Trích báo Nhân văn

Số 3, ra ngày 15 tháng 10 năm 1956

 

NỖ LỰC PHÁT TRIỂN TỰ DO DÂN CHỦ
 

Trần Đức Thảo

 

            Trước  hết, chúng ta phải nhận định rõ ý nghĩa và nội dung của phong trào tự do dân chủ đương thời phát triển trong nhân dân. Căn bản đó là một phong trào quốc tế, do Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô phát động và đương lan tràn rầm rộ trên khắp thế giới.

 

            … Nhân dân Việt Nam, với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ… đã hiểu rõ chủ trương đường lối cách mạng của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, do Đảng Lao động Việt Nam truyền đạt.

 

            Có anh em lo rằng với tự do dân chủ được phát triển, giai cấp tư sản sẽ “ngóc dần lên”. Chính như thế là đánh lạc vấn đề. Từ ngày hoà bình trở lại, chúng ta mở rộng phạm vi kinh doanh tư sản, chúng ta hô hào họ đầu tư: như thế họ cũng đã được thoả mãn một phần khá, mà họ cũng không đủ sức để làm việc gì khác. Những người có vấn đề phê bình là những người lao động trí óc và lao động chân tay, phục vụ nhân dân và trung thành với Đảng, nhưng chưa được điều kiện để phát huy khả năng và phục vụ có kết quả thậm chí còn bị kìm hãm chà đạp với những phần tử quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân… Cái tự do mà họ muốn phát triển là tự do của toàn dân phê bình lãnh đạo, và nhờ có phê bình thì mới xây dựng được một tổ chức hợp lý, bảo đảm cho công tác được kết quả tốt, để mỗi công dân được góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung. Cái tự do đó là quyền của người công dân, nó được hoàn toàn công nhận và bảo đảm trong chế độ của ta…

 

            Chúng ta phải nỗ lực mở rộng dân chủ, phát triển phê bình trong nhân dân. Đảng đã chỉ đường vạch lối, nhưng không thể làm thay: Tự do không phải là cái gì có thể ban ơn.

 

            Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Lao động Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hoá, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do thì mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là nhiệm vụ số một của người trí thức cũng như của toàn dân.

 

            Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô đã bóc trần những kết quả tai hại của tác phong lãnh đạo vi phạm hình thức tự do.

 

            … Riêng trong công tác văn hoá, một số bộ phận nghiên cứu sáng tác như bộ phận khoa học xã hội, theo báo cáo của đồng chí Mi-Cai-An, đã bị hầu như tê liệt.

 

            Hình thức tự do là tự do cá nhân. Cá nhân phục tùng tập thể, nhưng tập thể cũng phải có cá nhân xây dựng, và hình thức tự do trong phạm vi pháp lý nhân dân là điều kiện để mỗi cá nhân góp phần thực sự xây dựng tập thể. Xét đến tình hình thế giới mới đây, lý tưởng tự do cá nhân lại là lý tưởng của ngày tiến tới, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản bây giờ đương bắt đầu trở thành một thực tế lịch sử ở Liên Xô…

 

            Những nghị quyết lịch sử của đại hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nước dân chủ nhân dân anh em và phong trào công nhân và nhân dân thế giới. Nước ta không thể nào đứng riêng: Chúng ta sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã gột rửa những nét xấu của đời Stalin, với nội dung chân chính xây dựng trên kinh nghiệm kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, trong ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, nhiệm vụ của vô sản chuyên chính là phát triển tự do cá nhân.

 

Trích báo Nhân văn

Số 3, ra ngày 15 tháng 10 năm 1956

 

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục