NGUYỄN TRUNG
DÒNG ĐỜI
Tiểu thuyết
6.
Thân cô thế cô giữa cái thành phố mênh mông này, vợ chồng tư Cương đành cuốn gói đến nhà Lễ cùng ngày, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ba bác cháu Nghĩa vừa mới lên đường đi Bảo Lộc thăm Lễ. - Nhà của em liệu có bị cải tạo không, anh Nghĩa? Chờ cho mọi người đi ngủ hết, Lễ mới đem việc này ra hỏi. Thoắt một cái đã hết hai ngày rồi. Sáng mai phải trở lại trại, nên Lễ dự định ngồi tâm sự trắng đêm với anh mình cho đến lúc chia tay. Thảo đã sai Huệ chuẩn bị cho hai người cà phê, bánh ngọt và ấm nước chè. - Theo anh biết, chỉ có chủ trương cải tạo nhà cửa của tư sản, ví dụ như nhà của chú Học. Nếu chú thím Học không đi Mỹ chẳng hạn, nhà hoàn toàn dùng để ở, không cho ai thuê cùng, thì theo chính sách hiện hành chỉ cải tạo xã hội chủ nghĩa phần nhà máy in thôi. Đáng lo hơn là anh chưa hình dung nổi gia đình em rồi đây sẽ sống bằng gì. - Em cũng lo lắm. Đành trời sinh voi thì trời sinh cỏ vậy... Tối hôm qua vợ chồng em tâm sự với nhau gần đến sáng. Càng bàn mọi chuyện, càng lo. Sống ở đâu, đối với tụi em không thành chuyện gì cả, miễn là sống được. Nhưng sống thế nào, thì chúng em bế tắc. - Thế sao em lại lo mất nhà? – Nghĩa cảm thấy câu chuyện nghiêm trọng hơn mình nghĩ. - Cái nhà này đối với tụi em không nghĩa lý gì. Riêng cái đoạn Thảo chạy chọt các cửa lo cho em khỏi chết, lo lót cánh Lý Lương Thân, tụi em có thể đủ tiền mua hai cái nhà như thế này. Anh xem, tiền bạc có giữ được đâu, nằm trong túi rồi còn mất! Tất cả là có số hết! Nếu dựa vào bố mẹ Thảo, thì chúng em không phải lo kiếm sống. Papa của Thảo không thiếu gì tiền và cưng Thảo lắm. Bây giờ nghề luật sư của ổng ở bên Mỹ hái ra tiền. - Tụi em có ý định bán nhà? - Không ạ. Nếu cái nhà này không phải cải tạo, sau này em sẽ cho đứt ông Tư Cương. Coi như đền đáp công lao của ông Tư. Anh ạ, không có ông Tư, chú Học chắc không thể có cơ nghiệp như ngày nay, bọn em cũng khó được nuôi nấng ăn học như thế này. - Em nói sau này là thế nào? Tụi em định đi đâu? - Trước mắt phải chờ em hết cải tạo đã, rồi mới tính được. Tôn Thất Loan nói thật lòng đấy anh ạ. Sắp tới, em có lẽ vẫn đành chịu bất hiếu với cậu mợ, đi ngược lại chí hướng anh em trong nhà mình, nhưng em không thể đi theo con đường của các anh được. Em chỉ cầu mong từ nay bản thân mình đừng làm gì phản lại lợi ích của đất nước. Tâm của em, lực của em chỉ đi được tới đấy. Cũng là nhờ có anh, em mới khẳng định được như vậy. Mà sự khẳng định này đã có gì là chắc chắn đâu! - Kết quả học tập ở trại chỉ có thế thôi à? - Anh hiểu thế cũng được. Em không thể... - Sao em bi quan thế? - Không, đấy là sự thật, anh Nghĩa ạ. Cuộc sống đã nhào nặn em thành con người như vậy mất rồi. Cũng giống như đại tá Loan đã nói với anh, cậu mợ có sinh ra em một lần nữa, có lẽ em vẫn không dám chọn con đường cậu mợ, anh Chính, anh và Minh đã đi, đang đi... Sáng nay em lại thắp hương cầu khấn cậu và em Minh tha thứ cho em. Tôn Thất Loan đã nói thật cho mình và nói đúng tâm trạng em anh ạ. Con đường đã đi gần hết cuộc đời... - Chiến tranh đã qua đi trên đất nước, nhưng chưa kết thúc trong em? - Còn hơn thế, anh Nghĩa ạ. Ở trại em được giảng chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam, nhưng chưa kết thúc ở nước Mỹ. Điều này đúng một vế. Chắc chắn là nước Mỹ còn nhức nhối về cuộc chiến tranh này. Nhưng cũng với nghĩa như vậy, còn phải nói là cuộc chiến này chưa chấm dứt trong lòng nước ta anh ạ. Nhất là trận địa của cuộc chiến tranh này lại diễn ra ngay trên nước ta! - Em nghĩ đến nợ máu trong cộng đồng dân tộc? Đến những vết thương không thể hàn gắn được trên đất nước? – Nghĩa đi thẳng vào vấn đề tế nhị nhất, cố gợi cho Lễ nói hết tâm trạng mình. - Chúng em được học tập nhiều về chính sách khoan hồng của Cách mạng. Chúng em tin điều này, đang được hưởng điều này. Anh chắc khó đoán nổi các trại viên phấn khởi như thế nào về việc em được đi theo anh về thăm nhà ba ngày. Tôn Thất Loan ôm chầm lấy em khi biết chuyện này: - “Đúng là cải tạo thật rồi! Ông Lễ, mình bắt đầu tin là cải tạo thật!” - Vậy mà em vẫn bi quan? - Vâng. Những điều em đang nghĩ nằm ngoài sự khoan hồng của Cách mạng. Có lẽ nằm ngoài cả sự chất vấn của lương tâm. Em đang dần dà ý thức được điều này, nhưng chưa nghĩ cho rạch ròi được. - Em hãy thử đứng ra làm người tự phán xét chính mình xem nào. Như thế may ra em có thể ý niệm được rõ ràng suy nghĩ của em. - Những điều em thực sự học được ở trong trại không nhiều lắm. Hình như các giảng viên, kể cả người chăm sóc đời sống tinh thần của tụi em là ông thiếu tá chỉ huy trại, đều không biết rằng có nhiều thứ tụi em học được lại nằm ngoài các bài giảng. - Xưa nay anh chưa bao giờ coi sách vở, giáo trình và những bài giảng là trí tuệ vô song, là chân lý cuối cùng. - Anh vẫn chưa hiểu ý em. Có lẽ mọi suy nghĩ của em vẫn đang tiếp tục hình thành. Ý em muốn nói tụi em học một đằng, nhưng lại hiểu một nẻo. Ví dụ những bài giảng về chính sách khoan hồng đưa ra rất nhiều lý lẽ, nhưng thực lòng đa phần học viên trong trại tâm sự với nhau là chưa thấy lý lẽ nào thuyết phục. Tuy vậy, rành rành là tụi em đang được hưởng quy chế cải tạo. - Như Tôn Thất Loan đã nói với em? - Vâng. Việc em được ngồi ở nhà mấy ngày nay giá trị hơn tất cả các bài giảng về chính sách khoan hồng cộng lại anh ạ. Song tụi em cũng mới chỉ học được đến đấy thôi. Em nói học với nghĩa là nhận biết cái điều trước đây mình chưa biết, chấp nhận cái điều trước đây mình chưa chấp nhận hay không chấp nhận. - Đến đấy là thế nào? Tại sao lại chỉ đến đấy thôi hả Lễ? - Chắc anh còn nhớ chứ, Tôn Thất Loan nói công khai giữa hội trường là ông ta rất sợ cái vô định. Chỗ này thì các bài giảng về chính sách khoan hồng không với tới. Tâm lý nghi ngờ ấy là tâm lý chung của tụi em trong trại. Có người đã hỏi thẳng anh rồi đấy... - Anh hiểu. Em nói tiếp đi! – Giọng Nghĩa hơi lạc đi. Ông có cảm giác như đang đối thoại với một người đứng bên kia chiến tuyến, trong lòng cay đắng. ...Phải chăng vì thế chiến tranh chưa kết thúc trong lòng đất nước chúng ta? - Em nói rồi, tâm và lực của em bây giờ là từ nay cố đừng làm điều gì hại cho đất nước. Nhưng ngay cả ý nghĩ này cũng không làm em thanh thản. - Nghĩ được như thế là tốt. Em còn băn khoăn điều gì nữa chứ? - Nghĩ đến tinh thần cách mạng của cậu mợ, đến con đường gia đình mình đã lựa chọn, nhất là nghĩ đến tất cả những gì em tự thân mình đã trải qua trong chế độ Cộng hòa Việt Nam, đến sự thật lịch sử là Cách mạng đã giải phóng và thống nhất đất nước, em thấy phải tự xác định cho mình như vậy. Nhưng khốn nỗi ngay lập tức em lại phải tự dằn vặt mình: Tại sao chỉ nghĩ đến đấy? Tại sao không nghĩ đến đền bù tội lỗi cũ của mình? Tại sao không nghĩ đến bổn phận đền đáp đất nước? Hay là em mất tinh thần yêu nước rồi? Em sẽ mãi mãi là kẻ phản bội tổ quốc mình và dân tộc mình, là kẻ mất nước? - Em cố tự trả lời đi. - Mấy tháng trời chờ anh đến thăm, ngoại trừ nỗi lo về gia đình, hầu như em chỉ loay hoay với những câu hỏi đại loại như vậy. Em tranh luận với Tôn Thất Loan, chán rồi quay ra tự mình tranh luận với mình: Nhất thiết phải cố từ nay trở đi đừng làm điều gì hại cho đất nước! ...Nhưng em bị vấp ngã ngay tức khắc: Đất nước nào? Đất nước này từ nay trở đi là của ai? Mình còn được quyền coi đất nước đã sinh thành ra mình là của mình nữa không? Với tất cả lỗi lầm mình đã làm?.. Em đã tự đặt ra biết bao nhiêu câu trả lời. Nhưng đến nay vẫn không câu trả lời nào thuyết phục được em. - Hay là vì em không tán thành chế độ chính trị của nước ta? - Anh lại nêu thêm một vấn đề khác tụi em học không vô được. Nghĩa là học nhưng không nhập