Nguyễn Trung

Cái trật tự của sự hỗn mang

 

tặng Cao Huy Thuần 

 

 

 

          Mấy ngày qua, anh Trần Hữu Dũng gửi cho tôi đọc bài “The Fate of a Century” (tạm dịch: Số phận của một thế kỷ) của một học giả Pháp nổi tiếng Pierre Hassner. Thú thực, khá lâu rồi tôi mới đựơc đọc một bài có chiều sâu và đánh giá khách quan về tình hình thế giới trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21 – đương nhiên tác giả đứng trên quan điểm của mình, một người phương Tây, vì ai có thể đứng trong không trung chân không đụng đất đầu không tới trời mà nói?

 

          Tôi chỉ muốn tóm bài này trong một câu: Thế giới chúng ta đang sống là cái thế giới đang chuyển biến từ trật tự của chiến tranh lạnh sang trật tự thế giới đa cực - với tốc độ, cường độ và phương thức vận động chưa hề có; toàn bộ sự vận động này là một trật tự của mất trật tự có nhiều kịch tính.

 

          Đọc xong, ngay tức khắc, một cái ba-toong gõ vào đầu tôi:

 

-        “Còn mi, mi nhìn nhận thế giới hôm nay như thế nào?”

 

Phải, nhìn nhận cho ra cái thế giới chúng ta đang sống luôn luôn là câu hỏi nóng bỏng. Tôi thừa nhận như vậy, nhất là vào thời điểm nước ta đang đứng trước cơ hội ngàn vàng cũng như đang đối mặt với những thách thức khôn lường.

 

Trong thế giới này, tất cả vẫn tiếp tục bơi lội, lặn ngụp trong dòng chảy cuồn cuộn như thác lũ không ngừng nghỉ của quá trình toàn cầu hoá mọi mặt đời sống con người và cộng đồng các quốc gia trên hành tinh này. Có điều là Tạo hoá sao vô cùng tinh nghịch, cái mới trong thế giới hôm nay vẫn là cái cũ mèm chết người muôn thuở ngày trước: Tất cả hoặc vận động theo trong dòng chảy này, hoặc bị nhấn chìm… Khác chăng mỗi ngày qua đi, dòng chảy như thác lũ này lại được đo lường bằng những biến số lớn hơn, thậm chí bằng nhiều biến số mới chưa hề có. Một nhân  viên quân sự cao cấp của Mỹ đã phải thốt lên: Cả một kho vũ khí Mỹ 3 nghìn tỷ USD không thể làm ra một dụng cụ chiến tranh hiệu quả bằng một quả bom tự sát! (Ralph Peters, trong tạp chí Weekly Standard” số tháng 2-2006). Ảo tưởng về sự cáo chung của lịch sử sau khi Liên Xô sụp đổ (Fukuyama) tiêu tan nhanh chóng để biến thành nỗi lo thế kỷ 21 có thể là sự cáo chung của ý tưởng tự do (Ivan Krastev – Bungari). Còn theo P. Hassner, từ sự kiêu căng của khoảnh khắc độc tôn rơi vào tình trạng bẽ bàng hiện nay thật chỉ trong chớp mắt, đến nỗi Mỹ đang phải đối mặt với một thế giới mà Mỹ không… thực sự hiểu được nó!

 

Nhìn vào bất kỳ phương diện nào khác của thế giới ngày nay cũng vậy, từ những xung đột truyền thống và phi truyền thống, từ kinh tế đến chính trị, từ xã hội con người đến môi trường tự nhiên…hợp tác, đấu tranh, cạnh tranh - luật chơi vẫn như muôn thuở, song cũng đều phải được đo bằng những biến số mới.

 

Cũng vào thời điểm này, mỗi người Việt Nam có ý thức về vận nước tưởng nhớ đến ngọn lửa Đông Kinh Nghĩa Thục nhen nhóm lên cách đây 100 năm đang nhắc nhủ những thế hệ đương thời: Có độc lập thống nhất đất nước trong tay hôm nay, hãy nhớ đến bài học mất nước hôm qua: Sự tụt hậu cả một giai đoạn về phát triển và văn hoá.

 

Phải, không hiểu được chân tơ kẽ tóc thế giới hôm nay, làm sao cơ hội trong tay có thể trở thành hiện thực? Giá trị nào, phẩm chất nào, và trên hết cả là bản lĩnh nào, trí tuệ nào có thể đem lại cho dân tộc ta, cho nước ta sức mạnh bơi trong sóng cồn của cái thế giới toàn cầu hoá hôm nay?

