TẢN MẠN KHI BAY
Nửa đêm uống wine trên trời
Vài lần như thế rồi chứ nhỉ?
Ấy là những chuyến bay đi Paris vào ban đêm, khi máy bay đã ổn định trên
cao, hành khách qua khỏi cảm giác lo lắng, sốt ruột mà bình tĩnh nghỉ
ngơi, ngả đầu vào ghế thư giãn hay tìm kiếm xem các chương trình chiếu
trên máy bay, cũng là lúc tiếp viên hàng không phục vụ bữa ăn đêm. Khỏi
nói, VNA rất kiên định bảo tồn hình thức và chất lượng món ăn suốt nhiều
năm nay dù
là
chuyến bay trong hay ngoài nước. Vậy nên, ly wine trong chuyến bay đêm
lần này
đã mang lại sự thoải mái vì một cảm giác quen thuộc.
Ngồi bên cửa
số máy bay nhìn ra bên ngoài
là
màn đêm và mây,
có khi thấp thoáng vài ngôi sao... khay thức ăn nguyên vẹn, chỉ có ly
wine từ từ
vơi đi... nếu hết có thể yêu cầu thêm ly nữa. Anh chàng tiếp viên có
gương mặt bụ bẫm và trong sáng như một cậu thiếu niên, nhẹ nhàng rót
thêm rượu cho tôi và mỉm cười: cháu mời cô ạ. Cám ơn cháu nhé! Hình như
cậu có chút ngạc nhiên: phụ nữ, đi một mình, không ăn gì cả và chỉ uống
wine trong
khi hầu hết mọi người đã chìm vào giấc ngủ.
Nhưng có gì đấy như chia sẻ “cô có uống thêm chút nữa không ạ”? Cậu hỏi
tôi khi lại đi qua hàng ghế tôi ngồi. Tất nhiên tôi gật đầu, và ly wine
thứ mấy này được rót đầy hơn.
Nhấp từng ngụm wine, nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe
lời hát
“... em mơ cùng bay bên anh, ta thấy như trăng dưới chân mình...”*, nhớ
lần nào đó ai nhắn “cứ mơ đi, biết đâu...”. Ừ có ai đánh thuế giấc mơ
đâu? Mơ đi, bởi vì ký ức và giấc mơ là của riêng mình, không ai có thể
lấy đi hay ban tặng, là tài sản quý nhất của mỗi người. Ai không lưu giữ
ký ức không biết ước mơ thì cuộc sống nghèo nàn biết mấy! Giấc mơ về
những điều làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn, yêu nhau hơn luôn ngọt
ngào... để khi
ra khỏi giấc mơ dù có tiếc nuối thì
trái tim
vẫn đầy ắp
cảm giác yêu thương...
Ly wine giữa
đêm
trên trời không
uống bằng
chiếc ly thủy tinh
chân cao
sang trọng mà
bằng
chiếc ly nhựa
nhỏ nhắn
trong vắt…
Có
sao đâu, quan trọng là đôi môi mềm đi khi chạm vào những giọt đỏ long
lanh quen thuộc, quen đến mức dù chỉ gần nhau chốc lát rồi có xa vắng
bao nhiêu thì ký ức vẫn sẽ ở đó, trong một góc nhỏ của trái tim. Ký ức
ấy mãi
như một giấc mơ dịu dàng...
Ly wine trên trời lúc đêm
đang trôi đi
chứa cả
hơi lạnh ngưng từng giọt ngoài cửa số,
cả
cụm mây xám nhẹ ngoài kia
và
màu đêm đang
tan ra...
Uống ly wine
như giấu từng giọt ký ức.
Bạn không thể đánh mất ký ức dù đã từ chối
giấc
mơ...
Trong cuộc đời
chúng ta thường xuyên
“ước gì”
nhưng có bao giờ nhận ra đã nhiều lần đánh mất
ước mơ?
Một kiếp nào đó ở Paris
Buổi sáng, khi mở mắt là thấy trời đã sáng rõ, không phải vì dậy trễ mà
vì mùa hè phương Bắc gần như không có màu đêm. Ban đêm không khí như ở
Sài Gòn, thỉnh thoảng có ngọn gió lang thang lướt qua làm dịu cả cái
nóng bức của cả một ngày dài chói chang ánh nắng. Mở cửa sổ thì hơi lạnh
nên đắp tấm chăn mỏng, nằm “nướng” và tha hồ nghĩ ngợi linh tinh, một
cảm giác lười biếng dễ chịu của ngày thơ bé...
“Paris có gì lạ không em?” ** Ai cũng nhắn hỏi như vậy khi biết tôi đang
ở Paris. Khi tôi trả lời một người
bạn
rằng, em thấy Paris vẫn thế chỉ có em dường như có khác khi trở lại. Anh
nói: Paris lạ vì nó luôn làm người ta khám phá ra chính mình, mỗi lần
một khác, mỗi lần một mới hơn!
Có lẽ vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở lại Paris.
Paris là một thành phố có nét đẹp cổ kính tạo nên sự lãng mạn chưa bao
giờ phai nhạt... Ở Paris hình như người ta luôn sống bình thản trong
khung cảnh ấy. Nhiều người đến đây cũng bị “lây” sự bình thản và bỗng
sống chùng lại. Tôi thích bước đi chậm rãi trên đường phố Paris, dưới
những tán lá mùa hè xanh mướt, thi thoảng lọt qua kẽ lá một mảnh trời
xanh biếc không một gợn mây. Những quán cà phê trên vỉa hè như ngưng
đọng qua hàng trăm năm, ngồi đó và tưởng một kiếp nào đó mình từng sống
nơi đây.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc một Paris với những quán sách cũ ven
sông, những con đường dịu dàng ánh đèn vàng ấm áp, những cây cầu qua
sông Seine đẹp như mơ, và một Paris “đẹp nhất lúc trời mưa” khi bên cạnh
là một ánh mắt ấm áp và giọng nói trìu mến.
Kiếp nào đó... tôi đã quen thuộc những đại lộ lát từng viên đá chẻ vang
lên tiếng xe ngựa lọc cọc, từng ngõ nhỏ mờ sương tím thấp thoáng bóng
chiếc váy dài kiều diễm, công viên mùa hè rực rỡ nắng như lụa trên những
chiếc dù ren trắng mong manh... Tôi từng quen thuộc những người “đàn ông
Paris” hào hoa và hóm hỉnh, những vị vua chúa cao sang, những chàng ngự
lâm quân can đảm và đa tình...
Kiếp nào đó
ở Paris...
có sự thất vọng ê chề của Madame Bovary, của những người đàn bà quên
mình lao vào mối tình đẹp và buồn, ngắn ngủi như ánh mặt trời hiếm hoi
ngày đông lạnh giá... Có sự
bao dung
của
lời tỏ tình đẹp nhất
tôi
từng biết “Ông Marius, hình như em có đem lòng yêu ông”...
Kiếp nào đó Paris là của
“Những người khốn khổ”. Và đàn ông Paris ngày ấy, cũng như ở đâu
ở thời nào cũng vậy, với họ “chiến đấu” bao giờ cũng là trên
hết và trước hết. Màu cờ đỏ cứ làm cho tôi rờn rợn mỗi khi xem
lại những bộ phim, những bức tranh... về thời cách mạng Pháp, khi đám
đông quần chúng ào ào xông lên rồi ngã xuống trước những loạt đạn. Một
nhà văn sau này đã viết một câu, đại ý: Quần chúng nhân dân làm nên lịch
sử, nhưng lịch sử là đoàn tàu chạy trên đường ray có sẵn, và quần chúng
thì ngồi trên tàu vỗ tay ca hát reo hò còn đoàn tàu đã có đầu máy kéo
đi.
... Dẫu vậy, sau tất cả, rốt cuộc Paris làm cho tôi nhận ra rằng, cuộc
chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!
Paris có gì lạ không ư? Đừng “hỏi khó” nhau như thế, nếu là người yêu
hãy cùng nhau đến nơi đây dù chỉ một lần.
Từ biệt tháng Bảy, từ biệt Paris, không biết có còn dịp nào trở lại
thành phố này nữa không...
Nhưng cảm giác một mình lơ lửng với mùa hè của
tuổi đôi mươi
mà
Paris mang lại cho tôi
sẽ mãi tươi nguyên... như ở một kiếp nào đó có một người vừa đi khỏi
cuộc đời tôi...
Từ ô cửa sổ máy bay
Đi máy bay tuyến ngắn hay dài tôi đều thích ngồi cạnh cửa sổ, vì suốt
chuyến bay gần như không bao giờ tôi ra khỏi chỗ ngồi. Ngồi cạnh cửa sổ
luôn được yên tĩnh, có thể quay mặt nhìn ra bên ngoài để tránh những câu
chuyện nhạt nhẽo của người ngồi bên, hoặc giả vờ ngủ trong cái cảm giác
rất thật là mình đang bay trong không gian, vì ngay bên cạnh, chỉ cách ô
cửa nhỏ, luôn là bầu trời bao la.
Ngoài kia, khi là bầu trời xanh đến không thể xanh hơn, khi là những đám
mây trắng bồng bềnh rong chơi, khi là những tia nắng ban mai nhẹ nhàng
nhô lên từ đường chân trời xa thẳm, khi là hoàng hôn đỏ rực ngay dưới
cánh máy bay...
Ngoài kia, khi là bầu trời đầy mây xám nặng nề, những ánh chớp loé lên
giận dữ, những hạt mưa tạt vào ô cửa nghe như tiếng va chạm của những
viên đá nhỏ khi khuấy ly cà phê đá.
Ngoài kia, có khi là bầu trời đầy sao. Dải Ngân Hà vắt ngang sáng rực,
những ngôi sao xa lấp lánh tinh nghịch. Ngôi sao nào là bản mệnh của
mình, tôi hay tự hỏi và hình như, mỗi chuyến bay đêm tôi lại tìm ra cho
mình một ngôi sao mới. Ngoài kia, thi thoảng là chuyến bay trong ánh
trăng mười sáu, tròn trặn, sáng rỡ, phô phang hết vẻ đẹp như gái một con
khiến ai nhìn cũng khó mà đưa mắt đi nơi khác.
Ngoài kia, có khi phía dưới là biển mênh mông, có khi là sông dài uốn
khúc, khi là rừng xanh núi cao, khi là thành phố lấp lánh ánh đèn như
những vì sao đêm, khi là lô nhô nhà với đường với xe hiện ra ngày càng
rõ... Khi ấy tôi biết mình đang kết thúc một chặng đường, tạm biệt không
gian để trở về mặt đất.
Mặt đất, có khi là một nơi xa lạ bỗng trở nên thân quen vì có người đang
chờ tôi ở đó; nhưng thường là tôi trở về nơi đã quá quen thuộc... Sài
Gòn của hơn bốn mươi năm cuộc đời tôi. Thành phố hiện dần dưới ô cửa sổ.
Từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó đến nay đã thay đổi quá nhiều. Những
mảng xanh của đồng lúa, của vườn cây, của những xóm làng ngoại ô miệt Gò
Vấp, Hóc Môn, Củ Chi... đã biến mất. Thay vào đó là những ô phố lộn xộn
cao thấp chen chúc nhau như hàm răng mọc lệch. Hơn một năm nay tuyến
đường Vành đai từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Thủ Đức như cái niềng răng
khổng lồ đẩy những ngôi nhà ven đường mới xây ngay hàng thẳng lối. Hy
vọng vài năm nữa trên máy bay nhìn xuống sẽ thấy những tuyến đường vào
thành phố như vành môi mềm mại tươi cười khoe hàm răng đều đặn. Cuộc
chỉnh răng nào mà không đau đớn, khi cần phải nhổ bớt đi hoặc trồng lại
những cái răng quá xấu. Chỉnh trang một đô thị cũng vậy, quy hoạch giải
tỏa đền bù xây mới... cần một bàn tay “nha sĩ” khéo léo và có y đức, để
thành phố có thêm “những vành môi, những hàm răng” đẹp. Tiếc rằng ở
thành phố này quy hoạch đô thị chưa tạo ra nhiều cảnh quan đẹp, thậm chí
có những công trình như “chiếc răng giả” trồng không đúng chỗ.
Thành phố của tôi. Ở dưới đó còn có một không gian khác nối liền những
con người bất chấp khoảng cách xa vời đến đâu. Nhưng, mối quan hệ giữa
những con người hoàn toàn không phụ thuộc vào không gian thật hay ảo, mà
do những điều khác quyết định, đôi khi, chẳng liên quan gì đến khoảng
cách địa lý. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng quá khứ vẫn là một sức nặng
đáng sợ, dù thế hệ sau 1975 đã khoan dung hơn khi nhìn về một thời đã
qua nhưng cũng nghiêm khắc với hiện tại và đòi hỏi cao hơn khi hướng tới
tương lai. Vậy cái gì đã ngăn cản chúng ta vượt qua những trở ngại từ
quá khứ?
Đấy là câu hỏi luôn làm tôi phải nghĩ ngợi, nhất là trên chuyến bay trở
về từ những nơi xa.
Nguyễn Thị Hậu
|