Tập San Đại Học (Văn Khoa)
Số 6-7, 1956, tr. 18-36


 

 

HẠT NHÂN DUY LÝ”

TRONG TRIẾT HỌC HEGEL

 

Trần Đức Thảo

 

«Chủ nghĩa duy vật là triết lý của chủ nghĩa Marx... Nhưng Marx không bị hạn chế vào chủ nghĩa duy vật thế kỷ 18, mà đã đi xa hơn. Marx đã làm nó phong phú thêm bằng những thành tựu của triết học cổ điển Đức, đặc biệt là hệ thống triết học của Hegel, hệ thống này đã đưa đến chủ nghĩa duy vật của Feuerbach. Phần chủ yếu trong những thành tựu ấy là biện chứng pháp» (Lênin. Ba Nguồn và Ba Phần Thiết Lập của Chủ Nghĩa Marx). 

Triết học của Hegel là hệ thống phong phú nhất trong lịch sử triết học trước Marx. Hegel đã tổng kết hầu như toàn bộ tư tưởng cũ ở Tây phương, trình bày mọi chủ nghĩa với ý nghĩa lịch sử của nó, bộc lộ những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện trong tư tưởng ở mỗi giai đoạn, những mâu thuẫn ấy bắt phải thủ tiêu hình thái cũ và tiến lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Hegel lại diễn tả quá trình đó một cách trừu tượng trong phạm vi tinh thần, và do đấy xây dựng chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Quá trình diễn biến tư tưởng trong tinh thần được coi như là một vận động hoàn toàn độc lập và tự túc, tách rời cơ sở thực tế khách quan, thậm chí lại phủ định thực tế khách quan. Theo quan niệm ấy, những sự vật trong tự nhiên và xã hội mất tính chất thực tại vật chất của nó, và chỉ còn là những hiện tượng bề ngoài phản ánh công cuộc phát triển thần bí của cái mà Hegel gọi là «Ý niệm tuyệt đối». Trong cuốn Chống Dühring, Engels viết: «Hegel là duy tâm, nghĩa là theo ông thì những ý kiến trong đầu óc của ông không phải là phản ánh một phần nào những thực thể và hiện tượng khách quan, mà trái lại, chính những thực thể và biến chuyển của chúng, theo ý ông, chỉ là hình ảnh thể hiện ý niệm, cái ý niệm này đã có ở đâu đâu ấy, trước khi có trần gian». Nghĩa là quá trình lịch sử có thật, đi từ tự nhiên lên xã hội, xây dựng tư tưởng trên cơ sở hoạt động thực tế, bị Hegel đảo lộn thành một quá trình tư tưởng phát sinh thực tại, tinh thần sáng tạo vật chất: nguyên nhân biến thành kết quả, kết quả trở thành nguyên nhân, thực chất biến thành ngoại diện, ngoại diện trở thành thực chất.

Nhưng trong lúc trình bày cuộc tiến hóa một cách trái ngược như thế, Hegel lại phát triển một cách có hệ thống và đến một mức chưa từng có trong lịch sử, phương pháp phân tích mâu thuẫn và hình thái biến chuyển, tức là phương pháp biện chứng. Chính phương pháp này Karl Marx đã xây dựng lại trên cơ sở duy vật, và đặt thành phương pháp tư tưởng của chủ nghĩa duy vật mới. Như Marx nói: «Tuy biện chứng pháp trong tay Hegel đã bị thần bí hóa, nhưng chính Hegel là người đầu tiên đã trình bày một cách tổng quát và có ý thức những hình thái biện chứng phổ cập của sự biến chuyển. Với Hegel biện chứng pháp đi đường đầu. Chúng ta phải lộn nó lại, để bóc trần cái hạt nhân duy lý ẩn trong cái vỏ thần bí» [1].

Nhưng vì sao với một lý luận duy tâm triệt để, Hegel lại xây dựng được một phương pháp tư tưởng xét theo thực chất là chân chính và cách mạng, tuy có bị sử dụng một cách lộn ngược? Chúng ta biết rằng lập trường duy tâm là lập trường bảo thủ của những giai cấp áp bức bóc lột: nó quy định tính chất duy tâm của biện chứng pháp Hegel, nó không thể nào giải thích thực chất biện chứng của phương pháp ấy. Nghĩa là biện chứng pháp duy tâm của Hegel, phần nào mà nó đã nắm được thực sự những hình thái mâu thuẫn và biến chuyển, dù chỉ có trong phạm vi tinh thần, thì cũng không thể nào xuất phát từ lập trường duy tâm. Vì nguồn gốc mâu thuẫn, lý do biến chuyển trong tinh thần căn bản vẫn là ở thực tế khách quan, không phải là ở tinh thần thuần túy. Thực chất tinh thần là phản ánh thực tế khách quan, vậy nếu không có mâu thuẫn và biến chuyển trong thực tế khách quan, thì cũng không thể nào có mâu thuẫn và biến chuyển trong tinh thần. Trên cơ sở tinh thần thuần túy chỉ có thể có hiện tượng tĩnh và bảo thủ, không thể nào có động và tiến. Nghĩa là tuy biện chứng pháp của Hegel xuất hiện với một hình thức triệt để duy tâm, nhưng cái mặt chân chính của nó - nêu mâu thuẫn trong nội bộ sự việc và tính chất tất nhiên của sự biến chuyển - lại là đối lập với chủ nghĩa duy tâm, và chỉ có thể bắt nguồn từ một cơ sở duy vật nào đấy. Thực ra thì ngược hẳn với lập trường duy tâm, nhờ ảnh hưởng của phong trào cách mạng đương thời ở Âu châu, Hegel đã tiếp thu trong tư tưởng một nội dung duy vật phong phú, tuy nội dung ấy cũng như phương pháp đã bị hoàn toàn đảo lộn, do tình trạng lạc hậu của giai cấp tư sản Đức mà Hegel đại diện. Engels nhận định: «Xét tới cùng, hệ thống triết học của Hegel chỉ là một chủ nghĩa duy vật lộn ngược chân lên đầu theo kiểu duy tâm» [2]. Trong tập Bút Ký về Triết Học, Lênin phê đoạn cuối của cuốn Luận Lý Học của Hegel như sau đây: «Ý niệm luận lý chuyển thành tự nhiên. Chủ nghĩa duy vật đã gần đây rồi. Engels nói đúng: hệ thống triết học Hegel là một chủ nghĩa duy vật lộn ngược».

Vì nội dung tư tưởng Hegel căn bản xuất phát từ thực tế khách quan, xét tới cùng thì cũng có tính chất duy vật, mà nội dung ấy lại bao quát hầu như toàn bộ lịch sử thế giới, Hegel đã xây dựng được quan điểm tiến hóa và phương pháp luận lý biện chứng, quan điểm và phương pháp ấy tuy có bị lập trường duy tâm đảo lộn, nhưng cũng đã làm tiền đề cho chủ nghĩa Marx. Giới thiệu cuốn Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học của Karl Marx, Engels đã viết: «Đặc điểm của phương thức tư tưởng của Hegel đối với các triết gia khác là quan điểm lịch sử lớn lao làm cơ sở cho nó. Dù hình thức có trừu tượng và duy tâm đến đâu chăng nữa, quá trình phát triển tư tưởng bao giờ cũng đi song song với quá trình lịch sử thế giới, lịch sử thế giới hình như kiểm tra cuộc diễn biến tư tưởng. Và tuy do đấy quan hệ chân chính giữa thực tại và tư tưởng đã bị đảo ngược đầu xuống chân, nhưng nội dung thực tế của nó cũng đã thấm nhuần toàn bộ triết học... Hegel là người đầu tiên đã cố gắng chứng minh rằng lịch sử có đường lối phát triển, có quan hệ liên kết bên trong. Và dù bây giờ chúng ta có cho nhiều điểm trong triết học lịch sử của ông ta là kỳ quái, nhưng tính chất vĩ đại của quan niệm cơ bản của triết học ấy, đến ngày nay vẫn còn đáng phục... Cái quan niệm lịch sử ấy đã đánh dấu một thời đại, và đã làm tiền đề lý luận trực tiếp cho quan điểm duy vật mới, và do đấy cũng là một khởi điểm cho phương pháp luận lý».

... «Marx là người độc nhất có năng lực nêu lên trong triết học Hegel cái hạt nhân bao gồm những phát kiến chính đáng của Hegel, gạt bỏ cái màn duy tâm và thiết lập phương pháp biện chứng với hình thức đơn giản và độc nhất đứng đắn để phát triển tư tưởng. Công trình xây dựng phương pháp đó là cơ sở trên ấy Marx đã phê phán kinh tế chính trị học, và chúng tôi coi nó là một thành tích quan trọng gần như cái quan niệm duy vật cơ bản» [3].

Marx đã lộn lại biện chứng pháp Hegel, gạt bỏ cái màn duy tâm để nêu lên cái hạt nhân duy lý, thiết lập phương pháp biện chứng duy vật. Cần phải nhận rõ tính chất sáng tạo trong công trình ấy. Marx không phải chỉ có cải tạo một cách đơn thuần biện chứng pháp Hegel, nhưng thực ra thì đã sáng tạo lại hoàn toàn phương pháp biện chứng trên lập trường duy vật, theo một nội dung mới. Vì tuy nội dung hệ thống triết học của Hegel có bao gồm lịch sử thực tại, nhưng Hegel lại thu hẹp nó vào phần tinh thần, biến nó thành hiện tượng duy tâm thuần túy, do đấy phương pháp biện chứng cũng phải xuất hiện dưới một hình thức thần bí. Chỉ có trên lập trường duy vật mới có thể phát triển nội dung chân chính phản ánh đúng đắn thực tế khách quan, và nhờ đấy xây dựng phương pháp tư tưởng ăn khớp với quy luật mâu thuẫn và biến chuyển của thực tại. Chính như thế là «lộn lại» biện chứng pháp Hegel, thiết lập biện chứng pháp duy vật.

Như Marx đã nói: «Phương pháp biện chứng của tôi về căn bản không những là khác, mà là đối lập hẳn với phương pháp biện chứng của Hegel. Theo Hegel, quá trình diễn biến tư tưởng, mà dưới tên ý niệm, ông ta đã biến thành một chủ thể độc lập, là vị Thần sáng tạo ra thực tại, thực tại này chỉ là ngoại diện của vị thần kia. Trái lại, theo ý tôi, thì cái biến chuyển của tư tưởng chỉ là phản ánh cái biến chuyển thực tại. Nó là cái biến chuyển thực tại chuyển vào và lặp lại trong đầu óc của người ta» [4].

Nói một cách khác, biện chứng pháp chân chính là biện chứng pháp duy vật. Và tuy trong ấy có sử dụng những phát kiến chính đáng của Hegel, nhưng xét về căn bản và thực chất thì nó là một phát kiến mới trên một cơ sở mới, một công trình sáng tạo của Karl Marx , mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại. Tuy nhiên không phải vì thế mà triết học Hegel đã mất giá trị tiến bộ của nó. Để thấy rõ sự khác nhau sâu sắc giữa biện chứng pháp duy vật và biện chứng pháp duy tâm và tính chất ưu việt tuyệt đối của biện chứng pháp duy vật, đồng thời nội dung phong phú và tác dụng xây dựng của biện chứng pháp Hegel, chúng ta có thể đi vào từng vấn đề đặc biệt của triết học Hegel và phân tích cụ thể cái căn bản khoa học chân chính cùng với cái tình trạng lộn ngược của nó. Chúng ta sẽ thấy rằng chính cái phần chân lý trong ấy cũng phải có vận dụng phương pháp biện chứng duy vật mới có thể nêu rõ, nhưng mặt khác thì biện chứng pháp Hegel, một khi đã được lộn lại, lại cung cấp những tài liệu tốt để học tập chủ nghĩa Marx. Trả lời tòa soạn tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx, Lênin khuyên răn như sau đây: «Những cộng tác viên của tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx phải nghiên cứu một cách có hệ thống biện chứng pháp Hegel đứng trên lập trường duy vật. Chính cái biện chứng pháp ấy Marx đã áp dụng một cách thực tiễn trong cuốn Tư Bản Luận và trong những tác phẩm lịch sử và chính trị, và đã thành công đến chỗ mà bây giờ, ngày ngày... những dân tộc mới, những giai cấp mới thức dậy hoạt động càng ngày càng xác nhận thêm chủ nghĩa Marx».

... «Noi gương phương pháp của Marx áp dụng biện chứng pháp Hegel quan niệm theo nghĩa duy vật, chúng ta có khả năng và nhiệm vụ phát triển cái biện chứng pháp ấy về mọi mặt, in lại trong tạp chí những đoạn trích ở những tác phẩm chính của Hegel, giải thích nó theo nghĩa duy vật, minh họa nó bằng những đoạn của Marx ứng dụng biện chứng pháp, và bằng những thí dụ biện chứng pháp trong những quan hệ kinh tế, chính trị. Nhóm biên tập và cộng tác viên của tạp chí Dưới Lá Cờ Chủ Nghĩa Marx, theo ý tôi, phải làm như một «hội của những người bạn duy vật của biện chứng pháp Hegel».

***

Nơi trình bày hệ thống phạm trù biện chứng của Hegel là cuốn Luận Lý Học (1812). Cuốn này đã trực tiếp ảnh hưởng đến cuốn Tư Bản Luận của Karl Marx. Trong tập Bút Ký về Triết Học, Lênin viết: «Không thể nào hiểu thấu cuốn Tư Bản Luận của Marx, đặc biệt là chương đầu, nếu không nghiên cứu triệt để và hiểu toàn bộ cuốn Luận Lý Học của Hegel». Những khái niệm luận lý đây lại xuất hiện một cách hoàn toàn trừu tượng, với tính chất là hình thái thuần túy của sự biến chuyển, tách rời nội dung biến chuyển thực sự. Để tìm hiểu ý nghĩa thực tế của biện chứng pháp Hegel, bước đầu phải trở lại cuốn Hiện Tượng Luận của Tinh Thần (1807), cuốn này trình bày lịch sử tiến hóa của ý thức tư tưởng từ hình thái thấp nhất, tức là ý thức cảm giác, lên đến hình thái cao nhất theo Hegel, «khoa học tuyệt đối», tức là hệ thống triết học của bản thân tiên sinh. Đây có nội dung tương đối rõ ràng, và chính những hình thái biến chuyển thực sự trình bày ở đây sẽ trở thành những phạm trù thuần túy trừu tượng trong cuốn Luận Lý Học. Trong cuốn Kinh Tế Chính Trị Học và Triết Học viết năm 1844, lúc chuyển từ duy tâm sang duy vật, Karl Marx đã nói: «Phải bắt đầu từ cuốn Hiện Tượng Luận của Hegel, vì chính đây là nơi sinh nở của triết học Hegel, bí quyết của nó nằm ở đấy».

Trong phạm vi bài này, chỉ có thể phân tích một đoạn làm thí dụ. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu và phê phán phần đầu của một chương nổi tiếng rất nhiều, chương IV nhan đề là: «Ý Thức Bản Ngã - Chân Lý của Sự Tin Tưởng ở Mình». Ý thức bản ngã là ý thức về mình, tin tưởng ở mình. Ở trình độ cảm tính nó trải qua ba hình thái, theo danh từ Hegel, là: Lòng Ham Muốn, Chiến Đấu Sống Chết, Chủ Nô và Nô Lệ. Dưới một hình thức huyền bí, Hegel đã diễn tả trong đoạn này quá trình diễn biến tâm trạng bản ngã chủ quan trong mấy bước đầu của lịch sử tiến hóa nhân loại, từ đời sống động vật lên xã hội nhân loại nguyên thủy, rồi đến chế độ chiếm hữu nô lệ và sự tan rã của nó.

1 - LÒNG HAM MUỐN

Giới thiệu [5] 

Ý thức bản ngã chỉ thấy mình, tin tưởng ở mình, tức là phủ định tính chất độc lập của đối tượng khách quan. Sự phủ định ấy ở trình độ thấp nhất, trình độ động vật, thể hiện trong sự ham muốn vật bên ngoài. Lòng ham muốn không thấy đối tượng khách quan, tức là vật làm mồi, trong cái thực tại độc lập của nó, mà lại cho nó cũng là mình, rồi lôi cuốn, hấp thu nó vào mình. Nghĩa là ý thức nhằm đối tượng ham muốn chính là ý thức về mình, ý thức bản ngã, vì chỉ thấy mình trong con vật kia. Hoạt động thủ tiêu vật làm mồi và đồng hóa nó với mình là bước đầu thực hiện cái ý nghĩ duy tâm vốn có trong ý thức bản ngã: đối tượng không có thực tại độc lập mà chỉ là mình thôi.

Nhưng trong sự thỏa mãn ấy, tính chất độc lập khách quan của thực tại bên ngoài thực ra chưa bị thủ tiêu. Vì vẫn phải có thực tại độc lập khách quan thì mới có đối tượng mà hấp thu vào mình. Cụ thể thì thực tại bên ngoài luôn luôn xuất hiện với hình thức mồi này hay mồi kia, mà sự ham muốn cũng luôn luôn trở lại, tức là không bao giờ thực sự được thỏa mãn. Đấy là mâu thuẫn nội bộ bộc lộ trong «kinh nghiệm» của lòng ham muốn, chứng minh rằng cái thực tại mà nó phủ định và luôn luôn thủ tiêu thực ra thì vẫn tồn tại ngoài nó, nghĩa là vẫn giữ tính chất độc lập đối với nó. Do tính chất độc lập của thực tại khách quan, ý thức bản ngã có thể được thỏa mãn nếu đối tượng tự nó phủ định nó. Nhưng chỉ có một vật có ý thức đầy đủ, tức là một người, mới có thể tự mình phủ định mình, cụ thể trong lúc công nhận một người khác. Vì công nhận một người khác chính là hạn chế, có khi thủ tiêu phần của mình. Phải chuyển lên quan hệ giữa người với người, công nhận cho nhau quyền làm người, mới có thể giải quyết mâu thuẫn xuất hiện trong lòng ham muốn và thực hiện cái thỏa mãn đầy đủ mà sự ham muốn trực tiếp, ở trình độ động vật, không thể nào đạt được. Nói tóm lại, người chỉ có thể được thỏa mãn trong một người khác, hay theo danh từ Hegel: «Ý thức bản ngã chỉ có thể được thỏa mãn trong một ý thức bản ngã khác» [6].

 

Phê phán.

Trên đây Hegel đã mô tả tâm trạng một cách hoàn toàn chủ quan, do đấy quá trình biện chứng chân chính xuất hiện với một hình thức lộn ngược.

Vì theo cách Hegel trình bày, hoạt động sinh vật, thủ tiêu vật làm mồi và đồng hóa nó với mình, chỉ là thực hiện cái ý nghĩa vốn có trong ý thức bản ngã, phủ định đối tượng bên ngoài và cho nó cũng là mình. Tức là hiện tượng sinh vật khách quan, theo Hegel, lại xuất phát từ tâm trạng chủ quan của lòng ham muốn: sở dĩ con vật bắt và hấp thu một thức ăn, chính là vì nó muốn cái thức ăn ấy. Rõ ràng như thế là đảo lộn thứ tự thực tế. Vì thực ra thì trước khi ham muốn, cũng đã phải có kinh nghiệm hưởng thụ. Nếu chưa có kinh nghiệm hưởng thụ, thì cũng chưa biết đối tượng nào mà ham muốn. Mà kinh nghiệm hưởng thụ xét tới cùng là bắt nguồn từ một quá trình tự phát trong vật thể, trong những quan hệ khách quan hỗ tương tác dụng giữa cơ thể và hoàn cảnh. Một con vật gặp một thức ăn, buổi đầu thì vì đói mà ăn, sau kinh nghiệm ấy rồi mới biết đi tìm thức ăn kia. Nghĩa là điều kiện sinh sống khách quan, gây nên kinh nghiệm hưởng thụ, là cơ sở thực tế trên ấy phát triển những phản xạ có điều kiện quy định đối tượng làm mồi, tức là đối tượng ham muốn. Vậy lòng ham muốn xuất phát từ quan hệ sinh vật khách quan chứ không phải là quan hệ sinh vật xuất phát từ lòng ham muốn.

Tuy nhiên, chủ nghĩa duy tâm của Hegel cũng không phải là hoàn toàn không có căn cứ. Vì một khi đối tượng ham muốn đã được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm hưởng thụ tự phát, do quan hệ thực tế giữa cơ thể và hoàn cảnh gây nên, thì con vật tự nó đi tìm mồi, bắt và hấp thu: hình như là ý thức chủ quan đây đã quy định sự hoạt động của cơ thể thủ tiêu đối tượng khách quan. Và xét theo hiện tượng tâm lý bản thân, thì trong lúc ham muốn, ta cho đối tượng bên ngoài như đã đồng hóa với mình, không đếm xỉa gì đến tính chất độc lập khách quan của nó, rồi lôi cuốn nó về mình, hấp thu nó vào mình. Đây là ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn, mà Hegel đã tiếp thu một cách trung thành và đem vào công thức triết học. Cái ý thức chủ quan ấy là một hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Nó phản ánh hoạt động trực tiếp tiêu thụ ở trình độ động vật. Lòng ham muốn phủ định tính chất độc lập khách quan của đối tượng và cho nó cũng là mình, chính là lập lại trong ý thức cái kinh nghiệm động vật thủ tiêu đối tượng và hấp thu nó vào mình. Nhưng một khi cái cơ cấu tâm lý đã được xây dựng, nó lại phát triển một cách tương đối tự chủ trong phạm vi của nó, và hình như là chính cái ý thức chủ quan, phủ định tính chất độc lập khách quan của đối tượng, lại gây ra cái hoạt động sinh vật thực tế thủ tiêu vật làm mồi. Vì thế mà Hegel cho rằng hoạt động sinh vật khách quan chỉ là thực hiện cái ý nghĩa sẵn có từ trước trong ý thức bản ngã chủ quan: «Ý thức bản ngã chỉ có thể tin tưởng ở mình bằng cách phủ định con vật xuất hiện đằng kia; đấy là lòng ham muốn. Tin tưởng rằng con vật kia chỉ là hư không, ý thức bản ngã lấy cái tính chất hư không ấy làm chân lý cho mình, thủ tiêu đối tượng độc lập và do đấy làm cho cái lòng tin tưởng ở mình thành một tin tưởng chân thực, một tin tưởng đã được thực hiện trong thực tế khách quan» [7].

Tiếp thu ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn, Hegel đã nắm vững nguồn gốc của toàn bộ truyền thống duy tâm trong lịch sử. Vì nếu ở trình độ cảm thức thuần túy của đời sống động vật, lòng ham muốn chỉ có thể phủ định một cách tiêu cực tính chất độc lập khách quan của đối tượng, thì lên đến trình độ nhân loại, tức là trình độ nhận thức, nó sẽ phát triển thành hệ thống tích cực. Dựa vào nhận thức, bước đầu là nhận thức cảm tính, ý thức chủ quan của lòng ham muốn sẽ xây dựng những ý tưởng thần bí của các tôn giáo, phủ định thế giới thực tại để hưởng thụ trong mơ mộng những đối tượng ham muốn không đạt được trong xã hội hiện tại. Với sự phát triển của nhận thức lý tính, tôn giáo sẽ chuyển thành triết học duy tâm lấy hình thức khái niệm thế vào ý tưởng cảm tính, nhưng ý nghĩa căn bản cũng là xây dựng những đối tượng ham muốn thành một thế giới mơ hồ an ủi đời sống thực tế. Và cuối cùng cuốn Hiện Tượng Luận của Tinh Thần của Hegel trình bày lịch sử tư tưởng nhân loại như là lịch sử của ý thức chủ quan phủ định thực tế khách quan của thế giới vật chất để tự thực hiện mình trong một thế giới tinh thần thuần túy: chính đấy là bản tổng kết trung thành của truyền thống tư tưởng duy tâm xuất phát từ ý thức chủ quan căn bản của lòng ham muốn.

Tuy nhiên, quan điểm lịch sử và phương pháp biện chứng vận dụng trong bản tổng kết ấy, lại không thể bắt nguồn từ lập trường duy tâm. Vì ý thức chủ quan căn bản chỉ có thể tự mình khẳng định mình, nắm vững và duy trì nội dung hiện tại, không thể nào tự nó mà nó tạo ra những mâu thuẫn nội bộ làm động cơ chuyển biến. Cụ thể như lòng ham muốn ở trình độ động vật thì chỉ có thể đi từ mồi này đến mồi khác. Nó không thể nào tự nó thấy mâu thuẫn trong nó, và cho rằng cứ thủ tiêu đối tượng khách quan bằng cách ấy thì không bao giờ xong, hết đối tượng này lại có đối tượng khác, vậy ý thức bản ngã cũng không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn.

Thực ra thì sở dĩ có xuất hiện mâu thuẫn nội bộ trong ý thức ham muốn chính là vì đã có mâu thuẫn và biến chuyển trong thực tại. Tất nhiên đã phải có công trình lao động tạo ra xã hội loài người, thì mới có những nhu cầu cao hơn nhu cầu sinh vật trực tiếp, cụ thể là nhu cầu bảo đảm cơ sở sản xuất, phân công và phân phối kết quả sản xuất trong xã hội. Trước những nhu cầu mới này, hoạt động trực tiếp tiêu thụ theo kiểu động vật không thỏa mãn được nữa. Vì bây giờ đời sống sinh vật thông qua bộ máy sản xuất, vấn đề chủ yếu bây giờ là tổ chức công trình sản xuất xã hội, vì chính những nhu cầu sinh vật cũng chỉ có thể được bảo đảm trong tổ chức xã hội. Nghĩa là những quan hệ giữa người với người phải được quy định, quyền lợi của mọi cá nhân và tập đoàn phải được công nhận, trong sự công nhận ấy mỗi người phải hạn chế, có khi hy sinh phần mình, tức là «tự mình phủ định mình». Vậy sở dĩ mâu thuẫn nội bộ đã phát sinh trong lòng ham muốn và «ý thức bản ngã» đòi hỏi «được hoả mãn trong một ý thức bản ngã khác», là vì điều kiện sinh sống vật chất đã thay đổi về căn bản, người chỉ có thể sinh sống nếu được công nhận trong xã hội. Đấy là nội dung khách quan chân chính mà Hegel đã tiếp thu, nhưng đồng thời lại hạn chế vào phần tinh thần và đảo lộn đầu xuống chân. Quá trình biện chứng thực tế là quá trình xây dựng quan hệ sản xuất và ý thức hệ đầu tiên của xã hội loài người trên cơ sở sức sản xuất mới phát triển. Với Hegel, nó biến thành biện chứng pháp thần bí của «ý thức bản ngã», ý thức này vì không được thoả mãn trong «kinh nghiệm» của lòng ham muốn ở trình độ động vật, nên đặt ra quan hệ «công nhận» lẫn nhau giữa người với người. Lịch sử tiến hoá động vật chuyển lên nhân loại chỉ còn là một kết quả ngoại diện của lịch sử tinh thần sáng tạo thế giới. 

Tuy nhiên, một khi quan hệ «công nhận» lẫn nhau đã được xây dựng trong xã hội loài người, cái biện chứng pháp mà Hegel trình bày xuất hiện như một «kinh nghiệm» chủ quan trong tinh thần: người ta thấy rằng vấn đề căn bản không phải là theo đuổi liên miên những đối tượng ham muốn, mà là được công nhận giá trị làm người. Chính các kinh nghiệm này là cơ sở trên ấy các triết gia đời xưa đã phát triển tư tưởng chán nản sự đời, đòi vượt ra khỏi phạm vi thế giới ham muốn của người phàm tục, vì lòng ham muốn là vô cùng tận, vậy không bao giờ có thể thực sự được thoả mãn. Theo họ, thì người ta chỉ có thể được thoả mãn hoàn toàn nếu được công nhận một giá trị tuyệt đối, ngoài trần gian. Trước cái giá trị tuyệt đối ấy thì những người khác phải quy phục, «tự mình phủ định mình». Lịch sử tôn giáo và huyền học chứng minh rằng các hiện tượng lộn ngược diễn tả trong biện chứng pháp duy tâm của Hegel là một hiện tượng có thật. Chính trong ý thức chủ quan trước đây, ở thời nguyên thủy và dưới những chế độ áp bức bóc lột, quá trình thực tế xây dựng những giá trị nhân đạo chân chính trên cơ sở sinh vật và điều kiện sinh hoạt xã hội đã bị đảo lộn thành một quá trình thần bí: tinh thần phủ định vật thể, gạt bỏ những đối tượng ham muốn sinh vật để xây dựng một đời sống duy tâm, đời sống của những tâm hồn thuần tuý thoả mãn lẫn nhau bằng cách công nhận: «ý thức bản ngã chỉ có thể được thỏa mãn trong một ý thức bản ngã  khác».        

2. KHÁI NIỆM CỦA SỰ CÔNG NHẬN.

CHIẾN ĐẤU SỐNG CHẾT

Giới thiệu.

Một ý thức bản ngã được thoả mãn trong một ý thức bản ngã khác hay một người được thoả mãn trong một người khác khi mà bên này được biên kia công nhận. Trong khái niệm thuần tuý của sự công nhận, có hai bước, mỗi bước có hai mặt. Bước đầu thì ý thức bản ngã gặp một ý thức bản ngã khác hay một người gặp một người khác, và hai bên trông nhau, thì một mặt mình đã mất mình vì thấy mình ở bên kia. Nhưng mặt khác mình lại phủ định bên kia, và không thấy người kia với tính chất độc lập của người ta mà lại thấy mình ở người ấy. Bước thứ hai thì một mặt mình phủ định bên kia và tin tưởng ở mình, nhưng mặt khác thì chính mình lại phủ định mình, vì mình phải tự nhận thấy mình ở bên kia. Tất nhiên, trong sự gặp gỡ, bên kia cũng thực hiện hai bước ấy. Và mỗi bên lại thấy bên kia làm như mình. Nghĩa là «hai bên công nhận cho nhau rằng mình có công nhận lẫn nhau».

Đấy là khái niệm thuần tuý của sự công nhận, nhưng khái niệm ấy chưa thể hiện một cách thực sự, vì đến đây, mỗi bên trên thực tế mới chỉ tin tưởng ở mình và thực hiện mình bằng cách gạt bỏ bên kia. Đối với mỗi bên thì bên kia còn là một sinh vật, chưa phải là một người có ý thức bản ngã. Để thực hiện khái niệm của sự công nhận mới trình bày trên đây, hai bên phải chứng tỏ lẫn cho nhau rằng mình là người, là ý thức bản ngã chân chính.

Quá trình chứng tỏ ấy thể hiện bằng cách tỏ ra rằng mình không bị dính líu với cái vật thể này, không bị cái đời sinh vật ràng buộc, mà trái lại mình khinh rẻ cái đời sinh vật ấy. Hai bên tấn công lẫn nhau, nhằm giết nhau, đồng thời mỗi bên cũng liều thân mình. «Mỗi bên chứng tỏ mình và hai bên chứng tỏ lẫn nhau bằng cách chiến đấu sống chết». Có chiến đấu như thế mới chứng minh được rằng cái tin tưởng ở mình là chân thực, rằng mình xứng đáng được công nhận, nghĩa là có chiến đấu mới nâng được cái tin tưởng chủ quan ở mình lên chân lý khách quan: «chỉ có liều mất cái đời sinh vật thì mới chứng tỏ được cái phẩm chất tự do, chứng tỏ được rằng thực chất của mình không phải là ở cái thực tại trực tiếp dìm trong đời sinh vật, rằng trong đời mình không có cái gì mà không sẵn sàng hy sinh, rằng mình chỉ là thuần tuý tự vị tồn tại» (1).      

Nhưng phương pháp chứng tỏ bằng cái chết lại thủ tiêu cái chân lý mà nó muốn xây dựng. Vì hai bên đều chết thì không bên nào công nhận bên nào, mà nếu một bên chết thì bên kia thực tế cũng chưa được công nhận. Đấy là kinh nghiệm mâu thuẫn nội bộ chứng minh rằng cái đời sinh vật cũng cần thiết như ý thức thuần túy về mình. Nhưng bước đầu thì hai điểm ấy lại bị tách riêng: một bên - bên thắng - là ý thức bản ngã thuần túy; bên kia - bên thua và hàng - thì không tồn tại cho minh mà tồn tại cho người khác, ý thức bị thu hẹp vào đời sinh vật vì đã sợ chết.

Bên ý thức độc lập là chủ, tập trung ý nghĩa của ý thức bản ngã tự vị tồn tại. Bên kia là nô, không có quyền làm người nữa, vì đã «mất tinh thần» trong cuộc chiến đấu. Cái «tinh thần», tức là ý thức bản ngã của nô lệ, đã bị thu hút về bên chủ nô. Nghĩa là sợ chết trước chủ nô, nô lệ thấy bản ngã của mình trong con người chủ nô, còn mình thì chỉ còn là vật thể. Chủ nô được công nhận là ý thức bản ngã của cái vật thể ấy, thì sử dụng nô lệ như vật thể của mình.

Phê phán.

 

Chiến đấu sống chết là một sự kiện lịch sử, đồng thời nó cũng được nhắc lại trong ý thức cá nhân như một điều căn bản thiết lập phẩm giá con người. Nhưng nhất định nó không thể nào xuất phát từ «khái niệm thuần túy của sự công nhận» như Hegel trình bày, nhất là khái niệm này hình như từ trên trời rơi xuống. Thực tế thì chiến đấu xuất hiện ngay buổi đầu của xã hội loài người, không phải là vì biện chứng pháp thuần túy của «ý thức bản ngã» muốn được «công nhận», nhưng vì những mâu thuẫn vật chất càng ngày càng phát triển dưới chế độ cộng đồng nguyên thủy, căn bản là mâu thuẫn giữa tính chất cá thể của sức sản xuất và quan hệ sản xuất cộng đồng, quan hệ này bắt nguồn từ tính chất non yếu của sức sản xuất. Hoạt động sản xuất của người thái cổ, như dùng con dao hay cái rìu, trước hết là cá thể, nhưng vì công cụ còn quá thô sơ, nên phải hợp sức với nhau và sản xuất tập thể. Nhưng quan hệ sản xuất cộng đồng, tương ứng với tính chất non yếu của sức sản xuất, lại mâu thuẫn với bản chất cá thể của nó. Do bản chất cá thể ấy, tổ chức làm việc chung không đi xa hơn quan hệ hợp tác đơn giản, vậy cũng không vượt qua được phạm vi hẹp hòi của những tập đoàn nhỏ và riêng biệt. Giữa các tập đoàn này, vì chưa có cơ sở sản xuất chung, xuất hiện mâu thuẫn và chiến đấu. Rồi kỹ thuật sản xuất càng tiến bộ, thì tính chất cá thể của sức sản xuất lại càng mâu thuẫn với quan hệ cộng đồng. Do đấy, tổ chức sản xuất cũng chuyển theo hướng cá thể, quan hệ trao đổi phát triển, gây điều kiện tập trung của cải. Bọn tộc trưởng và gia trưởng càng ngày càng chiếm đoạt tài sản chung, biến quan hệ liên đới cộng đồng nguyên thủy thành quan hệ phụ thuộc vào chúng. Quá trình phát triển quan hệ tư hữu trong lòng xã hội thị tộc tan rã là một quá trình chiến đấu tàn khốc. «Chiến đấu sống chết» buổi đầu xuất hiện do nhân dân thị tộc bảo vệ tài sản cộng đồng, bây giờ lại biến thành chiến tranh của bọn quý tộc bộ lạc tranh giành của cải và uy tín. Uy tín đây là gắn liền với của cải: nó là uy quyền tập trung của cải.

Chúng ta thấy rõ: chiến đấu sống chết căn bản không phải là một hiện tượng cá nhân, biểu hiện những đòi hỏi chủ quan của «ý thức bản ngã», mà là một hiện tượng xã hội xuất hiện do những mâu thuẫn khách quan phát triển trong phương thức sản xuất cộng đồng. Ý nghĩa vinh dự đầu tiên của nó là bảo đảm điều kiện sản xuất tập thể. Mà đành rằng đến đời thị tộc tan rã, bọn quý lộc có chiếm đoạt cái uy quyền tập thể, và biến cái vinh dự tập thể thành vinh dự cá nhân, nhưng phần nào mà cái vinh dự chiến đấu vẫn có mặt chân chính, thì nó cũng xuất phát từ nhân dân lao động: ý nghĩa căn bản của nó vẫn là bảo vệ cơ sở sản xuất chung.

Nhưng vì lớp quý tộc bấy giờ đương chuyển lên cương vị thống trị, mà cuộc chuyển biến ấy lại phù hợp với sự phát triển của sức sản xuất, nên trong ý thức xã hội giá trị chiến đấu xuất hiện với một hình thức lộn ngược: nó được công nhận là danh dự cá nhân, và chiến tranh phát triển với ý thức chiến đấu danh dự cá nhân. Thậm chí cái danh dự cá nhân ấy lại biến thành linh uy quỷ thần, và bọn quý tộc cũng tự nhận là quỷ thần, đe dọa lẫn nhau và đe dọa nhân dân. Chính cái hiện tượng lộn ngược này đã được tiếp thu trung thành trong cuốn Hiện Tượng Luận của Hegel. Chiến tranh vì quyền lợi thiết thực, trong ấy phần chân chính là quyền lợi chung của xã hội, trở thành một thứ hoạt động anh hùng thần bí, chiến đấu vì muốn được công nhận là «ý thức bản ngã» thuần túy, không bị dính líu với cái đời sinh vật này! Do đấy, Hegel đã mở đường cho bọn phản động hiếu chiến tuyên truyền cho chiến tranh vì chiến tranh, cho rằng chiến đấu sống chết là danh dự của người ta, vậy đã làm người thì phải có chiến tranh. Chúng không thấy rằng tư tưởng đó chỉ là một di tích của đời thị tộc dã man.

Vì đã tuyệt đối hóa chủ nghĩa duy tâm tự phát của ý thức anh hùng cá nhân, Hegel lại đưa ra một biện chứng pháp kỳ quái: muốn được công nhận thì phải chiến đấu sống chết, nhưng nếu thực sự đi đến chỗ chết thì lại không còn ai mà công nhận, vậy muốn tránh cái kết quả tiêu cực ấy, thì phải có một bên đầu hàng và chịu làm nô lệ, tức là chịu mất cái quyền được công nhận.

Thực ra thì chế độ chiếm hữu nô lệ có được một giai đoạn phát triển trong lịch sử, nhưng không phải vì điều kiện công nhận «ý thức bản ngã». Đấy chỉ là vì điều kiện sản xuất vật chất đã cho phép dùng nô lệ  một cách có lợi. Sức sản xuất chưa đạt được một trình độ nhất định thì xã hội thị tộc cũng chưa thể chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ.

Nhưng cũng không phải vì thế mà chiến tranh thời thị tộc bắt buộc phải đi đến chỗ tiêu diệt. Hegel ở đây bỏ qua hoàn toàn những hình thức trao đổi hòa bình đã phát triển rất nhiều trong lòng xã hội cộng đồng nguyên thủy. Thực tế trong thời thị tộc toàn thịnh, sức sản xuất đã tiến bộ và gây ra một số sản phẩm thừa, nhưng chưa đi đến mức cho phép sử dụng nô lệ một cách có lợi: chiến tranh phát triển, nhưng đồng thời cũng đã có những hình thức trao đổi hòa bình theo kiểu có đi có lại. Chính đây đã xuất hiện những hiện tượng «công nhận» lẫn nhau đúng với nội dụng ý nghĩa mà Hegel đã trình bày một cách hoàn toàn trừu lượng trong «khái niệm thuần túy của sự công nhận». Những hiện tượng ấy là những lễ trao của mà các nhà nhân chủng học đã mô tả dưới danh từ chung: Pốt-lắt (potlatch). Ví dụ như một tộc trưởng tập hợp phe mình rồi mời một phe khác đến, cho ăn no nê, cho tặng phẩm, phô trương của cải, có khi phá đồ quý cho mọi người xem, cư xử nghênh ngang nhằm làm cho bên kia «mất mặt». Sau một thời hạn nhất định thì bên kia phải mời lại mà tiếp đãi hoang phí hơn nữa, nếu không thì «mất mặt» thật, tức là bị hạch sách và phải chịu quy phục bên này. Hay trong cùng một phe, tộc trưởng mời những gia trưởng phụ thuộc đến cho ăn, cho quà, phô của với những lời nói và câu hát rất là «lên mặt». Về phần khách thì chịu nhận quà như thế chính là công nhận uy quyền của tộc trưởng (đặc biệt là nhận nhiệm vụ đến giúp lúc nào nhà tộc trưởng có việc, như cưới xin, báo thù, v. v...). Nhưng nếu một gia trưởng lại thu thập của cải đủ để mời lại và tiếp đãi toàn phe một cách hoang phí hơn nhiều, đến nỗi anh tộc trưởng không làm sao trả lại được, thì anh này cũng «mất mặt» và phải nhường quyền lại cho anh gia trưởng kia.

Đây chúng ta thấy đúng như Hegel trình bày: bước thứ nhất, một bên gặp bên kia thì đã «mất mình», tức là mất của cho bên kia. Nhưng cho bằng cách ấy thì chính là phủ định bên kia, làm cho người ta «mất mặt». Bước thứ hai, thì như thế mình đã «lên mặt», chỉ thấy mình trong người kia. Nhưng chính đấy lại là tự mình phủ định mình, vì đã cho bên kia cái quyền mời lại, trả lại một cách hoang phí hơn, làm cho mình cũng «mất mặt». Đời thái cổ, cái «mặt» là một vật có thật: nó là cái «mặt nạ» quỷ thần mà bên mời đeo lên để hát múa và lấy uy thế. Còn bên kia thì lúc trả lại cũng đeo mặt nạ của mình, nhưng nếu thiếu phần hoang phí thì bị tước cái mặt nạ ấy.

Đây là một hiện tượng lịch sử đã để lại nhiều di tích, có khi tai hại, trong phong tục và tâm lý cá nhân. Ví dụ như những lệ ăn uống xôi thịt ở thôn quê ta ngày trước, với những hình thức khiêu khích ganh đua, là một phương tiện cho bọn địa chủ bóc lột nông dân, thôn tính lẫn nhau, tập trung của cải. Nhưng ở đời thị tộc, chính cái lễ trao của ấy đã đóng một vai trò tiến bộ nhất định, vì nó là một hình thái pháp lý phôi thai giải quyết tạm thời những mâu thuẫn phát triển trong công xã nguyên thủy. Nó xuất phát rõ ràng từ kinh nghiệm chiến đấu và chính nội dung nó cũng là một thứ chiến đấu tượng trưng. Bên mời tiếp đãi một cách hoang phí chinh là  bày tỏ lực lượng của mình. Cái mặt nạ họ đeo thường có hình dữ tợn, và những câu nói, những bài hát đều nhằm tự đề cao mình và uy hiếp bên kia. Bên kia cũng đáp lại như thế, tức là hai bên đã xây dựng trên kinh nghiệm chiến đấu một hình thức trao đổi hòa bình và tương đối bình đẳng. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của xã hội thị tộc tan rã, với sự phát triển của những quan hệ tư hữu, những lễ trao của ấy cũng phải đưa đến chỗ tổ chức bọn tộc trưởng và gia trưởng thành một lớp quý tộc theo quan hệ ngôi thứ.

Nói tóm lại, trình bày như Hegel cuộc chiến đấu sống chết như một hình thái thực hiện «khái niệm thuần túy của sự công nhận» chính là đảo lộn vấn đề. Chiến đấu bắt nguồn từ những mâu thuẫn vật chất trong phương thức sản xuất cộng đồng nguyên thủy, và trên cơ sở kinh nghiệm chiến đấu mới xuất hiện những hiện tượng công nhận lẫn nhau, xây dựng ý thức danh dự. Nội dung danh dự căn bản vẫn là bảo vệ điều kiện sản xuất xã hội, nhưng vì hướng tiến triển của lịch sử bấy giờ là xây dựng chế độ tư hữu tài sản, ý nghĩa danh dự chân chính, ý nghĩa tập thể, bị thu hút vào phạm vi cá nhân, đảo lộn thành danh dự thuần túy cá nhân. Hegel đã trung thành tiếp thu cái hiện tượng lộn ngược ấy và tuyệt đối hóa nó thành nội dung thuần túy của ý thức bản ngã, tức là «khái niệm thuần túy của sự công nhận». Rồi chính cái khái niệm trừu tượng này lại trở thành một nguồn thần bí phát sinh những cuộc chiến đấu thực tế trong lịch sử. Một lần nữa ý thức chủ quan lại tạo ra sự việc khách quan. Mà vì chiến tranh được quan niệm như là một giá trị tuyệt đối, một yêu cầu danh dự của ý thức bản ngã, vậy theo Hegel nó cũng bắt buộc phải tiến hành đến chỗ tiêu diệt, trừ ra nếu một bên chịu mất hoàn toàn cái quyền làm người. Tức là chế độ chiếm hữu nô lệ được biện chính về phương diện tinh thần, như là một điều kiện tất yếu để giải quyết vấn đề công nhận ý thức bản ngã.

Đây Hegel không những là đã hoàn toàn bỏ qua, như đã nói ở trên, những hình thức trao đổi hòa bình ở thời thị tộc, mà lại còn lý tưởng hóa nội dung nguyên thủy của quan hệ chủ nô - nô lệ. 'l'heo Hegel, sở dĩ một bên thắng và chuyển lên cương vị chủ nô, là vì đã có can đảm đối địch cái chết, giữ được ý thức bản ngã thuần túy trong cuộc thử thách. Còn bên kia thua và trở thành nô lệ là vì đã sợ chết, đã cho cái đời sống sinh vật quý hơn là ý thức bản ngã của mình, tức là đã chịu thu mình vào phần vật thể, vậy cũng phải công nhận rằng ý thức bản ngã thuần túy là phần chủ nô. Như thế thì hình như là hai cương vị đây đều xứng đáng: đã sợ chết thì đáng làm nô lệ, còn người không sự chết thì có quyền thống trị.

Nhưng thực ra, nếu xét đến thực tế lịch sử, thì trong những cuộc chiến tranh cướp nô lệ, bọn chủ nô thắng không phải là vì dũng cảm hơn, mà căn bản là vì điều kiện khách quan thuận lợi, kỹ thuật chiến đấu cao hơn, mưu mẹo khéo hơn. Còn bên thua thì tất nhiên vẫn còn có thể  chiến đấu đến chết, nhưng nếu đầu hàng thì cũng không phải là vì ít tinh thần hơn bên được, vì bên này trong cùng một hoàn cảnh thì cũng làm đến thế thôi. Tư tưởng cho rằng chủ nô đã xây dựng cương vị thống trị nhờ chiến đấu dũng cảm chính là tư tưởng của giai cấp thống trị biện chính quyền áp bức bóc lột của nó. Hegel đã tiếp thu tư tưởng ấy và cho nó một hình thức tuyệt đối với hiện tượng anh hùng cá nhân chiến đấu sống chết để được công nhận.

Biện chứng pháp Hegel đặt nguồn gốc và cơ sở lịch sử trong ý thức chủ quan, đã đảo lộn thứ tự thực tế. Nhưng cái tình trạng lộn ngược ấy lại là tình trạng thực tế của ý thức nhân loại nguyên thủy, kéo dài trong tư tưởng của những giai cấp áp bức bóc lột, tư tưởng này nói chung đã thống trị  ý thức tư tưởng xã hội cho đến thời phát triển của giai cấp vô sản cận đại và chủ nghĩa Mác-Lênin. Vậy biện chứng pháp Hegel, dù có duy tâm đến đâu chăng nữa, vẫn có phần nội dung gắn liền với lịch sử thế giới, phản ảnh những mâu thuẫn và chuyển biến thực sự trong phạm vi tinh thần. Nhưng chính cái phần ấy cũng phải quan niệm lại trên cơ sở duy vật mới có thể thấy rõ.

3 - Chủ nô và nô lệ

Giới thiệu.

Một khi đã được công nhận là ý thức bản ngã thuần túy, chủ nô sử dụng nô lệ  như vật thể của mình. Thông qua lao động của người nô lệ, chủ nô phủ định tính chất độc lập khách quan của thiên nhiên, nghĩa là hưởng thụ đối tượng khách quan, coi nó như là phụ thuộc về mình. Ở trình độ động vật, sự thoả mãn lòng ham muốn chỉ thực hiện trong chốc lát cái ý nghĩa nhằm trong ý thức bản ngã: «đối tượng không có thực tại độc lập mà chính là mình đấy». Bâygiờ, với cương vị chủ nô được nô lệ công nhận, cái ý nghĩa ấy được củng cố và thực hiện ở một trình độ cao hơn: chủ nô đã có cơ sở để trực tiếp phủ định thực tại khách quan, hưởng thụ nó trong mình.

Nhưng đây lại xuất hiện mâu thuẫn. Vì sở dĩ chủ nô được thỏa mãn là vì nô lệ đã chịu khuất phục, hầu hạ chủ nô, tạo ra những đồ vật cho chủ nô hưởng thụ. Chính nhờ ý thức đầu hàng và phục dịch của nô lệ  mà cái tin tưởng chủ quan ở mình của chủ nô được thực hiện trong sự hưởng thụ thực tế, tức là chuyển lên chân lý khách quan.

Chủ nô không công nhận cho người nô lệ một ý thức chân chính, cho rằng ý thức của người nô lệ chỉ là một ý thức phụ thuộc, không có thực chất. Nhưng chính «cái ý thức không có thực chất ấy là cái khách quan thiết lập chân lý của sự tin tưởng ở mình của chủ nô». Nghĩa là  ý thức chủ nô là ý thức độc lập, nhưng chân lý của cái ý thức độc lập ấy lại không phải là một  ý thức độc lập: «Chân lý của ý thức độc lập»  của chủ nô là «ý thức nô lệ» (1).

Nô lệ buổi đầu xuất hiện như một vật thể, không còn là mình nữa. Nhưng giống như thân phận chủ nô đã chứng tỏ rằng thực chất của nó là trái ngược hẳn với cái mà nó tưởng, thân phận nô lệ cũng sẽ trở thành đối lập với cái trạng thái đầu tiên của nó: nó sẽ chuyển lên cương vị độc lập chân chính.

Vì thân phận nô lệ không phải chỉ là vật thể cho chủ nô sử dụng, mà thực ra thì vẫn là ý thức bản ngã, ý thức này là ý thức bị chà đạp, nhưng chính trong sự chà đạp ấy, người nô lệ đã nghiệm được cái thực chất của mình: vì anh ta đã trông thấy cái chết, cả con người anh ta đã rung chuyển, và chính cái chuyển động tuyệt đối ấy là «cái thực chất đơn thuần của ý thức bản ngã, cái tự vị tồn tại thuần túy». Rồi công trình lao động lại rèn luyện một con người mới. Lao động là hoạt động chủ quan của con người biến thành thực tế khách quan trong kết quả sản xuất. Cái tự vị tồn tại thuần túy, cảm thấy trong kinh nghiệm rung động sợ chết, được củng cố với một hình thái vững chắc: người nô lệ tự thấy mình trong sản phẩm mà mình đã sáng tạo, và do đấy tự tin ở mình và thủ tiêu cái quan hệ đầu tiên với chủ nô - sợ chết trước chủ nô. Ý thức phát triển trong con người nô lệ với những điểm chân chính mà nó không có trong con người chủ nô: thông qua lúc rung động sợ chết, người nô lệ đã có ý thức nghiêm túc về thực chất của mình; trong công trình lao động sáng tạo, cái ý thức ấy lại được xây dựng thành một thực tế vững chắc thể hiện trong kết quả sản xuất. Vì nghiêm túc và thực tế, ý thức của người nô lệ đã thấy được cái chân lý của mình là thực hiện cái tin tưởng chủ quan của mình trong thực tế khách quan. 

Phê phán.

Trong cuốn Kinh Tế Chính Trị Học và Triết Học, Karl Marx nói: «Công trạng lớn lao của cuốn Hiện Tượng Luận của Hegel và của cái thành tựu cuối cùng của nó - biện chứng pháp lấy mâu thuẫn làm nguyên lý vận động và sáng tạo là ở chỗ Hegel nắm được thực chất của lao động, và quan niệm con người có thật, con người chân chính vì là con người thực tế, như cái kết quả của công trình hoạt động bản thân». Nhưng «cái thứ lao động độc nhất mà Hegel biết và công nhận» lại là «lao động tinh thần trừu tượng».

Riêng trong đoạn biện chứng pháp chủ nô và nô lệ tóm tắt trên đây, Hegel hình như đã đi đến chỗ đề cao lao động chân tay. Nhưng vì lập trường duy tâm, chính cái lao động chân tay ấy cũng chỉ được quan niệm trong phạm vi tinh thần. Đúng như Karl Marx nói, nó đã biến thành một thứ «lao động tinh thần trừu tượng».

Trước hết Hegel đã đặt một công thức trừu tượng định nghĩa ý thức nô lệ như một ý thức vật thể, lấy chủ nô làm bản ngã của mình. Điểm này có phần đúng về mặt tâm lý, nhưng Hegel đã bỏ qua những điều kiện thực tế và giới hạn của cái tâm lý ấy.

Không phải vì đã đầu hàng một lần trong cuộc chiến đấu sống chết, mà nô lệ cứ công nhận và ngoan ngoãn phục tùng chủ nô. Nhất là chiến tranh cũng chỉ là một trong những nguồn cung cấp nô lệ: ngoài tù binh ra, còn có những hạng nô lệ khác như nô lệ trái vụ hay nô lệ sinh trong nhà, chưa có cơ hội chiến đấu mà cũng bị nô dịch. Thực ra thì chế độ chiếm hữu nô lệ trước hết là một chế độ cưỡng bách triệt để, dựa vào những thủ đoạn khủng bố tàn khốc. Sự khủng bố này không có gì là anh dũng, vì bọn chủ nô đã tập trung mọi phương tiện võ lực trong tay. Chính vì bị khủng bố liên tiếp, người nô lệ mới phải phục dịch, chứ không phải vì đã mất tinh thần và đầu hàng một lần, rồi cứ thế mà nhận chủ nô làm «bản ngã» của mình. Thực tế thì người nô lệ luôn luôn tìm cách bỏ việc, phá dụng cụ, chạy trốn, gặp cơ hội thì nổi dậy bằng những cuộc bạo động nhỏ hay lớn. Tuy nhiên, đi song song với cuộc đấu tranh ấy, cái tinh thần đầu hàng và lệ thuộc, công nhận chủ nô, cũng là một hiện tượng có thật, nhưng chính nó xuất phát từ chế độ áp bức bóc lột, chứ không phải là chế độ áp bức bóc lột xuất phát từ nó. Đây Hegel đã đảo lộn vấn đề, cho rằng thân phận nô lệ là do tinh thần lệ thuộc gây nên. Thực ra thì người nô lệ ngoan ngoãn phục dịch như Hegel mô tả chỉ là một hình ảnh lý tưởng mà bọn chủ nô đã tạo nên trong ý thức thống trị của chúng. Và trong cái hình ảnh lý tưởng ấy, Hegel đã dìm đi một lịch sử đấu tranh giai cấp ác liệt.

Trong phạm vi chế độ áp bức bóc lột, Hegel lại lý tưởng hoá thân phận nô lệ, công nhận cho nó một giá trị giáo dục kỳ lạ.

Nói rằng nô lệ đã có kinh nghiệm nghiêm túc về thực chất của mình, vì đã cảm thấy cái chết trong cuộc chiến đấu thì có phần đúng. Nhưng đồng thời cũng phải nêu rõ: kinh nghiêm rung động sợ chết chỉ có ý nghĩa nghiêm túc chân chính phần nào mà trong lúc bắt buộc phải chịu thua, người tù binh còn giữ được tinh thần đấu tranh. Chính cái tinh thần đấu tranh ấy mới thật là ý thức về mình. Có cái tinh thần đấu tranh ấy thì cái chấn động vì sinh tồn của mình có thể trở thành một trạng thái «tự vị tồn tại thuần túy». Vì phần nào mà đã chịu đầu hàng, thì người nô lệ chỉ có thể mất ý thức về mình, tồn tại cho người khác. Nhưng đây Hegel, liên hệ tâm trạng sợ chết với thái độ đầu hàng, lại biến nó thành một ý thức nghiêm túc về thực chất của mình. Thực ra thì cái nghiêm túc này chỉ là cái nghiêm túc mà bọn chủ nô muốn gây cho người nô lệ bằng mọi cách dọa nạt và đàn áp: nó là cái nghiêm túc qui phục chủ nô. Mà chính vì thế Hegel lại nhắc lại câu tục ngữ phổ biến ở Tây phương: «Sợ chủ là bước đầu của đạo đức» (1).

Rồi Hegel đề cao lao động của người nô lệ, trong ấy cũng có nêu được nhiều điểm sâu sắc. Như Marx đã nói: «Công trạng lớn lao của Hegel là nắm được thực chất của lao động». Lao động phủ định đối tượng thiên nhiên trực tiếp, thực hiện con người trong thực tế khách quan, làm cho người tự thấy mình trong một thế giới nhân tạo. Nhưng cũng cần phải nhắc rằng dưới một chế độ áp bức bóc lột dã man, người nô lệ không có điều kiện thực tế để phát huy ý thức lao động của mình. Đây Hegel lại cho rằng chính chế độ cưỡng bách, đặt kỷ luật phục dịch, đã gây nên ý thức lao động. Thực ra thì trong lịch sử thế giới, chế độ chiếm hữu nô lệ có đóng một vai trò tiến bộ khách quan nhất định, đẩy mạnh sự phát triển của sức sản xuất trong một thời gian. Nhưng vai trò ấy, tương đối và nhất thời, cũng chỉ là nâng cao trình độ sản xuất, nó không thể nào đi đến cho xây dựng con người lao động có ý thức. Trái lại, bản chất sự cưỡng bách chính là làm cho người lao động chán nản, khinh ghét công việc của mình. Tuy nhiên công trình lao động, xét đến nội dung khách quan vật chất của nó, vẫn có giá trị giáo dục chân chính, nhưng cái giá trị giáo dục ấy lại  là đối lập với kỷ luật phục dịch. Thực chất của chế độ áp bức bóc lột, mà điển hình là chế độ chiếm hữu nô lệ, là thủ tiêu ý thức của quần chúng lao động bị nô dịch, vậy người lao động dưới chế độ ấy chỉ có thể tự xây dựng mình bằng cách chống lại nó. Nhưng Hegel đã đứng trên lập trường giai cấp thống trị mà đảo lộn vấn đề, đề cao lao động với chế độ áp bức bóc lột, và cho rằng những đức tính của người lao động là do quan hệ phục dịch và kỷ luật cưỡng bách rèn luyện. Chính đấy là một luận điệu cựu truyền của các giai cấp áp bức bóc lột, lúc mà vì hoàn cảnh bắt buộc chúng phải công nhận giá trị của người lao động. Ví dụ như bọn đế quốc thực dân từ trước đến nay không ngừng phát triển những thủ đoạn ghê gớm để ngăn cản sự tiến bộ của các nước  thuộc địa, nhưng về thực tế thì nhân dân thuộc địa vẫn tiến lên, chúng lại nói rằng chính nhờ chúng cai quản mà người thuộc địa đã được «khai hóa»!

Cũng vì đứng trên lập trường giai cấp thống trị mà Hegel lại xuyên tạc và  đảo lộn nội dung chân chính của ý thức lao động. Lúc mô tả người nô lệ tự thấy mình trong sản phẩm mà mình làm ra, Hegel đã quan niệm cái «mình» ấy một cách hoàn toàn duy tâm: nó là ý thức chủ quan tự thực hiện mình, và do đấy lại tự thấy mình trong thực tế khách quan. Hegel nói : «Cái hoạt động cải tạo thiên nhiên đồng thời cũng là cái tự vị tồn tại thuần túy của ý thức, cái tự vị tồn tại ấy bây giờ nhờ lao động thể  hiện ra ngoài ý thức trong phạm vi thực tại vững chắc; do đấy cái ý thức lao động đã cảm thấy thực tại khách quan như mình vậy» (1)

Rõ ràng rằng cái «ý thức lao động» này không còn là cái ý thức chân chính của người lao động trong kinh nghiệm sản xuất thực tế. Vì trong kinh nghiệm sản xuất thực tế, cái chủ quan của người lao động căn bản cũng là vật chất, nó là cái cơ thể bản thân trong hoạt động sản xuất. Và quan hệ giữa chủ quan và khách quan trước hết là quan hệ giữa cơ thể và hoàn cảnh, tức là có tính cách vật chất. Vậy lúc nói rằng, trong lao động, chủ quan con người biến thành thực tế khách quan trong kết quả sản xuất, chúng ta phải hiểu một cách duy vật: chính cái hoạt động của cơ thể bản thân, tập trung trong đối tượng lao động, biến thành hình thái sản phẩm của đối tượng. Ví dụ như người thợ mộc đóng một cái bàn, thì tập trung hoạt động của bàn tay mình vào những tấm ván trước mắt, biến cái hoạt động chủ quan ấy thành hình thái khách quan cái bàn làm ra.

Và lúc chúng ta nói rằng người lao động tự thấy mình trong kết quả sản xuất, thì cũng phải hiểu theo nghĩa duy vật: cái mình đây vẫn là  hoạt động vật chất của cơ thể bản thân mà người lao động đã thấy thành hình vững chắc trong sản phẩm khách quan. Đấy là ý thức lao động chân chính, phản ánh đúng đắn quá trình lao động thực tế. Nó làm cơ sở cho quan điểm duy vật, đặt quan hệ vật chất giữa cơ thể và hoàn cảnh làm nguồn gốc của mọi «ý nghĩa tinh thần». Nhưng đây Hê lại lẫn lộn và đánh đồng loạt hai nghĩa của chữ «chủ quan»: cái chủ quan vật chất của cơ thể bản thân và cái chủ quan tinh thần của ý thức thuần túy, nói rằng: «Cái hoạt động cải tạo thiên nhiên đồng thời  cũng là cái tự vị tồn tại thuần túy của ý thức». Do đấy Hegel đảo lộn vấn  đề, cho rằng trong lao động, chính cái tự vị tồn tại thuần túy của ý thức chủ quan đã tự thực hiện mình và tự thấy mình trong thực tế khách quan: tức là ý thức lao động biến thành cơ sở của quan điểm duy tâm, đặt tinh thần làm nguồn gốc của thực tại vật chất!

Rõ ràng rằng cái lao động mà Hegel diễn tả không phải là cái lao động sản xuất thực tế, mà chỉ là cái hình ảnh lý tưởng của nó trong tinh thần. Hay nói rõ hơn, cái ý thức lao động chân chính, xuất phát từ lao động thực tế đã bị xuyên tạc, tách rời cơ sở thực tế của nó và tuyệt đối hóa thành một chủ thể độc lập, trong ấy công trình lao động thực tế đã biến thành một thứ «lao động tinh thần trừu tượng» của ý thức chủ quan tự thực hiện mình một cách thần bí trong thực tế khách quan. Chính cái lao động tinh thần trừu tượng này là bí quuyết của biện chứng pháp duy tâm của Hegel . Nội dung thực sự của nó là phản ánh một cách lộn ngược trong  ý thức của giai cấp thống trị cái biện chứng pháp chân chính của lao động thực tế: quá trình hoạt động sản xuất của cơ thể bản thân phát sinh ý thức làm chủ thiên nhiên bị đảo lộn thành quá trình thần bí tinh thần sáng tạo thế giới.

Vì chỉ thấy công trình lao động của người nô lệ trong cái hình ảnh duy tâm của nó. Hegel cũng chỉ thấy mâu thuẫn với chủ nô trong phạm vi tinh thần, vậy chỉ kết án chế độ chiếm hữu nô lệ một cách tượng trưng, lý tưởng hóa cuộc suy vong của giai cấp chủ nô, thủ tiêu đấu tranh của giai cấp nô lệ.

Trên kia, Hegel bỏ qua những thủ đoạn khủng bố không ngừng của bọn chủ nô, đã xây dựng một con người nô lệ lý tưởng ngoan ngoãn «công nhận» chủ như bản ngã của mình. Trước kinh nghiệm thực tế của sự sản xuất, cái hình ảnh ấy cũng không thể duy trì được. Rõ ràng rằng xét theo thực chất, thì chủ nô, có ham muốn mà không có lao động, thực ra là phụ thuộc vào công trình lao động của nô lệ. Đấy là chân lý của xã hội nô lệ, thể hiện trong lịch sử bằng những cuộc khủng hoảng ghê gớm, những cuộc đấu tranh quyết liệt của giai cấp nô lệ đưa đến sự sụp đổ của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nhưng Hegel đây lại xúy xoá mâu thuẫn thực tế, biến cái chân lý hùng hồn của lịch sử thành một công thức trừu tượng hoàn toàn duy tâm: «Chân lý của ý thức độc lập» của chủ nô «là ý thức nô lệ».

Mâu thuẫn thực tế là mâu thuẫn giữa vật chất và tinh thần, giữa thực tế lao động vật chất của nô lệ và  ý thức hưởng thụ duy tâm của chủ nô. Chính cái thực tế lao động của người nô lệ mới là chân lý của ý thức chủ nô, vì những đối tượng mà chủ nô hưởng thụ như mình vậy là do nô lệ làm ra, vậy công lao của người nô lệ là cái chân lý thực hiện sự tin tưởng ở mình của chủ nô. Mà vì ý nghĩa của cái chân lý ấy là hoàn toàn đối lập với ý thức chủ nô, đối lập với cái chế độ áp bức bóc lột mà ý thức chủ nô tiêu biểu, vậy ý thức lao động chân chính của người nô lệ cũng chỉ có thể là một ý thức đấu tranh quyết liệt. Nhưng Hegel chỉ thấy người nô lệ qua cái hình ảnh lý tưởng của nó, trong ấy thực tế lao động vật chất đã biến thành một thứ lao động tinh thần trừu tượng: «cái tự vị tồn tại thuần túy của ý thức» tự thực hiện mình trong thực tế khách quan. Vì thế mà trong biện chứng pháp Hegel, ý thức nô lệ nhờ công trình lao động có chuyển lên cương vị độc lập, nhưng cái cương vị độc lập ấy cũng chỉ thể hiện trong tinh thần: người nô lệ tự thấy mình trong kết quả sản xuất, vậy chủ quan thì không còn lý do mà sợ chủ nô nữa, nhưng cũng không đấu tranh thực sự, thực tế thì vẫn còn là nô lệ. Vì Hegel đã quan niệm chế độ chiếm hữu nô lệ trong phạm vi tinh thần, biến quan hệ nô dịch thực tế thành quan hệ nô dịch tinh thần, quá trình giải phóng cũng lại diễn biến trong phạm vi tinh thần. Nó trở thành một thứ giải phóng tượng trưng của ý thức nô lệ, trong ấy cuộc đấu tranh giai cấp ác liệt của lịch sử thực tại chỉ còn là một quan hệ chân lý lý tưởng trong lịch sử tinh thần: ý thức nô lệ là chân lý của ý thức chủ nô.

Đây là cơ sở để thỏa hiệp giai cấp. Vì trong phạm vi tinh thần, mâu thuẫn giữa hai ý thức hình như biểu hiện hai mặt của cùng một vấn đề, do đấy hai bên có thể sát nhập thành một.

Ý thức chủ nô là ý thức hưởng thụ, cái «Tôi» trừu tượng thuần túy, phủ định thực tại bên ngoài và cho đối tượng chỉ là mình thôi. Vì không lao động, nó chỉ là cái chủ quan đơn thuần sống trong mình, phần nào mà có phân biệt đối tượng thì cũng không đạt được đối tượng khách quan. Hegel nói: «Trong  ý thức bản ngã độc lập của chủ nô, một mặt thì thực chất của nó chỉ là cái chủ quan thuần túy trừu tượng của cái Tôi, mặt khác phần nào mà nó phát triển và có phân biệt đối tượng, thì sự phân biệt ấy cũng không đạt được đối tượng tự tại khách quan. Vậy cái ý thức bản ngã ấy không phải là cái Tôi thực sự tự phân biệt mình trong cái đơn thuần của mình, hay là giữ tương đồng với mình trong cái phân biệt tuyệt đối ấy» (1). Nghĩa là ý thức chủ nô có hưởng thụ mà không lao động chưa phải là ý thức sáng tạo thực tại, «tự phân biệt mình» thành chủ quan và khách quan «trong cái đơn thuần của mình». Trái lại, ý thức nô lệ là ý thức lao động sáng tạo, tự thực hiện mình trong đối tượng khách quan. Nhưng vì không được hưởng thụ, ý thức nô lệ lại không thực sự đồng nhất với cái khách quan mà chính mình tạo ra. Vậy, tuy có «cảm thấy thực tại khách quan như mình vậy», nghĩa là tự thấy mình trong kết quả sản xuất, ý thức nô lệ vẫn chưa nhận thấy cái khách quan ấy hoàn toàn là mình, với tính chất là ý thức tự vị tồn tại. Trái lại, người nô lệ lại nhận thấy cáí tính chất tự vị tồn tại ấy trong một người khác, trong ý thức hưởng thụ của chủ nô: «Cái ý thức bị chà đạp, thu hẹp vào mình của nô lệ nhờ công trình sáng tạo đã thấy mình trở thành thực tại khách quan với hình thức sản phẩm trong kết quả sản xuất; một mặt khác thì nó thấy cái tự vị tồn tại, với tính chất là ý thức, trong con người chủ nô. Nhưng đối với ý thức phục dịch, hai mặt ấy - mình với tính chất là đối tượng ngoài mình, và cái đối tượng ấy với tính chất là một ý thức, một bản thể độc lập - lại bị tách rời».

Chúng ta thấy rõ: mâu thuẫn thực tế giữa chủ nô, ăn mà không làm, và nô lệ làm mà không ăn, đã biến thành một thứ mâu thuẫn tinh thần giữa hai ý thức: ý thức bản ngã chủ quan thu tất cả vào mình, hầu như không phân biệt mình với đối tượng, và ý thức bản ngã khách quan có thực hiện mình ngoài mình trong đối tượng khách quan, nhưng lại không thấy rằng cái đối tượng ấy chính là cái tự vị tồn tại của mình, mà lại cho nó là cái tự vị tồn tại của người khác. Do đấy Hegel đã có điều kiện để xây dựng một giải pháp dung hòa. Vì xét theo khái niệm trừu tượng thì hai bên cũng là một, cái hình thái sản phẩm trong kết quả sản xuất chính là cái tự vị tồn tại của ý thức hưởng thụ. Vậy «đối với chúng ta» đã xuất hiện một hình thái ý thức mới, tự thực hiện mình trong đối tượng khách quan và nhận thấy đối tượng khách quan hoàn toàn là mình, tức là thống nhất trên cương vị tinh thần hai cái hình ảnh lý tưởng của lao động và hưởng thụ. Đây là tự do của ý thức bản ngã, trong tư tưởng. Hegel nói: «Nhưng vì đối với chúng ta hay trong bản thân nó, thì cái hình thái sản phẩm và cái tự vị tồn tại chỉ là một, và trong khái niệm của ý thức độc lập cái tự tại là ý thức, vậy cái mặt tự tại hay vật thể thành hình trong lao động cũng hoàn toàn chỉ là ý thức, và trước mắt chúng ta đã phát sinh một hình thái mới của ý thức bản ngã. Đấy là một ý thức đã thực hiện được thực chất của mình trong cái vô cùng, tức là cái vận động thuần túy của ý thức (l). Hoạt động của ý thức ấy là hoạt động tư tưởng, nó là ý thức bản ngã tự do. Vì mình lại lấy mình làm đối tượng, với tính cách là Tôi, không phải là cái Tôi trừu tượng, nhưng cái Tôi đồng thời có ý nghĩa là một thực tế tự tại, hay nói một cách khác coi cái thực tại khách quan như là cái tự vị tồn tại của ý thức bản thân mình, chính đấy là tư tưởng»

Trong đoạn này Hegel bộc lộ rõ ràng cơ sở giai cấp của triết học duy tâm, trên cơ sở ấy mà tư tưởng thuần túy đã biến thành chủ thể tuyệt đối sáng tạo thực tại khách quan. Vì «đối với chúng ta» bây giờ, đứng trên lập trường duy vật mà xét sự việc «trong bản thân nó», thì cái hình thái sản phẩm thể hiện công trình lao động của chủ quan con người trong đối tượng khách quan và cái tự vị tồn tại của ý thức hưởng thụ chỉ có thể thực sự thống nhất trong con người lao động một khi đã tự giải phóng và được hưởng thụ kết quả sản xuất của mình.  Trong xã hội có giai cấp, sự thống nhất ấy là nhu cầu thiết thân của quần chúng lao động, làm nội dung đấu tranh không ngừng chống giai cấp áp bức bóc lột. Nhưng Hegel lại biến cái nhu cầu thống nhất ấy thành một sự thống nhất đã có sẵn, một chân lý tự tại không liên quan gì đến công cuộc đấu tranh giai cấp, đến vấn đề thực tế ai lao động, ai hưởng thụ, vì chính lao động và hưởng thụ đây cũng chỉ được quan niệm trong hai cái hình ảnh lý tưởng trừu tượng của nó: hình thái sản phẩm của đối tượng và tự vị tồn tại của ý thức. Do đấy mâu thuẫn  thực tế giữa chủ nô và nô lệ bị xúy xóa trong cái hình ảnh tổng quát của một ý thức siêu giai cấp, sáng tạo thế giới trong bản thân mình và nhận thấy cái thế giới ấy chỉ là mình thôi, tức là thống nhất lao động  và hưởng thụ một cách tượng trưng, trong khái niệm duy tâm. Với cái khái niệm ấy, giai cấp nô lệ được giải phóng trong tinh thần, tức là bọn chủ nô đã xoa dịu mâu thuẫn, thỏa hiệp với nô lệ trong cùng một mơ mộng tự do siêu hình: tự do của ý thức bản ngã trong tư tưởng.

Đây là phương pháp cứu vớt quan hệ áp bức bóc lột trong sự tan rã của xã hội nô lệ. Thực tế thì với trình độ của sức sản xuất bấy giờ, nó đưa đến chế độ phong kiến, trong ấy quan hệ áp bức bóc lột được duy trì dưới một hình thức tương đối xoa dịu. Cụ thể trong lịch sử Tây phương, ba chủ nghĩa đã đánh dấu cuộc suy vong của chế độ chiếm hữu nô lệ, đồng thời cũng là những bước xây dựng hình thái ý thức của chế độ phong kiến: chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa hoài nghi và đạo Gia Tô. Ví dụ như theo đạo Gia Tô thì mọi người được tự do và bình đẳng trong Thượng Đế, tức là trong tư tưởng, vì nội dung của khái niệm Thượng Đế chính là Tư Tưởng thuần túy sáng tạo thế giới trong bản thân mình và hưởng thụ cái thế giới ấy như mình vậy Nhưng với cái tự do bình đằng tinh thần ấy, sự áp bức bóc lột vẫn tiếp tục trong thực tế. Mâu thuẫn sâu sắc giữa tự do của linh hồn trên Trời và tình trạng lệ thuộc của con người trần gian được phản ánh trong cái mả Hegel gọi là «tâm hồn gian khổ», tức là tư tưởng cứu thế đi đôi với ý thức tội lỗi: có chuộc tội với Chúa trên Trời (tức là nộp tô cho chúa dưới này) thì mới được cứu vớt, và đã được cứu vớt thì lại càng phải chuộc tội. Lịch sử tư tưởng của chế độ chiếm hữu nô lệ tan rã ở Hy Lạp, đưa đến thắng lợi của đạo Gia Tô và vai trò thống trị của nó trong thời phong kiến Âu-châu được Hegel trình bày trong phần thứ hai của chương IV của cuốn Hiện Tượng Luận, nhan đề là: «Tự Do của Ý Thức Bản Ngã, Khắc Kỷ, Hoài Nghi và Tâm Hồn Gian Khổ».

 

 

                                          TRẦN ĐỨC THẢO


 

[1] Karl Marx. Tư Bản Luận. Bài của bản in lần thứ hai.

[2] Friedrich Engels. Ludwig Fuerbach và Cáo Chung của Triết Học Cổ Điển Đức. II

[3] Friedrich Engels. Cuốn «Góp Phần Phê Phán Kinh Tế Chính Trị Học» của Karl Marx. II

[4] Karl Marx. Tư Bản Luận. Bài của bản in lần thứ hai.

[5] Những đoạn giới thiệu dưới đây in bằng chữ ngả, vì viết theo quan điểm duy tâm của Hegel. Trong ấy chúng tôi cũng có thêm một vài danh từ cụ thể cho dễ hiểu. Để tiện cho việc theo rõi, chúng tôi sẽ phê phán từng bước, tuy như thế phần nào cũng có mất liên tục.

[6] Hegel. Phanomenologie des Geistes [Hiện Tượng Luận của Tinh Thần]. Herausgegeben von J. Hoffmeister. Leipzig, 1937. Tr. 139.

[7] Sđd, tr. 139