NHÀ TRIẾT HỌC CHIẾN ĐẤU
Jean- Paul Jovary Người dịch Xuân Lộc
Nhà triết học Việt Nam Trần Đức Thảo đã tạ thế tại Pa-ri ngày thứ bảy 24-4-1993, thọ 76 tuổi.
Tác phẩm Khảo cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức của ông, do Editions Sociales (Nhà xuất bản Xã hội) phát hành năm 1973. Để phục vụ những bạn đọc trẻ tuổi, báo Révolution (Cách mạng) có vinh dự đăng những bài báo cuối cùng, trích ra từ cuốn sách này với tiêu đề : Cuộc hành trình của chủ nghĩa Mác (số 588 ngày 7-6-1991).
Trong năm đó và đầu năm sau, ông Trần Đức Thảo đã nhiều lần đến thăm toà báo Révolution, chúng tôi đã dành nhiều thời gian trao đổi ý kiến về công việc của ông, về chủ nghĩa Mác, về phong trào thế giới… Ông đã hoàn thành một số tác phẩm khảo cứu như: Phép biện chứng về sự tha hoá và sự phát triển con người vào tháng 11-1986, nhưng tiếp tục hoàn thiện bằng rất nhiều bản thảo trên những mảnh giấy dán kèm, phủ đầy những điều bổ sung, không đề ngày tháng. Ông có ý định dành một số bài đã sửa chữa, chỉnh lý và kiểm tra việc dịch lần cuối cùng để rồi giới thiệu rộng rãi tác phẩm đó. Còn như bài Triết học của Sta-lin, từ năm 1988 ông đã viết lại, chúng tôi sao chụp trang đầu làm dẫn chứng. Sau khi đăng bài Sự hình thành con người từ mùa thu 1991, ông gửi bài báo trên cho tôi quá chậm, khi mà tờ báo ngày 8-11-1991 đã in xong.
Bây giờ chúng ta cần tổng hợp đầy đủ tiểu sử của ông mặc dù nhiều người đã rõ. Trước đây chúng tôi không đăng là do ý kiến của ông và căn bản là chúng tôi coi trọng ý kiến của ông.
Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 ở Bắc Ninh. Sau một năm học Luật tại Hà Nội, năm 1936 ông sống ở Paris, chuẩn bị dự thi vào trường Cao đẳng sư phạm phố d’Ulm tại Lycée Louis Le Grand et Lycée Henri IV. Năm 1939, ông được nhập trường, năm 1941 tốt nghiệp cử nhân triết học. Sau đó, lánh nạn ở Bagnères de Bigorre, Clemont Ferrand, Strasbourg (do tình hình chiến tranh thế giới – ND). Tại đây ông được Jean Cavaillés dẫn giảng về triết học của Husserl. Năm 1942, ông trình bày một báo cáo khoa học có sức thuyết phục nên được tiếp tục học với một luận án tiến sĩ và đỗ thạc sĩ năm 1943. Do đó ông đã được đến nghiên cứu tại cơ quan lưu trữ Husserl ở Louvain (Bỉ), nơi mà bà Husserl lánh nạn, sau khi chồng bà mất năm 1937 (tài liệu chụp rất mờ, có mấy dòng không đọc được – ND).
Từ triết lí Husserl đến… nhà tù
Trong một bản tự thuật đánh máy chữ, đề năm 1987, Trần Đức Thảo đã viết như sau:
Tháng 12-1944: Là báo cáo viên chính trị tại đại hội Những người Đông Dương ở Avignon, tôi đã trình bày một cương lĩnh thiết lập nền dân chủ các nước Đông Dương. Tôi đã được chọn làm một báo cáo chính trị, vì mọi người đều biết rằng: tôi chưa hề bao giờ có quan hệ với Đức quốc xã. Vì sự nghiệp giải phóng cho ngày mai là điều kiện đầu tiên để có quyền được nói về chính trị. Với danh nghĩa này, đầu năm 1945, tôi được tiếp kiến ông Maurice Thorez tại trụ sở Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản. Do sự thống nhất đường lối chung; đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức, chống đế quốc; Cuộc đấu tranh này nhằm giải phóng dân tộc, bằng lẽ phải đã quy tụ được ý thức khách quan của thế giới đương thời đối với chủ nghĩa cộng sản. Ông Maurice Thorez hứa có sự giúp đỡ cụ thể của Đảng Cộng sản Pháp qua các tổ chức địa phương dành cho Tổng Liên đoàn người Đông Dương ở nước Pháp. Lời hứa đó được tôn trọng hoàn toàn. Tháng 9/1945, nhiều truyền đơn, hội nghị báo chí hô hào ủng hộ Việt Minh và chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một bái báo đăng trên tờ Le Monde (Thế giới) thuật lại cuộc họp báo chí của tôi. Một phóng viên đã nêu câu hỏi với tôi rằng: “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?” Tôi trả lời: “Phải nổ súng”. Lời đối đáp đó trả giá cho tôi là bị cầm tù từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12 năm 1945 vì “mưu hại an ninh nước Pháp, trong lãnh thổ có chủ quyền” (Xem tạp chí Temps modernes, số 5, tháng 22 năm 1946, trang 878). Trong khi tôi bị giam giữ, báo L’Humanité (báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp) đăng bài đòi trả tự do cho tôi.
Maurice Merleau-Ponty, Tổng biên tập tạp chí Temps modernes (Thời hiện đại) đã truyền đi một bản kiến nghị như vậy tới vài nghìn người trí thức.
Tại trường Cao đẳng Sư phạm (phố Ulm) có tình trạng chia rẽ. Những đảng viên cộng sản và người cảm tình cộng sản (trong đó có những người thuộc phái hiện sinh) đòi trả tự do cho tôi. Điều đáng lưu ý là nhóm Sartre, trong thời gian Đức chiếm đóng, đã tham gia cuộc kháng chiến chống phát-xít, có liên kết với Đảng Cộng sản. Sau nhóm này chuyển hướng từ triết học Husserl, đã chịu ảnh hưởng triết học của Heidegger nên hơi xa rời Đảng Cộng sản. Những cựu học sinh trường Cao đẳng sư phạm cũng phản kháng việc giam giữ tôi, đơn giản là vì tinh thần dân chủ. Còn lại một số nào đó thì do dự vì sự gắn bó với tổ chức L’Union Francaise (Liên hiệp Pháp). Sự chia rẽ đó đã gây trở ngại cho việc thực hiện bản kháng nghị tập thể do một chi bộ cộng sản phát ra.
Trong nhà giam ông đã viết bài về Đông Dương mà tạp chí Les Temps modernes đăng trong tháng 2/1946. Những năm sau, cũng trên tạp chí này, và tạp chí Pensée (Tư tưởng), Métaphysique et morale (Siêu hình học và đạo đức học) đã đăng nhiều bài khảo cứu của ông về Việt Nam, chủ nghĩa Mác và về Hegel.
Thời gian đó diễn ra những buổi trao đổi ý kiến có ghi tốc ký giữa Trần Đức Thảo và Sartre về vấn đề mối quan hệ của chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Mác, kéo dài từ năm 1949 đến đầu 1950. Trần Đức Thảo cho biết: “Sartre mời tôi trao đổi ý kiến vì ông muốn chứng minh rằng chủ nghĩa hiện sinh rất có thể cùng tồn tại hoà bình với học thuyết Mác. Bản ghi tốc ký được chuẩn bị công bố chung dưới hình thức đối thoại. Sartre không hiểu giá trị chủ nghĩa Mác về mặt chính trị và lịch sử xã hội, ngay cả ý nghĩa triết học Mác, ông cũng không hiểu một cách nghiêm túc. Ông đề xuất một sự phân chia khu vực ảnh hưởng. Chủ nghĩa Mác có thẩm quyền trong chừng mực nào đó về các vấn đề xã hội, còn chỉ có chủ nghĩa hiện sinh mới khả dĩ có giá trị về mặt triết học.
Tôi đã chỉ ra rằng cần hiểu nghiêm túc đầy đủ ý nghĩa triết học của chủ nghĩa Mác. Trong bài nói chuyện thứ 5 về những vấn đề cơ bản của triết học, mối quan hệ giữa ý thức và vật chất đã khai thông sự suy xét một vấn đề chủ yếu. Sartre không biết rõ những điều mới lạ của Husserl. Do đó mà cuộc nói chuyện phải chấm dứt.
Với tôi, những cuộc đối thoại này đã hoàn thành, sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh, mà sự tan vỡ khởi đầu từ tháng 9/1948 bằng bài báo của tôi chống lại lời bình luận của Kojève về vấn đề hiện tượng học của Hegel. Tháng 8/1951, công bố sách Phénoménologie et Matérialisme dialectique (Hiện tượng học và phép duy vật biện chứng).
Quyển sách này ghi nhận sự chuyển biến của tôi từ hiện tượng học đến chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi chỉ đạt tới ngưỡng của chủ nghĩa Mác, đi tới sự nhận biết sức mạnh chân lý của học thuyết duy vật biện chứng, chưa có nhận thức đầy đủ những nguyên bản kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa duy vật lịch sử nổi tiếng […] (Có một câu không đọc rõ – ND). Tuy vậy trên bình diện triết học, những lập trường về nguyên tắc được khẳng định rõ ràng, đủ đưa tôi đến quyết định trở về Việt Nam mong đặt cuộc sống gắn liền với triết học và thực hiện một hành động thực tế để giải đáp những vấn đề lý luận trong quyển sách của tôi.
Quyển sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng đã phát hành bằng tiếng Pháp năm 1951. Khi đó Trần Đức Thảo trở về Việt Nam, dịch một số bài luận văn, tham gia cải cách ruộng đất, viết văn, giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp, phụ trách chủ nhiệm khoa. Song, với tinh thần phê bình không mệt mỏi, ông hay làm xáo động nhiều người ở Việt Nam, như 2 bài báo năm 1956: Nỗ lực phát triển tự do dân chủ và bài Nội dung xã hội và hình thức tự do.
Từ đó ông dạy học tư một số năm và viết nhiều bài trên tạp chí La Pensée (Tư tưởng) từ năm 1965 đến năm 1986. Quyển sách của ông từ 1951 được dịch ở nước Ý, rồi đến nước Mỹ, nước Nhật.
Quyển sách Khảo cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức được nhà xuất bản Xã hội phát hành năm 1973 và được dịch ở Mỹ năm 1984. Sau tất cả cuộc hành trình triết học và chính trị ở Hà Nội rồi Paris, ông đã soạn thảo nhiều sách, báo mà tôi kể trên đây, ông còn gửi gắm nhiều bài viết khác cho các bạn hữu.
Có một chủ nghĩa nhân bản mác-xít
Ông qua đời, mai đây, chúng tôi sẽ xuất bản những tài liệu mà ông đã uỷ thác, dù cho thị hiếu có biến động. Việc đó đòi hỏi sự làm việc nghiêm túc, sự tham khảo ý kiến tập thể.
Toà báo Révolution giao cho tôi sửa sang tài liệu; không phải vì cảm giác gò bó, không cho phép tôi làm việc đó trong 16 tháng qua. Trong số báo 610 ngày 8-11-1991, hầu như trên những cột báo chủ yếu của chúng tôi đã được sắp xếp dứt khoát, không thể đăng bài Sự hình thành con người, tuy rằng bài đó dễ gây ấn tượng. Cùng ngày, Trần Đức Thảo đã gửi cho tôi yêu cầu đăng 2 bài, kèm phụ theo 3 trang bản thảo mà ông coi là một vấn đề rất quan trọng, nhưng đã quá muộn. Trong thư, ông giải thích vấn đề này như sau: “Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với tôi là nó liên quan tới nghị quyết của hội nghị Argenteuil. Có một chủ nghĩa nhân bản mác-xít. Vấn đề này đã không được quyết nghị. Tôi nghĩ rằng đó là sự phủ định công trình nghiên cứu lý luận của phong trào quốc tế, có lợi cho Đảng Cộng sản các nước Đông Âu, ở đó chưa xây dựng được chủ nghĩa nhân bản mác-xít mà họ đã đưa vào chương trình và chính ở đó họ đã tỏ ra chưa có khả năng lôi cuốn chủ nghĩa nhân bản tư sản và các học thuyết khác của tư sản. Do đó họ đã đi chệch hướng và bùng nổ phong trào cải tổ trong mỗi nước”.
Để thay lời từ biệt
Thể theo yêu cầu của ông hôm nay chúng tôi đăng những trang cuối cùng này.
“Trong luận đề thứ 6 về Phơ Bách (Feuerbach) “Sự tổng hợp những quan hệ xã hội” định nghĩa bản chất của con người nghĩa là sự tổng hợp những quan hệ xã hội đã mang tính chủ quan theo sự cấu tạo tâm lý loài người, thu được từ giai đoạn nguyên thuỷ cho đến hiện tại; Diễn biến của tính chủ quan hoá theo sự vận động các quan hệ giai cấp.
Vấn đề trên bao hàm một nội dung phức tạp hơn. Những quan hệ xã hội như thế hoàn toàn khách quan vì được kế thừa ở mỗi thế hệ. Đây là vấn đề thuộc phần đầu quyển sách Hệ tư tưởng Đức; Toàn bộ lực lượng sản xuất của tư bản và các hình thức quan hệ xã hội mà mỗi cá nhân, mỗi thế hệ nhận thấy trước mặt họ như kết quả trực tiếp là nền tảng tực tại của thực chất và bản chất con người (Tôi nhấn mạnh: nền tảng thực tại – TĐT).
Nói cách khác, để phê phán quan niệm duy tâm của những nhà triết học Đức về vấn đề thực chất và bản chất của con người sau Hêghe, Mác đặt khái niệm “nền tảng thực tại” của họ, đối lập với hiểu biết hiện thực khách quan những quan hệ xã hội. Trong quan hệ xã hội nhiều người đã bị hạn chế những hành động và ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển của con người, bởi sự thực là những nhà triết học này nổi dậy chống lại họ với danh hiệu “ý thức của duy ngã và duy nhất”.
Tóm lại, cần hiểu những quan hệ xã hội ở đây lầ hoàn toàn khách quan, độc lập với ý thức của con người.
Cũng trong luận đề thứ 6 về Phơ Bách, Mác nói về “Sự tổng hợp những quan hệ xã hội” không đơn giản hơn là nền tảng thực tại của bản chất con người như họ quan niệm, mà nên định nghĩa: cái bản chất này tự thân nó có trong hiện thực có hiệu lực. Rõ ràng cái hiện thực của bản chất con người không tự giới hạn bởi kết quả các sự kiện lịch sử quá khứ. Nó bao hàm nền tảng khách quan của hiện thực các mối quan hệ xã hội trong lịch sử, tổng sự vận động nội tại của phép biện chứng tiềm ẩn các hình thức trí nhớ. Câu tự trả lời của quần chúng lao động phá sản, bất mãn với số phận bất bình đẳng, rồi họ phẫn nộ, hễ có dịp là tham gia ngay cuộc đẩu tranh vì tiến bộ của loài người, giải phóng các dân tộc, phản đối bất công làm tê liệt các quan hệ giai cấp, và phản đối nỗi lo âu ám ảnh giai cấp hữu sản sợ mất mọi đặc quyền… (Có một câu không đọc rõ – ND). Như vậy là khi xã hội phân chia thành quan hệ đối kháng thì nền tâm lý tự phân hoá và đối lập với nhau”.
Những ai từng quen biết Trần Đức Thảo, nhà triết học chiến đấu tính, sinh năm 1917, đều bị xáo động khi ông vĩnh biệt chúng ta.
Xuân Lộc dịch
Báo Văn nghệ, 11/9/1993 - Số 37 (Les Evyeux – no 689/13 – mond – 1993)
Trở về trang gốc "Trần Đức Thảo"
|