Trần Đức Thảo với Nguyễn Văn Huyên
 

TS. Cù Huy Chử

 


Giáo sư Trần Đức Thảo (hàng sau, thứ hai từ phải sang)
với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (hàng trước, đứng giữa)
và các nhân sĩ, trí thức

 

Khi nói chuyện với tôi về những ngày mới về Việt Bắc, Trần Đức Thảo rất nhớ đến những lần gặp gỡ với Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Đại Nghĩa tại nhà của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Ông nói: “Anh Nguyễn Văn Huyên là người rất điềm đạm, dễ mến, nhưng là một trí thức uyên bác, sâu sắc nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hóa-lịch sử.”

Theo lời Trần Đức Thảo thì ông Huyên đã giới thiệu ông Thảo vào Hội đồng quốc gia giáo dục năm 1949 (sắc lệnh 102-SL của Chủ tịch phủ, ngày 4-1-1949), không phải để cho có tên, mà làm việc thực sự, dù lúc đó ông Thảo đang ở Pháp và có thể không về nước (cuối năm 1951, đầu năm 1952 Giáo sư Trần Đức Thảo mới về nước, qua con đường Praha-Matxcơva-Bắc Kinh-Việt Bắc). Hồi về Việt Bắc làm trong Văn phòng Tổng bí thư của đồng chí Trường Chinh, ông Thảo đã đề nghị được nghiên cứu thực tế như thăm các công binh xưởng và trường học kháng chiến. Chính trong quá trình nghiên cứu này, ông Thảo đã đề xuất chú ý hơn đến vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản và thành lập tổ chức nghiên cứu Văn-Sử. Ý kiến này được ông Huyên đồng ý; từ đây mà hình thành ra các nhánh Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Văn Sử Địa rồi các ngành khoa học xã hội nhân văn khác trong Ủy ban Khoa học xã hội. Ông Huyên cũng là người giới thiệu ông Thảo làm Chủ tịch Hội Pháp-Việt hữu nghị, giúp Chính phủ rất nhiều trong kháng chiến và tiếp quản Viện Viễn Đông bác cổ khi hòa bình lập lại vào năm 1954. Có một chi tiết đáng chú ý là: ông Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ khi đó đã từng là bạn thân của Trần Đức Tảo (anh ruột của Trần Đức Thảo). Ông giám đốc ấy đồng thời cũng là bạn của Nguyễn Văn Huyên. Cho nên việc tiếp quản Viện Viễn Đông bác cổ trở nên dễ dàng và hoàn hảo.

Trong giáo dục đại học, ông Thảo kiên trì sự cân bằng giữa nghiên cứu và giảng dạy, giữa văn khoa và sư phạm, và quan điểm này rất được ông Huyên ủng hộ. Tuy nhiên, giữa hai người cũng có tranh luận. Ví dụ, ông Thảo nói: trong hoạt động khoa học, nhà khoa học phải tự nuôi sống mình bằng trí tuệ của mình thông qua việc công bố các công trình khoa học, thì ông Huyên bảo: “Điều này ở Việt Nam là khó”. Hoặc ông Thảo nói: nhà khoa học có thể phạm sai lầm nhưng đó là sai lầm khoa học chứ không phải sai lầm nhân cách, thì ông Huyên bảo: “Có lẽ anh là người mơ mộng”. Thực tế cuộc sống đã chứng minh ông Huyên đúng.

Khi có vụ Nhân văn-Giai phẩm, trong đó có sự tham gia của ba nhà khoa học lớn lúc bấy giờ là Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, riêng với ông Thảo, Bộ trưởng Huyên có trao đổi với Thứ trưởng Hà Huy Giáp: về trường hợp Giáo sư Trần Đức Thảo, nên xin ý kiến Bác Hồ. Ông cũng có gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để bày tỏ quan điểm của mình. Lúc các thầy giáo ở Đại học tổ chức đấu tranh tư tưởng với Trần Đức Thảo thì Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đề nghị Thứ trưởng Hà Huy Giáp công bố thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Giáo sư Trần Đức Thảo. Thư viết vào tấm danh thiếp của Thủ tướng, trong đó có mấy chữ: “Anh Thảo, xin anh nghĩ lại”. Chỉ thế thôi mà tình thế thay đổi hẳn. Và sau này, chính Bác Hồ đã bàn với ông Huyên về bố trí công việc cho ông Thảo và ông Đào Duy Anh (về việc này ông Cù Huy Cận nói rõ trong thư gửi GS Trần Đức Thảo vào ngày 4-5-1959). Sau này, ông Thảo vẫn cứ tâm đắc nói với tôi: “Nên gọi ông Huyên là nhà văn hóa-lịch sử chứ không phải là nhà văn hóa học hay sử học đơn thuần”. Và ông Thảo cũng cho rằng, ông Huyên là người đầu tiên đặt nền móng cho ngành văn hóa-lịch sử, tức là một ngành nghiên cứu tình cảm con người Việt Nam trong đời sống văn hóa để hiểu về lịch sử Việt Nam.

