Tia Sáng
Jared Diamond và vận mệnh các xã hội loài người
Trần Hữu Dũng
Jared Diamond (người Mỹ, sinh năm 1937) hiện là giáo sư địa lí của trường đại học California tại Los Angeles (UCLA). Tuy ông có bằng tiến sĩ về sinh lí học, nhưng kiến thức của ông bao trùm hầu như mọi ngành, từ kiến trúc, ngôn ngữ, khảo cổ, đến động vật học, y học. Ông cũng không phải là một học giả “tháp ngà”: ông đã đi khắp châu lục, thậm chí sống nhiều năm ở những nơi gần như “tận cùng thế giới” (như đảo Tân Ghi-nê, đảo Phục Sinh). Hai cuốn sách của ông (một cuốn ra năm 1997, đoạt giải Pulitzer, thuộc hàng “best seller”, và một cuốn vừa ra cuối năm 2004) đã đặt ông vào hàng ngũ những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.
Từ khoảng đầu thập niên 90 đến nay, Jared Diamond bị nung nấu bởi một câu hỏi: Sau hơn 13000 năm lịch sử, tại sao sự phát triển của các giống dân trên thế giới đã trở thành quá khác nhau như ngày nay? Theo Diamond, các nhà viết sử (ít ra ở phương Tây) đã phạm một lỗi lầm vì họ đã nhìn không đúng khuôn mặt lịch sử của loài người. Cụ thể, họ chỉ chú trọng vào các xã hội tương đối văn minh (ít nhất là có chữ viết) ở Âu Á (Eurasia) và Bắc Phi, và ngay trong dòng sử của lục địa Âu Á, họ lại chỉ tập trung vào phía Tây, ít chú ý đến các quốc gia phía Đông (nổi bật là Trung Quốc, nhưng kể cả Nhật Bản và Đông Nam Á). Hơn nữa, phần lớn sử kí hiện nay là chỉ nhìn vào khoảng 3000 năm sau này, dù rằng khoảng thời gian đó chỉ là 0,1% trong chiều dài 5 triệu năm loài người có mặt trên trái đất. Theo Diamond, nhờ những tiến bộ như sinh vật học phân tử, di truyển học, sinh địa lý, khảo cổ học, và ngôn ngữ học, đã đến lúc chúng ta có thể giải thích sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước.
I
Trong cuốn “Súng, Vi trùng, và Thép: Định mệnh của các Xã hội Loài người” (“Guns, Germs, and Steel: The Fates of Human Societies”, New York: Norton, 1997) Jared Diamond viện dẫn những yếu tố môi trường và cấu trúc để giải thích tại sao các nước tây phương trở nên thống trị thế giới. Mục đích của ông, Diamond bộc bạch ngay từ đầu, là nhằm triệt hạ những ý kiến cho rằng chủng tộc, văn hoá, và truyền thống có ảnh hưởng quyết định đến những khác biệt về công nghệ của những xã hội khác nhau, trên những châu lục khác nhau, trong suốt lịch sử.
Diamond tóm tắt phát hiện của ông như sau: Lịch sử của các nhóm dân khác nhau là khác nhau không phải vì sự khác biệt sinh học (biological) giữa các sắc dân, nhưng vì sự khác biệt về môi trường sinh sống ngay từ đầu. Nói cách khác, lí do căn bản của sự bất bình đẳng trong thế giới ngày nay bắt nguồn từ rất xa trong quá khứ. Nói thẳng hơn nữa: Jared Diamond hoàn toàn bác bỏ những lí thuyết “chủng tộc”, cho là giống dân này bẩm sinh “thông minh” hơn, hoặc “tài ba” hơn giống dân khác.
Hãy lấy năm 1500 sau công nguyên làm điểm mốc. Có thể xem năm này là khởi điểm thời kì các nước châu Âu đi chinh phục các châu lục khác. Lúc ấy thì các nước đã có những khác biệt về trình độ công nghệ và tổ chức chính trị. Phần lớn Âu Á và Bắc Phi đã có những quốc gia ở vào thời kỳ đồ sắt, thậm chí vài nước đã sắp sang thời kì công nghiệp hoá. Hai nhóm ở châu Mỹ (Inca và Aztec) đã là những đế quốc có dụng cụ bằng đá và bắt đầu thử nghiệm với đồng. Những dân tộc khác thì kém phát triển hơn: đa số dân ở châu Úc, châu Mỹ, và châu Phi (dưới Sahara) vẫn còn hoàn toàn dựa vào nông nghiệp, thậm chí vài nhóm vẫn còn sống nhờ săn bắn và lượm nhặt với khí cụ bằng đá.
Lẽ dĩ nhiên, những khác biệt ấy về trình độ công nghệ vào khoảng năm 1500 là nguyên do gần gũi nhất đưa đến sự chênh lệch hiện nay trên thế giới. Những đế quốc có khí cụ bằng sắt sẽ chinh phục hoặc tiêu diệt những nhóm dân chỉ có khí cụ bằng đá. Nhưng Jared Diamond không hoàn toàn thỏa mãn với cách trả lời này. Ông gặng hỏi: Nhưng tại sao thế giới lại có tình trạng ấy vào năm 1500?
Ngược dòng lịch sử xa hơn nữa, từ khi thời Đại Băng Hà chấm dứt cho đến 11000 trước tây lịch, mọi người ở khắp các châu lục đều sống nhờ săn bắn và hái nhặt. Như vậy, chính sự khác biệt về tốc độ phát triển (cụ thể là giữa lục địa Âu Á và những lục địa khác) từ năm 11000 trước tây lịch đến 1500 sau tây lịch đã đưa đến sự chênh lệch mà ta thấy khoảng năm 1500.
Jared Diamond đơn cử trường hợp châu Âu thuộc địa hoá Tân Thế giới. Hiển nhiên, đó là vì người Âu có tàu bè, có tổ chức chính trị, có súng, có gươm thép, có ngựa, rồi cơ may lại đem theo những loại vi trùng bệnh tật giết thổ dân da đỏ ngay trước khi những người này đứng lên chống cự (vì thế có tên sách “Súng, Vi trùng, và Thép”). Song Diamond không dừng lại ở đó, ông tra hỏi thêm: Thế thì tại sao dân châu Âu có những lợi điểm ấy mà thổ dân châu Mỹ không có (đặc biệt, tại sao các vi trùng của dân châu Âu lại độc địa đối với thổ dân châu Mỹ, thay vì ngược lại?). Càng truy gặng, càng lùi ngược về quá khứ, Diamond càng thấy các yếu tố môi trường là quan trọng.
Cụ thể, Diamond phân biệt bốn cách khác nhau về môi trường:
(1) Khác nhau thứ nhất giữa những đại lục là về các giống thảo mộc và động vật hoang dã mà con người có thể đem về nuôi trồng. Ông lí luận rằng khả năng nuôi trồng là quyết định khả năng có lương thực thặng dư, và chỉ khi lương thực có thặng dư thì xã hội mới “nuôi” đuợc một thành phần “chuyên viên” giúp xã hội phát triển những lãnh vực như công nghệ, văn hoá, v.v. Chính những phát triển này sẽ tạo cho xã hội liên hệ những ưu thế chính trị và quân sự so với láng giềng.
(2) Khác nhau thứ hai là về những yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển dịch (cả người lẫn vật) trong cùng một lục địa. Những sự chuyển dịch này là dễ dàng nhất ở lục địa Âu Á, bởi vì hướng chính của lục địa này là đông tây, tưong đối ít có những ngăn trở môi sinh và địa lí.
(3) Khác nhau thứ ba là về những yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển dịch giữa các lục địa. Vì những ngăn trở địa lí, nhiều lục địa không nhận được những công nghệ hay thú vật, thảo mộc từ các lục địa khác. Song, Diamond nhìn nhận, sự biệt lập này lắm khi cũng có lợi vì nó khuyến khích phát triển những giống vật nuôi trồng tại địa phương, cũng như các công nghệ bản địa.
(4) Cái khác nhau cuối cùng là về dân số và diện tích đất đai. Lục địa càng rộng, càng đông dân, thì càng có nhiều người phát minh. Hơn nữa, trong một lục địa như vậy cũng sẽ có nhiều xã hội tranh đua nhau hơn, rồi chính sự tranh đua giữa các xã hội gần gũi nhau đó sẽ gây áp lực phát minh và cải cách, bởi lẽ những quốc gia “tụt hậu” sẽ bị các quốc gia khác thống trị, thậm chí tiêu diệt.
Một đoạn thích thú trong quyển sách là sự so sánh của Diamond về sự tiến bộ công nghệ giữa Trung Quốc và tây phương. Trung Quốc đã có những hạm đội viễn dương vào những năm đầu của thế kỉ 15, nhưng sau đó không lâu thì lại giải thể hạm đội này, chấm dứt mọi hoạt động viễn du, vì lệnh triều đình (cụ thể là do sự tranh chấp quyền lực giữa hai phe trong triều đình lúc ấy). Ở châu Âu, trái lại, nhà thám hiểm Columbus đã tìm được tài trợ cho chuyến đi của ông từ triều đình Tây Ban Nha sau khi bị nhiều nơi khác từ chối. Theo Diamond, sự thống nhất của Trung Quốc cho phép nước này canh tân trước phương tây, song cũng chính sự thống nhất sớm của Trung Quốc đã làm giảm đi khả năng “đổi mới” của nước này. Triều đình ra lệnh một cái là mọi hoạt động canh tân dừng lại ngay! Ở châu Âu thì khác: một tiến bộ bị ngăn chận ở nước này sẽ có thể được tiếp tục ở nước khác. Các nước châu Âu đủ gần gũi nhau để chia sẻ những ý kiến mới, nhưng quyền hành lại không tập trung đến độ có thể hoàn toàn giết chết một ý mới. Theo Diamond, đây là một bài học cho hiện tại, khi mà sự tập trung trong các môi trường truyền thông, nhà nước, và văn hoá ngày càng lớn
Tuy ít ai không nễ phục sự uyên bác của Jared Diamond về hàng loạt lãnh vực, song nhiều người vẫn không thấy thật sự bị thuyết phục bởi trọng tâm ý kiến của ông (mà họ nghĩ rằng) theo đó mọi việc đều là hậu quả tất nhiên của địa lí, cộng với tình trạng dân số ngày càng cao. Nhiều ngừơi cho rằng Diamond coi nhẹ vai trò của trí tuệ và do đó đã không thấy hết sự quan trọng của khoa học trong tiến trình lịch sử. Diamond cũng thường bị trách là nhìn tôn giáo quá phiến diện, bởi vì theo ông thì tôn giáo chỉ là một cách tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trong lời bạt viết thêm khi cuốn này tái bản năm 2003, Diamond khẳng định không hề xem nhẹ những yếu tố về con người, tư tưởng, hay văn hoá. Ông chỉ muốn nói rằng nhìn suốt nhiều nghìn năm lịch sử thì ảnh hưởng của môi trường và địa lí mới thực có tính quyết định.
II
Cuối năm 2004, Jared Diamond xuất bản cuốn “Sụp đổ: Cách Xã hội Chọn Thất bại Hoặc Thành công” (“Collapse: How Societies Choose to Fail or Succeed”, New York: Viking). Quyển này tiếp tục tiếp cận của quyển trước, tức là dựa vào những yếu tố môi trường và cơ cấu xã hội để giải thích lịch sử của xã hội ấy. Tuy nhiên, trong khi cuốn trước tìm cách lí giải sự thống trị của văn minh tây phương trên phần lớn thế giới, thì bây giờ Diamond nghiền ngẫm nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của một số nền văn minh.
Trong cuốn này Jared Diamond trình bày khá chi tiết lịch sử của một số xã hội đã thất bại: Ba đảo ở các vùng bể khá ấm áp (đảo Phục Sinh, đảo Pitcairn, và Haiti), một đảo ở vùng khá lạnh (Grin-len), một vùng bán sa mạc ở lục địa (dân Anasazi miền Tây Nam Hoa Kỳ), một vùng rừng nhiệt đới ở lục địa (dân Maya ở Mê-hi-cô), bang Montana của Mỹ, cũng như vài trường hợp khác như cuộc tàn sát gần đây ở Rwanda, hay hiện trạng xã hội và kinh tế suy sụp ở Haiti.
