Tuổi Canh Tý viết về con chuột 

  Phan Trọng Hoàng Linh

 

 

Trong thế hệ những nhà văn tuổi Tý đương thời, Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật (ông sinh năm 1960). Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân năm Canh Tý 2020, hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây một thập kỷ.

SBC là săn bắt chuột[1] được nhà xuất bản Trẻ ra mắt lần đầu năm 2011, tái bản nhiều lần vào các năm 2012, 2014, 2016. Nội dung cuốn sách được bố cục thành các chương, tên mỗi chương lại khuôn định phạm vi trong một loại người, như “ai quá lứa lỡ thì”, “ai sợ chuột”, “ai báo chí văn thơ”, “ai giàu xổi”, “ai làm luật”, “ai giáo sư”… Không ít độc giả dễ cảm tưởng đây là một văn bản trào phúng mượn chuột nói người, hướng ngòi bút phê phán vào bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Nếu xem cuộc chiến giữa người và chuột trong tác phẩm như một trục nguyên cớ để từ đó tác giả mở ra các mảng hiện thực đời sống và con người, thì cách hiểu trên không sai. Và quả thực, đó cũng là một trong những chiến lược tự sự quen thuộc của Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, với cách hiểu ấy, khó đánh giá hợp lý vai trò của hệ thống nhân vật chuột trong tác phẩm. Tôi đề xuất một cách đọc khác có thể khắc phục hạn chế nêu trên, đồng thời mở ra những lớp nghĩa mới từ góc nhìn của phê bình sinh thái. Lúc này, cảm hứng phê phán xã hội vẫn được thừa nhận, nhưng với tư cách là chất liệu cho một tầng nghĩa cao hơn.

Từ mã văn hóa, hình ảnh con chuột đã xuất hiện bên cạnh con người từ thuở sơ khai với tư cách một biểu tượng lưỡng tính, đa trị. Trong văn hóa Hy Lạp cổ, thần Apollon còn có tên khác là Sminthée, một chữ phái sinh mà dạng thức gốc của nó nghĩa là con chuột. Tính hai chiều của cái tên này được thể hiện qua quyền năng của vị thần, vừa là đấng bảo vệ mùa màng, vừa là thế lực lan truyền dịch hạch[ii]. Ở nhiều nền văn hóa lớn khác trên thế giới, các cực giá trị đối lập của biểu tượng chuột như  phá hoại - có ích, nhục thể - thiêng liêng, đáng khinh - đáng phục, đáng sợ - vui tươi… thường xuất hiện biệt lập qua những mẩu chuyện được lưu truyền rải rác trong thư tịch cổ và con đường truyền khẩu dân gian. Hồ Anh Thái gom tất cả nét nghĩa ấy vào tác phẩm, nhưng tái cấu trúc và bổ sung sắc thái mới. Như nhan đề, cuốn sách kể về chuyện… săn bắt chuột, đúng hơn là cuộc chiến giữa chuột và người, mà căn nguyên là motif quen thuộc, “loài vật báo oán”. Để trả thù nhân loại, Chuột Trùm phát động dị năng: ai nhìn vào mắt nó sẽ rơi vào trạng thái mất trọng lượng, cơ thể như một quả bóng bay lơ lửng lên trời. Căn bệnh này có thể lây lan trở thành đại dịch. Muốn giải cứu nạn nhân, chỉ có cách duy nhất là giết chết Chuột Trùm. Cuộc chiến bắt đầu. Đôi mắt Chuột Trùm có hiệu năng như một lời nguyền, nhưng đáng chú ý, đó luôn là đôi mắt u sầu.

Đôi mắt trở thành một tín hiệu thẩm mỹ, và để giải mã, cần khám phá được cách thức mà Hồ Anh Thái đã tái cấu trúc các nét nghĩa sẵn có của biểu tượng chuột trong văn hóa dân gian. Lúc đầu, hình ảnh con chuột hiện lên thật kinh dị. Đàn chuột nhung nhúc hàng trăm con, được tổ chức như một vương quốc thu nhỏ. Mỗi lần chúng di chuyển, người ta cảm giác như một dòng sông chuột. Có những cá thể to như con chó nhờ rỉa thịt tử thi ở nhà xác bệnh viện, rỉa thịt thai nhi bị vứt ở các bãi rác y tế. Có những con đã thành tinh, có khả năng báo mộng cho người, hoặc giết người bằng phép thuật… Nếu dừng ngang đó, hành trình diệt chuột chỉ là cuộc phiêu lưu đậm chất huyền ảo, như một hướng sáng tác khá nổi ở nước ta trong mấy năm gần đây. Thế nhưng, cảm nhận ban đầu ấy chỉ nằm trong dụng ý của Hồ Anh Thái nhằm đánh lạc hướng độc giả. Qua những biến cố của cuộc chiến, người đọc chạnh lòng nhận ra, thế giới loài chuột còn đầy ắp cả những phẩm chất cao đẹp, đáng kể nhất là tình đồng loại và đức hy sinh. Với nhà văn, đó hoàn toàn không phải quá trình phục thiện theo chuẩn mực đạo đức của con người, mà là phẩm chất vốn có tự nhiên của con vật.

Bức tranh thế giới loài chuột lại luôn được đặt trong thế song hành, tương phản với thế giới nhân loại mà tác giả cố ý phơi bày ở những chiều kích mục nát, u tối của đủ hạng người. Vợ chồng nhà chuột chung thủy sắt son thì Giáo Sư hăm hở hùng hục bạ đâu húc đấy. Vua tôi nhà chuột gắn kết bằng nghĩa bằng tình thì bè lũ Cốp, Kễnh, Đại Gia cấu kết bằng quyền bằng lợi. Chuột Trùm đổi mạng cứu hiền thê thì Luật Sư đẩy mẹ đẻ ngã từ ban công sân thượng để tiếm đoạt gia sản… Sự đối sánh ấy không hẳn chỉ để toát lên vẻ chua chát về tình trạng thoái hóa đạo đức khiến con người trở nên thua kém loài vật. Chủ yếu, đó là phản đề cho thứ  ý niệm mà các nhà phê bình sinh thái gọi là chủ nghĩa nhân loại trung tâm. Nó đánh thẳng vào tín điều cho rằng con người là trung tâm vũ trụ, là kết tinh của vẻ đẹp tự nhiên.

Con người hiện đại đang vi phạm những chuẩn mực làm người, nhưng ngay bản thân những chuẩn mực ấy, không phải điều nào cũng thật sự phù hợp với lý tưởng của tự nhiên. Chúng ta nhớ lại, sự kiện đầu tiên làm nảy sinh lý do cuộc chiến: bãi lầy mà nhân vật Đại Gia đang cho người tiến hành san lấp để xây dựng chuỗi căn hộ cao cấp vốn là nơi cự ngụ của đàn chuột do Chuột Trùm thống lĩnh. Hồ Anh Thái mượn tích con rắn báo oán, thay rắn bằng chuột, tạo thành nguyên cớ cho truyện kể. Nhưng nếu trong tích cổ dân gian, hiện tượng kết oán có thể chỉ như một tình huống ngẫu nhiên dẫn đến kết cục oan nghiệt cho các số phận, thì khi được đưa vào tiểu thuyết, nó trở thành một sự kiện biểu hiện ý thức sinh thái hiện đại: đồng nghĩa với sự mở rộng không gian sinh tồn của nhân loại là sự tranh cướp không gian sinh tồn của rất nhiều giống loài khác. Sự phát triển của văn minh nhân loại đang xa dần con đường hòa hợp với thiên nhiên. Cạnh tranh để sinh tồn là khó tránh khỏi, nhưng nên ý thức được, hòa hợp để sinh tồn mới là chuẩn mực tự nhiên cao nhất.

Ngay cả những cảm giác rùng rợn về bầy chuột đoạn đầu tác phẩm cũng cho thấy một sự áp đặt cái nhìn phiến diện của con người lên thiên nhiên. Hồ Anh Thái đã giải cấu trúc sự áp đặt ấy. Chúng ta ghê tởm những con chuột ăn thịt người mà quên rằng ai đã “nuôi” chúng. Rất nhiều quốc gia châu Phi đến tận ngày nay vẫn duy trì nghi lễ cắt âm vật của bé gái ở tuổi dậy thì. Kết hợp với thứ hủ tục man rợ này, người ta sử dụng loài chuột nhắt vào việc bói toán bằng cách cho chúng ăn phần âm vật vừa bị cắt, với niềm tin là từ giới tính của con chuột có thể dự báo giới tính của đứa bé được sinh ra bởi thiếu nữ ấy. Chúng ta kinh sợ những con chuột to bằng con chó mà quên rằng rất nhiều biến thái kỳ dị của thiên nhiên là do con người gây ra. Đã có lời đồn về những con chuột to bằng con lợn do nhiễm phóng xạ trong thảm họa Chernobyl.

Ánh mắt nguyền rủa của Chuột Trùm lên con người không thuần túy chỉ là một ý chí trả thù, hơn thế, đó là hình phạt cho những vết thương vô phương cứu chữa mà con người vẫn đang từng ngày khoét sâu lên thân thể Mẹ Tự Nhiên. Chuột Trùm là hình ảnh ẩn dụ cho sức mạnh và thân phận của tự nhiên. Do đó, ánh mắt của nó không đanh ác, mà u sầu. Thiên nhiên trừng phạt con người bằng chính cái chết của thiên nhiên. Sắc thái u sầu là một dấu ấn sáng tạo của Hồ Anh Thái cho hình tượng con chuột trong văn hóa và văn học Việt Nam.

Kết thúc tác phẩm, Chuột Trùm bị giết, lời nguyền được phá bỏ. Con người lại tiếp tục chiến thắng trong một trận chiến tranh giành không gian sống với tự nhiên. Nhưng chốt khung ở hai đầu truyện kể là trận lụt mở màn và trận hạn hán kết thúc, gợi nhớ những đại thảm họa khủng khiếp từng được nhắc đến trong truyền thuyết của rất nhiều tôn giáo và dân tộc trên thế giới, nhằm răn đe tội lỗi của con người. Chiến thắng nhất thời ấy chỉ là sự quẫy đạp trong phút chốc của nhân loại trước bờ vực diệt vong không còn xa nữa.

Nếu Hồ Anh Thái là cao thủ trong trò chơi cấu trúc văn chương, thì SBC là săn bắt chuột là tiểu thuyết thành công bậc nhất của ông ở phương diện này. Nó kết hợp hai kiểu cấu trúc truyện kể mà trước đó Hồ Anh Thái thường sử dụng. Kiểu thứ nhất tạm gọi là song hành – đồng đẳng như trường hợp Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007). Tác giả tạo thành hai tuyến truyện kể phát triển song song, soi chiếu vào nhau để bật lên ý nghĩa, không có sự lệ thuộc một chiều của tuyến này vào tuyến kia, và không có tuyến này thì sự hiện diện của tuyến kia trở nên vô nghĩa. Kiểu thứ hai là phân mảnh – phụ thuộc như trường hợp Cõi người rung chuông tận thế (2002), hoặc gần đây là Tranh Van Gogh mua để đốt (2018). Một tuyến đóng vai trò trục chính, từ đó tỏa ra các tuyến truyện kể liên quan đến từng nhân vật. Trục chính được tạo dựng dựa trên một nhân tố bí ẩn theo kiểu của truyện trinh thám, neo giữ toàn bộ các mẩu chuyện nhỏ như những mảnh ghép về thế giới hiện thực. Mỗi mẩu chuyện lại gần như đều có năng lực “độc lập tác chiến”. Đây là cách Hồ Anh Thái làm chủ kỹ thuật phân mảnh. Về chiến lược tự sự, SBC là săn bắt chuột thuộc về kiểu cấu trúc thứ hai, nhưng xét về tương quan vai trò giữa tuyến chuột và tuyến người trong việc bộc lộ ý nghĩa, nó lại thuộc về kiểu thứ nhất. Việc tạo thành một cấu trúc như vậy, nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi được cụ thể hóa trong sự hợp nhất với các yếu tố cấu thành chỉnh thể nghệ thuật thì rất dễ đẩy tác giả lạc lối trong mê trận của chính mình. Hồ Anh Thái thành công, bởi đã tạo ra được một văn bản truyện kể theo đúng tôn chỉ mà cá nhân ông theo đuổi: logic, sáng rõ và lôi cuốn.

Năm Canh Tý 2020, vậy là Hồ Anh Thái đã đi hết một vòng hoa giáp nhân sinh. Với văn chương, gia tài của ông đã thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng qua vài tác phẩm gần đây, tôi dự cảm, một chặng mới trong hành trình sáng tạo của ông sắp sửa bắt đầu. Ông đã gác bỏ bổn phận của một công chức để quy tụ nhiệt huyết và tinh lực cho những chuyến đi, không chỉ trên nẻo đường của chữ. Còn đi là còn viết. Viết, như một phương cách hiện hữu giữa đời…

 

Nguồn: tạp chí Sông Hương,

xuân Canh Tý



[1] Hồ Anh Thái (2011), SBC là săn bắt chuột, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[ii] Jean Chevalier & Alain Gheerbrant (2015), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (tái bản lần thứ 3), Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.