tâm được. - Em có biết cậu lúc còn đi dạy học thường nói về trường hợp này như thế nào không? - Em không biết ạ. Vì khi vào đây em còn bé quá. - Đúng là em thiệt thòi quá. Cậu gọi đó là nước đổ đầu vịt. Đôi ba lần anh bị cậu mắng như thế... - Đối với em, nếu được cậu mắng như vậy, thì quả là không oan anh ạ. Em thừa nhận một chế độ chính trị đủ khả năng huy động mọi lực lượng đánh bại cuộc chiến tranh của Mỹ và chế độ Cộng hòa, dứt khoát phải là một chế độ giỏi hơn, ưu việt hơn... - Đấy là nhận thức em thu hoạch được trong học tập ở trại? - Không anh ạ. Đấy là kết luận tự em rút ra trong những ngày nằm ở trại. Có thấy được Mỹ đã huy động tổng lực như thế nào, kể cả khoa học, kỹ thuật, trí tuệ và văn hoá Mỹ, chỉ còn thiếu có bom nguyên tử thôi, có thấy được Mỹ đã dựng lên ở miền Nam cả một chế độ chính trị có lực lượng quân sự mạnh hơn bất kể đồng minh nào của Mỹ ở châu Á, với ý thức hệ chống cộng quyết liệt, có thấy được như thế mới hiểu được tầm vóc đối thủ đã đánh bại cuộc chiến tranh này. Các bài giảng ở trại chưa đạt tới tầm này anh ạ. ...Em nghĩ cũng không thể trách những người giảng được, vì họ không thể hiểu Mỹ và chế độ Cộng hoà bằng tụi em... Và thực lòng trình độ họ cũng thấp quá... Nhưng khi nghĩ về chế độ chính trị của một quốc gia nói chung, về con đường đi lên của một quốc gia.., em và nhiều người trong trại lại có cách nhìn khác. Rất khác so với những bài giảng... Em vẫn loay hoay tìm cách xác định cho mình... Lễ hình như chật vật trong việc sắp xếp các suy nghĩ của mình, dừng lại một lúc lâu rồi mới nói tiếp được: - Nói theo danh từ hay cách nghĩ của phía anh, có thể dòng máu phản động trong con người em quá nhiều. Cũng có thể cuộc đời của những người như tụi em được nuôi dưỡng bằng thứ máu khác... Tụi em có cách nhìn khác về chế độ chính trị. - Anh không chờ đợi sau một thời gian học tập em sẽ có ngay một quan điểm chính trị khác. - Thực là khi học, bọn em không nói ra nhưng hay so sánh. Các bài giảng nói về cái thiện, cái mỹ, cái nhân bản của chế độ chính trị nước ta, em thấy về mặt lý thuyết còn thua xa những tư tưởng tiến bộ và nhân đạo của Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), còn thô sơ rất nhiều so với hệ thống xã hội và nhà nước của Rút-sô (Jean Jacques Rousseau), không bằng Tuyên ngôn Độc lập của Jép-phơ-sơn (Thomas Jefferson)... Kém xa Tuyên ngôn Độc lập mồng Hai tháng Chín của Cụ Hồ. - Trong trại cũng giảng về Tuyên ngôn Độc lập mùng Hai tháng Chín à? - Không anh ạ, khi ở Ban tham mưu Bộ Quốc phòng Sài Gòn, em được giao cho nghiên cứu chế độ chính trị của Bắc Việt. Em tìm hiểu Tuyên ngôn này và thấy rất thích. Nó đúng với ý nguyện của mình. Nhưng đấy là nói về lý thuyết. Còn cuộc sống thực của thế giới đồng tiền, thì dù là ở Mỹ, ở Pháp, ở Cộng hòa Việt Nam, ở khắp quả đất này, em tin chắc hiểu biết như anh thì cũng có thể hình dung được. Nhưng anh cũng đừng nên hình dung theo những điều như người ta đã viết trong các bài giảng ở trại! - Trại giảng đề tài này dở lắm hả em? - Em không có quyền cho điểm. Em đã nói rồi, tụi em thực sự là có cách nhìn hoàn toàn khác. Các bài giảng nói nhiều đến chủ nghĩa Mác, đến Chủ nghĩa xã hội. Cả anh và em đều chưa có điều kiện để xem xét rồi đây chúng ta có xây dựng được đất nước đúng như nói trong chủ nghĩa Mác hay không. - Đừng quên đây là lý tưởng, là ước mơ cần hướng tới. - Vâng, em hiểu chứ. Chiến tranh vừa mới kết thúc thôi mà. Còn nói một đằng làm một nẻo, hay muốn định nghĩa chính trị là gì, thì Cộng hòa Việt Nam là một trong những ví dụ mẫu mực. Em có thể bảo vệ thành công quan điểm này bất kỳ tại đâu. Chế độ chính trị sắp tới của nước ta liệu có thể tránh được nguy cơ này không anh? Anh còn nhớ câu hỏi của Quách Minh Châu? - Nhớ. Hôm ấy Quách Minh Châu chỉ hỏi anh về khía cạnh tham nhũng, nhưng trong bụng hiểu là hỏi về tất cả. Đúng là bữa ấy anh đã nói thật. Nghĩa là chính anh cũng nghĩ rằng phải chờ thực tế trả lời câu hỏi ấy. Trước đây em cũng tò mò tìm hiểu chủ nghĩa Mác, vì thần tượng Mác dù sao đã có lúc ảnh hưởng hay chinh phục tới một phần ba nhân loại. - Ít nhiều chủ nghĩa Mác cũng hấp dẫn em hay sao? - Đúng ra là sự tò mò kích thích em... Vả lại muốn chống Mác thì phải hiểu Mác...- Em hiểu Mác như thế nào? - Lại thêm một vấn đề nữa trong các bài giảng ở trại không nhập vô tụi em. – Lễ đứng dậy đi đi lại lại, vừa nói vừa tìm các ý nghĩ. - Không có các bài giảng chuyên đề về chủ nghĩa Mác, nhưng hầu hết các bài giảng đều nói là dựa vào Mác. Các bài giảng về con đường phát triển của Việt Nam, về chế độ chính trị nước ta là dính sâu nhất đến chủ nghĩa Mác. Nhưng thành thực là tụi em nghe vì phải nghe thôi. - Bởi vì quan điểm của em chống Mác? - Không hoàn toàn như vậy anh Nghĩa ạ. Em cố khách quan. Chính vì thế em không muốn lấy những gì đã làm trong thời chiến để làm thước đo cho thời bình. Em đã nói rồi, cả hai anh em ta hiện nay đều chưa có điều kiện để đánh giá mô hình kinh tế và chính trị rồi đây đất nước ta sẽ xây dựng lên trong hoà bình. Tất cả còn ở phía trước, chúng ta phải chờ. Còn tin thì em không tin. Trong này tụi em nhiều thông tin về cộng sản lắm. - Em được nuôi bằng máu thực dụng và hít thở bằng không khí hoài nghi! Lễ cười: - Em biết ngay mà, nói thế là anh đã tự bộc lộ chính mình. Anh với các cán bộ giảng dạy ở trại cải tạo đúng là chỉ là một! Cùng một giuộc mà ra! - Thế hả? Nghĩa là anh cũng giáo điều? – thật khó mà nói được nét mặt của Nghĩa lúc này đang nhăn nhó hay là cười, nhưng câu hỏi câu hỏi của Nghĩa là chân thành. - Anh hiểu em chưa đúng. Em phục Mác với tư cách là một nhà khoa học kiệt xuất, một triết gia vĩ đại, một nhà tư tưởng dám đảo lộn nhiều cái cũ, một nhà văn hoá cả gan xem xét lại nhiều giá trị đã được coi như khuôn vàng thước ngọc, một đầu óc phê phán, nhà bút chiến sắc sảo... Em tôn vinh Mác như thế đủ chưa anh? - Cứ nói đi, để xem em thực lòng với Mác đến mức độ nào! - Thế này nhé, phân tích về kinh tế tư bản thời của Mác đến nay em thấy hình như chưa ai vượt được Mác. - Em nói nghiêm túc? - Anh chắc không tin, nhưng em hiểu được cái cốt lõi bên trong của đồng tiền, của chủ nghĩa tư bản, sự gắn kết giữa tư bản và quyền lực, những lý tưởng mỹ miều bọc gói hay nguỵ trang cho sự gắn kết này.., tất cả là em nhờ đọc Mác. Trước đây em cứ tưởng là có một sức mạnh huyền bí nào đó như là sự chi phối của định mệnh, nhưng Mác đã phanh phui ra tất cả. - Thế mà em vẫn chống Mác? - Anh cho em nói hết đã. Mác tuyệt vời về điểm gốc này, nhờ đó em đỡ bị mắc lừa. Em thích Mác nhất với tính cách là một con người đã dám đề ra những ý tưởng mới về giải phóng con người, đã nhiệt thành chiến đấu hết mình cho ý tưởng ấy theo chính kiến của ông ta. Oái oăm ở chỗ là đấy chính là điểm em không theo Mác được... Đã có lần em thuyết trình những điều này hay đến mức có ý kiến tiến cử em vô Hội đồng chiến tranh tâm lý... - Em không nhận lời? - Em đã đến làm việc thử mấy tháng, song mấy cha lãnh đạo ở đấy võ biền quá, không ngồi chung với nhau được... Nhưng quan trọng hơn là em không tin Mác. - Đến mức ấy cơ à? Vì sao? – ông Nghĩa nhìn sát tận mặt em mình vì quá ngạc nhiên. - Đơn giản là em chỉ tin vào ma lực của đồng tiền, không tin con đường ông ta vạch ra cho tương lai của nhân loại. Tính em lại ích kỷ, chỉ thích sống cho mình, không muốn phấn đấu hy sinh như những người cộng sản các anh. - Có ai bắt em phải trở thành người cộng sản đâu! - Không theo thì làm sao bắt được hả anh? Chú Học cũng có nhiều phẩm chất tốt, em kính phục nhưng em cũng không theo chú Học được. Anh Nghĩa ạ, em đọc được một vài quyển sách có những bài viết rất hay của các học giả Anh và Mỹ viết