Tia Sáng
4/2003

Đọc "Về Thiên Đàng và Quyền Lực" của Robert Kagan

Trần Hữu Dũng

Trong thời sự thế giới hiện tại, với quyết tâm tấn công Iraq của Mỹ và những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước Tây Âu, một cuốn sách vừa xuất bản ở Mỹ đã gây sôi nổi trong giới trí thức và ngoại giao tây phương.  Đó là quyển "Về Thiên Đàng và Quyền Lực: Mỹ và Âu Châu trong Trật Tự Thế Giới Mới"[1] của Robert Kagan,[2] khai triển một bài ông đã viết cho tạp chí (khá bảo thủ) Policy Review mùa hè năm 2002.  Nhiều người cho rằng quyển này là một dấu mốc lớn trong tư tưởng nền móng cho chính sách ngoại giao của Mỹ, quan trọng không kém hai tác phẩm đã nổi tiếng: "Tận Điểm của Lịch sử" (1989) của Francis Fukuyama, và "Đụng Độ của các nền Văn Minh"  (1993) của Samuel Huntington.  Các nhà nghiên cứu chính sách đang bàn tán nhiều đến quyển sách này, một phần vì vài nhận xét của Kagan có vẻ khá tinh tế, lý luận của ông tương đối mạch lạc,[3] song phần lớn hẳn vì cái nhìn của Kagan được coi là phản ảnh quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay.

Kagan có hai nhận xét chính: Một là, thế giới quan của Mỹ và châu Âu bây giờ là rất khác nhau, và hai là, sở dĩ châu Âu ngày nay là "thiên đàng" (chữ trong tựa sách) là nhờ "quyền lực" của Mỹ.

Theo Kagan, sau khi trải qua nhiều thế kỷ xâm lấn đánh giết nhau, với hai trận Thế Chiến để lại quá nhiều tàn phá thương vong, châu Âu chỉ muốn được hoà bình, yên ổn sinh sống.  Mong mỏi này được củng cố thêm trong hơn nửa thế kỷ qua, sau khi nước Đức chẳng những đã hết hiếu chiến mà còn được tái thống nhất trong hòa bình, hội nhập vào cộng đồng châu Âu.  Tóm lại, châu Âu ngày nay gần như một "thiên đàng", sống trong một thứ thái bình vĩnh viễn như nhà triết học Kant đã dự tưởng, trong đó pháp chế, ngoại giao, tinh thần nhân nhượng là thống trị. Vì đã thành công giải quyết các vấn đề của họ mà không cần vũ lực, các nước châu Âu ngày nay cho rằng mọi tranh chấp, ở bất cứ đâu, đều có thể giải quyết cách ấy.

Mỹ, theo Kagan, thì có cái nhìn khác.  Đối với Mỹ, thế giới vẫn còn như một khu rừng man sơ đầy dã thú (như trong triết lý Hobbes), chỉ ngán sợ quyền lực.  Do đó, Mỹ có bổn phận làm người giữ trật tự an ninh cho nhân loại.   Kagan nhấn mạnh: châu Âu đã hưởng thái bình thịnh vượng trong hơn nửa thế kỷ qua chính là nhờ Mỹ. Từ việc phòng thủ lục địa này trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đến bảo đảm nguồn dầu hoả, đến thống nhất nước Đức, đến mang lại hoà bình ở Balkan, tất cả là nhờ sức mạnh quân sự, kinh tế, và sự lãnh đạo của Mỹ.  Hơn nữa, theo Kagan, Mỹ không giống những đế quốc thực dân châu Âu ngày xưa. Mỹ là một bá chủ "nhân từ", "quảng đại", chỉ muốn truyền bá những giá trị tiến bộ của nhân loại: "dân chủ", "tự do", "kinh tế thị truờng".  Người châu Âu biết rõ như vậy, Kagan khẳng định.

Song, theo ý Kagan, chính vì những dị biệt trong thế giới quan, và nhất là những chênh lệch quá lớn về sức mạnh quân sự, Mỹ và châu Âu không còn cùng một "ngôn ngữ", không còn nghĩ giống nhau về vai trò của quyền lực trong các vấn đề quốc tế.  Nói theo Kagan, hai bên không còn chia sẻ một "văn hoá chiến lược" ("strategic culture").  Câu nổi tiếng nhất của Kagan là "Người Mỹ đến từ sao Hoả, người Âu đến từ sao Kim." 

Vì những lý do trên, theo Kagan, không gì khó hiểu về sự khác nhau hiện nay giữa hai bờ Đại Tây Dương: chính cách của Mỹ là phản ảnh sức mạnh của Mỹ, còn chính sách châu Âu là phản ảnh sự nhược yếu của châu này.  Sự "chia tay" này không phải là nhất thời, chỉ xảy ra vì người cầm đầu chính phủ là ai đó, nhưng sẽ mải mải.  Cụ thể, đối với những người chỉ trích thái độ "cao bồi" của chính quyền Bush, Kagan khẳng định rằng ngay Clinton cũng đã thay đổi chính sách từ đa phương (nhiệm kỳ 1) sang đơn phương (nhiệm kỳ 2)

Kagan không ngạc nhiên về thái độ bài Mỹ ở châu Âu những năm gần đây.  Mỹ, với tham vọng bá quyền, dùng ngôn ngữ của quyền lực, châu Âu  ̶  quá lý tưởng  ̶  thì dùng ngôn ngữ của hoà bình. Vì cắt giảm ngân sách quân sự, các quốc gia châu Âu đã không còn ảnh hưởng gì trong các quyết định quân sự trong liên minh của họ với Mỹ. Chính sự chênh lệch quân sự giữa châu Âu và Mỹ, theo Kagan, đã làm yếu đi liên hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.  Hơn nữa, sự sụp đổ của Liên Xô không những đã loại trừ đối thủ chiến lược của Tây Âu, nó còn làm giảm đi vai trò của Tây Âu trên chính trị toàn cầu.  

Như đa số các nhà bình luận Mỹ hiện nay, Kagan không ngần ngại ca tụng địa vị độc tôn của Mỹ.  Ông mạnh dạn khẳng định Mỹ đã làm nhiều điều tốt hơn xấu, rằng thế giới ngày nay tốt đẹp là nhờ sự khống trị, bá quyền của Mỹ.  Kagan cho rằng Mỹ không nên để những thể chế quốc tế ràng buộc, làm giảm công hiệu những hành động đơn phương của Mỹ.

Theo Kagan, các nước Tây Âu đã không dám nhìn nhận hiểm hoạ của Iraq, mà đối với Mỹ thì quá rõ ràng.  Thái độ "hiếu hoà" của châu Âu, theo Kagan, không phải vì châu Âu đạo đức gì hơn Mỹ, nhưng chỉ vì châu Âu quá yếu đuối về quân sự. Tuy nhiên, Kagan không đổ lỗi hoàn toàn cho Tây Âu, ông cũng cho rằng chính quyền Bush quá kiêu căng.  Ông ta khuyến cáo chính quyền Bush nên nể trọng hơn ý kiến của các quốc gia khác.  Tuy nhiên cuối cùng Kagan vẫn nghĩ rằng Mỹ có thể hành động đơn phương, không cần sự đồng ý của châu Âu. 

Nhiều nhà bình luận cho rằng sở dĩ Kagan nổi tiếng là vì lý luận của ông có vẻ thích hơp với thời hiện đai. Khi lịch sử chuyển sang một giai đoạn khác thì những ý kiến của ông cũng sẽ trở thành lỗi thời.  Hơn nữa, những nhận xét của Kagan cũng không đúng cho mọi quốc gia châu Âu (như Anh, Tây Ban Nha, Ý ... ).  Và khi nói đến "quyền lực", Kagan chỉ chú trọng đến sức mạnh quân sự, không nói gì đến sức mạnh kinh tế, văn hoá, đạo đức ...  Kagan cũng không nói gì về ảnh hưởng của chính sách ngoại giao Mỹ trong nội bộ nước Mỹ, cũng như đối với những thể chế quốc tế mà Mỹ đã góp công xây dựng tử cuối Thế Chiến II (hay trước nữa) đến nay.

Mặc dù Kagan giới hạn đề tài quyển sách vào Mỹ và châu Âu, người đọc không thể không nghi ngờ là sự lơ là của Kagan đối với "phần còn lại" của thế giới cũng là phản ảnh thái độ của chính quyền Mỹ.  Dù có hùng mạnh đến đâu, châu Âu và Mỹ cũng không thể quyết định tương lai nhân loại.  Sự trổi dậy của châu Á, và những biến chuyển gần đây ở Bắc Triều Tiên đã nhắc ta điều ấy.  Mặc dù quyển sách được nhiều người xem như đưa Kagan vào lớp lý thuyết gia hàng đầu, song, ngoài vài ý kiến tương đối mới (và chưa chắc đúng), nó rất hạn chế và phiến diện.

Trần Hữu Dũng
Dayton
Tháng 3, 2003
.


[1] Robert Kagan,  2003, Of Paradise and Power: America and Europe in the New World Order, New York: Knopf.

[2] Kagan, 44 tuổi, là một viên chức trong chính quyền Reagan từ năm 1984 đến 1988, hiện chủ nhiệm một phân ban trong "lò nghiên cứu" Carnegie Endowment for International Peace nhiều uy tín ở Mỹ. Ông cũng thường viết cho nhiều báo chí và tập san.

[3] Phần khác cũng vì sách khá ngắn (104 trang, chữ to, khổ nhỏ) dễ đọc!