Trần Đức Thảo với nền Giáo dục Đại học Việt Nam

TS. Cù Huy Chử & Luật sư Cù Huy Song Hà [1]

 

Kể từ ngày 4/9/1949, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử Giáo sư Trần Đức Thảo tham gia Hội đồng quốc gia giáo dục (khi Giáo sư còn ở Pháp) cho đến năm 1956, khi Giáo sư tạm thời ngừng giảng dạy đại học để tập trung nghiên cứu khoa học, ông đã để lại những ấn tượng hết sức sâu đậm trong lòng nhiều đồng nghiệp (cũng là những nhà khoa học-giáo dục lớn của đất nước). Hơn nữa, trí tuệ uyên bác của ông đã hấp dẫn nhiều thế hệ sinh viên đại học trong những năm tháng đầu tiên của nền Sư phạm đại học miền Bắc thời kỳ hòa bình mới lập lại.

Biên bản ghi chép ý kiến của Giáo sư Trần Đức Thảo
trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục, năm 1954
Nguồn: Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Tập 3.
NXB Giáo dục, 2005, tr. 1147
.

Trên cương vị là thành viên của Hội đồng quốc gia giáo dục, Giáo sư Trần Đức Thảo đã tham dự nhiều cuộc họp quan trọng do Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên chủ trì, nhằm xây dựng và phát triển nền Đại học Việt Nam theo tinh thần Dân tộc-Khoa học-Đại chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ý kiến đóng góp của Giáo sư Trần Đức Thảo tập trung vào năm vấn đề chủ yếu sau:

1. Mối quan hệ giữa giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp

2. Mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu khoa học ứng dụng

3. Mối quan hệ giữa đào tạo các nhà khoa học với đào tạo cán bộ

4. Mối quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội

5. Vai trò của khoa học xã hội-nhân văn

Đặc biệt, trong các cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục vào các ngày 24-11-1954, 1-12-1954, 8-12-1954, Giáo sư Trần Đức Thảo đã đóng góp những ý kiến cụ thể như sau[2]:

Một là, chuyên nghiệp và nghiên cứu không thể tách rời nhau, mà còn cần phải đi đôi với nhau, vì nghiên cứu là khoa học thuần túy, mà chuyên nghiệp là thực tế. Muốn phát triển chuyên nghiệp, cần phải đi sâu vào nghiên cứu. Ở trình độ Đại học, nghiên cứu lại là một việc rất cần. Các giáo sư không nghiên cứu thì bài giảng không được chu đáo. Thêm nữa, cần phải hiện đại hóa nội dung giảng dạy, phải áp dụng vào việc giảng dạy những kiến thức mới của các nước Liên Xô, Trung Quốc, v.v… Nói ngay đến lịch sử Việt Nam cũng cần phải khai thác những tài liệu bị mai một.

Về vấn đề chuyên nghiệp, Giáo sư Trần Đức Thảo đã cho rằng, nên đặt trọng tâm vào hai ngành: Y Dược và Sư phạm. Nhưng ông nhận xét cần phải đào tạo một số cán bộ đối ngoại, có một trình độ văn hóa khá, để có thể tiếp xúc với các quan khách ngoại quốc. Vì vậy, ngoài Y Dược và Sư phạm, cũng cần có một ngành chuyên môn phiên dịch.

Bên cạh đó, phương hướng nghiên cứu là văn hóa dân tộc, văn hóa của các nước dân chủ và cả các nước tư sản, vì mục đích là phục vụ nền giáo dục cho được rộng rãi. Còn về vấn đề tổ chức đại học thì nên lập một Hội đồng Đại học do Bộ Giáo dục triệu tập, gồm hai Ban thương trực để theo dõi thường xuyên hoạt động của các ngành.

Hai là, trong thời kỳ kháng chiến, vì thiếu tài liệu, nên các giáo sư ít được dịp nghiên cứu, học hỏi thêm. Bây giờ cần phải kéo lại chỗ thời giờ bỏ phí, và được tích cực học hỏi tìm tòi, để đối với nền văn hóa mới của các nước dân chủ, không bị quá lạc hậu. Do vậy, cần thiết phải ra đời một tổ chức nghiên cứu có hệ thống. Còn một lý do xa xôi nữa, thì nghiên cứu còn có tác dụng là bảo đảm uy tín cho văn hóa nước nhà, vì hiện nay, muốn nghiên cứu về sử, địa Việt Nam, vẫn phải dùng tài liệu bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh.

Ba là, nói về khả năng phát triển của ngành Văn khoa, do những nhu cầu thực tế của giai đoạn hiện tại (nhu cầu sư phạm, về nghiên cứu viên, nhu cầu về cán bộ phục vụ các ngành…), do những nhu cầu ấy, cần phải có một trường Đại học Văn khoa, trong đó sẽ chia ra từng bộ môn chuyên nghiệp. Muốn phát triển Văn khoa Đại học cần phải có một bộ phận nghiên cứu. Bộ phận nghiên cứu đi đôi với bộ phận giảng dạy để giúp đỡ giáo sư đề tài giảng dạy. Bộ phận nghiên cứu đó còn góp một phần vào việc đấu tranh văn hóa, nhất là riêng về các vấn đề Việt Nam: nghiên cứu để có một cái vốn về văn hóa dân tộc, về văn hóa Á Đông, để trau dồi cái truyền thống tư tưởng Á đông, và đồng thời cũng có một cái vốn về văn hóa các nước khác.

Bốn là, Giáo sư Trần Đức Thảo cho rằng, có ba lý do cần phải mở một trường Đại học Văn khoa:

+ Thứ nhất, đại học nên hướng về chuyên nghiệp, để đáp ứng nhu cầu quốc gia. Nhưng ngoài hai trọng tâm Y, Sư phạm, nên đặt thêm trọng tâm vào một khối chuyên môn văn khoa, gồm các ngành báo chí, văn nghệ, đối ngoại.

+ Thứ hai: để thỏa mãn yêu cầu của thanh niên xin học Văn khoa ngày một đông. Nếu chỉ tập trung sinh viên vào Sư phạm Văn khoa thì có vẻ như cưỡng bách sinh viên. Hiện tượng cho ta thấy rằng số sinh viên ghi tên vào học hai ban tương đương nhau. Nếu bỏ hẳn ban Đại học văn khoa, ta không thỏa mãn được đòi hỏi của một số đông học sinh, ta không chiếu cố được học sinh miền Nam, ta không đào tạo được cán bộ văn hóa hiện nay rất cần.

+ Thứ ba: tuy có nhiều khó khăn, nhưng ta cũng có đủ khả năng về giáo sư để mở ngay một một Đại học Văn khoa. Năm thứ nhất, chương trình giống với chương trình Sư phạm Văn khoa, giáo sư sẽ dạy chung hai trường. Do đó, không ngại thiếu giáo sư để mở Đại học Văn khoa, vì chính những giáo sư dạy ở Đại học Văn khoa cũng là những giáo sư dạy ở Sư phạm Văn khoa. Vả lại chương trình năm đầu của 2 ban là chương trình chung, chỉ khác vài môn. Giáo sư Trần Đức Thảo nhấn mạnh, mở một trường Đại học Văn khoa đồng thời với trường Sư phạm Văn khoa chỉ có lợi, chứ không có trở ngại gì.

Năm là, nói chung, nền giáo dục Đại học Việt Nam cần được nâng cao về số lượng và chất lượng, trước hết nhằm đảm bảo sự phát triển của đất nước về mọi mặt, từ kinh tế đến chính trị, đến văn hóa, từ đối nội đến đối ngoại. Nhưng điều quan trọng và rất căn bản là, nền giáo dục Đại học có nhiệm vụ rất nặng nề là: phải nâng tầm trí tuệ, tầm nghiên cứu khoa học của Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này, vì về nhiều mặt, văn hóa Việt Nam mang tính độc đáo, có bản sắc riêng, chẳng những so với các nước trên thế giới nói chung, mà ngay cả so với các nước trong khu vực nói riêng. Điều đó thể hiện rõ trong sự phát triển ngôn ngữ, các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là lịch sử và khoa học nghiên cứu lịch sử đã tạo ra các tác gia, tác phẩm lịch sử lớn ở nhiều thời kỳ. Chúng ta một mặt phải tận dụng những vốn liếng, tư liệu, tài liệu của ta đã có, một mặt khác phải khai thác những tài liệu khoa học của thế giới, nhất là các ngành sử học, khảo cổ, triết học, nhân học để bổ sung vào vốn liếng của ta, nhằm làm rõ con người Việt Nam về mọi mặt. Đó là con đường tốt nhất tạo ra khả năng tự giải phóng để vươn tới tự do.

Trần Đức Thảo đã thực hiện những tư tưởng ấy trong hoạt động giảng dạy triết học, lịch sử khi ông là Giáo sư đại học, là Trưởng khoa Lịch sử và đồng thời là Phó Giám đốc Trường Đại học Hà Nội.

Trần Đức Thảo cũng rất quan tâm rằng đại học Việt Nam phải đào tạo ra những nhà ngoại giao có tài năng, các nghệ sĩ, các nhà văn hóa nhiều năng lực sáng tạo mang tầm quốc tế. 

Suy ngẫm về sự phát triển của nền giáo dục trong gần 70 năm qua, có nhiều thành công nhưng cũng có nhiều nhược điểm, chúng ta thấy những ý kiến trên đây của Trần Đức Thảo là rất đúng. Nhưng có lẽ cái đúng nhất là Trần Đức Thảo đã đặt con người, đội ngũ thầy giáo và sinh viên vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Bản thân Trần Đức Thảo là sự chứng minh cho những ý kiến mà ông đề xuất. Trần Đức Thảo đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để giữ vững là nhà khoa học có vị trí cao ở tầm quốc tế.

 

TP. Hồ Chí Minh, 19/9/2011


[1] Tác giả gửi tặng bài này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An.

[2] Nguồn: Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Tập 3. NXB Giáo dục, 2005, tr. 1142-1165.

 

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo  

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-9-11

 

25-9-11