Tiểu sử tự thuật

 

TIỂU SỬ TRẦN ĐỨC THẢO

 

Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917.

 

Từ 1923 – 1935 Tôi học tại trường trung học Pháp tại Hà Nội
1935 – 1936  Là sinh viên năm I trường Luật ở Hà Nội
1936 Tới Paris chuẩn bị dự thi vào Trường Sư phạm phố d’Ulm
1936 – 1939 Học tại Trường Louis – le Grand và Henri IV
1939 Nhập học Trường Sư phạm phố d’Ulm
1939 – 1943 Học cử nhân triết học (tốt nghiệp cử nhân triết học)
1940 Lánh nạn tại Bagnères de Bigorre
09/1940 đến 03/1941 Lánh nạn ở khoa Văn trường Clermont Ferrand, tại đây cũng có trường Strasbourg đến sơ tán. Ở đó tôi gặp Jean Cavaillès và được ông đưa vào đọc Triết học Husserl
03/1941 đến 9/1944 Nội trú tại Trường Sư phạm phố d’Ulm
1941-1942 Nhận bằng Cử nhân với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”
 1942-1943 Học và lấy bằng Thạc sĩ triết học
 1943-1944 Nghiên cứu sinh tại Trường Sư phạm phố d’Ulm để thực hiện luận án Tiến sĩ quốc gia (Doctorat d’Etat) với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”
 Đầu năm 1944 Tới Bỉ, nghiên cứu tại cơ quan lưu trữ Husserl ở Louvain. Edmund Husserl mất năm 1937 tại Đức sau khi đã bị bọn phát xít gạch tên tại trường đại học. Bà Husserl đã phải lánh nạn ở Bỉ, tại đó trường đại học Louvain đã thành lập một khu đặc biệt với tên Lưu trữ Husserl (Archives Husserl) với mục đích thu thập tài liệu là những bản viết tay của Husserl.

                    

                   

 Những nghiên cứu tôi thực hiện ở đây vào đầu năm 1944 cho phép tôi khằng định những gì đã được dự đoán trong luận án tốt nghiệp: đó là ngược lại với những giải thích thông thường đã giới thiệu thuyết Hiện tượng học Husserl là một học thuyết về những bản thể vĩnh hằng, những phân tích của Husserl hướng tới triết học về thời gian, về con người lịch sử và về lịch sử thế giới. Ông nói: “Cái vĩnh hằng là một thời gian tuyệt đối, chính bản thân nó chỉ là một phương thức của thời gian”.

Từ đó tôi đã đi đến Hiện tượng học của trí tuệ của Hegel mà tôi đã bình luận trong bài báo đăng trên tạp chí Temps Modernes (tháng 9 năm 1948).

Từ tháng 10 năm 1936 đến tháng 9 năm 1944: Là sinh viên nhận học bổng của Bộ thuộc địa.

Từ tháng 10/1944 đến tháng 9/1946: là nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (Centre National de Recherches Scientifiques CNRS).

Từ tháng 12 năm 1944: là Báo cáo viên chính trị tại Đại hội những người Đông Dương ở Avignon, tại đây tôi đã trình bày một cương lĩnh thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương.

Tôi đã được chọn để viết báo cáo chính trị, vì mọi người đề biết tôi chưa từng có bất kỳ một quan hệ nào với những người đảng viên quốc xã. Sau giải phóng đó là điều kiện đầu tiên để có quyền được nói về chính trị. Đại hội diễn ra tại phòng lễ hội của toà Thị chính Avignon và ông thị trưởng là đảng viên Đảng Cộng Sản.

Tôi đã được bầu là Uỷ viên của Tổng Liên đoàn người Đông Dương ở Pháp và phụ trách nghiên cứu những vấn đề chính trị.

Đầu năm 1945 với tư cách uỷ viên Tổng Liên đoàn người Đông Dương, tôi đã có một cuộc tiếp kiến với ngài Tổng bí thư Maurice Thorez tại trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Pháp. Chúng tôi đã thống nhất đường lối chung trong cuộc đấu tranh vì các dân tộc bị áp bức, chống lại chủ nghĩa đế quốc: cuộc đấu tranh nhằm giải phóng cho các dân tộc ấy, do những điều kiện khách quan của thế giới đương thời sẽ nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa cộng sản. Ngài Maurice Thorez đã hứa rằng các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp sẽ có những giúp đỡ cụ thể dành cho các tổ chức địa phương do Tổng Liên đoàn người Đông Dương ở Pháp làm đại diện. Lời hứa này đã hoàn toàn được tôn trọng.

