PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

 

 

Nói một lần nầy nữa thôi, về việc
“nước Pháp giúp nước Nam”

 

Một cuốn sách Tàu minh oan cho chúng ta

 

 

Trên tờ báo nầy, số 742, chúng tôi có nói lại việc nầy, chúng tôi có kể ra mấy đoạn trong hai thứ sách Tàu mà đoán chắc rằng họ đã bị cái ngụy thuyết kia phỉnh gạt, tức là cái thuyết "nước Pháp giúp nước Nam" mà chúng tôi đã bác đi trong mấy kỳ báo lâu rồi.

Đường đi hay tối, nói dối hay cùng; sự dối trá khó mà làm mê hoặc hết thảy người thiên hạ. Cái ngụy thuyết ấy đã phỉnh được bao nhiêu người Tàu, song trong người Tàu há lại không có một hạng thông minh biết ra được mà bôi vôi vào mặt nó?

Ấy là như ông Lưu Văn Hải, một nhà quốc tế pháp(*) học giả nước Tàu, làm ra quyển sách Cận thế đại quốc gia chủ nghĩa, mới xuất bản năm Dân quốc 14, cách ba năm nay.

Trong sách ấy có một đoạn nói về việc nước Pháp lấy nước Nam. Ông ấy tìm ra nhiều chứng cớ ở các sách vở của người Pháp, người Anh mà kiện lại cái ngụy thuyết ấy, làm trắng án cho nước Việt Nam.

Ông Lưu Văn Hải nói rằng:

".........................

"Khi chúa Nguyễn Ánh chạy qua nước Xiêm, có một vị giáo sĩ người Pháp tên là Pigneau de Béhaine, Evêque d'Adran (tức là giám mục Bá Đa Lộc) chịu vì Nguyễn chúa đi cầu viện bên nước Pháp. Năm 1787, d'Adran đi với con trai chúa Nguyễn sang Pháp cầu viện cùng Chánh phủ Ba-lê. Bấy giờ "cuộc chiến tranh bảy năm" vừa xong, nước Pháp mất cả các thuộc địa trọng yếu, cho nên triều đình Pháp rất muốn nhơn dịp may mắn nầy khoách trương cái thế lực mình ở cõi viễn đông, để mà bù lại sự tổn thất mới vừa rồi. Vì vậy mới có sự lập điều ước với vua An Nam tại cung Versailles trong năm 1787.

"Bản điều ước ấy theo lối công thủ đồng minh. Bên nước Pháp chịu phái qua 20 chục(**) chiếc tàu binh, năm đội lục quân Âu châu, hai đội lục quân thuộc địa cùng lương thực bao nhiêu đó; bên chúa Nguyễn chịu nhường đứt cho nước Pháp một cái cửa biển, một miếng đất gần biển và một cái cù lao. Chúa Nguyễn lại chịu rằng, nếu sau nầy vua Louis nước Pháp có gây việc với nước Anh trong nước Ấn Độ, hay là có cần dùng quân lính để bảo hộ các quyền lợi đã chiếm được trong cõi Indochina, thì vua An Nam phải xuất binh mà giúp cho.

"Sau khi điều ước ấy thành lập chưa bao lâu thì trong nước Pháp nổi lên cuộc Cách mạng, cho nên bản điều ước ấy chưa ký tên và các điều khoản trong đó cũng chưa thi hành. Năm 1789, d'Adran đem sang một ít viện binh đến Sài Gòn;(1) song bấy giờ chúa Nguyễn ở Sài Gòn đã lấy lại được nhiều nơi trọng yếu rồi, và từ đó thế lực càng thêm lớn ra, cho đến thâu phục cả đất An Nam (Trung Kỳ) và Đông Kinh (Bắc Kỳ) mà dựng nước gọi là Việt Nam.

"Trong lúc d'Adran còn sống, người Pháp ở An Nam đều được đãi ngộ cách tử tế; song đến khi y chết rồi, sự ngược đãi các cố đạo mới phát sanh ra, mấy đời vua sau vua Gia Long, lại càng phản đối đạo Thiên Chúa ra mặt. Năm 1818, vua Louis XVIII nước Pháp muốn khôi phục lại các điều ước Versailles ngày xưa, bèn sai sứ thần đến Sài Gòn, song không được việc gì mà trở về. Sau đó, nước Pháp còn sai sứ qua An Nam nhiều lần, cũng  không được gì cả, người An Nam cứ việc phản đối các cố đạo như cũ.

"Giữa thế kỷ XIX, cuộc cách mạng nước Pháp đã tiệm yên, Chánh phủ Pháp bèn lại bắt đầu kinh dinh các thuộc địa. Bấy giờ họ mới kiếm cớ đến đánh lấy nước An Nam. Sự kiếm cớ của họ có hai thuyết: một là căn cứ bản điều ước Versailles; một là sự An Nam giết cố đạo".

(Nhẫn lên xem sách Cận thế đại quốc gia chủ nghĩa trang 192-194).

 Một đoạn tự sự đại lược trên đó, ông Lưu Văn Hải tự xưng rằng phần nhiều cứ theo sách China and Her Neighbours của ông R. S. Gundry xuất bản năm 1893 tại London. Xem qua một đoạn đó thì đại để cũng chẳng khác gì với những lời của ông Gosselin và ông Maybon, mà chúng tôi đã dẫn chứng trong mấy bài trước.

Ông Lưu Văn Hải là một nhà học giả về quốc tế công pháp, cho nên sự kiếm cớ của người Pháp đã nói trên kia nảy ra cho ông một cái hứng vị nghiên cứu. Về cái thuyết thứ nhứt mà người Pháp đã mượn để sang đánh nước Nam đó thì ông bác đi mà rằng:

"Người Pháp căn cứ ở bản điều ước năm 1787 và nói rằng, nước Pháp đã lý hành theo điều ước ấy mà giúp vua Gia Long cho được khôi phục lại nước Nam (1).

"Vả chăng, d'Adran vốn có đem ít nhiều người Pháp và vài chiếc tàu binh từ Pondichéry qua Sài Gòn để làm thanh viện cho Nguyễn chúa. Song khi ấy, Nguyễn chúa đã tự mình hành động, đánh lấy được các chỗ đất trọng yếu xứ Nam Kỳ rồi. Cứ thực mà nói thì trừ chút đỉnh viện binh của d'Adran ra, các điều kiện trong tờ giao ước năm 1787 nước Pháp chưa hề thi hành, có lẽ nào người Pháp căn cứ tờ giao ước ấy mà đòi nước An Nam về các quyền lợi được? Theo vạn quốc công pháp, cách luận biện ngang trái như vậy không thể đứng được; bằng chẳng vậy thì sự giao ước của hai nước chẳng hóa ra là trò trẻ con và tờ giao ước thần thánh chẳng hóa ra là cái kế xảo quyệt của các nước mạnh hay sao? Còn chi là sự trung tín giữa vạn quốc?

"Dẫu cho rằng sự d'Adran sang cứu viện ấy là lý hành điều ước Versailles, song cũng còn không thể nhờ đó mà làm cho cả bản điều ước thành ra hữu hiệu; huống chi bản điều ước ấy theo pháp luật có thể thành lập được không, lại là một vấn đề. Nay thử cắt nghĩa cho rõ ra mà nghe: nói theo nguyên lý của vạn quốc công pháp, phàm lập một tờ giao ước nào, mà ở trong có mòi khi trá(***), thì giao ước ấy trở nên vô hiệu. Bản điều ước Versailles nầy về phía An Nam, người đại biểu là một đứa con nít mới có tám tuổi; vả lại những người cùng đi cùng ở với cậu bé ấy đều là người Pháp cả; còn về phía nước Pháp, thì là vua Louis cùng các nhà chánh trị có tiếng trong nước Pháp thời bấy giờ. Độc giả thử nghĩ xem, có cái tình hình không công bình như vậy thì bản điều ước đã lập ra há có thể cho là hữu hiệu được sao?

