Hội thảo về Trần Đức Thảo / Paris 2012

 

 

Tư duy Trần Đức Thảo:
một hành trình mở

 

Nguyễn Ngọc Giao

 

 

Trong hai ngày 22 và 23 tháng 6.2012, cuộc hội thảo về Trần Đức Thảo đã được tổ chức tại Ecole Normale Supérieure (ENS, rue d'Ulm, Paris 5), do trung tâm Lưu trữ Husserl (Paris) và đơn vị nghiên cứu liên kết ENS & CNRS chủ trì. Đây là lần đầu tiên hành trình tư tưởng và sự nghiệp của nhà triết học Việt Nam là chủ đề một hội nghị khoa học, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu triết học và sử học.

 

Daniel Hémery, Trịnh Văn Thảo và Philippe Papin đã trình bày ba giai đoạn trong hành trình trí thức và cuộc đời Trần Đức Thảo: 1917-1952 (trưởng thành và du học tại Pháp), 1952-1958 (tham gia Kháng chiến ở Việt Bắc, phong trào Nhân văn Giai phẩm), 1958-1993 (những năm tháng âm thầm, trở lại Pháp). Có thể nói ba tác giả đã tận dụng những tài liệu có được để phác thảo hành trình cá nhân và bối cảnh giới trí thức Việt Nam, đồng thời cũng nhấn mạnh tới những khoảng trống khiến người ta chỉ có thể đưa ra những giả định. Khoảng trống, tất nhiên, những năm ở trong nước, khi Trần Đức Thảo tham gia cải cách ruộng đất ở Phú Thọ, và nhất là những năm 1958-65 khi ông bị cấm giảng dạy sau vụ Nhân văn Giai phẩm. Nhưng ngay thời kỳ ở Pháp trước khi về nước, hiện nay người ta vẫn chưa tìm ra (và có ít khả năng tìm thấy) luận văn của Trần Đức Thảo về hiện tượng luận của Husserl (có thể đã mai một vì lúc ấy trường ENS sơ tán về Clermont-Ferrand), và đáng tiếc hơn nữa, là những bản ghi tốc ký cuộc thảo luận bỏ dở giữa chừng giữa Trần Đức Thảo và Jean-Paul Sartre.[1]

 

Phần lớn các tham luận trong hai ngày hội thảo dành cho hành trình tư tưởng và nội dung triết học của Trần Đức Thảo. Những phát biểu của Jean-François Courtine, Jocelyn Benoist, Daniel Giovannangeli, Raoul Moatti, Michel Espagne nêu bật công lao của Trần Đức Thảo trong việc du nhập triết học của Husserl vào Pháp cũng như những khác biệt trong quan điểm của Trần Đức Thảo và quan điểm của Jacques Derrida. Nửa đầu của tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, sáu mươi năm sau ngày xuất bản, vẫn được coi là cuốn sách nhập môn sáng giá về hiện tượng luận, ngang tầm với những tác phẩm của Maurice Merleau-Ponty và Paul Ricoeur. Trái với dòng ý kiến khá phổ biến từ ngay khi tác phẩm này ra đời (và tác giả lên đường về nước tham gia kháng chiến), theo đó nửa đầu này không "ăn nhằm" gì với nửa sau (chủ nghĩa Marx), thậm chí còn mâu thuẫn kịch liệt, J. Benoist (thuộc thế hệ tứ tuần) cho rằng có một sự nhất quán giữa hai phần của tác phẩm, và giá trị của phần đầu không những chỉ là tác phẩm nhập môn khúc chiết, sâu sắc về triết học Husserl, mà sau mỗi chủ đề chính, còn là những phê phán chính xác, dẫn tới nỗ lực "vượt qua" nó với chủ nghĩa Marx. Nỗ lực ấy chưa "thành", như chính Trần Đức Thảo đã tự phê trong trước tác cuối đời ("Một hành trình", phần đầu của tập Recherches dialectiques). Tham luận của Alexandre Féron phân tích chuỗi dài "nỗ lực chưa thành" ấy.

 

Mối quan hệ giữa triết học và chính trị - xã hội được đề cập qua các tham luận của Jérôme Mélançon (Anticolonialisme et dissidence: Trần Đức Thảo et Les Temps Modernes), Perrine Simon-Nahum (Trần Đức Thảo: de Sartre à Fanon), Hoài Hương (Trần Đức Thảo et la doctrine sociale dans les arts et les lettres). J. Mélançon (Trường đại học Alberta, Canada) nhấn mạnh tới lập trường chính trị của Trần Đức Thảo và tác động quan trọng của nó tới nội dung chống thực dân của tạp chí Les Temps Modernes trong những năm 1946-1948, ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

 

Thiếu vắng nhất là những tham luận về các tìm tòi của tác giả  sự hình thành ý thức, hình thành ngôn ngữ, về logic của "hiện tại sinh động"..., nếu không kể bài của Masoud Pourahmadali Tochahi (L'origine de l'idéalisation et le problème de la transition de l'indication à la signification chez Trần Đức Thảo). Một phần có lẽ vì bản thân tác giả cũng chưa cập nhật được những thành tựu của khoa học liên quan tới các đề tài này.[2] Nhưng nguyên nhân cơ bản, như nhận xét mà Jocelyn Benoist chia sẻ với người viết bài này, là "bây giờ triết học mới có điều kiện đề cập tới những đề tài ấy". Trong ý nghĩa đó, với trực giác về "động tác chỉ trỏ", liên hệ giữa ý thức trẻ thơ và hình thành ngôn ngữ... Trần Đức Thảo đã đi trước thời đại của mình. Kinh qua một cuộc đời bi tráng, tư duy Trần Đức Thảo vẫn mở về phía tương lai.

 

Có lẽ vì vậy mà , sau khi thông báo sẽ công bố kỷ yếu hội thảo trong năm 2013 (nhà xuất bản Armand Colin), ban tổ chức đã hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc hội thảo thứ hai về hành trình tư tưởng Trần Đức Thảo.

 

Nguyễn Ngọc Giao

 

 


 

[1] Theo Jocelyn Benoist, tạp chí Les Temps Modernes không lưu trữ được tài liệu này. Về phía Trần Đức Thảo, trước khi về nước năm 1952, ông đã trao những bản tốc ký cho ông Nguyễn Văn Chỉ; rất tiếc ông bà Nguyễn Văn Chỉ đã từ trần, không có hậu duệ.