về sự nghiệp, về cuộc sống của Mác cho đến khi ông qua đời. Tuy thế, cái xã hội cần phải tạo ra, cần phải có để thực hiện ý tưởng giải phóng của Mác, nói cụ thể hơn nữa là cái mô hình kinh tế cộng sản Mác tưởng tượng ra thì em không tin. Dứt khoát không tin! Nó có thể xảy ra ở một hành tinh lý trí và đạo đức thuần khiết nào khác của những robot chứ không thể ở trên quả đất đầy rẩy những chuyện trần tục hỗn độn của con người chúng ta! Mác phê phán Kant và Hegel là duy lý, nhưng chỗ này chính Mác cũng duy lý đến mức duy ý chí! Không biết ai duy tâm hơn ai!?. - Anh thực không ngờ... – trong lòng Nghĩa không sao hình dung nổi Lễ đã tìm hiểu khá sâu về Mác như vậy. Cũng may là Nghĩa đọc nhiều, nếu không thì cũng khó nói chuyện với Lễ. Nghĩ một lúc, Nghĩa gợi ý: - Xã hội Mác nói tới còn xa lắm mà em? - Vâng, phải nói là xa vời lắm! Nhưng em cho đó chỉ là một giả định, rất duy lý. Một phác đồ, một mơ ước.., nghĩa là cũng rất mơ hồ, nếu có đúng thì cũng còn quá quá xa vời đối với loài người bằng xương bằng thịt và còn không ít thú tính như chúng ta! - Em chỉ muốn sống hôm nay mà không cần nghĩ đến ngày mai? - Không phải thế anh ạ. Anh xem, từ ngàn đời nay con người làm sao sống được không có mơ ước? Nhiều nhà trí thức có tầm cỡ trên thế giới cho rằng tác giả của Tuyên ngôn Cộng sản và tác giả của Tư bản là hai ông Mác khác nhau. Họ cho đấy là một trẻ một già, một nhà thơ lãng mạn đến duy lý và một nhà khoa học lô gích đến triệt để... Từng chặng trên con đường đi lên của mình, nhân loại cần có những vĩ nhân như thế khai phá, đào bới, cổ vũ mình đi tiếp... Em thấy nhận xét này của họ đáng suy nghĩ, em tán thành cách giải thích Mác như vậy, không như các bài giảng ở trại...
Bây giờ Nghĩa bị bất ngờ và lúng túng thật sự: - Tụi chúng em bị nhồi sọ đấy chứ! Tụi em có tự nguyện xin học môn này đâu! - Thôi được rồi, hãy tạm đặt ông Mác của các nhà phê bình trên thế giới sang một bên, chúng ta nói chuyện của chúng ta. Em nói là em thích Mác, anh nói là anh theo Mác. Ông Mác của em và ông Mác của anh khác nhau thế nào? Chẳng lẽ đấy là hai ông Mác? - Anh hỏi lý sự quá, em chưa biết nói thế nào cho “lọn” ý mình nghĩ. Nhưng mà ...hình như anh nói đúng, có lẽ có hai ông Mác thật anh ạ... Đại thể là Mác của em giúp em hiểu được nhiều điều trần tục. Ông Mác của anh lại là nhà hiền triết, là nhà tiên tri, thậm chí là một đấng chí tôn như Phật Thích Ca, Jésus hay Alah... nhưng vô thần! - Em nói cái gì! – Nghĩa buột mồm gần như một phản xạ tự nhiên, đang ngồi mà bật đứng dậy, hai tai nóng bừng, tay nắm chặt tách cà phê, cố tự kiềm chế. - Anh cho là em bị nhồi sọ nên mới nói năng như thế, có phải không? – Lễ tìm cách đấu dịu với anh mình. - Có thể là cậu đã bị nhồi sọ đến mức không biết là mình bị nhồi sọ, nhưng từ trước đó rồi, không phải ở trong trại! - Tùy anh. Anh nghĩ về em thế nào cũng được. Em nói thật chân thành như thế này. Mác của em là một trong các ông thầy dậy các môn em học, đại thể như Newton, Einstein, Smith... Còn Mác của anh là ông... Em thực khó nói quá. – Lễ bỏ dở câu nói một lúc để tìm ý. – Thôi, cho em nói thế này: Mác đối với anh là chân lý cuối cùng, là giai đoạn phát triển tột cùng của nhân loại. Nghĩa là ông Mác của anh đã tuyên ngôn về sự cáo chung của lịch sử! - Trời ơi, Lễ ơi là Lễ! Anh phân biệt được giữa tín ngưỡng và tôn giáo, giữa lý tưởng và tà đạo chứ... - Em biết. - Suy cho cùng, Phật Thích Ca, Chúa Jésus, các vị thần thánh của những tôn giáo khác, biết bao nhiêu các nhà hiền triết trong lịch sử nhân loại đã nói lên những mơ ước có thể nói là vĩnh cửu của con người. Mác cũng có những ý tưởng cao đẹp như họ... Chính em cũng thừa nhận như thế có phải không? - Vâng ạ. Nhưng... - Chỉ có một chỗ khác nhau thôi Lễ ạ. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức. Vì nó chỉ có than thở và cầu nguyện nên trở thành nha phiến của con người... Còn Mác có lý luận khoa học, có lý tưởng đấu tranh. Mác muốn thức tỉnh con người tự tại đấu tranh cho con người vì mình, ngay trên trần thế này! Em không thấy đó là sự khác biệt lớn nhất à? - Đấy là anh nghĩ. - Chỉ vì thụ động và cầu nguyện, chứ không hành động, nên tôn giáo trở thành phương tiện ru ngủ con người! Thế mà không hiểu à? Lễ bật lại: - Anh nói thế thì trái với ý kiến chú Học rồi. Trái xa rồi! Em đã có lần tranh luận với chú rất lâu về tôn giáo. Chú Học giữ lại phần tín ngưỡng trong tôn giáo, không thừa nhận phần mê tín dị đoan, nhưng kịch liệt bác bỏ quan điểm vô thần. - Anh cứ tưởng là chú Học chỉ quan tâm đến kinh doanh. -- Không anh ạ, chú ấy là con người của cuộc sống thực tiễn. Trong cuộc tranh luận hồi ấy em thua. Cãi lý với chú mấy ngày liền, em thua đơn thua kép. Em thử đứng về phái vô thần chống lại chú Học đến cùng. Chú cãi lại rất ghê, trước sau chỉ một niềm tin bất di bất dịch: nhận thức càng thông tuệ, lẽ của đạo càng tỏa sáng!.. Chú viện cả Einstein ra để cãi lại em. Chú còn cho rằng người cộng sản coi tôn giáo chỉ là một thứ thuốc phiện là một quan điểm phiến diện, nghĩa là mới chỉ đúng một phần, và vì thế sai lầm! Nhưng mãi cho đến khi chú hỏi em mấy câu hỏi đơn giản nhất, lúc ấy em mới chịu treo cờ trắng! - Chú hỏi thế nào? - Chú hỏi mấy câu hay lắm, nhưng lâu quá rồi, từ ngày em mới xong đại học, chưa vào Đà Lạt đi lính! Em chỉ còn nhớ loáng thoáng vài ý thôi. Nhất là khi chú hỏi em: Cha mẹ hiền lành để đức cho con, đấy là cái gì? Em trả lời: Đấy là một nhân sinh quan tốt ạ! Chú nói: Đúng mà chưa thật đầy đủ. Đấy là sắc thái tinh tuý nhất hàm chứa trong đạo Phật riêng ở nước ta đấy cháu ạ! Dân dã vô cùng, và trở thành đức tin nhân bản vô cùng! - Sao có thể nói như thế được nhỉ? - Anh thấy chưa, chỗ này em cũng nghĩ như anh. Em cãi lại chú là đạo Phật chỉ dạy người ta sống thì diệt dục để mong kiếp sau lên cõi niết bàn, mong thoát khỏi vòng luân hồi. Chú bảo nói như thế là hiểu một mà không hiểu hai. Cốt lõi của đạo Phật là tu thân tích đức để làm tốt bổn phận với đời. - Chú có cắt nghĩa tại sao không Lễ? - Anh không thể tưởng tượng được chú nói với em mấy ngày liền về cái triết lý này. Mấy ngày liền, chứ không phải mấy giờ anh ạ! Chú nhấn mạnh đạo Phật ở nước ta trước hết là đức tin, là con thuyền chuyển tải đến các thế hệ sau những giá trị cao đẹp nhất của tổ tiên, chứ không phải là một hệ tư tưởng như nhiều tôn giáo ở các nước khác... Mà cha mẹ hiền lành để đức cho con là một trong những giá trị cao quý nhất của dân tộc mình để chuyển tải cho đời sau... Em thấy nhận xét này chí lý quá. - Ôi chú Học hiểu đạo Phật theo cách nghĩ riêng của mình! Các giá trị được gìn giữ đến mức như một tín ngưỡng!.. - Thế là chiến sĩ vô thần như anh cũng bị chú Học đánh gục rồi có phải không? - ... – Nghĩa muốn nghe tiếp nên ngồi im. - Điều còn đọng lại trong em đến bây giờ là câu hỏi của chú: Có thể tìm được trên đời này cái triết lý nào về cuộc sống cao đẹp hơn thế không?!. Cha mẹ hiền lành để đức cho con... -Chú Học đi chùa hay học đạo Phật ở đâu hả em? - Chú cả đời không đi lễ bái chùa nào anh ạ, nhưng đi thăm các chùa và đọc sách Phật giáo thì có. Chú mê nhất các bài viết về đạo Phật của Tuệ Trung Thượng Sỹ Trần Tung, của vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông... Giảng giải mãi, để kết luận chú kể lại: Khi vua Trần Thái Tông bỏ cung điện lên chùa Yên Tử, Quốc sư đại sa môn, nói với nhà vua: Trong núi không có Phật. Nhưng Bệ hạ đã có tâm, Bệ hạ lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, Bệ hạ lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, chính Bệ hạ đã thành Phật... Như thế không phải là tu thân tích đức để làm tốt bổn phận với đời hay sao?! Anh xem, có chí lý không. - Anh có biết tích này. Đúng là tông Trúc Lâm được sáng lập tại chùa Yên Tử, và bây giờ anh hiểu thêm vì sao Trần Tung lại khuyên vua như vậy. - Anh thấy chưa, đức tin và ý thức hệ khác nhau như nước với lửa! - Trời ơi, Lễ! - Chú Học giảng cho em về Trần Tung: ...Theo Phật thì phải kiến tính, kiến tính là để lập tâm, tâm là Phật, khi có tâm là Phật ở trong ta!.. Tóm tắt lại cho em hiểu, chú Học nhắc lại vẻn vẹn có bốn chữ của vua Trần Nhân Tông: Tức tâm, tức Phật! Anh thấy không, đơn giản vô cùng, xán lạn vô cùng! Chẳng có gì là mê tín dị đoan cả... - Tuy vậy anh vẫn nghĩ, cái gốc của đạo Phật xưa nay vẫn là quan niệm đời là bể khổ, là kiếp luân hồi, sống cũng chỉ là sống gửi sống nhờ, tu thân diệt dục là cách chấm dứt vòng luân hồi để lên cõi niết bàn. Người cộng sản thì lại muốn có một cuộc sống tốt đẹp ngay trên mặt đất này. Em không nhận ra sự khác biệt này à? Có mấy người nghĩ như chú Học! - Em lại nghĩ khác, anh ạ. Chỗ này chúng ta cần tranh luận với nhau. Trước người cộng sản, theo em nhân loại đã có không biết bao nhiêu vĩ nhân sống và phấn đấu cho ý tưởng này. Đấy là ước vọng ngàn đời của nhân loại. Ước vọng này nằm cả trong tín ngưỡng, và cao hơn nữa là tôn giáo với nghĩa nguyên thuỷ của nó, nghĩa là khi tôn giáo chưa dính mùi thần quyền và quyền lực. - Sao em không nói là khi tôn giáo chưa dính mùi chính trị? Anh muốn nói thế cũng được. Con đường đi tới ước vọng này đến nay cũng là nỗi trăn trở ngàn đời của nhân loại, chân lý quả là không dễ dãi với con người! Mãi mãi sẽ như vậy thôi anh ạ. Cũng may, điều này chính là hạnh phúc của con người, nếu không cuộc sống chẳng còn gì đáng sống và con người sẽ tự diệt vong trong trạng thái thỏa mãn của mình anh ạ, nghĩa là một trạng thái mông muội khác...
- Thế mà em vẫn đầy rẫy tư tưởng hoài nghi! - Anh nghĩ phải nói đấy là đạo Phật của Việt Nam chứ? - Vâng. Chú Học còn nói đó là đạo Phật của sống hiện tại vì tương lai. Tư tưởng này chú Học học được từ suy nghĩ ngàn đời của tổ tiên ta: ...Cha mẹ hiền lành để đức hay là để phúc cho con! Càng nghĩ càng thấy chí lý có phải không anh? Chú nhìn đạo Phật là cái tâm chuyền đạt cái chất như vậy. Chú Học say sưa với điều này lắm anh ạ, giảng đi giảng lại mãi. Có thể nói là em hiểu được chú, nhưng không theo chú được, hay là đến nay vẫn chưa học chú được anh ạ! Chú Học khác hẳn em và Mạnh là ở chỗ này. Tranh luận với anh, hôm nay em lại vỡ lẽ ra thế này: Con đường của chú Học là một con đường của từng cá thể con người trong cộng đồng xã hội. Con đường của anh chọn là một con đường của cộng đồng xã hội. Có lẽ đấy là sự khác biệt anh đang muốn tìm hay là anh tìm không thấy đấy... - Thế em có nghĩ rằng đạo Phật hướng thiện, nhưng lại thủ tiêu đấu tranh không? - Em lại nghĩ người theo đạo Phật đấu tranh theo phương thức của đạo Phật. Anh khó hình dung được cuộc đấu tranh của phong trào phật giáo chống Diệm năm 1963 quyết liệt như thế nào. Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã làm chấn động dư luận cả thế giới và làm cho chế độ Diệm đổ nhanh hơn. Năm 1967, bà Phan Thị Mai, nhà giáo Phật học tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm là một đòn sét đánh nữa giáng vào chế độ Thiệu và tác động mạnh vào phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ... - Anh biết hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, nhưng thực quả anh không biết bà Phan Thị Mai tự thiêu... - Em nghĩ rằng những công trình nghiên cứu của ông Mai Thọ Truyền đã thức tỉnh sự quan tâm của chú Học đối với đạo Phật... - Thật là điều làm anh bất ngờ về chú mình! - Nhưng không có máu lạnh và giàu như chú Học không theo Phật được, anh Nghĩa ạ. – Lễ vừa nói vừa chép miệng, ngao ngán. - Em nói cái gì mà lạ hoắc thế? – Nghĩa chau mày lại vì ngạc nhiên. - Lúc nãy em nói chữ tâm, bây giờ em nói đến máu lạnh! - Vâng, cuộc sống trong này nó như vậy đấy anh ạ. Nhút nhát và nghèo như tụi em không giữ được tâm cho mình để tin theo Phật đâu. Có thực và có lực mới vực được đạo! - Trời, sao ngôn ngữ của em trần trụi thế! - Anh ơi, phải chờ đến những ngày nằm vắt tay lên trán ở B7, nhớ lại những tội ác man rợ em đã tham gia, đã chứng kiến suốt chiều dài chiến tranh, những thủ đoạn bẩn thỉu ăn thịt nhau trong nội bộ chính quyền Sài Gòn mà có lúc chính em cũng là nạn nhân... Qua những chặng đường như thế em mới ngày một hiểu rõ hơn những lời giảng giải về đạo Phật của chú Học. - Anh thú thực là hôm nay em làm cho anh quan tâm đến đạo Phật, mặc dù cả nhà ta xưa nay theo đạo Phật... - Anh không tưởng tượng nổi đâu, một khi con thú trong con người không còn một bàn tay linh hồn nào nữa kiềm giữ, thì cái con trong con người kinh khủng lắm anh Nghĩa ạ! Nhìn sang một khía cạnh khác, trong những năm chiến tranh em còn thấy đi thấy lại cảnh những người dân bị giết chết, tay vẫn giữ tràng hạt hoặc nắm chặt cây thánh giá đeo ở ngực... Anh thử nghĩ xem, không có một niềm tin nào đó, dù là niềm tin tuyệt vọng, những cái chết của những người này sẽ còn khủng khiếp hơn đến mức nào! - Anh thừa nhận em có lý điểm này. - Anh ơi, cả cái chế độ Sài Gòn này sụp đổ, có nhiều nguyên nhân lắm... Song trong đó có những nguyên nhân tự nó, và vì thế nếu không bị miền Bắc đánh bại thì về lâu dài nó cũng phải sụp đổ, vì những tha hoá không thể cứu vãn được anh ạ. Trước hết đó là vì nó có quá nhiều bom đạn tiền bạc nhưng lại không có ý thức hay lý tưởng sống cho ngày mai. Nó tôn thờ một cách bệnh hoạn cái mặt tiêu cực nhất của chủ nghĩa hiện sinh và muốn tiếp thu trọn vẹn những điều bệnh hoạn này, nhưng nó lại xa lạ với cái triết lý sâu xa “cha mẹ hiền lành để đức cho con” theo cách nhìn đời của chú Học! Cái khái niệm “cha mẹ hiền lành...” chú Học luận ra rộng lắm anh ạ, gần như là chân lý phấn đấu làm người, em thật không ngờ! Bản thân cái khái niệm “hiền lành”, rồi đến cái khái niệm “để đức cho con” đã vô cùng phong phú, vô cùng cao xa! Con đường đi từ “hiền lành” đến “để đức cho con” vô cùng trí tuệ và nhân bản anh ạ! Tuy nhiên chính chú Học cũng thú nhận rằng cố giữ đức tin như thế để luôn luôn sửa mình thôi, còn thực hiện nó trong đời thì còn gian truân lắm, xa vời lắm... - Chú có nói với em là phải có máu lạnh và phải giàu không? - Không, đấy là điều em tự rút ra cho mình. Nói đến đây Lễ như đang bị cuốn hút vào một điều gì khác, bỏ dở những điều đang nói, nhìn đi đâu đâu một lúc rồi mới quay lại với Nghĩa: - Anh ạ, có một điều ngẫm lại em thấy kỳ quá, nhưng anh đừng giận. Nghĩa vẫn chưa ra khỏi sự bất ngờ về triết lý của chú mình, về suy nghĩ của Lễ, nên động viên Lễ nói tiếp: - Kỳ cục thế nào? Em cứ nói đi. - Nằm ở B7, học được điều gì thì ít, nhưng lại hiểu chú mình nhiều hơn, thật là kỳ! Bây giờ nói chuyện với anh, em lại phát hiện ra một sai lầm lớn của người cộng sản các anh. - Nghe thú vị quá nhỉ. Sai lầm gì vậy? – giọng Nghĩa đượm vẻ bực bội. - Trong khi tôn giáo đang cố gắng đưa những vấn đề từ trên trời xuống đất, nào là thức tỉnh tâm linh con người để cứu vãn đạo đức, nào là cố làm nơi nương tựa cho con người dưới đất này.., thì các anh lại dùng chủ nghĩa của mình đưa những vấn đề của dưới đất lên trời, bằng những lý tưởng viển vông của mình! - Lễ, như thế nghĩa là em không tin vào chủ nghĩa xã hội khoa học? - Bao giờ có chủ nghĩa xã hội khoa học? Nó là gì thế anh? Anh nói rõ cho em nghe xem nào? - Nghĩa là em không tin cái cốt lõi nhất trong chủ nghĩa Mác: Gắn giải phóng cá nhân với giải phóng giai cấp, với giải phóng cộng đồng dân tộc. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là như vậy. Học thuyết Mác nhằm vào mục tiêu giải phóng cá nhân như vậy, chứ không phải là phủ nhận cá nhân.
- Nói đến như anh mà em thực lòng vẫn không tin, thế có chết không!
Ha... Ha... Ha... – Lễ chua chát cười phá lên. Ngẫm nghĩ một lúc, Lễ đáp lại: - Anh Nghĩa ạ, đơn giản là làm sao thực hiện được cái việc gắn như anh nói! Thời nào mà chẳng có sự thống trị của cái tầng lớp thuộc về thời ấy, nói rộng ra là của cái chế độ ấy! Ngay cả cái gọi là chuyên chính giai cấp em cũng cho là tào lao, là dụng ý. Nếu coi đó là một khái niệm để tư duy, một công cụ quyền lực được nguỵ tạo ra cho mục đích như mọi công cụ khác thì em chấp nhận. Khi mổ xẻ đến tận cùng bản chất của quyền lực, anh cứ thử tách bóc mọi thứ người ta đắp điếm lên hai chữ giai cấp mà xem!.. - Lễ càng nói càng sôi nổi, nhấn mạnh vào các từ ngữ xưa nay Lễ vẫn thường tranh cãi với nhiều người kể từ khi còn đang ở đại học, ở các buổi hội thảo do cơ quan nghiên cứu chiến tranh tâm lý tổ chức... Khó khăn lắm Nghĩa mới chen ngang vào được: - Nói như em thì xã hội không có giai cấp à? - Có chứ ạ. Giai cấp và nhân danh giai cấp là hai chuyện khác nhau. - Em cũng nghiên cứu về giai cấp à? - Vâng. Nhưng em đi sâu vào cái gọi là nhân danh giai cấp, điều này mới thực sự quan trọng anh ạ. Đây không phải là lần đầu tiên! Chuyện này trong Sài Gòn những người có ý thức một tý không thể dửng dưng được. Ngô Đình Diệm đã nhân danh giai cấp cần lao nhân vị lê máy chém đi khắp nơi. Đúng ra phải nói đó là giai cấp mấy anh em nhà họ Ngô, chuyên chính của mấy anh em nhà họ Ngô, của chế độ họ Ngô!.. Anh đã thấy rõ sự lừa bịp chưa? Đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ cũng à la mode kêu gọi hữu ái giai cấp thì thật là không còn gì để nói nữa! Anh đã biết Thiệu – Kỳ hữu ái giai cấp với em như thế nào rồi! - Như thế theo em là không có chuyên chính giai cấp? - Dứt khoát không. Chuyên chính vô sản như tụi em được học ở B7 về chủ nghĩa xã hội khoa học cũng không! Chỉ có cái chuyên chính của nhân danh giai cấp! Đến lúc này Nghĩa không giữ được bình tĩnh nữa, một điều hiếm khi xảy ra đối với Nghĩa. Ông hỏi dồn: - Theo cậu là không có giai cấp hay chuyên chính gì hết? Lễ đáp lại ngay: - Có chứ anh. Tên gọi chuẩn xác là chuyên chính của cai trị đối với bị cai trị! - Nhưng ít nhất cậu cũng phải hiểu mỗi nền chính trị có một chủ thuyết của giai cấp nó đại diện chứ! - Chủ thuyết cũng chỉ là thứ người ta đưa ra để để bám lấy, nếu không thì chỉ để biện hộ thôi anh ạ. Chế độ nào cũng thế, em chưa thấy cái gì hơn ngoài cái cai trị và cái bị cai trị! May ra thì có sự khác nhau giữa cai trị tốt và cai trị xấu! Còn cái gọi là chủ thuyết của giai cấp như anh đang nghĩ trên thực tế nó luôn luôn trở thành chủ thuyết của cái nhân danh giai cấp! - Cậu thực dụng hết chỗ nói. Phải cải tạo một trăm lần, một nghìn lần! – tay Nghĩa nắm lại, hết miết miết lại rồi đấm đấm trên mặt bàn. Cái giọng nhỏ nhẹ lúc đầu câu chuyện không còn nữa. Trong ánh điện mờ mờ ban đêm, Lễ vẫn thấy mặt anh mình đỏ lên như người say rượu. Lễ biết anh mình đang giận lắm. Câu chuyện không còn anh anh em em nữa. Cách xưng hô của Nghĩa chuyển sang tôi tôi cậu cậu từ lúc nào không biết! Tự nhiên Lễ cũng thấy không muốn nhượng bộ anh mình: - Anh cáu em đấy à? - Tôi muốn tranh luận với cậu cho ra nhẽ! - Nếu thế anh phải bình tĩnh. Chung quy lại em và anh đều kính phục Mác. Nhưng em thì hoài nghi và không chịu hy sinh. Anh thì lại dám hy sinh vì đã trở thành tín đồ! - Ai cho phép cậu quy kết tôi như vậy?! – Nghĩa cáu thực sự. - Chính câu hỏi của anh vừa nói đang chứng minh điều em nghĩ! - Cậu thông tục hoá và hiểu sai Mác hết chỗ nói! Cậu không hiểu cái tinh tuý nhất của Mác là giải phóng con người à?! Giải phóng đến mức coi tự do của mỗi người là điều kiện cho tự do cho mọi người! Cậu đã thủng ra chưa!.. Tự do của mỗi người ở đây khác hẳn với cái tính ích kỷ của cậu!.. - Nghĩa bực dọc bắn ra một tràng, bàn lại tay nắm lại, gõ gõ xuống mặt bàn. Lễ ít nhiều thất vọng, nhưng vẫn kiên nhẫn chờ cho anh mình nói xong, mới lựa lời: - Anh mắng em thế nào cũng được... Em muốn bộc bạch suy nghĩ của mình, nhưng anh đang từ cục đất bỗng dưng trở thành ông Trương Phi! Thế thì tâm sự với nhau làm sao được! – Lễ gần như rên lên, nhích ghế ra xa, muốn đứng dậy bỏ dở câu chuyện. - Anh xin lỗi... Nói đi!.. Em nói tiếp đi!.. – chính Nghĩa cũng không hiểu bây giờ mình đang ra lệnh hay đang thúc giục, dỗ dành Lễ. - Còn chuyện này em chưa kể anh nghe, nếu có thói quen tin vào chủ thuyết, thì có lẽ em đã không chọn con đường rốt cuộc đã dẫn đến trại cải tạo B7 ở Bảo Lộc. – Lễ vừa nói vừa kéo ghế trở về ngồi chỗ cũ. Nghĩa ngồi im. Lễ không biết anh mình đang nghe mình nói hay đang ngồi nuốt giận. Lễ cố lấy lại không khí anh em: - Anh ạ, câu chuyện là thế này. ...Trước khi vào trường sĩ quan Đà Lạt, em đã đi học đại học kinh tế. Nhưng nghe giảng được gần hết học kỳ đầu, em nuốt không nổi, liền bỏ đi học cái khác. - Cậu ghét môn này? - Đơn giản là không nuốt nổi anh ạ. Người ta giảng cho em, nếu có cạnh tranh hoàn hảo, nếu có thông tin hoàn hảo, thị trường sẽ là bàn tay vô hình toàn năng đến kỳ diệu... Nếu nếu nếu... Nhưng anh ơi, trên đời này làm gì có chữ nếu và vì thế làm sao có được sự hoàn hảo ấy! Sở dĩ các mô hình kinh tế thường đi tới đổ vỡ, là vì khi thiết kế nó người ta phải đơn giản hoá nhiều điều, để dễ lập mô hình, dễ tính toán... - Trời ơi Lễ, cậu phản khoa học đến mức đố kỵ với khoa học! - Anh giải thích dùm em, sự hoàn hảo dựa trên chữ nếu không bao giờ có thì làm sao có mô hình kinh tế đúng được! Em thì không bao giờ tin vào chữ nếu ấy. Lại càng làm gì có khả năng thoả mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần ngày một tăng của mọi người như bài giảng nói về chủ nghĩa cộng sản của các anh! Trong trại người ta giảng thô thiển lắm. Thô thiển đến mức em cảm thấy mình bị xúc phạm, bị coi là đồ con nít! Thế mà còn gọi là hoài bão, là tiêu chí cao nhất của chủ nghĩa cộng sản mà nước ta đang mở đường đi tới... tụi em nuốt không được! - Nhưng hiện nay chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa cộng sản đâu? - Tụi em hiểu chứ. Đấy là phần giảng trong bài học “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”. Nhưng cái đích mơ hồ thì làm sao có con đường đúng? Sự thoả mãn ấy là không tưởng! Giả thử một khi đạt được sự thoả mãn ấy thì loài người sẽ tự huỷ diệt, nghĩa là không còn lý do để sống, vì chẳng còn điều gì để ham muốn, để hào hứng. Càng nghe, Nghĩa càng thấy bứt rứt trong người. Nghĩa cướp lời của Lễ: - Đã bảo là chúng ta mới còn đang ở bước đi ban đầu của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Học thế mà không hiểu à? Lễ cố cười để bớt gay gắt với anh mình: - Khổ quá, em hiểu chứ. Nội dung cốt lõi của chế độ xã hội chủ nghĩa là chuyên chính vô sản dựa trên liên minh công nông và trí thức, là quan hệ sản xuất chủ yếu dựa trên sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể và nhờ vậy xoá bỏ được bóc lột, là đoàn kết dân tộc, là dân chủ của chế độ nước ta gấp vạn lần dân chủ phương Tây... Anh không thể nói em không thuộc bài! - Lễ, cậu giễu tôi hay cậu nói nghiêm túc đấy! - Em xin lỗi đang làm anh giận, nhưng em nói thực lòng những điều được nghe giảng đấy. - Giảng với giải gì mà toàn là khẩu hiệu thế! – Nghĩa cố ôn tồn giải thích lại cho Lễ. - Có thể ngày xưa, đã lâu rồi, đúng là giới nghiên cứu nước nào đó trong phe xã hội chủ nghĩa có đề ra một số tiêu chí cho lý luận về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Nhưng bây giờ đã thay đổi rồi. Bài giảng phải đi vào những vấn đề thiết thực đất nước phải giải quyết sau chiến tranh chứ! - Không phải chỉ trong lý luận. Trong cuộc sống thực em cũng thấy có cái gì không ổn so với cách nghĩ của em anh ạ. Trong này tụi em trước đây đã được nghe đến đấu tố trong cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc, rồi đến phong trào hợp tác xã, đến cải tạo xã hội chủ nghĩa. Bây giờ thì em được biết loáng thoáng cải tạo xã hội chủ nghĩa ở trong này, đến sự vận hành của bộ máy chính quyền thành phố... Hai hôm nay ông Tư đã kể cho em nghe hết cả. - Hay là vì nhà in của chú Học bị cải tạo mà cậu đặt ra cho mình câu hỏi đất nước này có còn là của mình hay không? Lễ ướm đi ướm lại trong đầu ba, bốn câu trả lời, để xem câu trả lời nào đích thực là suy nghĩ trong tâm can mình. Lễ hiểu ngoài anh mình ra, không thể tìm được ai giúp mình đi tới những câu trả lời tin cậy cho những câu hỏi chính cuộc sống của Lễ đang đặt ra cho Lễ. Tách cà phê trong tay Lễ cứ xoay đi xoay lại mãi. - Câu hỏi của anh làm em lúng túng phải không? – giọng Nghĩa đã dịu lại. - Không phải thế anh ạ. Chữ nếu người ta dạy em ngày xưa ở nhà trường và chữ gắn anh vừa giảng cho em lúc nãy đều là hoang tưởng. Tất cả chỉ làm em thêm bế tắc. Em sợ là vấn đề còn nghiêm trọng hơn cái nhà in của chú Học. Em đã nói rồi, khi có dịp em sẽ cho ông Tư cái nhà này. Em không phải là người hẹp hòi. Vả lại cái nhà in của chú Học đâu có phải là của em! - Thế cái gì là nghiêm trọng hơn hả Lễ? – Nghĩa cảm thấy lo vô cùng cho em mình. - Nếu so sánh một bên là những gì đất nước chúng ta phải chịu đựng vì cuộc chiến tranh này và một bên là những cái gì chú Học mất mát, thì những người như chú Học, như em, phải nợ đất nước này nhiều lắm. Nợ không thể trả được. Em nghĩ như vậy, anh có chấp nhận không? - Anh đồng ý với suy nghĩ này. - Thế là xong một điều anh nhé. Điều nghiêm trọng hơn đối với em vẫn là còn nhiều câu hỏi không trả lời được, hay là trả lời đằng nào em cũng thấy bế tắc... – Lễ dừng lại, hai tay nắm lấy tay Nghĩa lắc mạnh như người cầu cứu: - Anh Nghĩa, anh nói thật đi! Em là một kẻ tội lỗi hay là một kẻ thua trận? Anh nói đi! Nói thật lòng! - Anh hiểu tâm trạng em. Nhưng em phải tự trả lời những câu hỏi như vậy của mình, không ai làm thay được. - Anh trốn tránh! - Có chuyện đó. Nhưng anh muốn tự em phải làm quan toà của em! - Trả lời như thế nào, em vẫn là kẻ tuyệt vọng, anh hiểu không? Em không thể nào chấp nhận lý tưởng của anh làm lẽ sống cho em được! Điều này là dứt khoát!.. - Cũng có nghĩa là không chấp nhận chế độ này? - Không thể!.. Anh đã hiểu đúng... Hay là trong hoàn cảnh của em, kẻ tội lỗi và kẻ thua trận chỉ là một?.. Anh trả lời thế nào em cũng chịu được. - Đấy chính là câu hỏi cậu phải tự trả lời! - Thôi được... Anh Nghĩa ạ, điều sống chết đối với em là từ nay trở đi em còn chỗ đứng trong đất nước này không? Bây giờ thì anh phải trả lời, không được né tránh nữa! - Em cần có thời gian trấn tĩnh lại. Trừ phi em tự mình cố ý, đất nước không bao giờ đánh mất ai cả. - Không, đấy là anh nói lý! Anh vẫn tránh né câu hỏi của em! Chỗ này anh lại quên mất vấn đề giai cấp đích thực. Lại vẫn lẫn lộn cả với vấn đề nhân danh giai cấp nữa! - Con người em đầy mâu thuẫn. Nói chuyện với em khó quá! - Anh phải hiểu cho em. Chiến tranh khốc liệt và kéo dài, lại sống trong cái xã hội cá lớn nuốt cá bé, dần dần em trở thành con người không cần nghĩ đến ai trên đời này, em thú nhận như vậy. Đấy là chuyện của em. Cũng như anh theo cộng sản, đấy là chuyện của anh. Nhưng mọi đảo lộn vừa xảy ra thức tỉnh trong em người một con người khác, nhất là từ khi em được trở về cội nguồn gia đình của mình! Song ngay lập tức, chính sự ràng buộc của cội nguồn không gì phá vỡ nổi này buộc em phải tự hỏi mình em là ai. Cũng có nghĩa là ngay tức khắc con người mới trỗi dậy trong em tự hỏi: Đất nước sinh thành ra mình bây giờ còn là của mình không?! Anh hiểu không, đấy là câu hỏi em không trốn tránh được! Nếu anh là em, anh có thể trốn tránh được câu hỏi này không? - Sao em lại hỏi như vậy? Nếu anh lại nói rằng đất nước này không tự mình đánh mất ai thì em nghĩ sao? - Anh trả lời như thế thì đất nước này chưa hẳn là của em, nhưng cũng sẽ không thể là của anh. - Lễ! Thế đất nước này là của ai? - Nghĩa gằn lên gần như hét lớn. - Đất nước này là của ai? Ha ha ha! Trời ơi câu hỏi hay quá!.. – lại giọng cười đầy chua chát của Lễ. - Anh ạ, xin anh nghe kỹ những lời em nói... Ngay lúc này, ngồi đối diện với anh, trong thâm tâm em vẫn tôn sùng Tuyên ngôn mùng Hai tháng Chín của Cụ Hồ. Ngồi trong trại B7, tự mình cật vấn lương tâm mình, em hiểu được một điều: Việt Nam ta không cần gì hơn bản Tuyên ngôn này, nhưng em không tin nó thực hiện được. Em không tin vào cái giai cấp, không tin vào cái gắn như anh nêu ra. Cái nếu và cái gắn chúng ta đang mường tượng tới thực ra chỉ là cái gì đó hư vô không bao giờ có trên đời này... Tốt thì đó là một khát vọng khó thực hiện, xấu thì đó chỉ là một chiêu bài. Em không có lòng tin này, nên theo em giữa xấu và tốt ở đây không xác định được ranh giới. Vì thế em không trả lời anh được. - Chúng ta vẫn mỗi người một bên trận tuyến hay sao hả Lễ? - Trận tuyến không tự nó mất đi được anh ạ. Em đã nói rồi, chỉ có cai trị và bị cai trị. Anh thuộc về bên chiến thắng. Hay chính vì lẽ này anh nghĩ rằng anh không cần đếm xỉa đến các câu hỏi như em đang phải tự hỏi mình?!. Bây giờ anh có tiếc là đã không bắn vào đầu em nữa không, dù chỉ là trong ý nghĩ? - Lễ! Tách chén rung lên. Một cốc nước trắng té nghiêng đổ nước xuống mặt bàn. Nghĩa hiểu phải tự kiềm chế mình, cố bình tĩnh: - Anh chiến đấu là để giành lại đất nước này cơ mà! Lễ nắm lấy cả hai tay Nghĩa, giọng chua xót, gần như hét lên: - Chẳng lẽ đến nỗi là hai anh em như chúng mình mà cũng không làm nổi việc hoán vị cho nhau, dù chỉ là giây lát thôi, để hiểu hết lòng nhau? Chúng ta bị chia lìa khỏi nhau đến thế là cùng hả anh Nghĩa?! - Anh cũng cần có thời gian! - Cái khổ của em là thiếu đức tin, nhưng anh thì lại sùng bái ý thức hệ của mình như một tôn giáo. Anh em ta nhìn thấy nhau, tay trong tay đứng bên nhau, thế mà vẫn mỗi người một phía! Thế là thế nào hả anh Nghĩa? Trời ơi là trời! – Lễ gần như rít lên, lắc mạnh cả hai tay Nghĩa, mặt nhìn thẳng vào mặt Nghĩa. Mãi Nghĩa mới nói được thành lời, nghẹn ngào: - Lễ, anh muốn hiểu em và hiểu anh kỹ hơn nữa... Trong tình anh em ruột thịt, anh đã từng hỏi anh là ai? Anh đã từng nghĩ dù anh là ai thì cũng không thể cầm súng bắn vào em được... Anh đã quyết đem hết sức mình hàn gắn lại gia đình tan vỡ của chúng ta, em hiểu chưa! Anh không thể mất em được, Lễ ơi... Trời ơi, nếu em nhìn thấy mợ thỉnh thoảng ngồi khóc một mình! Dù tội lỗi thế nào, em vẫn là hòn máu của đại gia đình chúng ta!.. Nỗi đau quá lớn trong mỗi người làm câu chuyện chết lặng. Mãi một lúc sau Lễ mới nói tiếp: - Những gì em được nghe ông Tư kể lại, phản bác sạch trơn những lời anh giảng giải cho em về lý tưởng của anh. Nỗi đau của gia đình mình càng giày vò em. Nghĩa là càng làm cho em hoang mang... Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, thời nào cũng có sự thống trị của những người giành được địa vị thống trị. Phải nói em thực sự hoang mang! Trong lòng em không muốn bào chữa bất kể điều gì cho mình. Em sẵn sàng chịu sự phán xét và nhận mọi hình phạt em đáng được nhận. Nỗi đau của gia đình ta quá lớn. Nhưng em không thể chấp nhận bất kể điều gì em thấy không thể chấp nhận được... - Chiến tranh đã qua rồi, và bây giờ em muốn đoạn tuyệt với tương lai của dân tộc? - Không! Anh Nghĩa! Dù là người chiến thắng, nhưng anh không có quyền và không được phép nghĩ như thế! – Lễ gần như quát lại anh mình. Nghĩa ngạc nhiên nhìn em chằm chằm. Ông không thể hiểu nổi là mình đã xúc phạm Lễ, hay là nỗi đau quá lớn của Lễ biến thành giận dữ. Nghĩa đứng yên, nhưng Lễ nhìn thấy trong mắt anh mình tất cả. Lễ tìm cách giải thích cho anh mình: - Anh phải cố hiểu. Trong trại cải tạo người ta giảng giải cho bọn em chỉ thô thiển hơn anh một chút thôi, còn cốt lõi của suy nghĩ thì hệt như nhau: Đó là cách nghĩ của người chiến thắng anh ạ! Bản thân cách giảng giải như vậy đã giải phẫu cắt loại bọn em ra khỏi đất nước này! Thế mà em cứ tưởng... - Người ta không giảng cho em về hòa hợp dân tộc? - Vô ích anh ạ... – giọng Lễ đầy thất vọng. - Có giảng gì đi nữa thì cách nghĩ như vậy cũng xóa đi tất cả!.. - Hay là chỗ này giảng chưa thủng? – Nghĩa phân vân. - Tụi em, hay ít nhất là em không cần giảng, anh ạ. Em tôn trọng chính kiến của người chiến thắng, có nghĩa là cả của anh nữa. Em chấp nhận luật pháp của người cầm quyền cai trị đất nước, vì thế em đã tự nguyện đến trại cải tạo. Song em không thể chấp nhận nhồi sọ cho em giáo lý của người chiến thắng, càng không thể chấp nhận chính kiến của người chiến thắng làm của mình, cho đến bây giờ là như vậy... - Anh hiểu được... Cần có thời gian em ạ. - Không phải thế! Em không thể chấp nhận được nhục hình về tinh thần, mặc dù chưa một lần nào em kêu ca những khổ sở thiếu thốn của cuộc sống vật chất! Khổ thế này, chứ khổ nữa em vẫn cam lòng chấp nhận. Nhưng làm nhục bọn em về tin thần, có lúc họ giảng giải cho tụi em mà cứ như là người lớn nói chuyện với con nít... Rồi còn dạy khôn bọn em nữa.., thì hoàn toàn quá sức chịu đựng của bọn em... Giảng như thế cũng có nghĩa là các anh đã tự xóa đi những gì người cộng sản các anh đã làm đúng!.. - Giữa học viên và giảng viên không bao giờ trao đổi với nhau đánh giá việc giảng, việc học à? – Nghĩa ngạc nhiên. - Một lần nữa anh lại tự chứng minh mình là người chiến thắng! – Lễ cười gằn. - Anh tin là tụi sĩõ quan gọi là ngụy như chúng em có thể trao đổi thẳng thắn với các giảng viên à? Đừng quên tụi em là sỹ quan ngụy! – Lễ nhấn mạnh mấy từ này. - Thậm chí khó mà có một câu hỏi nào của bọn em được trả lời thẳng thắn, dứt khoát? - Em định nhắc lại câu hỏi thời gian cải tạo sẽ là bao lâu? - Đấy chỉ là một trong nhiều câu hỏi thôi anh ạ. Tại hội trường, học viên sợ bóng sợ vía ban chỉ huy trại nên mới chỉ nói như anh đã được nghe thôi. Còn nói với nhau thì tụi em cho rằng cải tạo không có thời hạn thế này chẳng khác tù chung thân bao nhiêu. Trong này tụi em từ lâu đã biết ngoài Bắc có những người phải đi cải tạo từ thời sau 1954 mãi đến gần đây mới được thả về!.. - Anh không muốn làm công việc nhồi sọ. Em cần có thời gian tự tìm lấy những câu trả lời cho mình... – Nghĩa hiểu là phải kiên nhẫn với Lễ nhiều hơn nữa. - Em chỉ là một trong hàng triệu, hàng triệu chất liệu dựng lên bi kịch của nước ta mà thôi anh ạ. Trong mỗi chất liệu ấy là một phạm nhân và hai lần nạn nhân, anh biết không? Một phạm nhân là vì đã gây ra ra hoặc dính líu vào các tội ác chống lại đất nước. Hai lần nạn nhân, vì một là của chiến tranh và một là của sự chia lìa về cách nghĩ, lối nghĩ... - Sự chia lìa về ý thức hệ? - Anh nói thế cũng được. Một lần phạm nhận và hai lần nạn nhân.., tất cả trong một nhân cách, anh biết không?! - Thế còn những kẻ chỉ tôn thờ một con đường chống lại đất nước thì sao? – Nghĩa vặn lại. - Anh không biết những người như Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang... đã từng ăn gỏi chính bản thân em hay sao? Ít nhất trong con mắt em họ là như thế... Khi xảy ra các vụ nhà sư tự thiêu của phong trào Phật giáo, Lệ Xuân thản nhiên nói bằng tiếng Anh trước các nhà báo nước ngoài: Có thêm vài nhà sư tự nướng chả mình cũng chẳng hề hấn gì! Chắc phải uống máu người không tanh mới nói được câu như thế. Lệ Xuân đã nói lên được tính cách của nhóm người mà chính Lệ Xuân đại diện... Thế nhưng những người như Ngô Đình Diệm, Đỗ Mậu... lại là một một tuýp người khác. Họ có lý tưởng yêu nước theo cách nghĩ của họ và chống cộng từ trong xương tuỷ. Chẳng lẽ anh cho tất cả bọn họ, rồi cả em nữa vào chung một rọ với Lệ Xuân? Anh nghĩ như thế à? - Em nói thế là rõ đấy. - Nếu không có mấy chục năm chiến tranh và chia ly như vậy, biết đâu lẽ sống của anh và của em có thể chỉ là một! – Lễ dừng lại, nắm lấy tay anh lắc mạnh: - Bất kể thế nào, trời đất đổi dời thế nào, gia đình ta chỉ là một! Anh có hiểu không, anh Nghĩa!.. Anh không thể tưởng được chú thím Học, tất cả tụi em trong này phải chụm lại với nhau như thế nào để bảo vệ bằng được gia đình của mình, một cuộc chiến khác trong lòng chế độ xã hội Sài Gòn!.. Tất cả bố mẹ anh chị em con cháu chúng ta là của nhau! Chắc anh không thể nào hình dung nổi xã hội trong này khi các phố xá Sài Gòn nhan nhản các lính Mỹ, nhân viên quân sự Mỹ, nhân viên dân sự Mỹ!.. Thành phố là một cái nhà thổ khổng lồ với tất cả dịch bệnh lây lan của nó, anh hiểu không! – Lễ nói dằn từng tiếng vào mặt Nghĩa. - Đã có một lần anh được nghe một nhà văn Nhật ví nước Nhật là cô gái điếm của lính Mỹ. Ông ta bị cả nước Nhật phê phán, nhưng rồi cả nước Nhật nhận ra đấy là lời cảnh cáo đúng đắn... Hôm nay anh hiểu thêm điều em vừa nói... Nghĩa lặng người đi một lúc, mãi mới nói tiếp được: - Đất nước bị chà đạp đến thế mà anh em chúng ta vẫn hai đường, hai ngả!.. Có lẽ em nói đúng, em đã được nhào nặn thành một con người như em hiện nay. Chẳng lẽ gia đình ta bị cướp mất em thật rồi hả Lễ?.. - Không! Phải nói cả nước ta bị cướp đi nhiều quá, anh ạ. Là em của anh, về phương diện này em có quyền nói em bị cướp đi nhiều hơn anh! Vì cậu mợ, các anh, họ hàng chúng ta... Tất cả cũng là của em chứ! Chính bản thân em cũng bị cướp đi rồi anh ơi! Tất cả chúng ta là của nhau! - Trời ơi! – Nghĩa thốt lên. Còn một điều nữa, ngồi trong trại bây giờ em mới tỉnh ngộ ra... Cuộc chiến tranh của Mỹ trên đất nước ta tuy đã qua rồi, nhưng dư chấn của nó vẫn sẽ tiếp tục cướp đi những gì nó còn có thể cướp, sẽ còn phá đi những gì nó có thể phá! Không có cách gì cưỡng lại được đâu! Cuộc chiến tranh này ác quá anh ạ! Ai mà không ham sống hả anh? Thế mà nhiều lúc em mong thà chết như Mạnh còn hơn!.. Chắc chắn gia đình chúng ta không phải là nạn nhân duy nhất của sự cướp bóc còn tiếp diễn sau chiến tranh. Ngay từ bây giờ em đã linh cảm thấy như vậy. Rồi đấy anh xem! Cuộc chiến tranh này ác quá... Hai anh em nắm lấy tay nhau, mãi không ai nói được gì nữa. Mãi một lúc sau, Nghĩa mới cất được lời hỏi Lễ: - Điều gì làm em lo lắng đến như vậy? Câu hỏi rơi thỏm vào tĩnh mịch của đêm khuya. Lễ hít một hơi thở mạnh như để lấy sức, rồi từ từ bỏ hai tay ôm đầu xuống: - Ông trời tai ác quá anh Nghĩa ạ... Em vừa kính phục anh, vừa thương hại anh. Em vừa bác bỏ em, vừa không chịu khuất phục những điều anh tôn thờ! Em thật không biết mình phải sống như thế nào! Từ ngày vào trại cải tạo, nhiều lúc thực sự em không thiết sống, dù em xưa nay ích kỷ, nhút nhát và rất sợ chết! Bao nhiêu lần em trốn ra trận vì rất sợ chết! Anh chưa nhìn thấy hết hậu quả của cuộc chiến tranh này đâu! Nhất là từ phía em... - Sao em lại dám cả quyết như vậy? - Vì anh là người chiến thắng!.. Còn nhiều điều thuộc phần em buộc em phải suy nghĩ tiếp. Còn nhiều điều thuộc phần anh, anh cũng chưa thấy hết đâu. - Em nói gì lạ thế? Lễ không trả lời ngay, cố trấn tĩnh những sóng gió về những ngày trước và sau 30 Tháng Tư đang nổi loạn trong đầu rồi mới nói được: - Anh ơi, có thấy cảnh Sài Gòn giãy chết trong những ngày cuối cùng trước giờ tận thế... Ôi có được chứng kiến những ngày này, mới có thể hiểu đúng được sự hồ hởi nồng nhiệt của dân Sài Gòn, mới hiểu được không khí thanh bình không thể tưởng tượng nổi sau đó anh ạ! Tiếc quá anh không được là nhân chứng của hai cảnh đời trái nghịch này! Chính sự trái nghịch này nói lên nhiều điều lắm, có lẽ người cộng sản các anh chưa thể hiểu hết đâu!.. – Lễ dừng lại, cảm nghĩ hôm nào đến giờ phút này vẫn còn choáng ngợp tâm trạng mình. Nghĩa chăm chú nghe. - ...Anh ạ, chính sự trái nghịch này làm bật lóe lên trong em cảm nhận mãnh liệt, dù chỉ là trong khoảnh khắc: ...Cuối cùng thì đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này!.. Ôi anh Nghĩa, chính cảm nhận này giục giã em tự trình diện và em tự nguyện xin vào trại cải tạo... Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này! Thế mà... - Ôi Lễ! - Nhưng đến giờ phút này anh vẫn chưa thuyết phục được em. Nghĩa là đến hôm nay anh vẫn chưa chiến thắng được em, có phải thế không? – Lễ cố làm cho không khí anh em dịu lại. Nghĩa lặng đi hồi lâu, cuối cùng rên rỉ: - Hai anh em chúng ta cùng nhau hàn gắn vết thương dân tộc ngay trong gia đình mình, được không em? - Vâng, em sẽ cố... Nhưng đừng làm cuộc chiến cưỡng ép chính kiến của anh nhé? - Anh hứa... - Tháng mười hai tới này là bốc mộ cho cậu và gia đình em Minh, sẽ đưa về quê. - Sẽ đưa về quê nào hả anh? - Về quê nội, Hoàng Đôi, Hưng Yên, nay là Hải Hưng em ạ. - Em chưa biết quê mình thế nào, mặc dù chú Học thỉnh thoảng có kể cho nghe. - Còn ở trong trại thế này, chắc em không ra kịp rồi. - Anh thay mặt cho chúng em trong này thắp nén hương cúng cậu và gia đình em Minh. Nhưng... - Nhưng gì nữa em?
- Chừng nào em còn sống, việc đầu tiên khi được ra khỏi trại là em
sẽ đi thăm mợ và anh chị em chúng ta ngoài Bắc. Em cầu mong mợ khoẻ
mạnh, cố chịu đựng. Sẽ có ngày em ra lạy mợ và thắp hương cho cậu và
gia đình Minh...
Trên đường bay trở ra Hà Nội, Nghĩa nhớ như in câu nói cuối cùng trước khi Lễ quay ra chào mọi người để trở về B7, từ giọng nói, đến vẻ mặt đau khổ, dáng điệu chán trường: - Anh Nghĩa ạ, hiểu cho em... Em không thể... – Lễ thì thào vào tai Nghĩa, gần như mắc nghẹn. Ôi không biết chuyến đi này mình đã tìm được Lễ hay là mình đang mất Lễ thật rồi! Tiếng bom đạn nổ ầm ầm, từng lúc xen vào những tiếng nổ cực lớn. Có lúc Nghĩa bị hất tung lên khỏi mặt đất. Lấy tay sờ đầu, sờ người, bàn tay ướt đẫm. Nghĩa cố giơ bàn tay lên gần mắt, nhưng chẳng nhìn thấy gì. Nghĩa liếm đi liếm lại bàn tay mình, chỉ thấy lạo xạo trong miệng và một mùi vị gì đó chát xít. Lại sờ hai chân, lại ráng hết sức bò tiếp trong mù mịt. Những tiếng nổ vùi Nghĩa sâu xuống đất, Nghĩa lại bới, lại gắng gượng lê lết. Một tiếng nổ lớn khác, nhưng lần này gần quá. Nghĩa thấy rõ thân thể mình bị chảy tan ra trong lửa. Nghĩa hiểu không thể bò tiếp được nữa, cố níu nhìn chân tay và thân thể mình đang bị biển lửa uống dần... Lại một tiếng nổ lớn nữa, trời đất tối sầm... Choàng tỉnh dậy, Nghĩa chỉ thấy một màu tối xịt chung quanh mình. Máy bay đang lao vào đám mây lớn, lắc dữ dội.
...Đất nước cuối cùng đã chiến thắng được cuộc chiến tranh này,
nhưng anh vẫn chưa thắng được em!.. – Nghĩa cảm thấy các vết thương
cũ lại tái phát dữ dội trên thân thể, miệng khô đắng. Nghĩa cố quờ
quờ tay tìm nút ấn để yêu cầu tiếp viên mang đến cho mình cốc
nước... Hết chương 6
◄Trở lại mục lục Sang Chương 7 ►
|