CÂU CHUYỆN KHÓ QUÊN
Ở PHỐ VERRIER (PARIS)

 

Nguyễn Đức Hiền

 

            Tôi đến châu Âu và Paris - gần ba tháng ở Paris – đi đâu cũng con trai tháp tùng. Con trai tôi mười mấy năm nay ở nước ngoài nên khá quen thuộc lối sống công nghiệp hiện đại. Với tôi, cậu ta vừa là lái xe, vừa là nhân viên hướng dẫn tham quan, du lịch kiêm phiên dịch, kiêm luôn bảo vệ, đầu bếp, quay phim, chụp ảnh, v.v… khi cần thiết. Tuy nhiên, về mặt giao tiếp xã hội - đặc biệt đối với tầng lớp trí thức Việt kiều – cậu ta còn ít từng trải.

 

            Đến Paris, nhờ thư giới thiệu của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên, sự giúp đỡ ân cần của các đồng chí: Trịnh Ngọc Thái, Trịnh Đức Dụ, đại sứ và đại diện nước ta tại Cộng hoà Pháp, hai bố con được Nhà khách sứ quán dành cho một phòng riêng đi khoá về mở, trên lầu năm nhà cao tầng số 2 phố Verrier. Ngoài ra, sứ quán còn đặc cách cho gửi chiếc xe Ford tại hầm “ga-ra” ở 65 Boileau. Thế là quá mức rồi! Con trai tôi không nghi ngờ gì sự biệt đãi hiếm có đúng với loại “thượng khách” văn nghệ như bố nó từ Việt Nam sang. Mặc dầu vậy, cậu ta vẫn nôn nóng trở về nhà, nó bảo: “con không muốn “nằm lâu” ở cái chốn “lầu năm” cao sang này!”

 

            Đúng ra – theo kế hoạch cũ – hai cha con phải có mặt tại miền Nam nước Đức từ tuần trước nữa. Nhưng vì lý do, chỉ mỗi một lý do thôi: Chưa gặp được cụ Hoàng Xuân Hãn, tôi chưa thể rời khỏi Paris! Con trai tôi là chút chit cụ Trạng Quỳnh – tôi nghĩ thế - cho nên nó thích chơi chữ, thích nói lái kể cả những lúc cáu kỉnh. Hôm nay vợ nó ở Cộng hoà Liên bang Đức lại gọi điện sang giục về.

 

            Đang chán ngán, nhận tin nhà, càng sốt ruột, lúc bấy giờ cậu ta nằm đọc báo mà hình như đầu óc chẳng tập trung gì. Bỗng chuông đồng hồ điểm 10 giờ khuya, cậu ta ngồi nhỏm dậy, nhìn tôi giọng khẩn khoản trách móc:

 

            - Thế bố còn định giam con ở đây đến bao giờ? Bố hứa thật đúng đi – con đang nghe bố hứa lần chót đây - dứt khoát ngày nào thì chiếc Ford của con được phép nổ máy? Lạ thật, không hiểu cái-ông-cụ-già ấy có phép màu gì mà bố “mê” đến thế, đến mức chầu chực điện thoại năm lần, bảy lượt, lần thì chủ nhân mệt, bác sĩ không cho tiếp khách, lần thì cụ ông cùng cụ bà đi thăm ai đó ở miền nam (nước Pháp)…

 

            Vừa lúc ấy có tiếng “cộc cộc” gõ nhẹ: một dáng người quen thuộc đẩy cửa bước vào. Con trai tôi reo lên:

 

-  A! Bác Thảo!

 

            Rồi đứng dậy mặc áo sửa soạn bàn nước cho tôi tiếp khách. Vẫn là vị khách ở cùng tầng lầu, thường lui tới thất thường về ban đêm khi thấy ánh điện sáng trong phòng chúng tôi. Đó là nhà triết học Trần Đức Thảo. Thời gian này – thu đông 1992 - mọi người ở đây cho rằng anh chưa đến nỗi nào! Bởi lẽ hàng ngày người ta vẫn chạm trán một ông già ở độ tuổi “cổ lai hy” khoác chiếc áo dạ cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh đủ thứ xoong, chảo, chai, lọ leo lên leo xuống hàng trăm bậc thang gác, tự lo lấy bữa cho mình (những bữa ăn quá đơn giản: thường là một bát “súp” rau lẫn mì ống, hoặc một mẩu bánh mỳ gối với một quả trứng “ốp lết” hay vài lát khoai tây rán). Người ta cũng thấy ông già ấy cứ “hành trình” chừng mười lăm bậc thì dừng lại tựa người vào thành lan can đứng nhắm mắt lại miệng thở như thổi “bễ”. Nhưng ai cũng nghĩ rằng một nhà hiền triết châu Á từng có những tác phẩm một thời làm rung chuyển nền tảng tư duy lý luận châu Âu, đến tận bây giờ còn kham nổi một việc đại loại như thế, có nghĩa là con người ấy còn đủ sức vượt qua nhiều mùa đông khắc nghiệt nữa ở Paris. Ai ngờ nấc thang thời gian cuối cùng đánh dấu tuổi thọ con người ấy chỉ có đến ngần ấy mà thôi! (Trần Đức Thảo tạ thế mùa xuân năm 1993)…

