Cảm nghĩ về “Dòng đời”, bản thảo thứ 7
Hữu Ngọc
Trước hết phải nói ngay là tôi chỉ đươc đọc bản thảo lần thứ 7 (tháng 3 năm 2004) của anh Trung. Mà theo chỗ tôi biết thì anh còn chữa lại, không biết đến lần thứ mấy thì mới cho in. Mà khi xuất bản hoàn chỉnh sẽ không còn là bản tôi đọc nữa. Mà nghệ thuật văn chương thì từng đoạn, từng câu, từng chữ đều quan trọng. Mới nhìn thấy bóng sao dám bình luận đến hình. Dù sao chỉ (thấy) cái bóng đầu tiên của Dòng đời cũng có thể mạo muội viết đôi dòng. Trước hết, bộ tiểu thuyết 4 tập sơ thảo (in vi-tính, A4) quả là nặng. Nặng theo nghĩa đen, có lẽ đến 2kg. Quả người viết phải có tâm lắm mới bỏ ra mấy năm viết hàng nghìn trang. Mà người đọc cũng phải có tâm lắm bỏ ra hơn tháng trời đọc, mắt kém, tuổi cao, không kể công việc bề bộn, có khi phải hoãn cả việc đến với bè bạn... Nhưng cái đáng nói hơn là nặng về bề dầy lịch sử, tư duy, nỗi băn khoăn và gánh nặng đường đời... Tôi là người làm văn hóa, không phải là cán bộ chính trị. Nhưng tôi đã sống tất cả những sự kiện chính trị tác giả nêu lên, và đều có mối quan tâm như bất cứ người Viêt Nam nào. Vì vậy tôi bị cuốn hút theo rõi dòng đời của đất nước và của tác giả qua các nhân vật. Phải nói là anh Trung (Nguyên Nguyên) có tài kể chuyện, luôn luôn tạo ra các “suspense” (hồi hộp) như trong phim. Nếu không có khả năng ấy, thì khó ai kiên nhẫn đọc hàng nghìn trang, nhất là đây là một loại tiểu thuyết có luận đề (roman à thèse), dĩ chí một cuốn tiểu thuyết chính trị trực diện. Đọc không chán, thứ nhất vì những đoạn tranh luận dường như khô khan, nhưng lại hấp dẫn, vì có những điều tôi đã trải nghiệm, cảm thấy cái “tâm” của tác giả, cái “thiện tâm” của các nhân vật băn khoăn về vận mệnh đất nước. Vượt lên những cái đúng sai của chính trị, người đọc dù ở phe nào, ở trong và ngoài nước, đều có thể chấp nhận được ý kiến tác giả vì cảm thấy lòng thành của anh. Anh không ngại đưa ra tất cả những vấn đề gay cấn. Do đó tác phẩm có thể là một tấm gương phản ánh Việt Nam thời hiện đại, chủ yếu từ sau 1975... – trong các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, xã hội, quốc gia, xã hội – gia đình – cá nhân. Tiểu thuyết chính trị và xã hội đã khó viết, mà tác giả lại chọn thể lọai tiểu thuyết trường lưu (tôi – Hữu Ngọc – tạm dịch từ tiếng Pháp là roman fleuve, tiếng Anh là saga, saga novel). Theo định nghĩa của từ điển Robert, tiểu thuyết trường lưu là một bộ tiểu thuyết rất dài, trình bầy nhiều nhân vật thuộc nhiều thế hệ. Định nghĩa từ saga của Longman thêm ý: truyện kéo dài trên nhiều năm. Có từ điển còn thêm ý: truyện của một dòng họ, một gia đình... Nếu hiểu như vậy, thì Dòng đời có thể là một tập tiểu thuyết trường lưu. Ở ta ít thấy thể loại này. Có dăm ba bộ tiểu thuyết dài, nhưng không hoàn toàn như thế, - viết chưa được hay mà người ta có cảm giác là tác giả “hết hơi” – có lẽ cũng như cầu thủ đá bóng của ta. Đọc Dòng đời, tôi có cảm giác là tác giả “còn hơi” và chưa nói hết cái muốn nói. Dù Dòng đời khi xuất bản với thể hoàn chỉnh có được hoan nghênh hay không, dù có bị phê phán về lập trường chính trị hay về giá trị văn chương, tôi cũng xin mượn lời Chúa Giêxu nói với một nhân vật phụ nữ trong Kinh Thánh: “Chị sẽ được tha thứ nhiều vì chị đã yêu nhiều!” Tác giả yêu thiết tha đất nước và con người, nên nhất định sẽ được châm chước nhiều, nếu không được tán thưởng nhiều.
|