Tháng 9 năm 1945: Nhiều truyền đơn và hội nghị báo chí được tổ chức ủng hộ Mặt trận Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một bài báo đăng trên tờ Le Monde đã thuật lại cuộc họp báo của tôi, bài báo đó đã nhắc lại một câu hỏi của một nhà báo đã hỏi tôi: “Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?”, tôi đã trả lời: “Phải nổ súng”. Vì lời đối đáp này, tôi đã phải trả giá là bị bắt giam giữ tại nhà tù Príon de la Santé từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 năm 1945 (3 tháng), với lý do “xâm phạm an ninh nước Pháp trong những lãnh thổ có chủ quyền của Pháp” (Xem trong tạp chí Les Temps Modernes, số 5, tháng 12 năm 1946, trang 878).

Khi tôi bị giam giữ, báo L'Humanité đã đăng một bài đòi trả tự do cho tôi. Maurice Merleau Ponty, Tổng biên tập tạp chí Les Temps Modernes đã truyền đi một bản kiến nghị cùng nội dung trên tới hàng nghìn người trí thức.

Ở phố d’Ulm, đã có tình trạng chia rẽ. Những người cộng sản và những người cảm tình cộng sản (trong số đó phải kể đến những người theo trường phái hiện sinh) đã đòi trả tự do cho tôi. Điều đáng lưu ý là trong thời kỳ chiếm đóng của Đức quốc xã, nhóm của Jean-Paul Sartre đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít và đã có mối liên hệ với những người Đảng cộng sản. Jean-Paul Sartre xuất phát trực tiếp từ triết học của Husserl và nếu có bị ảnh hưởng bởi triết học của Heidegger ông vẫn ở mức khá xa rời triết học của vị này.

Những sinh viên khác và các sinh viên nội trú trường sư phạm đã phản kháng chống lại việc bắt giữ tôi, đơn giản là vì tinh thần dân chủ.

Còn một số nào đó thì do dự, vì sự gắn bó của họ với tổ chức Liên hiệp Pháp (L’Union Francaise). Nhóm khác là những người tán thành ý kiến của Bộ Thuộc địa. Những chia rẽ này đã ngăn cản việc thực hiện bản kháng nghị tập thể do một chi bộ cộng sản tiến hành.

       Trên thực tế, tôi vẫn ở ký túc xá của Trường sư phạm phố d’Ulm từ khi trở về từ Clermont Ferrand (tháng 3 năm 1941) cho tới khi giải phóng Paris. Nơi này không bao dung cho chủ nghĩa phát xít. Những học sinh cảm tình với Đảng Quốc Xã hầu như đã bị trục xuất khỏi ký túc xá, họ là những người ngoại trú, và thực tế hầu như họ chưa bao giờ đến trường.

       Tôi đã là chuyên gia nghiên cứu về Husserl - người đã bị xoá tên khỏi trường đại học của Đức ngay khi những người phát xít lên nắm chính quyền. Tôi đã được ông Jean Cavaillès - người đã tham gia vào cuộc kháng chiến ngay từ buổi đầu bị Đức Quốc xã chiếm đóng, dẫn dắt đến với thuyết Hiện tượng học Husserl.

       Vào đầu tháng 10 năm 1945, Toà án quân sự đã bắt giữ 50 người Đông Dương ở Paris. Một số tờ báo đã viết rằng những người này đã hợp tác với những người cầm quyền Đức và Nhật. Thực tế, Toà án đã không tìm được bất cứ một bằng chứng nào chứng tỏ điều đó và những tờ báo vu khống đã bị kiện vì nói sai sự thật. Toà án đã khép tội cho những người này là đã đe doạ đến an ninh nước Pháp trong những lãnh thổ có chủ quyền của Pháp (Xem Tạp chí Les Temps Modernes, số 5, tháng 12 năm 1946, tr. 878).

       Tổng liên đoàn những người Đông Dương đã đệ đơn kiện lời vu khống của báo chí cho rằng tôi có quan hệ với những người đảng viên Quốc xã. Ngay lập tức những tờ báo này ngừng vu khống và nhận thấy rằng những lời vu cáo đó là vô căn cứ.

