PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1928

 

Ba cái sử liệu tìm thấy trong sách đạo       

 

1.Việc ông Hồng Bảo

2.Giặc Lê Duy Minh

3.Nguyễn Đình Tân trả ơn cố đạo

 

Học giả nước ta bây giờ nếu muốn biết rõ việc trong nước gần một trăm năm nay, nghĩa là từ triều Nguyễn lại đây, thì thật cũng là khó thay. Những ông già bà cả đời bấy giờ chết hết rồi. Lịch sử các triều vua từ vua Gia Long nhẫn xuống thì còn cất kín trong sử quán, chưa chịu phát ra. Có chăng là một bộ Quốc triều chánh biên, toát yếu Cao Xuân Dục song là sách lược, đứt đầu đứt đuôi, chỉ xem cho biết sơ qua thì được, chứ không có đủ tài liệu cho ta nghiên cứu.

Mà lại, đã là sách của nhà vua làm ra thì thế nào biên chép cũng không được công bình, không được ngay thật, chưa chắc là tín sử.

Gặp phải sự khốn nạn như vậy, theo ở các nước thì đã nhờ có các bổn tư sử của học giả ở dân gian làm ra, để mà truyền bá cho nhau, để mà so sánh với sử của nhà vua. Song nước ta thì tuyệt nhiên không có những thứ tư sử ấy. Một là vì người mình tiếng rằng có học mà không mấy ai đủ tài trứ thuật. Hai là ví dầu có trí có tài đi nữa, cũng còn chớp gáy rùng mình dưới cái oai chuyên chế mà không dám cất bút viết liều. Bởi vậy trong sử giới nước ta mới khô khan đói khát như ngày nay.

Dầu thế nào nữa, bổn cận đại sử của nước ta rồi đây cũng phải có người làm, bổn sử ấy tất là phải cho tinh tường, phải cho chánh đáng. Người làm sử ấy chưa biết là ai, song chúng ta đây, ở vào khoảng thời đại nầy, cái trách nhiệm góp nhóp sử liệu (document historique) là thuộc về chúng ta. Nghĩa là chúng ta phải tìm những tài liệu nào có thể giúp cho nhà làm sử được mà chép dồn lại và in ra trên báo hoặc trong sách để truyền lại cho nhà làm sử về sau.

Muốn làm nổi công việc ấy, chúng ta phải có các thường thức về lịch sử, nhứt là phải có cặp mắt của nhà làm sử.

Có cặp mắt của nhà làm sử thì mới dễ tìm thấy tài liệu. Đại để như: những bổn phó ý của các họ ở Trung Nam Kỳ, bổn sổ chi tiêu việc làng đời Minh Mạng, Thiệu Trị, thì có ai ngờ rằng có sử liệu ở trong? Song lấy con mắt nhà làm sử mà xem thì trong nhiều bổn phó ý ấy có thể tìm ra cái gốc tích của dân tộc ta dời xuống phương nam; trong những bổn sổ ấy có thể tìm ra giá gạo, giá heo về đời Minh Mạng, Thiệu Trị. Con mắt cho tinh, gặp một cái gì đáng để ý là để ý thì hầu như đâu đâu cũng đều là sử liệu cả.

Nhơn tình cờ đọc một bổn sách của đạo Thiên Chúa, tôi thấy có mấy việc quan hệ với lịch sử cận đại của ta; vì nghĩ như trên kia, tôi bèn viết ra đây để cống hiến cùng độc giả, nhứt là cùng vị nào có chí về việc làm sử.

Bổn sách đạo đó tên là Truyện các Thánh tử vì đạo trong địa phận Tây đàng ngoài.

Tôi sẽ lục ra đây ba điều. Mỗi xong một điều thì tôi có lời phụ án để cho rõ hơn, hoặc để chữa lại những chỗ nào mà tôi biết chắc là họ lầm. Còn những chỗ khác thì cứ để vậy, tôi chưa tin vội mà cũng chưa đoán vội. Đợi đến chừng nào, hoặc chính mình tôi, hoặc người khác tìm ra đủ chứng cớ ở các nơi khác để so sánh với nhau rồi mới đoán định những chỗ ấy là chơn hay là ngụy được. Theo phép sử học phải làm cẩn thận như thế.

Ba điều dưới nầy tôi chép y theo nguyên văn. Chỉ bỏ bớt những chữ rườm rà và chỗ nào không gọn ghẽ mà thôi.

 

1. Việc ông Hồng Bảo

"Con cả vua Thiệu Trị là ông Hoàng Bảo sau cải là An Phòng thì hiền lành đần đận. Em ông ấy là Hoàng Nhậm là người sắc sảo giỏi giang đã lấy con gái ông Trương Đăng Quế làm vợ cả. Ông Quế là quan đại thần quyền nhứt trong triều thì mưu sự với quan khác mà bỏ ông Hoàng Bảo đi và đặt Hoàng Nhậm là chàng rể mình lên làm vua. Ông Hoàng Bảo là đích tử phải sự oan ức làm vậy thì phẫn chí quá, hằng tìm đường khởi ngụy. Ông ấy khuyến dụ kẻ có đạo dấy binh mà giúp mình đánh vua đánh triều, cùng hứa chẳng những là sẽ tha, không cấm đạo, mà lại chính mình ông ấy sẽ đi đạo và bắt cả nước đi đạo nữa. Bổn đạo thưa đức thầy Phan có nên nghe lời ông Hoàng Bảo chăng. Đức thầy cấm kẻ có đạo không được theo Hoàng Bảo, một phải trung với vua và trông cậy Đức Chúa Trời, không được rây vào việc ấy kẻo khốn.

"Ông Hoàng Bảo thấy mình không khuyên được kẻ có đạo thì sắm chiếc tàu lớn và quyết sang Phố Mới cầu Hồng Mao(*) phù giúp. Chẳng may, ngày mồng 4 tháng giêng năm Tự Đức tứ niên (1851) lúc mành sắp nhổ neo, thì quan đem binh xuống bắt được ông Hoàng Bảo cùng thủ hạ và khí giới nhiều lắm. Hoàng Bảo thấy mình phải bắt quả tang, thì toan tự vẫn, nhưng mà lính canh giữ không cho; vì vậy ông ấy phải tự hạ kêu van, xin vua thương thế nào thì nhờ thế ấy.

"Vậy khi lính điệu Hoàng Bảo đến trước mặt vua, thì ông ấy mặc áo tang, xổ tóc và bế con trai mình mới lên sáu tuổi, vừa đi vừa khóc hu hu. Đến trước mặt vua thì ông ấy quỳ sấp mặt xuống đất một lúc, đoạn ngẩng lên kêu ca chữa mình rằng: Không dám làm phản, song thấy đầy tớ bị bỏ, người ta khinh và mình ra hèn hạ một ngày một hơn thì tủi hổ quá, chịu chẳng được cho nên có ý lánh đi sang ở nước khác cho khỏi nhục nhã. Vua Tự Đức thấy anh mình khốn khổ thì động lòng thương, chẳng những là không giận ghét, không quở trách, mà lại yên ủi, nhận lấy con Hoàng Bảo làm con nuôi cùng hứa thương yêu nuôi nấng coi như con đẻ vậy. Rồi truyền lấy một trăm nén bạc và một trăm nén vàng cho Hoàng Bảo ngay bấy giờ.

"Ông Trương Đăng Quế là cha vợ vua Tự Đức vốn thâm hiểm độc ác lắm. Chính ông ấy bày nước mở lối cho Hoàng Bảo trốn sang Phố Mới cầu Hồng Mao phù giúp, để cho được dịp bắt tội Hoàng Bảo và làm cho ông ấy phải chết. Về sau Hoàng Bảo biết mưu thì sanh lòng ghét ông Quế quá sức và nói rằng: "Tôi không được làm vua một tháng một năm thì đành, song tôi chỉ ước ao chớ gì làm vua được một ngày hay là một trống canh để mà mổ thằng cha Quế lấy ruột gan nó ra ném cho chó ăn trước mặt tôi, thì tôi vui thỏa sung sướng là dường nào!"

"Ông Hoàng Bảo đã khởi ngụy cùng phải bắt và đã được tha, nhưng ông ấy chưa thôi, chưa yên đâu, lại còn viện đảng khuyến dụ, chẳng những là kẻ thứ dân, mà lại quan tư, ăn thề uống máu với nhau, và sai người sang Xiêm La, Cao Miên, xin hai nước ấy phù giúp. Cuối năm Tự Đức thất niên, có một chiếc tàu chiến vào cửa Thuận An. Chẳng may lúc ông Hoàng Bảo chưa kịp dấy binh thì có lão sư già tố giác mọi sự, ông Hoàng Bảo lại phải bắt làm một với những kẻ theo mình và phải tra tấn thì thú cả. Ông Hoàng Bảo phải án lăng trì; nhưng mà vua Tự Đức cải án ấy đi mà dựng án khác, cho ông ấy phải tù trọn đời. Vua truyền làm một cái nhà hẳn hoi lịch sự ở trong thành được giam ông ấy; song ông ấy phẫn chí buồn bực quá thì lấy giây màn(**) thắt cổ mà chết.

"Khi tra khảo những kẻ theo Hoàng Bảo khởi ngụy thì vua cùng các quan muốn cho nó khai kẻ có đạo, song chẳng có ai tiêu xưng cho người nào có đạo sốt; dầu vậy vua cứ nghi cứ ghét kẻ có đạo mà tìm thế lo cách cho được phá đạo..

 

Lời phụ án. - Ông Hoàng Bảo vốn tên là Hồng Bảo, vì là hoàng tử cho nên người ta gọi tắt là Hoàng Bảo. Nguyên đời Thiệu Trị, ông đã được phong là An Phong công, chứ không phải về sau mới cải là An Phòng.

Về sự bỏ ông Hồng Bảo mà lập vua Tự Đức, sách Quốc triều chánh biên toát yếu chép rằng: Khi vua Thiệu Trị ngặt mình, có đòi bốn ông đại thần là Trương Đăng Quế, Võ Văn Giai, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Hiệp mà trối rằng: "Trong các con trai của trẫm, Hồng Bảo tuy lớn mà là con thứ, vả lại ngu đần ít học, chỉ lo việc chơi bời, không thể làm vua được. Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm thông minh, ham học, giống trẫm, nên nối ngôi hoàng đế." Khi vua băng rồi, đình thần cứ theo lời di chiếu ấy mà lập vua Tự Đức lên".

Song dân gian tương truyền với nhau thì lại nói khác, nói rằng: ông Hồng Bảo người xẵng xớm(***) mà vua Tự Đức có tánh nhu mì. Bấy giờ ông Trương Đăng Quế đương triều, sợ lập Hồng Bảo lên thì có khi bất lợi cho mình, mà lập vua Tự Đức thì mình sẽ có công dực đới(****) và giữ vững nền phú quý. Nhơn lúc vua Thiệu Trị ngặt mình, di chiếu viết rồi mà chưa kịp điền tên ai nối ngôi thì vua vội băng. Khi ấy vừa Hồng Bảo và vua Tự Đức cùng vào vấn an, Trương Đăng Quế vội vàng chạy ra đón lấy mà nói rằng bây giờ Ngài đương ngự tãnh, xin hai đức ông tạm ra rồi một lát nữa sẽ vào hầu. Hai người sấp lưng đi ra thì Trương ngắt nhỏ vua Tự Đức ở lại, liền điền tên vua Tự Đức vào di chiếu. Đến chừng Hồng Bảo hay vua băng mà trở vào thì việc đã rồi. Sáng ngày ra thì tôn vua Tự Đức tức vị (*****).

Lời tục truyền lại còn nói rằng: Vua Tự Đức vốn là con ông Trương Đăng Quế, nhơn bà vợ ông Trương có thân trong nội cung, nên lúc hai đàng cùng mới đẻ thì đem mà tráo đổi, vì vậy ông ấy mới cố lập vua Tự Đức. Tình cờ hiệp với lời tục truyền ấy, ngoài Bắc lại có đồn rằng: Nguyên tổ quán ông Trương Đăng Quế ở huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương, ngôi mả tổ họ Trương ở đó tốt lắm, có thầy địa giỏi đã cho đất ấy là đất "Thiềm thừ quá hải, nhứt đại đế vương", và ngoài Bắc cũng có câu sấm rằng: "Gia Long tam đại, Vĩnh Lại vi vương", nghĩa là từ vua Gia Long nhẫn xuống ba đời thì họ Trương ở Vĩnh Lại lên làm vua. Tuy vậy, những lời tục truyền ấy đều là huyễn hoặc, không có thể nào mà tin được.

Nói rằng ông Trương Đăng Quế lấy ý riêng mình mà lập vua Tự Đức thì hoặc cũng có lẽ, song đến nói rằng vì có ông gia chàng rể thì quả là nói sai. Vua Tự Đức có ba bà phi: một bà Hoàng quý phi, con gái ông Võ Xuân Cẩn; một bà Thiện phi, con gái ông Nguyễn Đình Tân; một bà Khiêm phi, con gái ông Nguyễn Văn Bình, không có người nào là con gái ông Trương Đăng Quế cả. Sách đạo nầy chép chuyện ông Hồng Bảo chưa biết thực hư thế nào, song hơi rõ ràng một chút, không như sách Chánh biên toát yếu chép lược quá. Về năm Tự Đức thứ 7, sách ấy chỉ chép rằng "Hồng Bảo mưu nghịch, rồi tự thắt cổ mà chết, bị đổi họ là Đinh; con trai con gái của Hồng Bảo và người dự mưu là Tôn Thất Bật đều bị tước tịch" mà thôi.

 

2. Giặc Lê Duy Minh

Năm Tự Đức thất niên (1854), đàng ngoài không được yên, nhiều nơi có giặc, nhưng mà khi quan kéo quân đánh, thì những giặc ấy liền tan đi. Trong các tướng nổi lên đời Tự Đức có một người tên là Lê Duy Minh có tiếng hơn. Quê nội Minh ở Đôn Thư về xứ Sơn Miêng, mà quê ngoại là Nhân Ngư Thường, cũng về xứ ấy. Minh vào nhà thầy khi còn bé và học trường Kẻ Vĩnh đời cụ Tịnh. Đời ấy học trò nhà trường đến giờ chơi thì quen tập khiên, mộc, côn, gậy. Minh là người tầm thước, vừa khỏe vừa nhanh, và tài nghề võ lạ lùng, cả nhà trường chẳng những không ai địch được với chú, mà lại một mình chú đánh được cả nhà trường.

"Minh hay xưng mình là dòng dõi con cháu nhà Lê, mà có nhiều lần đã ngỏ ý mình muốn chiêu mộ quân để đánh vua đánh triều và tranh nước tranh quyền vua Tự Đức.

"Năm Minh học trường hai thì giả có việc cần mà xin về nhà quê. Độ ấy trong miền Sơn Miêng có giặc, vì vốn dân đàng ngoài không phục nhà Nguyễn; người ta mến cùng nhớ nhà Lê đã trị nước An Nam lâu đời và có lòng thương dân, mà nghe biết Lê Duy Minh là dòng dõi nhà Lê và là người anh tài thì có nhiều tướng đến thu phục và giục đứng đầu mở nước. Minh đắc ý đã toan dấy binh. Đức cha Liêu biết mà sợ kẻ có đạo mang tiếng đi làm giặc, rồi vua quan lấy lẽ ấy mà cấm đạo ngặt hơn, thì cho đi tìm Minh về Kẻ Vĩnh rồi gởi sang Hương Cảng ở nhà cố giữ việc và xin cố giữ chú ấy ở đấy đừng cho đi đâu.

Lê Duy Minh vâng lời Đức cha mà sang Hương Cảng và ở đó hơn hai năm, nhưng tìm thế tìm cách liệu việc mình đã quyết làm, đoạn khi nghe tin Tây đã sang đánh nước An Nam thì trốn về Gia Định mua khí giới thuê tàu bè ra Hải Phòng. Có tên Nhân cũng là học trò nhà trường Kẻ Vĩnh đi với. Lê Duy Minh xưng mình là minh chủ mà Nhân thì tên là Hoàng hai. Cả và hai đổ bộ ở đất Hải Dương, dụ được nhiều tướng và mộ được nhiều quân đánh và lấy được mấy phủ huyện và vây tỉnh Hải Dương nữa. Các quan triều và chính ông Nguyễn Đình Tân là Tổng đốc Nam Định lấy nhiều quân cùng lấy cả những người có đạo đã xuất giáo, người ta quen gọi là "binh hướng hóa" mà đi đánh giặc Minh chủ, song chẳng những là không đánh được mà lại thua ba bốn trận và phải chạy. Chẳng may ngày sau các tướng ra bất bình, không hợp một ý cùng nhau, cho nên quân Minh chủ tan đi và ông ấy trốn lủi đâu mất tích không ai biết đi đàng nào. Còn Hoàng hai thì phải bắt trong Nghệ An và đóng cũi giải qua Nam Định ra Hải Dương rồi phải xử ở đấy."

Lời phụ thêm: Về việc nầy, sách Quốc triều chánh biên toát yếu có chép khá nhiều song không nói tường tất về Lê Duy Minh như trên kia; và lại nói tên Lê Duy Minh ấy là tên giả mạo.

Về tháng chạp năm Tự Đức thập tứ, sách ấy chép rằng: "Giặc biển tỉnh Quảng An nhóm nhau ở các miền biển phủ Hải Ninh, châu Tiên An, đánh cướp các dân cư dưới nước và trên bộ". Và có chua thêm rằng: "Cố đạo tên là Trường làm mưu chủ, tên Tạ Văn Phụng làm minh chủ, tên Phụng nầy mạo xưng là Lê Duy Minh, con cháu nhà Lê, lại có tên Ước tên Độ đều làm cừ mục. Bọn giặc nầy về sau quán thông với các quân thổ phỉ ở Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nghệ An."

Theo sách Chánh biên toát yếu nói đó, cũng không có tên Nhân tức là Hoàng hai nữa.

Sách ấy còn chép như dưới nầy:

"Qua tháng giêng năm sau, Tự Đức thập ngũ, vua sai Nguyễn Đình Tân hiện làm Tổng đốc Định An sung vào chức Hải An Kinh lược đại thần đi đánh giặc biển ấy, kế đó Đình Tân bị triệt về."

Sử không nói rõ tại cớ gì Nguyễn Đình Tân bị triệt, song chắc là tại bị thua chạy như sách đạo đã nói.

"Tháng năm, giặc biển vây tỉnh thành Hải Dương. Vua sai Trương Quốc Dụng làm Thống đốc quân vụ đại thần, Phan Tam Tĩnh làm Tổng đốc, Đặng Hạnh, Lệ Xuân làm Đề đốc, đem binh Thanh Nghệ ra đánh; lại sai Đào Trí ra làm Hải An Tham tán đại thần, kéo quân đóng tại cửa đường Hàn ra Bắc.

"Tháng sáu, giặc vây tỉnh thành Quảng An.

"Tháng bảy, Trương Quốc Dụng, Đào Trí từ Hưng Yên đem binh xuống, lấy lại phủ Bình Giang. Tháng tám, giải vây cho tỉnh thành Hải Dương.

"Tháng mười một, quan quân đánh với giặc tại Nam Sách, Kinh Môn, thắng luôn mấy trận, bèn kéo luôn đến giải vây cho tỉnh thành Quảng An, Lê Duy Minh, tên Ước, tên Độ đều chạy ra đóng tại núi Đồ Sơn và đảo Cát Bà.

"Tháng năm, năm Tự Đức thập lục, giặc biển vẫn cứ các hòn đảo, vua sai Nguyễn Tri Phương làm Tổng đốc Hải An Quân vụ đại thần, đổi Trương Quốc Dụng làm Hiệp thống đại thần, dụ cho hai người hiệp đồng tấn tiệu.

"Tháng chín Đề đốc Lê Quang Tiến, Tuần vũ Bùi Huy Phan kéo quân đến tận sào huyệt của giặc, bị giặc giáp công, hai người đều nhảy biển mà chết.

"Tháng sáu, năm Tự Đức thập thất, quan quân đánh với giặc tại Hà Bắc, La Khê, bị thua to, Hiệp thống Trương Quốc Dụng, Tán lý Văn Đức Khuê, Tán tương Trần Huy Sách đều bị chết.

"Tháng bảy, vua sai Trịnh Lý Hanh ra hội đồng với các quan quân thứ Hải An thuê tàu khách để đánh giùm giặc biển.

"Tháng ba, năm Tự Đức thập bát, giặc đem hơn ba trăm chiếc chiến thuyền từ đảo Cát Bà vào đánh, Nguyễn Tri Phương sai Nguyễn Văn Vĩ xuất tàu khách cự địch, giặc bị thua chạy. Kế đó, giặc lại vào đánh sông Cấm, quan quân thua chạy, Thống chế Nguyễn Doãn bị giặc bắt được và giết chết.

"Tháng năm, giặc vào đánh các đồn Quỳnh Lâu, An Trì, thuộc địa phận Quảng An, Tán lý Đặng Trần Chuyên đuổi được luôn mấy trận. Đốc binh Ông ích Khiêm lại đánh với giặc ở Vị Dương được đại thắng.

"Tháng bảy, Đặng Trần Chuyên và Ông ích Khiêm đánh với giặc, đại thắng tại Hải Ninh.

"Tháng tám, quan quân đánh thắng giặc tại sông Gia Luân. Tên Phụng tên Ước chạy trốn vào miền biển Thanh, Nghệ, tên Sắt tên Vinh chạy trốn ở các đảo. Nguyễn Tri Phương bắt được Đô thống giặc là Phan V. Khương và bọn tên Oánh. Tri Phương bèn chém tên Oánh, còn tên Khương thì đóng cũi giải về kinh."

Ấy là yên giặc Lê Duy Minh. Kể ra gần bốn năm mới yên được.

Theo sách nầy, quan quân không bắt được Lê Duy Minh tức là Tạ Văn Phụng, và cũng không biết được y hạ lạc nơi nào.

Sách đạo nói: "Minh nghe tin Tây đã sang đánh nước An Nam v.v.". Câu ấy đúng lắm. Vì trong ba năm Tự Đức thập nhị, thập tam, thập tứ, quân Pháp đã kéo đến đánh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, là ba tỉnh phía bắc Nam Kỳ, và đến tháng tư năm Tự Đức thập ngũ, nước Pháp chiếm lấy ba tỉnh ấy, mà trong tháng chạp năm Tự Đức thập tứ thì Lê Duy Minh dấy binh tại Hải Dương.

 

3. Nguyễn Đình Tân trả ơn cố đạo

"Thầy già Tịnh đã phải bắt vì đạo rồi cầm tù tại Hà Nội, từ Thiệu Trị nguyên niên cho đến Thiệu Trị thất niên. Năm ấy vua cải án người phải lưu chung thân vào tỉnh Phú Yên. Có một thầy cả là cụ Khánh, cũng phải lưu trong ấy với người.

Đến Huế phải ở lại non hai tháng chờ những tù khác cùng đi. Có một người đã có tuổi, trước làm quan lớn, sau cáo về nhà phục dược(*), vì đau mắt hầu hư mất một mắt. Ông ấy nghe hai cụ qua đấy thì đến xin thuốc. Hai cụ bảo rằng: Chúng tôi chỉ chuyên một việc giảng đạo, không học thuốc, không biết làm thuốc. Song ông ấy không tin, một cứ kêu van xin thương đến mình đang lúc bệnh tật khốn nạn làm vậy. Cụ Tịnh biết năm ba bài gia truyền thì kê cho ông ấy một bài, rồi đọc kinh cầu nguyện xin Đức Chúa Trời cho đã. Ông ấy uống, không đến hai mươi ngày thì khỏi tật.

"Tiếng quan ấy khỏi chứng đau mắt đồn ra trong các phố Huế, nhứt là trong các quan làm việc trong bộ thì ai cũng khen thuốc bên đạo thật hay và cho hai cụ là thầy cao tay.

"Khi đó có ông ngự sử còn thanh niên và giỏi giang tên là Nguyễn Đình Tân, cũng phải đau mắt đã kinh niên, uống thuốc nào không khỏi, nghe biết hai cụ đã chữa quan kia thì cũng đến xin thuốc nữa. Cụ Tịnh kê cho ông ấy một bài. May thay ông ấy uống thì cũng chóng khỏi nữa. Nguyễn Đình Tân thấy mình khỏi thì mừng rỡ biết là dường nào, liền đem mười một nén bạc, hai đôi vòng tay bạc và một cân chè tạ ơn, nhưng mà hai cụ không lấy. Cụ Tịnh nói rằng: Bẩm lạy quan lớn, chúng tôi được thấy quan lớn khỏi khổ nạn thì lấy làm mừng, song chúng tôi làm thuốc không có ý lấy tiền, một có(******) ý làm phúc cho những kẻ khốn khó, cho nên không dám lấy tiền bạc của quan lớn; còn chè quan lớn ban thì chúng tôi xin phụng lãnh cho bằng lòng quan lớn. Quan lớn đã biết chúng tôi không có tội gì, không có ăn cắp, thiêu gia, sát nhơn, không làm giặc, làm ngụy, phép vua phép triều bắt tội chúng tôi vì chúng tôi theo đạo Thiên Chúa mà thôi. Quan lớn còn thanh niên giỏi giang ắt là ngày sau sẽ được tiến chức thì đã chắc. Khi quan lớn đi trọng nhậm tỉnh nào, thì xin thương kẻ có đạo với. Chúng tôi xin quan lớn một điều ấy mà thôi. Nguyễn Đình Tân xin vâng cùng lấy trời đất mà thề mình sẽ giữ điều ấy chẳng dám sai.

"Cuối năm ấy thì vua Thiệu Trị băng, vua Tự Đức tức vị, ban ơn đại xá cho các kẻ lưu đồ được về; cho nên thầy già Tịnh cũng về.

"Sau cụ Tịnh chịu chức thầy cả và làm bề trên trường Kẻ Vĩnh, từ cuối năm Tự Đức nhị niên (1849) cho đến Tự Đức ngũ niên (1852). Trong lúc đó, Nguyễn Đình Tân, cụ đã chữa cho khỏi đau mắt ở trong Kinh hai ba năm trước, ra làm Tổng đốc Nam Định. Cụ Tịnh biết thì ra hầu ông ấy. Ông ấy lấy làm mừng và tỏ ra lòng trọng cụ lắm, ở với người hết tình đến nỗi mời cụ ăn cơm một mâm với mình. Độ ấy đức cha Liêu có ý cho nhà trường Kẻ Vĩnh được vững chắc, mà thấy cụ Tịnh đắc thế với quan thượng làm vậy, thì bảo người kêu với quan thượng xin một cái tờ ban phép cho người được lập trường dạy chữ nho và thuốc ở Kẻ Vĩnh. Quan thượng cho tờ như cụ xin, cho không chẳng lấy tiền bạc gì, lại đóng dấu công hàm vào tờ ấy trộm vụng, chẳng nói với quan bố và quan án sát. Trong tờ ấy nói rằng: Cho đạo đồ Tịnh được phép lập nhà trường ở Kẻ Vĩnh mà dạy học kiếm ăn; lại cũng nói rõ cụ Tịnh là đạo đồ đi lưu về nữa. Quan thượng vốn biết ơn cùng giữ nghĩa với cụ Tịnh và một năm hai ba lần mời người ra chơi. Cụ Tịnh ra lần nào thì quan thượng xử tử tế cùng thiết đãi lịch sự lắm. Quan thượng vị nể cụ Tịnh đến nỗi có nhiều kẻ nói rằng: Ông ấy đã xin cụ kể cho mình sổ những làng có đạo, những nơi có nhà chung, nhà trường để ông ấy giữ, không cho các quan khác đến khám, hay là khi không có thể giữ được thì ông ấy báo tin cho những làng ấy biết trước mà chạy những đồ quốc cấm.

Năm Tự Đức thập niên, cụ Kỳ và cụ Hảo mở lễ trọng ở Phát Diệm, dựng nhiều cột đèn, kéo nhiều cờ, lại mở đám đua vật đấu gậy, cho nên lừng tiếng. Có kẻ cáo với các quan Ninh Bình rằng các cố đạo mở cờ khao quân. Các quan được tin, liền đem nhiều binh vây làng Phát Diệm và nã hai cụ. Các quan lại tư cho quan tỉnh Nam Định xin đi vây làng Vĩnh Trị để bắt cố đạo, vì làng Vĩnh thuộc tỉnh Nam Định.

"Quan thượng Nam Định là ông Nguyễn Đình Tân cũng gọi là thượng Hưng được tờ tư làm vậy thì cho đòi một người có đạo ở ngoài phố tên là lang Trinh vốn làm thuốc cho quan thượng, mà bảo rằng: Nay có tờ Ninh Bình tư phải đi vây nã Vĩnh Trị; hãy liệu đem tin cho thầy Tịnh ngay để thầy ấy chạy các đồ Tây và các đồ quốc cấm kẻo ngày mai có tỉnh phái, phủ phái về vây mà bắt được những đồ ấy thì rầy lắm. Ông Trinh cho tin về ngay, nhưng kẻ đem tin đi dọc đường phải bệnh, không đi được.

"Hôm sau, thông phán Trứ và quan phủ Nghĩa Hưng đem quân về vây làng Vĩnh. Đức cha và các cố nghe tin thì trốn hết, chỉ cụ Tịnh ở lại nhà trường, ra hứng hết mọi việc. Các quan hỏi cụ Tịnh, rồi lấy tờ của quan thượng cho ngày trước, và giải cụ về phủ Nghĩa Hưng, đoạn đem ra tỉnh.

"Cụ Tịnh và quan quân đi rồi, thì đức cha Liêu lại về nhà, sai ngay cụ Thu ra tỉnh cho được trình quan thượng các việc và lo liệu cho cụ Tịnh được về. Độ ấy quan thượng sắp ăn mừng lục tuần. Cụ Thu đi cả đêm đến sáng mai vào lạy quan thượng mà thưa rằng: Bẩm quan lớn, thầy Tịnh tôi mới phải bắt, nay tôi ra kêu quan lớn liệu việc ấy cho. Quan thượng bảo rằng: thầy yên lòng, đừng lo, ta sẽ liệu việc ấy được, mà thầy Tịnh chẳng phải nao. Thầy ấy lên tỉnh thì sẽ ăn mừng cùng ta nhân thể cũng hay, mà thầy ấy đừng về Vĩnh Trị nữa. Cụ Thu thấy quan nói chắc làm vậy thì đưa tin ấy về Vĩnh ngay.

"Cụ Tịnh ở phủ một đêm, sáng mai, phán Trứ điệu cụ ra tỉnh. Phán Trứ đem tờ quan thượng đã ban cho vào trình quan thượng. Quan thượng thấy tờ, biết mình đã mắc, cho nên không cho cụ vào, lại bảo rằng: Ta yếu nên đem cụ sang bên án. Quan án hỏi sơ rồi dạy giam cụ trong trại lá.

"Đến chiều, quan thượng quan bố quan án hội đồng hiệp nghị đòi cụ Tịnh ra công đường. Phán Trứ đưa tờ quan thượng đã ban cho cụ Tịnh ngày trước cho quan án. Quan án xem rồi đưa cho quan bố. Quan bố xem tờ ấy đoạn cầm trong tay, nhắc lên nhắc xuống và cười mà nói rằng: Quân kẻ Bưởi(1) làm giấy nặng lắm. Quan nói làm vậy có ý nói bóng rằng đã phải mất nhiều tiền bạc cho được lãnh tờ ấy.

Quan thượng thấy quan bố nói làm vậy thì ra điệu buồn cùng sa mặt xuống. Rồi quan hỏi cụ một câu rằng: Thầy có khóa quá(2), thì tôi sẽ tha cho thầy về an nghiệp. Cụ Tịnh cũng thưa lại vắn tắt rằng: Bẩm quan lớn, tôi là trưởng đạo mà tôi khóa quá, thì còn kể là trưởng đạo làm sao được? Xin quan lớn cứ chiếu luật làm án cho tôi, vì tôi thà chết chẳng thà khóa quá. Sau còn hỏi và dỗ cụ mấy lần, song cụ cứ một mực bất khấng(*******). Quan bèn dạy cụ khai tờ, cụ khai rằng mình vốn đi đạo Thiên Chúa cùng đi học La-tinh khi còn bé. Sau bị bắt giam bảy tám năm cùng đã phải phát lưu. Đến năm Tự Đức nguyên niên, nhờ ân xá được về. Khi đã về thì lại đi học và được lên làm trưởng đạo.

Quan thượng xem tờ khai thì bảo cụ đừng nói mình làm trưởng đạo, vì nói câu ấy ra thì quan không gỡ được. Nhưng cụ xin quan thượng cứ chiếu luật làm án, còn về tờ khai thì cụ không thể chữa cho hiệp ý quan được. Các quan thấy người cứ khăng khăng một mực thì làm án cho người.

"Quan thượng nhớ nghĩa xưa thì làm hết sức cho được cứu người, mà không thể cứu được. Chính quan thượng dựng án cho cụ, không để nhà cơ làm. Quan làm án xin mi giam(**) cụ tại Nam Định, song vua không y án mà cải là tức hành trảm quyết. Vậy cụ phải giam 38 ngày thì bị xử".

Lời phụ án -- Xét sách Đăng khoa lục, ông Nguyễn Đình Tân người làng Phước An, thuộc hạt Thừa Thiên, đậu cử nhơn khoa ân Tân Tị, năm Minh Mạng nhị niên. Nguyên tên ông là Hưng, cho nên trên kia có nói rằng "cũng gọi là quan thượng Hưng".

Sách đạo nầy nói năm Thiệu Trị thất niên, cụ Tịnh bị đày vô Phú Yên, bấy giờ ông Nguyễn Đình Tân đương làm Ngự sử; rồi từ Tự Đức nhị niên đến ngũ niên, cụ Tịnh làm bề trên trường Kẻ Vĩnh thì ông Nguyễn Đình Tân đã làm Tổng đốc Nam Định, chỗ ấy khả nghi. Vì mới trong ba bốn năm mà từ Ngự sử làm đến Tổng đốc thì hồ như không có lẽ. Vả lại, nói rằng Tự Đức thập niên ông Nguyễn Đình Tân ăn mừng lục tuần, thì trước đó mười năm là năm Thiệu Trị thất niên ông Nguyễn Đình Tân đã 50 tuổi rồi sao lại nói là đương còn thanh niên? Những chỗ nầy chắc là sai lầm.

Tra sách Chánh biên toát yếu thì đến năm Tự Đức thập ngũ mới thấy nói đến ông Nguyễn Đình Tân đương làm Tổng đốc Nam Định.

Đời Thiệu Trị và Tự Đức sơ niên, triều đình cấm cố kẻ có đạo và giết đi nhiều lắm, song sử Chánh biên toát yếu đều bỏ đi mà không chép lấy một việc nào. Chúng ta xem điều nầy thì biết tình hình bấy giờ được một ít.

Nguyên văn chép hay lắm, về cái thái độ của ông Nguyễn Đình Tân và cụ Tịnh ra như hệt.

 

                                                                                                                                     C.D. 

                                                                    Đông Pháp thời báo,Sài Gòn, s.716(5.5.1928);s.719(12.5.1928);

                                                                            s.721 (19.5.1928);  s.724 (26.5.1928); s.726 (2.6.1928)

(1) làng Bưởi ở gần Hà Nội, chuyên làm nghề giấy (nguyên chú của PK); (2) Khoá quá tức là khoá quá thập tự, nghĩa là bước qua thập tự giá(nguyên chú của PK) .

* Hồng Mao: trỏ người Anh; ** bản gốc in là giây màu, chắc có in sai, ở đây sửa lại; *** xẵng xớm: gay gắt, không dịu dàng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.); *** công dực đới: công tôn phò một ngôi vua; **** Xung quanh sự kiện này có thể tham khảo: Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 (bản dịch chữ Việt, Hội Sử học Việt Nam xb (in lần 2), Hà Nội, 1993; nhất là chương IV: Tự Đức: một quyền thừa kế chính thống bị tranh cãi,tr. 168-193; ***** phục dược: uống thuốc; ****** một có; chỉ có; ******** bất khấng: như bất khứng, nghĩa là không chịu

 

 Trở về mục lục Trang Phan Khôi