Người gìn giữ di sản triết học Trần Đức Thảo
(Phỏng vấn TS Cù Huy Chử)

Nguyễn Trung Kiên thực hiện

“… khi tự đối diện với chính mình, ý-thức đòi hỏi cái Thiện trong hành-động, cái Chân trong tri-thức, và cái Mĩ trong sự hoàn thành các quá-trình nghiệm-sinh, qua đó ý-thức biến thế-giới tự-nhiên thành một nhân-giới, xứng đáng với con người.”

Trần Đức Thảo (1917-1993), Một hành trình (Un itinéraire), Paris: 1992


Sinh ra ở vùng đất Kinh Bắc, tốt nghiệp tú tài trường Bưởi, thành danh tại Paris, sống và làm việc chủ yếu tại Hà Nội, nhưng hiện nay gần như toàn bộ bản thảo và di cảo của cố Giáo sư Trần Đức Thảo lại được lưu giữ trong một biệt thự yên tĩnh nằm trên đường Bác Ái, làng Đại học, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, mà chủ nhân của nó là Tiến sĩ Triết học - Mĩ học Cù Huy Chử, em trai của cố thi sĩ Cù Huy Cận - một nhà nghiên cứu nặng lòng với sự nghiệp phục hưng di sản triết học Trần Đức Thảo.

TS. Cù Huy Chử đã tâm sự với chúng tôi về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của cố Giáo sư Trần Đức Thảo và những dự định của ông trong việc phục hưng di sản triết học quý báu này, trong một chiều Sài Gòn đầy nắng cuối năm Bính Tuất.

Thưa ông, xin ông giới thiệu đôi nét về bản thân và công việc hiện tại của ông?

Tôi vốn là một giáo viên văn học và về sau nghiên cứu, giảng dạy triết học, mĩ học, lý luận văn hóa và văn hóa học. Tôi đã tham gia giảng dạy ở nhiều loại trường học và thuyên chuyển nhiều cơ quan. Những năm 1960, tôi công tác tại Văn phòng Phủ Thủ tướng, làm Thư ký khoa học của Tiểu ban lý luận Văn hóa-Giáo dục Trung ương do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp phụ trách, đồng chí Trần Việt Phương là người lãnh đạo tôi lúc đó. Tiểu ban lý luận Văn hóa-Giáo dục Trung ương có những nhà lý luận văn hóa-giáo dục vốn rất khâm phục và trân trọng Giáo sư Trần Đức Thảo, như: GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Đặng Thai Mai, GS Hà Huy Giáp, GS Vũ Khiêu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, các đồng chí Hà Xuân Trường, Trần Quang Huy… Những năm 1970 và đầu 1980 tôi công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Cuối cùng tôi công tác tại Phân viện TP. Hồ Chí Minh của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, (nay là Học viện Chính trị khu vực II), là Trưởng khoa Văn hóa XHCN, nay là Khoa Lý luận Văn hóa-Phát triển. Năm 2005 tôi nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia giảng dạy tại một số trường đại học, nghiên cứu khoa học và viết báo, viết sách.

Giá trị nổi bật của tác phẩm triết học Trần Đức Thảo, theo nhận định của riêng ông, là những gì?

Theo tôi, Trần Đức Thảo là nhà triết học Việt Nam duy nhất được công nhận có tầm vóc quốc tế, đã để lại một khối lượng tác phẩm lớn hết sức có giá trị. Trần Đức Thảo đã từ Hiện tượng học Husserl đến Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông đã có những đóng góp đặc sắc về những vấn đề như bản chất của vật chất, vấn đề chuyển hóa năng lượng thần kinh thành năng lượng tâm thần, nói rộng hơn là vấn đề nguồn gốc của ý thức và các hoạt động tâm trí. Trần Đức Thảo đã lý giải sâu sắc về mặt khoa học sự chuyển hóa giữa vật chất và ý thức. Ông là người đã sáng tạo ra lý thuyết về khâu trung gian trong mọi sự chuyển hóa. Từ đó, Trần Đức Thảo đã có những cống hiến to lớn trong triết học về con người, về nguồn gốc con người, về lịch sử loài người, về tiến hóa và tiến bộ văn hóa. Trong hoạt động sáng tạo của mình, Trần Đức Thảo đã đề xuất nhiều khái niệm, nhiều phán đoán triết học có giá trị đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực ý thức và ngôn ngữ, ví dụ như hành vi chỉ trỏ ở trẻ em, hay khái niệm gen ký ức xã hội của loài người.

Cũng cần nói thêm rằng, do đi sâu vào thời kỳ nguyên sơ nhất của lịch sử nhân loại, Trần Đức Thảo đã khẳng định nền tảng của xu hướng, định hướng phát triển của xã hội, của mỗi cá nhân, đó là những giá trị chân lý, đạo lý, thẩm mĩ, tức là những giá trị nhân văn. Theo ông, đó cũng là những vấn đề mà các nhà khoa học lớn và chân chính đã sáng tạo, khám phá và phát triển. Đó cũng là nội dung tư tưởng sâu rộng của Các Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh.

Trần Đức Thảo khẳng định: một xã hội, cũng như mỗi cá nhân, để phát triển trong hiện tại và tương lai, tất yếu phải thấm nhuần, đúng hơn là phải sống được những giá trị đã được tích lũy trong lịch sử giống loài. Điều này có nghĩa là: con người có lịch sử chung-cụ thể, luôn luôn phát triển trong biện chứng của lịch sử, và cũng luôn luôn hiện hữu và đồng hành với mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân. Do vậy, muốn phát triển dân tộc và phát triển nhân cách cá nhân thì phải tuân theo quy luật ấy. Tức là, nếu anh khiếm khuyết những giá trị của lịch sử giống loài, thì sự phát triển của anh sẽ bị méo mó hoặc bản thân anh sẽ dị ứng với những giá trị ấy. Chính sự méo mó và dị ứng này sẽ biến thái thành chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là trong các hoạt động chính trị và tôn giáo. Bản thân Trần Đức Thảo suốt cuộc đời mình đã đấu tranh quyết liệt và không mệt mỏi với chủ nghĩa cực đoan ấy. Đối chiếu với lịch sử dân tộc ta và với lịch sử thế giới, đặc biệt là những diễn biến trong suốt thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI này, có thể kết luận rằng: triết học Trần Đức Thảo là triết học về sự sống, về con người, về lịch sử loài người đầy tính dự báo. Đó là cơ sở triết học cho mọi sự đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện. Tôi rất tâm đắc với sự đánh giá của Daniel J. Herman: “Hy vọng chân thật rằng Trần Đức Thảo, nhà Mác-xít và nhà hiện tượng học đặc sắc, cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa.” (Bách khoa thư về Hiện tượng học, Kluwer Academic Publishers, 1997, tr. 707)

Xin ông cho biết đôi nét về mối giao tình của ông đối với Giáo sư Trần Đức Thảo, và những năm tháng cuối đời của Giáo sư tại TP. Hồ Chí Minh?

Tôi biết GS Trần Đức Thảo và có mối quan hệ với Giáo sư từ những năm 1960, đặc biệt mật thiết hơn từ năm 1967 trở về sau; và cho đến lúc Giáo sư sang Pháp thì tôi chỉ còn liên hệ bằng thư từ. Ở Hà Nội, tôi giúp Giáo sư những việc như: đánh máy bản thảo, lưu giữ bản thảo, chuyển gửi bài viết của Giáo sư cho những người có mối liên hệ với Giáo sư, chủ yếu là triết học. Tôi cũng tìm một số tư liệu, soạn thư mục theo sự chỉ dẫn của Giáo sư. Tôi rất hứng thú làm công việc ấy, vì đây là dịp may hiếm có được tiếp xúc với một thiên tài.

Tác phẩm cuối đời của Giáo sư Trần Đức Thảo, Logic của cái hiện tại sống động. Giáo sư tặng tác phẩm này cho cố thi sĩ Cù Huy Cận, sau đó nhà thơ đã tặng lại cho TS. Cù Huy Chử.

GS Trần Đức Thảo vào TP. Hồ Chí Minh cuối những năm 1980, lúc đầu ở Khách sạn Bến Nghé, về sau được UBND TP. Hồ Chí Minh cấp nhà tại số 200 phố Đề Thám, Quận 1. Đồng chí Trần Trọng Tân, trước là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, về sau là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đã rất quan tâm đến đời sống và hoạt động sáng tạo của GS. Trần Đức Thảo, và tạo điều kiện để Giáo sư tham gia các hội thảo khoa học của TP. Hồ Chí Minh. Chính trong thời gian này, GS Trần Đức Thảo đã cho ra đời tác phẩm: Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người, do Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh xuất bản. Từ đó cho đến hiện nay, đồng chí Trần Trọng Tân luôn luôn khuyến khích, động viên tôi công bố di sản Trần Đức Thảo, mà đồng chí biết là tôi đang giữ gìn khá đầy đủ và hệ thống. Thời gian này, Giáo sư Phạm Minh Hạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo - một người cũng rất trân trọng GS Trần Đức Thảo, đã trực tiếp giải quyết một số khó khăn cho Giáo sư, trao đổi thư từ khoa học với Giáo sư, và công bố một số tác phẩm của Trần Đức Thảo trong Kỷ yếu khoa học cấp Nhà nước. Đồng chí Hà Xuân Trường là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã cho công bố nhiều bài nghiên cứu khoa học của Giáo sư. Đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cũng đã nhiều lần làm việc với GS Trần Đức Thảo và chia sẻ với những khó khăn của Giáo sư.

Khi Giáo sư vào TP. Hồ Chí Minh, tôi đã thường xuyên đi lại để chăm sóc Giáo sư, vì đời sống của Giáo sư lúc này rất khó khăn, vì tuổi cao, vì bệnh gan và bệnh tiểu đường. Tôi vẫn làm việc cho Giáo sư như một người thư ký. Nhưng công việc ấy có phần vất vả hơn so với khi Giáo sư còn ở Hà Nội, do Giáo sư viết nhiều hơn, sửa chữa và bổ sung những tác phẩm đã viết, đã xuất bản nhiều hơn. Tôi thấy Giáo sư viết gấp gáp hơn lúc ở Hà Nội. Trước lúc Giáo sư đi Pháp, tôi đã cho con trai tôi là Luật sư Cù Huy Song Hà đến cùng ở với Giáo sư để giúp đỡ ông khi tuổi già sức yếu. Vợ tôi đã rất cảm thông với tôi và chia sẻ với Giáo sư.

Đời sống của GS Trần Đức Thảo có nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần ngay từ khi ở Hà Nội, về cuối đời càng khó khăn. Có thể nói đó là một tấn bi kịch. Rất đáng khâm phục là trong hoạt động khoa học thì tâm trí của Trần Đức Thảo vẫn hết sức trong sáng. Có lẽ sự thủy chung với mục tiêu hoạt động sáng tạo triết học nhằm nhận biết từ các hiện tượng của sự sống mà loài người đã trải nghiệm, cho đến đến hiện tượng tinh thần phong phú của con người, những dự phóng của loài người, của dân tộc hướng tới tương lai, đã đem đến cho Trần Đức Thảo một tâm hồn sảng khoái.

Tác phẩm triết học của GS Trần Đức Thảo được biết đến và ngưỡng mộ chủ yếu ở nước ngoài. Đây vừa là một vinh dự cho dân tộc chúng ta, vừa là một thiệt thòi với đông đảo độc giả trong nước. Ông nghĩ gì về điều này?

Trần Đức Thảo sáng tạo triết học chủ yếu bằng hai ngôn ngữ chính là tiếng Pháp và tiếng Việt, ngoài ra cũng có cả tiếng Đức nữa, nhưng bằng tiếng Pháp là chủ yếu. Tuy vậy cần nói rõ là với những trí thức lớn của Việt Nam thì Trần Đức Thảo cũng được đánh giá rất cao và rất được hâm mộ chứ không phải chỉ có nước ngoài ngưỡng mộ ông. Những sáng tạo của GS Trần Đức Thảo bằng tiếng Pháp chưa được chuyển ngữ thành tiếng Việt, đó là một thiệt thòi và là điều đáng tiếc với độc giả trong nước, nhất là giới trí thức trẻ và sinh viên. Nhưng điều này sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Đã đến lúc hội đủ những điều kiện để phục hưng di sản triết học Trần Đức Thảo, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế một cách toàn diện.

Để công bố và giới thiệu tác phẩm triết học Trần Đức Thảo với độc giả trong nước, chúng ta hiện gặp phải những thuận lợi gì và khó khăn gì?

Tôi cho rằng thuận lợi là chủ yếu vì bản thảo gốc của Trần Đức Thảo hiện còn giữ lại khá đầy đủ và hệ thống trong thư viện của tôi do GS Trần Đức Thảo trao lại trong quá trình tôi có mối quan hệ với Giáo sư từ những năm 1960 cho đến lúc cuối đời. Hơn nữa, những văn bản Giáo sư gửi tới một số địa chỉ, Giáo sư cũng giao cho tôi làm việc đó. Tôi biết chắc chắn rằng GS Trần Đức Thảo chỉ có một người thừa kế hợp pháp duy nhất là Bác sĩ Trần Đức Tùng, hiện ở tại TP. Hồ Chí Minh. Hai cụ thân sinh của GS Trần Đức Thảo có hai người con trai. Người con trai cả là liệt sĩ Trần Đức Tảo chỉ có một người con trai duy nhất là bác sĩ Trần Đức Tùng. Người con trai thứ hai là GS Trần Đức Thảo, trước đây đã đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị Nhứt, nhưng đã ly hôn ngày 5 tháng 1 năm 1967, không có con. Bản chính quyết định ly hôn này GS Trần Đức Thảo trực tiếp giao cho tôi giữ, cùng với những di sản khác của Giáo sư mà hiện nay tôi đang gìn giữ rất cẩn thận. Từ đó đến ngày mất, GS Trần Đức Thảo sống độc thân. Bác sĩ Trần Đức Tùng đã ủy quyền cho tôi toàn quyền sử dụng và công bố tác phẩm của GS Trần Đức Thảo và gìn giữ di sản của Giáo sư.

Tôi nghĩ để xuất bản tác phẩm của GS Trần Đức Thảo, tất yếu phải tuân theo Luật Xuất bản đã được Nhà nước ban hành. Nếu có gì khó khăn thì trong điều kiện đất nước đổi mới hiện nay, tôi tin là sẽ được khắc phục. Chắc chắn như vậy.

Có lẽ ông sẽ có một số tâm sự với bạn đọc, đặc biệt là độc giả trẻ, sau một thời gian dài tiếp cận, suy ngẫm và nghiệm sinh về Di sản triết học Trần Đức Thảo?

Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ rất tự hào về Trần Đức Thảo, nhà triết học lỗi lạc của dân tộc và của thế giới. Trần Đức Thảo để lại tấm gương của một nhà khoa học chân chính: học tập suốt đời, cần mẫn sáng tạo suốt đời, vượt qua mọi khó khăn, đau khổ để sống trung thực và trong sáng. Tác phẩm Recherche sur L’Origine du Langage et de la Conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức) của Giáo sư Trần Đức Thảo đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000. Có thể nói, triết học Trần Đức Thảo không chỉ của hiện tại mà còn là của tương lai, bởi các công trình của ông luôn luôn có căn cứ khoa học, nhất là khoa học sinh giới và khoa học vũ trụ. Trong điều kiện phát triển của đất nước và của dân tộc hiện nay, để có một tầm nhìn vừa sâu sắc, vừa vượt trước thời đại, tôi tin các thế hệ độc giả Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ đón nhận tác phẩm của Trần Đức Thảo như một báu vật. Trần Đức Thảo sống mãi trong trí tuệ Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông. Kính chúc ông dồi dào sức khỏe để tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa Trần Đức Thảo và công bố tác phẩm Triết học Trần Đức Thảo!

Nguồn: Báo Văn nghệ trẻ, Phụ trương của Tuần báo Văn nghệ - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 (536), trang 18, ra ngày 4/3/2007.


Bản đăng trên talawas 13-3-07

 

 Trở vế trang chủ Trần Đức Thảo