"Lại còn lẽ nầy nữa: cái mục đích của bản điều ước ấy cốt là cần người Pháp cứu viện để Nguyễn chúa chiếm được ngôi vua cả nước An Nam, mà ngôi vua ấy trước kia Nguyễn chúa chưa hề chiếm lấy một lần nào; còn về phía Nguyễn chúa toan việc báo đền cho người Pháp thì hứa sẽ nhường đất và cho tự do buôn bán. Vả, cứ theo nguyên lý mà nói, thì sự hai nước lập giao ước cùng nhau cũng chẳng khác gì hai người lập tờ giao kèo với nhau là mấy. Giả sử có người đem của mình chưa có, vả lại của mà cả đời mình chưa chắc lấy được, đem mà hứa với người khác để làm một cái điều kiện trao đổi cho nhau, thì phàm ai có biết về pháp luật chút đỉnh đều phải cho rằng sự hứa ấy đối với pháp luật không có giá trị chút nào cả.

"Lại giả sử cái điều kiện trao đổi ấy đối với pháp luật có giá trị đi nữa, và lại nước Pháp đã lý hành theo điều ước rồi nữa, cũng còn có cái vấn đề về thời gian làm cho nó trở nên vô hiệu. Vì từ ngày lập điều ước ấy cho đến ngày nước Pháp mượn cớ mà sang đánh nước Nam đã gần đến một trăm năm rồi mà?

Nói cho cạn lẽ, thôi thì cho rằng điều ước của hai nước lập với nhau có khác với tờ giao kèo của người thường, và trong tờ điều ước những của chưa có hoặc của mong sẽ lấy được cũng có thể đem mà làm điều kiện trao đổi cho nhau, song các điều kiện trao đổi nói trong điều ước Versailles nầy thì có cái tánh chất ác liệt mà công lý không dung được. Vì cứ theo nội dung điều ước ấy, thì sự cử động của người Pháp bấy giờ hình như xúi giục cuộc nội loạn của một nước khác hầu để tăng gia sự tư lợi cho mình. Sự hành động như vậy rõ là trái với cái mục đích cầu hòa bình của vạn quốc, các dân tộc văn minh nên đứng ra mà chê trách nước Pháp mới phải".

(Nhẫn lên xem sách Cận thế đại quốc gia chủ nghĩa trang 195-196).

Xem những lời nghị luận trên đó thì thấy ra ông Lưu Văn Hải chẳng những không bị cái ngụy thuyết kia phỉnh gạt, mà lại đã ra công bài bác nó nữa và bài bác đến tận gốc.

Về việc đính chánh một điều sai lầm rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nầy tôi viết bài hôm nay là hết. Tôi phải có mấy lời để kết luận.

Xin hết thảy người trong nước phải biết tôn trọng quốc sử, phải biết tôn trọng sự thực của lịch sử nước mình, đừng để cho người khác xáo bậy đi.

Mỗi một khi ta nghe ai kể ơn với ta hay là nói xấu cho tổ tiên nhà ta, thì ta phải hồ nghi trước đã, rồi phải tra xét lại cho kỹ, coi thử họ nói thế là thật hay dối; chớ có vội tin mà mắc vội nghe mà lầm.

Chúng ta cũng đừng nên ngờ cho hết thảy người Pháp ở đây đều có ý phỉnh gạt chúng ta, họ cũng có nhiều kẻ trung hậu mà bị lầm như chúng ta vậy. Tức như mới rồi báo l'Echo Annamite cũng có một mớ bài cãi với báo Tây khác về các vấn đề trong lịch sử Việt Nam như những bài của chúng ta đây. Có mấy người Pháp đọc đến rồi tỏ thật cùng ông chủ nhiệm báo

y rằng: "May mà có các ông nói ra, bằng không thì chúng tôi cứ tin như thuở nay chúng tôi vẫn tin vậy!"

Cho hay sự nhồi sọ là ghê lắm, bất cứ sọ nào cũng đều bị nhồi cả.

                                                                                            C. D.

                                                               Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s. 752 (4.8.1928)

--------------

(1) Đây nói Sài Gòn tức là chỉ cả Nam kỳ (nguyên chú của Phan Khôi)

* một nhà quốc tế pháp: theo cách nói ngày nay: một nhà nghiên cứu công pháp quốc tế;

** 20 chục: có lẽ in lầm, đúng ra là "2 chục" hoặc "20" chứ nếu "20 chục" tức là 200, thì quá xa so với thực tế thời ấy;

*** có mòi: có dấu hiệu, có triệu chứng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ,sđd.); khi trá: dối nhau, gạt nhau (theo Hùinh Tịnh Paulus Của: Đại Nam quấc âm tự vị , Sài gòn, 1895, 1896)

 

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi