Một “Thuyết Âm Mưu” Về Sách Giáo Khoa Nguyễn Minh
Thời gian gần đây, vấn đề sách giáo khoa bỗng dưng trở nên nóng bỏng.
Đặc biệt, bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều, do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ
biên, đã bị công kích, chê bai không tiếc lời. Điều này khiến tôi hơi
ngạc nhiên, bởi GS Thuyết là người trước nay có uy tín lớn. Thuở còn làm
Đại biểu Quốc hội, ông nổi tiếng dám ăn dám nói, vì nước vì dân, chứ
không an phận “nghị gật”, Đảng bảo gì gật nấy. Nhưng rồi tôi nghĩ lại,
thấy việc GS Thuyết là người chính trực không liên quan gì đến việc ông
viết sách dở hay hay. Ông tốt là một chuyện, còn ông viết sách dở lại là
chuyện khác. Hai chuyện ấy không mâu thuẫn.
Tuy vậy, tôi chủ trương nếu muốn khen chê, phê bình một bộ sách nào,
trước tiên phải đích thân xem qua nó, tuyệt đối không thể dựa trên lời
bàn thiên hạ hay ảnh chụp qua mạng. (Trong số các ảnh tôi được coi, có
một số rõ ràng là sản phẩm photoshop, đã qua bàn tay chỉnh sửa.) Vì thế,
tôi đã tìm một cuốn Cánh Diều Lớp Một để xem.
Xin thưa trước rằng tôi có làm nghề giáo, và cũng từng học qua chút ít
chuyên môn sư phạm. Sau khi xem xong, tôi thấy bộ Cánh Diều tuy có những
chỗ bất cập, song hoàn toàn không tệ hại như nhận định của nhiều người.
Một số điểm bị chê trong sách, tôi lại cho là điểm mạnh. Ví dụ:
-Sách dùng ngôn ngữ ngô nghê, văn viết không hay, không đẹp, không
trau chuốt.
Lời nhận xét trên rất đúng. Ngôn ngữ Cánh Diều quả ngô nghê thật. Tôi
biết có người đọc nó, đã bức xúc đến độ cầm bút sửa từng trang một cho
câu văn hay hơn. Nhưng chúng ta đừng quên sách giáo khoa làm ra để dạy
trẻ em, không phải dạy người lớn hay phụ huynh. Có ngô nghê, mới đúng là
ngôn ngữ trẻ em, mới gần gũi với trẻ em. Dĩ nhiên, chúng ta cần dạy các
em ăn nói cho hay, viết văn cho hay, song cái gì cũng phải đi từ thấp
tới cao, không thể lên cao lập tức. Các em Lớp Một là tờ giấy trắng, ta
phải cúi mình xuống cho vừa tầm các em, từ đó dạy dỗ các em, nâng cao
dần dần. Nếu đã học qua phương pháp sư phạm (theo lối mới), tất ai cũng
hiểu như vậy.
-Sách dùng nhiều từ địa phương, không chuẩn, không thông dụng.
Điều này có thể cũng đúng. Song thế nào là “địa phương?” Thế nào là
“chuẩn”? Ở đây tôi chỉ lấy thí dụ một từ “chả”. Hiển nhiên, “chả” không
thông dụng như “không”, và “chẳng”, nhưng nó không phải một từ địa
phương. Nếu sách Cánh Diều chỉ dạy “chả”, không dạy “không”, ắt tôi sẽ
cực lực phản đối. Nhưng vừa có “chả” vừa có “không” thì tôi tán thành.
Như thế, con cháu tôi sẽ vừa biết từ “chả” vừa biết từ “không”, vốn
Tiếng Việt của chúng sẽ giàu hơn. Tiếng Việt chúng ta giàu đẹp, phong
phú vô cùng, đừng nại lý do “chuẩn hóa” mà làm nghèo nó đi, khiến thế hệ
trẻ ngày càng mai một chữ nghĩa. (Mà như đã nói, thế nào là “chuẩn”? Có
cái gọi là Tiếng Việt chuẩn hay không, hay đó chỉ là Tiếng Việt Miền
Bắc, cái thứ tiếng đã bức tử Tiếng Việt Miền Nam của Việt Nam Cộng Hòa?)
-Sách không dùng ca dao, tục ngữ.
Tôi đồng ý với GS Thuyết là chưa nên dạy ca dao, tục ngữ cho học sinh
Lớp Một. Ở Úc, chương trình Việt ngữ của chúng tôi cũng không dạy ca
dao, tục ngữ cho các lớp quá nhỏ. Cứ xem gương cụ Nguyễn Lân, đem chín
mươi năm kinh nghiệm ra soạn từ điển tục ngữ - thành ngữ, thế mà còn
hiểu sai hàng trăm chỗ nữa là.
***
Tôi chỉ nói sơ vài điểm như trên, vì mục đích của tôi trong bài này
không phải là bênh ông Thuyết hay bênh bộ Cánh Diều. Những điều tôi nói
hoàn toàn là quan điểm của riêng tôi, còn quý vị nào vẫn thích chửi Cánh
Diều thì đó là quyền quý vị.
Đã không bênh Cánh Diều, thì viết bài làm chi?
Dạ thưa, là để nêu một thắc mắc.
Nghe nói có đến năm bộ sách giáo khoa, vì sao riêng bộ Cánh Diều bị
đánh? Có phải vì bốn bộ kia đều toàn bích cả? Tôi e chẳng được thế đâu.
Hay vì tác giả bốn bộ kia không phải ông Thuyết?
Xét cho cùng, người hưởng lợi nhất trong vụ này là ai?
Theo tôi, đó là Đảng ta! Đảng ném đá một cục, chết hai con chim!
Thời điểm hiện tại, Đảng đang lo Hội nghị Trung ương, lại vừa mới bắt
Phạm Đoan Trang. Để dân xôn xao chuyện tù chính trị, hay xía mũi bàn tán
chuyện nhân sự cấp cao, e rằng không hay lắm. Tốt nhất là ném ra cái đề
tài nào đó để dân chửi cho sướng mồm.
Đã cấm chửi Đảng, thì phải để dân chửi cái khác, không thôi uất ức xả đi
đâu? Chỉ việc bật đèn xanh cho một tòa báo lên tiếng chửi, tức thì các
báo khác sẽ chửi theo, và cả xã hội sẽ chửi theo nốt!
Nhưng chửi ai? À, có lão Thuyết mới viết sách giáo khoa. Lão này là đảng
viên, song Đảng làm gì lão chống cái đấy, mấy năm về trước cứ oang oang
giữa nghị trường, hết chống bô-xít đến chống cao tốc. Chi bằng nhân cơ
hội tốt, quẳng lão ra lãnh búa, cho lão biết thế nào là khẩu nghiệp, mất
hết uy tín trước nhân dân?
Chưa hết, trải qua vụ này, nhân dân cũng sẽ trắng mắt. Đấy, suốt ngày cứ
đòi tự do dân chủ, xóa bỏ độc quyền. Thì đây, Đảng cho phát huy nguồn
lực xã hội, cho các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa. Kết
quả thế nào? Nát bét phải không? Lại cần đến Đảng rồi chứ gì?
Đảng đây. Dân vừa lên tiếng mấy ngày, đã thấu tới Đảng. Hết phó thủ
tướng, lại đến thủ tướng yêu cầu phải tiếp thu góp ý về sách giáo khoa.
Bọn Cánh Diều vừa đăng đàn chống chế, nay đã phải chấp nhận sửa sách. Đã
bảo vạn lần khó, Đảng liệu cũng xong. Cứ tin ở Đảng, đừng đòi đa nguyên
mà chết.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong mấy ngày vừa rồi, trên các mạng xã hội rộ
lên phong trào khoe “sách ngày xưa tôi học”, những cuốn sách vừa hay,
vừa bổ ích, vừa nhân văn bằng vạn cuốn Cánh Diều! Tôi xem qua hình ảnh
những cuốn ấy, thì chủ yếu là sách giáo khoa “dưới mái trường xã hội chủ
nghĩa”.
Thôi nhà cháu cũng lạy các ông các bà. Các ông các bà cứ quay về ngày
xưa mà học. Nhà cháu thà học sách ông Thuyết, học con ve gạ gẫm con gà,
còn hơn học chuyện “Bác Mao Cứu Sống Em Bé[1]”.
Nguyễn Minh
Adelaide, tháng 10, 2020
[1]
Truyện kể về Mao Trạch Đông trong sách Tập Đọc Lớp Bốn Phổ
Thông, Tập 1 (Bộ Giáo Dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1959,
NXB Giáo Dục Hà Nội, trang 12-13).
|