       Bài báo “Về Đông Dương” của tôi được đăng Tạp chí Les Temps Modernes, số 5, đã được viết trong thời gian bị giam giữ một mình tại nhà tù Prison de la Santé.

       Tôi đã sử dụng thời gian rảnh rỗi này để kiểm tra lại nhận thức của mình về Hiện tượng học. Nhưng hoàn cảnh khách quan mà tôi đang lâm vào, cùng với sự đối kháng mạnh mẽ giữa dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa tư bản đế quốc, đã hướng tôi tới con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin. Kết quả của sự định hướng này là tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (năm 1951).

       Cuối 1946 (hay đầu 1947), bài báo đăng trên Tạp chí Les Temps Modernes đả kích những vu khống chống lại Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương của người theo phái Trotsky Claude Lefort.

       1947: Bài đăng trên Tạp chí La Pensée (Tư tưởng) đả kích sự xâm lược thuộc địa với Việt Nam.

       1947: Bài đăng trong Revue de métaphysique et de morale về triết học Macxit, về lịch sử, tôi đã tán thành những nguyên tắc của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

       1947 – 1948: Tổ chức một loạt hội thảo dành cho sinh viên Trường sư phạm Sèvres về Hiện tượng học của Husserl, Kant và Hegel.

       Tháng 9 năm 1948: bài báo đăng trên tạp chí Les Temps Mordernes, số 36 về Hiện tượng học của Tinh thần và nội dung hiện thực của nó”. Nhân dịp xuất bản giáo trình của Alexandrre Kojève về thuyết Hiện tượng học của tinh thần của Hegel. Giáo trình này được giảng dạy trước chiến tranh, trong số người nghe có Jean-Paul Sartre, J. Hyppolite, M. Merleau-Ponty, R. Aron,… điều này đã gây ảnh hưởng lớn tới triết học Pháp. Vì M. Merleau – Ponty đã đề nghị tôi viết tường thuật về vấn đề này cho Tạp chí Les Temps Modernes, nhân dịp này tôi tìm hiểu kỹ hơn về Hegel. Và tôi đã đi đến kết luận rằng chỉ phường pháp duy vật biện chứng mới cho phép tìm hiểu được nội dung hiện thực, và ý nghĩa đích thực của Thuyết Hiện tượng học của Hegel.

        Bài báo của tôi, được định hướng chống lại cách giải thích mang tính hiện sinh về Hegel do Kojève thực hiện, đồng thời bái báo đó cho phép tôi tự giải thoát khỏi quan điểm duy tâm của Husserl. Nó chính là cây cầu giúp tôi đi từ Hiện tượng học Hegel đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng.

        Cuối năm 1948 đầu năm 1949: Tôi đã ký vào bản tuyên ngôn của các nhà trí thức (công bố trên báo L’Humanité, nhật báo của Đảng Cộng sản Pháp) phản kháng lại những đàn áp do Tito tiến hành đối với người Nam Tư.

        Cuối năm 1949 đầu năm 1950: Năm buổi trao đổi có ghi tốc ký với Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh. Sartre mời tôi đến đối thoại, vì ông đinh chứng minh rằng chủ nghĩa hiện sinh có thể chung sống hoà bình trên phương diện học thuyết với chủ nghĩa Macxit. Bản tốc ký có mục đích để chuẩn bị một cuộc công bố chung dưới dạng đối thoại.

        Jean-Paul Sartre không thấy được giá trị của chủ nghĩa Mác về mặt chính trị và về mặt lịch sử - xã hội. Ngay cả đối với triết học Mác, ông ta cũng không hiểu nó một cách nghiêm túc. Ông đề nghị một sự phân chia những vùng ảnh hưởng: Chủ nghĩa Mác chỉ có ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó, đối với những vấn đề xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh mới có giá trị về mặt triết học.

        Tôi cố gắng chỉ ra rằng cần phải hiểu chính xác, đúng đắn và nghiêm túc Chủ nghĩa Mác về phương diện là một triết học. Ở buổi nói chuyện thứ năm, vấn đề cơ bản của triết học, vấn đề quan hệ của ý thức với vật chất đã dẫn đến việc xem xét kỹ vốn sống trải chủ yếu.

        Jean-Paul Sartre không biết được Erfahrung und Urteil, và cũng không biết về nhóm D về những cái mới lạ của Huesserl. Do đó mà cuộc nói chuyện đã kết thúc.

       Vào lúc chia tay nhau, Jean-Paul Sartre đã đồng ý là không còn thắc mắc về vấn đề này nữa cả về phía người này cũng như về phía người kia. Nhưng trái với lời hứa với nhau trước đó, sau này Jean-Paul Sartre và những người thân cận của ông ta đã tung ra những lời gièm pha cho rằng: tôi chính là người phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của cuộc nói chuyện… Và sau đó vì tôi đơn độc, nên tôi không có cách nào để chấm dứt những lời đồn thất thiệt này ngoài cách là gửi đơn kiện Jean-Paul Sartre, sau đó kết cục là chiến dịch lừa lọc do những môn sinh của Jean-Paul Sartre khởi xướng đã bị chấm dứt ngay lập tức.

       Năm 1952, Jean-Paul Sartre đã quyết định cống hiến tích cực cho phong trào vì hoà bình. Có thể những trao đổi về quan điểm trước đây vào mùa đông năm 1949-1950 đã góp phần vào sự tiến bộ của ông ta theo hướng hợp tác với những người cộng sản.

       Với tôi những cuộc đối thoại ấy đã làm dứt điểm được sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh, sự đoạn tuyệt được bắt đầu bằng bài báo của tôi được viết vào tháng 9 năm 1948, chống lại lời bình luận của Kojève về vấn đề Hiện tượng học của Tinh thần (Phénoménalogie de l’Esprit) của Hegel.

       Tháng 8 năm 1951 tôi công bố cuốn “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” do Nhà xuất bản Minh Tân phát hành.

       Cuốn sách này đánh dấu sự chuyển biến của tôi từ Hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đạt tời ngưỡng cửa của Chủ nghĩa Mác. Tôi đã đi đến nhận biết được chân lý của những cơ sở lý luận của học thuyết duy vật biện chứng, nhưng chưa nắm được đầy đủ những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong những phân tích ở phần 2 cuốn sách của tôi, phương pháp được coi là mác-xít đã lạc vào những điểm nhấn thất thường của hai thứ Hiện tượng học Husserl và Hiện tượng học Hegel.

       Tuy nhiên, ít nhất thì những quan điểm được khẳng định rõ ràng trên bình diện triết học đủ đưa tôi quyết định trở về Việt Nam. Cần phải gắn cuộc sống với triết học, thực hiện bằng một hành động thực tế giải đáp những kết luận về mặt lý luận trong cuốn sách của mình.

       Kể từ sự chấm dứt của tôi với nhóm Tạp chí Les Temps Modernes vào đầu những năm 1950, có những người bạn tuyệt vời đã gợi ý cho tôi một lý lẽ đúng đắn rằng không có một chút hy vọng nào vào một cuộc cách mạng ở Paris. Tôi đã đồng ý, và đã hoàn thành một cách gấp rút cuốn sách đã quảng cáo từ cuối năm 1943, ngày mà tôi đã đăng ký làm luận án Tiến sĩ quốc gia về Hiện tượng học của Husserl. Không bàn đến việc thực hiện luận án này cho Trường Sorbonne nữa, nhnưg bằng mọi giá tôi phải tự giải phóng về phương diện triết học. Cuốn sách đã hoàn thành nhưng vì thiếu thời gian nên chỉ có 368 trang.

       Trước khi rời Paris, tôi đã giao phó lại cho Nguyễn Văn Chỉ, người chịu trách nhiệm liên lạc với Tạp chí Les Temps Modernes, thay tôi tiếp tục theo dõi việc kết thúc vụ kiện Jean-Paul Sartre.

       Cuối năm 1951, trở về Việt Nam, qua Prague, Maxcơva, Bắc Kinh.

       Năm 1952: nghiên cứu tại hai xưởng công nghiệp của Việt Bắc, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, điều tra tình hình các trường học ở Việt Bắc, báo cáo với Bộ Giáo dục.

       Mùa xuân năm 1953: Dịch các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh, Văn phòng Tổng bí thư.

       Mùa hè năm 1953: Tham gia vào chỉnh huấn, thành viên của Ban Văn, Sử, Địa.

       Mùa thu năm 1953 đến đầu năm 1954: Tham gia cải cách ruộng đất với vai trò là cán bộ cơ sở ở Phú Thọ.            

       Năm 1954: Giảng viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

       Năm 1954 – 1955: Giảng viên cổ sử học.

       Năm 1955 – 1958: Giáo sư giảng dạy lịch sử triết học.

       Năm 1956 – 1958: Chủ nhiệm khoa Sử.

       Năm 1955 – 1956: Đăng nhiều bài trên Tập san Đại học Sư phạm và trên Tập san Đại học Văn khoa.

       Cuối năm 1956:  Đăng hai bài báo trên Tạp chí Nhân văn và Giai phẩm trong đó tôi đã so sánh nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với nền dân chủ tư sản, chủ nghĩa nhân đạo mác-xít với chủ nghĩa nhân đạo tư sản.

       Năm 1958 – 1961: Nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lênin.

       Năm 1961 – 1973: Tham gia dịch các tác phẩm của Mác, Ănghen cho Nhà xuất bản Sự thật.

       Năm 1965:  Đăng bài trên Tạp chí La Pensée với bài “Hạt nhân duy lý của phép biện chứng Hegel” (Dịch từ bài báo đăng trên Tập san Đại học Văn khoa, năm 1956).

       1966:  Đăng trên Tạp chí La Pensee bài: “Hành động giải thích chính là hình thức nguyên thuỷ của tính xác thực cảm tính”.

       1969 – 1970: Đăng trên tạp chí La Pensée bài “Từ cử chỉ của ngón tay tới hình tượng điển hình” (gồm 3 phần).

       1973: Công bố cuốn “Khảo cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và nguồn gốc ý thức” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội Paris ấn hành.

       Tháng 1 và tháng 9 năm 1975: Đăng trên Tạp chí La Nouvelle Critique (Bình luận mới) bài: “Từ phép Hiện tượng học đến phép biện chứng duy vật của ý thức” (gồm 2 kỳ).

       Tháng 5 năm 1981: Đăng trên Tạp chí La Pensée bài “Hành động giải thích chính là cấu tạo của tính xác thực cảm tính”.

       Tháng 7 năm 1984: Đăng trên Tạp chí La Pensée bài “Phép biện chứng logic trong sự hình thành của Tư bản”.

       Trong hành trình của tôi, tôi đã được đưa đến Chủ nghĩa Mác qua 2 con đường:

       Thứ nhất, đó là cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc dẫn đến chủ nghĩa xã hội.

       Thứ hai, việc nghiên cứu triết học và lịch sử triết học đã cho tôi thấy rằng chỉ có duy nhất Chủ nghĩa Mác-Lênin mới vạch ra con đường đúng đắn để giải quyết những vấn đề cơ bản về phần lý luận khoa học.

       Trong những năm sau chiến tranh, lần đầu tiên khi tôi được làm quen với những chính văn (tác phẩm nguyên bản) của Chủ nghĩa Mác, tôi rất ngạc nhiên bởi những lời nhận xét trong Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” về khả năng chuyển qua giai cấp vô sản của một bộ phận trí thức tư sản, trong thời kỳ khủng hoảng toàn bộ của Chủ nghĩa tư bản qua việc nghiên cứu triết học của tôi từ những vấn đề đơn thuần là trừu tượng đến việc suy xét một cách toàn diện về tính chân thực của vận động của lịch sử, của tự nhiên lý, hoá đối với cuộc sống, với xã hội và ý thức.

       “Vào thời kỳ mà cuộc đấu tranh giai cấp đi đến lúc quyết định, thì quá trình tan rã bên trong tầng lớp thống trị, bên trong toàn bộ xã hội cũ mang một tính chất mạnh mẽ và triệt để đến mức một bộ phận của tầng lớp thống trị sẽ tự rời bỏ giai cấp mình và liên kết với tầng lớp, với giai cấp cách mạng, tầng lớp nắm giữa tương lai trong tay họ.

      Cũng tương tự như trước đây, một bộ phận quý tộc chuyển qua giai cấp tư sản, ngày nay cũng tương tự như vậy, một bộ phận tư sản sẽ chuyển qua giai cấp vô sản, Đặc biệt hơn, một bộ phận những nhà tư tưởng tư sản với sức cố gắng làm việc của mình, họ có thể vươn lên sự am hiểu về lý luận của toàn bộ quá trình vận động của lịch sử”.

 

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 1984

TĐT

 Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục