Phụ lục

                                                      

Trả lời ông C. D.

 

Bổn báo tiếp được bài dưới đây của M. Trần Huy Liệu gởi đến để trả lời ông C.D., cứ lấy công tâm y nguyên văn đăng lục, còn phải quấy thế nào thì xin hẵng chờ đến lúc ông C.D. về đây sẽ hay, vì hiện nay ông ấy đương vắng mặt ở Sài Gòn. Song le, ngay bây giờ đây chúng tôi cũng có thể chỉ trước với ông Trần Huy Liệu một điều, là những đoạn sử ký mà ông đã trích dẫn đó e không có giá trị mấy, vì tuyệt nhiên không thấy ông chỉ rõ tác giả của các cuốn sử ấy là ai ai.

                                                                                                                         BIÊN TẬP BỘ

 

*

 

Dakao, le 1er Mai 1928

Monsieur le Directeur du Đông Pháp thời báo.

Xin ông vì công tâm mà đăng cho tôi mấy hàng chữ sau đây vào mục "Câu chuyện hằng ngày" để đáp từ cùng ông C.D.

 

TRẦN HUY LIỆU

 

 TRẢ LỜI ÔNG C.D.

 

Đọc Đông Pháp thời báo số 714 ra ngày 1er Mai vừa rồi, về mục "Câu chuyện hằng ngày", thấy ông có để lời bình phẩm đến một đoạn sách Một bầu tâm sự của tôi, trước khi trả lời ông, tôi hãy cảm ơn ông đã chú ý tới cuốn sách ấy mà ngày nay nhơn tiện nói ra đây, ông đã tặng cho là "một cái quái".

Về phần tôi xin nói để ông rõ rằng: Không phải tôi thấy lời của ông bắt bẻ mà sợ mất quyền lợi cuốn sách ấy nên phải miễn cưỡng trả lời, vì nói đến "quyền" thì cuốn sách ấy đã bị cấm rồi; còn nói đến "lợi" thì cuốn sách ấy cũng đã tiêu thụ hết rồi, tôi cũng không cần phải bênh vực quyền lợi mà cố ý cãi lẽ với ông làm chi, tôi chỉ xin cùng ông nói chuyện quốc sử.

Ông hỏi tôi đến hai lần rằng: "Chuyện ấy cứ vào đâu? Thấy ra ở sách nào? ".

Tôi xin mạnh bạo mà trả lời rằng: "Chuyện ấy cứ ở sách, mà sách ấy có lẽ ông chưa đọc nên mới hỏi làm vậy".

Nếu nói không thì không lấy gì làm bằng, vậy tôi xin trích một đoạn ở trong cuốn Đại Nam sử ký trang 106 để hiến cùng ông:

"Ngày 24 tháng 7 năm 1789, Đức cha Bá Đa Lộc ở tàu Méduse lên, lại có hai chiếc tàu nữa cùng sang, chở đầy những thuốc đạn súng ống và các thứ khác. Đức Nguyễn Ánh khi bấy giờ mới vừa đánh xong được miền hạ du xứ Nam Kỳ, thì thấy con và bạn về, lấy làm mừng lắm. Chiếc Méduse có bắn mấy phát súng mừng ngài, rồi thì đi sang Ma-ní và Áo Môn để lại chở những súng ống khí giới."

Sau khi ông đã đọc giùm mấy hàng chữ trên đây, thì chắc ông cũng nhận cho rằng những lời tôi đã nói đó không phải là nói liều mà không có chứng. Còn những lời khắt khe khác mà ông đã hạ cho tôi, như là "nhiều người Pháp đã kể công với ta rằng nước Pháp đã giúp cho nước Nam trước đây một trăm năm, song họ nói vậy chớ không có bằng cớ gì cả. Bây giờ có ông Trần Huy Liệu viết rõ chuyện ấy để dựng chứng lên!" cùng là "nếu sách của ông Trần mà không bị cấm, được lưu hành tự do, chắc sau này sẽ có người Pháp khác viện chứng ở sách của ông mà cho sự nước Pháp giúp nước Nam là có thật, làm cho lịch sử Việt Nam rối loạn là ngần nào! Cho nên sách ông bị cấm mà chúng ta cực chẳng đã phải lấy làm hân hạnh". Những câu ấy tôi không cần phải trả lời, ai đã có đọc cuốn Một bầu tâm sự của tôi đều thấy rằng: tôi chẳng phải khoe tốt khoe công cho ai !

Cũng trong bài ấy, ông bắt bẻ một đoạn văn đã đăng trong báo Tiếng dân số 68 ra ngày 7 Avril, ví thử là việc riêng thì tôi cũng không cần chi phải "gánh bàn độc mượn", nhưng vì câu chuyện quốc sử là câu chuyện chung, nên tôi cũng xin phép ông mà trả lời những điều tôi biết.

Trong sử có chép rõ ràng rằng: "cuối năm 1784, Gia Long giao Hoàng tử Cảnh và quốc ấn(*) cho Cố đạo Bá Đa Lộc sang cầu cứu bên Pháp, ngày 15 tháng 9 năm 1789 thì Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi tàu Dryade tới đảo Côn Nôn (Poulo Condor)(**). Tháng 9 năm 1788, chiến tàu Dryade chở lên tại Côn Nôn 1000 khẩu súng, mấy tháng sau thì tàu Garonne tải súng lớn đến, tàu Capitaine Cook và tàu Moyse thì đem những thuốc đạn, tàu Robuste thì đậu tại Vũng Tàu (Baie Saint Jacques). Các quan Pháp sang giúp Gia Long thì có Olivier de Paymanel giữ việc trấn thủ, còn Dayot thì giữ việc đi mua thuốc đạn ở Ma Ní và mua tàu bè ở Ma Cao, ngoài ra lại có Lebrun, Vannier, Chaigneau, Forsant, Guillon, Guilloux, Magon de Médine, Barisy, Girard de l'Isle Sellé, người thì coi về bộ binh, người thì coi về thủy binh."

Ông C.D. nói rằng: Khi Bá Đa Lộc ở Pháp về có ghé qua ấn Độ, bàn với viên Tổng đốc ở đấy, nhưng viên ấy không nghe nên không rút quân ở ấn Độ sang được. Thật ra thì khi Bá Đa Lộc về Pháp có ghé qua ấn Độ nói chuyện, vì viên Tổng đốc ở đấy không thấy nhà vua hạ chỉ nên không cấp binh cứu viện, Bá Đa Lộc bèn phải về thẳng Pháp quốc yết kiến vua Louis 16 và các quan Thượng thơ, nhà vua và các quan đều bằng lòng, giấy giao hiếu ký tại Versailless ngày 28 Novembre 1787. Được một tháng thì Bá Đa Lộc cùng Hoàng tử Cảnh xuống tàu, khi trở qua có ghé ấn Độ lần nữa, nhưng không nói chuyện gì đến việc binh.

Trở lên trên tôi dẫn một đoạn sử vô đó là có ý làm chứng cho lời ông C.D. bắt bẻ là không đúng, chớ còn câu chuyện công ân của người ta có hay không, tôi cũng không muốn nói đến làm gì.

Ông C.D. đã có lòng yêu mà khuyên chúng tôi nên thận trọng trong khi viết một chút, chúng tôi rất lấy làm cám ơn và xin đem lời ấy khuyên lại ông C.D.

Bộ Việt Nam sử lược mà ông C.D. đã giới thiệu cho chúng tôi đó, chúng tôi đã có đọc rồi, vì cái lòng ham mến quốc sử nên bao lâu nay đã cố công tìm cho được nhiều sách để đọc, không cứ gì một bộ Việt Nam sử lược kia. Ông C.D. nếu có thì giờ rảnh xin mời ông quá bộ lên nhà tôi (143 Bd Albert 1er Sài Gòn) chơi, chúng ta sẽ cùng nhau xem lại các sách quốc sử, há chẳng bổ ích thêm cho đường học vấn của chúng ta lắm ư !

                                                                                                                         TRẦN HUY LIỆU lai cảo

                                                                                                       Đông Pháp thời báo, Sài Gòn,
                                                                                                             s.719 (12.5.1928)

------------------

* báo gốc in là "quốc ấu", chắc in sai, ở đây sửa lại;
    ** Nay gọi là Côn Lôn, Côn Đảo

  Trở về mục lục Trang Phan Khôi