PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928 

 

Cái dốt của triều đình Huế

 

Mấy lâu tại triều đình Huế có đặt một sở biên tập để làm một bộ Hán Việt từ điển.

Họ đã bắt đầu xuất bản một tập rồi.

Tập Hán Việt từ điển nầy chính nhà biên tập tự gọi là bản thảo, chứ chưa phải sách. Chúng tôi tạm gọi là sách, là vì nó đã in ra và đóng lại thành tập.

Trong số 20 của tập ấy có lắm cái quái hiện hình ra mà chúng tôi đã xem thấy.

Trong số 20 nầy thấy mấy người đứng tên biên tập khác với mấy người đứng ở các số trước, nhứt là ông Hồ Đắc Hàm, thay cho ông Nguyễn Bá Trác, làm chủ sở biên tập.

Vậy thì, trong số nầy nếu có điều chi sai lầm, người ta sẽ đổ trách nhiệm cho ông Hồ Đắc Hàm chớ ai?

Chúng tôi nói câu ấy là có ý kêu oan cho ông Hồ, vì ông có quen làm những việc như là việc biên tập từ điển đâu, mà bắt ông ra làm chủ, rồi đổ vãi trách nhiệm cho ông!

Những việc của các quan Nam triều làm ra, quá nửa là việc để cho người ta phì cười!

Tợ hồ như mấy người biên tập Hán Việt từ điển số 20 nầy không hiểu chữ "Từ điển" nghĩa là gì, nhứt là không hiểu chữ "Từ" nghĩa là gì.

Tôi xin cắt nghĩa:

Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều(*) chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ. ấy là vì chữ "Từ" ( ) khác với chữ "Tự" (  ). "Từ" nghĩa là lời, "Tự" nghĩa là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.

Nhưng không phải hễ thấy lời nào có nhiều chữ mà cho là "từ" hết thảy được đâu. Phải biết thế nào mới gọi là "từ " được.

Từ (lời) là hiệp mấy tự (chữ) lại mà thành ra, để chỉ tên một sự vật hoặc một danh lý, để biểu thị một ý tưởng hoặc một tình cảm của người ta; song, tuy có nhiều chữ mà đã thành ra như một chữ, và nó có cái vẻ đặc biệt, gần gần như là một cái điển cố vậy. Tức trong tiếng Pháp gọi là expression(*).

Phải lấy ví dụ cho rõ hơn. Vậy như: Thiên mã ( ) thì gọi là từ được, mà tẫn mã (  ) hay dịch mã ( ) thì không gọi là từ được.

Bởi vì, đời vua Võ Đế nhà Hán có được một con ngựa bên Tây Vực hay lắm, bèn đặt tên là thiên mã, nghĩa là con ngựa của trời, thế thì thiên mã là tên đặc biệt, cho nên gọi là từ. Và chữ thiên mã ấy đáng để vào từ điển, vì sau nầy có con ngựa nào hay như con ngựa ấy thì người ta có thể dựa theo đó mà gọi nó là thiên mã được. Còn tẫn mã là ngựa cái, dịch mã là ngựa trạm, chẳng qua lấy chữ tẫn chữ dịch ghép với chữ mà thôi, là phổ thông, không phải là đặc biệt, cho nên không gọi là từ được, và không đáng đem vào từ điển.

Ấy vậy mà trong số 20 của tập Hán Việt từ điển nầy có nhiều chữ không đáng gọi là từ và không đáng thu vào Từ điển như cái ví dụ "tẩn mã" và "dịch mã" ấy.

Đại để như: về chữ hưu, điều thứ 4: Hưu mộc sở; về chữ Nễ, điều thứ 4: Nễ môn Hoàng đế, đều không phải là từ, mà các ổng cũng cứ việc thu vào.

Nếu là Từ điển mà thu vào những chữ như vậy thì giấy nào mà chứa cho hết, in mấy mươi đời cho rồi?

Tuy nhiên, mấy điều đó chưa dốt mấy, điều nầy mới là dốt, mới là cực dốt!

Về chữ Hưu, điều thứ 5, tôi xin chép y theo nguyên văn như vầy:

Hưu số hoang đường (          ): Số tốt rộng lớn. Vương đào, Trang xuân: Cây đào bà Vương, cây xuân ông Trang, số tốt rộng lớn (bài tụng của Dực Tôn chúc bà Chương hoàng hậu trong lúc lục tuần đại khánh tiết, ý muốn chúc cho số bà được rộng lớn lâu dài như cây đào bà Vương và cây xuân ông Trang) (Đại Nam chính biên hậu phi liệt truyện).

Thiệt rõ ra là các ông biên tập Hán Việt từ điển bướng quá, bậy quá, và dốt quá!

Có đời nào ai lại cắt nghĩa chữ hưu số là "số tốt" và chữ hoang đường là "rộng lớn" bao giờ? Có sách nào, có từ điển nào cắt nghĩa chữ hoang đường là "rộng lớn", xin hỏi các ông?

Xin các ông chịu khó mà nghe tôi:

Đó không phải là "hưu số hoang đường" như các ông đọc bậy đâu, mà chính nó là "hưu sổ hoang đường".

Hưu sổ nghĩa là đừng kể. "Vương đào Trang xuân hưu sổ hoang đường" (         椿            ) nghĩa là: đừng kể chuyện hoang đường như chuyện cây đào của Tây Vương Mẫu và cây xuân của Trang Tử.

Giá phỏng các ông cắt được đúng nghĩa như tôi, là điều nầy cũng không đáng đem vào Từ điển, vì nó không phải là từ, huống chi các ông lại cắt nghĩa bậy nữa!

Các ông quả là to gan dám cắt nghĩa bậy một câu văn của vua Dực Tôn(**) mà đem in ra! Chớ nào viện đô sát ở đâu? Chớ nào các quan ngự sử ở đâu?

Chúng tôi chỉ trích như vậy, các ông chắc không còn chỗ nào cãi được nữa, các ông sẽ nói mềm mỏng rằng đó chẳng qua là bản thảo, còn đợi các nhà văn học phủ chính lại nữa.

Các ông nói phải! Chúng tôi chẳng có trách nữa làm chi.

Song le, chúng tôi chỉ lấy lòng chơn thành mà trách các quan Nam triều sao có chuẩn ra mỗi năm hai ngàn đồng bạc để cho các ông vẽ cua vẽ còng như vậy? Ừ! Tiền cứ ăn, viết bậy cứ viết rồi thiếu chi người phủ chính!

Người An Nam ta từ Nam chí Bắc chán biết cái dốt của các ông biên tập Hán Việt từ điển bây giờ, chẳng dấu làm chi; song các quan Nam triều nếu còn muốn giữ thể diện cho triều đình đôi chút thì nên chú ý đến việc nầy, kẻo ngoại quốc người ta cười lắm. Vì có lẽ các ngài không thèm ngó đến tập Hán Việt từ điển, không hề biết nó mặt ngắn hay mặt dài, song chúng ta biết rằng các ông cố đạo cho bộ sách ấy là quan hệ lắm, thường xem xét đến luôn.

                                                                                                                            C.D.

                                                                                            đăng trong mục "Câu chuyện hằng ngày"

                                                                                   Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.717 (8.5.1928)

-----------

* expression (tiếng Pháp): thành ngữ, từ tổ cố định;

** vua Dực Tôn (đúng ra là Dực Tông) tức là Nguyễn Phúc Thì tự Hồng Nhậm (1829-1883), lên ngôi Hoàng đế Đại Nam với niên hiệu Tự Đức (1848-1883), khi mất được đặt miếu hiệu Dực Tông.

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi