Đăng trên VieTimes 10-11-12/10/2007 Chuyện
người vợ "duy nhất"
1. Người phụ nữ kém may mắn nhưng không bất hạnh đó chính là bà Nguyễn Thị Nhất, người vợ “duy nhất” của hai học giả lớn của Việt Nam: Giáo sư Trần Đức Thảo và Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Nhân dân Sài Gòn mới hít thở không khí độc lập chưa đầy bao lâu đã phải đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược. Năm 1947, đông đảo nhân dân thành phố rời bỏ cuộc sống thành phố tiện nghi ra vùng tự do. Trong số đó có gia đình của Nguyễn Thị Nhất. Nhưng trong cuộc tản cư đó, không có cô. Nhất đã tình nguyện ở lại Sài Gòn, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Chia tay bố mẹ và các em một cách vội vã, cô đã không thể ngờ rằng, đó là lần gặp mặt cuối cùng với cha mẹ mình, khi chưa đầy 20 tuổi. Sinh ra trong một gia đình viên chức ngành bưu điện Sài Gòn nên tuổi thơ của Nhất cũng giống như bao nữ sinh Sài Thành khác. Không vì xui đẩy, hay bị lôi cuốn, không ngả nghiêng giữa nhiều tư tưởng khác nhau của thời đại, Nhất đến với Cách mạng một cách tự nhiên. Đó như là nhu cầu tự thân của Nhất. Nhu cầu tự thân ấy là gì? Đó là mong muốn được sống đúng với tuổi hai mươi hừng hực lửa. Cô gái đó đã từng đứng trước hàng chục công nhân bằng tuổi anh chị, tuổi cô chú mình để thuyết trình về Chủ nghĩa Cộng sản. Cũng chính cô gái ấy bao lần suýt bị địch bắt khi đi rải truyền đơn khắp đường phố Sài Gòn. Một Sài Gòn không an toàn, nhưng ngọn lửa yêu nước đã bùng cháy trong Nhất, như trong bao người trẻ khác. Cũng chính trong năm 1947 này, người “tình báo hoàn hảo” (chữ dùng của Giáo sư Larry Berman về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn) đã về Việt Nam chăm sóc thân phụ bệnh nặng. Tranh thủ thời gian, Phạm Xuân Ẩn đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình của sinh viên Sài Gòn, đầu tiên là chống Pháp, sau đó là chống Mỹ. Chính quyền Pháp tại Sài Gòn, trước làn sóng biểu tình của giới tri thức, giận dữ tiến hành một chiến dịch bắt bớ và tiêu diệt “sạch” tất cả những người tổ chức và tham gia biểu tình, nhằm tiêu diệt “chất xám” của người Việt theo đúng nghĩa đen. Bởi, những cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại thành phố có tác động không nhỏ đối với dư luận quốc tế về cuộc chiến tranh Việt Nam. Đối phó với nguy cơ trên, Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam (từ năm 1975 đến nay có tên là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) quyết định bằng mọi cách phải bảo toàn những hạt giống tri thức cho nước nhà. Và như thế, những người tài năng của chúng ta đã được “ém quân” ngay tại nước Pháp đô hộ. Đúng là, “nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất”. Và người con gái Sài thành Nguyễn Thị Nhất đã lên đường sang Pháp. Cũng từ Bến cảng Nhà Rồng, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ hơn ba chục năm trước. Tại Métropole (nước chính quốc) Pháp, hoạt động của Việt kiều và du học sinh tại Pháp cũng đang là những đợt sóng ngầm vỗ mạnh vào tảng đá chính quyền thực dân. Do thể trạng yếu, không quen với khí hậu Tây Âu khô lạnh, chưa đầy một tháng, Nhất bị lao phổi. Cô phải chuyển xuống viện lao tại một vùng ngoại ô hẻo lánh. Cách ly những người bạn Việt kiều và những người bạn Pháp mới quen nơi xứ người. Viện lao nằm ở khu vực ngoại thành Paris, tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng, chỉ dành cho giáo viên và sinh viên. Trong suốt 2 năm bị “nhốt”, Nhất đã may mắn gặp được một người bạn Việt Nam, một cách tình cờ. Sự gắn kết với người bạn đó cũng giống như số phận của Nhất và gia đình cô, chia ly mà không bao giờ trở lại. Nhưng những tình cảm ấm áp của hai con người Việt Nam trong thời gian ngắn ngủi đó có ý nghĩa vô cùng với cô nữ sinh tuổi 20 Nguyễn Thị Nhất. Để rồi, năm mươi năm sau, bà Nhất ở tuổi “cổ lai hy” vẫn luôn canh cánh trong lòng một lần hội ngộ. Người bạn lớn tuổi là một xơ làm y tá. Cô làm ở một khu trạm xá khác ngay gần viện. Như thường lệ, chiều chiều cô qua viện lao chăm sóc bệnh nhân. Ngạc nhiên vì bệnh nhân lần này là một cô gái châu Á tóc đen. Cô gái rất gầy, cân nặng chắc chỉ 40 kg, khuôn mặt xương nhỏ, mắt đen hạt nhãn, cặp môi cắn chỉ và vầng trán sáng sủa. Một linh tính mách bảo: “Không phải người Trung Quốc, cũng không phải người Nhật” – cô ta nghĩ. Xơ buột miệng, bằng tiếng Việt: - Em là người Việt Nam? Nhất ngạc nhiên, ngẩng đầu lên nhìn: - Vâng đúng rồi. Chị cũng là người Việt ư? Lúc này. Khuôn mặt xơ giãn nở. Một niềm vui trào lên bừng bừng trong huyết mạch. Đã mười mấy năm rồi cô chưa từng được nói tiếng Việt với một người Việt. Ôi ngôn ngữ của mẹ, hình ảnh tuổi thơ Việt Nam dấu yêu đây rồi! Ngay tại đây, nơi thiếu nữ 20 tuổi này. Từ đó, hai người trở thành chị em thân thiết. Chiều chiều, xơ chạy sang viện lao, đem đến cho Nhất những món ngon nhất. Gọi là ngon nhất vì lúc ấy bệnh nhân ăn uống cũng khổ sở lắm. Bữa bình thường chỉ toàn đậu và đậu, rất ít thịt. Những món xơ đem đến từ đầu thỏ hầm đậu, đùi thỏ đến những món người Pháp không dám ăn như chân giò, dạ dày, lòng lợn. Có lần, tụi Tây ngạc nhiên, hỏi Nhất : Mày mua về làm chi nhiều vậy? Nhất mỉm cười: Tao lấy về cho con cún nhà tao ăn. Bọn mày vứt đi tao thấy phí quá! Vùng ngoại ô nước Pháp buổi chiều thật đẹp. Bầu trời như được tráng lớp men màu ánh đỏ. Từng cơn gió mê mải chạy khắp cánh đồng. Một chiếc mũ trắng nhảy nhót, thoắt hiện thoắt ẩn. Người bạn duy nhất của cô gái Việt Nam đem trên mình không chỉ giỏ thức ăn, mà còn là tình thương bao la giữa những người cùng dòng máu quê hương trên xứ người. Xơ chạy đến chỗ Nhất, đem ra nào là súp thỏ, nào là chocolate, nào là chùm nho trĩu trịt tím. Xơ nói: Ăn đi, ăn đi. Nhìn Nhất, xơ như được trông thấy đứa em nhỏ ở quê nhà. Nơi cô đã không còn trở lại từ năm 7 tuổi. Thời gian này, Nhất may mắn làm quen được với những giáo sư văn, sử, địa người Pháp chữa trị ở trong đó. Cô tranh thủ học thêm các môn bằng tiếng Pháp, hoàn thành xong bằng Corespondance (một dạng bằng trung học, kiểm tra và thi cử qua thư dành cho các học sinh ở xa trường). Vì thế sau khi ra khỏi viện, cô dễ dàng hòa nhập với cộng đồng Pháp ngữ, hoàn tất thi tú tài và đậu đại học. Sau 2 năm, Nhất được ra viện. Khi ấy cô mới thực sự dấn thân vào kinh đô Paris hoa lệ. Chứng kiến trẻ em thành phố phương Tây quá sung sướng, được nâng niu và chiều chuộng như những thiên thần. Chợt nghĩ đến những người em của mình đói khát, bụng ỏng lên vì giun sán mà thương trẻ em Việt Nam quá! Có những đêm khó ngủ, tính lại hay nghĩ ngợi, nước mắt cứ thế mà tuôn ra. Ý định lựa chọn một ngành học nào đó, để khi về nước giúp đỡ được trẻ em Việt Nam nhen nhóm trong cô. Và, khi đậu vào ngôi trường mang tên người triết gia có câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy, nghĩa là tôi tồn tại” - René Descartes (trường Paris Descartes thuộc Sorbonne), cô đã đăng ký chọn ngành Tâm lý học trẻ em theo đúng ước nguyện. Trong khi những người Việt Nam sang Pháp chủ yếu theo những ngành thời thượng: Mỏ, Điện, Cầu đường, Hàng hải… Song song với việc học tập, Nhất tích cực tham gia phong trào đấu tranh với Hội thanh niên yêu nước tại Pháp. Du học sinh và sinh viên Việt kiều trong trường chia nhau ra thành nhiều chi bộ: chi bộ Tâm lý, chi bộ Văn, chi bộ Sử… Các chi bộ này có nhiệm vụ phân công cho các thành viên của mình tham gia biểu tình. Thông thường, một nam sinh viên giả vờ “cặp kè” cùng một nữ sinh viên đi đến các nơi đông người như quảng trường, công viên rải truyền đơn. Nếu thấy có dấu hiệu khả nghi như tình báo, chỉ điểm thì giả vờ ôm hôn nhau như một đôi tình nhân. Bài bản và cẩn trọng như vậy, nhưng cũng có lần cô bị bắt. Trong một lần “giả vờ tình tự”, tụi chỉ điểm Pháp nghi ngờ theo dõi cô về tận nhà. Sáng hôm sau, lính Pháp tập kích xộc thẳng vào phòng. Chúng sục sạo khắp nơi, lật tung đống sách vở, tài liệu học tập. Căn phòng ngăn nắp bỗng dưng bị “chọc ngoáy”, xổ ra tứ tung “sau một cơn ho”. Bàn, ghế, giường lổm nhổm sách vở, quần áo, đồ kỷ niệm. Nhưng hoàn toàn không có bất kỳ tài liệu gì liên quan đến “Đảng Cộng sản Việt Nam”. Thất vọng, lính Pháp toan ra về. Chợt nhớ ra khi vừa bước vào cửa, chúng nhìn thấy ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh treo ngay phía trên bàn học. Tức giận, chúng trề một giọng Pháp giễu nhại: - A! Cô dám đem ảnh của kẻ thù nước Pháp để đây phải không? Phải không? Thế thì cô cũng là kẻ thù của chúng tôi. Cô bị bắt! Nhất bị giam giữ trong 2 ngày. Sau 2 ngày không
tìm được chứng cứ, chúng phải thả cô, theo đúng luật pháp. Nhưng
cũng từ đấy, cô bị ghi tên vào “danh sách đen” có nguy cơ bị trục
xuất khỏi nước Pháp. Tỏ tình không lời của triết gia Trần Đức Thảo
Những năm 50 đầu thế kỷ XX, nước Pháp, sau hai cuộc chiến tranh thế giới, xuất hiện những dấu hiệu khủng hoảng về tâm lý, nhất là tâm lý trẻ em. Trẻ em phương Tây được đầy đủ về vật chất, nhưng chiến tranh đã cướp đi sự bình an trong ngôi nhà của chúng. Những người bố không kịp nhìn thấy mặt con đã vĩnh viễn chôn vùi trong các chiến trường Bắc Phi, Normandie, Hy Lạp, Ba Lan… Những đứa trẻ có tuổi thơ cô độc với những bà mẹ góa chồng chôn vùi đau khổ trong những cuộc tình trác táng, những rượu, thuốc lá và ma túy hay những ông bố cựu binh phát điên sau cuộc chiến đẫm máu… Xã hội phương Tây thời hậu chiến đang phải lãnh chịu những quả đắng khôn lường của nó. Ngành Tâm lý học tuy đã có độ tuổi hàng chục năm nhưng đến thời điểm ấy mới thực sự hữu dụng. Người Pháp nói riêng và người châu Âu sau căn bệnh khủng hoảng trầm kha mới lo đến nghiên cứu sâu và tìm cách chữa trị. Trong dòng chảy đó, Nhất như được củng cố thêm về ngành mà cô đã chọn lựa. Cô nghĩ, “Việt Nam khi hòa bình cũng sẽ có những khủng hoảng tương tự. Ngành học mình lựa chọn chắc chắn sẽ giúp ích được cho đồng bào”. Thời tuổi trẻ sung sức nhất, cô sống tại Pháp nhưng không bị “Tây hóa”. Nhất ở trọ trong một gia đình người Việt. Ban ngày, cô làm thuê trong một quán phở người Việt tại Paris. Cuộc sống như một cơn mê dài. Những cơn mê cứ nối tiếp nhau chạy, miên mải không ngừng. Người đàn ông đầu tiên cùng cô rơi vào “cõi mê” đó, chính là triết gia Trần Đức Thảo - người Việt Nam duy nhất từ trước đến nay có thể sánh cùng những triết gia nổi tiếng của châu Âu thế kỷ XX. Cô quen triết gia Trần Đức Thảo khi cô đang học ôn môn Triết để thi tú tài. Khi ấy, Trần Đức Thảo đã là một triết gia nổi tiếng, được rất nhiều trường đại học ở Pháp mời dạy. Còn Nhất mới chỉ là cô học sinh đang học ôn tú tài. Chính trong thời gian này, tình cảm giữa “ông thầy tạm thời” và “cô học trò tạm thời” nảy nở. Một lần, “thầy” đưa cho “trò” một bài triết luận, “nghiêm nghị” nói: - Cô đọc bài này tôi mới viết thử coi. Nhất, khi ấy cũng chẳng ham hố gì mấy tranh luận triết học khó hiểu. Ngành cô ao ước nhất là học về trẻ em nên thẳng thừng từ chối. Cũng vài năm sau, năm 1949, nhà triết học Trần Đức Thảo đã chiến thắng trong cuộc tranh luận với vị chủ soái của thuyết Hiện sinh người Pháp - Jean Paul Sartre. Nhưng trước “người yêu bé nhỏ” năm ấy, ông đã không thuyết phục được Nhất yêu môn triết học, như ông đã từng say đắm và si mê nó, hơn cả tình yêu. Một buổi học nọ, cũng như bao buổi học triết. Chỉ khác là lần này, có một thầy, một trò. Nhất đang “mặt nhăn” khi nghe “thầy” giảng bài vì khó quá. Bỗng dưng, Trần Đức Thảo từ bục giảng đi thẳng xuống bàn cô. Ông quỳ xuống dưới đôi chân nhỏ bé. Im lặng. Lớp học vang vọng tiếng tích tắc, tích tắc của đồng hồ treo phía gần bảng. Tích tắc…tích tắc… Ngoài khung cửa sổ. Những mái tóc vàng, đỏ, hung, đen của đủ màu da tíu tít đi lại trên sân trường. Trong phòng. Tích tắc…tích tắc… Rồi. Trần Đức Thảo ôm chầm lấy cô. Bất ngờ đặt nụ hôn đầu tiên lên đôi môi người con gái. Tích tắc… tích tắc… Không một lời tỏ tình. Không một cử chỉ rào đón. Sự tỏ tình đột ngột đó khiến Nhất ngỡ ngàng. Cũng không một câu “em đồng ý”. Cô đáp trả lại cũng bằng một sự lặng thinh. Như một sự ngầm định. …Thế là đã “thành người của nhau” rồi… Trong suốt chừng đấy năm sống bên Pháp, tình cảm giữa Nhất và triết gia Trần Đức Thảo khá mặn nồng. Khi đó, dù triết gia rất muốn cưới nhưng Nhất quyết chỉ tổ chức đám cưới khi đã về Việt Nam...
2.
Nhưng đây cũng chính là điểm rạn nứt đầu tiên giữa hai người yêu trẻ, mà vào thời điểm đó, men say tình yêu đã khiến họ quên đi tất cả. Khi chăm sóc những đứa trẻ, tự bản thân Nhất cũng muốn mình được chăm sóc như chúng. Nhu cầu được yêu thương, được vuốt ve, được dịu dàng khiến Nhất đâm chán nản với một người suốt ngày chỉ biết “im như thóc”. Cô càng thực tế bao nhiêu, người yêu cô càng xa vời bấy nhiêu. Triết gia của chúng ta với những học thuyết, lý luận căng đầy trí não. Ông luôn đắm chìm trong suy tưởng như một kẻ sống “thừa nước mà thiếu khí trời”. Trong suốt thời gian yêu nhau, lấy nhau rồi ngay cả đến khi chia tay, Trần Đức Thảo chưa một lần nói lời yêu với Nhất. Không một lời tỏ tình, không một đóa hồng, phải chăng triết gia vĩ đại của chúng ta vì quá hiểu bản chất của tình yêu nên cách duy nhất để ông diễn đạt nó là sự im lặng?
