Lời Giới Thiệu
cuốn "Việt Nam Vận Hội" của Nguyễn Thế Anh

 

K. W. Taylor

 

Đóng góp của Giáo sư Nguyễn Thế Anh đối với nền học thuật đương đại về Việt Nam đã truyền cảm hứng và duy trì một dòng tư tưởng học thuật vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc. Khả năng chấp nhận sự đa dạng văn hóa và một phép sử luận dân tộc đa trung tâm của ông đi tương phản với sự tái tuần hoàn chủ nghĩa độc tôn trong truyền thống được ngụy tạo dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc cách mạng vốn được ưu tiên trong nền học thuật ở Việt Nam kể từ năm 1975. Ông đã tạo ra một di sản không chỉ bằng sự nghiệp xuất sắc ở cả hai đất nước và bằng những nội dung trong công trình của ông, mà còn bằng việc nuôi dưỡng sự khích lệ mà ông đã dành cho các sinh viên và đồng nghiệp, trong đó tập sách này là một minh chứng.

Nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thế Anh bao trùm những chủ đề trong phạm vi rộng lớn và cho thấy một trí óc mới mẻ và sống động, không bị ràng buộc bởi bất cứ hình thức giáo điều nào. Ông đã tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn từ rất lâu trước khi nó trở thành trào lưu. Đây là triều đại lớn duy nhất của Việt Nam không đóng đô ở Hà Nội; một triều đại “miền Nam” vốn được cho là không thể liệt vào một phép sử luận mà Hà Nội là trung điểm, trừ phi với tư cách là một triều đại bất tín với dân tộc, và vì bị phân loại như vậy, nên nó bị xem là một triều đại không đáng nghiên cứu. Bằng vào việc nghiên cứu về triều đại này, Giáo sư Nguyễn Thế Anh không chỉ đơn thuần thể hiện sự phản kháng đối với việc lãng mạn hóa tính anh hùng bài ngoại của chủ nghĩa dân tộc cách mạng, và cũng không chỉ mở ra không gian trí thức cho những cách thức khác để khái hóa sử luận Việt, mà còn cung cấp một nội dung tích cực cho phương cách này, một Việt Nam tiếp cận tham gia với thế giới bên ngoài thay vì chỉ có phản ứng và cố thủ, một Việt Nam có sự tự tin ở khả năng trí tuệ để chấp nhận và vượt qua những bất trắc không thể tránh khỏi do sự thay đổi nhanh chóng và đàm phán cải cách thay vì chấp nhận sự cám dỗ của tư tưởng cách mạng, vốn lý luận rằng để có được trật tự thì cần phải có những xung đột mang tính bạo cuồng.  Điều này ngày càng quan trọng trong lúc ngành Việt Nam học tiến xa hơn vào kỷ nguyên hậu cách mạng và khi người Việt tìm kiếm ngày một cấp bách những tầm nhìn khác hầu thay thế cho một tầm nhìn cũ mòn về quá khứ dân tộc.

Đánh giá của riêng tôi về Giáo sư Nguyễn Thế Anh có thể được chuyển tải qua ba chủ đề mà tôi tin là điển hình trong cuộc đời và sự nghiệp của ông: ông cho thấy tinh hoa được tạo ra bởi những cuộc gặp xuyên biên giới, dù các cuộc tiếp xúc đó xảy ra ở trong lãnh thổ của một quốc gia hay ở tầm quốc tế; tránh những sự đơn giản không thể tránh khỏi của ý thức hệ cách mạng, ông cho thấy tính hiện đại dân tộc trong kinh nghiệm của những người mà một khi cơn bão cách mạng đã được thấm nhuần, họ vẫn phải sống với những thăng trầm của cải cách và thay đổi; cuối cùng, ông cho thấy làm thế nào, trong cộng đồng tha hương, một tầm nhìn sử luận tích cực về dân tộc Việt Nam được duy trì thông qua các nỗ lực cho phép Việt Nam có chỗ đứng trong thế giới đương đại với một quá khứ không luân hồi thành những khuôn mẫu của giáo điều mới.

Trong ba chủ đề này là một sự căng thẳng giữa hai hình thức căn bản khác biệt để hình dung lối vào thế giới hiện đại của Việt Nam; hai cách thức này được minh họa bởi hai con người đã trở thành biểu tượng của tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Trong khi Phan Bội Châu ủng hộ bạo lực cách mạng để chống lại thực dân Pháp, Phan Chu Trinh lại chủ trương mượn người Pháp để cải cách và đổi mới dân tộc mà không dùng bạo lực. Không ngạc nhiên khi những người chọn con đường bạo lực đã thắng thế; làm như vậy, họ đề xuất một sử luận nhằm biện minh cho bạo lực mà những tham vọng của họ sinh ra, và họ truyền bá một biếm họa dân tộc về những anh hùng không ngừng chống ngoại xâm. Thời gian đã cho thấy sự thông thái của Phan Chu Trinh sâu sắc hơn của Phan Bội Châu. Bạo lực không đi tắt vào tương lai; trái lại, nó gây ra đau đớn và sợ hãi cho con người, cũng như nhạo báng chính cái mục đính mà nó được cho là một phương tiện cứu cánh.

Sự thông thái của Phan Chu Trinh là chủ trương cởi mở giao thiệp với người nước ngoài, với niềm tin rằng những gì thực sự đáng gìn giữ, bản chất luân lý của con người, sẽ không thể bị hủy hoại nếu không có sự đồng mưu của chính họ. Ông hiểu rằng dân tộc không phải là một bản sắc cố định đòi hỏi sự tuân thủ mà là một công trình đang chuyển động và mời gọi sự tham gia. Ngược lại, sự nghiệp của Phan Bội Châu được thúc đẩy bởi một quyết tâm đơn giản là đánh đuổi ngoại nhân dưới danh nghĩa một bản sắc dân tộc mà một cách tự nhiên nó sẽ tái khẳng định mình một khi công cuộc này đã hoàn thành. Cộng sản Việt Nam đã đi theo con đường của Phan Bội Châu và bây giờ chúng ta có thể đánh giá những kết quả của cuộc thử nghiệm này trong lúc Việt Nam tiếp tục phục hồi sau hàng thập niên chiến tranh và hiện đang phải đấu tranh để bước vào thế giới hiện đại theo con đường của Phan Chu Trinh.

Phạm vi học thuật của Giáo sư Nguyễn Thế Anh thực sự đáng chú ý. Ông đã viết nhiều nghiên cứu chi tiết về các chủ đề cụ thể cũng như các nghiên cứu tầm vóc cần tổng hợp và phân tích thông tin từ những khoảng thời gian dài. Công trình của ông gồm các nghiên cứu lịch sử về địa chất học, nông nghiệp, và khí hậu học; hệ tư tưởng và tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian, và chủ nghĩa Marx; giao thương và thương mại; chiến tranh; quan hệ Trung-Việt; quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây; lịch sử Đông Á và Đông Nam Á; lịch sử Hoa Kỳ; sử Việt nói chung; các chủ đề trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đặc biệt nhấn mạnh triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc; và các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sau năm 1945. Số tác phẩm này bao gồm cả ba chủ đề nêu trên (những trải nghiệm biên giới, chủ nghĩa dân tộc phi cách mạng, và một góc nhìn toàn cầu về dân tộc) với một lòng tin cởi mở là người Việt có thể tập trung theo hướng tiếp xúc và thay đổi thay vì khía cạnh của danh tính và đối đầu.

Điển hình là, trong công trình của ông, biên giới chủ yếu là nơi gặp gỡ thay vì là ranh giới. Chủ đề này ở một mức độ nào đó có thể hiểu là phản ảnh một quan điểm “miền Nam” hơn là “miền Bắc” của người Việt về biên giới. Trong khi biên giới Bắc Việt đã được cố định ở một nơi trong nhiều thế kỷ thì biên giới miền Nam được mở rộng đáng kể và mở ra sự tiếp xúc với nhiều nhóm dân và chính thể. Sự nghi ngờ đối với “ngoại nhân” và thái độ phòng vệ đối với biên giới thường được xem là một “quan điểm truyền thống của người Việt,” nhưng nếu vậy thì nó đã bỏ qua trải nghiệm của miền Nam, nơi đã thử thách thành công một cảm quan về việc “là người Việt trong sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, và kinh tế.”

Tương tự là một dòng tư duy về cách đất nước bước vào cái mà chúng ta gọi là thế giới hiện đại. Trong khi quan điểm của giới thống trị nhấn mạnh tư tưởng Bắc quan về sự nối tiếp của dân tộc từ cách đây hàng ngàn năm làm nền tảng cho đất nước hiện đại, Giáo sư Nguyễn Thế Anh hiểu được những ý nghĩa của một thực tế đơn giản: đất nước Việt Nam hiện đại là một món quà của miền Nam. Nó phát sinh từ miền Nam, từ Sài Gòn, cuối thế kỷ XVIII, với những người sáng lập triều Nguyễn, triều đại lần đầu tiên lập nên nước Việt Nam chúng ta thấy trên bản đồ ngày nay. Nước Việt Nam này được hợp nhất bởi những đội quân Bắc chinh, không phải Nam tiến, từ cái gọi là “biên cương,” thường bị coi là nơi ô hợp, không phải từ “vùng đất trung tâm cổ xưa” được ca tụng bởi những người nhiệt tình cách mạng.

Hơn nữa, khi những quan điểm miền Nam không được phép thể hiện ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã tiên phong cho nền học thuật quốc tế vốn tiếp tục được tự do khám phá sự rắc rối tường tận của văn hóa và trải nghiệm lịch sử của Việt Nam, vượt ra ngoài những sự đơn giản của các cuộc cách mạng. Đây là một món quà lớn cho Việt Nam ngày nay khi kỷ nguyên hậu cách mạng tạo cơ hội cho một môi trường ý kiến đa dạng hơn.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến khía cạnh thứ tư trong di sản của giáo sư Nguyễn Thế Anh, theo một trật tự khác, đó là danh tiếng của ông là một sử gia xuất sắc, người đã nghiêm túc nghiên cứu các văn bản và tài liệu lưu trữ. Ông là thầy của nhiều sinh viên đã học được cách trở thành học giả từ tấm gương của ông, và điều này sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến ngành Việt Nam học trong tương lai. Tuy đưa ra những hàm thuyết, công trình của ông lại phát triển từ kỷ luật nghiên cứu khoa học hơn là từ những định kiến về ý thức hệ trước đây.

Với nhiều học giả thuộc thế hệ Giáo sư Nguyễn Thế Anh, sống qua những biến động to lớn do sự suy tàn của chủ nghĩa thực dân, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cách mạng, và các cuộc nội chiến giành quyền kiểm soát quốc gia dân tộc, học thuật là một hình thức chính trị, một phương tiện để khẳng định một đánh giá đạo đức đối với những kẻ thù chính trị của một người, một hình thức phẫn nộ gián tiếp, không chỉ nhằm vào những gì được hiểu như một quyền lực ngoại kiều thống trị hay một quyền lực quốc gia đối đầu, mà còn nhằm vào bản thân đất nước của một người do đất nước ấy không có khả năng duy trì sự tinh khiết không bị ô nhiễm của những nguồn gốc tiền thuộc địa của mình. Công trình của Giáo sư Nguyễn Thế Anh không quy phục trước sự thu hẹp đơn giản hóa từ học thuật thành ý thức hệ này. Ngược lại, nó là nguồn cảm hứng không ngừng cho nền học thuật nhằm hồi đáp sự tò mò không giới hạn của con người về quá khứ và sự tôn trọng các chuẩn mực phương pháp luận khoa học. Đây là một thành tựu không nhỏ trong bối cảnh của ngành Việt Nam học hiện đại.

2017


 

Sử gia Nguyễn Thế Anh (1936-nay):

Về một số thời điểm trong tiểu sử và ấn phẩm Việt Nam vận hội

(Hà Nội: Nhà sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021)

Việt Anh (Hà Nội, Việt Nam)

 Trong học giới quốc tế, Nguyễn Thế Anh được đánh giá là sử gia lớn về Việt học. Với giới sử học trong Việt Nam sau năm 1975, danh tính Giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh không mới lạ, nhưng hầu như xa cách, xa cách về nhiều vấn đề, khó diễn đạt đủ.

Ông là một người Việt gốc Bắc, năm 1936 được chào đời ở Lào; phiêu dạt ở Thái Lan; tuổi thơ từng trải nếm trải thế nào là Việt Minh, thuộc địa. Từng học thêu-may, từng muốn theo sở thích hóa học hơn là sử học. Học trường Pháp ở Lào và Sài Gòn. Học Latin và Pháp ngữ trong trường, học Anh ngữ trong đời.

Năm 1956 lãnh học bổng qua Pháp tu nghiệp.

Năm 1964 được bổ nhiệm vị trí giáo sư lịch sử ở Viện Đại học Huế, đương thời không ngớt hoạt động của sinh viên phản kháng chính quyền Sài Gòn.

Năm 1966 lãnh vị trí Viện trưởng Viện Đại học Huế. 30 tuổi tây, ngồi vào ghế chủ trì giáo dục và học thuật nơi cố đô sóng gió.

Tết Mậu Thân 1968, tận tai nghe tiếng loa kêu ông Viện trưởng, tức bản thân, ra trình diện; đích thân đi nhận diện xác người...

Sau biến cố, Giáo sư Nguyễn Thế Anh dốc sức yên định lại Viện Đại học trong trọng trách của mình; tháng Ba 1969 mới từ nhiệm, vào Sài Gòn phát triển Ban Sử của Đại học Văn khoa.

Tháng Tư 1975, chỉ với bộ quần áo trên người, ông đưa gia đình thêm lần xuất ngoại. Tủ sách cá nhân gom góp trong hai thập niên hoạt động học thuật tan tác.

Phận tha hương. Ở Mỹ vài tháng, ông quyết chọn Pháp định cư.

Gây dựng lại sự nghiệp từ đầu, ông trăn trở việc an phận nhỏ nhoi nơi tỉnh lẻ hay dấn thân kinh kỳ hoa lệ đầy cạnh tranh. Từ Pháp, Giáo sư Nguyễn Thế Anh đã gây dựng lại vị thế học thuật của mình và góp phần lớn thu hút quốc tế khảo cứu sử Việt. 

Giáo sư Hán học Nghiêm Toản (1907-1975) đặt hiệu cho ông là Tử Hoa Nhân Kiệt. Ông chỉ dám nhận hiệu Tử Hoa.

Giáo sư Hán học Jacques Gernet (1921-2018) nhìn tên Thế Anh bằng chữ Hán, cười vui mà diễn nghĩa "la gloire du monde".

Về ấn phẩm, từ sau 1975, trong Việt Nam, mới chỉ tái bản nhiều lần bốn tác phẩm Việt văn là những bài giảng nền tảng lịch sử của ông vốn được ấn hành ở Sài Gòn. Người đi đầu trong việc truyền bá các nghiên cứu chuyên sâu hơn của sử gia, phải kể tới học giả Nguyễn Hữu Châu Phan với chuyên san nhiều kỳ Nghiên cứu Huế của ông.