 

Những câu hỏi ra riết như thế đưa tôi trở lại những trang sách Thế giới quanh ta của anh Cao Huy Thuần.

 

Một con người, tự cho là mình trói gà không nổi, thế nhưng những trang sách của anh thống thiết một khát khao: Làm sao phát huy hết mức những phẩm chất ngàn đời của dân tộc ta, những giá trị chung của lẽ làm người trên thế gian này, để Tổ Quốc Việt Nam có chỗ đứng xứng đáng trên hành tinh này – môt đất nước độc lập tự do, của một dân tộc độc lập tự do, có thể sánh vai với cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

 

Thế giới quanh ta không chỉ bày ra những gì đã diễn ra quanh ta hầu như của cả thế kỷ trước, từ thời Rosa Luxemburg – Karl Liebknecht (hai lãnh tụ nổi tiếng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đầu thế kỷ 20), thậm chí lùi xa hơn nữa vào những ngày phá ngục Bastille để làm nên Tuyên ngôn Nhân quyền 1789, đến sự giành giật nhau quyết liệt và muôn phần giảo quyệt của những cường, những bá ở thế kỷ trước mà thân phận bèo bọt của những nước nhỏ thường là trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết… Cao Huy Thuần không chỉ có mô tả, mà còn đau đáu nỗi lo trăn trở đâu là con đường vạn đại dung thân cho nước ta trong cái thế giới quanh ta hôm nay!

 

Phải, cái trật tự của không trật tự, ở vào thời kỳ đang hội tụ thêm những yếu tố mới ở nấc thang công phạt mới của toàn cầu hoá trong hiện tại bao gồm cái không trật tự toàn cầu (global disorder), cái không trật tự mang tính đan kết hữu cơ với nhau (integral disorder) và cái không trật tự nội tại bên trong (internal disorder) đang cùng một lúc diễn ra và tác động lẫn nhau - ở phạm vi toàn cầu cũng như trong phạm vi mỗi quốc gia,  nghĩa là đang trở thành cái trật tự của sự hỗn mang.

 

Oái oăm thay, cái trật tự của không trật tự ấy lại là quy luật của phát triển cho những quốc gia nào, dân tộc nào có bản lĩnh ngự trị trật tự này. Sống là như vậy!

 

Cao Huy Thuần của Thế giới quanh ta ý thức sâu sắc điều này, nỗi khát khao trong anh về sức mạnh quần tụ dân tộc để giành chiến thắng càng cháy bỏng.

 

Cao Huy Thuần không dạy đời, song những sự kiện đó đây  từ cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 cho đến nay trong Thế giới quanh ta cho thấy không hiếm những khúc quanh co của lịch sử: Chính thua tà, hiệu ứng bày đàn với cái giá cắt cổ là thành quả cách mạng bị ăn cắp, “lý” và “đạo đức” của kẻ khoẻ, dân chủ bị dìm trong máu trong khi cái dân chủ giả hiệu đang phơi phới giương cờ.., tự do và nhân quyền của chúa tể chỉ biết nói chuyện bằng bom đạn, những cái giá phải trả cho toàn cầu hoá…

 

Tất cả chỉ càng làm nổi bật: Dân tộc, dân chủ, văn hoá – đó là bửu bối hôm qua đã cho phép dân tộc ta giành lại giang sơn gấm vóc, và hôm nay sẽ giúp nước ta đứng vững để tiếp tục đi lên.

 

Dân tộc, dân chủ và văn hoá phải được nuôi dưỡng bằng tri thức để trở thành nguồn lực và nghị lực sáng tạo vô tận, để ước mơ được nuôi dưỡng từ trí tuệ của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc và của cả nước trở thành hiện thực.

 

Cũng tự thân những sự kiện trong những trang sách này thôi thúc người trí thức Việt Nam phải biết tự trọng: Với tất cả cái tâm chí sỹ vì nước, quyết tìm bằng được cho mình chỗ đứng phải có mặt trong cộng đồng dân tộc! - nhất là trong những lúc lịch sử gặp khúc quanh co và trong quá trình cùng với dân tộc ngự tri cái trật tự của sự hỗn mang trong thế giới ngày nay.

 

Đã có lần tôi thổ lộ: Tôi “phải lòng” cây bút tài hoa Cao Huy Thuần. Hôm nay tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành./.

Võng Thị, tháng 6 - 2007