Một lí do khiến nhiều xã hội thất bại, trong lúc nhiều xã hội khác thành công, theo Jared Diamond, là ảnh hưởng môi trường, Ở những nơi khí hậu khắc nghiệt (như quá lạnh, hoặc quá khô) thì một quyết định sai quấy dù nhỏ trong cũng đủ gây diệt vong. Ở những nơi khác, như miền nhiệt đới, hoặc nơi nhiều mưa, nhiều nước ngọt, thì lầm lỗi trong quyết định sẽ không tai hại như thế. Nhìn qua các lí do đưa đến sự diệt vong của những xã hội trong lịch sử, Diamond liệt kê năm yếu tố:
(1) Tổn hại môi trường. (2) Thay đổi khí hậu, ví dụ như thời tiết lạnh hơn hoặc khô hơn. (3) Liên hệ giữa xã hội và các lân bang thù địch. (4) Liên hệ với những láng giềng thân thiện. (5) Cách đối phó của tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội trước những khó khăn xảy ra.
Tầm quan trọng tương đối của năm yếu tố trên tuỳ thuộc vào từng trường hợp. Jared Diamond đưa ra nhiều dẫn chứng. Trường hợp thứ nhất là sự sụp đổ của xã hội Pô-ly-nê-xia trên đảo Phục Sinh (mang tên ấy vì nhà thám hiểm Jacob Roggeveen đã tìm ra đảo này vào ngày lễ Phục Sinh năm 1722) ba thế kỉ trước đây là do yếu tố môi trường. Yếu tố (2)-(4) thì gần như không có vai trò gì trong sự sụp đổ này. Trường hợp thứ hai là sự sụp đổ của bộ lạc Anasazi ở Tây Nam nước Mỹ do ảnh hưởng của tổn hại môi trường và thay đổi thời tiết.
Sự sụp đổ của văn minh Maya ở bán đảo Yucatan (Trung Mỹ) là do yếu tố (1) và (2), cộng với (5). Trước Columbus, văn minh Maya là văn minh cao nhất ở Tân Thế Giới. Họ có những sáng tạo nổi bật về chữ viết, về thiên văn, về kiến trúc, và nghệ thuật. Phát sinh ngay từ vùng ấy hơn 2500 năm trước tây lịch, các xã hội Maya ngày càng phát triển từ 250 sau tây lịch trở đi, đạt đến tột đỉnh vào khoảng thế kỉ thứ 8. Nhưng đến thế kỉ thứ 10 thì nền văn minh này hoàn toàn sụp đổ: 90% dân số biến mất, những đô thị của họ bị rừng bao phủ. Việc gì đã xảy ra?
Lí do chính là sự huỹ hoại môi trường: cây cối bị đốn, đất bị mòn, và nhiều bất cập về cách quản lí nước. Hậu quả là số lượng lương thực bị giảm đi. Những vấn đề này càng trầm trọng thêm vì hạn hán, mà lí do lại có thể tại con người phá rừng. Thêm nữa, với đất trồng trọt và các tài nguyên khác ngày càng ít đi, giặc giã giành giựt xảy ra liên miên.
Tại sao các nhà vua Maya không thấy những vấn đề này? Chắc chắn là họ thấy rừng ngày càng bị tàn phá, đất đai bị xói mòn? Một phần lí do là vì họ sống xa dân chúng, không thấy những vấn đề ảnh hưởng đến đa số xã hội. Bằng cách bốc lột dân chúng, họ sống phè phỡn trong lúc dân chúng chết đói. Hơn nữa, những vị vua này lại tranh giành quyền lực với nhau, và đua đòi phô trương cuộc sống xa hoa. Sống cách biệt với dân chúng, họ chỉ thành công ở một điều: đó là họ chết đói sau cùng!