 

            Tối hôm ấy anh Thảo kể lại cho tôi nghe… có nhiều chuyện làm anh buồn. Không phải nỗi buồn cơm áo đời thường mà là nỗi buồn thất vọng trước sự sa sút tinh thần ghê gớm! Chao ôi, anh phải tốn mất bao nhiêu công sức mới tổ chức nổi một buổi “công-phê-răng” (conference) tại “Nhà Văn hoá Việt Nam” vận động được trên ba chục cử toạ kể cả trí thức Việt lẫn Pháp tới nghe tác giả giới thiệu hai công trình xuất bản:

 

1- Để nắm vững hơn phép lôgích hình thức và phép biện chứng (Pour une logique formelle et dialectique).

2- Một hành trình (Un itinéraire).

 

            Thế mà có những kẻ - người mình, bạn bè hẳn hoi, mới cách đây chưa lâu hết lời ca ngợi anh khi anh mới đặt chân tới Paris - lần này vừa thấy anh xuất hiện trên diễn đàn là hùa nhau quấy phá…

 

            Nói đến đây, anh sực nhớ hai tuần lễ trước anh đã tặng tôi cuốn “Một hành trình”. Anh muốn biết tôi đã đọc xong chưa và có nhận xét gì không? “Một hành trình” là những lời tự bạch gần như dạng “hồi ký”, viết bằng Pháp văn, rất cô đọng ước chừng vài chục trang, kể lại mấy chặng đường nghiên cứu triết học của bản thân tác giả. Thú thật, tôi đọc tài liệu đó khá chật vật, chưa nắm vững hết nên phát biểu ấp úng, không mạch lạc, gẫy gọn ý kiến nào ra ý kiến nào. Tuy nhiên, từ những điều cảm nhận gắng gỏi cũng toát lên quan điểm đồng tình, ý thức khâm phục với lòng ham muốn học hỏi thật sự của người đọc. Có lẽ vì cảm thông với tôi, anh đã nở nụ cười độ lượng và phút chốc quên bẵng mọi bực dọc nhọc nhằn căng thẳng trong ngày hôm đó, quên cả hiện tại chung quanh. Anh lại say sưa đắm mình vào thế giới tâm tưởng đầy giông bão hiểm nguy song cũng đầy kỷ niệm hấp dẫn đối với anh! Bắt đầu bằng “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, anh nói về những sai lầm sâu xa trong phương  pháp tư duy và trong những quan điểm dưới vỏ ngoài một tuyên ngôn về phép biện chứng… Rồi anh phê phán sự bóp méo chủ nghĩa xã hội, phê phán tệ sùng bái cá nhân – cái trừu tượng kiểu Staline dẫn tới sự phủ định theo thuyết hư vô những giá trị con người, những nhân quyền được nhân loại tạo ra trong quá khứ lịch sử của mình. Anh tâm sự với tôi vì sao năm 1978 anh đã viết bài “Phê phán tính thiển cận siêu hình của phương pháp tư duy Mao-it” (Critique de I’étroitesse métaphysique de la méthode de pensée Maoiste) và năm 1983 lại hoàn thành tiếp công trình “Phép biện chứng lô gích trong việc hình thành bộ Tư bản” (La dialectique logique dans la genese du Capital). Anh kể lại quá trình anh làm quen với Merleau Ponty ở phố d’Ulm ra sao, tranh luận với Jean-Paul Sartre (hai triết gia nổi tiếng về chủ nghĩa Hiện sinh) về những điểm gì, bị giam tại nhà lao Santé vì đã ủng hộ Việt Minh và chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Vân vân và vân vân…

 

            Đến lúc tôi tiễn anh về phòng riêng, trở lại, để ý thấy vạch thuỷ ngân hàn thử biểu gắn ở lối lên xuống cầu thang gác, chỉ “âm mười độ”. Ngoài đường phố, giờ này nhiệt độ có thể xuống tới âm 20 độ. Nhìn con trai nằm thu lu trong chiếc chăn len trùm kín mít từ đầu đến chân, tôi đoán những thuật ngữ khó hiểu trong câu chuyện của nhà triết học khiến cậu ta cảm thấy nặng đầu, dần dần nặng hai mí mắt rồi làm một giấc ngon lành. Nhưng không phải thế. Khi tôi vừa đặt lưng xuống nệm giường đã nghe giọng nói ồm ồm:

 

            - Ghê quá, đúng là nhà lý luận hùng biện! Hạng con nghe ông ấy như vịt nghe sấm mà cứ muốn nghe, ngồi hóng chuyện thì không tiện, ngủ quên đi lại tiếc… Bố này! Thế cái-ông-cụ-già bố con mình định gặp (chỉ cụ Hoàng Xuân Hãn) thì bác Trần Đức Thảo đối với cụ ấy thế nào, hả bổ? Con nghe nói hình như hai người này chính kiến không giống nhau…

 

            Tôi đập nhẹ vào vai cu cậu:

 

-  Gần hai giờ sáng rồi. Ngủ đi! Câu chuyện ấy lúc khác bố con mình sẽ tiếp tục.

 

            Tôi nằm thao thức… Câu hỏi hồn nhiên của đứa con trai sống tự lập, cách biệt cha mẹ từ ngày mới rời ghế nhà trường cứ lởn vởn ám ảnh. Tôi muốn bù đắp cho nó những thiệt thòi về kiến thức cuộc sống, tri thức xã hội, muốn nhồi nhét vào đầu nó tất cả những gì có thể nhồi nhét được.

 

            Thế mà lúc này, điều nó muốn biết không có gì cao xa, đối với tôi lại bất ngờ, khó nói…

 

            Nhớ lại mấy chục năm trước, từ ngày con trai tôi chưa ra đời… Ngày ấy, Trần Đức Thảo – triết gia trẻ tuổi được mệnh danh là người phát ngôn khát vọng dân chủ, dân tộc của 24 nghìn kiều bào Việt Nam ở Pháp – năm 1952, ông nghe theo lời Mẹ hiền Tổ quốc hăm hở về nước làm giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với lòng tin ở khả năng “bất khả chiến thắng” của chủ nghĩa Marx, ở chính bản thân mình, anh sẽ biết tìm cách lấy lại cái “hạt nhân hợp lý” (noyau rationnel) trong việc sáng tạo ra phép biện chứng hiện đại để ứng dụng vào công cuộc đổi mới to lớn, hy vọng làm thay đổi cán cân chính trị trên thế giới, trước hết là cục diện châu Âu…

 

            Anh đi Pháp, trụ ở Paris, tự nhốt mình sống khổ hạnh trên cái lầu năm nhà khách sứ quán ấy chính là để mưu cầu sự nghiệp ấy… Mấy cuộc “công-phê-răng” trước, anh đã bị phá đám, cuộc này nữa ở “Nhà văn hoá Việt Nam”, lại tiếp tục bị thất bại. Nhưng anh vẫn không nản chí! Ôi, anh Thảo, cái đêm hôm ấy, tôi nằm nghĩ thương anh, lo cho sự chấn hưng học thuyết của anh mà không biết tìm cách nào giúp đỡ anh…

 

            Chập tối ngày hôm sau, anh Thảo lại lần tới phòng tôi. Trông anh có vẻ tỉnh táo khoan khoái hơn nhiều. Trong khi con trai tôi chuẩn bị nước hoa quả mời anh, tôi không giấu gì nhà triết học tính tò mò của tuổi trẻ. Tôi thưa với anh Thảo:

 

            - Đêm qua, sau khi anh về nghỉ, cháu Lai (tên con trai tôi) nó hỏi tôi về quan hệ giữa anh với cụ Hoàng (Xuân Hãn). Cậu ấy biết tôi ngưỡng mộ cả hai, và cũng biết hai người không cùng một chính kiến. Nhân đây cảm phiền anh trực tiếp giảng giải cho cháu.

 

            Anh Thảo đỡ ly nước cam từ tay Lai, nhắp một ngụm rồi nói thẳng tuột:

           

            - Chắc bố cháu đã nói với cháu về bác. Bác là chuyên gia nghiên cứu học thuyết Marx đồng thời là người cộng sản suốt đời trung thành với sự nghiệp đấu tranh giai cấp theo quan điểm Marx- Lénine kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Còn cụ Hoàng là nhà trí thức yêu nước, không phải đảng viên cộng sản, không tham gia đảng phái nào, tất nhiên không phải triết gia Mác-xít. Tuy vậy nhắc đến Hoàng Xuân Hãn, những người cộng sản Pháp cũng như những người cộng sản Việt Nam trong đó có bác, đều cảm tình, có thể nói là khâm phục. Vì sao vậy? Đó là một trí thức từ lâu dứt khoát bỏ con đường hoạt động chính trị nhưng bản lĩnh chính trị lại rất vững vàng, không bao giờ chao đảo ngả nghiêng, luôn đứng về phía chính nghĩa ủng hộ cách mạng, ủng hộ hoà bình, độc lập, dân chủ… trong suốt gần nửa thế kỷ sống ở Cộng hoà Pháp. Cháu nên nhớ cụ Hoàng còn là một học giả vừa thông thái về khoa học tự nhiên, vừa uyên bác về khoa học xã hội, kiến thức bao trùm nhiều lĩnh vực đông tây kim cổ. Chính vì vậy - từ trước tới nay, nhất là từ ngày thống nhất đất nước - nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo… ở Việt Nam có dịp qua Paris đều muốn tiếp kiến cụ Hoàng, coi đó là nhà văn hoá dân tộc, là người Việt Nam tiêu biểu nhất hiện đang sống ở Pháp. Bác nghĩ rằng hai bố con đã nán lại Paris từng ấy ngày, cháu cũng nên cố gắng giúp bố đạt sở nguyện đó!

 

            Cảm ơn anh Trần Đức Thảo! Nhờ lời khuyên bảo, phân tích của anh mà mấy ngày cuối, nằm ở nhà khách sứ quán đợi gặp cụ Hoàng, tôi khỏi phải lo làm công tác tư tưởng cho con trai tôi nữa.

 

            Tôi còn phải cảm ơn anh nhiều, cảm ơn sự cao thượng của anh: Anh, nhà tư tưởng hoạt động chủ yếu ở phương Tây mà tâm hồn phong độ không xa cách đạo lý người quân tử phương Đông. Tôi biết trong những ngày đầy khó khăn sóng gió ở Paris, ngoài việc tiếp nhận chế độ trợ cấp hạn chế của tổ chức trong nước gửi qua sứ quán, anh đã lẩn tránh tất cả sự giúp đỡ của bầu bạn người Pháp cũng như bà con Việt kiều. Mọi người đều hiểu anh cần tiền không phải để ăn, để sống – anh đã quá quen với sự chịu đựng thiếu thốn vật chất – mà để đầu tư cho những công trình triết học dở dang không ai có thể thay thế anh đảm đương nổi. Hai bố con tôi cũng một lần mừng hụt, tưởng đã “đánh lừa” được anh. Không ngờ hôm ấy, trước khi chia tay, đợi lúc cháu Lai ra khỏi phòng, anh “dúi’ bằng được 300 USD vào túi áo tôi. Giọng anh thân thiết cảm động mà lời anh thì như mệnh lệnh khiến người nghe không dám cưỡng lại:

 

            - H. cứ cầm lấy gửi lại cháu giúp tôi! Tôi biết H. làm gì có tiền, đây là thiện chí của cháu. Cứ coi như mình đã nhận, thế là vui vẻ rồi!

 

            Ngừng một lát, anh mỉm cười vỗ vai tôi:

 

            - Mừng cho cậu đã sinh ra một đứa con sống xa Việt Nam còn biết nhớ “nguồn nước”, biết nhìn nhận sự thật và cũng biết “nói dối” như thật. Nhưng không dễ gì dối nổi mình! Mấy chục bản sách do mình tự xuất bản, cháu Lai nhận “phát hành” giúp, còn nằm nguyên một góc kia kìa. Đã bán được cuốn nào đâu mà thằng bé dám nói là tiêu thụ hết nhẵn rồi…

 

            Thưa bạn đọc thân mến, chương này “dôi” ra thêm mấy trang chắc có bạn nghĩ tôi “tham” tài liệu, luyến tiếc những kỷ niệm với nhà triết học đã quá cố nên ghi chép miên man. Thật ra, đặt hai chân dung Trần Đức Thảo và Hoàng Xuân Hãn gần nhau, tác giả có dụng ý tạo ra một sự tương đồng tương phản. Câu chuyện tưởng như không tập trung, lại làm củng cố chủ đề. Âu cũng là cách học tập Nguyễn Du ca ngợi dung mạo nhan sắc Thuý Kiều?

 

Báo Văn nghệ, 1993



 

 Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục"