Trần Đức Thảo là ai? Cuộc đời và sự nghiệp một triết gia Việt Nam
Alexandre FERON
Trở lại dự phóng trí thức đầy cao vọng và hành trình gian truân của nhà triết học mác-xít Việt Nam, quá “chiến sĩ” trong con mắt các triết gia, quá triết gia đối với các chiến sĩ, bươn chải trong những mâu thuẫn của thế kỷ. Tác giả bài này là Alexandre Féron đang làm luận án tiến sĩ triết học. A. Féron nghiên cứu các mối quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và hiện tượng luận trong triết học Pháp, đặc biệt ở Sartre, Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo.
Ít ai nghe nói tới triết gia người Việt Trần Đức Thảo (1917-1993). Vài người có thể đã nghe thấy tên ông: những ai quan tâm tới hiện tượng luận có thể đã biết tới bài dẫn nhập xuất sắc về tác phẩm của Husserl mà Trần Đức Thảo đã trình bày trong phần thứ nhất cuốn Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Minh Tân, 1951) ; những người say mê theo dõi cuộc chiến tranh Đông Dương có thể đã thấy tên ông trong danh sách những người tranh đấu cho nên độc lập của Việt Nam ; với một số khác, Trần Đức Thảo được biết tới như biểu tượng của một triết gia đã khước từ một sự nghiệp đại học đầy hứa hẹn tại Pháp để về chiến khu Việt Bắc năm 1952, tham gia công cuộc giải phóng đất nước. Còn đối với số đông, Trần Đức Thảo là một tên tuổi xa lạ. Điều đó không phải không có nguyên do. Trần Đức Thảo là giao điểm của quá nhiều lập trường khác nhau và đối nghịch nhau, để người ta có thể “đứng về phía” ông, để có thế ước muốn “phát hiện lại”, hay “khôi phục” danh tiếng cho ông. Ông quá “mác-xít” đối với những người theo trường phái hiện tượng luận, và ngược lại, quá “hiện tượng luận” đối với người mác-xít ; đối với những người “phi Stalin” thì ông lại quá chính thống và “stalinien”. Quá “chiến sĩ tranh đấu” đối với giới triết gia đại học, quá “triết gia” đối với những “chiến sĩ tranh đấu”. Điều lý thú chính là ở chỗ đó. Trần Đức Thảo đứng ở ngã tư của phần lớn các mối mâu thuẫn xuyên suốt thế kỷ XX: chủ nghĩa thực dân, chỗ đứng của người trí thức trong xã hội tư bản chủ nghĩa, các cuộc tranh luận về chủ nghĩa Marx và đóng góp của nó đối với các trào lưu tư tưởng khác, các cuộc đâu tranh giành độc lập dân tộc, rồi cuộc chiến tranh lạnh, vai trò của trí thức trong một nước xã hội chủ nghĩa, quá trình diễn biến của chủ nghĩa Marx tại những nước mênh danh “cộng sản”, chủ nghĩa cộng sản châu Á, vân vân. Toàn bộ cuộc đời của Trần Đức Thảo là một nỗ lực đối mặt với những mâu thuẫn ấy, tìm cách vượt qua những mâu thuẫn của chính mình đồng thời cũng là những mâu thuẫn của thời đại. Cuộc đời ấy đậm chất bi kịch, bởi vì ông luôn luôn phải đụng độ với chúng, và cuối cùng, người ta chỉ có thể đau buồn ghi nhận sự thất bại của ông: thất bại chính trị và thất bại triết lý. Mục đích của bài viết này là trình bày “cuộc đời và sự nghiệp” của Trần Đức Thảo. Chính xác hơn, bài này có mục đích phân tích thao tác giữa sự dấn thân vào thế kỷ của Trần Đức Thảo và sản phẩm lý luận của ông. Chúng tôi muốn vạch ra rằng, sự nghiệp của Trần Đức Thảo là sản phẩm cuộc đời ông như thế nào, với tư cách là cuộc đời ấy đã dấn thân vào một thế giới cụ thể trong đó ông phải đối mặt với các mâu thuẫn của nó. Từ đứa con của một đất nước thuộc địa tới sự tổng hợp chủ nghĩa Marx và hiện tượng luận (1917-1947) Khởi đầu hành trình 1 của Trần Đức Thảo có thể xem như chất liệu lý tưởng để biện minh cho “thành quả tích cực” của công cuộc thuộc địa Pháp. Con một viên chức bưu điện, sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917, Trần Đức Thảo là học sinh xuất sắc của trường trung học Pháp Albert Sarraut (Hà Nội): giải nhì cuộc thi triết học các trường trung học toàn quốc Pháp, đỗ tú tài Pháp năm 1935. Nhờ đó, năm 1936 được cấp học bổng của Phủ toàn quyền Đông Dương sang Pháp học, chuẩn bị thi tuyển vào Ecole Normale Supérieure (Trường cao đẳng sư phạm, phố Ulm, Paris, dưới đây sẽ viết tắt là ENS). Sau khi theo học hai năm chuẩn bị tại trường trung học Louis-le-Grand và Henri IV, Trần Đức Thảo trúng tuyển vào ENS năm 1939 2. Nước Pháp đại bại năm 1940, sinh viên ENS sơ tán xuống thành phố Clermont-Ferrand, tại đây Trần Đức Thảo (TĐT) gặp Jean Cavaillès. Nhờ Cavaillès, TĐT khám phá tác phẩm của Edmund Husserl, người sáng lập học thuyết hiện tượng luận. TĐT biên soạn một luận văn xuất sắc về “phương pháp hiện tượng luận ở Edmund Husserl” 3 và đậu thứ nhất đồng hạng trong cuộc thi tuyển thạc sĩ triết học năm 1943. Ông bắt đầu làm luận án tiến sĩ về Husserl, được vào biên chế nghiên cứu viên ở CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học), và sang Louvain (Bỉ) làm việc một thời gian ở “Kho lưu trữ Husserl”. Con đường giáo chức đại học và triết học xán lạn mở rộng trước mặt TĐT. Nhưng dưới danh lộ ấy, người ta có thể đoán ra những giằng xé. Trước tiên, phải nhắc lại một sự thật: đối với một người Việt Nam, vào được giáo giới Pháp là một biệt lệ. Và ở mỗi đoạn đường, người ta không quên nhắc nhở anh ta thân phận người dân thuộc địa của mình. Trong cuộc thi tuyển vào ENS, TĐT đứng hàng thứ nhì, như với tư cách một người “dân bảo hộ”, nên mang số “1 bis” 4 trên danh sách, nghĩa là giữa số 1 và số 2 “thực thụ”. Đến khi ông trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ triết học, thì Trần Đức Thảo “không được xếp hạng” -- nghĩa là không được tuyển vào đội ngũ giáo sư. Đó là những cảnh ngộ góp phần tạo ra những “quái vật” (chữ của TĐT) trong “giới ưu tú trí thức” các nước thuộc địa. Đúng thế, họ sẽ bị giằng xé theo hai hướng khác nhau: trung thành với nước Pháp do đã được đào tạo trong trường học và nền văn hoá Pháp 5 và mặt khác, trung thành với tổ quốc của mình 6. Sự lựa chọn ấy trở thành cần thiết vào những năm 1930, khi tình hình thuộc địa trở nên gay go, sau những biến cố được gọi là “cuộc bùng nổ 1930”. Phải chọn, hoặc là nước Pháp 7, hoặc là tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập. Có lẽ trong thời kỳ chiến tranh (thế giới lần thứ hai) TĐT đã chọn con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Trong thập niên 1930, chống Pháp có hai hình thái: quốc gia hay cộng sản. Khá nhanh chóng, Trần Đức Thảo chọn “chủ nghĩa cộng sản, nghĩa là học thuyết định nghĩa sự bóc lột của chế độ thực dân một cách chính xác, thanh lọc ra khỏi tình tự dân tộc mọi yếu tố bài ngoại” 8. Khi bắt đầu hoạt động đấu tranh 9 Trần Đức Thảo gần gũi nhóm trốt-kít GBL (Nhóm Bôn-sê-vic – Lê-nin-nít Đông Dương) 10. TĐT tham gia hoạt động của nhóm này trong giới lính thợ Việt Nam năm 1939 bị đưa sang Pháp để phục vụ chiến tranh, và năm sau, khi nước Pháp chiến bại, được đưa vào các trại ONS (Ouvriers Non Spécialisés / Công nhân không có nghiệp vụ chuyên môn). TĐT đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tổ chức phong trào Việt kiều tại Pháp: tháng 12 năm 1944, tại Đại hội Việt kiều tổ chức tại Avignon, TĐT được cử vào “ban tổng đại diện” (40 người) và “uỷ ban trung ương” (15 người) và dường như đã được bầu làm tống thư ký uỷ ban này. Ông tham gia tích cực vào việc soạn thảo chương trình hành động và bản yêu sách. Trong một cuộc họp báo tháng 9 năm 1945 – khi ấy, Hồ Chí Minh vừa tuyên bố Việt Nam độc lập – có người hỏi quân đội viễn chinh Pháp sẽ được tiếp đón ra sao, TĐT trả lời: “bằng súng !”. Vốn đã bị mật thám theo dõi, sau cuộc họp báo này, ngày 21 tháng 9, TĐT bị bắt và giam giữ tại nhà tù La Santé cho đến tháng 12.1945. Được trả tự do, ông tiếp tục hoạt động. Người ta tình nghi ông đã tổ chức việc công nhân bốc vác ở cảng Marseille không chịu khuân vác vật tư chiến tranh sang Đông Dương. Ở thời điểm này, Trần Đức Thảo đứng trên lập trường triết học nào? Trong thời kỳ nước Pháp vừa được giải phóng, những ai muốn kết hợp sự dấn thân chính trị với tư duy triết học thường chọn lựa giữa hai phương hướng chính: một bên là chủ nghĩa Marx “chính thống” (cộng sản hay trốt-kít), một bên là chủ nghĩa hiện sinh đang tìm cách xích lại gần chủ nghĩa Marx. Phương hướng thứ hai, tiêu biểu nhất là Maurice Merleau-Ponty 11, một trong những ông thầy đầu tiên của Trần Đức Thảo. TĐT kể lại trong thời kỳ thế chiến, khi làm “caïman” (hướng dẫn viên) ở trường ENS, Merleau-Ponty thường trích đọc cho sinh viên nghe những đoạn trong luận án của mình, và “thường nói rồi tất cả những điều này sẽ là sự tổng hợp Husserl, Hegel và Marx” 12. Như vậy, có thể xác định cương lĩnh triết học đầu tiên của Trần Đức Thảo là một nỗ lực tổng hợp chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh 13, điều này khá đặc thù của khuynh hướng thường được gọi là “chủ nghĩa Marx tây phương” 14. Ở Trần Đức Thảo, nó bao hàm một hành vi kép. Trước tiên, là “xem lại một cách triệt để” chủ nghĩa Marx 15. Theo quan điểm này, chủ nghĩa Marx quá “máy móc”, không quan tâm đầy đủ tới các cấu trúc thượng tầng (bị coi là những ảo tưởng thuần tuý) và thiếu một nền tảng nhận thức luận vững chắc. Những thiếu sót ấy có thể được khắc phục nhờ phương pháp hiện tượng luận – và ngược lại, nhờ chủ nghĩa Marx, hiện tượng luận sẽ tích hợp vào thực tiễn của nó các vấn đề giai cấp, lịch sử và viễn tượng cách mạng. Tuy nhiên, và đây là hành vi thứ nhì, sự “xem lại” thực ra là “trở về nguồn cảm hứng nguyên khôi” của Marx – trở về nguồn cảm hứng nguyên khôi có nghĩa là “trở về Marx”, chống lại truyền thống mệnh danh là Marx. Có lẽ cũng là trở về cảm hứng nguyên khôi của chính Marx: người ta muốn đối lập Marx “già”, “khoa học chủ nghĩa” của bộ Tư bản, với Marx “thời trẻ”, rất “Hegel” -- mà những phân tích không những tương thích với sự diễn giải hiện tượng luận, mà có hẳn một “chiều kích” hiện tượng luận. Định hướng triết học này rất rõ trong những bài viết đầu tiên mà TĐT công bố năm 1946: “Marxisme et phénoménologie” (Chủ nghĩa Marx và hiện tượng luận) 16 (trong Revue internationale) và “Sur l’Indochine” (“Về Đông Dương”, đăng trên tạp chí Les Temps Modernes). Phải đọc chung cả hai bài, bài thứ nhất hiển thị khung cảnh khái niệm và triết lý được huy động một cách mặc nhiên trong bài thứ nhì. Trong hai bài viết, TĐT triển khai cái mà chúng ta có gọi là “lý luận cơ sở hạ tầng của sự tồn tại” của ông. Ý tưởng chính là, trong chủ nghĩa Marx, thiếu vắng sự trung gian giữa cơ sở hạ tầng kinh tế và các cấu trức thượng tầng. TĐT cho rằng mình đã tìm thấy sự trung gian đó trong cái mà Husserl gọi là “trải nghiệm tiền xác quyết”, nghĩa là trải nghiệm của ta về thế giới khi nó chưa được ý thức đầy đủ và được phát biểu bằng ngôn ngữ. Mọi ý nghĩa hiển ngôn hay “thượng tầng kiến trúc” (ở cấp độ ý thức, trong ngôn ngữ ; từ đó trong nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tôn giáo vân vân) đều phái sinh và bắt nguồn từ trải nghiệm tiền xác quyết đó. Phân tích này liên quan tới điều mà Marx nói về nghệ thuật Hy Lạp ở cuối bài Dẫn nhập 1857: “Nghệ thuật Hy Lạp có tiền đề là thần thoại Hy Lạp, nghĩa là thiên nhiên và ngay cả các hình thái xã hội như chúng đã được hình thành một cách nghệ thuật mà vô thức trong trí tưởng tượng của dân gian” 17. Như thế là nghệ thuật Hy Lạp (nghĩa là một ý nghĩa thượng tầng kiến trúc) đã lấy nghĩa lý của nó (đối với người Hy Lạp) từ trải nghiệm tiền xác quyết về thế giới của họ, nghĩa là từ “tưởng tượng dân gian”, phần lớn là ẩn ngôn hay vô thức, mà biểu hiện đầu tiên là thần thoại. Nhưng Trần Đức Thảo cũng cẩn trọng nói rõ rằng phải hiểu cái trải nghiệm tiền xác quyết đó như là một thực tiễn (praxis) tiền xác quyết: chính hành động của chúng ta trong cõi đời mới là nền tảng cho mọi biểu hiện có ý thức của chúng ta. Và chính bởi vì thực tiễn của chúng ta khác nhau, tuỳ theo các hình thái xã hội và phương thức sản xuất mà thực tiễn đó diễn ra, nên có thể cho rằng chúng liên quan tới những cấu trúc đó 18. Muốn hiểu các cấu trúc kinh tế của xã hội phản ánh như thế nào vào các biểu hiện, thì phải đặt vào giữa hai yếu tố ấy một yếu tố trung gian: đó là thực tiễn của các cá nhân, “hạ tầng kiến trúc hiện tồn”. Như thế, chúng ta thấy rõ sự “xem xét lại” ấy muốn được coi là sự trở về Marx thời trẻ, vì Trần Đức Thảo đưa ra hai điều: một là khái niệm thực tiễn, hai là sự phái sinh ra ý thức và các biểu hiện xuất phát từ hoạt động hiện thực của các cá nhân. Chính trong khuôn khổ lý luận “hiện sinh chủ nghĩa” đó mà, trong xà lim nhà tù La Santé, TĐT viết bài báo đầu tiên của ông về tình hình Đông Dương 19. Bài viết – sẽ được công bố tháng hai 1946 trên tạp chí Les Temps Modernes – được viết ra vào lúc chiến tranh Đông Dương chưa thực sự bắt đầu: nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra giữa quân đội Pháp vừa đổ bộ và người Việt Nam, nhưng tình hình chưa tới điểm không thể đảo ngược, mà còn ở trong quá trình “thương lượng”. Trong phân tích của mình, TĐT muốn giải thích tại sao người Pháp và người Việt Nam không “hiểu nhau” được. Họ sống trong những “thế giới” khác nhau, bởi vì họ trải qua những nghiệm sinh “tiền xác quyết” khác nhau: “Mỗi người có một cộng đồng nguồn gốc, sinh ra trong đó, được giáo dục tuổi thơ trong đó. Người ta không thể từ bỏ nó, bởi vì, thông qua cộng đồng ấy mà mỗi người chúng ta tắm mình trong cỗi rễ của cuộc sống” 20. Vì thế, cùng một tình thế, một tuyên bố, một câu chữ, mỗi bên hiểu theo những ý nghĩa khác nhau. “Đó là sự đối lập từ cốt lõi, xuất phát từ phương thức tồn tại, từ hai cách sống và hiểu thế giới. Vấn đề không phải là thảo luận về một sự kiện cụ thể nào đó nữa. Bản thân cuộc thảo luận là vô bổ, bởi vì mỗi sự kiện đều được lí giải, được cảm nhận một cách khác nhau. Những luận cứ mà người An Nam đưa ra để đòi độc lập, vào tới “chân trời” của người Pháp, thì ngay lập tức, chúng mang một ý nghĩa khác, mâu thuẫn với ý niệm độc lập ấy. Đó là một sự ngộ nhận cốt lõi, không có cách nào giải thích để đánh tan nó được, bởi vì mỗi câu chữ đều bị hiểu theo chiều hướng trái ngược với ý nghĩa mà nó được phát biểu. […] Cuộc đối thoại diễn ra trong sự ngộ nhận vĩnh viễn, sự hiểu lầm hoàn toàn và vô phương cứu chữa. Sự đối lập có trước sự diễn ngôn, nó ở bắt nguồn ở ngay sự tồn tại, là nơi quy định ý nghĩa khả dĩ của ngôn từ” 21. Tuy nhiên, cần tránh hiểu sai điều mà Trần Đức Thảo muốn nói. Sự bất khả cảm thông không phải là điều bất khả về mặt pháp quyền. Nó chỉ liên quan tới tình hình thực tế: trải nghiệm về thế giới của người dân thuộc địa khác người đi thực dân, tức là liên quan tới cấu trúc của chế độ thực dân. Ở Trần Đức Thảo, không có sự phủ nhận tính phổ quát. Ngược lại, điều ông mong ước, là “người ta hãy vượt cao hơn chân trời riêng tư, hãy đứng ở quan điểm nhân bản” 22. Lập trường ấy của TĐT, chúng ta gặp lại trong giai thoại mà Louis Althusser kể lại: “Ở Trường [ENS] tôi giao du với Trần Đức Thảo […]. Trong những bài giảng riêng, Thảo giải thích cho chúng tôi: “Tất thẩy các bạn đều là những người bình đẳng trên bình diện siêu việt. Là những bản ngã bình đẳng” 23. Như thế là năm 1946, những mâu thuẫn mà Trần Đức Thảo mang nặng với tư cách là thành viên của “giới trí thức thượng lưu” thuộc địa dường như đã tìm thấy một vị trí cân bằng nhất định. Cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp được ông trải nghiệm như là sống trung thành với quê hương và trung thành với nền giáo dục (“phổ quát chủ nghĩa” của Pháp). Tương tự, lập trường triết học của TĐT cố gắng tổng hoà những quan niệm triết học mà ông đã được học hỏi (hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh) và những quan niệm của phong trào cách mạng quốc tế (chủ nghĩa Marx). Tuy nhiên, tình hình chính trị diễn biến chẳng mấy lúc sẽ làm gián đoạn thế cân bằng mỏng manh và đòi hỏi Trần Đức Thảo phải chọn lựa triệt để hơn. Vượt qua những mâu thuẫn của mình: Việt Minh và “chủ nghĩa duy vật biện chứng” (1947-1951) Biến cố cơ bản trong cuộc đời TĐT diễn ra trong thời gian 1946-47. Đó là sự dấn thân của TĐT vào lập trường của Việt Minh. Gặp Hồ Chí Minh trong thời gian Hội nghị Fontainebleau (tháng bảy 1946) và chiến lược đoàn kết dân tộc rộng rãi (của Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh) dường như đã đóng vai trò quyết định trong sự lựa chọn này. Trần Đức Thảo đã lấy khoảng cách đối với phong trào trốt-kít vào tháng bảy 1947 khi ông công bố bài phê bình lập trường của Claude Lefort 24 trên tạp chí Les Temps Modernes: “Về cách lý giải trốt-kít (sic) đối với các biến cố ở Đông Dương” 25. Mà ở Trần Đức Thảo, tiến trình chính trị và tiến trình triết học gắn kết mật thiết với nhau: cũng trong thời gian này, ông lấy khoảng cách với chủ nghĩa hiện sinh 26 và tán thành cương lĩnh triết học cộng sản dưới ngọn cờ của “chủ nghĩa duy vật biện chứng”. Hai động tác đó, chúng ta có thể hiểu là một nỗ lực của Trần Đức Thảo nhằm giải quyết những mâu thuẫn phát xuất từ quá trình đào tạo của mình, để tiến tới sự nhất quán đối với bản thân. Nỗ lực thanh toán này diễn ra dưới hai hình thái kế tiếp nhau. Hình thái đầu tiên mang “tính chất Pháp” (1947-1951): gia nhập lập trường chính trị và triết học của phong trào cộng sản. Tiếp theo đó, năm 1951, TĐT quyết định trở về Việt Nam để tham gia công cuộc giải phóng dân tộc – sự trở về ấy được ông trình bày hẳn hoi là để giải quyết những mâu thuẫn trong bản thân 27. Một điều rất có ý nghĩa để hiểu sự chuyển hướng của TĐT về mặt triết học là ông đã thay thế danh từ “chủ nghĩa Marx” bằng cụm từ “chủ nghĩa duy vật biện chứng”. Cụm từ này vắng bóng trong tác phẩm của Marx, chỉ nở rộ từ những năm 1930 trở đi khi triết học ở Liên Xô bị Stalin-hoá 28. Công thức này hàm ý tách biệt với quan niệm máy móc và phi biện chứng về chủ nghĩa Marx của Đệ nhị Quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là khẩu hiệu của chương trình nghiên cứu khoa học mà Liên Xô đã khởi xướng nhằm tập hợp toàn bộ tri thức dưới ngọn cờ của “chủ nghĩa duy vật biện chứng” 29. Sử dụng công thức ấy, TĐT chỉ rõ sự hướng ứng chương trình nghiên cứu này về mặt triết học – dù cho ông vẫn không chấp nhận sự “đóng khung” mà học thuật chính thống của Liên Xô muốn áp đặt. Năm 1948, Trần Đức Thảo hoạch định một dự án triết học mà ông sẽ đeo đuổi cho đến tận cuối đời: đi tới sự thông hiểu con người một cách mác-xít ; nói khác đi, kiến lập một nền tâm lý học và nhân học mác-xít. Sự hiểu thấu con người đòi hỏi cùng một lúc hai điều thoạt trông mâu thuẫn với nhau. Trước tiên là một đòi hỏi “bản thể luận”: nó phải tiến hành trong khuôn khổ duy vật chủ nghĩa – nghĩa là đoạn tuyệt với mọi hình thái nhị nguyên luận. Sau đó, một đòi hỏi có thể gọi là “hiện tượng luận”: thừa nhận tính khu biệt của ý thức con người. Một mặt phải cho thấy con người là một sản phẩm của tiến hoá tự nhiên – theo ý nghĩa đó, phải “tự nhiên hoá” con người với chứng minh rằng giữa con người và sự sống nói chung có một sự liên tục. Nhưng mặt khác, không thể bỏ qua sự khác biệt đặc thù của con người, nghĩa là phải chứng minh rằng sự tiến hoá không đơn thuần là sự liên tục, mà là sự sản sinh những cấu trúc mới, theo cái mà đôi khi người ta gọi là “lôgic của sự xuất hiện”. Tóm lại, tiến hoá không tuyến tính và máy móc, mà biện chứng. Năm 1948, TĐT đã tóm tắt như sau cái “dự án” mà ông nói “đã thai nghén từ năm 1948”: “nắm bắt từ sâu thẳm sự tạo sinh và phát triển của ý thức khởi đầu từ sản xuất vật chất” 30 Và như thế, công thức “chủ nghĩa duy vật biện chứng” tương ứng hoàn toàn với chương trình nghiên cứu mà ông triển khai. Bước thực hiện đầu tiên là bài báo công bố năm 1948 trên Les Temps Modernes: “Hiện tượng học Tinh thần trong nội dung hiện thực của nó” 31. Bài này kiểm điểm lại tác phẩm của Alexandre Kojève Introduction à la lecture de Hegel (Dẫn nhập đọc Hegel) ghi chép các bài giảng nổi tiếng của ông cho sinh viên trong thời gian 1933-1939. Các bài giảng này giữ một vai trò cơ bản đối với thế hệ hiện sinh chủ nghĩa sau thế chiến 32 (Sartre, Merleau-Ponty, Simone de Beauvoir) trong chừng mực là Kojève đã đề ra một phương thức hiện sinh chủ nghĩa và nhân học để “đọc” Hegel mà ông đã “mác-xít hoá” (chẳng hạn bằng cách nhấn mạnh tới “thời điểm” đấu tranh một mất một còn giữa chủ nô lệ và người nô lệ), và mặt khác, Kojève cũng đề ra một cách “đọc” Marx theo hơi hướm Hegel thông qua những trước tác thời trẻ của Marx. Trần Đức Thảo cho rằng, thông qua sự phê phán cách đọc Hegel một cách hiện sinh chủ nghĩa của Kojève, ông đã đoạn tuyệt về mặt triết học với chủ nghĩa hiện sinh và khẳng định dự án triết học của chính mình 33. Điểm chủ yếu mà Trần Đức Thảo nêu ra trong khi phê phán Kojève là nhắm vào “chủ nghĩa nhị nguyên”: Kojève phân biệt sự ngự trị của con người với sự ngự trị của tự nhiên, để khằng định chỉ có biện chứng là biện chứng nhân tính, nghĩa là biện chứng trong quan hệ giữa con người và thế giới, giữa con người và tha nhân. Kojève phủ nhận mọi khả năng “biện chứng của tự nhiên”. Đối với Trần Đức Thảo thì ngược lại, cho dù cần thừa nhận có sự khác biệt giữa ý thức và vật chất, cũng không thể nâng sự khác biệt ấy thành một dị biệt bản thể học giữa hai thể loại hiện hữu. Cần phải coi ý thức là một cấu trúc mới, do biện chứng tự nhiên tạo sinh ra ; từ đó vượt qua sự nhị nguyên phi biện chứng bằng một thứ “chủ nghĩa nhất nguyên duy vật”. Đây là một đổi thay quan trọng trong cách đặt vấn đề triết học của Trần Đức Thảo. Khi ông tìm cách tổng hợp hiện tượng luận và chủ nghĩa Marx, thì chủ yếu có thể nói là tiếp cận vấn đề đặt nền tảng. Tức là tìm hiểu nền tảng của mối quan hệ giữa hạ tầng và thượng tầng cấu trúc. Còn từ nay trở đi, cái phải tìm hiểu là sự tạo sinh, sự hình thành. Phải tìm lại sự sinh thành hiện thực đi từ tính vật thể phi ý thức tới tính vật thể ý thức. Sự sinh thành ấy được TĐT trình bày trong phần thứ nhì của tác phẩm Phénoménologie et matérialisme dialectique 34. Trong phần này, nhan đề “Biện chứng của vận động hiện thực”, khoảng một trăm trang, TĐT vẽ lại toàn bộ quá trình tiến hoá, từ những vi sinh vật đơn bào đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói một trong những nội dung chính của phần này là làm sáng tỏ hai điều mà Marx đã khẳng định trong Hệ tư tưởng Đức. Đầu tiên là thử tìm hiểu quá trình tạo sinh hiện thực của “cái tiền giả định số một cho mọi lịch sử nhân loại”, tức là “cơ sở tự nhiên” của mọi lịch sử nhân loại, nghĩa là “sự tồn tại của những con người sinh sống […], thể chất thân xác của những cá nhân ấy, quan hệ mà thể chất ấy tạo ra đối với cõi tự nhiên còn lại […], sự cấu tạo thân thể của chính con người” 35. Và như thế, Trần Đức Thảo đã chỉ rõ, trong quá trình tiến hoá, mối tương quan với ngoại giới (đặc trưng của sự sống) luôn luôn vượt quá những hạn chế của bản thân, để đạt tới – trong trường hợp con người – “ý thức về đối tượng” và khả năng sản sinh ra những phương tiện sản xuất của chính mình. Có cả một biện chứng trong quá trình tiến hoá: các sinh vật cấp cao tích hợp được những cấu trúc đặc trưng của những sinh vập cấp thấp, song đồng thời mang lại cho chúng một ý nghĩa mới (tức là có sự vượt qua các cấu trúc cấp thấp một cách biện chứng). Tiếp theo là tìm hiểu mối tương quan giữa ý thức và tồn tại. Nghĩa là thiết lập, trên bình diện vật thể và sinh học, điều mà Marx chỉ đơn thuần khẳng định trong Hệ tư tưởng Đức: “không phải là ý thức quy định cuộc sống, mà chính là cuộc sống quy định ý thức” 36. Và Trần Đức Thảo tìm cách chỉ rõ, ngay từ cấp độ của sự sống, hay cái mà ông gọi là “tâm lý giác quan – động cơ” (psychisme sensori-moteur), cấu trúc của các sinh vật (“hạ tầng cơ sở” sinh học) quy định như thế nào các hành xử của chúng (“thực tiễn” (praxis) của chúng, nghĩa là những điều chúng biết làm), và quy định cái cách mà “thế giới” hiện ra đối với chúng (“thượng tầng cấu trúc”): “ý thức” 37 động vật chỉ là một cách diễn ý một loại hình ứng xử hiện thực. Điều mà TĐT chỉ rõ là sự ý tưởng hoá này là sản phẩm của một sự cấm đoán hay trấn áp các ứng xử: mỗi loại hình sinh vật chỉ “ý thức” được những loại hình ứng xử mà nó có thể trấn áp được. Như thế có nghĩa là có một độ vênh giữa cái gì mà sinh vật có thể làm và cái mà nó “có ý thức”, giữa “hành vi hiện thực” và “ý nghĩa nghiệm sinh”: hành động bao giờ cũng vượt qua sự biểu hiện của hành động. Ở cấp độ sự sống, như thế TĐT đã xác lập được tính thứ yếu của ý thức đối với tồn tại (cuộc sống), và đồng thời, độ vênh giữa ý thức và hành động – hai nguyên lý nền tảng của phương pháp duy vật mà Marx trình bày trong Hệ tư tưởng Đức. Cuối cùng, khi chuyển sang cấp độ ý thức con người, TĐT xác lập hai hiện tượng. Trước hết, liên quan tới sự vênh giữa cấu trúc ứng xử và sự biểu hiện, TĐT cho thấy, đứng về mặt khách quan, đặc điểm của sinh hoạt con người là sinh hoạt sản xuất, là lao động sản xuất ra giá trị sử dụng. Mà giá trị sử dụng tự nó là giá trị sử dụng đối với mọi người ; hoạt động sản xuất do đó là một hoạt động trực tiếp có tính chất xã hội. Nhưng con người chưa ý thức được tính xã hội của lao động mà mình làm ra, và mới chỉ coi nó gắn liền với hình thái sở hữu. Quyền sở hữu là sự chối bỏ chiều kích xã hội của mọi lao động, dưới dạng thức loại trừ và chiếm đoạt. Đối với Trần Đức Thảo, chủ nghĩa cộng sản là thời điểm mà con người ý thức được hoạt động của mình như một hoạt động phổ quát. Điều thứ hai mà TĐT xác lập, ở cấp độ ý thức con người, là cách thức mà sự ý tưởng hoá (idéalisation) – đặc điểm của mọi hình thái “ý thức” -- trở thành chủ nghĩa duy tâm (idéalisme), nghĩa là biểu hiện sự dị biệt và sự tự lập giữa ý thức và vật chất. Đặc trưng của ý thức con người là “quên nguồn gốc” vật chất của mình trong thực tiễn: sự ức chế gắn liền với mọi “ý thức” do đó trở nên “chối bỏ” (dé-négation) 38. Con người tự biểu diễn một cách xuyên tạc như là một ý thức thuần tuý, tách biệt khỏi vật chất. Như thế là trong thời gian từ 1947 đến 1951, lập trường chính trị và triết học của Trần Đức Thảo đã đảo lộn. Chúng tôi đã thử tìm thấy ở đó một nỗ lực nhằm vượt qua những mâu thuẫn trong lập trường trước đó của ông. Nhưng chẳng mấy lúc, TĐT phải đối mặt với một mâu thuẫn quan trọng hơn nữa: mâu thuẫn giữa vị thế trí thức ở Pháp và việc ông ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Ông đã đề cập tới điều này khi nói về việc viết Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng: “Chỉ riêng lập trường nguyên tắc, được khẳng định dứt khoát, cũng đủ để khiến tôi quyết tâm trở về nước. Tôi phải làm cho cuộc sống hài hoà với triết lý, phải hành động thực sự, đáp ứng những kết luận về lý thuyết của tác phẩm này” 39. Thế là năm 1951, Trần Đức Thảo quyết định trở về Việt Nam, rời bỏ môi trường trí thức Pháp mà ông đã sống trong đó suốt mười lăm năm.
