Diễn Đàn - 131
Tháng 7, 2003



Trần Hữu Dũng

Đọc lê thị diễm thúy
The Gangster We Are All Looking For

Alfred Knopf, New York, 2003
176 trang, 18 USD

Như e.e.cummings, lê thị diễm thúy viết tên mình không dùng chữ hoa (chẳng vì lý do nào cả, cô cho biết). Cô sinh ở Phan Thiết năm 1972, theo cha đến nam California (Mỹ) lúc sáu tuổi. Trước đây nhiều người biết diễm thúy như một tác giả tự diễn những vở kịch một người. The Gansgter We Are All Looking For ("Tên Găngxtơ Mà Mọi Chúng Tôi Đang Tìm Kiếm"), nguyên tác tiếng Anh, là quyển tiểu thuyết đầu tay của cô.

Khác với Monique Trương (xem Diễn Đàn số 130), không gian câu chuyện của lê thị diễm thúy rất Việt Nam: một gia đình "thuyền nhân" sang Mỹ vào cuối thập niên 70. Người xưng "tôi" trong tiểu thuyết là một bé gái, con của nhân vật "gangster" trong tựa truyện. Tác phẩm bắt đầu khi bé còn dưới mươi tuổi, và ngưng vào lúc em trở thành một thiếu nữ đã "thoát ly" gia đình. Thế giới của bé xoay quanh người cha (tự gọi là "gangster" vì cuộc sống ngoài vòng pháp luật của anh ta lúc còn trẻ), và sau đó có mẹ (đến Mỹ sau cô và cha). Cô bé nhìn cha mẹ, nhớ lại người anh (bị chết đuối ở Việt Nam), và quan sát láng giềng trong những năm lớn lên ở San Diego. Tên gangster giờ đã trở thành một người đàn ông nhụt chí, ít nói, say thường hơn tỉnh, và hầu như luôn luôn giận dữ, chua cay.

Lê thị diễm thuý viết về những kinh nghiệm mà người Việt sang Mỹ sau chiến tranh đều chia sẻ ít nhiều: những cái "job" lao động chân tay, cuộc sống từ chung cư này đến chung cư khác. Văn diễm thuý cần kiệm, giản dị, nhưng súc tích. Cô có con mắt của một hoạ sĩ. Ấn tượng diễm thuý là thủy triều, là bờ cát, là mặt trời vùng biển của Phan Thiết, của nam Cali. Nó không mượt mà, dài dòng, nhưng gọn, lẳng, và sạch như những hòn sỏi. Cô viết như một võ sĩ quyền anh với những cú thọc nhẹ, ngắn, liên tục, rồi đột nhiên làm độc giả choáng váng bằng một câu văn lộng lẫy, một nhận xét tinh tế bất ngờ . Tiếc thay những khoảnh khắc đó hơi ít, khá thưa.

Tiểu thuyết nổi bật với hình ảnh của "nước" (diễm thúy dùng tiếng Việt đôi chỗ trong tác phẩm) bàng bạc xuyên suốt: nước bể, nước mưa, nước hồ tắm, và nước Việt Nam. Năm chương của quyển truyện đến với người đọc như những đợt sóng dồn dâp liên tiếp: chương đầu nhấp nhô, và càng về sau thì đợt sóng mỗi chương càng dài, càng mạnh, càng cao. Những lúc khác, quyển truyện làm liên tưởng đến một chiếc xuồng tam bản tròng trành trên nước. Không ai biết nó từ đâu đến.và sẽ đi đâu. Gió không mạnh, sóng chỉ lô nhô, nhưng bầu trời thì mông mênh, và thấp thoáng xa xa là màu đen của đêm.

Tuy là tự truyện của một cô bé gốc Việt, The Gangster We Are All Looking For gây nhiều rung cảm không vì tính khác lạ ngoại lai của nó, nhưng bằng cách khơi dậy những tình huống chung của phận người. Đàng khác, kể chuyện qua con mắt của một em bé là một hạn chế thấy rõ ở đây, vì nó không cho phép tác giả viết xa hơn những gì mà một cô bé tuổi ấy có thể cảm nghĩ. Nói cách khác, không thể đi quá sâu vào nội tâm. Hấp lực của câu chuyện phải nương tựa vào ngoại cảnh của người kể. Và ở đây, trong phương diện này, lê thị diễm thúy đã "may mắn" có một ngoại cảnh súc tích ngoài tưởng tượng.

Rất tiếc là nhiều độc giả ngoại quốc (nhất là Mỹ) đến với nhà văn (gốc) Việt hiện đại với đòi hỏi ở tác giả một thông điệp nào đó về chiến tranh, thậm chí về chế độ. Nhiều nhà phê bình Mỹ đã đọc Gangster qua lăng kính này, và cho rằng, so với các tác giả Mỹ, cái đặc sắc của diễm thúy là ở chỗ cô "cho thấy" người Mỹ là phụ thuộc trong đời sống của đông đảo người Việt. Tuy đó là lời khen, nhưng nó phản ảnh một cách đọc quá chủ quan dân tộc, quá kẻ cả. Không nên đọc và đánh giá Gangster như một tác phẩm về Việt Nam, càng không phải một tác phẩm về Mỹ và Việt Nam. Nó là tác phẩm về một nhóm người bị bứng rễ từ một văn hoá này sang một văn hoá khác, là một quyển tiểu thuyết chiến tranh phi chiến tranh.

Song phải nói rằng Gangster là một cuốn sách chưa lớn, thiếu kích thước của sự già dặn trong tuổi viết, tuổi đời. Người đọc có cảm tưởng như diễm thúy đang hấp tấp trích đăng nhật ký những ngày thơ ấu của cô. Tác giả có thực tài. Song vội vã. Viết cho xong để bước sang một quảng đời mới. Lê thị diễm thuý là một nhà văn nhiều tiềm năng, nhưng Gangster là một tiểu thuyết chưa phát hiện hết những tiềm năng ấy. Người đọc hồi hộp mong chờ những sáng tác kế tiếp của cô.

Trần Hữu Dũng
Dayton, 15 tháng 6, 2003