Huỳnh Như Phương và những “Ước Vọng Cho Học Đường”

Quách Hạo Nhiên

“Ước vọng cho học đường” là tập hợp những bài viết về giáo dục Việt Nam của Giáo sư Huỳnh Như Phương vừa được nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành tháng 4/2022. Theo như lời bộc bạch của tác giả thì đây là những bài viết gắn với cuộc đời dạy học trải hơn 4 thập niên của ông. Dù rất khiêm tốn, chỉ tự nhận mình “là người dạy văn” nhưng có lẽ những người trong giới không ai không biết đến nhà giáo, nhà khoa học Huỳnh Như Phương. Ông không những là một chuyên gia lý luận, phê bình văn học có uy tín hiện nay mà còn là một nhà văn với giọng văn mềm mại, mượt mà, tinh tế…

Những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà chắc đã đọc đâu đó rồi những bài viết này của ông vì đã được đăng rải rác trên các phương tiện truyền thông trước đó. Dẫu vậy, với khoảng trên dưới 200 trang sách, “Ước vọng cho học đường” cho thấy một cái nhìn hệ thống, khả năng phân tích cùng những lý giải thấu đáo những bất cập của giáo dục Việt Nam hiện nay. Dĩ nhiên, kèm theo đó là những gợi mở, đề xuất, kiến nghị các giải pháp rất khoa học và cụ thể cho từng vấn đề mà tác giả quan tâm.

Vì sao “ước vọng”?

Cầm “Ước vọng cho học đường” trên tay, tôi nghĩ, tác giả chắc có lúc đã lưỡng lự, đắn đo về cách dùng từ. Bởi nếu thay “ước vọng” bằng “khát vọng” hay “kỳ vọng” đều được. Nhưng vì sao “ước vọng”? Tôi thử lý giải:

Tuy cũng là ước mơ, là sự hy vọng, mong chờ về những thay đổi nhưng “kỳ vọng” hay “khát vọng” ít nhiều mang tính thụ động, thiên về sự chờ đợi sự thay đổi do những nhân tố bên ngoài tác động vào.

“Ước vọng” cũng là mong chờ và mơ ước nhưng trước hết, nó là sự nỗ lực để thay đổi từ chính bản thân “những người trong cuộc”. “Ước vọng” là vừa nói với mình vừa tâm sự với người. Vì thế, “ước vọng” còn là tinh thần tự ý thức, tự “kiểm thảo”, luôn tự nhắc nhở bản thân không ngừng cố gắng để cùng gánh vác sự nghiệp chung. Bởi, nói gì nói, từng cá nhân cụ thể mới góp vào và làm nên cái hệ thống, cái “cơ chế” hiện tại.

Về phương diện trình bày, thể hiện, “Ước vọng cho học đường” rất đúng với cái “chất” riêng của nhà giáo, nhà văn Huỳnh Như Phương trong khi đối thoại. Đó là một con người không ồn ào, không làm màu, không “đao to búa lớn” cả lúc nói lẫn khi viết; một con người lúc nào cũng nhẹ nhàng và tinh tế; nhỏ nhẹ và thâm trầm; từ tốn và sâu sắc; …

“Ước vọng cho học đường” vì thế, không gây cho người đọc cảm giác nặng nề dù giá trị và sức nặng của những vấn đề mà tác giả trình bày là vô cùng đáng nể.

“Ước vọng cho học đường”: Sự chân thành và đức khiêm tốn của một nhà giáo

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội hiện nay, trước những tồn tại và yếu kém của nền giáo dục, đã có biết bao tiếng nói được cất lên. Nhưng nếu bình tâm “kiểm thảo” lại những tiếng nói ấy, sẽ thấy đa phần nếu không phải là những bức xúc, mỉa mai, dè bĩu cũng là “giậu đổ bìm leo”; thậm chí là sự bè phái, cục bộ, giành giật, cay cú “ăn không được đạp đổ”... Những tiếng nói ấy, có thể dễ dàng và nhanh chóng lấy lòng, xoa dịu đám đông dư luận trong nhất thời nhưng lại ít khi chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi cùng những giải pháp căn cơ, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn giáo dục nước nhà…

Lại có những tiếng nói tuy xác đáng và đầy tâm huyết, trách nhiệm nhưng đôi khi quá gay gắt; hoặc không lại đổ hết cho cái “cơ chế” mà hiếm khi nhìn lại mình vốn cũng từng là một mắc xích quan trọng, là một thành viên tích cực làm nên cái “cơ chế” ấy. Chính điều này đã ít nhiều gây “khó chịu” cho những người đang “cai quản” nền giáo dục từ đó ảnh hưởng đến khả năng “lắng nghe” và tinh thần tiếp thu để sửa đổi của họ.

Với hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học, từng kinh qua chức vụ quản lý nơi mình công tác, Huỳnh Như Phương có điều kiện chứng kiến và quan sát tất cả những thăng trầm, biến động của nền giáo dục nước nhà. Nhưng với đức khiêm tốn và sự chân thành, khi bàn về những tồn tại, yếu kém của nền giáo dục Huỳnh Như Phương bao giờ cũng trên tinh thần đối thoại từ tốn, nhẹ nhàng.

Có thể nói,“Ước vọng cho học đường” tuy bàn về nhiều vấn đề lớn, hệ trọng của nền giáo dục nước nhà nhưng hoàn toàn không phải với tâm thế kẻ cả, khệnh khạng, hay thậm chí gây “sốc” như không ít tiếng nói trên các phương tiện truyền thông nhất là mạng xã hội hiện nay. “Ước vọng cho học đường” như tác giả đã nói, đó là những lời “bộc bạch”,“ước vọng của một người bày tỏ từ sân trường, từ bục giảng về tương lai của nền giáo dục nước nhà”.

Một loạt những bài viết như: “Những tiếng nói kiểm thảo giáo dục”,”Vấn đề con người trong trường đại học”,“Giáo dục nhân văn: ý niệm và kiến nghị”, “Lao động của nhà giáo”, “Những áp lực trên vai nhà giáo”, “Tôi” hay “em”, “Nghề giáo cần sự khiêm tốn”…cùng những bài trả lời phỏng vấn đã cho thấy rất rõ điều này.

Trong mỗi bài viết dù là bàn về vấn đề lớn hay nhỏ thì sự trình bày của tác giả cũng thấm đẫm một tinh thần giáo dục nhân văn; một tư tưởng giáo dục khai phóng; và hơn cả là một thái độ “tự kiểm thảo” luôn “đặt mình vào vị thế của người trong cuộc” để thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông bằng tất cả sự chân thành và trách nhiệm của một nhà giáo.

“Ước vọng cho học đường”: Tiếng nói “kiểm thảo” thẳng thắn, những bất cập, yếu kém của nền giáo dục

Với “Ước vọng cho học đường” bạn đọc còn thấy một Huỳnh Như Phương trong nhiều trường hợp rất thẳng thắn trước những bất cập của nền giáo dục nước nhà. Dĩ nhiên là những vấn đề trong “tầm quan sát” của riêng ông.

Trước những tồn tại, yếu kém và chậm thay đổi của nền giáo dục thời gian qua, ông xác quyết nguyên nhân không hẳn chỉ nằm ở chỗ những trí thức trong giáo giới ở Việt Nam “hèn kém” như dư luận lâu nay vẫn hay mai mỉa theo kiểu “vơ đũa cả nắm”. Mà điều quan trọng và quyết định hơn là do sự thờ ơ của của chính những người đang chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền giáo dục nước nhà. Những người này có biết lắng nghe, có chịu lắng nghe và thực thi những giải pháp do tầng lớp giáo giới nước nhà đề xuất, kiến nghị hay không? Một cách thẳng thắn, ông cho rằng, việc thiếu nghiêm túc trong tiếp thu những ý kiến tâm huyết của giới trí thức từ “những người có trách nhiệm” không những là sự “lãng phí” mà thậm chí còn là “một tội lỗi, không thể tha thứ”.

Hay trước yêu cầu bắt buộc của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục; bằng quan sát và trải nghiệm của bản thân, tuy ủng hộ việc kiểm định nhưng đồng thời ông cũng cảnh giác xu hướng, cách làm mang tính đối phó và nhất là ngụy tạo số liệu, “mượn số liệu” – “những minh chứng bên ngoài để che đậy cái trống rỗng, nghèo nàn về học thuật” bên trong…Từ đó, ông đề nghị kiểm định phải gắn với “kiểm thảo”. “Kiểm thảo” để soi rọi “cái tinh thần, cái linh hồn của nền giáo dục”; để “dự phóng”“chấn hưng”,…từ bên trong chứ không phải cái hình thức bề nổi bên ngoài.

Ở một phương diện khác, không khó để bạn đọc nhận ra tinh thần đối thoại rất nghiêm túc và thẳng thắn của ông với những nhà quản lý giáo dục hay những bạn bè đồng nghiệp liên quan đến việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK phổ thông nói chung và SGK môn Ngữ văn nói riêng qua hàng loạt bài viết như: “Đề nghị một lộ trình biên soạn SGK”, “Phương án nào cho sách giáo khoa”,“Môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông thêm một lần đổi mới”,“Tìm văn liệu cho sách giáo khoa”…

Đọc những bài viết này, tôi phải nói rằng, thời gian qua giá như những nhà quản lý ở Bộ giáo dục và đào tạo; những người biên soạn SGK chịu lắng nghe và làm theo những gợi mở, đề xuất của ông thì có lẽ việc xây dựng chương trình và việc biên soạn SGK nhất là SGK môn Ngữ văn phổ thông không vướng phải những sai sót, gây ra bức xúc và mất niềm tin trong các tầng lớp nhân dân mới đây.

Liên quan đến thực trạng của nền giáo dục đại học nước nhà, ông cũng lên tiếng cảnh báo cái nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay chính là vấn đề con người; là chiến lược xây dựng đội ngũ. Đặc biệt là những người đang nắm quyền quản lý, quản trị các cơ sở giáo dục đại học đang có xu hướng và nguy cơ tha hóa một cách rất tinh vi. Đó là những kẻ “ngoài miệng luôn hô hào giáo dục phi lợi nhuận, giáo dục vô vị lợi, nhưng khi thực hành thì dùng thủ đoạn để thu vén cá nhân, lập sân sau trong đào tạo, tích của cải bằng con đường kinh doanh giáo dục”. Và theo ông, đây cũng là thành phần “đáng cảnh giác nhất về lâu dài cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và cả văn hóa dân tộc”.

Vì sao đáng cảnh giác? Ông phân tích và lý giải như sau:

“… Một trường đại học mà những người quản trị bất tài và không có tâm huyết thì rất khó để có được một đội ngũ nhà giáo tài năng và yêu nghề thật sự (…) Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong đại học thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người khác theo hình ảnh và kích thước của họ. Đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Nó không những ngăn cản một đội ngũ nhà giáo có năng lực và uy tín mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của họ, gieo trong họ tâm lý thực dụng và thờ ơ với sự nghiệp giáo dục”.

“... Nếu giáo dục đại học có sứ mạng dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những nhu cầu ngắn hạn”. (Giáo dục đại học Việt Nam bước vào những năm 2020”).

Thiển nghĩ, những phân tích và nhận định xác đáng trên là lời nhắc nhở và cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang làm công tác điều hành, quản lý, quản trị nền giáo dục đại học suy ngẫm và tự vấn lương tâm.

Thay lời kết

Trong quan sát và cảm nhận của riêng tôi, cùng với Giáo sư Cao Huy Thuần, nhà nghiên cứu triết học, Tiến sĩ Bùi Văn Nam Sơn, Giáo sư Lê Ngọc Trà thì Giáo sư Huỳnh Như Phương là một trong số những người Thầy được các thế hệ sinh viên, học viên sau đại học phía Nam kính trọng.

Với “Ước vọng cho học đường” một lần nữa, Huỳnh Như Phương không những góp thêm “tiếng nói kiểm thảo” rất có trọng lượng cho nền giáo dục nước nhà mà qua đây còn cho thấy niềm tin, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của một người cả đời gắn bó với nghề giáo.

Trí thức trước hết là người luôn suy tư; đồng thời phải là người trung thực và có chính kiến, không ăn nói kiểu nước đôi, ba phải, gió chiều nào che chiều ấy…

Đọc “Ước vọng cho học đường” người đọc sẽ cảm nhận trước hết những “băn khoăn”, trăn trở về môi trường giáo dục nước nhà bằng tất cả sự khiêm cung và chân thành của một nhà giáo; sau nữa là sự chừng mực và thận trọng của một nhà khoa học trong khi phân tích thực trạng và truy tầm nguyên nhân; cuối cùng là sự thẳng thắn của một trí thức – kẻ sĩ chân chính và tử tế.

Cần Thơ, 26/5/2022

Q.H.N

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-5-22