Trở về Việt Nam: sự tổng hợp bất khả (1952-85) Cách mạng Việt Nam như là “con đường giải đáp” 40 (1952-58) Có thể hình dung bầu không khí phấn khởi bao trùm cuộc hồi hương. Nhưng khó biết sau đó, trong những năm đầu, TĐT đã sống như thế nào, vì ngay từ đầu, cuộc trở về ấy mang dấu ấn của ngộ nhận. Từ đó đến năm 1958, có thể thấy rõ ba thời điểm 41. Trần Đức Thảo về tới Việt Bắc 42 năm 1952 vào lúc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra. Ông được cử vào những công tác phục vụ cho cuộc chiến đấu. Đầu tiên là soạn hai bản báo cáo (về các xí nghiệp và về hệ thống giáo dục), sau đó làm việc ở văn phòng Tổng bí thư Đảng Trường Chinh để dịch các tác phẩm của nhà lãnh đạo. Một vài chứng nhân (như Tô Hoài) mô tả TĐT “ngây thơ và hăng hái”: không mặc Âu phục, ngủ không dùng màn (do đó bị sốt rét). Chứng tỏ TĐT quyết chí biến cải quan hệ của mình với thế giới, đoạn tuyệt với quá trình đào tạo ở phương Tây, để “trở (lại) thành” con người mà lẽ ra ông đã trở thành nếu không trải qua nhà trường thực dân. Nhưng đến năm 1953 mới xảy ra “chấn thương khởi đầu” 43: ông được cử vào một đội cải cách ruộng đất. Sự thật là Trần Đức Thảo về nước vào lúc mà chủ nghĩa Mao, sau thắng lợi của cách mạng Trung Quốc tháng 10 năm 1949, chiếm một vị trí quan trọng. Đã qua rồi thời kỳ của khẩu hiệu đoàn kết toàn dân chống Pháp. Mục tiêu mà Trường Chinh (người chủ trì bước ngoặt mao-ít) nói trắng ra là “vạch ra một đường ranh, tạo ra một chấn động tập thể”. Chúng ta không có một chứng từ nào về những gì Trần Đức Thảo đã làm, đã thấy hay đã chịu đựng trong thời gian này. Chỉ biết, theo Philippe Papin, ông đã “ở địa điểm xấu nhất trong thời điểm xấu nhất”. Rồi, khi chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954, dường như mở ra một thời kỳ yên ả hơn trước. TĐT trở lại công tác đại học. Đầu tiên là giảng viên lịch sử cổ đại ở Trường đại học Hà Nội (1954-1955), sau đó là giáo sư lịch sử triết học (năm 1955). Năm 1956, ông lại được cử làm chủ nhiệm khoa Sử. Trần Đức Thảo mặc áo trấn thủ, giảng giáo trình “lịch sử tư tưởng trước Marx” 44. Những bài giảng này rất đáng chú ý, một mặt vì cách diễn giải lịch sử triết học của tác giả, mặt khác vì nỗ lực biên dịch và tân tạo những khái niệm triết học tây phương sang tiếng Việt. Thay đổi lớn trong thao tác trí tuệ nằm ở chỗ tác giả từ bỏ sử dụng tiếng Pháp. Trong một ý nghĩa nhất định, ông lặp lại về mặt lý thuyết cái gì mà đợt chỉnh huấn đã tiến hành về mặt thực tiễn. Các bài ông viết trong giai đoạn này đều bằng tiếng Việt 45. Đại để có thể xếp thành hai loại: năm bài viết về lịch sử và văn học Việt Nam, và hai bài tiếp nối những trước tác duy vật chủ nghĩa về ý thức, “Nguồn gốc ý thức trong tiến hoá của hệ thần kinh” (1955). Năm 1956, tình hình trí thức Việt Nam sẽ đảo lộn lớn. Toàn bộ thế giới “xã hội chủ nghĩa” có phong trào “cởi mở”: “tan băng” và “giải Stalin hoá” ở Liên Xô, “trăm hoa đua nở” ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, giới trí thức càng phấn khởi hơn nữa vì từ khi chiến tranh chấm dứt, họ cảm thấy không cần phải đi theo đường lối chỉ đạo chính trị nữa. Hai tạp chí ra đời trong bối cảnh đó, “Nhân văn” và “Giai phẩm”, đi tiền phong trong phong trào phê phán. Trần Đức Thảo tham gia phong trào này. Ông đã tìm ra một người để dịch sang tiếng Việt văn kiện (của Trung Quốc) về “Trăm hoa đua nở”. Ông công bố hai bài viết. Bài đầu, “Nội dung xã hội và hình thức tự do” (tháng 10.1956), bàn về mối tương quan giữa tự do cá nhân và tập thể trong chủ nghĩa xã hội: chủ nghĩa cộng sản không phải là sự phủ nhận, mà ngược lại, sự thực hiện tự do. Bài thứ nhì, “Phát triển tự do và dân chủ” (tháng 12.1956), mạnh dạn hơn, phê phán sự quan liêu hoá của chế độ và những “sai lầm” trong cải cách ruộng đất. Hai bài viết này sẽ quy định số phận của Trần Đức Thảo từ đó cho đến cuối đời. Tuy chỉ đóng một vai trò hạn chế trong phong trào, Trần Đức Thảo bị biến thành vật tế thần trong đợt đấu tranh mà Đảng phát động chống lại “chủ nghĩa xét lại”. Tháng 12.1956, ông bị cách chức ở trường đại học và bị đem ra đấu tố ở trường trong tháng ba và tháng tư 1957. Đồng thời, báo chí đăng một loạt bài chỉ trích ông. TĐT bị lên án là “trốt-kít” do quá khứ trước đó. Tháng sáu 1957, ông bị Ban tư tưởng và văn hoá trung ương quy là “phần tử phản quốc, chống chủ nghĩa xã hội”. Người ta kết án ông là “mất gốc”, xa rời “nhân dân”. Tháng năm 1958, TĐT đọc bản tự kiểm thảo, nhưng bị coi là chưa đủ. Từ đây bắt đầu một cuộc lưu đầy dài hạn “trên quê hương”. Lưu đày trên quê hương (1958-85) Chúng ta có rất ít thông tin về cuộc sống của ông trong giai đoạn này. Từ 1958 đến 1961, Trần Đức Thảo được gửi đi cải tạo tại một nông trường. Trở về Hà Nội năm 1961, ông không còn biên chế cán bộ đại học, không có chỗ ở. Chỉ được một chỗ làm tạm bợ là “cộng tác viên ngoài biên chế” của nhà xuất bản Sự Thật, dịch văn kiện. Cuộc sống càng khó khăn hơn nữa khi cuộc chiến tranh chống Mỹ (1964-1975) làm cho tình hình vật chất miền Bắc Việt Nam chật vật hơn. Trước kia mơ ước đem trí tuệ phục vụ cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nay ông bị gạt ra ngoài lề và trở nên vô dụng. Song ông không bao giờ li khai. Ngược lại, dường như ông vẫn mong chờ được “khôi phục”. TĐT làm việc trong những điều kiện khó khăn, cô độc. Song người ta cũng còn cho phép ông được đọc một số ấn bản nước ngoài, nhưng không đủ để có thể theo dõi sinh hoạt trí thức ở Châu Âu. Dường như khi đi Việt Nam, Olivier Todd được Sartre nhờ tìm cách liên hệ với Trần Đức Thảo. Todd có thử, nhưng không thành. Tuy nhiên, rõ ràng là TĐT tìm người đối thoại, như ta thấy rõ trong một lá thư đi kèm bài viết gửi cho tạp chí La Pensée: “Các bạn biết rằng bên này chúng tôi hầu như không nhận được gì xuất bản ở Pháp. Có thể nào các bạn cho tôi biết có bài nào phê bình tôi không? Điều này sẽ giúp tôi nhiều để tiếp tục nghiên cứu” 46. Không có bài nào của Trần Đức Thảo công bố ở Việt Nam trong thời kỳ này, nhưng người ta để cho ông gửi sang Pháp một số bài viết cho các tạp chí cộng sản La Pensée (Tư duy) et Nouvelle critique (Phê bình mới). Tuy khó khăn như vậy, thập niên 1960 đối với Trần Đức Thảo là thời ký tái khởi động hoạt động triết học sáng tạo. Dự án triết học của ông vẫn là dự án 1948: nắm bắt sự tạo sinh hiện thực của ý thức khởi đi từ vật chất. Tuy nhiên, ông cho rằng Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng không thực hiện được dự phóng này một cách thoả đáng. Thật vậy, như ông giải thích trong một bài viết 1974, những phân tích trong tác phẩm này chỉ mang lại “những kết quả thực thụ cho việc hiểu biết ứng xử của động vật” 47. Ngược lại, tất cả những gì liên quan tới “phân tích hiện thực con người” đều phải làm lại. Vì trong cuốn này, ông bị quá tù túng trong chủ nghĩa duy tâm của Husserl và Hegel. Tóm lại, “Chỉ còn một cách là làm lại từ đầu” 48. Cho đến những năm 1980, công trình nghiên cứu phân bố theo hai hướng. Hướng thứ nhất là phân tích phép biện chứng, cụ thể là quan hệ giữa Hegel và Marx. Ông