Khi đang lưỡng lự chọn ngành học, Nhất đã gặp người đàn ông thứ hai của cuộc đời mình, giáo sư Nguyễn Khắc Viện. Khi đó ông Viện là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Ông thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân đăng trên các tạp chí và báo nổi tiếng tại Paris: “Tư tưởng” (La Pensée), “Tinh thần” (Esprit) Châu Âu (Europe), “Phê bình mới” (La nouvelle critique), “Tập san Cộng sản” (Cahiers du communisme), “Người quan sát” (L’Observateur), “Nước Pháp mới” (France nouvelle), “Thế giới ngoại giao” (Le monde diplomatique) dưới nhiều bút danh: Nguyễn Nghệ, Nguyễn Kiên ... Nguyễn Khắc Viện chính là người khuyên cô nên học Tâm lý học trẻ em. Ông đưa cho cô những cuốn sách, những tài liệu nghiên cứu thực địa và cuối cùng, cô đã cùng ông đi theo con đường này, dù vẫn còn những mơ hồ. Ông cũng là người ký giấy cho cô và nhiều du học sinh khác trở về Việt Nam. Tại Pháp, Nguyễn Khắc Viện có công lớn trong nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tại Đông Dương. Ông là người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Nguyễn Khắc Viện có vóc dáng mảnh dẻ, phong cách nhẹ nhàng, lịch lãm của người phương Tây pha lẫn nét duyên ngầm của đàn ông Châu Á. Đặc biệt, ông có ánh mắt, nụ cười và cử chỉ quan tâm vô cùng dịu dàng. Ngay lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt thiết tha đó, Nhất đã thực sự xốn xang. Luồng hơi nóng rộn ràng tỏa từ trái tim lên ánh mắt, lên hai gò má, lên bờ môi xinh xinh. Trực giác nhạy cảm của người con gái đâu có dễ thoát được “sóng yêu”. Nguyễn Khắc Viện cũng đã biết về mối tình của cô với triết gia Trần Đức Thảo. Tư cách của một người lãnh đạo không cho phép ông làm những điều phi đạo đức. Càng yêu, ông càng tảng lờ. Hai người chỉ trao đổi với nhau những nghiên cứu tâm lý trẻ em. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Âu cũng là một mối duyên tình. Năm 1955, Nhất trở về Việt Nam với tư cách là một cán bộ Việt kiều. Nhưng con đường hồi hương của cô không hề dễ dàng như thời điểm cô ra đi. Trong đoàn trở về, có 12 du học sinh Việt Nam tại Pháp, gồm các ngành Điện, Hàng hải, Xây dựng, Hàng không… Chỉ mình Nhất là theo ngành Nhân văn, khoa Tâm lý học. Vì thuộc diện “chất xám quý chuyển về Việt Nam” nên đoàn người phải đi theo một con đường bí mật. Họ phải vứt hết quần áo tại Pháp, trên người chỉ mặc đồng phục học sinh màu đen cùng một chiếc balô bé tẹo sau lưng, giả vờ làm học sinh đi du lịch. Đoàn Việt Nam trở về nước có 12 người, chia thành 2 nhóm: Một nhóm sang Thụy Sĩ. Một nhóm kia sang Bỉ. Từ hai nước trên, họ mới đi tàu sang nước Đông Âu là Tiệp Khắc. Từ Tiệp Khắc tiếp tục qua Varsovie, qua Moscow và từ đó lần về Việt Nam. Cách đó 4 năm, năm 1951, triết gia Trần Đức Thảo đã bí mật về Việt Nam theo con đường Paris-London-Praha-Moscow-Bắc Kinh-Tân Trào. Ngay sau khi về Hà Nội, ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Thế là, triết gia của chúng ta đã bỏ lại sau lưng Paris hoa lệ và biết bao lời mời chào hấp dẫn của những trường Đại học danh tiếng nhất Châu Âu. Vì ông đã có sự lựa chọn của riêng mình: trở về với Đất Mẹ. Cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Người dân thành thị phải tản cư trong nhiều năm trời. Khi về Việt Nam, Nhất không thể tìm thấy gia đình ở Sài Gòn. Mọi người ly tán từ năm đó đến nay và không quay trở lại. Căn nhà tuổi ấu thơ đã thuộc về một gia đình khác. Đơn độc, Nhất quyết định đến một nơi xa - Hà Nội theo diện chuyên viên Bộ Giáo dục. Từ năm 1953 đến 1956, miền Bắc Việt Nam trải qua thời kỳ Cải cách ruộng đất u tối trong lịch sử. Thời kỳ này đã đẩy tất cả những mâu thuẫn dồn nén của người nông dân nghèo hàng trăm năm lên những người địa chủ, hay chính xác hơn là những người có sở hữu đất đai. Những người được liệt vào tri thức tiểu tư sản như Nhất, dù không có một mét vuông đất nhưng vẫn bị cô lập. Trở về Việt Nam là niềm mong ước khôn nguôi của những trí thức Việt kiều yêu nước. Nhưng ban đầu, họ không tránh khỏi những bỡ ngỡ với cuộc sống và cách ứng xử của chính những người đồng bào trên mảnh đất quê hương. Nhiều người thành thị khi gặp cô cũng không “quên” buông lời miệt thị: Ối giời, dân tư sản ở bên đó ăn bơ sữa chán chê về đây là gì hử? Ở đây chỉ có rau muống chấm nước mắm thôi! Khi ấy triết gia Trần Đức Thảo đã là Giáo sư Triết học và Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Một buổi sáng, khi triết gia đang miên man suy nghĩ về cuộc tranh luận chưa ngã ngũ của mình với nhà văn học vĩ cuồng, cha đẻ của chủ nghĩa Hiện sinh Jean Paul Sartre hồi còn ở bên Pháp, bất giác ông nhớ tới Nhất, người “yêu bé nhỏ”. Thế mà đã năm năm trời rồi! Năm năm không thư từ, không liên lạc. Lời hứa hẹn năm nào như trôi vào mây mù. Đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi chiến tranh thì những sinh linh bé nhỏ cũng không có nhiều hy vọng vào hạnh phúc. “Năm năm rồi, liệu Nhất đã có ai khác chưa?”. Vừa hay tin cô mới về Việt Nam, quàng vội lên người tấm áo nhăn nhúm, ông lao xe vun vút. Nhất đây rồi! Năm năm quá ngắn so với một đời người nhưng quá dài so với một tình yêu. Cô không thay đổi nhiều, ngoài những vết chân chim khóe mắt. Lần này, nhà triết học đã có nhiều tiến bộ hơn. Ông cầu hôn với Nhất, bằng lời. Đám cưới của nhà khoa học cũng giản dị: Cô dâu mặc áo dài trắng, trên đầu điệu chút thì có thêm khăn voan. Chú rể mặc comple. Tiệc cưới bao gồm bánh quy, kẹo Hải Hà, hạt bí đỏ và trà nóng. Mọi người không đem tiền mừng, mà trước đó đã tặng màn, ga, chăn nệm, mâm đồng… góp vui cho cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ. Trong lễ cưới này, chính Giáo sư Hoàng Xuân Nhị là người chủ hôn. Triết gia Trần Đức Thảo đón cha mẹ ở Bắc Ninh lên Hà Nội sau khi cưới vợ. Một căn hộ hơn hai chục mét vuông do Nhà nước phân với 4 người sinh hoạt. Ngoài tiêu chuẩn nhà, ông còn được hỗ trợ thêm người phục vụ nấu cơm. Cho nên sau khi lấy chồng, Nhất không phải gánh trách nhiệm tề gia nội trợ. Cô xung phong theo chân đoàn cán bộ Bộ Giáo dục chu du khắp mọi miền đất nước. Trong khi: ông Thảo là người chồng lơ đễnh, vụng về. Có một giai thoại về Trần Đức Thảo, được cô Nhất kể lại, mà sau này nhà văn Phùng Quán có ghi lại trong cuốn sách “Ba phút sự thật”. Một lần Nhất đi công tác tỉnh xa. Giáo sư Thảo ở nhà một mình, tự lo cơm nước (khi ấy thân phụ đang ở quê). Ông Thảo chỉ mua vài miếng đậu con con, đặt nồi cơm và viết tiếp tác phẩm dang dở. Nhà triết học mê mải viết, thi thoảng chau mày suy ngẫm mà không mảy may đến nồi cơm bên cạnh. Cơm sôi. Cạn nước. Rồi cháy!!! Khói bay um xùm ra ngoài cửa sổ. Hàng xóm ở dưới kêu ầm ĩ. Kêu không thấy ai, họ chạy lên gác, đập cửa phòng ầm ầm. Đến lúc đấy, ông Thảo mới mở cửa, ngó ra ngoài. Mặt ngơ ngác. Tóc rối tung. Nhà ông cháy rồi đấy! Giáo sư Thảo ngơ ngác: Cháy đâu? Cháy đâu? Mọi người bèn sục vào phòng. Hóa ra nồi cơm cháy khét lẹt ngay gần bàn viết mà ông Thảo không biết. Còn Nhất, vì thuộc thành phần “cần phải chỉnh huấn” sau nhiều năm bôn ba nước ngoài nên cô phải theo các đoàn cơ sở xuống Quảng Ninh, Thái Bình. Những hầm than Quảng Ninh tồn tại từ thời Pháp thuộc vẫn còn lạc hậu, nóng và bức bí. Công nhân chỉ mặc độc quần xà lỏn chui xuống hầm, người mướt mát mồ hôi như tắm. Nhất cũng chui xuống những hố than đen ngòm đó. Tim cô đập thình thịch vì lo hầm sập. Càng vào sâu càng nóng. Mùi than trộn với mùi mồ hôi nhễ nhại khiến không khí thêm đặc quánh. Trước mắt là bóng tối đen ngòm như nước cống. Giống như ta đang đi trong dạ dày của một con quái vật. Mới đi nửa chặng đường, mà mồ hôi ướt bèm bẹp áo. Nhất thở dốc, ho sặc sụa vì bệnh lao phổi trở lại “hoạnh họe”. Trong hành trình đó, “bơ sữa” từ bên Pháp đã thay thế bằng cơm độn ngô, sắn. Nhiều hôm ăn phải sắn mốc, đau quặn bụng. Nước sinh hoạt toàn là nước ở một cái ao chung của làng. Ao đó vừa là ao để rửa mặt, tắm táp, vệ sinh lẫn rác rưởi, xác mèo, xác chó. Nhất vô tư và dại dột, vẫn lấy thứ nước ao đó rửa mặt và vệ sinh. Trong khi, nhiều người trong đoàn sau bữa ăn là lén lấy một ít nước trà nóng, đổ đầy vào ca súc miệng. Ban đầu Nhất cũng không để ý họ làm gì. Nhưng một lần ra rửa mặt, cô thấy họ dùng thứ nước đó vệ sinh từ đầu đến thân. Chính vì vậy sau này, mỗi cô là người duy nhất trong đoàn khi trở về Hà Nội bị đau mắt hột. Phải cắt hết mí mắt. Và từ những chuyến đi đến Hà Giang, nơi tự trị của vua Mèo tới Hòa Bình, Sơn La miền Bắc đến Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương, dọc các tỉnh miền Nam tới Mũi Cà Mau, cô đã ra đời hàng loạt những đề án, công trình áp dụng vào điều trị bệnh lý và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nhiều cô giáo miền xuôi được cử đi dạy ở miền ngược sống trong một túp lều xệch xoạc lưng chừng núi. Cô đơn lắm! Họ nhìn thấy đoàn cán bộ là túm lại hỏi thăm, rồi nức nở khóc. 5, 6 năm ở nơi này đã cuốn đi mất tuổi xuân của họ. Nhất nắm chặt đôi bàn tay nhỏ bé của họ, hứa khi về sẽ tìm cách xin chuyển cho họ trở về nhà. Nhưng đó chỉ là lời động viên, vì cô đâu đủ thẩm quyền giúp đỡ họ. Sống chung được mấy tháng, triết gia Trần Đức Thảo vướng vào phong trào Nhân văn Giai phẩm. Đang từ Chủ nhiệm Khoa sử Trường Đại học Tổng hợp, mà rồi bị cấm giảng dạy. Để kiếm sống, ông phải dịch thuật lặt vặt, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để lấy tiền mua thức ăn. Một thời gian sau, ông còn bị bắt. Tất cả những ai liên quan đến ông đều bị thẩm vấn, điều tra. Nhất là vợ ông, cũng không tránh khỏi những phiền phức. Khi đó, những người thân quen trước kia của ông Thảo đều lẩn tránh. Những đồng nghiệp trong cơ quan vốn không ưa cô nay lại càng xa lánh. Nhất đi sang bên phải đường, ngay lập tức họ đi sang bên trái hoặc bỏ đi đường khác. Tủi hận nhưng Nhất không bi lụy. Không khóc than. Không oán trách. Mà cô vẫn làm việc hăng say. Thời gian đó quả là địa ngục. Ngày ngày đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Cuối tháng khăn gói theo xe quân đội thăm ông Thảo. Một hôm, quá chán nản và thất vọng, cô đạp xe đạp lang thang khắp phố phường. Trời trưa nắng. Ánh nắng gay gắt khiến làn da trắng xạm đen nhiều. Mệt bã bời do say nắng, nhưng cái đau đầu do say nắng không đau bằng cách con người ứng xử với nhau. Nhất đi chầm chậm, như muốn ngã quỵ xuống đường. Bỗng dưng, một chiếc xe ôtô rẽ sát lề đường, chặn xe Nhất lại. Hóa ra là Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa đi họp về. Còn nhớ năm 1955, khi Nhất cùng đoàn tri thức Việt kiều Pháp về nước, cô đã được gặp Thủ tướng. Cách đây mấy tháng, ông Đồng cũng có ghé thăm nhà triết gia nên nhận ngay ra cô. Ông hỏi: - Tình hình chị dạo này sao rồi? - Tôi cũng ổn. - Nhất trả lời. - Nhưng anh Thảo thì bi đát quá. Người ta nghi ngờ anh ấy đủ thứ. Thực tình anh ấy ngây thơ lắm. Mới về chân ướt chân ráo, như cục gỗ chẳng biết gì đâu. - Tôi cũng biết là anh Thảo hiền lành, cũng chẳng có gì. - Thủ tướng an ủi. - Anh ấy là một trong những nhà triết học lớn nhất của thế kỷ XX, lớn nhất Châu Âu chứ không phải Việt Nam. - Ông nói tiếp: tôi sẽ tìm cách cứu ông ấy. Rồi Thủ tướng xuống ôtô, dắt xe đạp của Nhất, cùng đi bộ nói chuyện trên vỉa hè. Đầu giờ chiều, Thủ tướng ra về. Ông hứa với Nhất sẽ cứu ông Thảo. Sau đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã
cho lệnh thả ông Thảo. Triết gia Thảo về nhà được vài hôm thì Nhất
lại phải lại phải đi công tác các tỉnh. Hai người chẳng khác gì
“Ngưu Lang – Chức Nữ”... 3.
Nằm trong bệnh viện, Nhất mới tĩnh tâm để nghĩ về gia đình. Từ khi rời Việt Nam năm 20 tuổi đến nay, cô không một người thân trừ gia đình chồng hiện tại. Cái gia đình mà cô chưa một ngày tròn trách nhiệm làm vợ. Ông Thảo thì mê triết học còn hơn mê vợ. Đứa con là cầu nối duy nhất với gia đình chồng thì giờ có muốn cũng không thể được. Những giọt nước mắt đắng ngắt trào ra, ướt đẫm nệm gối. Hai năm lấy nhau, hai năm thường xuyên nằm bệnh viện nhưng chưa một lần ông Thảo đến thăm vợ. Lúc nào ông cũng mải viết, say mê và miên mải như người trên cung trăng. Nhất quyết định chưa mổ vì người còn yếu. Cô trở về nhà, nơi đồ đạc còn “nhìn” cô như người xa lạ, huống chi con người ở đó. Cô lấy hết can đảm, nói với chồng: - Em muốn xin một đứa con nuôi. Tại Viện Lao vừa rồi có một bà mẹ mới sinh bị tử vong, để lại đứa bé thơ dại. Giờ em sẽ là mẹ đứa bé đó. Triết gia Trần Đức Thảo chưa kịp phản ứng, thì bà cụ giận dữ: Tôi không thể chịu nổi cô vợ trẻ con của anh nữa! Nay trách nhiệm làm mẹ cũng không làm nổi. Lại mang đứa bé về. Lấy đâu tiền mà nuôi? Ông cụ còn giận hơn nhưng chỉ xa xẩm mặt mày. Rồi từ đó, căn nhà phủ đầy không khí nặng nề. Tiếng khóc trẻ con lạ mẹ, lạ nhà ré lên ầm ĩ suốt ngày. Ông bà cụ không phàn nàn thêm nữa. Nhưng những lời xì xào từ hàng xóm đã lan khắp khu phố. Mỗi lần Nhất bước ra khỏi cửa, đi xuống cầu thang, là mọi người chỉ trỏ, bàn tán. Ngày nối ngày, dài nhức nhối. Triết gia bực, buồn nhưng chỉ im lặng. Hai vợ chồng lầm lì suốt một thời gian. Chỉ có những tiếng ho cứ khục khặc, khục khặc. Sáng ra, đôi mắt triết gia thâm quầng. Vầng trán đổ thêm nhiều nếp nhăn. Cuối cùng, không chịu nổi sự căng thẳng, Nhất đã phải cắn môi nói trong nghẹn ngào: - Thôi. Việc thế này, tôi vừa bệnh hoạn chẳng làm tròn nghĩa vụ vợ chồng, lại vừa phải cáng đáng một đứa trẻ. Anh không chịu được tiếng khóc trẻ con. Bực bội không làm được việc. Chúng ta giải phóng cho nhau vậy. Mỗi người đi một nơi. Thế là từ đó, căn phòng đấy đã không còn bóng dáng Nhất. Khi cô xách va ly bước ra khỏi nơi này, qua cánh cửa, cô đã chính thức không còn là con dâu nhà họ Trần nữa. Dưới ánh nắng của buổi chiều hôm đó, bóng cô nhỏ nhắn đổ xuống nền nhà. Trượt dần, trượt dần rồi biến mất. Trần Đức Thảo và Nguyễn Thị Nhất đã chính thức chia tay. Sau gần 4 năm chung sống chẳng khác gì một đôi vợ chồng ly thân. Có lẽ Nhất đã không suy nghĩ sâu xa về sự im lặng của triết gia Trần Đức Thảo. Sự im lặng của ông không phải dửng dưng, không phải vô tình, cũng không phải sự bất lực. Triết gia có những nỗi đau riêng mà chỉ mình ông biết. Ông không muốn người đàn bà duy nhất của cuộc đời mình cũng phải chịu những hệ lụy đó. Sự lặng câm của nhà triết học là nỗi đau còn đau hơn tự bản thân nỗi đau đó. Người duy nhất có thể đồng cảm với ông cuối cùng cũng đã rời xa ông. Nhà triết học, với dáng vẻ lếch thếch trên chiếc xe đạp “pôdô con vịt” lọc cọc như chực tung lốp, vểnh mặt lên trời, “thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười, như anh dở người” đã vĩnh viễn ra đi, trong một nhà trọ xập xệ tại Paris năm 1992. Khi ấy, Nhất đã chung sống cùng người chồng thứ hai nhiều năm, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Năm 1960, sau khi ký vào lá đơn ly dị không một chút ngần ngừ, Nhất dọn đồ đạc và chuyển ra ngoài sống trong một cái chòi gỗ gần sông Hồng. Khu nhà ven sông Hồng rộng 18m2, chia cho hai gia đình ở. Một bên Nhất và một cô bạn sống chung, cùng là “mẹ” nuôi đứa bé. Bên kia, một gia đình vợ chồng son sinh sống. Cách chòi gỗ vài mét đã là sông. Người dân xung quanh thả đầy mảng gỗ ngâm ở đó. Phía sau căn phòng Nhất ở là một mương nước đen sì, ngập đầy rác. Đứa bé – cái tên mang đầy mong ước: Thanh Bình - được lớn lên từ cái chòi đó. Một thời gian sau, cô bạn đi lấy chồng. Thế là 9m2 đủ rộng cho hai mẹ con ở. Nhất mua một cái giường chung, là đồ đạc duy nhất trong phòng. Lương chuyên viên chỉ có 60 đồng, Nhất thuê người nuôi con đã mất 30 đồng. Tiền ăn uống 18 đồng, chỉ còn 12 đồng còn lại cho chi tiêu. Nhất đi công tác liên tục, được bữa hai mẹ con ăn chung, chỉ toàn cơm độn ngô đỏ. Ngô cứng, đứa trẻ chưa kịp mọc răng trệu trạo nhai như ăn trầu. Nhất vốn thể trạng yếu, sau một thời gian, cô bị đau dạ dày.
Bên Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng đang mắc
căn bệnh trầm kha: bệnh lao phổi. Lẽ ra, với 0,5 lá phổi còn sót
lại, ông chỉ có thể sống trong một thời gian rất ngắn. Bác sĩ phẫu
thuật cho hay ông chỉ sống được trong 3 năm nữa. Nhưng ông không nản
chí. Là một người nghiên cứu y học lâu năm, ông hiểu rất rõ sự quan
trọng của điều hòa cơ thể, thông qua việc thay đổi nhịp thở. Sau khi
cắt 1,5 lá phổi, ông đã tự luyện tập một phương pháp thở của riêng
mình, bắt nguồn từ yoga, khí công của Ấn Độ, Trung Quốc, gọi là
“dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”. Phủ nhận mọi nhận định của y học hiện
đại, ông đã sống thọ tới 84 tuổi. Về Việt Nam, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Ủy viên Ban Đối ngoại, trực tiếp công tác tuyên truyền quốc tế. Ngoài ra ông còn là tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam và tạp chí Etudes Vietnamiennes kiêm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn. Nguyễn Khắc Viện đã tìm gặp Nhất. Khi đến căn chòi gỗ gần sông, ông không khỏi xót xa cho một trí thức Việt kiều trở về cống hiến cho đất nước lại phải sống trong tình cảnh như thế. Ông thốt lên: - Trời ơi chỗ quay lưng của người ta mà em lại phải ở thế này à? Rồi ông ra về. Lúc này giáo sư Viện mới hay Nhất đã ly dị triết gia Trần Đức Thảo. Mấy ngày sau, một bài báo của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đăng, phê phán cách đãi ngộ của Bộ Giáo dục với người trí thức Việt kiều đã bỏ vinh hoa về cống hiến cho đất nước như cô. Bài báo tuy bênh Nhất, nhưng càng tăng thêm sự đố kỵ và xa cách của mọi người trong cơ quan. Người phụ trách Công đoàn trong Bộ Giáo dục kêu Nhất lên, mắng: Cô khổ sở gì thì báo cáo với chúng tôi! Tại sao lại kể với lãnh đạo làm gì? Nhất chẳng biết giải thích sao, vì ông Viện chỉ tới thăm cô như người bạn thân lâu ngày không gặp. Từ đó, cô càng bị những kẻ không ưa cô trong cơ quan xa lánh. Nhưng rồi, Bộ cũng không thể cấp cho cô nhà khác vì đời sống của người dân thành thị còn rất khó khăn. Biết bệnh tình của Nhất, ông Viện đưa cô đến bệnh viện mổ, vì nếu để lâu sẽ biến chứng thành ung thư. Những ngày này, Viện tận tình chăm sóc cả hai mẹ con Nhất. Khi ấy, những tâm tư thầm kín của hai người từ năm 1953 mới được thổ lộ. Trong những dòng hồi ký của mình, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Đến cuối năm 1967, đời riêng của tôi có việc rất quan trọng. Tôi thành lập gia đình. Đây có thể nói là mối tình đầu thứ hai của tôi. Vì mối tình đầu thứ nhất là với cô người Pháp. Lần này, gọi là mối tình đầu thứ hai là vì đây là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên gắn bó với tôi. Hiện nay là bà xã nhà tôi đấy, là cô Nhất, một sinh viên trong tổ chức Việt kiều. Năm 1952, khi tôi về Paris gặp cô gái Việt kiều này, rồi cùng nhau trò chuyện và trao đổi công việc. Tại sao trong nhóm một tổ chức Việt kiều có khoảng 20 người, lại có sự gắn bó giữa tôi và cô Nhất đến như thế? Thật tôi cũng không thể hiểu được. Sau này khi nghiên cứu tâm lý gia đình, thấy một điểm quan trọng mà sách phương Tây cũng nêu lên. Cái duyên sao kỳ lạ, hai con người xa lạ nhau mà: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ – Vô duyên đối diện bất tương phùng. Chúng tôi gắn bó với nhau từ năm 1953, nhưng mãi 14 năm sau mới lập gia đình. Hồi đó cô Nhất đã đính ước với anh Trần Đức Thảo… Nhất kết hôn với anh Thảo nhưng mối tình hai người không hợp nhau. Năm 1963, tôi về nước thì hai người đã chia tay nhau rồi… rồi chiến tranh xảy ra nên đến cuối năm 1967 thì chúng tôi mới lấy nhau. Đám cưới chúng tôi tổ chức vào ngày Noel năm 1967…” Biết mình mang bệnh không thể tròn nghĩa vụ làm
vợ, Nhất từ chối bác sĩ Viện nhiều lần. Nhưng ông vẫn kiên trì. Khi
ấy, người thân duy nhất của ông Viện là người em trai út nên ông
mong mỏi hơn bao giờ hết một mái ấm gia đình. Dần dần, trước những
tình cảm dịu dàng, đằm thắm, Nhất cũng xuôi lòng. Đám cưới diễn ra
vào Noel năm 1967. Khi ấy Nguyễn Khắc Viện 54 tuổi và Nhất xấp xỉ
40. Trước hôm cưới, hai người cũng có qua mời triết gia Trần Đức
Thảo.
Hoài niệm và nhớ thương dành hết trong tâm tưởng. Có bận Nhất về nhà lấy thêm tiền, nước mắm, bất thình lình gặp bác sĩ Viện. Ông cũng quay về nhà để lấy tài liệu. Gặp nhau, hỏi han chưa được dăm ba điều thì bom nổ rầm rầm bên sứ quán Pháp, ngay gần nhà bà. Hai người phải núp rạt xuống dưới hầm cầu thang. Sức ép của quả bom khiến màng nhĩ như muốn nổ tung. Căn nhà rung rần rần. May mà bom lạc đi nơi khác. Cuối năm 1970, người Hà Nội quay trở về nhà sau mấy năm sơ tán. Phố xá thiếu bóng người, lạnh lẽo, tiêu điều. Mọi thứ phải dựng lại từ đầu. Vậy là phải mất 3 năm, Nhất mới được thực sự có
được cuộc sống yên bình, sau bao nhiêu trắc trở. Trải qua nhiều
thăng trầm, Nhất cũng đằm tính hơn. Cô vẫn đam mê nghề và làm tròn
nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ (với Thanh Bình). Bác sĩ Viện cũng là người
hiểu vợ. Hơn nữa họ có nhiều điểm chung, cùng hoạt động trong lĩnh
vực tâm lý trẻ em. Ông Viện đưa ra những phương pháp mới của Pháp áp
dụng vào tình hình đặc thù ở Việt Nam.
Bác sĩ Viện hầu như không bao giờ than phiền về chuyện vợ hay đi sớm về khuya, chỉ trừ một lần, khi cô Nhất bắt đầu về hưu, được bầu làm Hội trưởng hội phụ nữ, suốt ngày xách cặp đi khắp nơi. Ông Viện nằm ở nhà, ngán ngẩm: Thôi. Hết kỳ này đừng làm nữa nhé. Vậy mà Nhất “vâng lời. Nhiệm kỳ sau được bầu, cô trốn vào Sài Gòn “giả vờ” công tác 6 tháng. Bên Hội đành phải mời người khác làm thay. Năm 1984, Trung tâm NT (NT Foundation) của hai vợ chồng “về hưu” ra đời. Đây là tổ chức nghiên cứu khoa học đầu tiên ngoài Nhà nước. Trung tâm tự quản, tự túc, phi lợi nhuận, tập hợp một số Bác sĩ Tâm thần, Bác sĩ Nhi khoa, Chuyên viên Tâm lý, Giáo dục cùng nhau nghiên cứu với mục tiêu góp phần xây dựng Bộ môn Tâm Lý, Tâm bệnh lý và Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam dưới 18 tuổi. Năm 1992, bác sĩ Viện được Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ (Grand prix de la Francophonie) những 400.000 francs (gần 1 tỷ đồng Việt Nam lúc bấy giờ). Hai vợ chồng đã quyết định lấy số tiền trên góp vào Trung tâm NT. Có nguồn kinh phí hoạt động, Trung tâm mới có điều
kiện mở ra nhiều dự án như đào tạo môn tâm lý cho những cô giáo tiểu
học, rồi mời bác sĩ trị liệu tâm thần từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hồ
Chí Minh về Hà Nội theo những buổi thuyết giảng về tâm lý trẻ em. Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn “Việt Nam, một thiên lịch sử”. Mười năm sau ngày ông mất, Trung tâm NT vẫn hoạt động, tiếp tục chăm sóc và chữa bệnh cho trẻ em có rối loạn tâm lý. Trung tâm đã làm được điều mà cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng ấp ủ, đó là cứu chữa cho hàng ngàn trẻ em có những bất ổn về mặt tâm trí. Bà Nhất, sau khi ông mất, đã thay ông tiếp quản Trung tâm NT. Dù không có được một đứa con nối dõi, nhưng bà và ông Nguyễn Khắc Viện đã có “rất nhiều người con” trên cuộc đời này.
Lời kết
Ngày 2 tháng 9 năm 2007 Mưa là may mắn hay xui xẻo? Đối với tôi, mưa là
một điềm lành. Ít ra là bà Nhất dù có cái khó tính của tuổi già đi
chăng nữa vẫn dốc tuột 80 năm cuộc đời cho một người xa lạ như tôi.
Ngày Quốc Khánh mưa. Mọi người không ra đường. Họ ở nhà, nấu những
món ăn ngon và quây quần trò chuyện. Nhưng tại căn hộ vỏn vẹn 20 mét
vuông này, bà Nhất lại chỉ có một mình. Con gái nuôi của bà, chị
Thanh Bình đã có gia đình riêng. Chỉ còn lại bà, sách và những lưu
ảnh thời gian đọng lại. Có lẽ nếu tôi không đến cùng một hộp bánh
ngọt (bà rất thích ăn), thì có lẽ bà sẽ ngồi một mình, đọc sách,
nhâm nhi trà, gặm nhấm hương vị của mưa và thời gian. Ngoài trời,
mưa như trút. Xuân Anh (VieTimes)
Trở vế trang chủ Trần Đức Thảo
|