Xã Hội Hóa Các Hoạt Động Văn Học, Nghệ Thuật
 
Ở Việt Nam - Những Chuyển Động Và Thách Thức

 

Phùng Văn Khai

 

Quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam có từ rất lâu đời, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và đã đem lại những thành quả đáng ghi nhận, hoàn toàn có thể hệ thống được bằng văn bản. Từ thời thượng cổ, các loại hình văn học, nghệ thuật cũng đã được xã hội hóa một cách hài hòa, tự nhiên, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa Việt Nam, tạo dựng lên nền văn hiến Việt Nam có mạch nguồn bền vững. Trong thời đại Hồ Chí Minh, việc xây dựng một nước Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang là chủ trương đúng đắn của Đảng ta, Nhà nước ta. Đặc biệt, đối với nhân dân ta, việc tự nguyện cống hiến và đóng góp thiết thực trong việc xây dựng nền văn hóa phát triển dựa trên cội nguồn văn hóa của cha ông là hết sức đúng đắn, mà trong đó, những hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật từ khi có chủ trương của Đảng đến nay đang có những chuyển động tích cực đồng thời cũng đặt ra những thách thức mà chúng ta cần phải xem xét thật khách quan và khoa học.

Trên tinh thần đó, chúng tôi xin đề cập đến một số hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật đã và đang diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay đồng thời cũng đặt ra những thách thức từ những hoạt động trên nhằm góp một điểm nhìn khách quan đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới.

 Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật thời xa xưa đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, những khái quát và thành tựu.

Việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam có từ rất sớm. Từ khi có các loại hình văn học, nghệ thuật. Thật dễ dàng có thể chỉ ra các loại hình như: tuồng, chèo, cải lương, múa rối, hát xoan, hát ghẹo… đã sớm được xã hội hóa. Còn in đậm đến nay tiêu biểu như các cuộc tế lễ dịp đầu xuân, trong các lễ hội, trong các cuộc đón rước bằng sắc thì việc nhân dân mỗi vùng miền chung tay góp sức từ cơ sở vật chất đến sáng tạo nội dung là những hoạt động xã hội hóa mang đậm bàn sắc dân tộc có tính tích cực tới cộng đồng xã hội đã có từ thời thượng cổ. Tương tự như vậy, các hoạt động như phát tâm đức đóng góp xây dựng, tôn tạo đình chùa, các di chỉ văn miếu, văn bia, hệ thống các nhà thờ họ, miếu làng… đã góp phần gìn giữ và phát triển các loại hình như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa… cũng là những hoạt động xã hội hóa lành mạnh, trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Đối với văn học, từ cổ xưa nhất là thơ ca đã sớm có các biểu hiện xã hội hóa như: được các quan viên đóng góp về cơ sở vật chất thành lập các thi đàn, thi xã. Đầu tư nuôi các ca nương, đào, kép, diễn xướng, ngâm vịnh, in bản khắc gỗ, in bản giấy lưu hành còn cho đến ngày nay. Có thể khẳng định, nếu không có những hoạt động xã hội hóa bổ ích trên, các loại hình văn học, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân gian chắc chắn sẽ mai một, thậm chí bị thất truyền.

Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật từ 1945 đến Đổi mới 1986, những thực tiễn khách quan và thách thức chủ quan.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta bước sang một giai đoạn mới, độc lập dân tộc đồng thời phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các loại hình văn học nghệ thuật đi theo và phục vụ cách mạng, phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ công cuộc kháng chiến. Một điều thú vị là, do điều kiện khách quan, rất nhiều những nhân sĩ trí thức, tài năng lớn, trong đó có các văn nghệ sĩ được đào tạo từ phương Tây, đào tạo tại Pháp đã đi theo cách mạng. Chính nguồn trí thức lớn lao và quan trọng này, đã góp phần tạo lên diện mạo nền văn học nghệ thuật cách mạng rất phong phú ngay trong lòng cuộc kháng chiến. Một điều đặt ra là, liệu có hay không việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong kháng chiến chống Pháp? Theo nghiên cứu của chúng tôi, tiếp nối truyền thống từ tổ tiên để lại, việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục được diễn ra nhưng với hình thức khác. Ví dụ như sự đóng góp của kho tàng tục ngữ dân ca ca dao Việt Nam góp phần làm phong phú và phấn chấn đời sống tinh thần của quân và dân ta để góp phần làm nên chiến thắng có thể hiểu là một hình thức xã hội hóa. Từng có câu chuyện nhà thơ Hoàng Cầm đã cho biểu diễn diễn xướng quan họ ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ gây tranh cãi, thậm chí có những trung đoàn trưởng giàu thành tích chiến đấu xông lên sân khấu phản đối. Nhưng đêm diễn vẫn được tiếp tục và đích thân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lên sân khấu để nói rõ quan điểm của Đảng trong việc xây dựng, gìn giữ và phát huy các vốn cổ truyền tinh hoa dân tộc cho công cuộc cách mạng lâu dài của nhân dân ta. Điều đó cho thấy, tuy có sự phân hóa cục bộ về nhìn nhận những đóng góp của văn học, nghệ thuật với đời sống tinh thần của quân và dân ta, thì vẫn có được những cái nhìn chiến lược sâu sắc, lâu dài của những người ở vị trí lãnh đạo cao nhất. Cũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dẫu còn muôn vàn khó khăn, các hoạt động xã hội hóa văn học, nghệ thuật vẫn diễn ra khi âm thầm khi sôi nổi. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh và sự cân bằng tâm hồn của con người Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật có thể thấy vẫn được tiếp tục diễn ra và có những chuyển động mới mẻ. Thời gian qua, đã có không ít quan điểm, luận điệu chống đối, tiêu tực cho rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật đều được định hướng và thậm chí chỉ được phát triển bằng duy nhất con đường ca ngợi một chiều, ta thắng địch thua, ta đúng đắn đẹp đẽ địch xấu xa lừa dối… từ văn xuôi, thơ, nhạc, kịch, tranh, tượng, nhiếp ảnh… thuần một chiều, một giọng, biến văn học, nghệ thuật thành công cụ thô thiển phục vụ chính trị. Điều này vừa nguy hại vừa hoang đường. Phải thấy được rằng, sáng tạo và thưởng thức văn học, nghệ thuật cũng chính là sản phẩm tâm huyết và nhu cầu chính đáng của mỗi người công dân trong chính thời đại mình. Biểu hiện của văn học, nghệ thuật cũng chính là khát khao của những nhu cầu nội tại của mỗi con người. Vấn đề ở chỗ, trong một cuộc cách mạng lớn, thiết thân vì lợi ích của nhân dân, của đất nước như công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thì việc các loại hình văn học, nghệ thuật hướng theo dòng chảy cách mạng đó là tất yếu, là dòng chảy chủ lưu. Điều này, càng có độ lùi thời gian, chúng ta càng có thể chứng mình bằng các luận cứ khoa học chắc chắn. Vấn đề đặt ra ở đây, là việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật được diễn ra như thế nào? Phải thấy rằng, không nhất thiết đóng góp bằng vật chất mới là xã hội hóa. Việc các văn nghệ sĩ đóng góp bằng chính các tác phẩm của mình cũng là hoạt động xã hội hóa thiết thực, đáng ghi nhận. Các sáng tác văn học, nghệ thuật thời kỳ này đều vô tư đóng góp cho cách mạng. Nếu so sánh sự đóng góp vô bờ bến và rất chất lượng của các loại hình văn học, nghệ thuật trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, ta sẽ thấy, đây chính là nguồn xã hội hóa lớn lao, tự thân tự nguyện, tự giác của giới văn nghệ sĩ. Điều đó đặt vào thời điểm hôm nay càng thấy sự cống hiến và hi sinh là hết sức lớn lao.

Sau giải phòng miền Nam 1975, dường như chúng ta đã không lường được hết những khó khăn ập đến. Sự quan liêu chủ quan, sự khinh suất trong xây dựng cơ chế chính sách đã đẩy đất nước đến một tình trạng vô cùng khó khăn cả về vật chất và tinh thần, thậm chí đã có sự rã đám, mất niềm tin, đương nhiên cũng đã có sự biểu hiện ở các loại hình văn học, nghệ thuật, vốn là một thứ ăng ten, hàn thử biểu đo đời sống. Trong những chật chội, bức bối ấy, việc xã hội hóa các loại hình văn học, nghệ thuật dường như bị chững lại. Ai nấy đều toát mồ hôi với miếng cơm manh áo còn hơi sức đâu nghĩ chuyện cao sang. Dẫu vậy, văn học, nghệ thuật vẫn có đường đi riêng của mình và các hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật cũng có những hình thức mới.

Xưa nay, đã có những lúc, chúng ta đánh giá không hết tầm vóc của nhân dân. Chúng ta từng duy ý chí xây dựng một nhà rông ở Tây Nguyên bằng bê tông đồng thời đưa các loại nhạc cụ điện tử vào tưởng người dân sẽ sinh hoạt cộng đồng ở đó. Chúng ta đã sai lầm. Nhân dân có cách gìn giữ và phát huy các giá trị tinh thần, các loại hình văn học, nghệ thuật tinh tế và bền vững hơn nhiều những thứ bê tông cốt thép kia. Kết quả là, dù khốn khó về vật chất, người dân Tây Nguyên vẫn tự vào rừng đục đẽo tượng, chế tác khèn, chiêng trống, kể khan… nối đời dẫu không nhận được một đồng kinh phí nào của nhà nước. Điều đó phải được khẳng định chính là nguồn xã hội hóa chứ? Còn việc cắt xén, ăn cắp tiền bạc và cơ sở vật chất trong đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật mới chính là sự phá hoại, mới đang bóp chết các nguồn lực xã hội hóa.

Cho đến trước Đổi mới 1986, các hoạt động xã hội hóa văn học, nghệ thuật vẫn âm thầm diễn ra, thậm chí còn phải cạnh tranh thiếu sòng phẳng của những thứ nhân danh bao cấp văn hóa, văn học, nghệ thuật. Điều này đã gây phiền hà nhưng cũng là động lực để sau Đổi mới, các hoạt động xã hội hóa nói chung trong đó có xã hội hóa văn học, nghệ thuật có thời cơ phát triển mạnh mẽ.

 Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật từ Đổi mới 1986 đến nay, những chuyển động lớn lao và thách thức.

Sau Đổi mới, dường như mọi thứ trong xã hội đều chuyển động dữ dội. Kinh tế chuyển động. Văn hóa xã hội chuyển động. Đời sống chính trị chuyển động. Những cách nghĩ, cách làm mới, làm khác bung nở. Thậm chí cái xấu cái ác cũng thừa dịp trà trộn vào trong đời sống của nhân dân. Văn học, nghệ thuật vốn nhạy cảm bị chạm vào ranh giới cuối cùng. Văn học, nghệ thuật Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh vừa thích ứng với nó đã phải đứng trước những biến động dữ dội của Đổi mới. Thậm chí, từ các nhà quản lý cấp cao đến quần chúng nhân dân cũng luôn bỡ ngỡ trước những chuyển động đó. Điều này đặt ra những vấn đề lớn, mới mẻ của văn học, nghệ thuật với đời sống. Lần đầu tiên chúng ta phải đối diện với cái gọi là kinh tế thị trường. Chữ thị trường luôn vang lên dữ dội khiến không ít loại hình văn học, nghệ thuật lung lay, chao đảo. Các loại hình kinh doanh nhập nhoạng mọc ra như nấm, xấu tốt lẫn lộn. Những tưởng sau cuộc chiến tranh, nhân dân yên về một mối, ai ngờ chỉ hai chữ thị trường đã khiến chúng ta phải sôi sùng sục từng ngày. Đối với các loại hình văn học, nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ nhiều khi phải được chắt lọc, nuôi dưỡng từ chiều sâu nguồn cội nay giáp mặt thị trường bỗng trở lên ăn sổi ở thì. Dẫu rằng đã là sản phẩm văn học, nghệ thuật đương nhiên có hàm lượng thẩm mỹ nhất định, nhưng để đứng được bền vững phải là những sáng tạo đào sâu đến từng cội rễ của truyền thống.

Trong tình hình đó, việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật đã diễn ra như thế nào? Thật khó tưởng tượng khung cảnh cả nước làm văn học, nghệ thuật, đâu đâu cũng bàn bạc chuyện đầu tư cho văn học, nghệ thuật, tính phần trăm lời lãi. Ngay như bây giờ, hễ tôn tạo, xây mới một ngôi chùa, một khu di tích danh thắng nào đó, thì người ta đã tính ngay được khi nào hoàn vốn, chia lãi cho quan chức các cấp xã, huyện, tỉnh như thế nào.

Việc xã hội hóa các hoạt động, văn học, nghệ thuật bắt đầu chuyển động dữ dội, nhất là ở các thành phố lớn. Đầu tư một công ty sách vừa giúp các nhà văn in ấn vừa kiếm tìm lợi nhuận. Lập một ban nhạc vừa để nổi tiếng vừa mua nhà sắm xe. Rồi chép tranh nặn tượng, tổ chức triển lãm ký tên đấu giá. Có vị mời hẳn quan chức cực cao đến vỗ tay hoan hô kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ tiền bạc ngay trên truyền hình trực tiếp hàng chục tỉ. Thật đấy mà cứ ngỡ như chiêm bao. Lương một giáo viên cắm bản ba triệu đồng rơi nước mắt khi lãnh đạo huyện nay gọi ký hợp đồng mai dọa đuổi nhìn lên những dòng ti vi chạy chữ giám đốc doanh nghiệp, quan chức huyện tỉnh nhân danh văn học, nghệ thuật trao tiền bạc tít mù cho nhau không khỏi khiến chúng ta kinh hãi nghĩ về việc xã hội hóa kiểu thò thụt như thế. Lại chuyện đang sôi sùng sục xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm kinh phí trên ngàn tỉ còn được các quan chức thành phố giơ tay ủng hộ một trăm phần trăm. Trên diễn đàn Quốc hội kẻ nói đúng người bảo sai ầm ĩ. Kết quả là, dân oan Thủ Thiêm mặc kệ sống chết đã bao nhiêu năm rồi còn quan chức cứ nhân danh văn hóa, văn học, nghệ thuật, ở đây còn là loại hình nghệ thuật đỉnh cao - nhà hát giao hưởng tha hồ phán xét càng khiến cho chúng ta không khỏi lo lắng, sợ rằng sự sụp đổ rồi sẽ diễn ra từ bên trong chứ không phải bên ngoài.

Hiện nay, việc xã hội hóa các loại hình văn học, nghệ thuật đang diễn ra vô cùng sôi động và phức tạp. Ích lợi cũng không phải nhỏ. Nếu để Nhà nước tôn tạo, xây dựng một ngôi chùa chắc chắn các cấp kiện nhau miên man không dứt. Kết quả, chùa dỡ mái xong bỏ mặc kệ, chờ đợi trong hoang tàn càng thêm nỗi dân chúng hoang mang. Cũng việc này giao cho người dân vùng đất đó làm lập tức công việc tiến triển, người nào cũng hân hoan. Thậm chí sẽ có nhiều vị cán bộ cỡ Trung ương lặng lẽ đưa vợ đem hàng tỉ về công đức. Điều này hoàn toàn có thể thống kê được. Trong các loại hình xã hội hóa, dường như khó khăn nhất lại đến với văn học. Dường như những người có tiền hôm nay luôn xa lánh và không cần văn học. Sinh viên Khoa văn thưa thớt lèo tèo, đầu vào luôn phải lấy mức điểm vô cùng thấp. Điều gì đang diễn ra vậy? Xã hội chúng ta đang ra sao nhỉ? Câu hỏi này đem hỏi bất kỳ một giáo sư nào đều trả lời đâu ra đấy nhưng cũng chính vị giáo sư này kiên quyết không cho con vào Khoa văn? Văn học đã thế thì xã hội hóa làm sao đây? Thật nực cười, trong khó khăn chồng chất, những người làm văn học, các nhà văn nhà thơ đã tự mình xã hội hóa. Như thế là thế nào? Có lẽ nào tự túm tóc mình lôi lên? Hóa ra là các nhà văn nhà thơ bằng mọi cách tự in luôn tác phẩm của mình. Tự cho tặng, tự phát hành. Có vị dành cả cuộc đời chỉ để làm việc đó. Sự việc này có đáng trách hay không? Nhu cầu tìm danh và sự lao động cam tâm không thể đáng trách nhưng cái lớn lao hơn đó là chính sự thiếu chọn lọc, sự dễ dãi đã và đang giết chết văn học, nghệ thuật chính từ những hoạt động kiểu xã hội hóa như thế này.

Một số loại hình khác, ví dụ như âm nhạc lại có kiểu xã hội hóa hết sức kinh tế thị trường. Các game show ra đời. Game sau tiền nhiều hơn game trước, đương nhiên xì căng đan cũng nhiều hơn, hiểm hơn trước. Đi kèm với đó là giới showbiz hùng hậu liên kết từ quốc gia đến quốc tế luôn chiếm sóng sáu tư tỉnh thành vô cùng oai phong lẫm liệt. Đất nước ngót trăm triệu dân, nhu cầu thưởng thức các loại hình văn học, nghệ thuật là vô cùng lớn. Người Việt Nam tuy nghèo nhưng rất hào phóng, bố mẹ già có khi bỏ mặc ở quê tận vùng núi phía Bắc nhưng con cái sẵn sàng vào rạp phương Nam bỏ hàng chục triệu chỉ để lên sân khấu chụp ảnh với ca sĩ, diễn viên ăn mặc hở hang. Điều kỳ lạ là, cứ giao cho tư nhân mới làm được chứ giao nhà nước là khó khăn ngay. Một game show chủ đề cách mạng luôn phải hò hét tài trợ đủ thứ khiến nỗi sợ của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lên mà chất lượng nghệ thuật thì luôn tầm tầm giống nhau. Quần chúng nhân dân lại chẳng mấy ai mặn mà, chỉ những khán giả tuổi tác đã cao và các hội đoàn được cho tặng vé mời mới đến xem.

Một số loại hình nghệ thuật khác lại tìm mở đường xã hội hóa theo các hướng khác nhau. Hội họa có kiểu làm riêng. Nhiếp ảnh có cách tìm hướng đi riêng. Điêu khắc cũng thế, kiến trúc cũng vậy. Ai cũng lăm lăm tìm cách đi cho riêng mình và cái câu xã hội hóa đã thành cửa miệng, thành tiên quyết, thậm chí là sống còn với mỗi loại hình này. Một anh giám đốc cấp tỉnh có nhiều tiền bỗng nhiên trở thành hội viên thơ, hội viên điêu khắc, hội viên nhiếp ảnh vừa là nhạc sĩ là bình thường. Bởi anh ta hay tài trợ cho các kỳ cuộc, các sinh hoạt văn học, nghệ thuật. Điều này là có lợi hay có hại thật khó nói. Nhưng chắc chắn, chất lượng văn học nghệ thuật ở những nơi đó luôn đi xuống, luôn cãi cọ và kiện cáo. Những vụ lùm xùm ở các hội văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố đều bắt nguồn từ nguyên nhân trên.

Từ những thực tiễn mang tính điểm danh ấy, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận một cách thấu đáo và khách quan quá trình xã hội hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay. Phải đánh giá trung thực những tác động tích cực và tiêu cực của chủ trương xã hội hóa từ thực tiễn văn học, nghệ thuật trên các phương tiện, từ tổ chức, quản lý đến đầu tư, sáng tạo, giao lưu và quảng bá văn học, nghệ thuật. Chúng ta phải lý giải trên tinh thần khoa học các hiện tượng, các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Điều này, đòi hỏi các cấp có liên quan phải có đội ngũ cán bộ giỏi, am tường sâu sắc về văn học nghệ thuật và đặc biệt là biết lắng nghe giới văn nghệ sĩ, lắng nghe nhân dân trong quá trình thực hiện.

Cũng từ thực tiễn ấy, chúng ta phải thấy được những thách thức ở phía trước là vô cùng lớn lao. Phải biết được rằng, việc xã hội hóa tuy phức tạp nhưng công tác quản lý phải là khuyến khích, hỗ trợ, tranh biện để phát triển chứ tuyệt đối không được áp đặt, vùi dập, hoặc thậm chí bị mua chuộc.

Chúng ta đang tiến tới một xã hội được điều hành bằng luật pháp thì việc tập trung xây dựng các bộ luật hoàn thiện để nâng tầm việc xã hội hóa trong đó có xã hội hóa các loại hình văn học, nghệ thuật đúng đắn, có ích, phải có chính sách thuế, phải khuyến khích đầu tư và thu nhập từ nguồn xã hội hóa theo luật pháp.

Chúng ta cũng phải đặt ra việc tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động xã hội hóa. Vấn đề không phải chỉ tận thu nguồn lực này mà chúng ta còn sẵn sàng chi để nguồn lực này phát triển. Chi về cơ chế chính sách. Chi về sự ưu đãi tài nguyên đất đai, mở rộng mọi biên độ trong khuôn khổ luật pháp để nguồn lực xã hội hóa được chuyển động mạnh mẽ và đúng hướng hơn nữa.

Chúng ta hãy bớt khoanh các vùng cấm, nhất là các vùng cấm trong vấn đề xã hội hóa.

Tổ tiên ta đã dạy, thực tiễn chúng ta cũng đã thấy rằng, một xã hội càng phát triển thì nhu cầu văn hóa của con người càng cao. Văn hóa có tác động quyết định trong sự hình thành và trưởng thành của mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc. Hiểu như vậy, ta càng thấy vẻ đẹp của văn học, nghệ thuật trong góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và từ đó, thấy được rõ ràng rằng, việc xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là tất yếu và đúng đắn. Vấn đề càng đúng đắn và hiệu quả càng thiết thực hơn nếu chúng ta sớm có một chiến lược toàn diện để việc xã hội hóa được phát huy tối đa sức mạnh của mình.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 16-6-20