PHAN KHÔI:
TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1930
Tại làm sao chúng ta không nên
bỏ chữ quốc ngữ Bàn cùng ông Hồ Duy Kiên
Mới đây ông Hồ Duy Kiên có viết trong Trung lập một bài, đại ý nói người Việt Nam mình nên chuyên học chữ Pháp, còn chữ quốc ngữ viết ra miễn đọc được thì thôi, không cần phải sửa sang cho thật đúng làm chi. Cái câu quyết luận của ông đó dựa vào mấy lẽ nầy: 1) Tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học, ta muốn theo văn minh Âu Mỹ thì phải dùng nó; 2) Ta ở dưới quyền cai trị của người Pháp, phải học theo tiếng Pháp; 3) Tiếng An Nam khuyết điểm nhiều quá, không thể nào bồi bổ được, phương chi ta lại không có quyền nữa. Tôi đọc qua bài của ông, tôi phải chịu là ông có cái ý kiến hay, mạnh bạo và quả quyết. Song suy nghĩ cho cùng, thì sự ông nói đó cốt là muốn cho dễ đường tấn hóa mà trở lại thành ra khó, không có thể làm được. Ông muốn rằng hiện thời đây, trẻ em chúng ta ở trong các nhà trường, từ lớp đồng ấu, cứ chỉ học chữ Pháp mà thôi, không cần phải học quốc ngữ. Chỗ đó tôi vẫn đồng ý với ông. Tôi đồng ý với ông chỗ đó, là vì tôi thấy sự học quốc ngữ trong nhà trường hiện nay chỉ làm mất thì giờ trẻ nhỏ mà thôi, chớ không được ích lợi mấy chút, chi bằng lấy chữ Pháp làm món chánh, lấy quốc ngữ làm món phụ, dạy theo chương trình hồi trước, thì học trò được ích lợi nhiều hơn. Song giá như cũng dạy bằng quốc ngữ, mà người ta đừng có ý cầm chừng học trò lại, và nâng cao cái trình độ của sự học trong các trường cho cao lên, thì tôi lại ưng lấy quốc ngữ mà dạy trẻ cho đến bực tốt nghiệp tiểu học. Đó là một cái vấn đề về học hiệu giáo dục hiện thời. Cái vấn đề ấy phải nói cho dài mới rõ, song đây tôi chỉ nói sơ qua cho biết rằng sự tôi đồng ý với ông Hồ là bởi cực chẳng đã. Học hiệu giáo dục là một cái vấn đề, xã hội giáo dục lại là một cái vấn đề khác. Hiện nay chúng ta không có quyền trong sự giáo dục về học hiệu, nhưng chúng ta cũng còn có quyền ít nhiều trong sự giáo dục về xã hội. Sự cải lương chữ quốc ngữ mà chúng tôi đề xướng mấy lâu nay là thuộc về cái vấn đề xã hội giáo dục. Theo ý ông Hồ thì tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học, ta nên do thứ tiếng đó mà trực tiếp với văn minh Âu Mỹ hơn là do tiếng quốc ngữ như đi con đường quanh. Ông nói lẽ đó rất phải, tôi không cãi được. Song theo đó thì thấy ra ông chỉ thấy một mặt nầy mà quên một mặt kia. Nói rằng trong một nước được văn minh tấn bộ, nghĩa là hết thảy cả người trong nước đều văn minh tấn bộ chớ không phải một số ít người. Cái văn minh đời nay là văn minh cho cả quần chúng chớ không phải văn minh cho nội một đám quý tộc. Bước được đến cõi văn minh ấy thì phải mọi người trong nước đều biết chữ hết thảy, đều có tri thức suýt soát với nhau hết thảy. Vậy thì ông nghĩ hết thảy người An Nam có thể học chữ Pháp cho biết chữ cả được chăng? Trong bài của ông, ông có nói rằng: “Ví như trong một trăm năm, hoặc hai ba trăm năm tới đây toàn dân An Nam dùng văn tự ngôn ngữ Pháp...” Ấy là ông nói kiểu “ví như” đó thôi, chớ sự thiệt thì dẫu đến một đôi ngàn năm cũng không có thể có được. Ông có hỏi trách rằng chớ dân Belgique, dân Suisse dùng chữ Pháp dân Huê Kỳ dùng chữ Anh thì làm sao? Ông đem tình cảnh nước ta mà sánh với các nước ấy thì xa quá. Người Belgique và Suisse(*) cùng một giống với người Pháp, vả lại ở gần nhau. Huê Kỳ vốn là người Anh sang, thì họ dùng chữ của nhau, không có khó. Còn người mình với người Pháp xa cách nhau nhiều bề thì bảo rằng toàn dân An Nam học thông văn tự ngôn ngữ của Pháp làm sao được? Hoặc giả trong đời chẳng có sự gì mà làm chẳng được, học thét cho lâu ngày rồi toàn dân An Nam cũng thông tiếng Pháp chăng. Nhưng mà học thông chữ Pháp thì phải mất lâu ngày, hoặc đôi ba trăm năm, hoặc một ngàn năm thì chi bằng ta đi con đường dễ và mau, là học chữ quốc ngữ? Theo ý chúng tôi, căn cứ ở các lẽ trên nầy, thì chúng tôi muốn dùng chữ quốc ngữ để làm cái lợi khí cho sự giáo dục về xã hội để rải khắp hột giống văn minh cho quần chúng. Bởi vì chúng tôi tưởng có thể học quốc ngữ mà hết thảy người An Nam biết chữ được, chớ không có thể học tiếng Pháp mà hết thảy người An Nam biết chữ được. Chúng ta không nên phân bì với người Belgique, người Suisse, mà nên phân bì với người Nhựt Bổn. Trong các trường đại học Nhựt, họ cũng dạy bằng tiếng ngoại quốc, - nhứt là tiếng Anh, - song họ có dùng riêng thứ chữ của họ để làm thứ chữ phổ thông giữa quốc dân. Người An Nam chúng ta cũng nên làm như vậy. Một hạng người muốn có cái tri thức cao thì nên học chữ Pháp, cả cho đến các thứ chữ khác nữa; song hạng người thường muốn chỉ có cái tri thức thông thường thì học chữ quốc ngữ là tiện. Mà những người đã có cái tri thức cao đó phải đem cái tri thức của mình mà phô bày ra bằng quốc ngữ, nghĩa là làm sách làm báo, để rải rác văn minh ra cho quần chúng. Trên đầu đề bài nầy, chúng tôi hỏi tại sao không bỏ chữ quốc ngữ? Ấy là tại lẽ mới vừa nói đó. Chúng tôi lại hỏi tại làm sao phải viết quốc ngữ cho đúng. Ấy là tại như dưới nầy. Cứ theo như bổn thân của chữ quốc ngữ nước mình thì chưa gọi là một thứ chữ thành văn được. Huống chi, theo kiểu người mình viết quốc ngữ hiện thời thì lại bậy bạ quá, không thành ra chữ nữa. Một thứ chữ đã lộn xộn, lại còn thêm viết bậy cho sai đi thì còn đem ra mà học hành gì được? Bởi vậy chúng ta phải sửa sang bồi bổ nó cho một ngày kia nó thành văn, hầu làm cái lợi khí tốt cho chúng ta. Thật vậy, chữ nào mà lộn xộn bậy bạ thì không dùng được mà phải chết. Chữ Nôm của ta ngày xưa tại làm sao mà chết? Ấy chỉ vì nó lộn xộn, ai muốn viết thế nào thì viết đó thôi. Chữ quốc ngữ ngày nay nếu không viết cho đúng thì rồi nó cũng sẽ như chữ Nôm vậy. Mình đã trầm trồ khen tiếng Pháp là thứ tiếng khoa học thì mình cũng phải chịu khó làm cho tiếng mình trở nên khoa học. Muốn như vậy, trước hết là phải viết cho đúng, viết đúng tự vị. Ý ông Hồ chừng như nói rằng bày ra sự viết đúng tức là bày thêm sự khó. Nhưng mà đó chẳng phải là bày cho thêm khó đâu; nguyên tiếng của ta buộc ta phải viết như vậy kia mà. Ông Hồ viện là lẽ của Khổng Tử nói: “Phi thiên tử bất chế độ, bất khảo văn”, rồi nói rằng sự sửa sang chữ quốc ngữ phải nhờ chánh phủ; chánh phủ không làm thì thôi, chớ ta không có quyền. Cái đó ông quá theo ý Khổng Tử mà nghĩ sai. Theo cái công lệ của âm ngữ học thì ở đâu cũng vậy, ngôn ngữ văn tự sở dĩ tấn hóa là trước nhờ ở đám bình dân, ở toàn xã hội chế tạo ra, rồi chánh phủ mới nhơn đó mà nhận nhìn sau. Đừng lấy chứng cớ ở đâu xa làm chi. Ngay ở giữa nước mình đây, hồi trước đánh giây thép(*) bằng quốc ngữ không được mà bây giờ đánh được, vả lại giấy vay nợ, giấy giao kèo cũng có hiệu lực ở trước mặt toà án, thì đủ biết. Nếu người mình biết sửa sang bồi đắp chữ quốc ngữ cho thành văn, thì có ngày chánh phủ phải nhận cho chữ quốc ngữ có một cái địa vị cao trọng trong đất nầy, chớ đừng khinh nó. Nếu vậy thì ta nên tự làm lấy, [. . . . . . ](**) nầy. Hiện bây giờ ta không có quyền trong sự giáo dục về học hiệu, song ta có nhiều ít quyền trong sự giáo dục về xã hội, thì ta nên hết sức chỉnh đốn chữ quốc ngữ và lấy nó làm lợi khí, không cần phải nhờ chánh phủ điều ấy. Trên kia tôi nói ông Hồ thấy một mặt mà quên đi một mặt là có ý nói ông ấy chỉ nhắm vào cái vấn đề học hiệu giáo dục mà không ngó đến cái vấn đề xã hội giáo dục, chỉ nhắm vào cái văn minh quý tộc mà không ngó đến cái văn minh quần chúng. Trong bài nầy tôi chỉ lấy lợi hại mà nói thôi, chớ không trộn cái quốc gia chủ nghĩa vào ở trong. Nếu đứng về phương diện quốc gia chủ nghĩa mà xét thì còn nhiều lời của ông Hồ nên biện bác nữa, là như ông nói: Tiên nhơn ta trước đã biết vâng chánh phủ Tàu học chữ Tàu đặng đồng hóa với Tàu, còn ta nay sao lại không vâng chánh phủ học chữ Pháp đặng đồng hóa với Pháp? ... Chẳng những vậy thôi, ông còn nói mấy lời mà tôi lấy làm đáng thương tâm nữa!... PHAN KHÔI Thần chung, Sài Gòn, s. 341 (20.3.1930) Trung lập, Sài Gòn, s.6105 (22.3.1930)
|