khai thác hết những lợi ich của CNTT&VT khi họ còn thiếu thốn những cơ sở hạ tầng như điện lực, giáo dục Trước khi đánh giá những quan điểm này cần phải nói rõ là CNTT&VT không chỉ gồm máy vi tính, Internet mà, có thể quan trọng hơn, cả hệ thống điện thoại. Cũng nên phân biệt khâu sử dụng và khâu sản xuất (kể cả sản xuất phần mềm). Ít ai nghi ngờ rằng công nghiệp CNTT&VT cần được thúc đẩy (như nhiều công nghiệp tân tiến khác) và những đóng góp tích cực của nó vào sự phát triển của một số quốc gia (như Ấn Độ) là quá rõ. Câu hỏi cho người làm chính sách là: khâu sử dụng CNTT&VT quan trọng đến bực nào đối với triển vọng của các quốc gia còn rất nghèo, và liên hệ, phải hội nhập ra sao kế hoạch CNTT&VT trong tổng thể sách lươc phát triển quốc gia? ■ Lợi ích và thực tế CNTT&VT có bốn đặc tính làm nó đặc biệt hấp dẫn trong sách lược phát triển toàn bộ. Một là, nó là kênh truyền giao hầu như mọi loại tri thức, giúp các nước đang phát triển tăng gia năng xuất và thu nhập công nghệ hiện đại nhất. Hai là, CNTT&VT khắc phục khoảng cách địa lý. Nhờ nó, bất cứ nơi nào cũng có thể trup cập thông tin từ bất cứ nơi nào khác, với phí tổn rất nhẹ. Khả năng này ngày càng tăng trưởng mạnh do những tiến bộ vô tuyến, vệ tinh, và điện đàm qua Internet. Ba là, nó có ứng dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chẳng hạn như một mạng máy vi tính cá nhân (PC) hoặc điện thoại di động có thể dùng trong giáo dục (giảng dạy từ xa), y tế (chẩn bệnh từ xa), hoặc kinh tế (nối liền nông thôn với thị trường thế giới). Bốn là, nó đem lại cho người sử dụng những lợi ích của cái mà các nhà kinh tế gọi là hiệu ứng tầm cở và hiệu ứng mạng. "Hiệu ứng tầm cở " (scale effects) là tình trạng giá thành giảm khi số lượng sản xuất tăng lên, Còn "hiệu ứng mạng" (network effects) là trường hợp số người sử dụng càng nhiều thì lợi ích sử dụng càng lớn (chẳng hạn như số người có điện thoại càng đông thì giá trị bộ điện thoại của mỗi người càng cao, vì có thể liên lạc với nhiều người hơn). Nhờ hai hiệu ứng này, giá trị của một thiết bị CNTT&VT là rất lớn, ngay khi trình độ phát triển quốc gia còn kém và thị trường địa phương còn nhỏ hẹp. . Năm là, CNTT&VT có cái độc đáo là kinh nghiệm người sử dụng sẽ đóng góp vào chất lượng của sản phẩm, nhất là về phần mềm. Nói cách khác, khâu sản xuất của công nghiệp này không thể phát triển tốt nếu trong nước không có đông người sử dụng. Tiếc là, kinh nghiệm đưa CNTT&VT vào một số quốc gia, nhất là các quốc gia chậm tiến, đã gây nhiều thất vọng. Hình ảnh những máy vi tính không người dùng nằm la liệt ở các trường học, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước là rất thường. Trên thực tế, tình trạng đó xảy ra là vì thiếu chuyên viên (và ngân sách) bảo trì, không đủ người huớng dẫn sử dụng, thiếu ứng dụng (trong đó có hàng rào ngôn ngữ) thích hợp với hoàn cảnh quốc gia , không được nối vào mạng, thậm chí không có cả một nguồn điện. Sự thực ấy cho thấy rằng không phải có thiện chí là đủ. ■ Đánh giá CNTT&VT Như vậy, muốn đánh giá CNTT&VT thì không chỉ nên biết những đặc tính kỹ thuật của nó, song phải khách quan điểm lại lợi ích của nó, nhất là trong tiến trình phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Nói chung, đó là: (1) Thứ nhất, cái giá trị nội tại của nó trong việc đem những ý mới cho những giới hiện ở ngoại vi đời sống văn minh toàn cầu. CNTT&VT tự nó sẽ làm phong phú chất luợng đời sống của mọi người. Nó đem những kiến thức hiện đại đến các vùng xa, vùng sâu, giúp giữ liên lạc với thân nhân, bạn bè dù đi làm ăn xa. CNTT&VT cũng cho phép mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ với toàn thế giới, có khi chỉ là qua bàn phím, hay nút bấm trên một điện thoại di động. CNTT&VT cũng giúp mọi người tham gia vào đời sống chính trị và xã hội của nước họ, tạo một tiếng nói cho nnhững thành phần thường vẫn bị bỏ bê, không ai nghe tiếng nói của họ. Đây là một lợi ích tách biệt những đóng góp của nó như một công cụ vào những mục tiêu phát triển khác. (2) Thứ hai, CNTT&VT đóng góp vào những lãnh vực khác, nhất là y tế (chẩn bịnh từ xa) và giáo duc (giáo dục từ xa). Phải nói rõ là trong vấn đề này, chúng ta không chỉ giới hạn trong Internet: radio và điện thoại cò thể được dùng (3) Thứ ba, vai trò của nó trong toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế. Rốt cuộc thì chìa khoá để có phát triển bền vững chính là tăng trưởng kinh tế. Trực giác cho rằng CNTT&VT đóng góp vào phát triển vì nó giúp tăng năng suất song, phải công nhận, bằng chứng thực nghiệm về tác dụng này hiện nay chưa rõ ràng lắm. Tuy nhiên, có rất nhiều thành công đó đây: công nghiệp phần mềm ở Ấn Độ; Estonia đã có một kế hoạch đem công nghệ này áp dụng rộng rãi và đã có nhiều kết quả tốt. Và ngay ở Trung Quốc, một nghiên cứu gần dây cho thấy số lượng điện thoại rõ ràng là đã giúp tăng thêm thu nhập nông thôn ở nườc này. ■ Kết luận Dần dần, có một sự đồng thuận giữa những người quan tâm đến vai trò của CNTT&VT trong phát triển: đó là phải nghĩ đến CNTT&VT như một công cụ của phát triển, không p[hải là mục tiêu tối hậu của phát triển. Hơn nữa, mỗi nước cần một chiến lược phát triển CNTT&VT khác nhau, ít nước nào giống nước nào. Chiến lược đó tuỳ vào lịch sử, địa lý, và mức độ phát triển của nước ấy. Đặc biệt, chính sách của một nước lớn, thị trường tương đối rộng (dù nghèo) là khác với một nước nhỏ, thị trường nội địa hạn chế, cần nhiều vào giao lưu với thế giới. Nổi bật một điều, ngày càng thấy rõ là chính sách về CNTT&VT song phải lồng trong khuôn khổ chiến lược phát triển toàn bộ. Trần Hữu Dũng
|