Diễn Đàn 130 Đọc "Book of Salt" của Monique Trương Trần Hữu Dũng Monique Trương, sinh năm 1968 tại Sài Gòn, theo gia đình sang Mỹ từ năm 1975, hiện là luật sư tại New York. Book of Salt (nguyên tác tiếng Anh, 261 trang, nxb Houghton Mifflin, New York, 2003) là tiểu thuyết đầu tay của cô. Tiểu thuyết này thuộc loại không cốt truyện. Nó là những hồi tưởng và tản mạn của một thanh niên đồng tính ái tên Bình (dựa trên một nhân vât có thật), nấu bếp cho hai nhà văn Gertrude Stein và Alice B. Toklas ở Paris vào những năm 1930. Chuyện có nhiều tầng: đối xử chủ tớ, quan hệ đồng tính ái giữa Stein và Toklas, giữa Bình và người đầu bếp Pháp khi còn ở Việt Nam và với một thanh niên Mỹ lai đen ở Paris, xung đột thế hệ giữa Bình và cha, bối cảnh thuộc địa Việt Nam và Pháp. Tác giả dàn dựng một không gian và thời gian trong đó nghệ thuật nấu nướng, lịch sử Việt Nam, sinh hoạt đồng tính ái (cả nam lẫn nữ), và tự truyện, lồng luyến nhau trong một dòng văn tinh tế, đôi lúc dí dỏm, nhưng luôn chừng mực. Văn Monique Trương nóng ấm, rất “nhiệt đới”, phảng phất một tấm lòng hoài cổ, và qua con mắt người đọc này, nó lóng lánh sắc màu quê hương của cô và chúng ta, trong nghĩa đen lẫn bóng. Monique Trương có óc tưởng tượng phong phú. Chọn bối cảnh "gia đình" Stein-Toklas vào thời điểm ấy ở Paris đối với một tác giả trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ hẳn là mạo hiểm văn chuơng vào một thế giới không quen thuộc, một thử thách lớn cho người viết. Trương đã hội nhập rất thành công cá tính đầy giai thoại của Stein và Toklas vào tiểu thuyết của cô. Gọi Gertrude Stein là GertrudeStein là một cách chơi chữ rất Gertrude Stein. Không trách Gertrude Stein -- người của câu "hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng" -- đã được Monique Trương cho mỉm cười khi nghe Bình gọi quả dứa là "quả lê không là quả lê." Song, trong không gian của Book of Salt, đó chẳng phải là một trò chơi chữ tinh nghịch cho vui. Đối với Bình, một thanh niên kém học, kiệm lời, không thạo tiếng Pháp, lối nói của Gertrude Stein trở thành một cách phát biểu phải đành, một yếu tố xuyên suốt khắp quyển chuyện. Monique Trương táo bạo đưa một người da vàng chân ướt chân ráo từ châu Á vào giữa lòng xã hội trí thức tây phương (Proust, Stein, Toklas, Robeson, Paris... còn gì "tây phưong" hơn?). Song, tuy nhân vật chính là người Việt, Book of Salt không có cái giới hạn thường gặp trong các tác phẩm văn chương chủng tộc. Đây là một quyển sách xứng đáng thuộc gọn trong chính mạch văn chương không biên giới (với hơi hướng Graham Greene, Marguerite Duras, V.S. Naipaul). Những cảm tính, khoắc khoải của Bình có tính "phổ quát", không bấu víu vào cái quá cá biệt Việt Nam (có lẽ nhờ vậy mà Book of Salt đã gây nhiều ấn tượng trong giới phê bình gia Mỹ). Cụ thể hơn, bằng cách đặt câu chuyện vào thời điểm giữa hai thế chiến, Monique Trương tránh những "phức tạp" của những năm máu lửa sau này. Đó là một quyết định khôn ngoan. Chỉ tiếc đôi lúc Monique Trương cũng chia sẻ với nhiều nhà văn ngoại quốc viết tiếng Anh một "thói tật": đó là dùng các nhân vật nổi tiếng, có thật trong lịch sử, nhưng không ăn nhập gì đến câu chuyện, trong tiểu thuyết của mình. Vài tác giả dùng thủ thuật này một cách khá kiến hiệu, song đa số không mấy thành công, chỉ gây hoang mang cho người đọc về dụng ý của người viết. Cuộc gặp gỡ ngắn giữa Bình và bác Hồ mà Monique Trương tưởng tượng trong Book of Salt, theo người đọc này, không thêm gì cho câu chuyện. Đọc tác phẩm đầu tay của một nhà văn trẻ, các nhà phê bình tốt bụng thường khuyến khích rằng người viết sẽ có nhiều thành công trong tương lai. Không cần nói thế về Book of Salt. Tương lai của Monique Trương đã đến. Trần Hữu Dũng
|