Trường hợp thứ ba là sự sụp đổ của xã hội Pô-ly-nê-xia trên các đảo Henderson và Pitcairn ở Thái Bình Dương, phần nhỏ là do những tổn hại môi trường tự họ gây ra, nhưng phần lớn là sự mất ngoại thương vì một đối tác ngoại thương của họ bị sụp đổ. Do đó có thể nói là sự sụp đổ này phần lớn không do lỗi của họ. Về nhiều mặt, hai đảo này là thiên đuờng nhiệt đới, khá phong phú nhiều loại lương thực và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, họ phải nhâp khẩu từ đảo Mangareva (cách đó hàng trăm hải lí) các thuyền con, hoa mầu, gia cầm, và võ sò để làm khí cụ. Rủi thay, xã hội Mangareva lại sụp đổ vì lí do giống như xã hội Maya (tàn phá rừng, đất mòn, và chiến tranh). Mất những nguồn nhập khẩu, các xã hội Pitcairn và Henderson suy tàn cho đến khi mọi người một là chết, hai là bỏ đi nơi khác.
Trường hợp cuối cùng là sự sụp đổ của dân Norse ở Grin-len (Greenland) vì cả năm yếu tố kể trên. Trước hết, phải nhận rằng tổ chức xã hội của dân Norse định cư ở Grin-len có nhiều lợi thế: những người này đã du nhập các thể chế văn hoá, tôn giáo v.v. khá phát triển từ nguyên quán của họ ở Bắc Âu. Tuy nhiên, lỗi lầm của họ là không thấy cái tương khắc giữa sự tồn tại văn hoá và sự tồn tại sinh học. Nói cách khác, thay vì thích ứng với môi trường Grin-len để sống sót (như láng giềng họ là dân Inuit, tuy không “văn minh” bằng, vẫn tồn tại đến ngày nay), dân Norse khư khư giữ lấy văn hoá (nhất là phong tục ăn thịt, nhất định dù chết cũng không ăn cá!). Họ bị diệt chủng sau hơn bốn thế kỉ là vì thế.
Tất nhiên nhiều xã hội khác cũng đã suy tàn, ngoài những ví dụ đơn cử trên đây, chẳng hạn như văn minh Khờ Me, hay tình trạng Rwanda, thổ dân châu Úc, nước Haiti, v.v.
Một điều khá nổi bật trong lí giải của Diamond là hầu hết các xã hội diệt vong đã gặp vận mạng ấy không phải vì các xã hội ấy bị “giết” bởi một cái gì bên ngoài, nhưng mà do chính họ “tự tử”. Nhận xét này đặt cho Diamond một câu hỏi: tại sao quyết định tập thể lại thất bại? Tất nhiên, cá nhân ai cũng có những quyết định sai lầm: trong hôn nhân, trong chọn lựa nghề nghiệp, trong kinh doanh, v.v. Nhưng có nhiều yếu tố khác khiến tập thể có quyết định sai lầm, chẳng hạn như những xung khắc trong quyền lợi của thành viên, và những “tính động của nhóm” (group dynamics). Tuy Diamond nhận rằng đây là một đề tài phức tạp không có một câu trả lời duy nhất, nhưng ông có thử phác hoạ một “lộ trình” đóng góp vào sự thất bại của các quyết định tập thể.
Ông chia “lộ trình” này làm bốn khâu đoạn. Trước hết, một tập thể có thể không thấy một vấn đề trước khi nó xảy ra. Thứ hai, khi vấn đề đó xảy ra thì tập thể ấy có thể không nhận chân được nó. Thứ ba, khi tập thể nhận ra vấn đề thì họ cũng không cố gắng giải quyết nó. Và cuối cùng, họ có thể cố giải quyết nhưng không thành công.
(1) Một tập thể có thể không dự đoán được sự cố trước khi nó xảy ra, vì nhiều lí do. Một là họ chưa bao giờ trải nghiệm sự cố ấy trong quá khứ, do đó nó nằm ngoài tưởng tượng của họ. Hai là, sự cố tương tự đã từng có trong quá khứ, nhưng đã quá xa trong dĩ vãng và không ai trong tập thể còn nhớ nó nữa (điều này đặc biệt nghiêm trọng cho những xã hội không có chữ víết). Ba là, một xã hội không thấy trước vấn đề có thể vì họ suy diễn sai lầm (tương tự như, sau Thế Chiến I, Pháp xây dựng phòng tuyến Maginot để chống Đức vì nghĩ rằng trong tương lai Đức cũng sẽ xâm lăng Pháp theo chiến thuật mà Đức đã dùng).
(2) Sau khi sự cố đã thành hiện thực, một tập thể có thể không nhận thấy nó. Có ba lí do. Thứ nhất, nguyên nhân của nhiều hiện tượng rất khó thấy. Chẳng hạn như nhiều tập thể đã không biết tại sao đất trồng trọt của mình trở thành kém màu mỡ đi. Thứ hai, có thể là người quản lí sống nơi khác, không biết được tình huống đang xảy ra ở một địa phương. Thứ ba, và thường nhất, một xã hội có thể không nhận thấy một hiện tượng khi hiện tượng đó xảy ra dần dần, qua thời gian dài, lại vừa có thể dao động lên xuống. Ví dụ như ngày nay nhiều người phủ nhận là trái đất ngày càng ấm, vì nếu nhìn vào nhiệt độ trung bình thì có năm thì nóng, có năm lại lạnh hơn bình thường. Chỉ khi nhìn vào xu huớng nhiệt độ hàng thế kỉ thì mới thấy nó có đà lên cao.
(3) Song, theo Diamond, lí do quan trọng nhất là dù sự cố đã xảy ra, và tập thể nhận xét đúng, nhưng không đối phó được vì một thiểu số sẽ theo đuổi quyền lợi (ích kỉ) của bản thân họ dù hành động ấy sẽ tổn hại, thậm chí hoàn toàn trái ngược quyền lợi cộng đồng.
(4) Cuối cùng, một tập thể có thể không phạm những lỗi lầm (1)-(3) nhưng cố gắng của họ là không hiệu quả, giải pháp quá tốn kém, không đủ mạnh, quá chậm, hoặc gây ra những tai hại khác.
Vậy, Jared Diamond kết luận, xã hội đã có nhiều quyết định thãm hại do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, ông cũng bảo rằng không phải là xã hội nào cũng thất bại, bằng cớ là hiện nay loài người vẫn còn tồn tại! Hơn nữa, nhân loại ngày nay có nhiều lợi điểm hơn trong quá khứ. Một là chúng ta có nhiều thông tin hơn về kinh nghiệm những nơi khác, đang xảy ra cũng như trong quá khứ, mà chúng ta có thể học hỏi được. Hai là, nhờ “toàn cầu hoá”, mỗi quốc gia không còn tuỳ thuộc vào chỉ một quốc gia khác. Về khoa học và công nghệ, tuy Diamond nhìn nhận rằng nó có ích, song ông cũng cảnh báo là chính công nghệ có thể gây ra nhiều hiểm họa mới. (Bill Gates, trong bài điểm sách của Jared Diamond, cũng nhất trí điều này.)
Tuy Jared Diamond có những khám phá mới lạ và nhiệt tình biện hộ cho cách lí giải lịch sử của mình, ông cũng nhận rằng nhiều lối giải thích khác (chẳng hạn như ý kiến nổi tiếng của Thomas Carlyle theo đó lịch sử là do những “vĩ nhân” uốn nắn) có thể có ích hơn trong những trường hợp nào đó (ví dụ như khi giải thích những giai đoạn ngắn). Nhiều người quý mến thái độ hoà nhã này của Diamond, song cũng có người cho rằng ông có thói “ba phải”. Một chỉ trích nữa là Diamond tuyển chọn những kinh nghiệm lịch sử quá cá biệt. Tuy nhiên, muốn đánh giá đúng đắn lí thuyết của Jared Diamond, cần phải đọc toàn bộ tác phẩm của ông. Một bài giới thiệu ngắn như thế này, dù trung thực, cũng không thể dồi dào và súc tích như nguyên bản.
Trần Hữu Dũng Dayton, Hoa Kỳ 1/2005
|