“Đánh thuế phải như nhổ lông ngỗng”

Bàn về dự thảo Luật Thuế thu nhập

 

Nguyễn Trung

 

 

          Không biết có còn cách nào tệ hại hơn, hạ thấp nhân cách người đóng thuế hơn cách ví von việc người dân đóng thuế như cái tít giật gân này của Tuổi trẻ ngày 03-07-2007? Tôi thực sự bất bình. Song quan trọng hơn: Suy nghĩ về thuế với những quan điểm “nhổ lông”, “đánh không đau”, và chắc là để làm thịt?.. như vậy sẽ có nhiều việc không ổn.

 

          Xin nói vắn tắt: chừng nào chưa có thuế thu nhập với đúng nghĩa của nó, đừng nghĩ đến nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, đừng nói đến những chuyện cao xa khác: xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

          Trong khi đó, thực trạng nhiều mặt của nước ta hiện nay là không thể thực thi được Luật thuế thu nhập như nêu trong dự thảo Luật. Ít nhất trong nhiều năm nữa chúng ta có 6 vấn đề sau đây phải xử lý:

 

1.    Hệ thống lương còn quá nhiều điều bất hợp lý để tính thuế theo dự Luật.

2.    Còn thiếu nhiều chính sách cần thiết đối với nhiều khoản thu nhập không thường xuyên của nhiều hoạt động kinh tế - nhiều khi rất quan trọng đối với nền kinh tế.

3.    Hệ thống kế toán, kiểm toán, bộ máy thu gom thuế, hệ thống ngân hàng và nhìn chung là đội ngũ cán bộ công nhân viên chức liên quan đến thuế có nhiều vấn đề bất cập lớn so với đòi hỏi của dự Luật.

4.    Tính công khai minh bạch trong kinh tế, trong thu nhập rất thấp (bao gồm cả “nền kinh tế tiền mặt - cash”) và không cho phép thực thi như dự thảo Luật.

5.    Thuế thu nhập không gắn liền với những tiến bộ Nhà nước cam kết với dân phải đạt được, để người công dân nâng cao ý thức: Rất xứng đáng và có nghĩa vụ đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước này.

6.    Nhìn chung ngoài việc xây dựng dự thảo luật, chưa có những chuẩn bị cần thiết khác xử lý 5 vấn đề nêu trên.

 

Điều đặc biệt quan trọng là dự thảo Luật hoàn toàn không phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá ở nước ta hiện nay như nhiều hội nghị, hội thảo đã chỉ ra - nhất là (a)quá rắc rối và sẽ gây nhiều bất công, sơ hở, tham nhũng, thất thoát, (b)không phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều biến đổi nhanh, (c)không phù hợp với tình hình giá cả tiêu dùng trượt nhanh và chỉ số lạm phát ngày càng cao.

 

Nhất thiết phải thực hiện thuế thu nhập, vì vậy xin kiến nghị:

 

I. Chia việc thực hiện thuế thu nhập ra thành hai giai đoạn.

 

Giai đoạn một: thực hiện thuế thu nhập theo thuế suất đồng loạt, còn gọi là thuế suất phẳng (flat rate), với các yêu cầu

 

(a)       dễ thực hiện, thu được nhiều thuế vì có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng được nguồn thu,

(b)      tranh thủ thời gian đưa dần mọi hoạt động kinh tế trong xã hội vào hệ thống kế toán, kiểm toán, thống kê, đồng thời tiến hành những biện pháp giảm dần việc chi tiêu tiền mặt, tăng cường và hoàn thiện hệ thống ngân hàng đi kèm với những biện pháp khuyến khích người dân để hệ thống ngân hàng có khả năng thu hút phần lớn mọi hoạt động kinh tế vào  guồng  máy  vận  hành  của  nó, tạo mọi thuận lợi khác cho việc tính và thu thuế,

(c)       chuẩn bị mọi điều kiện vật chất kỹ thuật và những vấn đề khác cho việc thực hiện Thuế Thu nhập giai đoạn 2.

 

Giai đoạn hai: Trên cơ sở kết quả của giai đoạn một (có thể kéo dài khoảng 5 – 10 năm), hoàn chỉnh luật Thuế Thu nhập đã được áp dụng cho giai đoạn này, hoặc ban hành Luật Thuế thu nhập mới, hoàn thiện bộ máy thực thi thuế và mọi điều kiện vật chất kỹ thuật khác.

 

 II. Nội dung Thuế thu nhập của giai đoạn một đại thể như sau:

 

1.    Thu thuế thu nhập theo thuế suất đồng loạt đối với mọi công dân theo tinh thần: Có thu nhập, thì có đóng thuế, không ngoại trừ một ai. Mục đích là xây dựng ý thức đóng thuế, thu được nhiều thuế do có nhiều người đóng thuế, nuôi dưỡng nguồn thu, công khai minh bạch hoá nền kinh tế.

2.    Vận dụng thuế suất đồng loạt cho thu nhập thường xuyên, tối đa là 3 - 4 nấc. Ví dụ: Nấc tối thiểu là 1% đối với người có thu nhập thấp, 5% đối với người có thu nhập trung bình thấp, 10% đối với người có thu nhập trung bình cao, 15% đối với người có thu nhập cao (các chuyên gia sẽ tính toán để xây dựng các mức và thang cụ thể; vì lý do nuôi dưỡng nguồn thu kết hợp với khuyến khích đóng thuế, các khoảng cách giữa các mức để tính thuế nên để rộng - ví dụ: Mức thu nhập thấp để tính thuế thuế là 1triệu đồng, mức thu nhập trung bình thấp để tính thuế là 5 triệu đồng, mức thu nhập trung bình cao để tính thuế là 20 triệu đồng, mức thu nhập cao để tính thuế là 50 triệu đồng trở lên). Phương thức này không đòi hỏi nhiều tính toán rắc rối, lòng vòng như trong dự thảo Luật Thuế thu nhập đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

3.    Thuế suất đồng loạt cho các khoản thu nhập không thường xuyên – ví dụ như lãi chứng khoán, lãi suất ngân hàng, những khoản thu nhập không thường xuyên khác, những khoản tiền thưởng… Thuế suất của những loại thu nhập không thường xuyên này nên thấp, mang tính khuyến khích sự công khai minh bạch và dễ thu. Nên phân ra hai loại – ví dụ: (a)thu nhập từ lãi chứng khoán, lãi suất ngân hàng, lãi suất tiết kiệm nên đồng loạt là 5 hoặc 10%; (b)các khoản thu nhâp không thường xuyên khác có thuế suất đồng loạt là 10 hoặc 15%. Có thu nhập loại này (không thường xuyên) là chiết khấu ngay để thu thuế và không đưa vào khoản thu nhập thường xuyên để tính thuế thu nhập cá nhân một lần nữa.

4.    Thu nhập cá nhân từ chia lời cổ tức không đưa vào tính thuế thu nhập cá nhân bằng cách nâng mức thuế đánh vào lãi của doanh nghiệp cổ phần hoá để nhà nước không thất thu và tránh được mọi tốn kém, phiền hà đối với cơ quan thuế cũng như đối với người có thu nhập từ lời cổ tức. Thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể được hiểu là thuế thu nhập cá nhân, chủ hộ kinh doanh cá thể không phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa - thuế suất là bao nhiêu xin để cho các chuyên gia tính.

5.    Thực hiện thuế trước bạ ở mức thấp hợp lý đối với bất động sản, thuế hưởng tài sản thừa kế. Thuế suất là bao nhiêu sẽ do các chuyên gia tính toán, khuyến nghị không đưa thu nhập từ 2 nguồn này vào tính thuế thu nhập cá nhân.

 

Tinh thần chủ yếu của phương thức này là tạo và khuyến khích ý thức đóng thuế, đẩy kinh tế ngày càng sâu vào môi trường công khai minh bạch, nuôi dưỡng nguồn thu, dễ thu và thu được nhiều thuế, tránh những đổ vỡ hoàn toàn có thể tránh được,  tranh thủ thời gian cho việc kiện toàn hệ thống thuế thu nhập.

 

Giới thiệu mô hình thuế thu nhập của Hongkong để tham khảo

 

Theo bài “Hongkong’ Excellent Taxes” của chuyên gia nghiên cứu về thuế Alan Reynolds đăng ngày 2-05-2005 trên trang web của học viện Cato N. W. Washington D.C., thuế thu nhập ở Hongkong được xây dựng theo tinh thần thuế suất đồng loạt như sau:

 

Có 2 loại thuế thu nhập cho người đóng thuế lựa chọn:

 

1.    Thuế thu nhập theo mức thu: Thu nhập được chia ra làm 4 nấc (4 mức thu) cho vận dụng các  thuế suất 2%, 8%, 14% và 20%. Chấp nhận loại thuế này, người đóng thuế có thể trích giảm những khoản chi cho từ thiện tối đa là 25% thu nhập để tính thuế, hoặc trích giảm tối đa cả năm là 13.000 USD trong thu nhập để tính thuế nếu phải chi trả tiền mua nhà, mua xe hơi (dưới dạng trả góp, trả dần). Ngoài ra người đóng thuế được tính những khoản trích giảm khác từ thu nhập để tính thuế - ví dụ như chi cho học tập của bản thân, nuôi người già là người thân thuộc, tiền bảo hiểm cho về hưu.

2.    Thuế thu nhập theo thuế suất chuẩn (standard rate): 16% thu nhập, không có khoản trích giảm nào để tính thuế. Nói chung những người có thu nhập cao thường chọn loại thuế này.

 

Thuế suất đồng loạt 17,5%, đánh vào lãi của các công ty, 16% đánh lãi của các hộ kinh doanh cá thể (coi đây là thuế thu nhập cá nhân), thuế suất đồng loạt 16% đánh vào bất động sản.

 

Hongkong không có thuế giá trị gia tăng, không có thuế nhập khẩu. Thu nhập của cổ đông từ lợi tức cổ phần không đưa vào thu nhập cá nhân để tính thuế, vì đã đánh vào lãi của công ty 17,5% (trong khi đó thuế đánh vào lãi của hộ kinh doanh cá thể là 16%).

 

Reynolds khuyên nước Mỹ nên học Hongkong cách tính thuế./.

 Võng Thị, 04-07-2007

Trở về trang Kinh tế Việt Nam của Trần Hữu Dũng