NGƯỜI TƯ DUY KHÔNG BIẾT MỆT

 

Hà Xuân Trường

 

           

 

            Vào thu đông 1952, lần đầu tiên tôi gặp anh Trần Đức Thảo ở nhà lán của đồng chí Trường Chinh, chờ phân công công tác. Anh từ tốn, ít nói, có bắt chuyện mới biết anh là người cởi mở. Bất cứ mở đầu bằng chuyện gì, thường kết thúc bằng những suy nghĩ triết học.

 

            Tranh thủ thời gian khoảng tuần lễ ở chỗ anh Trường Chinh, anh Thảo đọc một số tài liệu và dịch ra tiếng Pháp báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam mà anh đánh giá cao.

 

            Từ năm 1987, tôi mời anh Thảo làm cộng tác viên của Tạp chí Cộng sản, lúc đó anh Thảo chuẩn bị vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thảo coi chúng tôi như một chỗ dựa tin cẩn; gần như mọi việc, anh đều trao đổi với chúng tôi, từ chuyện nhà ở, điều kiện làm việc, những dự định nghiên cứu đến nguồn sinh sống, bệnh tật của anh.

 

            Năm 1988, anh Thảo chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh. Thành uỷ thành phố đã thu xếp cho anh ở khách sạn Bến Nghé, hơn một năm sau anh được chuyển hẳn về ở ngôi nhà trệt khoảng 80m2 số 200 phố Đề Thám, Quận 1, theo chỉ thị của Thành uỷ, Sở nhà đất bố trí cho anh. Hội đồng khoa học của thành phố đưa anh cùng với anh Hà Huy Giáp vào danh sách một số ít nhà nghiên cứu lão thành được trợ cấp hàng tháng, ngoài chế độ của một giáo sư về hưu mà anh được hưởng. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đến thăm anh Thảo tại khách sạn Bến Nghé. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đã cử đồng chí Lê Xuân Tùng đến thăm anh, và tiếp anh khi anh yêu cầu. Trên Tạp chí Cộng sản mấy năm qua đã đăng bốn bài của Trần Đức Thảo. Năm 1988, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đã in quyển Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người và năm 1989 đã tái bản quyển sách này. Năm 1992, theo đề nghị của anh Thảo, Ban Bí thư Trung Ương Đảng đồng ý để anh sang Pháp làm việc một thời gian với các nhà nghiên cứu của Đảng Cộng sản Pháp, ăn, ở do đại sứ quán Việt Nam ở Pháp đài thọ.

 

            Trần Đức Thảo là nhà mác-xít kiên định, một người cộng sản ngoài Đảng Cộng sản. Trong cuộc sống “ngày thường” gặp đâu hay đấy, có người còn nhận định là “ngây thơ”, “hồn nhiên” đến mức bị lừa mà không biết, nhưng trong tư duy triết học anh lại rất tỉnh táo. Anh đào sâu, nghiền ngẫm đi, nghiền ngẫm lại một vấn đề trên cơ sở nghiên cứu khoa học không biết mỏi, rất trung thực với mình, với bạn, với người khác. Tính trung thực, như anh vốn có, quả là hiếm. Anh không ngần ngại tự nhận mình là sai lầm. Anh phê phán tư duy siêu hình của Stalin, của Mao Trạch Đông nhưng anh cũng nhận có lúc chịu ảnh hưởng của Sta-lin-nit, Mao-it. Anh đấu tranh không khoan nhượng chống lại thuyết phân tâm, chống lại phái “Freudo-Marxisme”, nhưng anh không tự bào chữa những sai sót do chấp nhận một số nhận định của Freud áp dụng vào xã hội.

 

            Anh Thảo thường gửi bài và ý kiến về triết học lên trung ương. Thời gian chuẩn bị các Đại hội của Đảng trong lúc một số trí thức gửi những kiến nghị về chính trị, thì anh Thảo lại gửi những suy nghĩ triết học chung quanh vấn đề con người lên BCHTW Đảng.

 

            Anh tiếp tục quan tâm đến những xu hướng hiện đại của triết học tư sản muốn xoá bỏ chủ nghĩa Mác; và những lập luận dưới danh nghĩa mác-xít nhưng lại chống chủ nghĩa Mác. Chung quanh vấn đề con người, hay nói một cách khác, nhằm bảo vệ bản chất nhân văn của chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo những năm gần đây tập trung phê phán quan điểm của Louis Althusser, một phái triết học xuất hiện ở Pháp từ những năm 60 loại trừ con người ra khỏi chủ nghĩa Mác, mà anh gọi là “lý luận không có con người”, cùng với những quan điểm vừa duy vật vừa dung tục, vừa duy tâm mang tính thần bí của thuyết phân tâm của Freud. Nhiều lần anh Thảo nói với tôi là anh không đồng tình với quan điểm trình bày của Lucien Sève trong quyển Chủ nghĩa Mác và vấn đề nhân cách, anh cho rằng Lucien Sève không quán triệt bản chất nhân bản của chủ nghĩa Mác mà đi tìm sự thoả hiệp với luận thuyết hiện tượng. Lucien Sève trong một bức thư gửi cho anh đã tự nhận mình có lúc rơi vào quan điểm của Louis Althusser “Lý luận không có con người”. Lucien Sève là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, quyển sách của ông có ảnh hưởng nhiều đến tư duy triết học của không ít cán bộ triết học của ta.

 

            Tư duy của Trần Đức Thảo, tính độc lập cùng sự vụng về trong đời thường của anh gây ra cho anh không ít khó khăn trong cuộc sống và công việc. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành uỷ, Hội đồng khoa học Thành phố, và riêng hai anh Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng đã giúp anh nhiều. Nhà xuất bản Thành phố đã in và tái bản cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người. Tuy vậy, những yêu cầu, những suy nghĩ sâu lắng của anh về nền triết học nước nhà, về tương lai của chủ nghĩa Mác – Lênin không phải bao giờ cũng được hưởng ứng như mong muốn.

 

            Tôi muốn dừng lại ở một sự việc mỗi khi nhắc lại, anh lại buồn. Sự việc mà không ít người cứ gắn cái tên tuổi anh với cái vụ án chính trị gọi là “Nhân văn – giai phẩm” với những động cơ không trong sáng.

 

            Anh hiểu “Nhân văn” không giống như nhiều người hiểu, hơn nữa chung quanh “Vấn đề nhân văn” anh thấy có nhiều điều xuyên tạc, còn anh – như anh tâm sự - lại muốn “bảo vệ uy tín của Đảng và Chính phủ”.

 

            Anh Thảo phân biệt “Sai lầm trong cải cách ruộng đất” và sai lầm trong “chỉnh đốn tổ chức”. Anh viết trong một tài liệu gửi tôi: “Cải cách ruộng đất là làm theo chính sách và đã đưa đến kết quả tích cực là người cày có ruộng”. Ở đây có thể nói: “Chính sách là đúng, cán bộ làm sai”. Nhưng chỉnh đốn tổ chức thì hoàn toàn sai, vì chẳng có chính sách gì hết… Nói rằng chỉnh đốn tổ chức không xuất phát từ một đường lối lãnh đạo của lãnh đạo của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, và các vị lãnh đạo khác của Đảng ta không thể quan niệm rằng cán bộ phải xuất thân từ “thành phần trong sạch”. Chỉnh đốn tổ chức là xuất phát từ quan điểm siêu hình.. tuyệt đối hoá quan điểm giai cấp… phủ định chủ nghĩa nhân bản chân chính của học thuyết Mác – Lênin”.

 

            “Năm 1956, tôi chưa hiểu vấn đề diệt chủng. Nhưng đứng trước sự tan vỡ của cơ sở Đảng trong chỉnh đốn tổ chức ở xã, rồi đến cải cách dân chủ ở xí nghiệp, và những chủ trương đó lan ra thành thị và các cấp trên, tôi sợ thực chất là phế Đảng ta…”

 

            “Mà tất cả là chính mình làm hại mình, như anh Trường Chinh đã báo cáo công khai ở Mặt trận “giống như bàn tay phải chặt bàn tay trái”.

 

            “Vì nhận thức như thế, trong bối cảnh Đại hội XX của ĐCS Liên Xô phê phán sùng bái cá nhân Stalin, tôi hoan nghênh báo “Nhân văn” khi nó phản ánh lời kêu gọi của Đại hội XX của ĐCS Liên Xô, và viết một bài trên báo này kêu gọi phát triển tự do dân chủ, cho rằng nếu có xảy ra lệch lạc sai lầm gì trong lời ăn, tiếng nói thì điều ấy cũng không thấm vào đâu so với việc làm “tay phải chặt tay trái” trong chỉnh đốn tổ chức.. Dĩ nhiên đấy là suy nghĩ hời hợt, chưa thấy vấn đề cơ bản. Vấn đề cơ bản là phải phê phán quan điểm siêu hình, duy tâm, bảo vệ chủ nghĩa duy vật viện chứng và duy vật lịch sử; mà thực chất là chủ nghĩa nhân bản chân chính của các nhà kinh điển Mác và Lênin.

 

            Vụ gọi là “Nhân văn – giai phẩm” thực chất là vụ hoạt động chính trị chống chế độ ta của một nhóm ít người làm chính trị có bàn tay của một số người xấu nước ngoài. Giới văn nghệ không có quan hệ gì với mưu đồ chính trị đó. Một số anh chị em bị lợi dụng, lôi kéo mà không biết. Chúng hòng tạo nên một lực lượng trí thức và văn nghệ sĩ “phản kháng”, nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại. Bộ Chính trị (Trung ương khoá III) đã có Nghị quyết về vụ này, vấn đề đã kết thúc và được sáng tỏ ở Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2. Tuy vậy cho đến nay, nhằm chống lại đường lối đổi mới của Đại hội khoá VI của Đảng ta, trong âm mưu “diễn biến hoà bình”, những thế lực phản động trong và ngoài nước lại tìm cách dựng lại vụ “nhân văn” như là một vụ đàn áp trí thức và văn nghệ sĩ” (!) Tôi nghĩ trình bày lại nguyên nhân của cái việc “anh tham gia Nhân văn” do chính anh Thảo viết ra là điều cần thiết lúc này, không chỉ là để hiểu thực chất vụ “Nhân văn”, mà để hiểu tâm tư của anh Thảo cũng như nhiều anh em khác đối với Đảng và chế độ.

 

            Một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên về tính tổ chức của anh. Một nhà triết học như anh rất chủ động trong tư duy của mình, một trí thức như anh không màng địa vị, không màng công danh, tất cả ví lý tưởng chung, sự nghiệp chung của nền triết học nước nhà, lại coi việc báo cáo thường xuyên với Đảng về công việc của mình là việc làm thuộc về trách nhiệm. Các báo cáo của anh mà tôi được đọc đều chân tình thẳng thắn về cả sự bế tắc và sự giải thoát trong từng bước tư duy triết học của anh.

 

            Bế tắc, nhưng không chịu. Anh lại bỏ công và thời gian nghiên cứu lại thuyết phân tâm và nhận ra một số sai lầm trong bài Chủ nghĩa Mác và phân tâm học.

           

            Có lẽ Trần Đức Thảo là người nghiên cứu sâu sắc nhất Hêghen và Freud, hai ông ở hai thời khác nhau, nghiên cứu những vấn đề khác nhau, nhưng lại quan hệ đến quy luật tư duy và bản chất con người, học thuyết của hai ông đều đang ảnh hưởng đến triết học hiện đại. Anh đã phê phán thuyết phân tâm của Freud trên những tìm tòi mới nhất của nhân chủng học.

 

            Càng nghiên cứu Hêghen, Trần Đức Thảo càng quý những phát hiện, những giải đáp và gợi mở triết học của Lênin trong Bút ký triết học trên những vấn đề như vai trò của cái “trung giới”, quan hệ giữa khách thể và chủ thể, cái chung và cái riêng, vai trò của ý thức, của tâm lý, quy luật phủ định của phủ định.. mà anh cho rằng giới triết học Mác-xít còn ít quan tâm. Năm 1989, anh viết cuốn “La philosophie de Staline” do Nxb May (Paris) xuất bản, phê phán quan điểm siêu hình trong cuốn “chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử” của Stalin. Anh gửi cho tôi bản tiếng Việt. Trong các lần trao đổi với tôi, anh tỏ ra rất không bằng lòng với nội dung và phương pháp giảng dạy triết học nói chung và triết học Mác – Lênin của ta hiện nay. Anh đặc biệt chú ý đến những cơ sở tư tưởng của Mác và Lênin cho một khoa học tâm lý mà anh gọi là tâm lý học Mác – Lênin.

 

            Trần Đức Thảo đã làm tốt cái điều mà Lênin đã từng nói là muốn hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể đóng khung trong những gì Mác đã viết và đấu tranh, mà phải nghiên cứu sâu sắc đến tận nguồn gốc, thực chất những khuynh hướng triết học không mác-xít và ngoài chủ nghĩa Mác-xít. Chỉ biết Mác không thôi, thì không thể là nhà Mác-xít, càng không thể xác định được vị trí của chủ nghĩa Mác trong thời đại của Mác và trong thời đại ngày nay, và như vậy thì không thể bảo vệ được chủ nghĩa Mác – Lênin.

 

            Trần Đức Thảo đã nghiên cứu tiếng nói từ đứa trẻ tìm ra “tiếng nói bên trong” để khẳng định bản chất con người – sinh vật có ý thức, và ý thức là sản phẩm của cộng đồng, của xã hội. Anh không bác bỏ các khái niệm “vô thức”, “tiềm thức”, “bản năng”, “tâm linh” nhưng anh đã đem lại cho chúng một sự giải thích duy vật. Anh đấu tranh cho tự do, dân chủ, đề cao cá nhân, cá tính, nhưng anh đặt cá nhân trong quan hệ của cộng đồng, coi cá tính xuất hiện từ tập đoàn. Anh khẳng định có con người chung, nhưng lại coi trọng tính giai cấp, tính dân tộc, những thể hiện xã hội xủa con người mà anh xếp vào biểu hiện ở “hàng một”.

 

            Với tuổi 75, bệnh nặng, nhưng với một trí lực lớn lao, một say mê triết học đến khôn cùng, Trần Đức Thảo lao vào công việc như bao năm nay anh vẫn làm. Mấy bài viết cuối cùng của anh (1992-1993) là sự tiếp tục của một tư duy luôn tìm cái mới cho phương pháp biện chứng duy vật dưới một đầu đề chung “La logique du Présent vivant” (Lôgích của cái hiện tại hiện hữu). Nguyễn Đình Thi đã gọi Trần Đức Thảo là “Người lữ hành vất vả”, Trần Văn Giàu gọi “Trần Đức Thảo – nhà triết học”. Viết bài này, tôi góp thêm một tiếng gọi “Trần Đức Thảo - người tư duy không biết mệt”.

 

Hà Xuân Trường

Báo Văn nghệ, Thứ bảy, 24-7-1993.

           

Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
Trở về trang "Văn Hóa & Giáo Dục"

Cám ơn Lã Thị Hải Yến đã chép lại bài này