đọc lại những trước tác của Marx và Hegel để tìm hiểu tính chất thực sự của sự đảo ngược mà Marx đã thực hiện trên phép biện chứng của Hegel. Ông nghĩ rằng nhờ đó ông sẽ tìm ra cách mà chính ông phải làm để thoát ra khỏi ảnh hưởng của hiện tượng luận. Nghiên cứu này dẫn tới kết quả là bài “Noyau rationnel de la dialectique de Hegel” (Hạt nhân lý tính trong biện chứng của Hegel) 49 (1965), và cách đặt vấn đề được xem xét trong bài viết năm 1974 “De la phénoménologie à la dialectique matérialiste de la conscience (I)” (Từ hiện tượng luận đến biện chứng duy vật của ý thức (I)). Nhưng hướng nghiên cứu chủ yếu của TĐT là hoạch định trở lại sự phân tích ý thức theo phương pháp duy vật chủ nghĩa. Thay đổi quan trọng nhất là ông đánh giá lại chỗ đứng của ngôn ngữ đối với ý thức. Trong Phénoménologie et matérialisme dialectique, ngôn ngữ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong sự kiến tạo ý thức con người, còn từ nay ngôn ngữ được coi là “hiện thực trực tiếp” 50 của ý thức. Để hiểu được sự quá độ từ “tâm lý cảm quan – động cơ” của động vật tới ý thức con người, do đó phải phân tích quá trình làm chủ ngôn ngữ. Vì vậy mà ông đặt tên tác phẩm thứ nhì là: Nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức 51. Ông lặp lại cách tiếp cận sự tạo sinh, nhưng từ nay trở đi, muốn hiểu sự tạo sinh của ý thức, phải hiểu sự tạo sinh của ngôn ngữ. Trước tiên, tác phẩm này là một đóng góp quan trọng vào quan niệm “duy vật” hay “mác-xít” về ngôn ngữ. Phê phán các quan niệm cấu trúc luận (de Saussure, Jakobson) theo đó ngôn ngữ chỉ có hệ quy chiếu là chính nó, Trần Đức Thảo khẳng định cần phải hiểu ngôn ngữ từ chức năng quy chiếu của nó 52. Đối với ông, yếu tố nguyên khởi của ngôn ngữ là sự thủ đắc cái mà ông gọi là “động tác chỉ trỏ”, nghĩa là khả năng của con người chỉ định một vật thể như là ngoại giới. Sự thủ đắc cái “hình thái nguyên khởi của ý thức” này mở đầu cho sự thoát ra khỏi tính động vật với sự xuất hiện của những “người vượn” (préhominien, australopithèque, người hoá thạch phát hiện ở Nam Phi). Sau đó, sự phát triển của công cụ và của ngôn ngữ đánh dấu những giai đoạn tiếp nối trong dây chuyền tiến hoá, cho tới sự xuất hiện của con người hiện đại. Để thử tìm hiểu các giai đoạn khác nhau của quá trình tạo sinh này, Trần Đức Thảo xây dựng một ngôn ngữ hình thức, bắt đầu từ ba yếu tố cơ bản: “cái này” (đọng tác chỉ trỏ, ceci “C”), “hình dạng” (forme “F”) và “vận động” (mouvement “M”). Thông qua các sự kết hợp ba yếu tố cơ bản ấy, ngôn ngữ của con người hiện đại từng bước được hình thành. Và như thế, công trình nghiên cứu của Trần Đức Thảo vừa đóng góp vào một lý thuyết duy vật về ngôn ngữ, vừa đóng góp vào một quan niệm duy vật của “nhân – tạo sinh học” hay là sự “nhân hoá”. Trong tác phẩm này, TĐT dẫn nhập một khái niệm mác-xít, là “ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực” 53. Đó là tập hợp những ý nghĩa khách quan cấu thành ý thức một cách độc lập, trong hoạt động vật chất của con người. Khái niệm này thay thế khái niệm “trải nghiệm tiền xác quyết”: trong khi trải nghiệm này có tính chất cá thể và “câm lặng” (có trước mọi phát biểu), thì khái niệm “ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực” cho phép ta chỉ định kích thước xã hội trực tiếp của đời người, vốn đã ngụp lặn trong tổng thể những ý nghĩa mà xã hội đã tạo thành. Những cuộc đấu tranh cuối cùng của Trần Đức Thảo (1985-1993) Tình hình Trần Đức Thảo đã được cải thiện trong những năm 1980. Một lần nữa, đó là hậu quả của thời thế quốc tế, với cuộc perestroika bắt đầu ở Liên Xô. Vào cuối thập niên, Trần Đức Thảo lại trở lại thành một nhân vật ít nhiều quan trọng về mặt chính trị. Cũng nhờ đó mà ông hoạt động trở lại về mặt triết học. Ông dành một phần công trình nghiên cứu vào việc tổng kết có tình chất phê phán chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao. Trong La philosophie de Staline (Triết học Stalin), viết năm 1986, Trần Đức Thảo phân tích tác phẩm Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Stalin để chứng minh rằng thế giới quan của Stalin dựa trên một quan niệm phi biện chứng. Nói một cách tổng quát, chủ nghĩa Stalin sa vào chủ nghĩa nhị nguyên, và không hiểu thế nào là biện chứng: nó không thấy rằng mọi sự xoá bỏ biện chứng đồng thời cũng là duy trì – đây là nhân tố quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bởi vì vấn đề không phải là đơn thuần phủ nhận sạch trơn xã hội tư bản chủ nghĩa, mà là “vượt qua” nó một cách biện chứng. Đấu tranh chống lại chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao, đặc biệt trong cuốn Vấn đề con người và “lý luận không có con người” 54 (1988), Trần Đức Thảo đồng thời bảo vệ một “chủ nghĩa nhân bản mác-xít”. Song song với công việc này, Trần Đức Thảo trở lại, lần thứ ba, dự án 1948. Ông biên soạn cuốn La Formation de l’homme (Sự hình thành của con người) và viết hai bài công bố trên tạp chí La Pensée: một bài về “Sự phát sinh con người đầu tiên” 55 và bài kia “Biện chứng lôgic trong sự tạo tác bộ Tư Bản” 56. Vẫn là tìm hiểu một cách biện chứng sự quá độ từ một hình thái này sang hình thái khác (từ động vật đến con người ; từ chủ nghĩa phong kiến đến chủ nghĩa tư bản ; từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa cộng sản). Liên Xô sụp đổ năm 1991, tình hình chính trị Việt Nam lại bịt siết chặt. Những người ủng hộ perestroika như Trần Đức Thảo lại bị khó khăn. Chính trong bối cảnh này mà ông sang Pháp – trở lại nước Pháp sau bốn mươi năm trời xa cách. Lý do đi Pháp lần này có nhiều “phiên bản” giải thích: hình như chính Trần Đức Thảo nói rằng người ta gửi ông sang Pháp để cho Đảng cộng sản Pháp “xét xử” 57 trong một vụ án chính trị. Nhưng cũng nên biết rằng vào cuối đời, mặc cảm bị truy bức của ông đã thật sự trở thành paranoïa. Thật vậy, Philippe Papin đã tìm ra một văn bản chính thức của Văn phòng Trung ương ĐCS cử Trần Đức Thảo sang Pháp làm “công tác chính trị chính thức”, chi phí “do Đảng đài thọ”. Ông được xếp ở chiêu đãi sở của đại sứ quán Việt Nam. Dường như “công tác” ông được giao phó là biện hộ cho lập trường của chính quyền về vụ “Nhân văn – Giai phẩm”. Đến Paris, TĐT bắt liên lạc lại với những bạn cũ trong giới triết học (Jean-Toussaint Desanti, Paul Ricoeur, Maurice de Gandillac), nhưng lánh xa các môn đệ của Althusser. Ông đã thuyết trình một số buổi (ở Đại học Paris VII về triết lý Stalin, ở ENS về Husserl ; một buổi khác về cuốn Recherches sur l’origine du langage et de la conscience), và bắt đầu viết tác phẩm triết học thứ ba của mình. Trong cuốn này, TĐT nối tiếp Husserl và Hegel khi trở lại đề tài ông đã viết trong Phénoménologie et matérialisme dialectique về thời gian hoá và về cái mà ông gọi là “Hiện tại sinh động” 58. Ông còn muốn cập nhật hoá những phát hiện mới nhất trong sinh học và nhân học, chắc vẫn theo đuổi mục tiêu dự án 1948. Nhưng, tình hình sức khoẻ thể chất và tâm lý của ông đã xấu đi. Sau khi bị ngã, ông được đưa vào bệnh viện Broussais và tạ thế ngày 24 tháng tư năm 1993. Số phận của Trần Đức Thảo có một chiều kích bi thảm không thể chối cãi. Bi thảm trước hết là sự thất bại về chính trị: như biết bao người khác, TĐT đã dấn thân hết mình vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản để rồi vấp phải sự cứng nhắc của chủ nghĩa Stalin và những chế độ quan liêu. Sự hy sinh của ông rốt cuộc không mang lại thành quả chính trị nào. Còn sự nghiệp triết học thì khó đánh giá hơn. Tuy một phần sự nghiệp của ông đã được tiến hành dưới chế độ kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt chính trị, TĐT đã cố gắng tiến hành những nghiên cứu độc đáo trong những lãnh vực mà chủ nghĩa Marx ít quan tâm (tìm hiểu ngôn ngữ, nhân – tạo sinh học, tiến hoá…). Trong lãnh vực triết học, thất bại chủ yếu nằm ở chỗ sinh thời ông không có người đối thoại (do đó mà các nghiên cứu thường lặp đi lặp lại) và ở chỗ hầu như công trình của ông không được đọc và nghiên cứu. Nhưng không thể biết trước số phận sau này sẽ ra sao. Ở Việt Nam, dường như ông đã được khôi phục ở mức độ nhất định: năm 2001, “giải thưởng Hồ Chí Minh” được trao cho tên ông. Cần nói thêm là đại bộ phận những trước tác lý luận của ông từ thập niên 1960 chưa hề được công bố. Người ta ước tính hình như có hơn 8 000 trang bản thảo chưa công bố, bản nháp, ghi chép… của ông trong một kho lưu trữ ở Việt Nam. Biết đâu một bộ phận quan trọng trong tư tưởng của Trần Đức Thảo còn chưa được phát hiện? Alexandre FERON Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao
Bài viết này được công bố theo quy ước Creative Commons, tự do phát tán, và Copyleft. Có thể tự do xuất bản và chia sẻ trong mục đích phi thương mại, với điều kiện không thay đổi văn bản và phải nêu rõ tên tác giả, và ghi rõ địa chỉ URL nguồn của văn bản này:
ngày: 05/02/2014 - 22:11 Alexandre Féron [6]
Nối kết:
1 Những thông tin về tiểu sử Trần Đức Thảo, chúng tôi dựa theo hai bản tự truyện (“Note biographique”, năm 1984, công bố trên tạp chí Les Temps Modernes, 1993 ; lời tựa cuốn La Formation de l’homme, 1986) và bài viết của Daniel Hémery “Trần Đức Thảo. Itinéraire I. Premier exil” (đọc tại Hội thảo về Trần Đức Thảo: http://savoirs.ens.fr/expose.php?id=832; [3] bản viết của bài này được đăng trong cuốn BENOIST, Jocelyn et Espagne, Michel (chủ biên), L’itinéraire de Trần Đức Thảo. Phénoménologie et transferts culturels, Armand Colin, 2013) và TRỊNH Văn Thảo, Les Compagnons de route de Ho Chi Minh. Histoire d’un engagement intellectuel au Vietnam, Karthala, 2004. 2 Cùng khoá với Louis Althusser. 3 Đây là lời bình của Jean Cavaillès: “Ô. Thảo đã đọc toàn bộ tác phẩm được công bố của Husserl, một số tác phẩm chưa công bố, và những bài bình luận chủ yếu. Luận văn của TĐT là một trong những công trình nghiên cứu xuất sắc nhất ở Pháp về Husserl và vượt xa trình độ luận văn tốt nghiệp bình thường. Nó phản ánh những kiến thức phong phú và một tư duy triết học sâu sắc” (dẫn bởi ISRAËL, Stéphane. Les Études et la guerre: Les Normaliens dans la tourmente (1939-1945), tái bản (trực tuyến). Paris: Éditions Rue d’Ulm, 2005. Xem trên Internet: http://books.openedition.org/editionsulm/673 [4]). Luận văn này đã được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên ENS thời ấy và đã có ảnh hưởng lớn tới sự tiếp thu hiện tượng luận tại Pháp. Trong giới ấy, có thể đơn cử Jacques Derrida, Jean-François Lyotard, Pierre Bourdieu, và Louis Althusser nữa. 4 ISRAËL, Stéphane, sách đã dẫn, chương 2. 5 Trong bài “Về vấn đề Đông Dương”, TĐT nói tới cảnh ngộ của “giới ưu tú” trí thức: “Từ vị trí một thành viên cấp dưới (của cộng đồng người Pháp), nhờ đặc ân, anh ta được đối xử như là một thành viên cấp trên, do đó phải biết ơn sâu sắc đối với chính quyền quản lý cộng đồng […], thay vì bóc lột anh ta, người ta lại cho anh ta được hưởng thành quả của sự bóc lột. Nhờ ân sủng của chính quyền, từ giai cấp bị trị anh ta đã leo lên giai cấp thống trị ; từ nay anh ta thuộc thành phần thống trị, mà lại muốn đứng về phía những người bị bóc lột thì quả là một sự phản bội” (“Sur l’Indochine, tạp chí Les Temps Modernes, số 5, février 1946, tr. 6 Ở dưới đoạn vừa được trích dẫn ở chú thích trên, TĐT khẳng định: “Nhưng sống trong chân trời của mình, người dân An Nam chỉ có thể tự coi mình là công dân Việt Nam […]. Từ bỏ đồng bào vì lợi ích cá nhân của mình, đó mới là phản bội theo đúng nghĩa của khái niệm ấy” (sách đã dẫn, tr. 897). 7 Đó là sự lựa chọn của một người như Phạm Duy Khiêm (trúng tuyển vào ENS năm 1931, thạc sĩ ngữ pháp, bị động viên năm 1939, làm đại sứ cho chính quyễn Ngô Đình Diệm trong thời gian 1955-1857). Về sự đối sánh Phạm Duy Khiêm và Trần Đức Thảo: đọc bài của Daniel Hémery và cuốn sách của Trịnh Văn Thảo. 8 sđd, tr. 890. 9 Theo Daniel Hémery (bài đã dẫn). 10 Trong dịp này, TĐT làm quen với Daniel Guérin và de Pierre Naville. 11 Có thể đọc những bài viết đã được in lại trong hai tác phẩm Sens et non sens và Humanisme et terreur. 12 La Formation de l’homme, lời tựa, tr. 6 13 La Formation de l’homme, lời tựa, tr. 6 14 Perry Anderson, Sur le Marxisme occidental, Maspéro, 1977 15 Xem bài “Marxisme et phénoménologie”, trong tạp chí Revue internationale ; bài này, cũng như một số bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, đã được đăng lại trên mạng: http://www.viet-studies.info/TDThao/ 16 Bài đầu tiên này nằm trong cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh do tạp chí Revue internationale tổ chức. Tham gia cuộc tranh luận này, có Jean Domarchi, Pierre Naville và Maurice Merleau-Ponty. 17 Góp phần phê phán kinh tế học chính trị, “Bài dẫn nhập 1857”, tr. 175. 18 “ Ưu thế của yếu tố kinh tế không triệt tiêu chân lý của thượng tầng kiến trúc, nhưng nó chỉ ra nguồn gốc chân thực của tồn tại nghiệm sinh. Những kiến tạo ý thức hệ gắn liền với phương thức sản xuất, không phải vì những kiến tạo ấu phản ánh phương thức sản xuất – một điều thậm vô lý – mà đơn giản bởi vì chúng rút ra toàn bộ ý nghĩa từ trải nghiệm tương ứng, trong đó các giá trị “tinh thần” không phải được biểu hiện, mà được nghiệm sinh và cảm nhận, và tất các các nghiệm sinh cụ thể nằm trong tổng thể nghiệm sinh của con người trong cõi đời. Với tư cách nghiệm sinh tổng thể tự xác định ở mỗi thời điểm theo những đường hướng tổng quát nhất, bởi những quan hệ kinh tế hiện tồn, và mỗi thay đổi trong quan hệ kinh tế kéo theo sự tái tổ chức toàn bộ, có thể nói chính xác rằng sự vận động của lịch sử, xét cho cùng, được quy chiếu vào hoàn cảnh của cuộc sống vật chất. Mỗi giai đoạn kỹ thuật mới kéo theo một “văn hoá” mới, không phải vì văn hoá “phản ánh” kỹ thuật, mà bởi vì nó chỉ thật sự là “văn hoá” nếu nó thể hiện được những trực giác nguyên khởi mà hoàn cảnh sống mới đã làm hiện ra” (“Chủ nghĩa Marx và hiện tượng luận, tr. 4) 19 “Bài ‘Về Đông Dương’ của tôi được viết trong xà lim La Santé, nơi tôi bị giam cầm. Tôi đã dùng thời giờ nhàn rỗi bó buộc đó để tự vấn lương tri theo phương pháp hiện tượng luận. Bài viết do đó là một văn bản ‘hiện sinh chủ nghĩa’” (TĐT, “Ghi chú tiểu sử” trong tạp chí Les Temps Modernes, tr. 148). 20 “Về Đông Dương”, sđ d, tr. 898 (chỗ in nghiêng là do chúng tôi muốn nhấn mạnh). Trước đó một chút, TĐT nhận xét: “Ý nghĩa cuộc sống có trước những luận điểm mà người ta có thể sử dụng để biện minh cho nó. Khái niệm bổn phận hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả ở bên ngoài cộng đồng mà mình là thành viên. Không thể nào thuyết phục một người nào đó gia nhập một cộng đồng bởi vì tất cả những lý do mà người ta có thể nêu ra đều giả định là người ấy vốn đã là thành viên của cộng đồng đó rồi. Dự phóng vạch ra trước mặt anh ta, có nghĩa lý đối với anh ta, chỉ có thể là một dự phóng hướng tới cộng đồng trong đó anh ta cảm thấy mình tồn tại. Chính cái tình tự ấy quy định bản thể sự tồn tại của anh ta. Nó quy định anh ta là ai đối với chính mình. Không có tình tự ấy, anh ta không tồn tại” (tr. 897). 21 sđd, tr. 885-886. 22 sđd, tr. 900 23 Les faits (Sự kiện), tr. 362. Giai thoại này, Althusser còn kể lại trong L’avenir dure longtemps (Tương lai còn kéo dài lâu): “Trong cuộc trò chuyện riêng, Thảo nói với chúng tôi: “Tất cả các bạn đều là những egos-égaux siêu việt !” égaux (Chú thích của người dịch: có sự chơi chữ: ego (bản ngã) và égaux (bình đẳng) là hai từ đồng âm trong tiếng Pháp: ê-gô). Anh cười cười, nhưng chân lý đó sâu sắc biết bao !” [L’Avenir dure longtemps, tr. 201] 24 Xem hồ sơ về Đông Dương trong số tháng ba 1947 của Les Temps Modernes. Trong đó có bài của Merleau-Ponty (“SOS Đông Dương”), Trần Đức Thảo (“Quan hệ Pháp-Việt”) và Claude Lefort (“Các nước thuộc địa: phân tích cấu trúc và chiến lược cách mạng”. 25 Tạp chí Les Temps Modernes, số 21, juin 1947, tr. 1697-1705. Đây cũng là bài viết cuối cùng về Đông Dương của TĐT gửi Les Temps Modernes ; bài viết sau đó về đề tài này sẽ đăng trên tạp chí La Pensée. 26 Cần nhắc lại: lúc đó nhóm Temps Modernes, đặc biệt là Sartre và Merleau-Ponty, ra sức xây dựng đảng RDR (Tập hợp dân chủ cách mạng), có sự tham gia của một số người trốt-kít. Đảng này muốn mở ra “con đường thứ ba”, cách mạng, giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. 27 “Phần thứ nhì của Phénoménologie et matérialisme dialectique (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biên chứng) (1951) dẫn tới một sự bế tắc, mà tôi hy vọng tìm thấy cách giải quyết trong cách mạng Việt Nam” (La formation de l’homme, tựa, tr. 1) 28 Cuộc “chính thống hoá” triết học xô-viết bắt đầu với tập sách ngắn của Stalin, La formulation de l’orthodoxie philosophique se fait dans l’opuscule de Staline, Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử (1937). Về chủ đề này, có thể tham khảo LABICA, Georges, Le Marxisme-léninisme, Nxb Bruno Huisman, 1984. 29 GOUARNÉ, Isabelle, L’introduction du marxisme en France. Philosoviétisme et sciences humaines (1920-39) [Sự du nhập vào Pháp của chủ nghĩa Marx, Trào lưu thân Liên Xô và các ngành khoa học xã hội], Nxb Presses Universitaires de Rennes, 2013. 30 La formation de l’homme, tựa, tr. 1 31 Les Temps Modernes, số 36, 1948, tr. 492-519 32 Điều này được Vincent Descombes chỉ rõ trong Le Même et l’autre. Quarante-cinq ans de philosophie française (1933-1978) (Chính hắn và tha nhân, Bốn mươi lăm năm triết học Pháp (1933-1978)), Nxb. Éditions de Minuit, 1979. 33 Trong quá trình “đoạn tuyệt” này, có lẽ cũng cần nêu lên vai trò một dự án không thành: trong thời gian 1949-50, Trần Đức Thảo đã có với Jean-Paul Sartre năm cuộc đối thoại (có ghi tốc ký) về quan hệ giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh. 34 Phần thứ nhất của tác phẩm này là một trong những bài trình bày sáng láng nhất về triết học của Husserl, trong đó TĐT phân tích sự phát triển biện chứng của tư tưởng Husserl, và chỉ ra sự cần thiết phải vượt qua lập trường hiện tượng luận để đi tới chủ nghĩa duy vật biện chứng. 35 Marx, Hệ tư tưởng Đức, tr. 42-43. 36 sđd, tr. 51. 37 Tôi dùng danh từ “ý thức”, nhưng cần chú ý tới điểm này: ý nghĩa của nó còn tuỳ thuộc từng thể loại sinh vật. Con cá không “ý thức” về thế giới như động vật có vú, và càng không như con người. 38 Về điểm này, tham khảo bài viết của Jocelyn Benoist: “Une première naturalisation de la phénoménologie?” (Một cuộc tự nhiên hoá đầu tiên của hiện tượng luận?”), trong cuốn L’itinéraire de Trần Đức Thảo. Phénoménologie et transferts culturels, tr 25-46. (có thể xem và nghe bài phát biểu miệng tại đây: http://savoirs.ens.fr/expose.php?id=830 [5]) 39 “Ghi chú tiểu sử”, Les Temps Modernes, tr. 150. 40 La Formation de l’homme (Sự hình thành con người), tựa, tr. 1 41 Chúng tôi chỉ có những thông tin lõm bõm về giai đoạn nàytrong cuộc đời TĐT. Chúng tôi đã sử dụng những bản tự truyện của Trần Đức Thảo (đã dẫn), tham luận của Philippe Papin trong cuộc Hội thảo về TĐT (http://savoirs.ens.fr/expose.php?id=832; [3] bản thành văn “Itinéraire II. Les exils intérieurs” được in trong L’itinéraire de Trần Đức Thảo), tác phẩm của Trịnh Văn Thảo (đã dẫn) và bài báo của McHale “Vietnamese Marxism, Dissent, and the Politics of Postcolonial Memory: Trần Đức Thảo, 1946-1993”. 42 Căn cứ địa của Hồ Chí Minh, ở phía bắc Hà Nội. 43 Chữ dùng của Philippe Papin (sđd). 44 Về sau, năm 1995, một cuốn sách đã được xuất bản, biên tập các bài giảng của Trần Đức Thảo, theo những ghi chép của sinh viên. Cuốn này triển khai những nét lớn một tập sách của Trần Đức Thảo bằng tiếng Việt, xuất bản tại Paris năm 1950 “Triết lý đã đi về đâu?”. Xem công trình của Trịnh Văn Thảo. 45 Hiện nay chưa có bản dịch nào. 46 La Pensée, n°128, juillet-août 1966, tr. 4 47 “De la phénoménologie à la dialectique matérialiste de la conscience (I)” (Từ hiện tượng luận đến biện chứng duy vật của ý thức (I)”, tạp chí La Nouvelle Critique, n°79-80, 1974 tr. 37. 48 sđd, tr. 38. 49 La Pensée. 50 Recherches sur l’origine du langage et de la conscience (Nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức), nxb Éditions sociales, 1973, tr. 13 51 Nhà xuất bản Éditions sociales, 1973. Ngoài những bài viết đã công bố trên tạp chí Il La Pensée (trong thời gian từ 1966 đến 1970), là một nghiên cứu chưa công bố về quan hệ giữa tâm phân học và chủ nghĩa Marx. 52 Có lẽ vì thế mà khi đọc các bài viết của Trần Đức Thảo trên tạp chí La Pensée, Louis Althusser nhận định rằng Trần Đức Thảo vẫn mang tính “Husserl” vì ông chú tâm tới vấn đề nguồn gốc và tạo sinh (L’avenir dure longtemps, tr. 362). 53 Marx, Hệ tư tưởng Đức, tr. 50 54 Tập sách này lên án Althusser, và, thông qua Althusser, công kích Trung Quốc mao-ít và Khơ me Đỏ. 55 La Pensée, n°254, novembre-décembre, 1986, tr. 24-35. 56 La Pensée, n°240, juillet-août 1984, tr. 77-91. 57 Về “giải thích” này, có thể đọc chứng từ của Thierry Marchaisse trong bài viết “Tombeau sur la mort de Trần Đức Thảo” (Nhà mồ trên cái chết của Trần Đức Thảo) (in lại trong cuốn L’itinéraire de Trần Đức Thảo, tr. 254-257) 58 “La logique du présent vivant” (Lô-gic của hiện tại sinh động), tạp chí Les Temps Modernes, n°568, novembre 1993, tr. 154-168.
Lên trang viet-studies ngày 24-3-15 |