Theo ông Thảo thì chính Nguyễn Văn Huyên là người sáng tạo ra khái niệm Đông Nam Á đầu tiên trong luận án phụ khi bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương.

Với quan điểm có một vùng mờ ảo trong lịch sử văn hóa, địa lý tự nhiên và con người, nên ông Thảo đánh giá cao vai trò của cảm giác trong việc nhìn nhận con người mà ông Huyên là một minh chứng. Trong xu hướng triết lý Nguyễn Văn Huyên, hương vị, cảm giác Việt Nam thấm đẫm trong mọi tư duy, hành vi và từ đó tạo nên bản sắc. Tôi có nhớ ông Huyên từng nói: Việt Nam cũng như các nước phương Đông tự nhân loại hóa mình bằng việc tìm cảm giác, tìm hương vị của sự sống mang tính toàn thể của nó, rõ nhất là trong văn hóa lễ hội, văn hóa lối sống mà ông Hà Huy Giáp gọi là “phong hóa”.

Có lẽ có sự thông cảm sâu sắc về khoa học như vậy, nên ông Nguyễn Văn Huyên đánh giá cao Trần Đức Thảo về mặt triết học, đồng thời cũng rất trân trọng những tư tưởng của Trần Đức Thảo về sử học, nhất là trong tác phẩm “Về Đông Dương” mà Trần Đức Thảo viết năm 1946. Ông Nguyễn Văn Huyên có nói với tôi, ông có ấn tượng sâu sắc về bài viết của Trần Đức Thảo: Vietnam and East Asia, in trong The Far Eastern Economic Review, số chuyên đề về Đông Dương thuộc Pháp (tháng 8/1947). Nguyễn Văn Huyên đặc biệt khâm phục Trần Đức Thảo khi ông Thảo phân tích sự vận động của tư tưởng cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông Thảo nói rõ: Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, nhưng để chuyển hướng cách mạng theo con đường tiến bộ, thì các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế lại tiếp nhận lý luận cách mạng của phương Tây qua các nhà lý luận cách mạng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, và đặc biệt là Tôn Dật Tiên. Ông Thảo cho rằng đó là một nét độc đáo về lịch sử. Nguyễn Văn Huyên cho rằng đó là sự phân tích kỳ tài. Nếu không nắm được nét căn bản của sự vận động tinh thần của dân tộc thì không thể có nhận xét như vậy.

Nguyễn Văn Huyên nói với tôi: “Khi trao đổi về vấn đề này, tôi có hỏi Trần Đức Thảo: động lực nào đã đưa đến sự vận động tinh thần như vậy?”. Trần Đức Thảo trả lời: đó là nhu cầu của cả một dân tộc đấu tranh tự giải phóng để vươn tới tự do. Nhu cầu tự do đã làm cho các nhà cách mạng thời đó phải đi tìm một hướng mới, nhưng công cụ mà họ có trong tay lúc ấy chỉ có Hán văn. Từ những sự việc mà hai ông Trần Đức Thảo và Nguyễn Văn Huyên cho tôi biết trên đây đã giải thích cho tôi rõ sự quý trọng của Nguyễn Văn Huyên đối với Trần Đức Thảo. Cho đến tận những ngày trước lúc đi Pháp, Trần Đức Thảo vẫn rất day dứt vì khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời, ông không có điều kiện đến thắp một nén hương cho người bạn mà ông rất tri ân.

Tôi có may mắn được tiếp xúc, được làm việc với Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nên hiểu rõ được tư tưởng của hai nhà trí thức lớn và tình cảm quý trọng lẫn nhau của họ để viết những dòng hồi ký này.

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 18/9/2011

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo  

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-11