Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo,
đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản,
mà ông là người sáng lập:
Những nghiên cứu về biện chứng học
Logic của cái hiện tại sống động

 

Tiến sỹ Cù Huy Chử

Luật sư Cù Huy Song Hà

 

 

Kỳ 7[1]

 

Về chương 4 của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động[2]

Trong chương 3 của tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động, Trần Đức Thảo đã giải quyết xong Lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về tính cá thể. Sang chương 4, tác giả đặt vấn đề: Lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về tính kết hợp. Căn nguyên của vấn đề này là ở chỗ: nếu phân tích sâu thì tính cá thể không phải là một hiện tượng hoàn toàn độc lập, tách rời mọi hiện tượng khác có liên quan với nhau về bản chất. Mỗi sự vật hiện tượng mang tính cá thể thực chất là sản phẩm của sự kết hợp nhiều hiện tượng khác cùng bản chất.

Một căn nguyên khác là: con người cá nhân như là một sản phẩm của vận động vũ trụ cũng vậy, không thể là một hiện tượng độc lập, riêng rẽ, tách biệt với hiện tượng khác cùng bản chất, bởi nếu như thế thì không giải đáp được tính loài của con người. Mỗi cá thể cá nhân tuy có tính độc lập tương đối của nó, nhưng về bản chất trong nguồn gốc nó có mối liên hệ chung với giống loài ngay khi xuất hiện giống người. Ở đây giống người vừa có những đặc tính chung của loài động vật, nhưng giống người vẫn là một động vật cao cấp, khác hẳn những loài động vật khác. Yếu tố quyết định để đưa đến sự khác biệt ấy chính là: con người có ý thức, có tinh thần. Các động vật khác đã phát triển đến chỗ có hệ thần kinh, nhưng không loài động vật nào chuyển hóa được hệ thần kinh sang tâm thần và ý thức. Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ đó.

Ở chương 4, Lý thuyết về cái hiện tại sống động như là lý thuyết về tính kết hợp (La Théorie du Présent Vivant comme Théorie de l’Associativité)[3], Trần Đức Thảo giải đáp một cách cặn kẽ vấn đề ấy.  

Một là, Trần Đức Thảo đã chỉ rõ sự phát triển của tính cá thể trong khoảnh khắc hiện tại - một khoảnh khắc tự hoàn thiện chính nó để chuyển qua khoảnh khắc kế tiếp. Sự liên tục của quá trình hình thành tính cá thể này được ông đặt trong dòng chảy thời gian. Theo ông, dòng chảy thời gian này là nơi mà tính cá thể được nhân lên và được kết hợp với nhau để hình thành các cá thể phức hợp.

Hai là, Trần Đức Thảo đã đi sâu vào sự hình thành của giống loài bằng cách phân tích quá trình hình thành cá thể phức hợp để hình thành con bọt biển. Trong dòng chảy thời gian, các sinh vật đơn bào tiết ra chất keo nhằm kết dính chúng lại thành những tổ hợp. Những tổ hợp này chính là hình thái của con bọt biển. Trong những tổ hợp này, mỗi sinh vật đơn bào trở thành một phần tử của tính cá thể chứa đựng trong con bọt biển. Chức năng dinh dưỡng, vốn được thừa hưởng từ sự tiến hóa trong quá khứ của sinh vật đơn bào và được kết lắng trong cấu trúc mang tính tích lũy của con bọt biển, sẽ chuyển hóa thành chức năng trao đổi chất trong sự vận hành mang tính phóng chiếu tới tương lai. Một sự chuyển hóa như thế được thực hiện ở trong dòng chảy của sự tích tụ những đối nghịch. Trạng thái của sự phóng chiếu vào tương lai của sự đòi hỏi cấp thiết đầy căng thẳng đó sẽ xác định một cách rõ ràng sự vận động của khoảnh khắc – cái sẽ sản sinh ra mâu thuẫn nội tại của con bọt biển. Cũng trong dòng chảy thời gian này, cùng với những mâu thuẫn nội tại của con bọt biển, thì con bọt biển chuyển qua sự vận động của quá trình phủ định chính nó bằng cách tiêu hủy và tống chất thải ra ngoài qua lỗ thông của con bọt biển.

Ba là, Trần Đức Thảo đã đi sâu phân tích quá trình phủ định biện chứng của con bọt biển để tiến hóa lên động vật ruộng khoang. Sự định hình mang tính hướng nội của con bọt biển diễn ra cho đến khi sự phát triển của khoang dạ dày của con bọt biển thay đổi sự ưu tiên từ môi trường bên ngoài sang môi trường bên trong. Kết quả là, sự hấp thụ thức ăn không còn được tiến hành theo phương thức hút từng mảnh thức ăn nhỏ qua lỗ thông, mà theo phương thức nuốt các mảnh thức ăn nhỏ cùng một lúc bởi lỗ tế bào. Bây giờ, sự ăn vào được bắt đầu bằng cách ngoạm một cách chậm chạp từ lỗ tế bào, và kết thúc bằng cái “ợ” ra nhanh chóng trong khoang dạ dày. Ngược lại, sự thải ra bắt đầu từ khoang dạ dày bằng một cái “ợ” chậm chạp và tống ra ngoài một cách nhanh chóng thông qua chính lỗ tế bào đó. Quá trình của cấu trúc tiêu hóa mang tính đối nghịch đã được lắng tụ trong sự vận hành ở Hiện tại – cái Hiện tại mang tính phóng chiếu tới tương lai, diễn ra theo nhịp độ chậm rồi nhanh. Chính nhịp độ chậm rồi nhanh này giúp hình thành một mô kép “cơ bắp-thần kinh”. Mô kép này diễn ra trong tonic[4] (trương lực) và phasic (pha)[5]. Như thế, sự vận động của khoảnh khắc của tính cá thể trên động vật ruột khoang được diễn ra bởi chức năng tiêu hóa – một chức năng được vận hành bởi cơ chế “cơ bắp-thần kinh”, bắt đầu từ sự vận hành trương lực (diễn ra từ từ), rồi kết thúc và hoàn thiện bằng sự vận hành pha (phasic). Ở đây, chúng ta đang quan sát một bước chuyển hóa kép, hay là một dòng chảy mang tính đối nghịch giữa sự phóng chiếu vào quá khứ với sự phóng chiếu tới tương lai - cả hai sự phóng chiếu vốn đang cùng diễn ra trong hiện tại. Điều này tạo ra sự vận động của khoảnh khắc, một sự vận động được tách ra từ mâu thuẫn nội tại của động vật ruột khoang. Sự thống nhất của cái mâu thuẫn như thế làm phát sinh tính cá thể trong sự vận động tổng thể của chính cá thể đó, một sự vận động xuất hiện như là động tác đầu tiên của một chuỗi các động vật đa bào: đó chính là sự co thắt.

Trần Đức Thảo cũng khẳng định rằng, những biến thể của động tác co thắt nguyên thủy ấy có thể được tìm thấy ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ sơ sinh bú sữa, nó vừa nuốt vào vừa nôn ra. Hình thức co thắt này cũng xuất hiện trong tiếng la hét, nụ cười, cử chỉ quay đầu và xoay cơ thể của trẻ sơ sinh. Trong những ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh tỏ ra có sự  nhạy cảm mang tính độc lập cao hơn so với động vật ruột khoang, vì những cơ quan tiếp nhận của nó đã mang cấu trúc người, mặc dù các cơ quan này mới chỉ bắt đầu hoạt động. Tuy vậy mức độ phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh được xác định chủ yếu thông qua động tác mang tính bản năng và có tính di truyền. Các động tác nuốt vào và nôn ra nói trên ở trẻ sơ sinh vẫn chưa vượt qua được hình thức co thắt, vì các động tác đó chưa đạt tới hình thức di chuyển như con giun.

Bốn là, Trần Đức Thảo đã làm rõ thêm cơ chế “cơ bắp-thần kinh” qua một ví dụ sinh động khi quan sát con mèo rình mồi trước hang chuột trong tư thế chờ đợi. Vào một thời khắc cụ thể, tiếng sột soạt báo hiệu rằng con chuột sắp sửa hay đang bắt đầu chui ra khỏi hang. Tư thế chờ đợi của con mèo đã nhường chỗ cho tư thế tập trung chú ý. Con chuột trong tầm với, con mèo nhảy lên và chụp con chuột: đó là hành động hiệu quả đối với vật thể bên ngoài. Trong hai giai đoạn trên, những vận động của con mèo diễn ra một cách chậm chạp thông qua trương lực (tonic). Những vận động trương lực này giúp cho các tư thế đang chuẩn bị một kết thúc tốt đẹp trong vận động cuối cùng hướng tới đối tượng, đó là cú nhảy để vồ con chuột. Cú nhảy này được thực hiện bởi các co thắt cơ bắp diễn ra rất nhanh, gọi là pha (phasic). Sự chuyển dịch của các tư thế là một khuynh hướng nhằm hướng tới sự đạt được một hành động hiệu quả đối với đối tượng bên ngoài. Năng lượng của khuynh hướng này được cung cấp bởi trương lực (tonic).

Trong suốt quá trình này, những hình ảnh sơ cấp được hình thành trên võng mạc hay các cơ quan cảm giác của con mèo được phản chiếu trên trung tâm não bộ của nó, và sẽ phân tích, tổng hợp để chuyển hóa các hình ảnh này thành nhận thức về tình thế - một nhận thức sẽ định hướng động tác của con mèo. Tất cả các vận động có tính xu hướng này đòi hỏi hệ thần kinh của con mèo phải đi từ những hành ảnh từ trung tâm thần kinh hiện hành tới các cơ quan chức năng của cơ thể để tạo ra những phản ứng. Trong trường hợp của hình ảnh con chuột mà con mèo nhìn thấy trước mặt và ở ngoài nó, trong khi hình ảnh ấy chỉ tồn tại trong xung động thần kinh của con mèo, thì chúng ta có thể nói rằng hình ảnh này có tính nội lực, theo nghĩa rằng hình ảnh này được chiếu ra ngoài bằng nội lực của con mèo, vào đúng vị trí mà con chuột đang đứng. Khái niệm chiếu ra bằng nội lực được rút ra từ mô hình tập tính của hình ảnh thần kinh. Mô hình này phản ánh tập tính thông thường của hình ảnh thần kinh của con mèo, tập tính này là cơ sở hình thành khuynh hướng chuyển dịch thái độ của nó, nhằm đạt tới hành động hiệu quả hướng tới con chuột. Mô hình khuynh hướng chuyển dịch này lấy năng lượng từ trương lực và hướng theo các liên kết thần kinh - những liên kết mà được xác lập bởi các kinh nghiệm trong quá khứ của con mèo. Mô hình này được phản chiếu vào hình ảnh của con chuột, cùng với những xung động thần kinh trong bộ não của con mèo, đã giúp cho vị trí và sự vận động của con chuột được phản ánh vào bộ não của con mèo. Và kết quả là hình ảnh của con chuột phản xạ vào khuynh hướng tập tính của hình ảnh thần kinh của con mèo, và được truyền dẫn bởi xung động thần kinh của con mèo. Những hiện tượng bao gồm trong các vận động phức tạp này là nói về các phản xạ. Tổng tất cả các trương lực của con mèo có xu thế quy về con chuột, với nội lực hướng ra ngoài giới hạn các xung động thần kinh của con mèo. Kết quả là tổng trương lực này chiếu ra một hình ảnh mang tính nội lực ra ngoài con mèo, chính xác vào vị trí con chuột đang đứng ở trước mặt con mèo, nơi mà cuối cùng con mèo sẽ đạt tới bằng những vận động pha (tonic) của nó.

Năm là, Trần Đức Thảo đã mở rộng sự phân tích trên nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của sự đối nghịch giữa trương lực (phasic) và pha (tonic). Cái khe hẹp sát với các xúc tu của các động vật ruột khoang thì nằm bên ngoài chúng, nhưng cái khe hẹp đó vẫn còn nằm trong vùng ảnh hưởng của động vật ruột khoang. Do vậy, cái khe hẹp ấy đóng vai trò như là một không gian xúc tu. Như vậy là, động vật ruột khoang có khả năng tìm một khoảng không gian vượt ra ngoài giới hạn của bản thân nó, theo nghĩa là nó phản ứng có hiệu quả đối với các chất dinh dưỡng hay độc hại đối với bản thân nó. Do đó động vật ruột khoang có khả năng nhận biết hình ảnh, đó là một hình ảnh nội lực – cái cấu thành nên năng lực của cá thể sinh vật. Cái không gian xúc tu, nơi mà động vật ruột khoang tiết ra chất nhầy của chính nó, chính là cái báo hiệu sự ra đời của hình ảnh nội lực. Cái hình ảnh nội lực này, được chiếu ra bởi các xung động thần kinh hướng ngoại của động vật ruột khoang, đã xác định ý nghĩa của hình ảnh trong các tế bào nhận cảm thực của động vật ruột khoang. Cái hình ảnh nội lực này được truyền dẫn trong các xung động thần kinh, qua đó kích thích những trương lực hướng ngoại có xu thế hấp thụ chất dinh dưỡng trong lỗ tế bào, đồng thời tránh xa những chất độc hại. Khuynh hướng này phát triển cùng với sự sự tiến hóa của tập tính động vật, bắt đầu từ sự co thắt nguyên thủy tới sự di chuyển của con giun, sự sợ hãi của con cá, khả năng săn mồi và chạy trốn kẻ thù của động vật có vú. Kết quả là, từ không gian hẹp trong khoang miệng của con bọt biển đã tiến hóa thành không gian xúc tu của động vật ruột khoang và kèm theo đó là sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, trải qua quá trình tiến hóa liên tục, hướng tới sự hình thành ý thức con người.

Sáu là, theo Trần Đức Thảo, năng lực nhận biết hình ảnh tiềm năng của động vật – cái cấu thành nên hình ảnh thần kinh thực và qua đó định hình tập tính của động vật, thì rõ ràng không có tính chủ đích, vì năng lực ấy có tính bẩm sinh và mang tính di truyền, chứ không phải được hình thành thông qua sự sống trải của con vật. Sự sống trải cần đến ngôn ngữ, chính xác hơn là ngôn ngữ bên trong - cái vốn chỉ riêng có ở con người. Thông qua ngôn ngữ bên trong này, cá thể người có thể tự tìm hiểu hình ảnh nhắm tới như là một chủ thể có tính chủ đích. Trần Đức Thảo cho rằng, ý nghĩa theo nghĩa hẹp phải bao hàm tính chủ đích – cái xác định tính chủ thể của con người. Ý nghĩa theo nghĩa rộng đề cập đến khả năng nhận biết hình ảnh như là tính chủ thể của hành vi động vật. Trên cơ sở đó, ta có thể coi ý nghĩa như là một đơn vị tiến hóa của cảm giác sinh học. Trong sự thống nhất lịch sử của sự vận động tổng quát của khoảnh khắc, ý nghĩa theo nghĩa rộng là là khả năng nhận biết hình ảnh của động vật– cái năng lực mà vẫn còn mang tính vô thức, tiềm thức hay tiền ý thức. Trên thực tế, khả năng nhận biết hình ảnh ở động vật tồn tại trong con người nguyên thủy đã mờ dần khi xuất hiện ngôn ngữ và ý thức. Nó là cái trung giới để dẫn tới tính chủ đích của ý thức trong sự phát sinh loài người và sự tiến hóa của con người.

Bảy là, Trần Đức Thảo đã tổng kết rằng, sự vận động của khoảnh khắc mang tính đối lập trong sự trôi qua của cái hiện tại sống động, sự vận động này từ quá khứ đến tương lai là “liên tục đến, liên tục đi và liên tục tới”, hay còn được gọi là “mũi tên thời gian”. Đây là điểm mà theo Husserl, cái dòng chảy ấy được đổi mới liên tục trong cái hiện tại phóng chiếu về quá khứ liên hệ với sự chuẩn bị khẩn trương cho sự phóng chiếu về tương lai. Tình trạng này tạo ra một sự mâu thuẫn bên trong của tính hiện thực của sự tồn tại của thời gian - nguồn gốc của sự vận động hướng nội, và kết thúc với tương lai sắp xảy ra. Cái tương lai sắp xảy ra này là cái chảy qua chính sự tồn tại của thời gian để đến với khoảnh khắc kế tiếp. Tính liên tục của sự trôi qua của thời gian đã cấu thành nên dòng chảy thời gian. Dòng chảy thời gian là nơi mà cá thể tự nhân lên và hình thành các cá thể phức hợp.

Cuối cùng, Trần Đức Thảo kết luận, quá trình chuyển dịch từ sự kết hợp các tế bào ở động vật đa bào, tới khả năng sống thành xã hội của động vật có vú, đã đánh dấu một bước tiến bộ mới trong vận động thời gian của lịch sử vũ trụ. Trong các giai đoạn của sự kết hợp đó, sử tính của thế giới được nâng lên trong các thời kỳ phát triển của thống trị và bị trị, của cạnh tranh và hợp tác, của đoàn kết và chia rẽ… trong các tập đoàn động vật. Tất cả những yếu tố đó là cơ sở thúc đẩy sự tiến hóa của con người, khởi đi từ khả năng sử dụng các dụng cụ tự nhiên của Người nguyên thủy, tạo tiền đề cho sự phát triển của các công cụ thô sơ ở Người khéo Người khôn, và tiếp tục làm cơ sở để xây dựng nền văn minh vật chất và ý thức, đời sống tinh thần ở Người hiện đại.

*

Thông qua tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động, Trần Đức Thảo đã giải quyết một cách toàn diện vấn đề triết học tồn tại suốt 3.000 năm của nhân loại đặt ra.

Một là, sự tách biệt giữa logic hình thức và logic biện chứng đã được thống nhất bằng một nền logic hình thức-biện chứng. Nền logic hình thức-biện chứng này vừa phản ánh đúng sự vận động của vũ trụ cho đến sự vận động của mỗi sự vật hiện tượng xảy ra trong hiện thực, vừa khẳng định rằng không có sự tách biệt giữa logic hình thức và logic biện chứng trong sự xuất hiện của mỗi sự vật hiện tượng, cũng như trong sự vận động để hoàn thiện của chúng.  

Hai là, logic của cái hiện tại sống động trong sự vận động của khoảnh khắc như là biện chứng tổng quát của vận động thời gian, có nghĩa là sự vận động của vũ trụ cũng như sự vận động của mọi sự vật hiện tượng đều luôn luôn thống nhất giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong mỗi khoảnh khắc vận động của chúng. Nếu đứt đoạn sự vận động ấy thì bản thân sự vật không thể tồn tại và phát triển. Bản thân vận động của vũ trụ là liên tục, và bởi vậy, năng lượng vũ trụ là liên tục, thống nhất quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ba là, chính quá trình thống nhất quá khứ, hiện tại và tương lai của vận động vũ trụ và vận động của các sự vật hiện tượng trong vũ trụ, trong đó có con người, đã đưa đến sự hình thành tính cá thể. Nói như vậy có nghĩa là tính cá thể của mọi sự vật hiện tượng cũng như con người là đặc trưng quan trọng để tạo ra tính độc lập, tính đơn nhất trong sự sống, trong sự tồn tại của mọi hiện tượng. Nói cách khác, sự vận động của khoảnh khắc trong cái hiện tại sống động trên cơ sở của logic hình thức-biện chứng là cơ sở hình thành tính cá thể.

Bốn là, tính độc lập, tính đơn nhất của mọi hiện tượng của sự sống, cũng như của chính con người, là kết quả của sự kết hợp những hiện tượng cùng bản chất để tạo ra tính loài, đưa đến sự hình thành giống loài. Ở con người thì nét đặc trưng nhất là con người có ý thức. Tất cả các loài động vật đều phát triển đến mức có hệ thần kinh. Nhưng không động vật nào có sự chuyển hóa từ hệ thần kinh đến hệ tâm thần phát triển thành ý thức. Nói cách khác, sự vận động của khoảnh khắc trong cái hiện tại sống động trên cơ sở của logic hình thức-biện chứng là nền tảng hình thành tính kết hợp.

Như vậy là Trần Đức Thảo đã giải quyết một cách triệt để các vấn đề sau:

-  Con người là sản phẩm của vận động vũ trụ, nói khác đi là sáng tạo của vũ trụ, chứ không phải là sản phẩm của thần linh, của Thượng đế.

-  Con người là động vật đặc biệt ở chỗ là “tự nhiên phát triển đến mức độ tự nhận thức được mình” (Ăng-ghen), tức là bộ óc người có khả năng nhận thức thế giới và nhận thức chính bản thân mình.

-  Nhờ lao động sáng tạo, con người đã phát triển đời sống tinh thần, sáng tạo ra nền văn hóa.

Tóm lại thì toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người diễn ra trong từng khoảnh khắc của cái hiện tại sống động, có nghĩa là sự sáng tạo của con người không bao giờ đứt đoạn mà liên tục từ khoảnh khắc này nối tiếp khoảnh khắc khác. Quá trình ấy diễn ra một cách biện chứng, phủ định của phủ định.

Từ chỗ loài vượn người biết dùng dụng cụ tự nhiên, đến giai đoạn người vượn thì đã biết chuyển từ sự dụng dụng cụ tự nhiên đến sáng tạo ra công cụ, con người bắt đầu hình thành giống người do lao động sáng tạo ra đồ đá, tiến tới sáng tạo đồ đá mài, con người đã biết tập hợp thành xã hội bởi biết tạo ra các công xưởng trong các lán trại, nhờ đó đã phát triển các âm hiệuchỉ hiệu thành ngôn ngữ. Tiếng gọi bên trong phát triển thành ngôn ngữ từ chỗ chưa có ngữ pháp đến chỗ có ngữ pháp, bởi vì việc sáng tạo ra  công cụ từ chưa có hệ thống đến thành có hệ thống, đến giai đoạn ấy, con người thật sự trở thành người. Ý thức và ngôn ngữ song song phát triển. Xã hội loài người ra đời. Như vậy là sự xuất hiện của loài người là sự phát triển từ tập đoàn động vật, nhưng xã hội loài người khác hẳn tập đoàn động vật bởi có ngôn ngữ và có ý thức. Các nền văn hóa đã phát triển từ văn hóa đồ đá cũ đến đồ đá mới, đến văn hóa đồ đồng và sau đó là văn hóa đồ sắt. Nền văn minh của nhân loại xuất hiện nhờ có buôn bán, có đô thị, con người từng bước đã làm chủ tự nhiên từ nền sản xuất thủ công nghiệp đến công nghiệp. Nền đại thương nghiệp xuất hiện trong chế độ nô lệ đã làm cho tính đồng loại của con người trở nên là một hiện tượng phổ biến. Từ đây dù có chiến tranh hay thiên tai làm cho nền văn minh cục bộ bị hủy diệt, thì nền văn minh của loài người vẫn tồn tại và phát triển, bởi nền đại thương nghiệp đã trao đổi những giá trị văn minh ấy từ vùng này sang vùng khác.

Tóm lại, loài người mang một đặc điểm chung là có giá trị văn minh, có văn hóa, khác hẳn các loài động vật khác. Nhờ có ý thức gắn liền với sự phát triển văn hóa nên sự sống của con người luôn luôn có hai mặt đồng hành: đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Chúng liên hệ mật thiết với nhau, luôn luôn mang tính biện chứng. Chính mối liên hệ ấy đã tạo ra cái tất yếu và cái tự do. Trong tất yếu con người mãi mãi vươn tới tự do. Tự do như là cái phủ định tất yếu. Nhưng tất yếu như là cái điều kiện để con người có thể phủ định chính nó, để qua đó con người vươn tới tự do. Tất cả quá trình đó luôn luôn diễn ra trong cái hiện tại sống động của khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc. Trần Đức Thảo là người đầu tiên đã chứng minh, luận giải một cách rõ ràng, thuyết phục: lịch sử vũ trụ, lịch sử sự sống nói chung và sự sống con người nói riệng bao giờ cũng đi lên từ cái hiện tại sống động bởi những khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc, và con người trở thành người mãi mãi cũng luôn luôn bắt đầu từ cái hiện tại sống động

Như trên đã nói, con người và sự sống là sản phẩm sáng tạo của vũ trụ, nhưng chúng ta còn hiểu biết rất ít về vũ trụ, vì vậy những hiểu biết của chúng về sự sống và con người cũng còn rất hạn chế. Thậm chí, sự phân tích về mặt khoa học cũng có thể có nhiều sai lầm. Do đó, sự khẳng định của Trần Đức Thảo về logic của cái hiện tại sống động là sự liên tục của khoảnh khắc nối tiếp khoảnh khắc, cần được hiểu nó như là thời gian vô cùng của vũ trụ. Mọi hiện tượng của sự sống bao giờ cũng xuất phát từ cái hiện tại, bởi cái hiện tại ấy là sự thống nhất giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho nên, sự sống diễn ra trong một chuỗi thời liên tục, không khởi đầu, không kết thúc. Nếu hiểu như vậy thì sự sống của con người là một chuỗi sáng tạo đến vô cùng. Và như vậy thì sự sống vật chất và sự sống tinh thần cũng diễn ra vô cùng, cho nên biện chứng của hai mặt sự sống ấy trong mối liên hệ của chúng mãi mãi là một cuốn sách để mở mà nền khoa học của nhân loại tiếp tục đi sâu, mở rộng để con người mãi mãi khám phá ra vũ trụ và khám phá chính bản thân mình. Hạnh phúc của loài người là ở chỗ đó, và bi kịch của loài người cũng là ở chỗ đó. Bởi vậy con người và loài người luôn luôn có nhu cầu nhớ lại, ký ức về những gì đã trải qua để làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, bớt phần đau khổ, để có một cuộc sống ngày càng tự do và hạnh phúc hơn. Cuộc đời hoạt động sáng tạo của Trần Đức Thảo nhằm giải mã những điều bí ẩn của cuộc sống con người trong sự sống của vũ trụ luôn luôn vì tự do và hạnh phúc của con người . Bởi vậy, ông đã bất chấp mọi khó khăn, mọi gian khổ để đi tới cùng trong việc tìm hiểu con người và giá trị con người, tìm hiểu sự sống và giá trị của sự sống. Trần Đức Thảo đã buông tay ngừng nghỉ, trút hơi thở cuối cùng trong niềm hạnh phúc lớn lao ấy. Tác phẩm Logic của cái hiện tại sống động là một lời chào từ biệt của ông đối với cuộc đời. Chúng tôi cho rằng Trần Đức Thảo là người chiến thắng, bởi trước mặt ông và sau lưng ông là các thế hệ người luôn luôn hướng sự đấu tranh của mình cho tự do và hạnh phúc của nhân loại.

 

HẾT

 

                                                                                 TP. Hồ Chí Minh, 7/11/2011


 

[1] Chúng tôi tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An.

[2] Bài viết này sử dụng bản dịch tiếng Việt: Trần Đức Thảo, Cái logic của thời hiện tại sống động. Bùi Anh và Cù Huy Chử dịch. Huy Cận hiệu đính. Di cảo được lưu giữ tại thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[3] Nguồn: Trân Duc Thao, La Theorie du Présent Vivant, Paris:1993. Di cảo được lưu giữ tại thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.

[4] Tonic (hay trương lực, thể chậm), trong sinh lý học, dùng để chỉ trạng thái phản ứng sinh lý chậm. Khái niệm này thường được dùng để đối chọi với trạng thái phản ứng sinh lý nhanh. Ví dụ, trong giải phẫu, các cơ tonic thì tương phản với các cơ co giật, vốn nhanh hơn và phổ biến hơn. Trong thần kinh học (neurology), các múi thần kinh cảm giác tonic tương phản với các múi thần kinh cảm giác phasic. (Nguồn: Wikipedia)

[5] Phasic (hay pha, thể nhanh), trong sinh lý học, dùng để chỉ trạng thái phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ với kích thích. Phasic có chu kỳ kích thích ngắn và có tính thích ứng nhanh. (Nguồn: Merriam-Webster Dictionary)

Trở về trang chủ Trần Đức Thảo

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-11-11